Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Obama tại Nhà Trắng, Washington, ngày 25/09/2015.REUTERS/Kevin Lamarque
Phát biểu trước ủy ban quốc phòng của Thượng viện Hoa Kỳ, đề đốc Michael Rogers, chỉ huy trưởng bộ phận chiến tranh mạng của bộ Quốc phòng, cho biết « vẫn tiếp tục phát hiện các hoạt động tấn công vào các công ty Hoa Kỳ, nhưng chưa rõ các dữ liệu đánh cắp có chia sẻ cho các công ty Trung Quốc hay không » .
Theo AFP, Washington không chỉ trích Bắc kinh về hành động gián điệp nhắm vào các công ty Mỹ vì các cơ quan tình báo của Mỹ cũng làm như vậy. Tuy nhiên, Washington cáo buộc Bắc Kinh thu thập thông tin công nghệ của doanh nhân Mỹ để chia sẻ cho các công ty Trung Quốc với mục đích sản xuất hàng nhái, hàng giả.
Vào tháng 9/2015, tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất với nhau về việc chống lại hình thức gián điệp kinh tế. Hồ sơ này là một trong những bất đồng lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Trung quốc. Ông Obama đã nói trong dịp này " Chúng tôi đã nhất trí với nhau rằng cả Hoa Kỳ và Trung quốc không tổ chức hay ủng hộ việc đánh cắp thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhất là các bí mật thương mại ".
Đơn vị chỉ huy tin học của Lầu Năm Góc vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhằm bảo vệ các hệ thống tin học trong quân đội, các hệ thống thông tin dân sự quan trọng, và cung cấp cho Hoa Kỳ các vũ khí tin học khi có xung đột
Bắc Kinh gia tăng khống chế Biển Đông với hải đăng Xu Bi
Ảnh chụp hồi tháng 1/2016 một công trình xây dựng trên Đá Su Bi (Subi Reef), được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ảnh của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS.
Vào hôm qua, 05/04/2016, Trung Quốc đã chính thức cho vận hành ngọn hải đăng trên Đá Xu Bi, một hòn đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa. Với động thái này, Bắc Kinh đã tiến thêm một bước mới trong việc áp đặt sự đã rồi trong những vùng biển đảo đang tranh chấp với các láng giềng.
Hãng tin Anh Reuters, trích dẫn Tân Hoa Xã, cho biết là bộ Giao Thông Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ « khánh thành » để đánh dấu việc đưa ngọn hải đăng cao 55 mét này đi vào hoạt động. Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng ngọn hải đăng này từ tháng 10/2015.
Theo cổng thông tin Trung Quốc sina.com, hải đăng trên Đá Xu Bi hiện là ngọn hải đăng cao nhất mà Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa, có kết cấu bằng bê tông cốt thép, với đèn pha đủ sáng để được thấy trong phạm vi 22 hải lý.
Điều được hãng Reuters ghi nhận là Đá Xu Bi đã thu hút sự chú ý của thế giới vào tháng 10 năm ngoái 2015, khi khu trục hạm Mỹ được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen đã thâm nhập vùng 12 hải lý quanh thực thể địa lý này để khẳng định quyền tự do hàng hải. Vào khi ấy, Bắc Kinh đã phản ứng rất tức tối, coi đấy là một hành động « cực kỳ vô trách nhiệm » từ phía Washington.
Trước khi bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, Xu Bi là bãi đá nửa chìm nửa nổi, chỉ lộ ra lúc thủy triều thấp. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đảo nhân tạo không sản sinh ra vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh.
Hành động đưa ngọn hải đăng Xu Bi vào hoạt động là môt bước mới của Bắc Kinh muốn áp đặt quyền quản lý của Trung Quốc trên Biển Đông, mượn danh nghĩa một công trình dân sự.
Theo Bắc Kinh, các công trình của Trung Quốc đều nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế của họ về an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ và nghiên cứu khoa học, qua đó mặc nhiên khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc trên các bãi đá hay rạn san hô ở Biển Đông mà họ đã chiếm lấy từ tay nước khác.
Trung Quốc đang có dự án xây hải đăng trên hai hòn đảo nhân tạo khác trong tay họ ở vùng quần đảo Trường Sa : Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson South Reef).
Vương Nghị : Trung Quốc luôn là bạn hữu của Miến Điện
Tân ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) ngày 5/04/2016, tại thủ đô Naypyidaw.REUTERS/Thar Byaw
Sau cuộc hội kiến với đồng nhiệm Trung Quốc ngày 05/04/2016 tại thủ đô Naypyidaw, tân ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi khẳng định tầm quan trọng trong mối bang giao với Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP, giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1991 Aung San Suu Kyi nhấn mạnh trước báo giới rằng mối quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc « rất quan trọng về mọi mặt, chính trị, xã hội và kinh tế ».
Về phần mình, ngoại trưởng Vương Nghị cho biết chính phủ Trung Quốc luôn tâm niệm « thiết lập mối quan hệ tin tưởng » giữa hai nước và Bắc Kinh luôn ủng hộ tiến trình hòa giải dân tộc tại Miến Điện. Ông nói thêm : « Trung Quốc là một láng giềng tốt của Miến Điện. Chúng tôi muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước ».
Không một chi tiết nào được tiết lộ từ nguồn tin chính thức về nội dung các cuộc đàm phán giữa Aung San Suu Kyi và Vương Nghị. Trung Quốc là đối tác kinh tế số 1 của Miến Điện dù quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện chính sách mở cửa từ năm 2011 sau khi chấm dứt chế độ quân sự.
Từ khi chính quyền quân sự Miến Điện quyết định giải thể, Bắc Kinh luôn lo ngại cho tương lai của nhiều dự án có quy mô lớn, như dự án nhà máy thủy điện trên sông Irrawaddy tại Myitsone thuộc bang Kachine (miền bắc Miến Điện) để cung cấp điện cho Trung Quốc.
Công trình có giá trị 3,6 tỉ đô la và do tập đoàn năng lượng China Power Investment Corp làm chủ thầu. Thế nhưng, dự án trên có nguy cơ bị đảng Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ, hiện đang cầm quyền, hủy bỏ.
Tháng 06/2015, bà Aung San Suu Kyi, lúc đó đang giữ vai trò đối lập, bất ngờ đến Bắc Kinh theo lời mời của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chuyến công du được đánh giá mang ý nghĩa lịch sử trong mối quan hệ song phương. Bà được thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp đón trước khi hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau khi chấm dứt chế độ quân sự vào năm 2011, quan hệ của Trung Quốc với Miến Điện luôn vấp phải các vấn đề thương mại (như mở cửa cho vốn đầu tư nước ngoài và chấm dứt chế độ độc quyền của các nhà đầu tư Trung Quốc) và căng thẳng tại khu vực biên giới liên quan tới các cuộc xung đột giữa chính quyền trung ương và những tộc người thiểu số Miến Điện.
Hồng Kông : Lãnh tụ sinh viên bị từ chối mở tài khoản ngân hàng
Từ phải qua trái là các lãnh đạo sinh viên phong trào Ô/Dù Vàng La Quan Thông/Nathan Law, Hoàng Chi Phong/Joshua Wong và Chu Vĩnh Khang/Alex Chow, trước tòa án Hồng Kông, ngày 29/02/2016.Ảnh : AFP/ Philippe Lopez
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), gương mặt tiêu biểu cho phong trào đòi dân chủ mùa thu năm 2014 tại Hồng Kông, cho biết ngân hàng HSBC đã từ chối mở tài khoản riêng cũng như cho đảng Demosisto do lãnh tụ sinh viên thành lập. Hoàng Chí Phong cáo cuộc quyết định của ngân hàng là « kiểm duyệt chính trị ».
Đảng Demosisto (đảng Dân Chủ) được thành lập vào tháng 03/2016 nhằm tranh cử tại các cuộc bầu cử lập pháp sắp tới và để bảo vệ « quyền tự trị » của Hồng Kông.
Hoàng Chi Phong giải thích bị ngân hàng HSBC tại Hồng Kông từ chối cho mở hai tài khoản vì « những lý do hành chính và kinh doanh ». Một tài khoản được đứng tên chung với một nhà hoạt động khác để gây quỹ cho đảng Demosisto ; tài khoản thứ hai đứng tên Hoàng Chi Phong để thay thế tài khoản cá nhân (của người thuộc diện dưới 18 tuổi) mà anh đã sở hữu trước đó.
Nhà hoạt động trẻ phát biểu với AFP : « Có thể họ nghĩ là tôi khá nhạy cảm về mặt chính trị và họ phải áp dụng biện pháp kiểm duyệt chính trị ».
Trả lời AFP, ngân hàng HSBC cho biết từ chối bình luận về những trường hợp các nhân và khẳng định : « Ngân hàng không từ chối mở tài khoản vì những ý kiến chính trị của khách hàng ».
Ngày càng có nhiều người dân Hồng Kông lo ngại Bắc Kinh gia tăng quyền kiểm soát tại lục địa cũ của Anh. Đây là lý do thúc đẩy đòi hỏi « quyền tự trị », ngày càng xuất hiện nhiều đặc biệt trong giới thanh niên, thậm chí một số người còn đòi độc lập cho Hồng Kông.
Indonesia phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia để thị uy với Trung Quốc ?
Tàu cá Việt Nam và Malaysia đánh cá bất hợp pháp bị Indonesia phá hủy tại Batam, tỉnh đảo Riau.REUTERS/M N Kanwa
Chính quyền Jakarta vào hôm qua, 05/04/2016, đã lại cho phá hủy bằng thuốc nổ 23 tàu cá nước ngoài bị chận bắt trong lúc đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Trong số tàu bị phá hủy có 13 chiếc của Việt Nam, số còn lại là tàu cá Malaysia. Một số quan sát viên xem đấy là một hành động nhằm gởi tín hiệu đến Trung Quốc.
Chiến dịch phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia diễn ra cùng một lúc ở bảy cảng khác nhau, từ Karakan ở phía bắc Kalimantan, cho đến thành phố Ranai ở Natuna (cực nam của Biển Đông). Đích thân bộ trưởng Ngư Nghiệp và Hàng Hải Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, đã « thị sát » qua video trực tuyến các vụ phá hủy do Hải Quân, Tuần Duyên và Cảnh Sát Indonesia phối hợp thực hiện.
Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, bà bộ trưởng Indonesia tuyên bố sẽ áp dụng hình phạt tương tự với bất kỳ tàu cá nào bị bắt giữ khi đến đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia, bất kể đó là tàu của nước nào.
Để nhấn mạnh quyết tâm của Jakarta, bà Pudjiastuti đã lấy Mỹ ra làm ví dụ : « Nếu có một chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp đến từ Mỹ, chúng tôi cũng sẽ đánh chìm nó như thường ».
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại gắn liền tuyên bố nói trên cùng với hành động phá tàu được quảng bá rầm rộ với sự kiện mới đây, Jakarta đã tố cáo Bắc Kinh đánh tháo cho một tàu cá Trung Quốc bị tuần duyên Indonesia chận bắt về tội đánh cá lậu trong vùng biển Natuna.
Richard Javad Heydarian, một chuyên gia an ninh tại Đại học De La Salle ở Manila nhận xét với tờ báo Mỹ như sau : « Ngày càng thấy rõ là các vụ Trung Quốc xâm nhập vùng biển của các láng giềng, công khai là để khai thác hải sản, đã trở thành điều bình thường mới… Và rõ ràng là Malaysia, Indonesia và một số nước trước đây vốn có một thái độ bàng quan, đã phải chia sẻ những nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc của các nước mạnh miệng hơn như Philippines và Việt Nam. »
Thông điệp cũng được đưa ra vào lúc Indonesia hiện có trong tay 10 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ về tội đánh bắt trộm. Chủ nhân các chiếc tàu này đang xin Jakarta khoan hồng.
Indonesia tăng cường đấu tranh chống đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này kể từ khi ông Joko Widodo nhậm chức Tổng thống Indonesia vào năm 2014, và đương kim bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia là một người rất cứng rắn trong chủ trương phá nổ tàu cá phạm luật để răn đe.
Từ năm 2014 đến nay, Jakarta đã chặn bắt được khoảng 200 tàu cá ngoại quốc đánh bắt trái phép, đã cho phá nổ tổng cộng 174 chiếc. Tuy nhiên trong số này, chỉ có một chiếc tàu Trung Quốc mà thôi, và vụ phá nổ được tiến hành một cách kín đáo, trái với động thái phô trương khi tàu bị phá mang quốc tịch các nước khác.
Bắc Triều Tiên đã gắn được đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm trung ?
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi việc thử nghiệm một hệ thống phòng không mới. Ảnh công bố ngày 2/04/2016.REUTERS/KCNA
Một quan chức Hàn Quốc vào hôm qua, 05/04/2016 đã khẳng định rằng Bắc Triều Tiên có thể đã gắn được đầu đạn hạt nhân trên tên lửa tầm trung. Cho đến nay, về mặt chính thức, Seoul vẫn cho rằng Bắc Triều Tiên chưa sở hữu được công nghệ thu nhỏ đầu đạn nguyên tử.
Theo hãng tin Anh Reuters, khi trả lời một nhóm nhà báo, viên chức kể trên xin giấu tên, đã nói rõ là Bắc Triều Tiên đã hoàn tất việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào một hỏa tiễn Rodong, có tầm bắn 2000 cây số.
Với tầm bắn đó, thì tên lửa nguyên tử của Bình Nhưỡng có thể đe dọa toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và một phần lớn Nhật Bán, một phần của Nga và Trung Quốc.
Viên chức trên nhắc lại là phía Hàn Quốc tin là Bắc Triều Tiên đã có khả năng thu nhỏ và đặt đầu đạn hạt nhân lên hỏa tiễn Rodong, nhưng đó là khả năng kỹ thuật, còn có bắn đi hay không, thì đây là « một quyết định chính trị » .
Tuy nhiên vẫn theo viên chức này thì chưa có dấu hiệu rõ ràng là phía Bắc đã thành công trong việc lắp đầu đạn nguyên tử lên hỏa tiễn.
Hàn Quốc trước đó đã khẳng định là Bắc Triều Tiên đã có tiến bộ trong cố gắng thu nhỏ dầu đạn hạt nhân nhưng chưa hoàn tất được. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua cho biết đây vẫn là quan điểm của họ.
Tên lửa Rodong đã được phát triển từ hỏa tiễn Scud thời Liên Xô. Theo giới chuyên gia thì Bắc Triều Tiên có khoảng 200 hỏa tiễn loại này. Bắc Triều Tiên nếu có gắn đầu đạn hạt nhân lên hỏa tiễn thì sẽ chọn loại tầm trung này hơn là loại liên lục địa.
Trong tháng Ba vừa qua Bắc Triều Tiên đã bắn một hỏa tiễn Rodong, bay được 800 cây số trước khi rơi xuống biển. Trong tháng qua, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un loan báo là nước ông đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân có thể đặt lên tên lửa đạn đạo. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Bắc Triều Tiên đích thân thông báo sự kiện.
« Panama Papers » : Bình Nhưỡng có một công ty bình phong
Một góc thành phố PanamaREUTERS/Carlos Jasso
Chế độ Bình Nhưỡng là một trong số các khách hàng của văn phòng luật sư Panama Mossack Fonseca, tâm điểm vụ tai tiếng « Panama Papers ». Công ty bình phong Bắc Triều Tiên nói trên được thành lập để tài trợ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo nhật báo Anh The Guardian và đài BBC, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn ngày 05/04/2016, trong số 11,5 triệu tài liệu mà Liên Minh Các Nhà Báo Điều Tra (ICIJ) tham khảo được, có nhiều tài liệu liên quan tới công ty DCB Finance, có trụ sở tài Bình Nhưỡng. Vào năm 2006, công ty này từng có tên tại "thiên đường thuế" trên đảo Virgin của Anh và cũng do văn phòng luật sư Mossack Fonseca thành lập.
Đứng tên công ty DCB Finance là Kim Chol Sam, một công dân Bắc Triều Tiên, và Nigel Cowie, một cán bộ ngân hàng người Anh sống tại Bắc Triều Tiên từ năm 1995. Sau này, ông Nigel Cowie đã điều hành ngân hàng nước ngoài đầu tiên, Daedong Credit Bank, tại đất nước khép kín nhất thế giới này. DCB Finance là một chi nhánh của Daedong Credit Bank.
Nhiều tài liệu cho thấy, dù công ty DCB Finance có địa chỉ tại Bình Nhưỡng, văn phòng Mossack Fonseca không phát hiện ra mối liên hệ giữa DCB và Bắc Triều Tiên cho tới trước năm 2010, khi Cơ quan Điều tra Tài chính của « thiên đường thuế » Virgin (Anh) gửi thư yêu cầu Mossack Fonseca cung cấp thông tin về công ty Bắc Triều Tiên. Chỉ từ thời điểm đó, văn phòng luật sư Panama mới ngừng làm đại diện cho DCB.
Năm 2011, ông Cowie tuyên bố không biết về những khoản giao dịch bất hợp pháp và đã bán lại cổ phần tại Daedong Credit Bank cho một tập đoàn Trung Quốc.
Từ tháng 06/2013, cả Kim Chol Sam và ngân hàng DCB đều nằm trong danh sách trừng phạt của Washington, vì bị tình nghi cung cấp dịch vụ tài chính từ năm 2006 cho hai « đơn vị » chủ chốt của chương trình phát triển nguyên tử, tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Theo bộ Tài Chính Mỹ, công ty DCB Finance được sử dụng để tiến hành giao dịch tài chính quốc tế nhằm thoát khỏi tầm ngắm của các định chế tài chính, luôn tìm cách tránh quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét