Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân với trận chiến An Lộc-Bình Long - BĐQ Nguyễn Quốc Khuê


Là sĩ quan tham mưu của BCH/ LÐ/ BÐQ từ cuối năm 1969 cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975, tôi đã tham dự tất cả các mặt trận lớn nhỏ của liên đoàn ở vùng 3 Chiến Thuật, rồi trận cuối cùng ở Phan Rang trước khi liên đoàn bị bắt buộc buông súng vào ngày 30 Tháng Tư 1975 theo vận nước. Trong trận chiến An Lộc-Bình Long 1972, tôi giữ chức vụ sĩ quan phụ tá Ban 3 kiêm sĩ quan không trợ của LÐ. Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đã được tham dự trận chiến An Lộc từ 7 Tháng Tư 1972 cho đến Tháng Bảy 1972. Vì là SQ tham mưu của BCH/LÐ, nhất là điều hành về không trợ, nên hôm nay, hơn 32 năm sau trận chiến, tôi xin ghi lại những hồi ức của tôi với hy vọng đóng góp thêm phần nào những tài liệu của chiến trường An Lộc với Quân Sử QLVNCH ở Hải ngoại.
<!>
Bài hồi ký này của tôi, hy vọng nêu lên được những mất mát đau thương cùng những kỳ tích mà Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đã gặt hái được, góp phần tăng thêm niềm tự hào của những người lính chúng mình, binh chủng Biệt Ðộng Quân QLVNCH.
Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân gồm BCH/LÐ và 3 tiểu đoàn trực thuộc gồm TÐ.31/BÐQ, tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Trương Khánh; TÐ.36/BÐQ, tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Tống Viết Lạc; và TÐ.52/BÐQ, tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Lê Quý Dậu. Chỉ huy Liên Ðoàn là Trung Tá Nguyễn Văn Biết mà sĩ quan tham mưu hay quen miệng gọi ông là “Anh Hai” khi nhàn rỗi, thân mật trong lúc dùng cơm bữa với ông hàng ngày, dù hành quân hay khi dưỡng quân ở hậu cứ vì cung cách cư xử, tình nghĩa của ông. Chúng tôi đều kính nể ông và gọi ông là “Anh Hai” như chính ông là anh em lớn nhất trong gia đình.

Trước khi nhảy vào An Lộc Tháng Ba 1972, toàn bộ Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đang hành quân bên kia biên giới Cambodia, vùng Ba Thu và Mỏ Vẹt. Liên Ðoàn tiến quân như chẻ tre, đụng đâu, địch kháng cự cầm chừng rồi bỏ chạy. Các tiểu đoàn luôn gặt hái kết quả tốt mỗi khi chạm địch. Các kho lương thực, vũ khí địch trong vùng bị các đơn vị hành quân của Liên Ðoàn khám phá, tịch thu rất nhiều, gồm cả vũ khí nặng như súng cối 82 ly, đại bác 57 ly không giật. Phần lớn chạm địch mạnh và đạt kết quả cao là thành tích của TÐ.52/BÐQ do Thiếu Tá Lê Quý Dậu chỉ huy.
Liên đoàn đang hành quân với ý chí cao thì bất thần trung tá liên đoàn trưởng được lịnh: Có trực thăng bốc về Tây Ninh, họp ở Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Quân Khu 3 vào trưa ngày 2 Tháng Tư 1972. Tháp tùng theo Trung Tá LÐT là Thiếu Tá Hồng Khắc Trân, trưởng Ban 3/LÐ. Sau đó, toàn bộ Liên Ðoàn được lệnh rờiCambodia rút về sân bay Trảng Lớn thuộc tỉnh Tây Ninh để chuẩn bị được trực thăng vận bằng Chinook vào An Lộc, Bình Long.
Theo lệnh hành quân, các tiểu đoàn 31, 36 và 52 BÐQ đã được phối trí sẵn ở An Lộc trên phóng đồ hành quân của quân đoàn đưa xuống. Do đó, khi được trực thăng bốc vào An Lộc, cứ theo sự phối trí tạm thời đó, các tiểu đoàn cho tiến quân và vị trí đã ấn định. Còn BCH/LÐ thì tiến vào thị xã, liên đoàn trưởng đến BTL Sư Ðoàn 5 Bộ Binh ở An Lộc để gặp tư lệnh sư đoàn nhận lệnh.
Do tình hình đòi hỏi, TD.31/BÐQ đã được nhảy vào An Lộc trước ngày 6 Tháng Tư 1972 để án ngữ mặt Bắc An Lộc gồm các cao điểm quan trọng như đồi Ðồng Long, Cầu Cần Lê và Bắc sân bay An Lộc, vì BLT/SÐ5BB e rằng phòng tuyến này yếu nên tăng cường tiểu đoàn này lên trước một ngày.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 7 Tháng Tư 1972, BCH/LÐ chia làm 2 gồm BCH/Nặng và BCH/Nhẹ để cùng được bốc với 2 tiểu đoàn còn lại là 36 và 52/BÐQ.
Trước trận An Lộc, mỗi khi chia BCH/LÐ ra làm hai, Trung Tá Biết luôn kêu tôi đi chung với ông 1 xe, nếu di chuyển bộ hay không vận, nhưng lần này vào An Lộc, ông lại xếp tôi đi chung với Thiếu Tá Liên Ðoàn Phó, Nguyễn Thành Tiên, chỉ huy BCH/Nhẹ với Ðại Úy Ðào Văn Năng cùng Phụ Tá Ban 3. Ði chung BCH/Nặng gồm Trung Tá LÐT, Thiếu Tá Trân, Trưởng Ban 3, và một số sĩ quan khác với Ban Cố Vấn Mỹ gồm 1 đại úy cố vấn trưởng, 1 trung úy và 2 hạ sĩ quan mang máy truyền tin.

Tôi ở lại với BCH/Nhẹ đi chuyến sau với TÐ.52/BÐQ do Thiếu Tá LÐP chỉ huy với 1 Trung Ðội của Ðại Ðội Trinh Sát Liên Ðoàn. Dự trù khi xuống An Lộc thì 2 BCH sẽ sáp nhập làm một để tiến vào thị xã An Lộc để phòng thủ ở căn cứ cũ của Biệt Kích Mỹ để lại trong thị xã gần BTL/SÐ5BB ở đây.
Khi chiếc Chinook chỏ BCH/Nhẹ chúng tôi còn đang trên bầu trời An Lộc, tôi nghe tiếng Trung Tá LÐT gọi lên ra lệnh khi xuống phải cẩn thận, phân tán mỏng ngay, không tập trung để tránh thiệt hại vì địch đang dàn chào bằng loại pháo nặng, bởi BCH xuống đã và đang bị “dàn chào” rồi. Tức thì, tôi nhìn xuống An Lộc, quả nhiên lác đác đó đây quanh sân bay có những cụm khói bốc lên. Rõ ràng là địch đang pháo. Tôi hiểu ngay tình hình không đơn giản và ngon cơm như còn ở Cambodia mình tưởng đâu.
Khi BCH/Nhẹ xuống đất, phân tán mỏng và từ từ tiến về BCH/Nặng ở cuối sân bay, trong xóm nhà ở đấy.
Tôi thấy LÐT bị thương nhẹ ở cổ tay, miếng pháo xớt nhẹ nhưng là miếng nhỏ nên không… sao. Thiếu Tá Trân cũng bị thương nhẹ nơi tay. Bị nặng nhất là Trung Úy Tài, Trưởng Ban 2, và Ðại Úy Tài, phụ tá Ban 3. Ðại Úy Tài bị một miểng ghim vào mắt, sau này mắt ấy bị hư. Ðại Úy Thọ thì thấy rõ một chân mình bị cắt đứt ngọt xớt từ trên cổ chân một tí, và bây giờ ông vẫn khỏe mạnh, đã giải ngũ sau trận An Lộc.
Tất cả binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan bị thương đều được tải thương ngay rời An Lộc bằng trực thăng chở quân của TÐ.52/BÐQ vào sau cùng. Trung Tá Biết và Thiếu Tá Trân ở lại tiếp tục chỉ huy Liên Ðoàn tiến vào vị trí đã được ấn định trước của Lệnh Hành Quân.
Các tiểu đoàn được thả xuống An Lộc đã vào vị trí an toàn, báo cáo vô sự. Tôi thấy nhẹ hẳn, đang miên man suy nghĩ có lẻ do số Trời đã định, nếu Trung Tá LÐT chuyến này cũng bảo tôi đi chung với ông, có lẽ biết đâu tôi cũng “lãnh thẹo” như Trung Úy Tài, hay đại Úy Thọ, hoặc không còn trên cõi đời này nếu… tới số.
Trung Tá LÐT được xe Jeep của Bộ Tư Lệnh SÐ5BB đến đón đưa vào trình diện tư lệnh Sư Ðoàn để nhận lệnh. Ông gọi tôi đi chung với ông, dồng thời đem theo hai âm thoại viên với 2 máy PRC-25 hầu có gì cần thiết thì gọi về Liên Ðoàn chỉ thị ngay.

Sau hơn 10 phút xe chạy ngoằn ngoèo để tránh các ổ pháo trên đường vào thị xã, cuối cùng chúng tôi cũng đến BTL/SÐ. Nơi đây, Ðại Tá Lê Văn Hưng và Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh phó, đang chờ đón chúng tôi.
Ðại Tá Tư Lệnh và Đại Tá Tư Lệnh Phó bắt tay Trung Tá LÐT và nói một câu ngắn gọn mà tôi nhớ mãi “các anh vào đúng lúc” rồi quay qua nhìn tôi. Trung Tá LÐT hiểu ý hai ông nên giới thiêu tôi là sĩ quan Ban 3 kiêm sĩ quan không trợ của liên đoàn theo ông, vì trưởng Ban 3 đã bị thương nhẹ và đang ở Liên Ðoàn để phụ với thiếu tá liên đoàn phó điều động các đơn vị.
Sẵn đó, Trung Tá LÐT còn báo với hai ông là các con cái đã vào vị trí. Hai vị đại tá đều tỏ vẻ hài lòng và vui vẻ. Chính vì gặp lần này, sau đó ở những cuộc họp Quân Ðoàn, vị tư lệnh khi gặp tôi vẫn còn nhớ và hỏi thăm: “Khỏe không em? Thầy trò lúc này khỏe rồi hén,” rồi thân mật bắt tay tôi trước khi lên xe đi về. Còn tôi, tôi chỉ biết chào lại ông với lời ngắn gọn: “Dạ cũng đỡ. Thưa thiếu tướng.”
Sau khi bắt tay chào hỏi xong, đại tá tư lệnh phó cho biết tình hình địch, bạn và thực tế ở An Lộc ra sao để trung tá liên đoàn trưởng biết rõ:
– Tình hình bạn:
* Gồm BTL/SÐ, 2 Trung Ðoàn 7 và 8 BB. Còn Trung Ðoàn 9 thì bị địch tràn ngập ở Lộc Ninh, một quân lỵ nhỏ phía Bắc An Lộc gần biên giới Cambodia. Lực lượng Ðịa Phương Quân-Nghĩa Quân/Tiểu Khu Bình Long. Quận Lộc Ninh đã bị địch chiếm, và Trung Ðoàn 9 BB cùng thiết Ðoàn 1 Thiết Giáp đã phải di tản khỏi Lộc Ninh, họ trên đường hướng về An Lộc.
Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ căn dặn: Tiểu Ðoàn 31/BÐQ phải quan sát kỹ về hướng Bắc, nếu có đơn vị Bộ Binh hay Thiết Giáp rút về thì cẩn thận tiếp nhận và báo cáo ngay.
* Liên đoàn 3 BÐQ mới lên, tạm thời bố trí như đã ấn định, sẽ tính lại sau.
* Còn thị xã hiện tại, đang bị địch quấy phá làm xáo trộn sinh hoạt dân chúng, làm dân chúng khủng hoảng tinh thần đặng chúng dễ bề thao túng.
– Tình hình địch:
* Ðược biết 3 sư đoàn VC của chúng gọi là công trường 5, 7, 9 là chủ lực chính quy đang áp sát Bình Long từ nhiều hướng, như từ Cambodia qua, từ Phước Long đến. Tình hình địch hiện nay chỉ biết được như vậy, có gì thêm, sư đoàn sẽ báo thêm sau.
* Riêng Quốc lộ 13 (QL.13) từ Lai Khê đến An Lộc, địch đã cắt đứt, nhiều đoạn bị đóng chốt. Do đó đường bộ đã bị gián đoạn lưu thông từ An Lộc về hướng Nam. Hai bên QL.13 là đồn điền Xa Cam với lực lượng Ðịa Phương Quân và 2 trung đoàn Bộ Binh 8 và 9.

Vào lúc này, tôi mới hiểu rằng tại sao trong Tháng Ba 1972, chúng tôi lại đạt thành tích dễ dàng ở Cambodia trước khi vào An Lộc. Vì các tiểu đoàn BÐQ chỉ toàn là giao tranh với các đơn vị hậu cần và tiếp vận của VC nên địch đụng ta là bỏ chạy, để lại vũ khí và kho lương thực bởi các đơn vị chủ lực của chúng đã được điều động về hướng Bình Long rồi.
Sau này, vào tù CS rồi, suy nghĩ rộng thêm nữa mới hiểu được là BTL Quân Ðoàn III và Quân Khu 3 đã tung đơn vị BÐQ chúng tôi vào Cambodia thời điểm trước An Lộc với mục đích để dụ 3 đơn vị công trường 5, 7, 9 địch xuất đầu lộ diện vì 3 đơn vị này đã mất dạng trên địa bàn tình báo của ta, vì nghi ngờ chúng tập trung bên Cambodia để có mục đích gì đó sau này. Liên Ðoàn BÐQ chúng tôi vào để… dò tìm chúng.
Quả nhiên, theo tài liệu tịch thu của địch ở Cambodia lúc đó thì đơn vị đụng độ với Liên Ðoàn chỉ là bọn hậu cần của các công trường này mà không đụng chủ lực. Ðúng lúc đó thì Chi Khu Lộc Ninh bị tràn ngập, Trung Ðoàn 9 BB và Thiết Ðoàn 1 Thiết Giáp phải di tản. Chừng đó, QÐ.III & QK3 mới phăng ra là 3 đơn vị chủ lực này của địch đang tập trung về hướng Bình Long nên lập tức điều động toàn thể LÐ3/BÐQ rời Cambodia, trực thăng vận vào An Lộc tăng cường cho SÐ5BB chống giặc ở đó. vì thấy rõ điểm của địch là An Lộc, Bình Long, sau khi Lộc Ninh thất thủ.
Sau khi rời BTL/SÐ5BB, Trung Tá LÐT trên đường về BCH/LÐ bảo tôi gọi các TÐT về BCH/LÐ họp ngay. Trong cuộc họp, Trung Tá LÐT cho các Tiểu Ðoàn Trưởng biết tình hình địch, bạn như trên để lưu tâm đối phó. Riêng với TÐT 31/BÐQ, Trung Tá nói với Thiếu Tá Khánh y như lời Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ dặn dò.
Ðược biết tuyến trên đó, Thiếu Tá Khánh điều động 2 Ðại Ðội án ngữ mặt Bắc. Ðại Ðội của Thiếu Úy Trương Tấn Phước bên hướng đồi Ðồng Long với các đồi nhỏ quanh đó tới ấp Bè Moi gần cầu Cần Lê. Bên phải QL.13 về hướng bắc Sân Bay là Ðại Ðội của Thiếu Úy Sơn Ðó chiếm lĩnh các cao điểm khu này. Thiếu Tá Khánh dặn 2 vị Ðại Ðội Trưởng này cố quan sát kỹ để sẵn sàng tiếp nhận quân bạn rút về An Lộc.

Do đó, suốt thời gian đầu, Ðại Ðội của Thiếu Úy Phước phòng thủ hướng Bắc của An Lộc có những lần đã tiếp nhận một số binh sĩ của Trung Ðoàn 9 BB chạy lạc, đã tìm đường về hướng TÐ.31/BÐQ. Thiếu Úy Phước đã đón họ sau khi gạn hỏi kỹ lưỡng để đề phòng địch giả dạng để xâm nhập vào vùng phòng thủ của ta.
Trong những lần tiếp nhận này, có một điều quan trọng mà TÐ.31/BÐQ đã báo về Liên Ðoàn là Thiếu Úy Phước đã tiếp nhận thiếu tá chi khu trưởng CK Lộc Ninh, viên cố vấn trưởng cùng thông dịch viên của ông ta, cùng về một lượt. Rất may là các binh sĩ của Thiếu Úy Phước rất cẩn thận, chận họ lại từ xa, đồng thời bảo họ xưng danh tánh, cấp bậc đơn vị. Họ vì ngại bị bắn lầm nên la lớn tên cấp bậc cùng đơn vị. Dù cần được xác định, anh em cũng mừng và báo ngay cho đại đội trưởng biết để đến chỗ chốt ở ấp Bè Moi gần cầu Cần Lê đón. Tại đây, viên quận trưởng và cố vấn Mỹ của ông phải được sự minh xác bởi BCH Liên Ðoàn do sự xác nhận của Tiểu Khu Bình Long, qua cấp tiểu đoàn. Những người này là đúng!
Thiếu Úy Phước kể lại là, tại chỗ tiếp nhận, thiếu tá quận trưởng rất đỗi vui mừng, ôm anh khóc trong sung sướng vì biết mình đã thoát nạn trở về. Kể cả viên cố vấn Mỹ cũng thế. Riêng Tiểu Khu Bình Long, sau khi biết tin đại đội của Thiếu Úy Phước tiếp đón được hai vị này, thì vị tỉnh trưởng đã cảm ơn Liên Ðoàn Trường và xin phép LÐ cho ông vào tần số đại đội để ngỏ lời cảm Thiếu Úy Phước và trực tiếp nói chuyện với vị thiếu tá vừa mới trở về để trấn an trong lúc ông ta còn khủng hoảng. Ðược biết viên thiếu tá quận trưởng trở về đã cho ta biết thêm tin tức quan trọng về tình hình địch và đương nhiên trận chiến An Lộc sẽ có chiến xa địch tham dự.

Riêng TÐ.36/BÐQ, Thiếu Tá Lạc báo đơn vị ông đã vào vị trí an toàn và bố trí xong ở vòng đai thị xã hướng Ðông Bắc, kéo dài tới phía Bắc cầu Trắng, nằm trên đường từ trung tâm thị xã qua đồn điền Quản Lợi bằng 2 Ðại Ðội, 1 Ðại Ðội bố trí với BCH/TÐ ở trong vòng đai thị xã; 1 đại đội chiếm các cao điểm ven đồn điền Quản Lợi giáp ranh thị xã.
Tiểu Ðoàn 52/BÐQ và Ðại Ðội Trinh Sát 3/BÐQ trấn thủ vòng đai ngoài tuyến phòng thủ BTL/SÐ5BB và bảo vệ BCH/LÐ đóng trong căn cứ biệt kích Mỹ cũ, cách BTL/SÐ5BB không xa chếch về hướng Tây một tí, cũng ở khuôn viên thị xã An Lộc. 1 Ðại Ðội của TÐ.52/BÐQ chiếm cứ Ðồi Gió, hướng Ðông Nam thị xã. Các cao điểm xung quanh là các tiền đồn của Ðại Ðội này và Ðại Ðội TS.3/BÐQ.
Lực lượng SÐ5BB gồm Trung Ðoàn 7 và 8 cùng Tiểu Khu Bình Long án ngữ mặt Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Nam, Ðông Nam Thị xã. Các đơn vị này cũng chiếm đóng các cao điểm ngoài vòng đai để quan sát được từ xa, nhất là về hướng Tây Bắc của Thị xã cũng có các quân nhân ở Lộc Ninh tìm về hướng này.
Tôi còn nhớ rõ, khi LÐ đổ quân vào An Lộc, trên đường di chuyển đến vị trí dọc theo các con đường trong Thị xã, qua các con hẻm hay băng qua các hàng rào của những khu nhà khá giả vẫn còn thấy dân chúng đi lại nhưng sinh hoạt có vẻ hối hả. Trong lúc này có loa phóng thanh của Ty Chiêu Hồi tỉnh phóng ra ở trung tâm thị xã trấn an đồng bào là đã có lực lượng tiếp viện đang vào An Lộc và yêu cầu đồng bào yên tâm sinh hoạt cùng đề phòng địch trà trộn, có gì khả nghi thì báo ngay cho chính quyền sở tại để đối phó.
Sau khi LÐ cùng tôi vào An Lộc được vài ngày, khoảng giữa Tháng Tư 1972, địch càng ngày càng gia tăng cường độ pháo, từ pháo nặng tầm xa như đại pháo cơ hữu của chúng là 130 ly, hỏa tiễn 107 ly, 122 ly,… dội vào An Lộc. Mỗi ngày có khi lên đến cả chục ngàn quả pháo địch rót vào An Lộc. Ở các tuyến phòng đai thị xã và trong Thị xã, nơ nào không có công sự phòng thủ, hay có mà sơ sài dễ bị thương vong vì pháo địch.
Do đó, trong những đợt pháo như vậy, thương vong nhiều vẫn là dân chúng. Họ kêu la thảm thiết. Xác người trúng đạn văng tung tóe, máng lên cành cây mái nhà trông thật thê thảm! Trong khi bị trúng pháo nặng nề, một số lớn dân chúng đã bỏ nhà chạy đến các công sự phòng thủ của binh sĩ để tá túc với hy vọng sẽ bớt nguy hiểm hơn.

Các tiểu đoàn đều báo về các tuyến phòng thủ của họ ở cấp đại đội đều có dân đến tá túc. Họ nấu nướng, ăn uống chung với binh sĩ mình. Ngược lại, binh sĩ mình bảo vệ, săn sóc vết thương cho họ, cho họ uống thuốc để chữa thương. Quả thật lúc này, câu “Tình Quân Dân Cá Nước” là thế!
Có một ngày vào buổi sáng, khi ngớt pháo, tôi vừa chui lên nóc trung tâm hành quân để quan sát chung quanh thì thình lình… tôi nghe tiếng loa phóng thanh phát lên yêu cầu hai bên ngưng chiến. Loa phóng thanh được phát ra từ một đoàn người rất đông và rất dài, dẫn đầu bởi các nhà sư và các cha Công Giáo với cờ trắng trên tay phất qua phất lại. Lúc đó, Thiếu Tá Lạc, tiểu đoàn trưởng 36 BÐQ vừa gặp Trung Tá LÐT xong, nghe la hét cũng đến gần tôi trên nấp hầm trung tâm hành quân để quan sát.

Ðoàn người đi trên con đường trước mặt và hướng đông BCH/LÐ tiến về hướng Nam định rẽ qua QL.13 để di tản về hướng Nam. Khi đoàn người đi về hướng gần phòng tuyến tiểu khu thì bổng nghe tiếng pháo nổ ầm ầm hướng đó. Quan sát kỹ thì tôi thấy đích thị địch đã không ngưng pháo, mà còn cố tình pháo thẳng vào đoàn người di tản trên. Ðoàn người trúng đạn pháo kêu la thảm thiết, tiếng khóc của trẻ con vang dội đến khu tôi đang đứng.
Thiếu Tá Lạc thấy cảnh tượng kinh hoàng vì Việt Cộng quá dã man đối với người dân. Ông nói cả Cha, Thầy, lẫn đàn bà con nít bọn chúng vẫn không tha thì quả thật là man rợ. Lần pháo này dường như chúng có điềm chỉ nên đạn pháo rót chính xác vào đoàn người làm thân xác họ văng tung tóe, tay chân văng máng trên các cành cây ven đường bởi dân chúng trên đường không có gì tránh né.
Một số họ chỉ chạy nằm sát gần những gốc cây lớn mà thôi. Sau đợt pháo đó, dân chúng và cả Cha lẫn Thầy đều tan hàng trở về chốn cũ của mình. Việt Cộng đã chúng tỏ dã tâm của bọn chúng.
Ðiều này, sau này, khi ở trong tù miền Bắc, tôi cũng có khai trong tờ tự khai sau đợt “học tập chính trị” và “tự kiểm” quy mô toàn trại tập trung thì viên chính trị viên xác định với tôi là, “…Sở dĩ cách mạng pháo vào đám dân như vậy vì đó là đám dân của Ngụy, cũng là đám phản động, phản cách mạng, không thể tha được và phải dạy bọn chúng một bài học.” Lý luận giết người của Cộng Sản là thế.
Trong lúc tình hình địch gia tăng pháo, nhứt là lúc trời về chiều và giữa khuya, lúc nào cũng nghe tiếng đạn pháo bay qua đầu, nổ ầm ì đó đây, quanh BCH/LÐ khiến tôi cũng có phần âu lo.

Trong tình hình căng thẳng như vậy, bỗng toán cố vấn Mỹ của LÐ chuẩn bị hành trang gọn gàng hình như để chuẩn bị di chuyển. Tôi hỏi họ thì viên trung sĩ Mỹ cho biết, là họ được lệnh chuẩn bị có trực thăng đến đón đi. Tôi vội báo cho Trung Tá Biết, hỏi cố vấn trưởng cũng chỉ nói như vậy.
Và sau đó vài phút, Việt Cộng ngưng pháo, một trực thăng từ hướng đồng Quản Lợi bay thấp trên ngọn cây, lao vào hướng BCH/LÐ và đáp ngay vào bãi đáp để cả toán cố vấn Mỹ lên trực thăng và cất cánh mất dạng về hướng Ðông Nam.
Trong tình thế này mà toán cố vấn Mỹ lui đi đột ngột, không một lời giải thích làm BCH/LÐ rúng động, hoang mang hiện rõ trên nét mặt mọi người, trong đó có tôi. Tức thì, trung tá LÐT điện thoại qua BTL/SÐ báo cáo điền này và hỏi lý do thì đường dây bị mất liên lạc vì đường dây bị đứt, “trúng pháo” đứt khúc ở nhiều chỗ khác nhau. Do đó, sư đoàn có lệnh gì đặc biệt cho Liên Ðoàn thì có người mang xuống; còn bình thường thì liên lạc bằng máy truyền tin PRC-25.
Liên Ðoàn được sư đoàn cho biết là đang xác nhận tin này về Quân Ðoàn. Chiều hôm đó, SÐ báo cho biết là toán cố vấn trước hết hạn và toán khác thay sẽ đến vào sáng hôm sau. Lúc đó, mọi người nghe được tương đối yên tâm. Lý do, không có cố vấn Mỹ trực tiếp xin yểm trợ cho mình thì có nhiều trở ngại và chậm trễ. Vì đó là kinh nghiệm nên ai mà chẳng lo.
Nhưng tất cả lo lắng đều tiêu tan. Khi trời hừng sáng hôm sau, có một trực thăng cũng từ hướng Quản Lợi đáp ngay bãi đáp của BCH/LÐ và 4 cố vấn Mỹ, mặc đồ bông, nhảy khỏi trực thăng, chạy về hướng TTHQ Liên Ðoàn trong khi trực thăng cất cánh bay vút đi. Toán này gặp tôi ngay cửa TTHQ với lời “Welcome” của tôi thân chào người đi đầu mang lon thiếu tá, rồi tiếp một trung úy và 2 hạ sĩ quan với các máy truyền tin được biết là rất đặc biệt.
Tôi tự giới thiệu là S3AIR của LÐ và dẫn họ vào gặp LÐT. Viên thiếu tá Mỹ xin lỗi ngay vì có sự thay đổi không được báo trước với lý do “bảo mật.” Ðồng thời viên thiếu tá này “make sure” với Trung Tá LÐT là sẽ yểm trợ tối đa cho An Lộc và nói thêm là trung tá cần gì cứ cho ông biết trong vấn đề tiếp trợ.
Những điều này đã làm mọi người vững tâm và tiêu tan hết mọi lo âu thắc mắc trước đó. Ngoài ra, viên cố vấn Mỹ còn cho biết là 3 sư đoàn Cộng quân đang tiến về An Lộc với mưu đồ đánh chiếm nhưng họ đã chuẩn bị sẵn để yểm trợ một cách hữu hiệu rồi.

Vào một buổi tối, gần cuối Tháng Tư 1972, Ðại Úy Ðào Văn Năng, cựu ÐÐT Trinh Sát LÐ3/BÐQ, nay vì chờ giải ngũ nên đang làm việc ở BCH/LÐ với trách vụ Phụ tá Ban 3 và trực TTHQ, cũng được theo Liên Ðoàn vào An Lộc. Ðại Úy Năng đáng lẽ đêm nay trực từ chiều đến 12 giờ đêm, còn tôi ngủ đến sau 12 giờ dậy trực thay, nhưng anh Năng đã bảo tôi trực thế ca này đêm nay để anh ngủ trước cho khỏe một chút vì mấy đêm rồi không ngủ.
Tôi “Ok” lại bàn TTHQ, cạnh dàn máy truyền tin gần các giá bản đồ hành quân dựng gần đó, còn anh Năng lại chỗ ghế bố tôi nằm nghĩ, kê ngay dưới lỗ châu mai ở một góc hầm TTHQ.
Trời mới tối, pháo địch bắt đầu gia tăng, tiếng đạn bay xèo xèo trên không, tiếng nổ ì ầm vọng lại, thỉnh thoảng nghe được toán ục-ục của đạn delay đang xé đất bắn lên tung tóe. Chúng tôi sợ nhất loại này, bị pháo trúng, nó sẽ xuyên nấp hầm, chui vào rồi mới nổ thì sẽ không ai toàn mạng.
Trong suốt ba tháng ở An Lộc, TTHQ không bị trúng loại đạn này, mà… ngay trong đêm nói trên, tôi đang trực thế để anh Năng đi ngủ, thình lình một tiếng nổ ầm rung chuyển cả TTHQ, khói bay mù mịt, tiếng ho sặc sụa hòa lẫn với tiếng rên la của một số binh sĩ bị thương vì trúng miểng pháo.

Sau khi khói tan, bụi mù bay hết, tôi kinh hoàng sờ thân thể mình thì thấy không sao, không thấy máu nên tạm yên, nhìn quanh thấy có vài binh sĩ truyền tin bị thương, bên ngoài cửa hầm thì thấy 2 xác bất động. Nhìn về hướng ghế bố mà anh Năng đang nằm, tôi thấy anh cũng bất động, máu ở ngực đang chảy nhiều.
Tôi vội gọi Quân Y đến ngay. Bác Sĩ Cảnh, y sĩ trưởng Liên Ðoàn, rất xông xáo và nhiệt tâm. Ông không còn sợ pháo là gì nữa, chạy tới chạy lui, khám vết thương mọi người bị thương, nặng thì ông cho lệnh khiêng qua hầm Quân Y ngay.
Lần này, Trung Tá LÐT và Thiếu Tá Trân lại bị miểng nhẹ ở tay nữa, được thượng sĩ y tá trưởng băng bó cẩn thận. Trung Tá Biết gọi ngay thượng sĩ chỉ huy đám lao công đào binh làm lại khu góc TTHQ vừa bị trúng pháo và được biết là loại hỏa tiễn 122 ly. Bác Sĩ Cảnh báo cho tôi biết Ðại Úy Năng bị rất nặng, cần phải tản thương ngay vì nhiều miểng trúng ngực, gần tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Còn có một số HSQ và binh sĩ khoảng 4, 5 người nữa, nếu có tải thương thì ưu tiên cho họ.
Nghe tới tình trạng Ðại Úy Năng, tôi bàng hoàng vì chính anh đã thay tôi lãnh nạn khi tôi thế ca, nằm ngủ chỗ tôi. Thấy rõ là tôi thoát chết một lần nữa. Phải chăng số mạng tôi chưa tới? Tôi thầm cảm ơn Trời Phật!

Trong lúc BCH/LÐ bị trúng pháo địch, tình trạng hỗn loạn xảy ra trong thời gian ngắn đã được ổn định lại, trung tá LÐT vẫn tiếp tục trực bên hệ thống truyền tin nghe báo cáo tình hình của từng đơn vị của mình, đồng thời ông cũng ái ngại cho Ðại Úy Năng, để ý, tôi thấy thỉnh thoảng ông hay liếc về phía Ðại Úy Năng đang nằm ở góc TTHQ. Ông cũng không quên chỉ thị các tiểu đoàn báo con cái mình phải cẩn thận, quan sát kỹ phía trước mặt, đề phòng địch có thể tấn công mạnh bất ngờ sau những đợt pháo dữ dội.

Sáng hôm sau, không biết làm cách nào, viên cố vấn báo tôi biết chuẩn bị tản thương đặc biệt vì sẽ có trực thăng tới bốc những người bị nặng về.
Quả nhiên, chỉ vài phút sau, tôi thấy một trực thăng trắng lao vút từ hướng Ðông, thật thấp trên ngọn cây, đâm nhanh xuống bãi đáp. Tất cả bị thương nặng đã được Ban Quân Y sắp sẵn nên trực thăng bốc một cách gọn gàng, chỉ phút chốc đã cất cánh lao về hướng Ðông Nam mất dạng. Lúc đó tôi mới yên tâm và tin tưởng thế nào anh Năng sẽ được may mắn thoát chết lần nữa.

BĐQ Nguyễn Quốc Khuê

Không có nhận xét nào: