Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Những Gì Đã Diễn Ra Ở Mariupol? - Die Zeit, số 18 Phạm Hồng Lam dịch


Mở đầu cuộc kết thúc của thành phố Mariupol được đánh dấu bằng hàng chục hình thập giá. Không biết ai đã lấy sơn màu vẽ trên các nền nhựa đường những hình thập giá, chỗ này màu xanh nê-ông, chỗ kia màu đỏ sáng, đó là những dấu hiệu có thể nhìn thấy được từ trên không. Các hình thập giá xuất hiện vào những ngày trước khi cuộc chiến mở màn. Chúng được vẽ trước một dẫy nhà để xe, bên cạnh một trong những toà cao ốc trên Đại Lộ Luyện Kim, con đường chạy giữa thành phố, nơi Elena Kalaitan ở. Theo Kalaitan, đó là sản phẩm của những tên nằm vùng người Nga len lỏi trong thành phố, làm dấu cho những cuộc oanh kích. Chúng là chỉ dấu cho những gì đã diễn ra ngay sau đó.
<!>

Elena Kalaitan, 48 tuổi, chủ nhiệm một tờ báo địa phương ở Mariupol, một phụ nữ với mái tóc đỏ hung. Đêm 24 tháng Hai chị ít ngủ. Khoảng 5 giờ sáng chị bật dậy, vì chiếc điện thoại cầm tay của chị rung báo liên hồi. Đạn pháo nổ ở thủ đô Kiew. Chiến tranh đã tới.

Chiến tranh đã tới sớm hơn với nhà văn nữ Oksana Stomina, 49 tuổi. Điện thoại nhà chị reo lên lúc khoảng 4 giờ sáng; con gái chị ở Kiew gọi. Một khi đạn pháo ở thủ đô đã nổ, thì sớm muộn gì ở Mariupol cũng nổ. Không lâu sau đó, chiến tranh tới với cặp vợ chồng Wadym, 60, và Irina Zabolotny, 62 tuổi, cũng qua điện thoại của người thân ở Kiew. Con trai của họ ở đó cảnh báo: „Cuộc chiến đã bắt đầu“.

Chiến tranh tới với Wadym Bojtschenko, 45, thị trưởng thành phố Mariupol, tại nhà riêng của ông trên Đại Lộ Chiến Thắng, số 115. Bojtschenko lúc đó ở nhà một mình, vợ và con gái đang ở Kiew. Ông đi ngủ sớm vào chiều tối hôm trước, vẫn đinh ninh rằng, người Nga sẽ không tấn công Ukraina. Những tiếng nổ lôi ông ra khỏi giường; ông nhìn đồng hồ: 5 giờ 7 phút.

Chiến tranh tới với Mehmet Izci, 45, khi ông đang trên đường tới tiệm bánh mì của mình trong trung tâm thành phố. Số phận sẽ làm ông nổi tiếng vào những ngày tới. Người Ukraina ngưỡng mộ ông; người Nga săn đuổi ông.

Chiến tranh tới với nhà tâm lí Elena Dundur, 39, bà mẹ độc thân với một đứa con, khi khắp nơi những người bị thương đầu tiên đã xuất hiện. Dundur ngủ quên. Chị thức dậy lúc khoảng 8 giờ sáng, khoác vội quân áo cho con trai 8 tuổi bị bệnh tự bế (Autismus). Bật điện thoại, thì đã trễ mất 15 cuộc gọi. Chị gọi cho người bạn trai: „Chiến tranh rồi!“

Không ai biết chiến tranh tới với Konstantin Iwaschtschenko, 58, khi ông đang ở đâu. Iwaschtschenko có mái tóc xám bạc với đôi mắt cú vọ. Rồi đây người dân Mariupol sẽ gọi ông là tên phản phúc.

Mỗi cuộc chiến có một địa điểm biểu tượng. Cuộc bao vây Leningrad nói lên tội ác của Tộc-Xã (NaZi) Đức đối với dân Nga. Mỹ Lai biểu tượng cho sự tàn bạo của Mĩ ở Việt Nam. Thảm sát Sebrenica ấn dấu trên cuộc chiến ở Bosnien.

Trong những tuần qua Mariupol trở thành biểu tượng cho cuộc chiến dấu của người Ukraina. Tổng thống Wolodymyr Selenskyj nói: „Mariupol là trái tim của cuộc chiến này.“

Thành phố cảng này một thời đậm dấu với những cột khói cao, với những lò nung bẩn bụi và với những toà nhà bê-tông tiền chế thời Xô-viết. Nhưng trong những năm vừa qua người ta đã tạo nên nhiều công viên xanh tươi, một con đường đi dạo mới ven bờ biển và một cuộc sống nhộn nhịp cho giới nghệ sĩ. Mariupol nằm bên bờ biển Asow, toạ lạc tại hạ lưu sống Kalmius, chính trên trục nối liền giữa biên giới Nga với bán đảo Krim do Nga mới chiếm đóng; điểm này khiến cho thành phố có một vị trí quan trọng về mặt quân sự. Tổng thống Nga Wladimir Putin lại càng để í đến thành phố này, vì nơi đây là tổng hành dinh của trung đoàn Asow khét tiếng. Trong đoàn này cũng có những tay súng cực hữu. Nơi đây là mặt trận xem ra thích hợp cho truyện thuyết „giải NaZi“ của Putin.

Mà cũng vì thế ở Mariupol chẳng có ân huệ, chẳng có thoả hiệp. một mất một còn, sống hoặc chết, thắng hoặc thua.

Thế giới chỉ thấy được chiều kích thật sự của mặt trận này, sau khi những núi gạch vụn đổ nát của nhà cửa được chở đi, xác chết được gom góp, những người sống sót được điểm danh. Đã có hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn người chết ở Mariupol. Nhiều nạn nhân trong số họ chẳng còn mặt mũi tên tuổi; xác họ nằm dưới những đống đổ nát, bị các hoả tiễn banh thây hoặc đã bị đẩy xuống các hố chôn tập thể.

Chẳng có ở đâu khác gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập các sự kiện đã xẩy ra như ở đây. Từ nhiều tuần nay người Nga đã cố cắt đứt mọi thông tin của Mariupol với thế giới bên ngoài, và họ đã đuổi các phóng viên độc lập khỏi thành phố. Truyền hình của Nga chẳng nói gì tới việc triệt tiêu thành phố, mà chỉ rêu rao tuyên truyền của kẻ xâm lăng. Vì thế, một số sự kiện xẩy ra ở Mariupol có lẽ sẽ chìm khuất mải mải trong bóng tối; một số khác sẽ từng bước dần dần có thể ráp nối và tái tạo được. […]

Nhờ vậy chúng ta có thể kể ra những gì đã không được nói tới: Chuyện gì đã diễn ra trong Mariupol?

Sau khi người Nga mở màn cuộc chiến vào sáng sớm 24 tháng Hai, nhà văn Oksana Stomina gom nhét đồ đạc của mình vào trong chiếc ba-lô nhỏ có đốm màu của chị. Ba đèn pin, một điện thoại, mấy ổ cắm với dây xạc điện, ngoài ra cả tiền mặt và giấy tờ tuỳ thân. Chị đã không biết mình có cần những thứ đó hay không và cần chúng để làm gì. Nhưng, như chị về sau kể lại, chị không thể ở lại trong nhà, phải bằng mọi giá ra ngoài, phải đi góp phần mình vào việc bảo vệ thành phố.

Stomina là một người đàn bà nhỏ con, mảnh khảnh với đôi mắt mệt nhọc. Chị đã viết một cuốn sách nói về những cuộc chiến đấu ở Donbass, một phần đất phía đông của Ukraina do quân li khai thân Nga kiểm soát. Cuốn sách có tên: Cuộc Chiến Không Mời Mà Tới. Để viết sách này, chị đã đi tới những ngôi làng đổ nát, đã nói chuyện với những người bị thương, với những người phải rời xa quê vì mất nhà cửa. Nhờ đó, chị tin là mình đã hiểu được chiến tranh là gì. Ngày nay chị nói: „Dù trí tưởng tượng về sự khủng khiếp có mạnh tới đâu đi nữa, thì cũng không tưởng ra được những gì đã thực sự xẩy ra.“

Ai đó báo qua điện thoại của Stomina, Trung Tâm Văn Hoá Halabuda đang cần người trợ giúp. Đó là nơi vừa rồi những khoá học chụp ảnh và những khoá tư vấn doanh nghiệp được tổ chức. Ngay từ những giờ phút đầu tiên ngôi nhà trở thành trung tâm trao đổi nhu cầu cứu trợ và tổ chức việc kháng chiến. Có những người dân mang bánh quy, thịt nguội, khăn và xà bông tới cho những người lính. Những người khác hướng dẫn nhau làm sao băng bó các vết thương, Quân đội tìm người tình nguyện đào hầm hố. Một bà già cầm trên tay một đống dây vải trắng; bà đã xé các khăn trải giường của bà thành những giải nhỏ và dài, dùng cho việc băng bó vết thương.

Tại đây Stomina gia nhập nhóm lái xe rảo khắp thành phố, để gom góp đồ ăn thức uống và thuốc thang. Chúng sẽ được chở tới các bệnh viện, các đơn vị cảnh sát và binh sĩ trong những tuần tới. Và phân phát cho hàng ngàn người dân đang trốn dưới các tầng hầm nhà.

Ngày đầu cuộc chiến này chủ báo Elena Kalaitan, như thường lệ, lái xe tới toà soạn. Dần dần, kẻ trước người sau, cả 40 nhân viên của tờ Priasowskij Rabotschij đều có mặt đông đủ. Priasowskij Rabotschij là một trong những tờ lớn nhất ở Mariupol, với 30.000 độc giả đặt báo. Họ gấp rút làm việc, để kịp ra số báo mới nói về cuộc tấn công của Nga. Báo được in kịp thời, nhưng đã chẳng bao giờ xuất hiện. Là vì đội chuyên chở không chịu đi phân phối, vì bom đạn quá nguy hiểm. Vì thế, số báo của ngày hôm qua tới hôm nay vẫn là số cuối cùng của Priasowskij Robotschij.

Những trái đạn pháo đầu tiên của Nga rơi vào khu nhà cao tầng ở mạn đông thành phố, vào một trường học và phi trường, làm ít nhất 26 người bị thương. Cùng lúc với sự tiến công của bộ binh. Từ phía đông các đơn vị quân Nga và lực lượng quân li khai của cái gọi là Cộng Hoà Nhân Dân Donezk động binh dọc theo bờ biển: xe tăng, pháo binh, hàng ngàn binh sĩ. Sáng ngày 25 tháng Hai, những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào làng nhỏ Pawlopil, cách trung tâm Mariupol khoảng 25 cây số.

Chiều tối ngày 25, lữ đoàn 810 thuỷ quân lục chiến đổ bộ vào phía tây thành phố. Đây là lực lượng tinh nhuệ thuộc Hạm Đội Biển Đen của Nga đóng ở Krim. Từ phía bắc, lực lượng khét tiếng ác độc của tay thủ lãnh Ramsan Kadyrow người Chét-chên sau đó cũng tiến vào. Tổng lực lượng tấn công của Nga và đồng minh của họ có từ 10.000 tới 15.000 người. Không biết được con số chính xác. Về phía Ukraina có khoảng 4000 tới 5000 tay súng nam nữ. Xem ra trận chiến đã được định đoạt. Tình thế vô vọng cho Ukraina. Nhưng đã không phải vậy. Theo quy tắc chiến tranh, lực lượng phòng thủ một thành phố luôn có lợi thế về mặt chiến lược. Họ thông thạo địa hình địa vật, có thể núp trong nhà, ẩn dưới hầm, quen các ngõ ngách. Theo Nato, muốn đánh chiếm một thành phố, quân của phe tấn công phải gấp sáu lần quân số của phe phòng thủ.

Khi những đơn vị đầu tiên của Nga tiến vào các vùng ngoại ô thành phố, họ gặp sự chống trả của dân quân Mariupol. Chỉ ở Pawlopil Nga mất hơn 20 xe tăng. Trên thi thể của một số lính Nga tử trận người ta thấy có những tấm bản đồ vẽ các vùng ngoại ô thành phố, và những bản đồ này đã được phân phát cho họ chỉ trước đó hai ngày. Rõ ràng các đơn vị tấn công đã không am hiểu địa hình. Xem ra như thể họ được lệnh đi vào thành, để đón nhận sự vui mừng tiếp đón của dân địa phương. Ngược lại, lực lượng phòng thủ đã có nhiều tháng chuẩn bị. Họ đã cài mìn và tổ chức màng lưới dọ thám. Nhất là họ cố quyết tâm giữ Mariupol cho tới cùng.


Có lẽ, để tránh cuộc chiến tranh sẽ rất tiêu hao trong thành phố, quân Nga chuyển sang chiến lược siết cổ. Ngay ngày đầu tiên, theo thị trưởng Wadym Bojtschenko cho biết, quân Nga nã đạn phá huỷ 15 nhà máy điện. Một phần lớn thành phố mất điện, phải chịu cóng trong khi trời lạnh độ âm. Những ngày tiếp theo, quân Nga cúp luôn hai đường ống dẫn nước uống vào thành phố. Thành phố hết nước. Rồi quân xâm lược đánh sập các cột phát sóng. Cả thành phố giờ đây gần như chẳng còn sóng cho điện thoại di động. Cuối cùng chúng phá huỷ các đường ống dẫn khí đốt và các đường xe lửa. Quân Nga có một kế hoạch rõ ràng; chúng khoá chặt thành phố, cắt đứt toàn bộ liên lạc của nó với bên ngoài. Thị trưởng Bojtschenko cho hay: „Chúng biết, như thế là chúng đang cố tình tạo ra một thảm cảnh nhân đạo.“

Bojtschenko với chòm tóc trán hung nâu có khuôn mặt giống hệt như tổng thống Selenskij. Ông đang chứng kiến sự tàn lụi của mình và của thành phố. Ngay ngày đầu một trái đạn pháo của Nga chụp xuống căn nhà ông ở, ngay khi ông vừa rời khỏi đó. Chẳng lâu sau đó một trái đạn khác lại chụp xuống thêm một lần nữa trên đống vữa đổ nát. Quân Nga săn lùng ông. Ông cho hay: „Cứ mỗi lần chúng tôi họp ban tham mưu ở một địa điêm mới, thì đạn pháo lại rơi xuống đó.“ Rõ ràng quân Nga biết rõ ông thị trưởng đang vừa ở đâu.

Bojtschenko ra lệnh cho hàn dựng các cọc sắt hình chữ X trên các đường phố, để cản bước xe tăng của địch quân. Trong „ngôi trường số 66“ gần công trường trung tâm thành phố ông cho lập một nhà bếp công cộng tạm, để phân phát phần ăn nóng cho dân. Nhưng quân Nga đã sớm đánh bom địa điểm đó; có lẽ vệ tinh của họ đã khám phá ra địa điểm.

Trong những ngày tháng Ba cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới: Quân Nga giờ đây đã chiếm được hầu hết cà vùng ngoại ô và bắt đầu thọc sâu vào thành phố. Người dân Mariupol trốn xuống các hầm trú công cộng hay các tầng hầm chung cư, như trường hợp của mẹ con Elena Dundur.

Dundur sống với con trai ở đường Fontana trong trung tâm thành phố […]. Từ cửa sổ nhà mình, chị có thể quan sát quân đội Mariupol đang lập bản doanh trong toà nhà văn phòng xây gần xong bên cạnh toà nhà chị ờ. Quân Nga càng tới gần, lính Ukraina càng lẩn vào quần chúng. Điều này phù hợp với cảm thức sống của một thành phố không chịu đầu hàng. Nhưng nó cũng vô cùng nguy hiểm. Theo luật quốc tế, kẻ thù được phép nã đạn vào một toà nhà thường dân, nếu có quân lính ẩn trong đó.

Mẹ con Dundur trốn sang tầng hầm của toà nhà bên cạnh. Căn phòng đầy nghẹt người. Về sau đếm ra được 40 người lớn, vài đứa trẻ và 2 bé sơ sinh. Nguồn ánh sáng duy nhất là chùm bóng đèn giáng sinh chạy bằng mấy cục pin. Phụ nữ và trẻ con được nằm giường kê bằng các thanh gỗ. Đàn ông phải ngủ ngồi.

Trong đợt máy bay thả bom đầu tiên các tường nhà rung lên bần bật. Mỗi lần các ông dám đi ra ngoài, trở vào lại được nghe họ nói về những xác chết mới. Dundur cho hay, chỉ sau mấy ngày, đã nghe được họ kể về tám xác chết nằm trên các ban-côn chung quanh nơi chị trú ẩn.

Không còn phân biệt ngày nào với ngày nào. Chẳng còn phân biệt được các giờ giấc nữa. Elena Dundur học được cách phân biệt các loại súng, bằng cách nghe tiếng rít hay nổ của chúng. Một nhịp điệu quen thuộc là như vầy: Tiếp sau âm thanh nhanh và trầm của một khẩu phóng pháo là giây phút yên ắng. Và rồi liền đó là những tiếng bom nổ.

Ngày 7 và 8 Mariupol yên tĩnh. Cuộc chiến như cơn thuỷ triều đang rút của đại dương. Thỉnh toảng chỉ nghe vài tiếng nổ từ xa. Cẩm-linh thông báo một lệnh ngừng bắn. Đó là những ngày hai phái đoàn Nga và Ukraina ngồi vào bàn thương thảo. Một thoáng hi vọng ngắn ngủi. Người ta lợi dụng việc ngưng tiếng súng để ra sân chặt ít cây làm củi nấu. „Nhưng không phải mọi cây“, Dundur nói, „Phải để chừa một ít cho Mariupol tương lai.“

Tương lai nào?

Cuộc thương thảo thất bại. Như để phạt Mariupol, vì không chịu đầu hàng, ngày 9 tháng Ba Nga dội bom „Trung Tâm Chăm Sóc Y Tế Cơ Bản Số 3“. Quả bom đầu nổ trên sân, gần bệnh viện phụ sản. Hình chụp cho thấy một hố lớn, sâu ít nhất năm mét. Lần tấn công thứ hai thoạt tiên tạo ra một khối lửa, rồi khói toả lên từ bệnh viện phụ sản.

Đi sau các đợt ném bom là những trận chiến tuyên truyền. Đại sứ Nga ở London phổ biến lời tuyên bố của ngoại trưởng Nga Sergej Lawrow, theo đó bệnh viện đó từ lâu đã hết sinh hoạt; nó dùng làm chỗ trú ẩn cho quân Ukraina, „đặc biệt là cho lữ đoàn tộc-xã (NaZi) Asow“. Dối trá. Hai người chứng cho Die Zeit hay, họ đã khiêng các nạn nhân bị thương ra khỏi bệnh viện như thế nào. Hơn nưã, ngay sau cuộc dội bom, hai phóng viên của hãng tin AP đã tới chụp hình các bác sĩ, các phụ nữ mang thai và những trẻ sơ sinh trong đống đổ nát. Các hình chụp và tường thuật của họ lan toả khắp thế giới. Nhưng các tuyên truyền của Nga vẫn tác dụng. Chúng được phát tán trên nhiều mạng lưới truyền thông xã hội, đến cả tới Đức.


Trong những ngày đầu của tháng Ba đó nhiều người dân Mariupol đã gặp may, vì có nước uống từ xe bồn còn đang đi lại được trong thành phố. Một số người khác ra lấy nước từ sông hoặc gom tuyết từ những ngọn đồi trượt tuyết nhân tạo, gọi là „Alaska“. Cánh đàn ông trong hầm trú của Elena Dundur lấy được nước từ ngôi trường gần đó, nhưng nước đã bị phũ váng dầu nhớt. Mửa. Tiêu chảy. Thất vọng.

Một lúc nào đó Dundur đã không còn chịu nổi và ra khỏi hầm. Chị chạy về hướng tây nam. Chị nghe người trong hầm mách, nơi nhà thờ lớn của giáo hội Chính Thống Giáo thuộc Nga hãy còn có sóng phủ. Quả thật như vậy. Khi nép bên một thân cây trước nhà thờ và dơ điện thoại lên đúng hướng, thì màn hình xuất hiện dấu hiệu có sóng. Chị gọi cho một người thân ở phía tây Ukraina. Người này cho biết, thỉnh thoảng vẫn có người thoát được ra khỏi Mariupol.

Nhà thờ chính thống giáo này rất dễ thấy – và cho tới nay vẫn bình yên vô sự. Ngôi nhà nguyện hồi giáo với cột tháp ngất ngưỡng của Thổ-nhĩ-kì cũng không bị đánh bom. Thành viên của cộng đoàn hồi giáo tại đây cho hay, ngay đợt đánh bom đầu tiên, chính phủ Thổ đã yêu cầu Nga tránh gây hư hại ngôi nhà này. Nếu người Nga muốn, họ có thể dễ dàng chừa tránh ngôi nhà này hoặc địa điểm kia, khi ném bom hoặc pháo kích.

Một thông tin, có lẽ chỉ là một lời đồn, được truyền đi trong căn hầm của Dundur: Ai muốn rời Mariupol, phải tới Nhà Hát thành phố, một địa điểm trong tâm phố, gần cạnh nhà thờ chính thống giáo. Ở đó nghe nói ông thị trưởng sẽ tổ chức cho các đoàn xe bút hoặc xe tư nhân rời thành phố.

Tin lạ chuyền từ hầm trú này tới hầm trú khác. Cả vợ chồng Wadym và Irina Zabolotny cũng nghe được tin này. Cho đến lúc cuộc chiến nổ ra, ông bà này vẫn tin rằng, mình đã có được một cuộc sống tốt lành: có con cháu, có được một căn hộ đẹp ở tầng thứ chín trong một toà nhà tiền chế – và chẳng phải lo sợ gì đối với người Nga. Bà Irina sinh ra tại Nga; ông Wadym xuất thân từ vùng đông Ukraina, nơi có nhiều người Nga sinh sống. Tại sao người Nga lại có thể gây khó cho họ?

Giờ đây ông bà rời bỏ hầm và lái xe về Nhà Hát. Người ta đã dựng trước Nhà Hát một sân trượt băng – chỉ dấu của một thời bình yêu. Tuyết tan dần, và gỗ được dùng làm củi chụm.

Nhà Hát xây trên một khu đất tương đối cao. Từ đây có thể dễ dàng nhìn thấy những cột khói của nhà máy thép Asow, cũng như có thể thấy được những lỗ do bom bi, đạn pháo và mìn thả từ trên không của Nga gây ra nơi các chung cư.

Một chuỗi vô tận các chiếc xe đang đậu chờ lệnh khởi hành. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy lệnh. Rồi cảnh sát phải xua đuổi đoàn xe: chẳng có lệnh xuất hành nào cả, cả hôm nay, cả ngày mai. Nhưng vợ chồng Zabolotny không chịu quay về hầm. Mà kéo nhau vào ở trong Nhà Hát cùng với bao nhiêu người khác, để chờ nếu nay mai hay tuần tới có lệnh thì còn phản ứng kịp thời. Nhà Hát là một toà nhà cổ điển, trần được trét bằng thạch cao trộn với cát, vôi, hồ.

Cuộc sống trong Nhà Hát được tổ chức như trong một làng xã nhỏ. Người ta tới, để tìm một chổ ngủ hay để tìm gặp người thân. Những người thiện nguyện phân phối xúp từ hai nhà bếp dã chiến, thường là xúp nấu với chút thịt hoặc cá. Hai lần mỗi ngày có phát bánh quy và nước nóng, đôi khi cũng có xúc xích. Chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng vẫn khá hơn hầu hết các nơi khác trong thành phố lúc này.

Ban đêm trong nhà hoàn toàn tối đen. Nến đã đốt hết, chỉ có vài chiếc đèn Pin. Ông bà Zabolotny về sau cho hay: “Ban ngày đã dài đằng đẵng, ban đên còn đằng đẵng hơn”.

Như trong mọi làng xã, trong Nhà Hát cũng có những việc được phân công. Bà Irina Zabolotny gia nhập toán quyét dọn. Ông Wadym phụ giúp bác sĩ. Một đội trật tự giải quyết các cuộc ẩu đả. Hai diễn viên sân khấu nam và một nữ đặc trách ánh sáng trông coi sinh hoạt tổng quát, với sự phụ giúp của một nhóm nhỏ hỗ trợ viên. Họ phân chỗ cho những người tới sau; các gia đình có con nhỏ được đưa vào phía sau sân khấu, nơi có nhiều phòng thay đồ của các diễn viên và có một bồn nước rửa mặt. Ở đó các bà mẹ có được nhiều yên tĩnh hơn là ở dưới tầng hầm tối với nhiều người bệnh ho hen không dứt.

Hảo í này vô tình đã trở thành bẫy giết người.

Khi những cuộc ném bom xuống trung tâm thành phố đã trở thành chuyện thường ngày và đều đặn, hai diễn viên sân khấu và cô lo ánh sáng liền nẩy ra một sáng kiến. Mình có nên làm một dấu hiệu gì đó, để quân Nga biết, đây là nơi trú ẩn của người dân thường, chứ không phải là nơi ẩn náu của binh sĩ? Chẳng hạn như viết lớn chữ Nga “Deti” (Trẻ em) trên sân?

Sáng kiến được bàn thảo trong nhóm lãnh đạo. Wadym Zabolotny cũng được tham gia và ông cũng tán đồng đề nghị này. Ông tin rằng, nếu chữ đó được vẽ trên sân trước và sau của Nhà Hát, thì chẳng ai pháo kích hay đánh bom nhà này.

Đề nghị được chấp thuận. Một người lấy sơn trắng và chổi vẽ từ tầng ba Nhà Hát xuống và kẻ lên sân trước và sân sau Nhà Hát chữ Deti bằng mẫu tự Hi-lạp. Kể từ ngày mùng 9 hay múng 10 tháng Ba quân Nga đã có thể nhận biết, Nhà Hát là nơi trú ẩn của thường dân.

Vì ban tổ chức ngày ngày phải đi đếm người trong các phòng ốc Nhà Hát, nên họ biết trong những ngày này có vào khoảng ít nhất từ 500 tới tối đa 700 người trú ngụ.

Sáng hôm 16 có khoảng 100 người đứng chờ nước nóng nơi nhà bếp dã chiến phía sau Nhà Hát. Khoảng 9 giờ 45 vang lên một tiếng rít trên không. Quả bom đánh xuống mái phía sau Nhà Hát. Theo phân tách của McKenzie Intelligence Services, một công ti an ninh ở London chuyên lượng giá các dữ kiện địa lí và các hình ảnh vệ tinh, cho biết, quả bom đã đánh trúng đích 100%.

Vụ nổ làm bay tung mái nhà, trần và tường nhà sập xuống, và phá tan cánh phải của ngôi nhà. Hầu hết những người có mặt trong thính đường và đứng sau Nhà Hát đều tử nạn. Cả các phòng thay thay áo, trong đó các bà mẹ trẻ trú ẩn, cũng bị huỷ hoại.

Những người sống sót kể lại: Sau khoảng 40 phút, một ngọn lửa lớn bốc lên. Khói cuộn nghi ngút. Ánh sáng mặt trời chiếu thẳng xuống đống vụn vỡ, cho thấy đám bụi no ánh sáng lắng xuống dần như một tấm thảm sương mù. Người người hoảng loạn chạy vòng tứ phía, la hét gọi tên ơi ới. Một em nhỏ la lớn: “Con không muốn chết đâu!” Những cánh tay, những đôi chân bị cắt lìa rơi rớt tứ tung. Lực lượng cứu hộ không tới được toà nhà, vì pháo binh giờ đây cũng nã xuống khuôn viên trước căn nhà.

Theo phỏng đoán của thị trưởng Bojtschenko, có khoảng 300 người trong toà nhà tử vong. Nhưng chính xác là bao nhiêu thì tới nay vẫn chưa ai biết được.

Wadym và Irina Zabolotny là người may mắn. Trước đó sáu ngày, mùng 10 tháng Ba, họ đã cùng một đoàn xe nhỏ tìm cách thoát ra khỏi Mariupol. Có thể họ sẽ bị bắn trên đường chạy nạn. Nhưng Wadym quyết chí đi. Irina chống lại. Wadym nói: “Chúa nói, chúng ta phải đi.” Họ nghe lời Chúa và lên đường.

Ông bà Zabolotny hứa sẽ đưa người con rể Nasar, 28 tuổi, của gia đình quen biết trong Nhà Hát đi cùng. Nhưng giờ phút cuối Nasar không chịu bước lên xe. Anh linh cảm sự bất an. Và anh rốt cuộc đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Ở Mariupol đôi khi trực giác quyết định việc sống chết.

Ít người nghi ngờ về sự cố í của quân Nga trong việc đánh bom địa điểm trú ẩn lớn nhất của thường dân trong ngày16 tháng Ba. Và cũng như lần đánh bom bệnh viện phụ sản, lần này Nga cũng cố tình đánh tráo sự kiện. Bộ Quốc Phòng Nga quả quyết, họ biết “từ một nguồn tin chắc chắn” là binh đoàn Asow đã cho nổ tung Nhà Hát, vốn “đã được chúng cài mìn sẵn trước đó rồi”. Nguyên tắc đánh tráo trước sau vẫn là một: đưa ra một tường thuật ngược lại hoàn toàn tường thuật của nạn nhân và tạo nên một chấn động thật lớn trên các mạng truyền thông xã hội và trên chính truyền hình của họ. Bởi ai ra công kiểm điểm những gì đã thật sự xẩy ra?

Trong những ngày sau vụ ném bom Nhà Hát, lần đầu tiên không quân Nga kiểm soát bầu trời Mariupol, vì hầu hết các ổ phòng không của Ukraina đã bị phá huỷ. Các phi công Nga tự do thả bom, mà không sợ bị bắn hạ… Nhưng quân Nga chưa làm chủ các đường phố. Ngược lại. Càng tiến sâu vào thành phố, quân xâm lược càng bị thiệt hại nặng nề. Để tránh bị oanh ích từ không trung và tránh xe tăng đối phương vốn đã tiến sâu vào trong thành phố, các đơn vị dân quân Ukraina thay đổi chiến thuật. Họ chuyển thành những nhóm nhỏ di chuyển trong các cống rãnh ngầm. Rồi bất chợt xuât hiện như những bóng ma với súng bắn tăng, lựu đạn, súng lục tiêu diệt dịch, len lỏi vào những căn nhà, rồi lại biến mất. Chẳng có chỗ nào an ninh cho quân Nga…

Theo tường thuật của phương tây, trên đoạn đường tiến quân vào nội thành, quân Nga đã mất đứt hai đại đội của lữ đoàn 22 Speznas khét tiếng. Đó là những người lính thiện chiến nhất của Putin. Những binh sĩ ưu tú này vốn dày kinh nghiệm cận chiến, đã được trui rèn qua các trận chiến ở Chét-chên và Syria. Ở Mariupol, theo các tường thuật, lữ đoàn đã mất khoảng 140 người, vì rơi vào ổ phục kích của dân quan Ukraina. Theo tin của các nhà bình luận phương tây, quân Nga đã quyết định bỏ lại chiến trường những đồng đội bị thương vừa và nặng. Vì thế nhiều lính Nga đã phải chết, mặc dù họ có thể chữa trị được. Quan sát viên quan sự của một nước thuộc Nato nói: “Ở Mariupol, đúng là Nga đã nướng tươi các đơn vị thiện chiến nhất của họ.”

Nhưng ở Mariupol không chỉ chết các binh sĩ, mà cả các vị chỉ huy cao cấp.

Ngày 15 tháng Ba dân quân Mariupol giết thiếu tướng Oleg Mitjajew, tục danh “Barkas”, chỉ huy trưởng sư đoàn cơ giới bảo vệ 150. Mitjajew vốn là một sĩ quan thuộc trường phái cũ. Ông khởi nghiệp lính lúc 17 tuổi, từ thiếu sinh quân, lái xe trong một đơn vị không quân lên tới tướng, trước đó đã chiến đấu ở Syria.

Bốn ngày sau đó tướng thứ hai bị giết: Andrej Palij, phó hạm trưởng của Hạm Đội Biển Đen. Palij là người Ukraina, sinh ở Kiew. Ông học ở trường thuỷ quân Nga, thời đó còn đóng ở Kiew. Tôt nghiệp năm 1992, ông đi theo Nga, từ chối tuyên thệ trước quân đội Ukraina. Cũng như Mitjajew, Palij được trao tặng nhiều huân chương, trong số đó có huân chương vì đã chiến đấu ở Georgia.

Cả chỉ huy trưởng của lữ đoàn 810 thuỷ quân lục chiến, đại tá Alexej Scharow, vốn là chỉ huy cánh quân phía bắc, cũng bị giết ngày 22 tháng Ba.

Cái chết của các vị chỉ huy nói lên tình trạng thê thảm của quân Nga. Các sĩ quan phải bám trận địa, để trực tiếp chỉ huy và động viên tinh thần của binh lính…

Khi việc tiến sâu vào nội thành bị khựng lại, bộ chỉ huy Nga ra lệnh sử dụng những vũ khí quy ước nặng và có khả năng giết người mạnh nhất. Trong số đó có phóng pháo cơ Tubolew Tu-22M, loại máy bay có khả năng vượt tường âm thanh và mang trong bụng 21 tấn bom.

Các nhà phân tích quân sự phương tây ghi nhận, ít nhất Tu-22M đã được sử dụng hai lần ở Mariupol. Từ trên cao độ nhiều ngàn mét, các phi công mở nắp bụng và bom theo nhau rơi xuống: mỗi phi cơ có thể chở tối đa 42 quả bom, mỗi quả nặng 500 kí. Bom thả kiểu trải thảm này là loại bom không tự hành. Chúng cứ việc theo nhau rơi xuống và san bằng cả một khu phố. Tu-22M đã được Nga sử dụng trước đó ở Chét-chên, Georgia và Syria.

Bom đổ xuống những chung cư mới xây, những ngôi nhà riêng, các trường học, bệnh viện. Sử dụng Tupolek nói lên chiến thuật mới của Nga: chẳng còn phân biệt hạn chế gì nữa, mà chỉ nhắm phá hoại triệt để.

Tại trận địa quân Nga cũng áp dụng một thứ vũ khí ma quỷ như thế: dàn phóng hoả tiễn TOS, có thể bắn ra 24 trái trong vòng 12 giây. Các hoả tiễn mang đầu đạn chân không, hay cũng được gọi là bom ép. Loại hoả tiễn này khi nổ nó hút hết không khí chung quanh, tạo ra những vết thương kinh hoàng, có khi tạo ra sự bốc hơn ngay tức khác. Đây là loại vũ khí quốc tế cực kì ghê tởm. Một nhà phân tích quân sự phương tây cho hay, ở Mariupol Nga sử dụng bất cứ thứ vũ khí gì họ có. Trừ bom nguyên tử.

Nhưng trong những tuần lễ đen tối và ngạt thờ đó cũng có những thoáng chốc hi vọng và những giây phút đoàn kết.

Các cửa hàng thực phẩm đã đóng cửa hay bị triệt phá từ lâu. Khó mà kiếm đâu ra của ăn của uống nữa. Dù vậy, một tiệm bánh mì nhỏ giữa lòng thành phố vẫn hoạt động.

Đó là tiệm bánh của Mehmet Izci.

Izci có đôi tay chắc nịch. Năm 1996 anh từ miền nam Thổ-nhĩ-kì tới Mariupol, gặp một cô gái Ukraina, lập gia đình với cô. Hai người có một con trai và mở tiệm bánh mì: Pikarne Izci ở đường Fontana. Ông chuyên làm một loại bánh, Lawasch, loại bánh mỏng nhồi từ bột mì, dầu, nước và muối. Loại bánh này thích hợp về mặt văn hoá cho dân cư ở đây: một phân năm dân thành phố có gốc gác từ miền Địa Trung; có một khu phố của người Hi-lạp và một cộng đồng người Thổ; có một nguyện đường do-thái giáo và một nhà thờ cho tất cả các cộng đoàn ki-tô giáo.

Trong thời bình, tiệm của Izci có 5 người thợ. Nhưng khi dân trú ẩn trong Trung Tâm Văn Hoá Halabuda biết, tiệm Pikarne Izci đang hoạt động, họ kêu gọi người thiện nguyện tới giúp Izci. Có 20 người đầu quân.

Kể từ khi chiến cuộc nổ ra, Izci phát không bánh mì cho dân. Đầu tiên cho dân Mariupol, sau đó phát cả cho binh sĩ Ukraina. Thiếu nước, họ xúc tuyết rồi nung chảy. Khi tuyết cũng hết, quân đội tới cung cấp bột, dầu, muối, nước.

Izci và đội giúp việc nướng bánh bằng bếp củi, gần như suôt ngày đêm. Củi do quân đội cung cấp. Ban đêm họ đóng mọi cửa sổ, để ánh sáng không lọt ra ngoài, vì sợ máy bay Nga nhận diện.

Mỗi ngày tiệm làm được 5000 tới 6000 bánh. Một phần được quân đội mang đi, một phần do Izci tự phân phối. Anh chất 200 tới 300 phần, mỗi phần 10 chiếc bánh, lên chiết Renault Kangoo của mình rồi lách đi tới mọi ngõ ngách trong phố.

Cuối tuần đầu tháng Ba quân đội Ukraina tới quay phim tiệm bánh và đưa chiếu trên truyền hình Ukraina, để cho thế giới thấy tinh thần quyết tâm của người dân Mariupol, như Izci sau này kể lại.

Sáng ngày 16 tháng Ba, một người lính đến tiệm bánh, báo cho Izci biết, hiện một đường thoát hiếm hoi đang được mở ra về hướng tây; đây có thể là cơ hội sau cùng cho Izci thoát ra khỏi Mariupol.

Người lính nói: “Anh hãy đem cả gia đình đi nhanh”. Izci và gia đình nhét lên chiếc xe, 8 người với một chú mèo. Họ tạm nghỉ qua đêm trong nguyện đường hồi giáo, rời thành phố lúc sáng sớm hôm sau. Khi qua một bốt chận của lính Nga, anh đưa thẻ thông hành cho họ xem. Hẳn quân Nga cũng nghe biết về ông chủ thợ bánh mì ở Mariupol, vì một tay lính Nga hỏi, ai trong những người này là chủ tiệm bánh? Izci do dự, nhưng rồi tự trình diện. Lính Nga lăm lăm súng lôi anh ra, bắt anh cởi hết quần áo để khám vũ khí và xem có những hình xâm (Tatoos) khả nghi trên người không. Rồi chúng thả cho ông đi.

Izci gặp may, có lẽ vì cuốn thông hành thổ-nhĩ-kì của anh. Những người khác thì không. Nhiều người đàn ông đã bị Nga giữ lại và đưa vào trại giam trên đường vượt thoát. Có khi cả gia đình bị giữ lại, có khi giữ lại ở Donbass, có khi bị mang sang đất Nga. Nhiều người chứng và nạn nhân đã kể lại như thế.

Song song với mặt trận quân sự, Nga cũng chuẩn bị cho thời gian hậu chiến ở Mariupol. Tình báo phương tây theo dõi việc Nga đang chuẩn bị một toà án, để “giải phát-xít” (Entnazitifizierung) ở Donbass. Họ dự trù sẽ đưa nhóm chỉ huy binh đoàn Asow ra toà án này.

Doanh trại của lữ đoàn Asow đóng trong trung tâm Mariupol. Chung quanh có tường cao bao bọc. Trước cổng vào treo một huy hiệu màu vàng và xanh, loại huy hiệu trước đây một đơn vị của NaZi Đức cũng đã dùng. Khi cuộc chiến nổ ra, Asow cho hay, họ có khoảng 1.500 tay súng.

Lữ đoàn này hình thành năm 2014, qua sự kết hợp các tay súng nổi dậy chống lại đám quân li khai theo Nga. Trong số các thành lập viên có những kẻ cực hữu; họ sử dụng các biểu tượng của NaZi Đức và tôn thờ Stepan Bandera, một người hùng của Ukraina hợp tác với NaZi Đức. Về sau, lữ đoàn được thống hợp vào quân đội chính quy của Ukraina. Một số thành phận cực hữu nổi tiếng và chủ trương chủ nghĩa quốc gia quá khích rời bỏ đơn vị. Các chuyên gia ngày nay cho rằng, lữ đoàn Asow hầu như đã thuần hoá về mặt chính trị, một phần vì có sự tham gia của những tân binh trẻ và không tì vướng.

Nhưng tư tưởng cực hữu nơi Asow không biến mất. Lí thuyết gia của phong trào Asow, Mykola Krawtschenko, cách đây mấy tháng còn đòi thành lập một “Đại Quốc Ukraina” dưới sự cai trị độc đoán của người da trắng, bãi bỏ quyền bầu phiếu. Khi một chiến sĩ Asow tử trận ở Mariupol, các đồng đội của anh chia buồn trên Internet: “Bạn ơi, chúng ta sẽ tái ngộ ở Walhalla. White lives matter!” Asow vẫn được người dân Mariupol tôn mến. “Nhiều người dân vẫn coi chiến binh Asow là những anh hùng, vì họ đã cứu Mariupol khỏi đám phiến quân theo Nga vào năm 2014”, nhà báo Elena Kalaitan cho hay như thế. Và điều này càng đúng, khi binh đoàn này hiện đang chiến đấu chống lại quân xâm lược.

Ngày 28 tháng Ba quân Nga phá tung cổng vào của doanh trại, nhưng quân Asow đã rút lui khỏi đó từ lâu. Nhưng đối với quân Nga, đây là một chiến thắng quan trọng về mặt biểu tượng. Một nhiếp ảnh gia theo chân quân Nga vào doanh trại và đã chụp được hình một cuốn “Mein Kampf” (cuốn sách do Hitler viết. Người dịch), không biết ai đó vứt trên nền đất. Đây là món quà quý hoá cho Nga, để vào dịp lễ mùng 9 tháng Năm có thể khẳng định với bàn dân thiên hạ về truyện thuyết của mình: thêm một lần nữa họ đã tiêu diệt bọn phát-xít, lần này ở Mariupol.

Cũng thuộc vào tương lai của một Mariupol mới, Nga dự tính đưa một nhân vật thân Nga lên làm thị trưởng. Họ đã chuẩn bị sẵn: Konstantin Iwaschtschenko, người đàn ông có đôi mắt cú vọ và mái tóc xám bạc.

Iwaschtschenko là giám đốc của một công ti chế tạo máy ở phía bắc thành phố và là thành viên của Hội Đồng Thành Phố, đại diện cho một chính đảng thân Nga. Ông nổi tiếng về thái độ chống EU và chửi bới những trợ giúp tài chánh của Mĩ.

Ngay sau khi trận chiến nổ ra, Iwaschtschenko bỗng nhiên biến mất. Có lẽ ông trẩy qua Krim. Die Zeit liên lạc với ông qua mạng Telegram, nhưng ông không trả lời. Mấy ngày sau đó, ông tái xuất hiện trên truyền hình Nga. Ông đòi hỏi quân đội Ukraina và „tiểu đoàn quốc gia chủ nghĩa“ không được dùng dân làm lá chắn nữa. Ông nói trước ống kính của đài RT của Nga: „Chính tôi đã thấy điều đó“. Như vậy ông tự trở thành người chứng của tuyền truyền Nga. Elena Kalaitan nói: „Iwaschtschenko là tên phản quốc“.

Tại trung tâm thành phố vẫn đánh nhau trên mọi ngã đường, khi ngày 6 tháng Tư lực lượng li khai thân Nga thông báo tên của thị trưởng mới: Konstantin Iwaschtschenko. Các thành viên hội đồng thành phố thân Nga trước đó đã đề nghị ông vào chức vị này. Ông sẽ là người coi sóc việc tái xây dựng thành phố và tổ chức tiêu diệt sự chống đối về mặt chính trị.

Từ 440 ngàn, hiện còn khoảng từ 100 tới 150 ngàn dân ở lại trong thành phố. Các vệ tinh đã nhận diện được ba hố chôn tập thể mới. Có thể đã được đào do quân Nga, tại các vùng ngoại ô, nơi quân Nga chiếm đóng ngay từ đầu cuộc chiến. Chúng cho thấy, số nạn nhâ tử vong là vô cùng lớn.

Elena Kalaitan cho hay, sẽ chẳng mấy ai quay trở lại một Mariupol do Nga kiểm soát. Một phần dân thì đã chết, một phần bị xua đuổi, thành phố thì tan hoang, chẳng còn gì. Có thể Putin sẽ mang dân của ông ta tới đó. Mariupol mới sẽ chẳng liên hệ gì nhiều nữa với Oksana Stomina, Elena Dundur, Wadym và Irina Zabolotny, Mehmet Izci và thị trưởng Wadym Bojtschenko.

Elena Dundur đã lên xe chạy trốn khỏi thành phố cùng với con trai ngày 16 tháng Ba. Chị phải qua 20 chặng kiểm soát của quân Nga. Một người lính Nga hỏi, tại sao ai ai cũng chạy về phía tây Ukraina cả, ở đó rồi chiến tranh cũng sẽ tới. Hai mẹ con hiện sống ở Berlin. Elena Dundur viết: „Con tôi có được hạnh phúc“.

Nhà văn Oksana Stomina tìm được một chỗ trọ ở vùng tây nam Ukraina, trong một khách sạn chung với bốn người và một giường ngủ. Chị nói, thật hạnh phúc vì mùa đông ở Mariupol rất lạnh, như vậy nhiều xác chết sẽ chậm rữa.

Wadym và Irina Zabolotny, đôi vợi chồng ở Nhà Hát, giờ đây ở trong một toà nhà tiền chế phía nam thành phố Lwiw. Wadym cho hay: „Chúng tôi cảm thấy lạ lẫm, khi từ cửa sổ nhìn ra thấy các căn nhà chung quanh ở đây còn nguyên vẹn“.

Ông chủ lò bánh Mehmet Izci cùng với gia đình tìm được chỗ tạm trú trong một nhà nguyện hồi giáo ở Dormund, Đức. Thỉnh thoảng Izci phụ giúp làm bánh tại một cửa tiệm gần đó.

Elena Kalaitan trốn được tới thành phố Saporischschja, sống cùng với con trai 25 tuổi ở đó trong một căn hộ nhỏ và tiếp tục viết bài trên Internet. Nhiều tuần lễ đã trôi qua, và giờ đây Kalaitan biết được, tất cả các nhân viên tờ báo của cô đã trốn được khỏi Mariupol bình yên.

Thị trưởng Wadym Bojtschenko đã ra khỏi Mariupol tương đối sớm. Ông nói: „Đại Lộ Chiến Thắng, nơi nhà chúng tôi ở, với tôi đã trở thành Đại Lộ Khủng Khiếp“. Bojtschenko hiện đang ở Ukraina, nơi một địa điểm bí mật. Con trai ông đang chiến đấu trong một đơn vị đặc biệt của quân đội Ukraina.

Trong những ngày vừa rồi quân Nga đã chiếm những ổ kháng cự sau cùng của quân dân Ukraina: Hải cảng lên cá ngày 10 tháng Tư. Nhà máy Iljitsch phía bắc thành phố ngày 13 tháng Tư. Hải cảng chính ngày 16 tháng Tư.

Chỉ còn một căn cứ sau cùng chưa vỡ: nhà máy thép Asowstal, một khu vực kĩ nghệ mênh mông, gần 10 cây số vuông, nằm phía đông nam thành phố, hướng ra biển. Đây sẽ là nơi quần thủ cuối cùng của trận chiến.

Trong thời bình, nhà mày có trên dưới 10.000 công nhân. Năm ngoái 4,3 triệu tấn thép và 3,8 triệu tấn sắt đã được sản xuất tại đây. Thép của Asowstal được dùng để xây những toà nhà chọc trời ở Hudson Yards, New York; để xây cầu mới ở Genua, Italia; để xây toà nhà cao nhất ở London. Asowstal là một trong những nhà máy thép lớn nhất ở Âu châu. Nó là một thành phố trong thành phố.

Trên khu đất này có hàng trăm công trình xây dựng, xưởng chế biến, lò nung cao hơn 50 mét, có thể nung đến 2000 độ. Công ti cho biết, bên dưới mỗi phân xưởng đều có những phòng trú ẩn, có tới 75 hầm tất cả, với tường dày bê-tông và cửa thép, trong đó có thể chứa nhiều ngàn người. Một pháo đài bất khả chiếm. Hay lại là một bẫy chết người.

Ngay ngày đầu cuộc chiến, Asowstal mở cửa cho dân vào trú ẩn. Theo chủ nhà máy, có nhiều ngàn người đã vào đó. Hầm chứa sẵn đồ ăn thức uống cho ba tuần lễ. Thêm vào đó là những phần ăn đến từ các nhà ăn của công nhân. Nhưng ba tuần này đã qua từ sáu tuần nay […].

Dần dần dân quân Mariupol cũng rút vào khu vực này. Ngay từ ngày đầu họ đã dùng nơi đây để đặt pháo binh.

Từ nhiều tuần nay quân Nga bỏ bom nhà máy, xe tăng vây chung quanh. Các nhân chứng cho hay, trong hầm chỉ có ít giường cho những người bị thương nằm. Còn những người khác phải ngủ ngồi hoặc ngủ đất. Hệ thống vệ sinh từ lâu đã không còn hoạt động. Trước đây Asowstal cũng cung cấp thép cho Nga chế xe tăng. Giờ đây xe tằng lại trở về thăm chốn cũ.

Thứ tư tuần trước Die Zeit có liên lạc được với vị chỉ huy tiểu đoàn 36 thuỷ quân lục chiến, Serhij Wolyna, trong nhà máy. Wolyna phục vụ quân đội Ukraina từ 2007, được huấn luyện ở Trường Bộ Binh Quốc Gia ở Lwiw. Cuộc trao đổi vừa qua tiếng nói vừa bằng chữ viết kéo dài suốt đêm và những ngày sau đó.

Wolyna cho biết, có khoảng 500 thương binh đang ở trong nhà máy, thêm vào đó là vài trăm thường dân. Anh gởi ra một bức hình, hẳn được chụp từ một căn hầm, cho thấy một phụ nữ trẻ đang cúi xuống một bé gái đội chiếc mũ lông thú. „Điều kiện sống thật khủng khiếp“. Anh cho biết, mình hoàn toàn trơ trọi. „Không còn thức ăn, không còn đạn, không còn thuốc men“. Thỉnh thoảng còn sóng điện thoại, qua Starlink.

Còn cuộc chiến đấu trong khu nhà máy?

„Chúng tôi và kẻ thù thấy mặt nhau; kẻ thù tìm cách giết chúng tôi. Trung bình chúng tôi chỉ ngủ hai tiếng mỗi ngày“.

Xem ra là một hoàn cảnh vô vọng, nhưng Wolyna không chịu để mất hi vọng. „Tổng Thống có liên lạc với tôi, ông hứa sẽ có một cuộc trao đổi tù binh“, anh muốn nói tới tổng thống Wolodymyr Selenskij. Trong một thoáng chốc Wolyna tỏ ra như một chiến binh vẫn còn tin vào những lời động viên của vị chỉ huy của mình, cả vào ngày thứ 55 của trận chiến này. Để minh chứng căn cước mình, anh chuyển một bức hình tự chụp. Hình cho thấy những nếp nhăn sâu trên gương mặt của người chiến binh.

Sáng hôm sau đó, bộ trưởng quốc phòng Nga Sergej Schoigu tuyên bố, Mariupol đã bị chiếm đóng hoàn toàn. Tổng thống Nga Wladimir Putin cho biết, trước mắt Nga sẽ không tấn công khu nhà máy, mà chỉ vây bọc, để không một con ruồi nào thoát ra được. Những người ở đó sẽ ra sao?

Serhij Wolyna nói, anh không tính từng ngày nữa, mà tính từng giờ.


Nguồn: “Was geschieht in Mariupol?“ của Kai Biermann và 8 nhà báo khác, đăng trong DIE ZEIT số 18 ngày 28.04.2022

Không có nhận xét nào: