Bắt đầu từ đó, hai người trò chuyện qua một loạt các kênh liên lạc mã hoá mà họ thường xuyên thay đổi, tuy nhiên anh từ chối cho biết cụ thể họ dùng phương pháp nào. Mỗi lần trao đổi thông tin xong, cả hai xoá hết tất cả nội dung nhằm tránh để lại dấu vết, và mỗi lần Obermayer và nguồn tin nối lại trò chuyện, họ phải sử dụng mật khẩu,
Photo Courtesy: www.mohamedsemboja.me
<!->
Cali Today News - Vào hôm chủ nhật vừa qua, hơn 100 hãng truyền thông trên thế giới dưới sự điều phối của Hiệp hội Các Ký giả Điều tra Quốc tế (ICIJ) có trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn đã đồng loạt đăng một loạt bài về Panama Papers, hé lộ số tài liệu khổng lồ cho thấy một hệ thống trốn thuế toàn cầu.
Toàn bộ thông tin rò rỉ bao gồm hơn 4,8 triệu thư tín điện tử email, 3 triệu tập dữ liệu, và 2,1 triệu tập tin dưới dạng PDF từ hãng luật Mossack Fonseca ở Panama chuyên cung cấp dịch vụ thành lập các công ty vỏ bọc giúp khách hàng che dấu tài sản.
“Toàn bộ dữ liệu là hồ sơ, tài liệu của hãng trong 40 năm qua,” Giám đốc ICIJ Gerard Ryle cho biết, “lớn hơn gấp 2000 lần hồ sơ WikiLeaks của Bộ Ngoại giao.” Quả thật, đây là vụ rò rỉ lớn nhất lịch sử.
ICIJ cùng đồng sự trên khắp thế giới không làm rò rỉ tài liệu, nhưng kết quả phân tích và tường trình của các ký giả đã đụng chạm đến nhiều nhân vật nổi tiếng, vận động viên, doanh nhân và cả những nhà lãnh đạo trên thế giới. Tài liệu truy ra $2 tỉ Mỹ kim bí mật dính líu tới Tổng thống Nga Vladimir Putin qua một số tài khoản do người thân và người bạn thân thiết, nghệ sĩ cello Sergei Roldugin đứng tên. Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đối diện với yêu cầu từ chức sau khi hồ sơ của hãng Mossack Fonseca cho thấy ông không tiết lộ cổ phần tại một số ngân hàng Iceland theo quy định đối với viên chức chính phủ. Hồ sơ Panama cũng “không tha” các quan chức FIFA, một luật sư đạo đức của FIFIA có mối liên hệ tài chánh với một quan chức FIFA tham nhũng. Có lẽ, danh sách các nhân vật “tai to mặt lớn” dính líu tới Mossack Fonseca sẽ còn dài.
Tuy nhiên những bê bối này chưa phải là cốt lõi vấn đề. Hồ sơ Panama kể câu chuyện chưa từng có về một người tố giác ẩn danh đầy lòng nhiệt thành đã kiên nhẫn gởi bộ sưu tập dữ liệu khổng lồ, và câu chuyện của một ký giả can đảm, cùng với hơn 400 đồng sự trên thế giới đã bí mật phân tích kho dữ liệu này trong hơn một năm trời trước khi công bố.
Trao đổi qua các kênh liên lạc mã hoá
Rò rỉ Panama Papers bắt đầu cuối năm 2014 khi một nguồn tin ẩn danh liên lạc với Suddeutsche Zeitung – Nhật báo người Nam Đức – tờ báo trước đây từng tường trình vụ rò rỉ hồ sơ nhỏ của Mossack Fonseca đối với các quan chức chính phủ Đức.
Ký giả Bastian Obermayer của Nhật báo cho biết, người này tiếp xúc với anh qua mạng trò chuyện được mã hoá, đề nghị sẽ cung cấp một số dữ liệu với mục đích “lôi những tội phạm này ra công luận,” ngoài ra không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Tuy nhiên, nguồn tin này chỉ chấp nhận trao đổi qua các kênh đã được mã hoá, từ chối gặp mặt vì “nguy hiểm đến tính mạng.”
“Chúng ta đang nói tới bao nhiêu dữ liệu?” Obermayer hỏi. “Nhiều hơn tất cả những gì anh từng chứng kiến,” người bí ẩn đáp.
Bắt đầu từ đó, hai người trò chuyện qua một loạt các kênh liên lạc mã hoá mà họ thường xuyên thay đổi. Obermayer ám chỉ đến những ứng dụng trò chuyện mã hoá như Signal, Threema, cũng như ứng dụng email mã hoá PGP, tuy nhiên anh từ chối cho biết cụ thể họ dùng phương pháp nào. Mỗi lần trao đổi thông tin xong, cả hai xoá hết tất cả nội dung nhằm tránh để lại dấu vết.
Mỗi lần Obermayer và nguồn tin nối lại trò chuyện, họ phải sử dụng mật khẩu, thường là một câu hỏi và một câu trả lời để xác định đầu bên kia đúng người. “Tôi sẽ hỏi: trời nắng không? Anh trả lời: mặt trăng đang mưa. Hoặc bất cứ cái gì vô nghĩa, rồi cả hai tiếp tục xác minh phía bên kia,” Obermayer kể.
Sau khi nhìn thấy một phần tài liệu, tờ Suddeutsche Zeitung liên lạc với ICIJ – cơ quan trước đây từng lôi ra ánh sáng thiên đường trốn thuế, bao gồm rò rỉ dữ liệu thuế của các công ty vỏ bọc vào năm 2013 và vụ điều tra năm ngoái tập trung vào các tài sản được Ngân hàng Thuỵ Sĩ HSBC bảo vệ. Nhân viên ICIJ liền bay sang Munich phối với với các ký giả nhật báo Suddeutsche Zeitung.
Trong khi đó, việc chuyển dữ liệu vẫn được tiếp tục từng phần. “Qua thời gian, chúng tôi nhận được nhiều hơn, cho đến khi có tất cả 11,5 triệu tài liệu,” Ryle cho biết.
Obermayer từ chối giải thích bằng cách nào người tố giác bí ẩn có thể gởi cho Nhật báo lượng thông tin có dung lượng hàng trăm gigabyte hoặc thậm chí tính bằng terabyte. Dung lượng quá lớn để có thể gởi qua thư điện tử, mặc dù tất nhiên nếu lưu trong ổ đĩa cứng rồi vận chuyển đi dưới tên nặc danh thì quá dễ dàng, nhưng cách thức này nguy hiểm. “Tôi học được rất nhiều trong việc chuyển an toàn những hồ sơ đính kèm có dung lượng lớn,” Obermayer cho biết.
Vài tuần trước khi liên lạc với chủ thể của cuộc điều tra – hãng luật Mossack Fonseca - Obermayer vẫn chưa thôi cẩn trọng. Anh phá huỷ điện thoại và ổ đĩa cứng trong máy điện toán xách tay vẫn thường sử dụng để trò chuyện với người dấu mặt. “Nghe có vẻ hơi quá, nhưng an toàn vẫn tốt hơn!” Obermayer chia sẻ.
Cho đến nay Obermayer vẫn không biết người bí ẩn này thực sự là ai. “Tôi không biết tên hay danh tánh, nhưng có thể nói tôi biết rõ về con người này,” anh nói, “Có một số giai đoạn tôi nói chuyện với anh ta/cô ta nhiều hơn với vợ mình.”
Kỳ II: Câu chuyện điều tra và kỷ nguyên của các vụ rò rỉ khổng lồ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét