Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 (Nhâm Ngọ), tại làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Xuân này, như ông bà tính, ông 75 tuổi.<!->
Lịch sử mỹ thuật đương đại Việt Nam không thể thiếu khuôn mặt Phạm Văn Hạng. Gần nửa thế kỷ lao động nghệ thuật, kể từ Chứng tích (Sài Gòn, 1970), một tác phẩm nổi loạn, mang từ chiến trường Quảng Trị đến Đất lành (Đá), Cầu Rồng (thép), Đà Nẵng - 2013, ông đã cắm những đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình.
Lĩnh vực này, “nó giới thiệu cho ta cuộc sống của con người dưới diện mạo trực tiếp của nó, hoặc như có người nói, “dưới hình thức của chính bản thân cuộc sống” (V.Kô-gi-nốp, Các loại hình nghệ thuật, NXB Văn hóa-Nghệ thuật, 1963, trang 93).
Với Phạm Văn Hạng, bằng các thể khối từ đá, gỗ, kim loại..., nhiều hình tượng điêu khắc có kích thước khổng lồ như Mẹ dũng sĩ, Đà Nẵng, 1985, cao 15 mét, Nhà đày Lao Bảo, 2000, cao 12 mét, Đài tưởng niệm Bên dòng sông Thạch Hãn, cao 12 mét, Đấng yêu thương, 1988, gò đồng, cao 24,2 mét, Đài tưởng niệm huyện Đại Lộc, 1994, cao 26 mét, Đài tưởng niệm thành phố Huế, 1990, cao 25 mét,… đã ra đời, sừng sững giữa đất trời nước Việt.
Ông còn tạo ra vườn tượng Đà Nẵng, vườn tượng Đà Lạt, nơi đây khắc ghi những chân dung đáng kính, như: học giả Đào Duy Anh, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Thanh Tịnh, nhà thơ Lưu Trọng Lư, giáo sư Nguyễn Khắc Viện, giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà thơ Phùng Quán, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhà văn Sơn Nam, nghệ sĩ Kim Cương, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhà thơ Bùi Giáng, v.v…
Nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập, “Tôi thấy toàn thân rung lên khi đứng giữa vườn tượng Phạm Văn Hạng”. Mỗi bức tượng, ông gửi gắm vào đó một nhân cách, một tâm nguyện, một chỗ đứng văn hóa và lịch sử. Qua những nhân vật này, Phạm Văn Hạng khát khao hướng về chân, thiện, mỹ.
Những công trình điêu khắc của ông được giới phê bình mỹ thuật đánh giá cao. Thái Bá Vân viết: “Có những người phải lao động cật lực, hết lương tâm nghề nghiệp, chấp nhận tất cả mọi thiệt thòi, chỉ cốt trở thành người hữu ích và chân chính. Đó là một Phạm Văn Hạng” (Xem Cảm về Phạm Văn Hạng, NXB Văn học, Hà Nội, 2014, trang 180).
Điêu khắc là một hình thức quan trọng của nghệ thuật công cộng, còn thơ ca là loại hình thuộc nghệ thuật ngôn ngữ, khác biệt về tính chất cảm thụ. Hiểu điều này, song Phạm Văn Hạng vẫn không rời được thơ ca, một tiếng nói nghiêng về những trăn trở, thao thức, độc thoại. Ông vẫn đau đáu những câu thơ về đời.
Tháng 9-2007, Phạm Văn Hạng cho ra mắt một tập thơ bằng đồng, kích thước 50 x 65, nặng đến 250kg. Đây là tác phẩm thơ đầu tay, có tựa đề “Ba mươi năm tập tễnh làm thơ”, gồm 29 bài, được gò nổi với 4 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp - Hoa, đạt ba kỷ lục: tập thơ nặng ký nhất, tập thơ có số bản ít nhất và tập thơ duy nhất được khắc gò trên đồng. Chỉ độc bản. Các bài thơ đều ngắn, không có tiêu đề, giống như haiku của Nhật Bản.
Bài dài nhất 28 chữ, bài ngắn nhất chỉ có 5 chữ. Ngắn nhưng lại đầy ma lực về ý, hàm súc, thâm trầm, gợi trường liên tưởng rộng. Độ vang cao. Phóng chiếu ra nhiều chiều kích, nhiều năng lượng. Thơ ít chữ kiểu này giống như các bài kệ của các thiền sư nổi tiếng phương Đông. Tác phẩm này đã được triển lãm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Có người ngỏ ý muốn mua, song, ông không bán, sẽ giữ và trao lại cho mai sau.
Tập Thi, NXB Hội Nhà văn, 2007, có 29 bài. Bìa là hình tác giả, râu tóc rậm, đôi mắt nhìn xa xăm, như thẳm sâu vào cõi người. Tập thơ tràn ngập nỗi niềm. Hãy nghe tác giả nói: Gạn từng tỉ năm/ ánh sáng/ Chưa/ thẩm/ thấu/ Một giọt thầm. Bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Ngọc Tuấn thật hay: Des milliards d’annees-lumiere n’absorbent/ une seule goutte de silence. So sánh giữa “tỷ năm ánh sáng” và “một giọt thầm” nhằm kéo người đọc về phía sau, phía của giọt lệ thầm, phía của giọt nước mắt lặng im, phía của “lệ đá xanh” (Thanh Tâm Tuyền).
Có bài thơ ngắn, 10 chữ: Đất Trời/ không giấu mặt/ Đời/ Người/ Mãi/ Thực/ Hư chứa nhiều suy nghĩ. Đất, Trời là thiên nhiên, là cỏ cây, mây trời, sông núi quanh ta, tất cả bày ra đấy. Không giấu giếm bản ngã nhưng luôn che chở cho con người. Thiên nhiên là người mẹ hiền của nhân loại. Nhưng, con người, thực thể sâu thẳm đó, một “cõi nhân gian bé tí” (Nguyễn Khải) nhưng lại vời vợi, khôn cùng. Mọi bi kịch của con người cũng bắt đầu từ đây. Nằm trong suy nghĩ đó, Hữu Thỉnh có bài thơ, tên là Hỏi, nhưng lại không có câu trả lời.
Phạm Văn Hạng có nhiều bài thơ đầy chất thế sự. Có bài mượn gỗ, đá, sắt, đồng để nhân cách hóa cho một tiếng nói, tiếng nói của nhân văn khi bị tước đoạt, đẩy vào tù ngục, giam cầm: Những bức tượng/ trong vườn òa ra khóc/ Khi nhân văn/ bị sỉ nhục giam cầm/ Đá/ Gỗ/ Sắt/ Đồng/ Không thể lặng câm. Kiểu nói của ông là kiểu nói của Phùng Quán, “dùng dao viết văn lên đá” (Lời mẹ dặn).
Một bài thơ khác, sau các câu thơ là trĩu nặng những tình đời, những cay uất về nhiều tấn tuồng ảo hóa của thế gian: Buôn vua bán chúa/ thời xưa cũ/ Tướng sĩ đồng hành/ lũ vong thân/ Hành pháp/ trong tay phường mãi lực/ Gỗ/ Đá/ buồn/ Chao đảo nhân văn. Tác giả nói “thời xưa cũ” nhưng trường liên tưởng cứ trượt về phía trước, cho chúng ta nghĩ là hôm nay, của hiện tại này.
Có bài thơ như vẽ chân dung tác giả, với 10 chữ ngắn gọn: Tóc/ trở thành/ mây/ trắng/ Uống giọt sương Ưu/ Sầu. Suốt một đời, ngang dọc bắc nam, làm nhiều nghề, lao tâm lao lực để sống, sống đúng nghĩa con người, Phạm Văn Hạng luôn ưu tư và sầu đời.
Lại có bài thơ bàn về ánh sáng, một biểu tượng liên quan đến chân lý, một nội hàm biểu trưng rất phong phú của phương Đông và qua đó Phạm Văn Hạng lập phép đối lập: Ánh sáng/ nhỏ nhoi/ Soi/ Tìm/ Trí lực/ Ánh sáng lụn tàn/ Tan/ Nát/ Sinh linh. Bao nhiêu sinh linh của thế gian này đã phải chịu cảnh “lụn tàn”, “tan nát” khi “ánh sáng thần thánh” hay “ánh sáng tinh thần” bị bóng đêm xéo dày, quật đổ.
Hay như “Những con rối/ được sống/ Nhờ bàn tay/ nghĩ suy/ Những con rối chỉ huy/ Chỉ còn đầy/ nước mắt. Ông gửi vào hình tượng con rối những day dứt về đời. Bao nhiêu con rối trên sân khấu trần gian này, khi: Luật rừng/ không cần/ hiền nhân/ Giáo luật/ khóa chặt/ uyên bác/ Quyền lực/ run sợ/ tư duy. Ở đời này, bày ra không ít “những con rối chỉ huy”, những con rối gây nên bao thảm cảnh, bao nước mắt.
Phạm Văn Hạng là một Don Quichotte của Việt Nam, không phải chém vào cối xay gió, mà nhiều câu thơ, vần thơ như vết cứa, cứa vào da thịt, đau đớn khôn cùng. Cách đây hơn 10 năm, nhìn thế sự, ông viết:
Rác rưởi kết bè che mặt nước
Đất thấm buồn đau thương núi sông
Bão giông dẫu biết tan thành sóng
Trắng cả đầu xanh, bạc cả lòng.
Câu thơ phảng phất tâm sự Tản Đà: Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc (Tiễn ông công lên trời - Ngày nay số 99, 1938).
Xét ở một khía cạnh nào đó, Phạm Văn Hạng là một nghệ sĩ, chọn thơ ca như một tôn giáo để gửi gắm những suy tư triết học của mình. Tôn giáo đó, với ông, là nẻo về thiền tịnh, là nơi neo giữ thiên lương của con người, là chỗ cất giấu những suy nghiệm của một đời người.
Đời Phạm Văn Hạng có vinh quang nhưng cũng đầy gió bụi trần ai. Cứ nhìn khuôn mặt Phạm Văn Hạng sẽ thấy, nó như khối đá tạc chưa hoàn chỉnh, còn dang dở phía trước. Thơ ông là gương mặt của ông. Từ khuôn mặt của Phạm Văn Hạng, sẽ hiểu đôi điều về thơ Phạm Văn Hạng.
Phạm Văn Hạng đến với thơ như đi tìm bản ngã của mình, tìm bóng mình trên bức vách của thời gian. Nói như nhà thơ William Wordsworth thơ là “dòng trôi chảy tự nhiên của những cảm xúc mạnh mẽ vô bờ”. Với Phạm Văn Hạng, mạch nguồn điêu khắc, tự trầm tích của nó, được bắt nguồn và nuôi dưỡng từ Thơ, từ tình yêu quê hương, đất nước, từ dằn vặt về thiên chức của người nghệ sĩ, từ cơn bão nội tâm trong chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người.
Đọc nhiều bài thơ, dù rất ngắn của Phạm Văn Hạng, ta sẽ thấy, sau câu thơ là trái tim của người nghệ sĩ. Thơ đi ra từ nền tảng triết lý nhân sinh và vũ trụ của Phạm Văn Hạng. Triết học ấy cho Phạm Văn Hạng những niềm tin để sống và sáng tạo, để ông chống lại cái giả dối trong cuộc đời, trong nghệ thuật, giữ lại lương tri, lương thiện.
Phạm Văn Hạng thường nói, tôi là người lao lực, một thứ lao động chân chính và cật lực. Thơ, với ông, là hành trình đi tìm tự do, đến với tự do, là loại hình “vượt qua mọi quy chiếu” (Nguyễn Trọng Văn). Thơ là thơ và thơ cũng là đời. Trong ý nghĩa đó, thơ là loại hình điêu khắc bằng ngôn ngữ, một kiểu ngôn ngữ đầy chất Phạm Văn Hạng.
HUỲNH VĂN HOA
Nhà Điêu Khắc Trứ Danh Phan Ni Tấn. |
(Điêu khắc gia kiêm họa sĩ Phạm Văn Hạng.) |
Tôi không biết nhà thơ Như Thương, tức cô em Tiểu thư Đạt Lý lâu nay của tôi, lấy ở đâu ra tấm hình chụp ông Phạm Văn Hạng khoác tấm khăn choàng trên người như một tay cao bồi già django, đứng dang hai tay trước tác phẩm cổng đá chưa hoàn tất của ông, nhưng tôi biết rất rõ điêu khắc gia kiêm họa sĩ Phạm Văn Hạng là ông bạn văn của tôi từ những năm 1978 đến nay.
Ít người biết, ngoài tài làm thơ, vẽ vời, điêu khắc, Phạm Văn Hạng còn là một... thợ may. Tấm khăn choàng cỡ lớn cũng như quần áo ông mặc rộng thùng thình là do chính ông thiết kế, may mặc.
Năm 1978 -79, thấy tôi lang thang đầu đường xó chợ Sài Gòn, ông bạn Trương Đình Quế, bạn đồng nghiệp ngành mỹ thuật với Phạm Van Hạng, thương tiếc "một tài năng", đã đưa tôi về nhà của anh bên làng báo chí Thủ Đức cho ăn cho ở... một ngày một đêm. Tại đây, đã diễn ra sôì nổi một buổi văn nghệ, tuy bỏ túi nhưng thật "hoành tráng". Tôi nói "hoành tráng" là vì có mặt hầu hết những nghệ sĩ tài danh ở Sài Gòn, trong đó có mặt điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Văn Hạng..
Tính khí cố hữu của người xứ Quảng nên Phạm Văn Hạng thường khoái hoạt, hào sảng, lập dị, thích ăn to nói lớn. Trong buổi văn nghệ sôi nổi này, nhà thơ Phạm Văn Hạng cao hứng qua những bài thơ ngắn của anh. Thơ Phạm Văn Hạng giống như gương mặt lồi lõm, sắc cạnh, râu tóc phong trần, bụi bậm của anh. Anh đọc thơ, giọng sang sảng với điệu bộ đầy nghệ sĩ tính nghiêng về thao thức, trăn trở, cay đắng, trĩu nặng nỗi niềm.
Buôn vua bán chúa thời xưa cũPhạm Văn Hạng có cái đặc biệt là làm cái gì cũng khác người, đặc biệt thích mang tầm vóc vượt bực. Anh ít làm thơ nên không đủ để in một tập thơ trên giấy bình thường như muôn ngàn tập thơ khác, nhưng thay vào đó, sau 5 năm khắc chữ trên đồng, từ năm 2002 - 2007 anh cho ra đời một tập thơ... bằng đồng nặng 220kg. Tập thơ mang tên "Ba Mươi Năm Tập Tễnh Làm Thơ" dày 120 trang, gồm 29 bài. Thơ không có tiêu đề. Bài dài nhất gồm 28 chữ, bài ngắn nhất chỉ có 5 chữ. Mỗi bài thơ được khắc nổi trên những miếng đồng khổ 50cm x 65cm, bằng bốn ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hoa.
Sau khi quen biết Phạm Văn Hạng, có lần t ôi ghé thăm, được anh cho xem một tác phẩm khổ lớn, lộng kính, đặt trên giá vẽ chụp bức tranh tượng một thời làm chấn động giới mỹ thuật Sài Gòn. Từng là một người lính, bất ngờ đứng trước một tác phẩm có âm khí ma quái quỷ mị, tôi như bị đẩy vào bãi chiến trường vừa dứt tiếng súng trong đó, phơi bày dưới ánh nắng mặt trời khét lẹt những.máu me xương xẩu thịt người hôi tanh.
Ngày 8/5/1970, đúng 46 năm trước, từ chiến trường Quảng Trị, Phạm Văn Hạng đã mang vào trụ sở Hội Hồng Thập Tự Sài Gòn một thứ tranh tượng táo bạo không giống ai vì chưa ai nghĩ tới. Đó là một tấm ván khổ 100x120cm, trên đó gắn những vỏ đạn, mảnh mìn, kẽm gai, xương, sọ, thịt da và cả ruột người... lượm lặt từ chiến trường. Tác phẩm phản chiến này dưới chất liệu mới, một loại hình tượng sống đã gây chấn động giới mỹ thuật và báo giới quốc tế thời bấy giờ. Chính "sản phẩm chiến tranh" mang tên Chứng Tích này đã nói lên thái độ của người nghệ sĩ trước nỗi đau của dân tộc trong chiến tranh, đồng thời là lời tố cáo hùng hồn nhất về sự tàn khốc của chiến tranh.
Cũng may, sau biến cố khác thường đó, tác phẩm Chứng Tích đã được trả về cho khổ chủ nhưng vì khó khăn trong việc bảo trì nên Phạm Văn Hạng đã tự ý khâm liệm Chứng Tích một cách trang trọng như để siêu độ những oan hồn uổng tử trong tác phẩm của anh.
Phạm Văn Hạng là nhà điêu khắc xứ Quảng, nổi tiếng từ trước 1975. Sau ngày mất nước Phạm Văn Hạng lang bạt kỳ hồ khắp đó đây để mưu sinh và tìm kiếm ý tưởng mới trong thế giới nghệ thuật. Sau đó anh trở lại quê nhà với phong cách của một nghệ sĩ đích thực. Từ đó "ông già cổ quái" ra sức sáng tạo nghệ thuật, một loại nghệ thuật có kích thước khổng lồ mang ý tưởng bành trướng, vươn lên, thoát đi trước cuộc đời ngổn ngang những gỗ, đá, kim loại, gió và bụi. Ngoài những tác phẩm đặc thù , từ Suy Tưởng, Chạy Loạn đến Tình Mẹ, Xiềng Xích, Phạm Văn Hạng còn có những bức tượng đồng, thạch cao có kích thước đồ sộ trải dài khắp mọi miền đất nước. Ngoài ra, sau những cảm nhận sâu lắng một thời gian dài đã thôi thúc anh hình thành những vườn tượng về bạn bè, danh nhân để lại nhiều cảm phục trong giới thưởng ngoạn.
Cũng như thơ trang trải những suy tư triết học của mình, vườn tượng của Phạm Văn Hạng không ngớt vươn lên, đạt tới cái tự do siêu thoát của người nghệ sĩ phương Đông, qua đó những công trình điêu khắc bằng các thể khối khổng lồ từ đá, gỗ, kim loại, mỗi bức tượng nhằm tôn vinh hòa bình, khát vọng tự do, tụng ca nhân ái, là một vẽ đẹp mang tính nhân văn hướng về Chân Thiện Mỹ.
Hiện nay, giữa thời gian và không gian bao la, Phạm Văn Hạng vẫn thong dong đi cho hết cuộc đời này. Đi cũng là một ước vọng: đặt sự sáng tạo vô tận của anh trên khắp mặt đất quê nhà.
* * *
Phạm Văn Hạng sinh ngày 27-07- 1942 tại làng Nam Ô, xã Hòa Yên, huyện Hòa Hiệp tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Suốt cuộc đời lao tâm, lao lực, sinh sống bằng nhiều nghề từ khổ nhục đến vinh quang.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét