SAN JOSE, California (NV) – “Mình để quên chìa khóa trong xe rồi, anh hiệp sĩ ơi, đến cứu mình với, mình ở trên đường White nhé.” Vừa thấy lời nhắn, “hiệp sĩ Scott” tức tốc chạy tới. Lúc đó là 6 giờ chiều 3 Tháng Tư. Trên xe đã có sẵn “đồ nghề” nên chỉ chưa đầy 10 phút, chiếc chìa khóa mà anh Lưu Tăng để quên trong xe được lấy ra. Anh Lưu Tăng vui mừng sau khi được “hiệp sĩ Scott” đến lấy chìa khóa để quên trên xe hôm 3 Tháng Tư. (Hình: Đoan Trang/Người Việt) “Chiếc chìa chính bị hư, nên mình lấy chiếc ‘sơ-cua’ ra dùng. Tối hôm qua đi về trễ lại bỏ quên nó trên xe rồi đóng cửa lại. May sao có người nhắc đến các anh hiệp sĩ, mình gọi kêu cứu, ai dè các anh tới nhanh thiệt,” anh Lưu nói với nhật báo Người Việt.
<!>
Anh Lưu Tăng là một trong số hàng trăm trường hợp gặp trục trặc về xe cộ, được các “hiệp sĩ” thuộc nhóm Viet.HiepSi của Hội Người Việt ở San Jose (VNSJ) giúp, kể từ khi nhóm này thành lập cách đây gần hai năm.
“Hiệp sĩ Scott” cho hay, anh tham gia nhóm từ ngày đầu thành lập, với lý do: “Bà con mình đa số chỉ biết lên xe chạy, chứ không biết nhiều về cách đối phó với tình huống khẩn cấp như xì vỏ xe, chết máy… khi đang chạy ngoài xa lộ. Nếu là thanh niên thì dễ, nhưng phụ nữ, người lớn tuổi, khi gặp như vậy, họ rất hoảng sợ, nhất là khi không có người nhà. Chúng tôi là người giúp họ vượt qua lo ngại này.”
“Hiệp sĩ Scott” dùng dụng cụ mở cửa xe lấy chìa khóa trong xe bị bỏ quên. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Người gặp nạn bất kể ngày hay đêm, ngày thường hay cuối tuần, nên cứ có ai cần và gọi “anh hiệp sĩ ơi,” là ai rảnh đều chạy tới giúp.
“Hiệp sĩ” Thuần Nguyễn nhớ nhất “ca” đầu tiên anh giúp người khác. Anh kể: “Có hai bạn bị bể bánh xe, cách nhà tôi 35 phút lái xe. Lúc đó đã là 10 giờ đêm. Tôi nghĩ, nếu mình không đến, người ta không về nhà được, mình ngủ cũng không yên nên giúp họ.”
Anh Thuần cho hay, khi từ Việt Nam mới qua Mỹ định cư, anh không biết nhiều về xe cộ. Thậm chí khi đi mua xe, anh còn bị người ta gạt, nên anh quyết tâm học nghề sửa xe.
“Sau này biết nhiều về xe và giúp lại mọi người, tôi cảm thấy vui,” anh Thuần nói.
“Hiệp sĩ” Thuần Nguyễn nhớ ca đầu tiên giúp người vào lúc 10 giờ đêm. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Phi Long Trần, 21 tuổi, ‘hiệp sĩ’ trẻ tuổi nhất, cho biết: “Em nghe về các anh hiệp sĩ với nhiều việc làm có ý nghĩa đã lâu, mới tham gia được mấy tháng nay thôi, vậy mà cũng giúp được năm, sáu trường hợp rồi đó.Vì chưa có kinh nghiệm, nên nếu có ai cần giúp vào ban đêm, em rủ người khác đi chung cho an toàn. Em rất thích nhóm hiệp sĩ, vừa giúp bà con mà thỉnh thoảng còn có dịp gặp mặt, ăn uống với mấy anh chị như người trong gia đình vậy. Vui lắm!”
“Hiệp sĩ bất đắc dĩ”
Hình ảnh những anh “hiệp sĩ” với chiếc áo màu xanh lá đi giúp người rất quen thuộc với nhiều cư dân San Jose, những trong số đó còn có các hiệp sĩ “bất đắc dĩ” như anh Jimmy Trí.
Một “hiệp sĩ” đang sửa xe cho người gặp trục trặc về xe cộ giữa đêm khuya. (Hình: Hội NVSJ)
“Tôi chỉ là… bạn của ‘hiệp sĩ’ thôi. Hôm đó có anh trong nhóm muốn tặng hai chiếc ghế dư dùng. Người muốn lấy không có xe lớn để chở nên nhắn hiệp sĩ giúp. Lúc đó các anh hiệp sĩ đều đang đi làm, nên nhờ tôi,” anh Jimmy kể.
“Khi chở ghế tới nơi, tôi thấy có hai mẹ con thơ. Họ tưởng tôi là hiệp sĩ, nên nhờ sửa hai ống nước bị hư. Vì làm nghề xây dựng nên tôi biết, và sửa luôn cho họ. Sửa xong, tôi đọc được ánh mắt biết ơn của người mẹ trẻ, cô ấy rối rít cảm ơn, nói ‘không có các anh, mẹ con tôi chẳng biết phải làm sao.’”
Tâm sự với báo Người Việt, anh Jimmy cho biết: “Giúp xong mẹ con người này, tôi mới hiểu được vì sao các hiệp sĩ làm ‘không công’ mà họ rất hăng hái. Họ không vì tiền bạc, chỉ là giúp đỡ chủ yếu trên tinh thần để ai đó trong cơn hoạn nạn, không biết bấu víu vào đâu.”
“Hiệp sĩ” trẻ nhất Phi Long Trần, 21 tuổi. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
“Điều lớn nhất tôi cảm thấy việc làm của các anh hiệp sĩ thật tuyệt vời, là họ đã gieo vào trong lòng đồng hương của mình niềm tin tưởng,” anh Jimmy cho biết thêm. “Trong lúc quýnh quáng không biết làm sao, người đầu tiên họ nghĩ đến là các anh hiệp sĩ. Bây giờ mà tạo được niềm tin như thế thì thật là quý.”
“Hiệp sĩ nữ” bận rộn trực tổng đài
“Hiệp sĩ Scott,” tên thật là Hiếu Phan, đang có cuộc sống hạnh phúc cùng vợ hai người con.
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Minh Khuê, cho biết: “Lúc đầu thấy anh Hiếu giúp người, chị cũng vui vui, nhưng anh đi hoài, có khi 11, 12 giờ đêm cũng ‘bị gọi’ thì mình bắt đầu cảm thấy… bất an, và thương anh vất vả.”
Hiệp sĩ Scott” và vợ, chị Nguyễn Thị Minh Khuê. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Tuy vậy, sau khi thấy anh “làm được việc” và được mọi người động viên, quan tâm, nên chị “giảm được nỗi lo lắng và cảm thấy ấm lòng.”
“Nhưng đôi lúc tôi cũng thấy hơi… tủi thân,” chị Khuê tâm sự. “Vợ con ở nhà nhờ làm gì chưa chắc anh đã sốt sắng bằng lúc nhận được cú phone của nhóm Viet.HiepSi gọi đi sửa xe cho người gặp nạn. Trước đây, tuần nào anh cũng đưa tôi đi chợ, nhưng từ hai năm qua, kể từ khi anh gia nhập nhóm, tôi phải đi chợ một mình, vì cuối tuần là lúc anh phải đi giúp người nhiều nhất. Mùa Đông rét mướt, cứ ‘ai kêu tôi đó’ là anh trả lời ‘có tôi đây’ ngay, còn vợ con thì… tính sau.”
Chị Xuân Tiên, một trong hai “nhân viên tổng đài” của Việt.HiepSi, dù có hai con nhỏ, làm việc trong hãng, nhưng vẫn thích tham gia nhóm, kể: “Vào nhóm Viet.HiepSi, gọi được các anh giao nhiệm vụ trực tổng đài. Cứ nghe điện thoại reo là bắt điện thoại, hỏi tên, loại xe, gặp trục trặc gì… sau đó đưa lên nhóm, ‘hiệp sĩ’ nào đang ở gần thì đến giúp. Có ngày năm, bảy cuộc gọi, có khi không có người nào cần, nhưng trung bình mỗi ngày đều có hai, ba ca cần giúp.”
Một “hiệp sĩ” (bìa phải) vừa sửa xong xe giúp hai người cao niên. (Hình: NVSJ)
Chị Tiên cho biết: “Giữ máy tổng đài nhóm Viet.HiepSi (408-412-3911) tưởng dễ, và ai cũng làm được, nhưng không, tôi xin mãi và qua ba lần phỏng vấn, mới được giao ‘job’ này đó. Có lẽ các anh thấy tôi có con nhỏ, không thể đảm trách, nhưng cứ cố gắng là việc gì cũng làm được.”
Cần thêm nhiều “hiệp sĩ”
Anh Trần Thanh Minh, hội trưởng NVSJ cho biết, trong ba tháng đầu năm 2022, nhóm Viet.HiepSi nhận được 137 cuộc điện thoại nhờ hiệp sĩ đến giúp. Hầu như ai gọi đến cũng được giúp, hoặc đến trực tiếp, hoặc hướng dẫn cách làm qua điện thoại.
Dù làm bất vụ lợi, thỉnh thoảng có người nhận được ly trà sữa, hoặc hộp cơm, nhưng cũng có 43 trường hợp hiệp sĩ được “tip.” “Nếu không có ai ‘tip’ cho hiệp sĩ, thì hội VNSJ sẽ phụ tiền xăng cho các anh, mỗi ca là $25,” Anh Minh nói.
Thỉnh thoảng có thời gian các “hiệp sĩ” lại tụ tập ăn uống như trong gia đình. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Cũng theo anh Minh, số “hiệp sĩ” đang giảm do cuộc sống đang trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19, nên nhóm “hiệp sĩ” cũng phải đi làm, nhóm thiếu người.
Trước đây nhóm có 20 “hiệp sĩ” nay chỉ còn 15 người. “Trong khi người cần giúp vẫn không ít đi, vì vậy hội đang cần ‘tuyển’ thêm người có thể giúp vào ban ngày. Nếu có ca nào, chỉ cần một, hai tiếng là xong,” anh Minh nói.
Cứ thử tham gia, các anh chắc cũng sẽ rất vui. Như lời tâm sự của “hiệp sĩ” Thuần: “Thay vì đi ngủ hay chơi game, giúp được ai đó, họ ổn, mình cảm thấy an nhiên và ngủ ngon. [kn]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét