Nói đến “chợ trời” chắc ai cũng biết. Ở đó, người ta bán đủ thứ, không cần xếp “ngành nghề” gì cả, hàm-bà-lằng ! “Thượng vàng hạ cám” gì đều ngang nhau hết. Rất bình đẳng, không “phân biệt giai cấp”, không “kỳ thị chủng tộc”. “Anh” ti-vi loại “xịn”, loại tổ bố, loại “made in Japan”, vẫn đứng cạnh “anh” quạt máy nhỏ xíu cỡ bằng bàn tay loại “không made in gì cả”. Những món hàng ăn cắp vẫn ngang nhiên… kề vai với những món hàng thuộc diện “bảo đảm có phắc-tuya đàng hoàng”. Và cùng đứng rất tự nhiên, không kênh kiệu tự tôn, không tự ti mặc cảm. Thậm chí đến đồ thiệt đồ giả cũng… đứng chung với nhau, lẫn lộn một cách rất hài hòa thân thiết ! Cái thế giới “chợ trời” đúng là cái thế giới lý tưởng bởi vì đã san bằng được giai cấp và mọi dị biệt đều được hòa đồng…
Vậy mà sau “ngày cách mạng thàng công”, chánh quyền cách mạng đã “cách mạng” chợ trời ráo riết. Nay càn quét chỗ này, mai càng quét chỗ kia. Chợ trời rách nát te tua, rồi mất dạng. Rồi hiện trở lại, rồi lại mất dạng… vv nhiều lần. Giống như trò cút bắt.
Chính trong thời gian kể trên, một hôm đi ngang Lăng Ông Bà Chiểu, tôi “được” một anh thanh niên kè theo hỏi nhỏ mà cặp mắt láo liên:
– Chú mua quần tây không chú ?
Thật bất ngờ và cũng thật bất thường làm tôi phải lấy ngay “tư thế cảnh giác”. Do bản năng và nhứt là do thói quen sau này – tôi muốn nói sau cuộc đổi đời vĩ đại – lúc nào cũng phải thủ thế, luôn luôn coi chừng lời ăn tiếng nói, luôn luôn coi chừng hành động của mình, luôn luôn coi chừng những người chung quanh… Bởi vì không biết lúc nào trắng lúc nào đen, không biết ai là ai nữa. Thấy chẳng còn ai tin ai nên tôi cũng chẳng dám tin ai. Vậy là lúc nào cũng có ngay một phản ứng rất… thời đại: nghi ngờ !
Tôi nghi gã thanh niên “có ý gì”. Bởi vì nói bán quần tây mà đi hai tay không, lại còn phì phà điếu thuốc đầu lọc mà chính bản thân tôi – công nhân viên với ngạch trật “kỹ sư bậc hai trên sáu” – không đủ tiền để mua hút ! Tôi vội nhìn quanh: chẳng còn ai hết ngoài tôi và gã. Vậy là ở đây không có loại “chợ trời mi-ni” để gã có lý do bắt mối chào hàng. Tôi nghiêm nghị trả lời:
– Không !
Gã vẫn đeo theo:
– Mua giúp con mà chú. Quần tây thứ tốt, loại đa-cờ-rong nhập cảng đàng hoàng.
Tôi làm thinh, tiếp tục bước đi và vẫn tiếp tục… thủ. Bỗng, gã đổi giọng than thở:
– Chú không biết chớ bây giờ chợ trời bị dẹp hết, còn chỗ đâu mà buôn bán. Dân chợ trời rã ra đi bán chui lẻ tẻ vẫn bị “cum” như thường. Khổ lắm chú ơi ! Bữa nay con lang bang xóm này cầu may mà sáng giờ chưa bán được cái quần nào hết. Chú mua giúp đi chú !
Tôi không cần quần nên không cần mua. Nhưng vẫn thắc mắc:
– Anh nói bán quần mà đi tay không, có thấy hàng họ gì đâu ?
Anh ta nhăn mặt:
– Trời ơi ! Cầm trong tay cho tụi nó thấy đặng mang họa à !
Rồi hắn dừng bước, để điếu thuốc lên khóe môi, một tay ôm vạt sơ-mi lên, một tay chỉ vào quần hắn đang mặc:
– Nè ! Quần đây nè ! Thiệt mà ! Chú coi đi !
Tôi thật ngỡ ngàng, không biết phải nói gì làm gì. Gã cầm lấy bàn tay tôi đặt lên hông gã:
– Đây ! Chú rờ coi ! Đa-cờ-rong thứ thiệt mà. Còn mới tinh hà !
Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng, tay mân mê một cách máy móc chéo vải quần của hắn. Thấy vậy, giọng hắn trở nên dồn dã:
– Để con cởi ra cho chú coi nghen !
Gã dọm mở nút quần, tôi cản lại:
– Đừng ! Đừng ! Tôi không mua đâu.
– Hay là chú muốn coi quần màu khác ? Cũng đa-cờ-rong.
Không đợi tôi trả lời, hắn phun mẩu thuốc trên môi, lẹ làng kéo phẹt-mơ-tuya xuống. Rồi một tay ôm vạt áo, một tay tuột quần khỏi mông, để lộ bên trong một cái quần khác màu sậm hơn ! Hắn xoay người qua xoay người lại để… bày hàng, rồi nói:
– Cái này “xịn” hơn. Đa-cờ-rong Mỹ mà. Chú rờ coi ! Bảo đảm chưa mặc lần nào hết !
Tôi bỗng thấy tội nghiệp anh ta vô cùng. Và tôi đoán rằng bên trong còn một cái quần thứ ba nữa, bởi vì tôi vừa nhận ra là anh ta ốm tong ốm teo, dư sức để mặc dễ dàng ba cái quần.
Tôi đặt tay lên vai gầy của hắn, thân mật:
– Chú không mua đâu. Đừng mất thì giờ. Tốt hơn cháu nên chào hàng người khác đi !
Trong lúc tôi bỏ đi, hắn còn nói vói theo:
– Chú chưa coi hết mà ! Còn một cái nữa nè !
Tự nhiên, hai chân tôi bước nhanh hơn, bước dài hơn. Làm như muốn chạy.
Tiểu Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét