Lãnh đạo Bộ Tứ tuyên bố sẽ sát cánh cùng nhau vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở -TOKYO – Để mắt tới một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, các nhà lãnh đạo “Bộ Tứ” (Quad) từ các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc đã gặp nhau vào sáng thứ Ba(24/05) tại Tokyo, Nhật Bản, để thảo luận về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bốn nhà lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tuyên bố sát cánh cùng nhau vì một khu vực tự do và cởi mở tại hội nghị thượng đỉnh nói trên, cam kết hợp tác hướng tới hòa bình, thịnh vượng, và ổn định trong khu vực, đồng thời phối hợp các biện pháp ứng phó để giải quyết các dự báo của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu thảm khốc và an ninh năng lượng.
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden nói: “Đây chính là vấn đề, dân chủ so với chuyên quyền — chúng ta phải bảo đảm nền dân chủ được thực thi.”
Ngoài hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào buổi sáng, TT Biden cũng sẽ gặp gỡ để đàm thoại song phương với Ấn Độ và Úc, đất nước có thủ tướng mới đắc cử Anthony Albanese, người đã tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Hai (23/05).
Theo một quan chức, ông Biden sẽ tìm cách “xây dựng dựa trên những điểm tương đồng” mà ông chia sẻ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong các cuộc hội đàm bất chấp những khác biệt về các vấn đề, trong đó có vấn đề về Nga. Ông Modi cũng sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho buổi hội đàm và một bữa tiệc tối làm việc.
Tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo, ông Modi nói rằng Ấn Độ sẽ hướng tới tầm nhìn chung của Bộ Tứ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và “tiếp tục củng cố hình ảnh của Bộ Tứ như một lực lượng vì chính nghĩa.”
Đài Loan không phải là một mục chính thức trong nghị trình của Bộ Tứ, tuy nhiên một quan chức Mỹ cho biết, đây được cho là một chủ đề chính khi bốn nhà lãnh đạo gặp nhau một ngày sau khi ông Biden phá vỡ quy ước và cam kết Hoa Kỳ hỗ trợ quân sự cho hòn đảo tự quản mà Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc, vốn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Đài Loan, tuyên bố chủ quyền.
Ấn Độ là thành viên duy nhất của Bộ Tứ không lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Nước này có một mối quan hệ lâu dài với Moscow, nơi vẫn là một nhà cung cấp chính về thiết bị quốc phòng và một số nguồn cung cấp dầu mỏ cho Ấn Độ. Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề này, mặc dù họ đã nêu lên những lo ngại về một số vụ sát hại thường dân ở Ukraine.
Nhưng các quan chức tại Bộ Tứ sẽ nhấn mạnh quan điểm chung về Trung Quốc, mà các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương coi là một thách thức dài hạn lớn hơn so với Nga.
Một quan chức Hoa Kỳ cho biết, “Tổng thống biết rõ rằng các quốc gia có lịch sử riêng của họ, có các lợi ích riêng của họ, họ có các triển vọng riêng, và ý tưởng này là xây dựng dựa trên những điểm tương đồng.”
Ấn Độ đã phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Thịnh Đốn trong những năm gần đây và là một phần quan trọng của nhóm Bộ Tứ nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Hôm thứ Hai (23/05), New Delhi cho biết Hoa Kỳ đang xem xét “hỗ trợ đầu tư” 4 tỷ USD cho Ấn Độ ngoài hàng tỷ dollar đã gia hạn trước đó, sau khi hai bên đã ký thỏa thuận về sản xuất vaccine COVID-19, chăm sóc y tế, năng lượng tái tạo, tài chính toàn diện, và cơ sở hạ tầng.
Ấn Độ cũng tham gia cùng với Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác trong các cuộc hội đàm kinh tế do Hoa Kỳ dẫn đầu có tên là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).
Nhóm ‘Bộ Tứ’ mở rộng chính thức ra mắt ‘Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương’
Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo của hơn chục quốc gia khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hôm thứ Hai (23/5) đã chính thức ra mắt một thể chế quan hệ đối tác mới với mục tiêu đặc biệt về ổn định tương lai kinh tế khu vực.
Chiều 23 tháng 5 năm 2022, tại Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra Lễ Công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Lễ công bố khởỉ động thảo luận có sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Niu Di-lân Jacinda Ardern, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng kinh tế các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và lãnh đạo Bộ Ngoại giao Australia. Thủ tướng Chính phủ CSVN Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến.
Thể chế đối tác mới là “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Sự Thịnh vượng”, viết tắt là IPEF. Thể chế này là sự mở rộng của diễn đàn Đối thoại An ninh Bộ Tứ.
Ngoài Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, các bên khác cùng ký thêm tham gia IPEF gồm: Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Khuôn khổ kinh tế mới này chiếm khoảng 40% giá trị nền kinh tế toàn cầu.
Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu và được dự báo sẽ là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế thế giới trong 30 năm tới.
Nhà Trắng hôm 23/5 phát đi tuyên bố cho hay: “Sự lãnh đạo của kinh tế Mỹ tại khu vực [Ấn Độ – Thái Bình Dương] là tốt cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, cũng là tốt cho người dân trong khu vực này. IPEF sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh của chúng ta quyết định các luật chơi nhằm đảo bảo lao động, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại Mỹ có thể cạnh tranh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
IPEF sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường đổi mới về các ngành năng lượng sạch, kỹ thuật số và công nghệ, “đồng thời củng cố các nền kinh tế trong nhóm chống lại hàng loạt các mối đe dọa từ chuỗi cung ứng yếu tới tham nhũng và trú ẩn thuế”.
Các quan chức Mỹ nói rằng IPEF sẽ “giúp giảm chi phí thông qua việc là cho các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn trong dài hạn, bảo vệ chúng ta trước các gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới giá cả tiêu dungtăng cao hơn”.
Chính quyền Biden ước tính Mỹ sẽ đầu tư vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương khoảng 1 tỷ USD mỗi năm và tác động đến hơn 3 triệu việc làm nội địa.
IPEF được ra mắt nhân dịp Tổng thống Mỹ Biden lần đầu công du châu Á, thăm chính thức Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chủ tịch NHTW châu Âu: Người đầu tư tiền ảo “có thể mất tất cả”
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde hôm thứ Bảy (21/5) đã đưa ra nhận định về tiền điện tử (tiền ảo), nói rằng chúng “không có giá trị” và loại tiền này nên được kiểm soát để bảo vệ mọi người khỏi cạn kiệt nguồn tiền tiết kiệm dành cho cuộc sống của họ.
Trong một chương trình phỏng vấn do sinh viên Hà Lan thực hiện, bà Lagarde nói: “Điều tôi thực sự quan tâm khi nói đến tài sản tiền điện tử là những khoản đầu tư đó được thực hiện bởi những người có thể mở to mắt nhìn thực tế là họ có thể mất tất cả”.
Theo bà Lagarde: “Họ không hiểu về những rủi ro, những người sẽ mất tất cả, và những người sẽ thất vọng khủng khiếp, đó là lý do tại sao tôi tin rằng loại tiền này nên được kiểm soát”.
Những bình luận hôm thứ Bảy được đưa ra sau một đợt bán tháo dữ dội trên khắp các thị trường tiền điện tử bắt đầu vào đầu tháng 5, mang theo sự sụp đổ của một stablecoin lớn và tổn thất nặng nề trong các token lớn bao gồm: bitcoin, ether, cardano, solana và dogecoin.
Ở đỉnh điểm của đợt bán tháo, đồng tiền ether đã mất gần 20% trong vòng một ngày, trong khi bitcoin giảm mạnh xuống dưới 25.500 USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020.
“Đánh giá rất khiêm tốn của tôi là nó không có giá trị gì, nó không dựa trên bất cứ điều gì, không có tài sản cơ bản nào để hoạt động như một mỏ neo an toàn”, bà Lagarde nhìn nhận.
Bà Lagarde đã bày tỏ sự cẩn trọng của mình đối với tiền điện tử trong quá khứ, kêu gọi nhiều quy định hơn về bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số được giao dịch rộng rãi nhất. Năm ngoái, bà nói rằng không coi bitcoin là một loại tiền tệ thực sự và các ngân hàng trung ương sẽ không giữ nó trong dự trữ của họ.
“Điều đó rất khó xảy ra, tôi sẽ nói rằng nó không cần được đề cập đến”, bà Lagarde cho biết.
Trước đó, hôm 18/5, cú rơi của đồng Lunatừ mức giá 100 USD xuống còn gần như bằng 0 đã khiến nhiều nhà đầu tư “cháy tài khoản” và làm chao đảo thị trường tiền ảo. Điều này đã làm niềm tin vào đồng tiền kỹ thuật số ngày càng lung lay.
20 quốc gia công bố hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine
"Khoảng 20 quốc gia đã công bố các gói hỗ trợ an ninh mới. Nhiều quốc gia đang tài trợ đạn pháo cực kỳ cần thiết và xe tăng cùng các phương tiện bọc thép khác", ông Austin cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Hai 23/5 sau cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine.
Ông nói rằng các quốc gia khác đã thực hiện các cam kết mới để đào tạo quân đội Ukraine.
Ông Austin cũng cảm ơn sự hỗ trợ đáng kể của Cộng hòa Séc, bao gồm cả việc chuyển giao máy bay trực thăng chiến đấu, xe tăng và hệ thống tên lửa gần đây.
Ngoài ra, Chánh văn phòng Lầu Năm Góc thông báo quyết định của Đan Mạch gửi cho Ukraine một bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon và đạn dược.
Ngoài ra, đại diện Lầu Năm Góc cũng hoan nghênh sự đóng góp của Ý, Hy Lạp, Na Uy và Ba Lan vào việc cung cấp pháo cho Ukraine. Riêng ông Austin cũng lưu ý đến vai trò của Anh trong việc điều phối việc chuyển viện trợ quân sự cho Ukraine.
Chánh văn phòng Lầu Năm Góc thông báo cuộc họp lần thứ ba của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine sẽ được tổ chức vào ngày 15/6 bên lề cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels.
Cuộc họp đầu tiên của nhóm diễn ra vào tháng 4 tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.
Nhà ngoại giao Nga từ chức vì phản đối chiến tranh Ukraine
Nhà ngoại giao Boris Bondarev
Một nhà ngoại giao Nga đã từ chức để phản đối cuộc chiến "đẫm máu, ngu ngốc" "do Putin phát động chống lại Ukraine".
Boris Bondarev, theo hồ sơ trên LinkedIn, đã từng công tác tại Phái bộ Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ nói với BBC rằng ông biết quyết định lên tiếng của mình có thể đồng nghĩa với việc Điện Kremlin coi ông là kẻ phản bội.
Nhưng ông vẫn giữ nguyên tuyên bố, trong đó mô tả cuộc chiến là "tội ác chống lại người dân Ukraine" và "người dân Nga".
Moscow chưa đưa ra bình luận về việc này.
Nga đã thẳng tay đàn áp những ai chỉ trích hoặc đi ngược lại những cách tường thuật chính thức về cuộc chiến, mà Nga chỉ coi là "một hoạt động quân sự đặc biệt".
Trong lá thư được đăng trên mạng xã hội và gửi tới các đồng nghiệp ngoại giao, ông Bondarev giải thích rằng ông đã chọn kết thúc sự nghiệp 20 năm phục vụ vì ông không thể "tiếp tục tham gia vào trò lố bịch đẫm máu, ngu ngốc và hoàn toàn không cần thiết này".
"Người nào vạch ra cuộc chiến này chỉ muốn một điều duy nhất - nắm quyền mãi mãi", ông Bondarev viết.
"Để đạt được điều đó, họ sẵn sàng hy sinh nhiều mạng sống. Hàng nghìn người Nga và Ukraine đã chết chỉ vì điều này."
Lá thư cũng không do dự cáo buộc cơ quan cũ của ông, rằng Bộ Ngoại giao Nga quan tâm đến "sự dối trá và thù hận" hơn là ngoại giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét