"A Ý" không phải là tên riêng mà là một vai vế trong vòng thân tộc họ hàng người Triều Châu để xưng hô kêu gọi. Chữ "A" là mạo từ đứng đầu tên như chữ "Cái" (Cái Nhớn, cái Bé) hay "Con" (Con Lài, con Lựu) hoặc "Thằng" (Thằng Tý, thằng Tèo). Còn "Ý" có nghĩa là Dì, A Ý trong truyện này là một bà nội trợ chân quê, thiệt thà chất phác quê quán ở một vùng quê tỉnh Bạc Liêu.Năm 16 tuổi, A Ý rời gia đình đi làm osin ở mướn cho một gia đình thương gia, chủ một tiệm vải lớn nhứt nhì ở một tỉnh miền tây sông Hậu.
<!>
Ông chủ này có bà vợ nổi tiếng xinh đẹp đã sanh cho ông 6 đứa con, 3 trai kim đồng và 3 gái ngọc nữ đồng đều. Việc làm ăn phát đạt, gia đình ấm êm hạnh phúc, ông chủ rất tự hào mãn nguyện thầm cám ơn trời đất đã ưu đãi mình. Ngày ngày, công việc của A Ý là phụ giúp bà chủ chuyện bếp núc nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp trong ngoài và kiêm luôn vú em chăm sóc 2 đứa con nhỏ nhứt của chủ chỉ mới vài ba tuổi. A Ý là một người giúp việc trung thành, cần mẫn siêng năng và biết vâng lời nên được ông bà chủ thương mến coi như em cháu trong nhà chớ không chỉ là nô tì thị nữ. Do đó A Ý được bọn con chủ xúm nhau kêu bằng A Ý.
Liên tiếp nhiều năm, gia đình này luôn được vận may, chuyện gì cũng đều tốt đẹp suôn sẻ hanh thông khiến người ngoài nhìn vô vừa ước ao vừa ganh tị. Nhưng trời già thường khắt khe cay nghiệt chơi khăm con người không bao giờ biệt đãi ai mãi mãi, không cho ai được toại nguyện lâu dài hay vĩnh viễn ngất ngưởng say men chiến thắng trên ngôi cao chín bệ ý chừng như muốn nhắc nhở con người rằng đời là phù du vô thường, chẳng có gì là vĩnh cửu, có đó rồi mất đó liền khi. Đừng thấy mưa thuận gió hòa mãi mà tưởng không có ngày bị thiên tai bão tố. Đất nước nào muốn được thái bình an lạc cũng phải trải qua một thời tang tóc binh lửa nhiễu nhương hay ngược lại. Và đàng sau cảnh sóng lặng gió êm hiền hòa kia, biết đâu giông bão đang lăm le chực chờ.
Một ngày kia bà chủ bất ngờ lâm trọng bệnh. Thuốc tây, thuốc tàu, thuốc nam, thuốc bắc gì cũng không giúp bà thuyên giảm bệnh tình. Vì vậy ông chủ phải đưa bà đi Sàigòn những mong tìm được thuốc hay thầy giỏi. A Ý được gởi đi theo để chăm sóc bà chủ hằng ngày. Bà chủ nằm bệnh viện một thời gian khá lâu nên rất nhớ con nhớ nhà. Bà ngõ ý với bác sĩ cho bà về thăm nhà vài hôm sẽ trở lại tiếp tục điều trị. Bác sĩ nhận thấy việc chữa bệnh cũng cần có yếu tố tâm lý hỗ trợ, tinh thần bệnh nhân được thoải mái vui vẻ thì bệnh tật mới sớm được đẩy lùi, việc chữa trị dễ có hiệu quả hơn. Vì vậy bác sĩ đồng ý cho bà về sau khi cho một số thuốc đủ dùng trong 1 tuần.
Nhưng có ai ngờ số bà ngắn ngủi, thần chết đã điểm danh bà, chỉ chờ bà thăm chồng con xong là sẽ đem bà ra khỏi thế gian về chầu Phật tổ. Về nhà, gặp lại chồng con mấy hôm sau thì bà trở cơn đau tim đột quỵ tắt thở lìa đời. Ôi! Nói sao cho hết nỗi khổ đau thương tiếc của người nhà, nhứt là ông chủ. Ông như một thân cây to lớn vững mạnh đầy sức sống thình lình bị đốn ngã, cảm thấy bầu trời như sụp đỗ dưới chân, chỉ muốn chết theo bà cho xong! Lúc đầu ông tức tưởi than trời trách đất nói phải chi bác sĩ đừng cho bà về thì có lẽ bà chưa chết. Nhưng khi bình tâm nghĩ lại, ông nhận ra rằng tất cả đều là số mệnh. Số bà đã tận thì dù không về bà cũng chết. Mà nếu vậy chắc chắn bà sẽ đau khổ lắm vì không được gặp mặt chồng con lần cuối, bà sẽ chết không tọai nguyện, không nhắm mắt yên lòng. Thôi thì tự an ủi lấy mình, gắng gượng tinh thần mà sống để tiếp tục làm ăn nuôi bầy con dại giờ đây chỉ biết trông cậy vào ông thôi.
Bà chủ qua đời khi đứa con gái út chỉ mới 6 tuổi đầu, cái tuổi rất khao khát vòng tay nâng niu trìu mến của mẹ hiền. Từ một năm qua, A Ý đã có ý định nghỉ việc để về quê lấy chồng trước khi lỡ thời thành gái già quá lứa. Nhưng giờ đây xảy ra chuyện bất hạnh trong gia đình chủ, A Ý không đành lòng mở miệng xin thôi, dù gì sau nhiều năm chăm nom bồng bế mấy đứa nhỏ, A Ý đã thương bọn chúng như con và ngược lại bọn chúng cũng coi A Ý như một người dì ruột. Mất cha còn chú, mất mẹ còn dì, làm sao A Ý có thể bỏ mặc chúng bơ vơ không người săn sóc khi bọn chúng vừa mới mồ côi mẹ. Còn ông chủ nữa, từ đầu ông chủ đã đối xử tốt, coi A Ý như một người quản gia thân tín không thể thiếu trong gia đình, bây giờ trong lúc ông chủ chưa tục huyền hoặc chưa tìm được người thay thế, A Ý bỏ đi như vậy có phải là bất nghĩa đoản hậu lắm không? Nghĩ tới nghĩ lui, A Ý quyết định ở lại lo cho cả nhà chủ còn phần mình thì tính sau.
Từ đó A Ý dốc hết tâm sức của mình ra gánh vác bao thầu tất cả việc nhà để ông chủ có thể rảnh trí tập trung vào việc làm ăn. Thời gian trôi qua, 3 năm sau, khi ông chủ đã mãn tang, đã nguôi ngoai phần nào nỗi khổ mất vợ, ông sực nghĩ lại và tự hỏi sao bấy lâu nay mọi việc trong nhà vẫn đâu vào đó, vẫn trôi chảy bình thường đến đổi ông có cảm tưởng như vợ ông vẫn còn hiện diện bên ông. Phải chăng là nhờ A Ý, cô quản gia trung thành tốt bụng đã không quản ngại cực khổ giúp đỡ ông coi sóc gia đình. Trong lúc ông buồn rầu thất chí bỏ quên con cái nhà cửa thì A Ý đã lặng lẽ gánh lấy, chia sớt đỡ đần cho ông. Ông thật mang ơn A Ý vô cùng. A Ý đã không kể công, không yêu sách đòi tăng lương hay nghỉ việc mà âm thầm tình nguyện đi bên ông như một người bạn đồng hành.
Nhưng chuyện gì cũng sẽ có ngày kết thúc, làm sao có thể như vậy mãi được, một ngày nào đó A Ý cũng phải về quê lấy chồng, chừng đó thiếu A Ý, cái nhà này sẽ ra sao. Và ông chợt lóe lên ý nghĩ sao ông không xin A Ý ở lại luôn với gia đình ông. Sẵn bây giờ A Ý còn son giá, chưa bị chồng con ràng buộc, chỉ cần A Ý không chê ông quá già thì ông sẽ chính thức cưới A Ý để A Ý có thể danh chánh ngôn thuận ở lại đây mãi mãi. Hơn nữa, không phải ông sợ mất A Ý chỉ vì lợi lộc cho gia đình ông thôi mà xét lại lòng thì hình như ông cũng đã thương thầm A Ý từ lâu rồi nhưng vì sự có mặt của A Ý trong gia đình đã thành một thói quen khiến ông không nhận ra, mãi tới bây giờ khi nghĩ tới ngày A Ý ra đi lấy chồng ông mới thấy rằng cuộc đời còn lại của ông không thể nào thiếu bàn tay đảm đang vén khéo ân cần của A Ý. Chỉ e rằng A Ý không bằng lòng vì tuổi A Ý còn quá trẻ, chỉ xấp xỉ con trai lớn của ông mà thôi.
Khi được ông chủ ngỏ lời, A Ý rất đắn đo suy nghĩ. Nếu nhận lời lấy ông thì e rằng các con ông sẽ dèm pha cho rằng A Ý lấy ông vì tiền. Mặc dù bọn chúng cũng mến tay mến chân A Ý, nhưng làm bảo mẫu thì còn được vì dù sao bảo mẫu cũng chỉ là người ngoài, đàng này muốn bước lên ngôi vị kế mẩu, làm vợ ba bọn chúng chắc gì bọn chúng chấp thuận để yên, nhứt là A Ý xuất thân là người giúp việc, dễ gì bọn chúng chịu nể phục.
Hiểu rõ tâm trạng của A Ý và hoàn cảnh của ba mình, người con trai lớn của ông chủ góp lời thuyết phục rằng anh em cậu rồi đây lớn lên ai cũng sẽ có gia đình ra riêng, chỉ còn lại ba cậu một mình với tuổi già cô đơn quạnh quẽ, cậu rất mong ba cậu tìm được một người bạn đời tâm đầu ý hiệp để chung bước với ba cậu trong quãng đời còn lại. Trừ phi A Ý chê ba cậu quá già, nếu không thì xin ở lại bên cạnh ông vì ngoài A Ý ra không còn ai thích hợp cho ông hơn nữa. Từ khi má cậu qua đời, người biết rõ tánh ý ba cậu, có thể mang hạnh phúc đến cho ông trong tuổi già, chỉ có A Ý mà thôi.
Được cậu chủ coi trọng nói thêm nói vào khuyến khích, cuối cùng A Ý xiêu lòng gá nghĩa vợ chồng với ông chủ để từ đó chính thức làm bà chủ thứ hai và trở thành kế mẫu của đám con chồng. Tuy vậy A Ý vẫn một lòng thương yêu chiều chuộng bọn nhỏ như từ trước để bọn chúng không có cớ gì đố kỵ ghét ghen. Đứa con gái út bây giờ cũng đã tới tuổi dậy thì, không còn phải trông coi từng bước nữa nên A Ý có giờ rảnh rang hơn. Thỉnh thoảng A Ý cũng ra trước tiệm đo vải bán buôn và tiếp khách phụ với chồng.
Vốn là một cô gái trẻ trung khỏe mạnh nên chẳng bao lâu sau A Ý đã cho ra đời 1 thằng baby khôi ngô bụ bẫm làm ông chủ vui mừng vô hạn như mới lần đầu có con. 2 năm sau, khi 2 người con trai lớn của ông chủ dọn đi Sài Gòn lập nghiệp, A Ý lại tiếp tục sản xuất thêm dân số để bù vào chỗ trống cho vui cửa vui nhà. Người xưa nói "Con đông là nhà có phúc’’, do đó A Ý cứ lai rai "đem phúc vào nhà’’ cho tới năm 75 thì được tất cả 4 đứa, 2 trai và 2 gái. Nếu không bị cộng sản đổi đời, tư bản thành vô sản thì có lẽ A Ý còn gia tăng sản xuất thêm baby cho qua mặt hay ít ra cũng bằng số con của bà vợ lớn chớ dễ gì chịu thua. Nhưng vì hai chữ “cộng sản” nghe ghê rợn khủng khiếp quá, ghê hơn cả Satan, Quỷ kiến sầu, Giang hồ thập ác hay Ngũ độc đồng tử làm A Ý khiếp vía kinh hồn nín đẻ luôn từ dạo đó.
Cộng sản đáng sợ như vậy đó. Bọn chúng đến nhà đàn bà nín đẻ, con nít nín khóc, người lớn nín thinh, toàn dân nín thở, nín thở chờ thời để qua sông qua biển. Cộng sản đến nhà bà già cũng chạy huống chi những người trẻ tuổi đời còn dài, tương lai đang chờ đón. Vào đầu năm 78, khi nhà nước cộng sản tổ chức cho dân đăng ký mua bãi công khai xuất ngoại (ai có 12 cây vàng đóng cho Việt cộng thì được quyền xuống tàu ra khơi, còn đi đâu tới đâu, sống chết ra sao thì mặc xác, họ không cần biết tới), ông chủ đã lần hồi mua đường cho đám con bà lớn đi tìm tự do. Khi được tin các con đã được định cư an toàn, 3 đứa đi Canada, 3 đứa qua Úc, ông mới tổ chức 1 chuyến chót cho cả gia đình còn lại của ông và một số khách quen bạn hàng. Ông trang bị đầy đủ lương khô nước uống và giấu vàng chung quanh thân tàu với hy vọng có thể chia đều cho các con nếu như trời thương cho chuyến đi được suôn sẻ thuận lợi, còn không thì coi như trôi sông bỏ biển vì dù sao ở lại với cộng sản trước sau gì tài sản cũng sẽ bị tước đoạt tịch thu.
Tàu của ông tới Mã Lai bình yên nhưng xui xẻo tấp vào trại đóng quân của thủy quân lục chiến. Vị chỉ huy trưởng ở đây chấp thuận cho đám thuyền nhân lên bờ nhưng với điều kiện không được mang theo hành lý. Ông chủ đành ngậm bồ hòn phủi tay, cơ nghiệp một đời phút chốc tiêu tan mất sạch. Ông ngẩn ngơ xót xa tiếc của đến ngã bệnh, A Ý phải theo khuyên lơn an ủi ông rằng còn giữ được cái mạng là may phước lắm rồi. Bọn lính có thể giết người cướp của như không, có trời mà biết, đàng này bọn chúng còn có chút lương tâm chừa cái mạng lại cho mình lên bờ, như vậy coi như lấy vàng đổi mạng, của đi thay người còn hơn là mất của mất mạng luôn.
Sau 6 tháng ở trại tị nạn Bidong gia đình A Ý được đi định cư ở Úc. Lúc đó ông chủ đã bước vào tuổi 60 không còn sức lao động làm việc nữa. A Ý tuy chưa tới 40 nhưng nếu đi làm thì sẽ không được lãnh trợ cấp gì thêm của chính phủ, mà một đầu lương làm sao đủ chi phí trong gia đình và nuôi đám con đang sức ăn học. Cho nên hai vợ chồng ở nhà lãnh thất nghiệp vậy mà còn được phụ cấp tiền nuôi con và hưởng quy chế nửa giá trong nhiều dịch vụ của chính phủ, tính ra có lợi hơn đi làm rất nhiều thì tội gì đi làm bỏ phí phúc lợi bổng lộc của an sinh xã hội cho mình.
Hình gia đình A Ý
Bây giờ thì ông chủ không còn phải bươn chải tính toán làm ăn gì nữa mà chỉ ngồi không hưởng nhàn. Chính phủ cho bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, con cái thì đã có tiền Austudy ăn học, chừng lớn lên thì tự đi làm nuôi thân, không cần nhờ vả chi tới số vàng đã mất (mà ông cứ tiếc hùi hụi) mới sống được. Vàng có bao nhiêu rồi cũng hết, chỉ có chí tự lập tháo vát mới có thể nuôi sống một đời người. Còn A Ý thì cũng vẫn bấy nhiêu công việc như từ xưa, công việc của một người nội trợ vợ hiền lúc nào cũng chăm chút phục dịch chồng con và khéo léo trong việc giao tế đối đãi với bà con bạn bè. Một tuần 7 ngày là 7 ngày A Ý có mặt ở nhà, ai muốn tới chơi lúc nào cũng được, lúc nào A Ý cũng có sẵn đồ ăn tiếp đãi người ta, không món mặn thì món ngọt lu bù cho nên A Ý rất được lòng mọi người ngay cả hàng xóm tây. Do đó, nhà A Ý tuy chỉ là căn nhà trệt nhỏ xíu của chính phủ cho mướn nhưng thường xuyên có người lui tới viếng thăm nhứt là weekend thì xe đậu chật ních trước cửa như nhà có đám giỗ đám tiệc.
Lúc đầu mấy người con chồng cũng khuyên A Ý nên học một vài khóa tiếng Anh căn bản để ra đường còn biết chút đỉnh "ất giáp’’ gì với người ta nhưng tiếng Việt A Ý còn chưa thuộc 26 chữ cái nói chi tới tiếng Anh. Mỗi lần nghe đứa con út đi học về nghêu ngao hát bài đồng ca lớp mẫu giáo "ABCDEFG’’ cho tới "YZ’’, A Ý nói ủa sao tiếng Anh lại có quai dép (YZ) ở trỏng như tiếng Việt vậy. Vậy thì tui đâu cần gì đi học, sống ở Úc, ăn đồ Úc, uống nước Úc, hít thở không khí Úc một thời gian thì thế nào cũng biết nói chớ gì cũng như hồi xưa người Tiều qua Việt Nam sống chung với "An Nàm nán’’ (người Việt Nam) riết rồi cũng rành tiếng Việt như ai.
Theo thời gian con cái lớn khôn đi làm, cưới vợ lấy chồng, nhà A Ý chỉ còn 2 ông bà già hủ hỉ với nhau. Ông chồng A Ý càng ngày càng đau yếu bệnh hoạn, đôi mắt bị thóai hóa võng mạc gần như mù luôn, mọi công việc nặng nhọc săn sóc người bệnh chỉ có một mình A Ý hứng chịu chớ nào có ai tiếp sức đỡ đần. Bây giờ thì mấy người con chồng mới biết ơn A Ý đã thay thế họ phụng dưỡng cha già của họ, chả bù trước kia hết đứa này tới đứa kia kiếm chuyện dèm pha làm khổ A Ý một thời gian dài. Trong số dâu rể, A Ý nhờ được nhứt là thằng rể “tây” tên Michael. Tuy là Úc chính cống nhưng rất có hiếu với ba má vợ, hơn cả rể người Á châu. Mỗi sáng trên đường đi làm, "Mái Cồ’’ (A Ý gọi nó như vậy) thường ghé qua nhà A Ý chạy vô hỏi "A Pa, A Ý ái mì pao, gù nỉ mại’’ (ba má có muốn mua bánh mì hay sữa gì không?)
A Ý không cần phải học tiếng Anh để nói chuyện với thằng rể mà ngược lại thằng rể phải học tiếng tiều để communicate với ba má vợ. Mỗi khi mấy anh chị em tụ họp lại vui chơi ăn uống, thay vì nói tiếng Anh, cả đám nói toàn tiếng Tiều cho A Pa và A Ý có thể hiểu luôn. Trong tuần, hôm nào thình lình ghé thăm, thấy tủ lạnh trống trơn hết sạch đồ ăn, thằng rể cũng ân cần hỏi "A Ý ái khứ xỉ mại, úa chái lứ khự’’ (má muốn đi chợ không, con chở má đi). Anh ta còn xung phong đi theo xách giỏ, 1 bà xẩm và 1 thằng tây vừa đi vừa bô bô nói chuyện không có vẻ gì là bất đồng ngôn ngữ cả. Không biết con gái A Ý huấn luyện thằng chồng nó như thế nào mà thằng nọ nói tiếng Tiều rất chuẩn y như người Tiều chính hiệu tới nỗi ai nói cái lắc léo gì nó cũng hiểu mới là lạ. Mà phải chi nó được con vợ yêu chìu quý trọng gì cho cam, đàng này vợ nó hung hăng, chửi rủa nó hà rầm như ăn cơm bữa khiến nhiều lúc A Ý nổi nóng rầy la con gái mình, bênh vực cho thằng rể hiền lành.
Còn thằng con của nó thì thôi hết ý, thằng nhỏ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Tiều cho nên miếng ăn tiếng nói đều rặt khuôn người Tiều. Mỗi khi nó naughty lỳ lợm, A Ý la nó "ái chịa từng téo mại?’’ (muốn ăn roi mây hả?) là thằng nhỏ lấy tay che đít riu ríu chạy te. Con cháu người ta đi học thường ăn trưa mấy miếng sandwiches, còn cháu ngoại của A Ý thì đem mì xào hoặc cơm chiên for lunch. Ngày ông ngoại mãn phần, trong tang lễ, 2 cha con nó cũng mặc đồ tang theo tập tục Á châu và cũng quỳ lệch bệch trước linh cữu lạy trả lễ khách đi phúng điếu trông rất ngộ nghĩnh lạ đời. Có lẽ tiền kiếp của cha con nó là Tiều minh hương và có nợ nần gì với A Ý.
Từ khi ông chồng qua đời, không còn bận bịu nuôi người bệnh nữa, A Ý thấy mình có quá nhiều thời giờ trống trải, không biết làm gì cho nên A Ý đi du lịch thăm bà con. Trước nhứt A Ý qua Canada thăm bà chị ruột đang sống với con cháu bên đó, ở chơi một lúc tới chán mới về. Kỳ Tết vừa rồi 2 chị em A Ý lại hẹn nhau về Việt Nam, về tận làng cũ quê xưa thăm tất cả bà con dòng họ nếu ai còn sống, còn với những ai đã qua đời thì A Ý thắp nhang bàn thờ hay mồ mả. Ai khá giả thì thôi, ai nghèo thì A Ý cho chút tiền an ủi. Cả đời A Ý từ lúc sinh ra cho tới già A Ý chưa bao giờ có kế hoạch gì cho tương lai, cũng không có tâm nguyện, ước mơ gì riêng cho mình. Trời cho tới đâu thì biết tới đó, dẫn đi đâu thì đi đó theo ý trời. A Ý chỉ biết chấp nhận phận mình vui vẻ mà sống dù trong hoàn cảnh nào. A Ý không cần học hành chi nhiều, chỉ cần thuộc lòng hiểu rõ hai chữ "an phận". Đó chính là phương châm vốn liếng làm hành trang vào đời của A Ý. Trong khi có biết bao nhiêu người chữ nghĩa đầy bụng, văn bằng khoa bảng đầy nhà, vang danh thiên hạ mà vẫn không tìm được niềm vui thỏa mãn, bình an tâm hồn bởi vì cứ được voi đòi tiên, không bao giờ biết đủ và hài lòng với bản thân.
Người Phương Nam
--
Dù áo thư sinh có bạc màu
Cuối trời lưu lạc vẫn tìm nhau
cva NHP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét