Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Đọc “AN HƯỞNG TUỔI VÀNG” của Bác sĩ Nguyễn Ý- ĐỨC - Mùi Quy Bồng

Người đọc: Mùi Quý Bồng, M.D.
Sinh, Lão, Bệnh, Tử là những giai đoạn tự nhiên không thể tránh trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Oái oăm thay, lúc còn niên thiếu ai cũng mong thời gian qua mau để mình chóng trưởng thành, nhưng khi tuổi xuân đi qua, mùa thu cuộc đời bắt đầu ló dạng thì chúng ta lại lo lắng tìm đủ mọi cách để níu kéo dòng đời, hòng mong vớt vát chút nào ánh dương quang đang dần dần tàn tạ. <!>
Tôi có viết một bài thơ nhan đề Tâm Sự Kẻ Xa Quê, mở đầu bằng hai câu:
Vòng tay ngó lại cuộc đời
Những năm tháng cũ đã với cách xa
Để phù hợp với đề tài An Hưởng Tuổi Vàng xin đổi vài chữ như sau:
Dang tay níu kéo dòng đời
Xin thời gian hãy tạm ngồi nghỉ chân.
Vậy đó, ta xin thời gian dừng lại để ta khỏi bị lão hóa, trẻ mãi không già, nhưng thời gian thì vẫn dửng dưng. Mà không phải chỉ phái đẹp mới bận tâm tới việc trì hoãn tuổi vàng, nam giới cũng xôn xao không kém. Và thế là căng da mặt, độn cằm, cắt mí mắt, bơm ngực, hút mỡ bụng, mỡ đùi, tẩy xóa vết nhăn, vết đồi mồi, nhuộm tóc, cấy tóc, đeo răng giả…Thôi thì đủ mọi cách để cố giữ phong thái trẻ trung. Mời thời gian nghỉ chân, thời gian không them nghỉ thì ta tự tìm cách để tạo ra cái ảo tưởng ta đã đi ngược được thời gian, có sao đâu! Chả trách các viện giải phẫu thẩm mỹ và các hãng bào chế mỹ phẩm cứ tha hồ hốt bạc. 
Mà thử hỏi có ai không sợ già? Vì chữ “già” hàm chứa chữ “bệnh” và là tiền nhân của chữ “chết”! Có ai muốn chết bao giờ, trừ khi bị thất vọng não nề đến thành tuyệt vọng vì một nguyên nhân nào đó, như cuộc tình đổ vỡ, chí nguyện không thành, tán gia bại sản vì cờ bạc chẳng hạn, đến độ không còn sáng suốt suy tính mà tự hủy hoại mạng sống của mình!
Thế nhưng nghĩ cho cùng những phương thức níu kéo tuổi xuân ấy chỉ đem lại một chút an ủi mỏng manh, giả tạo, một lớp sơn hào nhoáng nhưng hời hợt mà không giúp chúng ta có được an vui, hạnh phúc thực sự như ta mong muốn…
Vậy làm thế nào để ta có thể bước vào giai đoạn lão hay nói một cách văn hoa hơn là cái giai đoạn Tuổi Vàng của cuộc đời một cách thanh thản hơn để được thật sự an hưởng những gì ta đã dày công tạo dựng trong lúc thanh xuân? Đây là một thắc mắc mà ai sắp qua ngưỡng cửa trung niên và những vị đã và đang bước vào ngôi nhà “bô lão” đều thấy vương vất đâu đó trong đầu. 
Để đáp ứng câu hỏi đó, nhà xuất bản Y Tế đã phát hành tác phẩm An Hưởng Tuổi Vàng do bác sĩ Nguyễn Ý- ĐỨC, một chuyên gia Y Khoa Gia đình, Lão Khoa và sức khỏe tâm thần soạn thảo. 
Đây là một cuốn sách biên khảo rất công phu, dầy hơn 280 trang, trình bày trang nhã, chữ in lớn, dễ đọc, nhất là đối với quý vị cao tuổi, thị giác kém tinh tường. 
Tác giả, bác sĩ Nguyễn Ý- ĐỨC, với một lối hành văn giản dị, gọn ghẽ, mạch lạc và một văn phong trong sáng mà dí dỏm, khoa học mà nhẹ nhàng đã đưa người đọc qua mười chương chính của tác phẩm, từ phần mở đầu nói về Tuổi Hạc Tuổi Vàng qua định nghĩa sự lão hóa đến việc đi tìm thuốc trường sinh, rồi cùng độc giả bàn luận về những thay đổi của cơ thể khi về già, những ưu tiên sức khỏe trong tuổi già cũng như những vấn đề thông thường mà quý vị lão niên hay vướng mắc. Tác giả dành một chương quan trọng để nói về các dược phẩm, dược thảo thường dùng và thảo luận về sự sử dụng thuốc men ở người cao tuổi. 
Trong hai chương áp chót, tác giả bàn về tình cảm và đời sống tinh thần của người già, sự liên hệ giữa quý vị lão niên với gia đình, với người hôn phối, với con cháu và trình bày những phương thức để quý vị cao tuổi có thể tận hưởng cảnh hưu trí, an vui du lịch tuổi vàng. Cuối cùng tác giả hướng dẫn người đọc cùng nhìn về tương lai, điểm qua những tiến bộ của 100 năm y học với những phương cách làm chậm sự lão hóa, tăng phẩm chất cuộc sống trong tuổii giả, lập những quyết tâm thực hiện các mục tiêu cần thiết để quý vị cao tuổi bảo trì sức khỏe vật chất và tinh thần của mình. Tác giả cũng sơ lược về Năm Quốc Tế Người Cao Tuổi 1999, một bằng chứng cho thấy sự quan tâm của toàn thế giới đối với quý vị lão niên. Tác giả kết thúc bằng một bài tham luận về mối tương quan giữa bệnh nhân và y sĩ, nêu lên những dữ kiện quan trọng cần phát triển và thực thi trong sự hợp tác này hầu đạt được những kết quả tốt đẹp để quý vị lão niên có thể yên vui “An Hưởng Tuổi Vàng”.
Qua toàn bộ tác phẩm, BS Nguyễn Ý-ĐỨC đã lần lượt trình bày cặn kẽ mọi khía cạnh của tuổi già cũng như người già. Tác giả đã đi từ những cấu trúc nhỏ nhoi như nhiễm thể, tế bào, mô đến tòan bộ cơ cấu con người, từ chân mày sợi tóc đến xương cốt, da thịt; từ ánh mắt, gương mặt mặt đến dáng đi điệu đứng; từ miếng ăn giấc ngủ đễn những tình cảm vui buồn, thương tiếc,; từ tình yêu đến tình dục; từ tập luyện thân thể đến bảo tồn trí nhớ. 
Đọc xong tác phẩm này, độc giả sẽ có một ý niệm vững vàng về sự lão hóa, hiểu thấu được các nguyên nhân và hậu quả của tiến trình không thể tránh được này, và có một nhãn quan thiết thực hơn về cuộc đời. Độc giả còn được tác giả hướng dẫn những phương cách để phòng ngừa hay khắc phục các hậu quả của tuổi già, kéo dài thêm một đời sống thoải mái, an bình và vui thú cả về phương diện thể xác lẫn tinh thần.
Một điểm son mà tôi muốn nhấn mạnh là tác giả, bác sĩ Nguyễn Ý- ĐỨC, đã vô cùng trân trọng tác phảm của mình. Với một tinh thân tôn trọng độc giả, ngòai những hiểu biết uyên bác của mình về lão khoa, tác giả còn dày công tra cứu, sưu tầm những tài liệu quý giá để cống hiến bạn đọc một cuốn biên khảo hàm súc và hữu dụng . Trên phương diện một y sĩ, tôi hân hoan đón nhận tác phẩm này vì nó sẽ giúp người hành nghề y tế săn sóc quý vị lão niên một cách có hiệu quả và dễ dàng hơn nhiều nếu họ đọc, hiểu và áp dụng những đề nghị hướng dẫn của tác giả. 
Dĩ nhiên đây là một cuốn biên khảo y học nên nhiều chỗ không tránh khỏi tính cách chuyên môn. Tuy nhiên B.S. Nguyễn Ý- ĐỨC, với văn tài và kinh nghiệm săn sóc người già của mình, đã rất khéo léo trình bày các kiến thức khoa học đó một cách rất thanh thoát và dễ hiểu. Tác giả lại nhẹ nhàng điểm xuyết đó đây những đoạn văn dí dỏm, ý nhị, khiến người đọc phải mỉm cười thích thú, tránh sự mệt mỏi bão bộ. Người đọc chỉ cần chú tâm một chút là có thể lãnh hội được những hiểu biết ấy một cách rất an nhiên. 
An Hưởng Tuổi Vàng là một tác phẩm cần có trong mọi gia đình, và bất cứ ai đang già, hay còn son trẻ đều nên tìm đọc. Những người trong tuổi lão niên hay sắp bước vào mùa thu cuộc đời cần đọc đã đành, các bạn trẻ cũng nên làm quen với cuốn sách để hiểu và thông cảm các bậc phụ mẫu của mình hơn hầu dễ dàng làm tròn bổn phận cháu con hiếu thảo, giúp quy vị cao niên an tâm vui hưởng tuổi vàng, và góp phần bảo tồn hạnh phúc gia đình.
Một bảo đảm chắc chăn nhất cho sự hữu dụng của tác phẩm An Hưởng Tuổi Vàng có thể thấy ngay trước mắt là chính bản thân tác giả.
BS Nguyễn Ý-ĐỨC, tuy tuổi đã ngoài 60, sắp sửa thất thập cổ lai hy mà vẫn còn tráng kiện, minh mẫn, đầy sinh lực và phu nhân thì vẫn tươi tắn mỹ lệ chẳng thua gì các bạn thanh nữ trẻ trung. Đặc biệt nhất là tác giả đã tự thú: “hiện tình, tuổi đời gần sáu bó ruỡi mà Tâm Thân cố giữ an lạc, dáng đi chưa đến nỗi ngả nghiêng, người anh em đồng hao cho chục viên Viagra mà vẫn chưa phải dùng tới và người bạn đường trên ba mươi năm không khiếu nại. Lâu lâu khi stocks lên, còn cao hứng đòi đầu tư thêm” (A.H.T.V. trang 6). 
Tiếp tục đọc thêm ở trang 33, tác giả kể chuyện vua Do Thái David “khi về già không được khỏe, người cứ lạnh toát, đắp bao nhiêu chăn cũng không đủ ấm, thần dân bèn đặt ngưởi nằm cạnh những thiếu nữ với ý định là để chân khí tữ những thiếu nữ này tiếp sức cho nhà vua”.
Rồi “Boerhaave, một danh y người Đức, sống từ 1668 tới 1738, khuyên viên thị trưởng Amsterdam là nếu muốn lấy lại sinh lực thì hãy nằm giữa hai thiếu nữ còn trinh”. Và “một lão nhân Ai Cập sống tới 115 tuổi đã ghi trong ngôi mộ mình bí quyết sống lâu của ông là nhờ hấp thụ hơi thở của các nàng thiếu nữ”.
Tôi đọc tiếp nhưng không thấy BS Nguyễn Ý-ĐỨC nói quý bà muốn hồi phục sinh lực thì phải làm thế nào?
B.S. Nguyễn Ý-ĐỨC nói được tặng Viagra mà chưa phải dùng, tôi không hiểu ông có áp dụng những phương pháp cổ xưa như vua David, ông Thị Trưởng Amsterdam hay vị lão trượng Ai Cập, mà phong độ còn cao siêu như thế?
Để kết thúc, tôi nghĩ rằng những ai sau khi đã đọc và áp dụng những điều chỉ dẫn của BS Nguyễn Ý-ĐỨC có lẽ sẽ đổi hai câu thơ của tôi thành ra:
Thong dong sánh bước cuộc đời
Tiêu dao ngày tháng an vui Tuổi Vàng.

Mùi Quý Bổng, M.D.
New Orleans- Louisiana- 26/8/2000

Không có nhận xét nào: