Ảnh minh họa : Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong một cuộc họp trực tuyến tại Bruxelles với lãnh đạo Trung Quốc ngày 14/09/2020. AP - Yves Herman - Trọng Thành - Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn nhất tại vùng eo biển Đài Loan kể từ đầu chiến tranh Ukraina. Lãnh đạo Liên Âu lên án « thỏa ước đáng lo ngại »giữa Trung Quốc và Nga, quốc gia bị tố cáo đang đe dọa « trật tự quốc tế ». Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu điều tra về các tội ác của quân đội Nga tại miền bắc Ukraina. Báo cáo của Phòng Thương mại châu Âu : Một phần tư doanh nghiệp châu Âu chuẩn bị rời khỏi Trung Quốc do chính sách Zero Covid.
Chính quyền Singapore cấm một bộ phim kỳ thị Hồi giáo của Ấn Độ. Ca khúc « Stefania » của Ukraina tranh giải ca nhạc châu Âu Eurovision 2022 lọt vào chung kết. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Trung Quốc tập trận quy mô lớn nhất kể từ đầu chiến tranh Ukraina
Ngày 09/05/2022 là một ngày có ý nghĩa biểu tượng. Tại Hoa Kỳ, chính quyền Joe Biden đã chọn ngày này, để thông qua luật« Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022 », dựa trên đạo luật « cho vay-cho thuê vì quốc phòng » được ký năm 1941 (« Lend-lease Act »), trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Hành động cho thấy quyết tâm của chính quyền Mỹ nối lại với nỗ lực lịch sử, giúp Liên Xô chống phát xít Đức trước đây, nhưng lần này là để giúp Ukraina đánh bại quân đội Nga. Tại Nga, chính quyền Putin tổ chức Lễ Kỷ niệm Chiến thắng Phát xít, ít rầm rộ hơn dự kiến, nhưng để ngỏ khả năng tiếp tục cuộc chiến lâu dài cho đến khi đạt mục tiêu.
Về phần mình cũng vào ngày này, chính quyền Trung Quốc thông báo đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô. Theo giới quan sát, đây là tập trận quy mô nhất của Trung Quốc tại vùng eo biển Đài Loan kể từ đầu cuộc chiến tranh chống Ukraina do Nga phát động. Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :
« Một tàu sân bay, năm tàu khu trục kèm theo là nhiều phi cơ chiến đấu, trực thăng hoạt động thường xuyên : Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô từ thứ Ba 03/05 đến Chủ nhật 08/05. Hôm nay, thứ Hai 09/05, Quân đội Trung Quốc ra thông báo xác nhận việc này. Theo các chuyên gia Đài Loan, hàng không mẫu hạm Trung Quốc hoạt động tại khu vực cách bờ đông đảo Đài Loan khoảng 500 km, nhưng khoảng 20 chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan chỉ riêng trong một ngày thứ Sáu 06/05.
Đây là lần đầu tiên, kể từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina, Bắc Kinh tiến hành một cuộc tập trận quy mô như vậy. Nhiều diễn tập diễn ra từ hai năm trở lại đây, từ khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử.
Kể từ đầu năm đến nay, chính quyền Đài Loan đã thống kê được 400 lần đột nhập của phi cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng hàng không của hòn đảo. Quân đội Đài Loan cũng thường xuyên điều phi cơ ngăn chặn máy bay Trung Quốc, như hôm thứ Sáu tuần trước. Sáng hôm nay, ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã nhắc lại ‘‘Chúng tôi kiên quyết tự vệ chống lại Trung Quốc’’ ».
Liên Âu tố cáo thỏa ước Trung – Nga « nguy hiểm »
Đầu tháng 5/2022, vào lúc có nhiều dấu hiệu cuộc chiến xâm lược của Nga chống Ukraina sẽ kéo dài, các nước phương Tây nỗ lực một mặt siết chặt đoàn kết, mặt khác tiến hành các phản công về ngoại giao. Ngày 12/05, ba ngày sau khi Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận quy mô lớn, các lãnh đạo Liên Âu có chuyến công du Nhật Bản. Tại Nhật Bản, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tố cáo « một thỏa ước nguy hiểm » Trung - Nga, quốc gia bị Bruxelles trực tiếp lên án là đang « hủy hoại trật tự quốc tế », khi tiến hành cuộc chiến tranh tàn bạo chống Ukraina. Cảnh báo Trung Quốc, lãnh đạo Liên Âu đồng thời khuyên nhủ Bắc Kinh « tham gia bảo vệ hệ thống đa phương quốc tế, mà chính Trung Quốc đang được hưởng lợi, để phát triển đất nước ».
Báo chí Pháp đặt nhiều câu hỏi về « thỏa ước » Nga – Trung mà lãnh đạo Liên Âu nói đến là thỏa ước nào. Le Figaro đăng tải nhiều ý kiến phản biện, cho rằng nói đến một thỏa ước Nga – Trung là quá lời, bởi hiện tại Trung Quốc « không có một động thái nào ủng hộ Nga cho đến hiện tại », do lo ngại các trừng phạt từ phương Tây. Trung Quốc không lên án hành động xâm lược của Nga như kêu gọi của phương Tây, nhưng chủ yếu đang trong lập trường chờ đợi diễn biến, với mục tiêu duy trì được các lợi thế kinh tế.
Bắc Kinh tìm cách chống chế
Tuy nhiên, nhà sử học François Godement chuyên về Trung Quốc và quan hệ quốc tế vùng Đông Á, thuộc Viện Montaigne, Paris, cũng trên Le Figaro, khẳng định : có thể nói đến một « thỏa ước » Trung – Nga. Nhưng đây chủ yếu là một thỏa ước « về ý thức hệ và ngoại giao ». Có thể thấy « mọi tuyên truyền chính thức của Trung Quốc đều ủng hộ lập trường của Nga trong cuộc xung đột quân sự này ». Bắc Kinh tuyên truyền cho việc coi NATO là nguồn gốc « duy nhất » của xung đột hiện nay, và « đánh đồng » các hoạt động quân sự của Nga với Ukraina, đánh đồng kẻ xâm lược với bên bị xâm lược.
Về khả năng Trung Quốc và Nga có một thỏa ước « mang tính ý thức hệ và ngoại giao » Sự chú ý của giới quan sát lâu nay vẫn tập trung vào tuyên bố chung Tập Cận Bình – Vladirmir Putin đúng vào ngày khai mạc Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh, 04/02, đúng 20 ngày trước cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina.
Trong những ngày gần đây, báo chí Pháp ghi nhận việc chính quyền Trung Quốc có thể đang tìm cách chống chế để bảo vệ cho lập trường rõ ràng là ủng hộ Nga, nhưng không muốn nhận trách nhiệm. Hôm 07/05, theo báo nhà nước Trung Quốc China Daily, trong một hội thảo quốc tế trực tuyến, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Nhạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã nói đến việc nhiều người « hiểu sai » các từ ngữ về « tình hữu nghị không có giới hạn và hợp tác không có vùng cấm », hàm nghĩa Trung Quốc đã Matxcơva cho « biết trước » về « chiến dịch quân sự đặc biệt » của Nga ở Ukraina và thậm chí « ủng hộ ». Thứ trưởng Trung Quốc khẳng định quan hệ Trung Quốc và Nga dựa trên các nguyên tắc « không liên minh, không đối đầu và không nhắm vào một bên thứ ba »và cũng « không chịu ảnh hưởng của bất kỳ bên thứ ba nào ».
Theo một nghiên cứu của tổ chức Newsguard chống tin giả, được công bố hôm 04/05, « tuyệt đại đa số các tin giả, tin bóp méo có lợi cho Nga về chiến tranh tại Ukraina không phải đến từ Nga… mà lại đến từ Trung Quốc ». Bắc Kinh cấm mạng Facebook trong nước, nhưng lại tận dụng mạng xã hội rộng lớn này để tung tin giả, các thuyết âm mưu ra thế giới. Mạng Facebook Pháp ngữ của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN có đến 20 triệu người theo dõi.
Hội đồng Nhân Quyền yêu cầu điều tra về các tội ác của Nga
Cũng hôm 12/05, chính quyền Bắc Kinh một lần nữa bênh vực Nga, khi bỏ phiếu chống một nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, yêu cầu điều tra về các tội ác chiến tranh của quân đội Nga tại miền bắc Ukraina. Chỉ duy nhất có hai thành viên Hội đồng Nhân quyền bỏ phiếu chống, gồm Trung Quốc cùng với Eritrea (quốc gia châu Phi thường xuyên bị xếp đội sổ về quyền tự do ngôn luận).
Tiếp theo hai nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, và một nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội Đồng Nhân Quyền của Nga, hôm 12/05, Hội Đồng Nhân Quyền đã thông qua nghị quyết điều tra về các tội ác của quân đội Nga với đa số áp đảo : 33 phiếu thuận, 12 vắng mặt và 2 phiếu chống, như đã nói trên. Nga từ chối tham dự cuộc bỏ phiếu nói trên với tư cách quan sát viên. Các vụ thảm sát ở thị trấn Butcha, ngoại ô Kiev, được phát hiện đầu tháng 4, và tại nhiều nơi khác (Tcherniguiv, Kharkiv và Soumy), đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn. Đây là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về tình hình xâm phạm nhân quyền tại Ukraina kể từ đầu tháng 4.
Dân Ukraina nỗ lực vì tiền tuyến, tránh tái diễn « thảm kịch Bucha »
Trong khi đó, tại miền nam Ukraina, tình hình vẫn căng thẳng xung quanh thị xã Mykolaiv, án ngữ con đường huyết mạch của quân đội Nga hướng về thành phố cảng Odessa. Theo Bộ Chỉ Huy Quân đội Ukraina ở miền Nam, « quân Nga đang cố gắng củng cố các vị trí ở phía tây tỉnh Kherson để chuẩn bị đánh tiếp đến Mykolaiv ». Người dân thị xã nỗ lực huy động phương tiện về mọi mặt cho chiến trường. Chống quân xâm lược để tránh một thảm kịch tương tự như tại Bucha là quan điểm của người dân.
Phóng sự của Anastasia Becchio et Boris Vichith tại Mykolaiv :
« Những bếp củi, những hàng rào chống tăng được cất trong một góc vườn của khu nhà sĩ quan. Một trong các điều phối viên của trung tâm, ông Mikhail Fateev, cho biết các tình nguyện viên sẽ đưa các phương tiện này lên tuyến đầu :
“Chúng sẽ được gửi đến cho bộ đội, bởi vì họ đang ở trên thảo nguyên, trong chiến hào. Những tấm lưới ngụy trang, ở đây ai cũng tham gia làm, kể cả mẹ tôi. Tất cả những ai có thể giúp đều tham gia giúp mặt trận… Ở đây, chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn tíu tít, như một ổ mối vậy’’.
Trong một phòng biểu diễn cũ, với những bức tường màu xanh nước biển bạc màu, những người phụ nữ đang gấp đồ giặt. Quần áo sẽ được gửi đến quân đội. Ở tầng dưới, một dược sĩ đang sắp xếp các hộp thuốc. Các khoản đóng góp đổ về từ khắp Ukraina và nước ngoài.
Người dược sĩ chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy chiến tranh đang cận kề đây, và không ai muốn một ‘‘Bucha’’ khác, với những hành động tàn ác xảy ra tại đây. Chính vì vậy mà mọi người đều vào cuộc’’.
Các binh sĩ chất những bao tải khoai tây lên xe. Nhạc trưởng đội nhạc jazz Vladimir Alekseev nói chuyện với họ và nghe họ kể về tinh thần của quân đội. Ông cho biết : “Nhìn chung, tinh thần họ đều tốt, vì họ đang bảo vệ mảnh đất của mình. Có, tất nhiên là có khó khăn, mất mát, nhưng nhìn chung tinh thần tốt”.
Chiếc xe đã chất đầy hàng, bộ đội lại hướng về mặt trận. Ở đằng xa, vang lên những tiếng nổ ».
Zero Covid : Một phần tư doanh nghiệp châu Âu muốn rời Trung Quốc
Chính sách « Zero Covid » và cuộc chiến ở Ukraina đang khiến thị trường Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các công ty châu Âu, theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc công bố hôm thứ Năm. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
« Gần 40% GDP của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách phong tòa và bán phong tỏa đối với hàng chục thành phố lớn ở nước này. Chính sách ‘‘Zero Covid’’ của Bắc Kinh cũng tác động đến các công ty nước ngoài có mặt trên thị trường Trung Quốc. Trong số hơn 370 công ty châu Âu được hỏi trong nghiên cứu này, 60% dự đoán doanh thu sẽ sụt giảm trong năm nay, 77% cho rằng Trung Quốc kém hấp dẫn hơn, và nghiêm trọng hơn là 23% có ý định chuyển một phần các khoản đầu tư, chủ yếu sang khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Việc di chuyển đang được thực hiện hoặc đã lên kế hoạch.
Việc thiếu tự tin vào tương lai cũng gây ra hậu quả đối với việc tuyển dụng. Thật khó để thu hút các nhân tài đến Trung Quốc cùng với gia đình, khi biên giới đã đóng cửa, chưa nói đến vấn đề trường học cho con trẻ.
“Tỷ lệ thay thế giáo viên vào đầu năm học 2021 là 25%, của toàn năm ngoái là 40%. Còn năm nay người ta dự đoán có đến 50% giáo viên ở các trường quốc tế sẽ phải thay thế, với thời gian trung bình là 6 tháng làm thủ tục đối với mỗi giáo viên. Việc làm thị thực lại rất khó’’, một diễn giả giải thích như trên, trong cuộc họp báo vào thứ Năm tuần này tại Bắc Kinh.
Một người khác nhấn mạnh đến một “sự thay đổi về bối cảnh”: “Thượng Hải, nơi từng được coi là thành phố được quản lý tốt nhất ở Trung Quốc, đã bị đóng cửa trong một tháng. Và hiện tại chưa thấy có lối ra. Cho dù, sẽ như thế này trong một năm nữa, nhưng chúng ta cần biết khi nào Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại. Điều hủy hoại các hoạt động kinh doanh là không khí bất trắc và việc thiếu tầm nhìn’’.
Viễn cảnh càng thêm ảm đạm với cuộc chiến tranh tại Ukraina, làm đứt đoạn tuyến đường sắt Con đường Tơ lụa giữa Trung Quốc và châu Âu. Máy bay phải vòng tránh không phận Nga và Ukraina ».
Singapore cấm chiếu một phim Ấn Độ bài đạo Hồi
Trong tuần này, chính phủ Singapore đã ra quyết định cấm chiếu bộ phim Ấn Độ « Hồ sơ Kashmir » (Kashmir Files). Bộ phim được chính quyền Ấn Độ của thủ tướng Narendra Modi quảng bá rầm rộ, bị chỉ trích là khuấy động lòng thù hận. Bộ phim này trước đó đã bị cấm chiếu tại New Zealand.
Thông tín viên Gabrielle Mareachauxtường trình từ Kualar Lumpur :
« “Một chuyện kể mang tính khiêu khích và phiến diện” như vậy có thể “phá vỡ sự hòa hợp tôn giáo”. Đây là điều chính phủ Singapore mô tả về ‘‘Hồ sơ Kashmir’’. Bộ phim Ấn Độ do đó sẽ không được trình chiếu. Lệnh cấm hầu như không gây ngạc nhiên tại quốc gia nhỏ bé đa sắc tộc này, nơi luật quy định : “bất kỳ những gì phỉ báng các cộng đồng chủng tộc hay tôn giáo của Singapore sẽ bị từ chối phát hành”.
Với một dân cư có cả người theo đạo Phật, người theo đạo Hồi, đạo Thiên Chúa hoặc Ấn Độ giáo, chính quyền Singapore luôn đảm bảo rằng họ muốn hòa quyện tính đa dạng với thái độ tôn trọng, như quốc ca Singapore có câu : “Chúng ta cùng nhau hướng tới hạnh phúc”.
Do đó, việc cấm bộ phim này ra rạp đã không khiến nhiều người ở Singapore bất ngờ. Ngược lại với Ấn Độ, nơi mà chính đạo diễn bộ phim đã lên án quốc gia nhỏ bé Đông Nam Á là nơi có hệ thống kiểm duyệt lỗi thời nhất.
Malaysia, láng giềng của Singapore, hiện vẫn chưa lên tiếng. Nhưng chủ đề vùng Kashmir không khiến ai thờ ơ tại quốc gia chủ yếu dân cư theo đạo Hồi này. Vào năm 2019, thủ tướng Malaysia thậm chí còn tố cáo chính sách của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Từ đó dẫn đến một cuộc tẩy chay dầu cọ Malaysia ở Ấn Độ. Tuy nhiên, một hành động gây tổn thất đau đớn cho nền kinh tế đất nước này đã không khiến thủ tướng Malaysia xét lại quan điểm ».
Ca khúc Ukraina vào chung kết Eurovision: «Tôi sẽ về được nhà, dù mọi nẻo đường đều bị phá hủy »
Trong lĩnh vực nghệ thuật, một sự kiện thu hút nhiều chú ý : Ca khúc « Stefania » do ban nhạc Ukraina Kalush Orchestra trình diễn lọt vào chung kết giải ca nhạc Eurovison 2022, tại Turin, nước Ý. Ban nhạc được chính thức đại diện cho Ukraina tham dự giải Eurovision trước khi chiến tranh nổ ra.
Ban nhạc của nghệ sĩ nhạc rap 27 tuổi, Oleh Psiuk, trình diễn ca khúc với giai điệu pha lẫn nhạc hip-hop với âm nhạc truyền thống. « Tôi sẽ luôn tìm được đường trở về nhà cho dù mọi con đường đều bị phá hủy » là một lời trong bài hát, đã được Oleh Psiuk viết ra để vinh danh mẹ anh. Trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra, lời ca của bài hát « Stefania » đột ngột trở nên đầy ý nghĩa.
Theo giới cá cược, ca khúc Stefania là một trong vài ca khúc có nhiều khả năng đoạt giải nhất cuộc thi, với vòng chung kết sẽ diễn ra hôm nay. Nếu Stefania đoạt giải, Ukraina sẽ trở thành quốc gia đăng cai Eurovion 2023, theo truyền thống của giải nghệ thuật này.
Toàn bộ thành viên của nhóm có mặt tại Eurovision, trừ một người trực chiến tại Kiev. Theo trưởng nhóm nhạc, ngay sau cuộc thi, toàn bộ nhóm sẽ trở lại Ukraina để tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét