Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

AI? - Truyện mi-ni của Thái Bá Tân

 

 Vào năm ấy, ở mặt trận ấy, hai nghìn người lính trẻ được lệnh xuống đồng bằng tham chiến. Sau một đêm, chỉ ba mươi người sống sót trở về!
Nhiều năm qua tôi luôn bị ám ảnh bởi con số khủng khiếp này trong một câu khô khan và thuần túy mang tính thông tin. Chính xác đó là câu thơ trong bài “Ai? Tôi!” của nhà thơ Chế Lan Viên khi ông viết về chiến dịch Mậu Thân. Tác giả nêu câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?” Và chính ông tự trả lời mình: “Tôi! Tôi/ người viết những câu thơ cổ võ/ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong”. Đằng sau những con số này là những con số khác còn khủng khiếp hơn: Một triệu người lính cách mạng và hai triệu dân thường Việt Nam đã hy sinh trong cái ta thường gọi là “cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
<!>

Như nhà thơ, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi của ông: Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó? Không phải tôi, tất nhiên, vì tôi là người bình thường và chỉ nhờ ngẫu nhiên mới không bị gộp vào con số đó. Tôi không ra lệnh, không đưa ra các quyết sách lớn về đại cục. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa tôi hoàn toàn vô tội. Không, tôi vẫn phải chịu một phần trách nhiệm vì đơn giản tôi là một công dân và đã để đất nước mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Một công dân tốt còn biết đau về cái chết của đồng bào.

Câu hỏi tiếp: Liêu có đáng phải hy sinh ghê gớm như thế để “giải phóng dân tộc” không, mà rồi, giải phóng khỏi ai? Khỏi những đồng bào Việt Nam khác ở bên kia chiến tuyến?
 
Một câu hỏi nữa: Ba mươi người sống sót trong số 2000 người ấy bây giờ thế nào, và họ nghĩ gì về sự trận đánh ấy của họ mà đài báo ta lúc ấy gọi là “thắng lợi, nhưng ta phải chịu một số thương vong nhất định”?

Khá vất vả, cuối cùng tôi cũng tìm được một người, ngay trong huyện Diễn Châu quê tôi. Điều này lần nữa làm tôi giật mình: Sao lúc nào, ở đâu có đánh nhau ác liệt nhất và nhiều người chết nhất cũng có mặt những người lính nông dân Nghệ Tĩnh của tôi? Có thể chỉ ngẫu nhiên, nhưng vẫn giật mình.

Đó là một lão nông trạc tuổi tôi, trên sáu mươi chút ít, nhưng trông hom hem với một chân thọt và một tay hơi khuỳnh khuỳnh.

“Chuyện từ đời tám hoánh nào, hơi đâu mà nhớ đến. Mà cũng chẳng còn lúc nào rỗi để nhớ”. Ông nói khi tôi gợi chuyện. “Con cháu một bầy, toàn ăn hại. Lại thêm trận lụt vừa rồi ngập hết lúa như bác thấy.”

“Bác có cảm giác thế nào khi sống sót trở về rừng?”

“May! Còn thế nào nữa. May thoát chết như bác nói. Nhờ giả vờ chết mà sống đấy.”
“Sau đó thì sao?”

“Thì đánh nhau tiếp. Trong số ba mươi người sống sót lần ấy, nghe nói chỉ năm người trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Trong đó có tôi. Cũng nhờ may rủi thôi”.
Tôi lặng người, chẳng biết nói gì thêm. 

“Sự hy sinh của các bác thật to lớn.” Tôi lên tiếng khi thấy im lặng mãi bất tiện. “Các bác là những người anh hùng, dũng cảm, dám xã thân vì nước...”

“Anh hùng, dũng cảm cái đếch gì. Người ta bảo đi lính thì đi. Bảo xung phong thì xung phong. Không xung phong, không dũng cảm mà được à? Không bị địch bắn chết thì cũng bị đồng đội đằng sau bắn vào lưng!”

Mấy thằng nhỏ thấy có khách, xúm lại hóng hớt. Ông chúng quát:
“Chúng mày biến! Mai kia thằng Tàu nó đánh, sẽ đến lượt chúng mày! Không thoát được đâu!”

Cuộc gặp này để lại trong tôi một ấn tượng nặng nề.

Tôi cũng may. May chưa bao giờ viết thơ cổ vũ người khác ra trận. May không phải là một trong ba mươi người sống sót ấy, chính xác hơn, năm người. Nếu không tôi sẽ đau khổ lắm. Chả là đời trót cho tôi cái chữ nên hay suy luận và mặc cảm. May nữa là tôi không bao giờ phải bắn vào lưng đồng đội nếu họ không xung phong, và ngược lại. May! Và tôi cảm ơn số phận điều ấy.

Nhưng tôi cũng có con cháu, và như ông ấy nói, mai kia thằng Tàu đánh mình, sẽ đến lượt chúng. Nghĩ mà sợ. Sợ và buồn. Vì lão nông kia, tôi và con cháu của tôi không có sự lựa chọn nào khác. Vì chúng tôi, vì tất cả chúng ta, đơn giản chỉ là những con tốt vô danh trên bàn cờ của các nhà lãnh đạo đất nước.

Cầu mong cho họ biết thương dân và có những quyết định sáng suốt

Thái Bá Tân

Những năm 1970 tôi đã nghe nhiều câu chuyện bộ đội ta hy sinh khủng khiếp ở chiến trường, nhất là Tết Mậu Thân 1968 và ở thành cổ Quảng Trị 1971. Trong khi đó các nhà báo và văn nghệ sĩ thì mô tả bao giờ ta cũng thắng, địch cũng thua; quân ta bách chiến bách thắng... làm cho cả nước lúc nào cũng như lên đồng vì Việt Nam làm gì cũng vô địch thế giới. Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 4-5 triệu người dân cả nước trong sự nghiệp giải phóng miền Nam ? Tất nhiên, trách nhiệm cao nhất là các nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng trách nhiệm không kém là tầng lớp văn nghệ sĩ. Họ mô tả ra trận như đi du lịch, như "đường ra trận mùa này đẹp lắm..." để lừa bịp, khuyến khích thanh niên mới lớn cả tin xung phong ra trận. Hồi đó tôi đặc biệt căm ghét chương trình văn nghệ quân đội 7h sáng chủ nhật hàng tuần vì họ dùng những cô gái có giọng nói ngọt ngào, đĩ thõa để lôi kéo, quyến rũ thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi chưa đủ tuổi.... Gần 30 năm nay tôi không tham gia các hội hè, không vào các phòng karaoke... vì tôi ghê tởm những bài hát cách mạng. Thế hệ trẻ nước ta vừa thiếu học, vừa bị nhồi sọ, lại kém nhận thức nên rất vô tư hát những bài hát cách mạng đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người... làm tôi rất đau lòng mỗi khi phải nghe họ hát.

Không có nhận xét nào: