Mì ăn liền là món ăn quen thuộc và rất phổ biến với nhiều người. Ảnh: Esnoticia Mì ăn liền là món ăn quen thuộc và phổ biến với nhiều người. Tuy nó rất tiện lợi và ngon miệng, nhiều người lại cho rằng chúng không tốt cho sức khỏe, gây thừa cân, béo phì. Mì ăn liền có phải nguyên nhân gây tăng cân? Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Vũ, tiến sĩ về Sinh học phân tử trong y học, nghiên cứu viên sau tiến sĩ (Staff Scientist), Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, cho hay mì ăn liền hay mì gói có rất nhiều dạng, thành phần cũng khác nhau. Nói chung, mì gói ít calories, không cung cấp đủ năng lượng để bạn hoạt động trong ngày.
Theo khuyến cáo, người nam cần khoảng 2.000-3.000 calories mỗi ngày, với nữ là 1.500-2.500/ngày. Con số này cũng phụ thuộc từng trường hợp, người chơi thể thao, vận động viên hay hoạt động trí óc nhiều cũng cần nhiều năng lượng hơn.
"Mỗi gói mì thường cung cấp dưới 500 calo, một ngày, bạn ăn 2-3 gói cũng không đủ để cung cấp năng lượng cho một người nam", TS nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng việc khẳng định mì ăn liền là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng cân, béo phì là chưa chính xác.
Theo vị chuyên gia, việc nhiều người cho rằng mì ăn liền gây tăng cân là do thấy sản phẩm này có thành phần tinh bột (từ vắt mì) là chủ yếu, đồng thời e ngại chúng chứa nhiều chất béo (từ gói dầu gia vị, dầu chiên trong vắt mì).
“Tuy nhiên, lượng tinh bột trong một vắt mì chỉ tương đương một bát cơm, bún, phở… tức khoảng 40-50 g chất bột đường. Lượng chất béo trong mì ăn liền cũng chỉ khoảng 10-13 g. Trong khi đó, nhu cầu chất béo của trẻ em bình thường có thể lên tới 60 g/ngày”, PGS Ninh thông tin.
Một lý do khác cũng khiến nhiều người e ngại khi cho sử dụng mì ăn liền là chứa nhiều trans fat (chất béo xấu), làm tăng cholesterol có hại trong máu, dẫn tới tăng nguy cơ bị các bệnh về tim mạch.
Việc khẳng định mì ăn liền là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng cân, béo phì là chưa chính xác. Ảnh: Mojedanesh.
Việc khẳng định mì ăn liền là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng cân, béo phì là chưa chính xác. Ảnh: Mojedanesh.
Theo PGS Ninh, công nghệ sản xuất mỳ ăn liền hiện nay có thể kiểm soát tốt về hàm lượng chất này. Một trong số đó là sử dụng nguyên liệu để chiên mì là dầu thực vật dạng sệt (bán rắn), có nguồn gốc từ dầu cọ, được tách lọc bằng công nghệ làm lạnh tự nhiên. Điều này đã hạn chế việc phát sinh trans fat trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, quy trình chiên mỳ cũng được thực hiện trong hệ thống tự động, khép kín. Trong quá trình này, mỗi lượt mỳ đi qua chảo chiên chỉ mất khoảng 2,5 phút và làm hao hụt một lượng dầu nhất định.
Theo quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ): Nếu sản phẩm có chứa dưới 0,5g trans fat/khẩu phần ăn sẽ được công bố là “0g trans fat”.
Hiện nay, các sản phẩm mỳ ăn liền thuộc những nhà sản xuất uy tín tại Việt Nam có hàm lượng trans fat dao động trong khoảng 0,01-0,04 g/khẩu phần ăn và đạt chuẩn công bố “0g trans fat” của FDA.
Vì vậy, PGS Ninh nhấn mạnh việc tăng cân phụ thuộc phần lớn vào chế độ ăn uống hàng ngày đã cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng, năng lượng nạp vào và sử dụng hay chưa. Tình trạng này không đến từ một loại thực phẩm cụ thể như mì ăn liền.
Ăn mì gói thế nào để không gây hại sức khỏe?
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, khi sử dụng mì ăn liền, người dân nên quan tâm đến lượng muối có trong thực phẩm này. Lượng muối trong mì thường cao, có thể tác động xấu đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt với người bệnh cao huyết áp, bệnh thận...
Theo khuyến cáo, mỗi ngày chúng ta không nên ăn quá 2 g muối. Lượng muối trong mỗi gói mì có thể lớn tới hơn 3 g, vượt quá ngưỡng nên sử dụng mỗi ngày. Để giảm muối, bạn có thể giảm bớt lượng gia vị kèm theo gói mì.
Khi sử dụng mì ăn liền, người dân nên quan tâm đến lượng muối có trong thực phẩm này. Ảnh: Idntimes.
Khi sử dụng mì ăn liền, người dân nên quan tâm đến lượng muối có trong thực phẩm này. Ảnh: Idntimes.
"Lượng protein trong mì gói rất thấp. Năng lượng cung cấp trong mì gói chủ yếu là carbohydrate. Nguồn cung cấp calories thấp từ protein có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Để khắc phục điều này, bạn có thể bổ sung protein từ nguồn khác như uống sữa, tôm, thịt...", TS Vũ nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh lượng chất xơ trong mì gói cũng rất thấp. Trung bình, một người nữ cần 21-25 g chất xơ, nam là 31-35 g. Ăn ít chất xơ khiến nhu động ruột hoạt động không tốt, gây táo bón, giảm hấp thu. Thiếu hụt chất xơ ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng. Vì vậy, bạn cũng cần để ý đến nguồn cung cấp chất xơ khi ăn mì gói như thêm rau, củ quả.
"Cuối cùng là vấn đề chứa bột ngọt. Gia vị này giúp tăng khẩu vị của gói mì. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều có liên quan tới béo phì, ngộ độc, đặc biệt với người nhạy cảm với bột ngọt. Nguồn vitamin, khoáng chất trong mì gói rất giới hạn, bạn nên bổ sung thêm để cân bằng dinh dưỡng", TS Vũ cho hay.
Ông khuyến cáo người dân có thể ăn khi không có thời gian. Trong nhiều trường hợp, mì gói có giá rẻ nên các bạn sinh viên hay người có thu nhập thấp thường lựa chọn. Tuy nhiên, ăn mì gói không cung cấp đủ năng lượng cho bạn, lâu dài cơ thể sẽ mệt mỏi, không đủ năng lượng để hoạt động, làm việc.
Vì vậy, bạn nên cố gắng ăn xen kẽ mì gói với bữa ăn chính, thêm đa dạng chất vào bát mì để cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét