Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini mang khăn choàng khi đến Iran.AFP PHOTO / BEHROUZ MEHRI
Chỉ ít ngày nữa, ngày 17/04/2016, tuyến hàng không Paris-Teheran sẽ được nối trở lại sau 8 năm gián đoạn, sau khi Pháp và Iran thiết lập lại quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, một quyết định của hãng hàng không Air France khiến các nghiệp đoàn nhân viên hàng không nổi giận. Nhiều nữ tiếp viên của hãng này không chấp nhận phải mang khăn choàng của đạo Hồi khi tới Iran.
<!->
Hôm qua 02/04/2016, ông Christophe Pillet, đại diện của nghiệp đoàn hàng không SNPNC cho AFP biết, ban giám đốc Air France đã gửi đi một thông điệp nội bộ, yêu cầu các nhân viên nữ phải « mặc quần trong chuyến bay, mặc áo vét dài và khăn choàng kín tóc khi rời khỏi máy bay ». Vị đại diện nói trên khẳng định trong suốt những ngày gần đây, nghiệp đoàn nhận được nhiều cú điện thoại của nữ tiếp viên, phàn nàn về quyết định mới của ban giám đốc.
Quyết định của ban giám đốc Air France bị lên án là xâm phạm quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng. Trong cuộc họp ngày thứ Sáu, 01/04, nghiệp đoàn đã yêu cầu ban lãnh đạo Air France dựa trên sự tham gia tự nguyện của tiếp viên chứ không bắt buộc, tuy nhiên ban giám đốc không chấp nhận.
Theo ban giám đốc, quy định của Air France buộc tiếp viên phải mang khăn choàng không phải là mới. Quy định này đã được áp dụng trong trường hợp quá cảnh tại Ả Rập Xê Út, và tại Iran 8 năm về trước.
Hàng hiệu cho phụ nữ Hồi Giáo bị chỉ trích
Vấn đề khăn choàng Hồi Giáo tại Pháp – vốn gây nhiều bất đồng trong công luận - gần đây có thêm diễn biến mới. Hôm qua 02/04/2016 học giả, nhà đấu tranh nữ quyền Elisabeth Badinter kêu gọi tẩy chay các loại quần áo và trang phục mà một số công ty nổi tiếng của Phương Tây, như Uniqlo hay Marks&Spencer, thiết kế riêng cho phụ nữ theo đạo Hồi, được đưa ra thị trường mới đây.
Nhà nữ quyền Badinter lên án kinh doanh các loại quần áo nói trên là một hành động « vô trách nhiệm », bởi về một mặt nào đó, việc này chẳng khác nào cổ vũ cho việc khuyến khích quan niệm bất bình đẳng với phụ nữ, vốn nặng nề trong cộng đồng người theo đạo Hồi. Cũng có những người tuy phản đối khăn trùm kín người và mặt theo truyền thống Hồi Giáo bảo thủ, nhưng lại ủng hộ việc phát triển các mẫu khăn choàng tóc thanh lịch, hấp dẫn, cho phép người phụ nữ theo đạo Hồi bảo vệ một bản sắc văn hóa riêng, quan niệm riêng về nữ tính.
57 ngàn người tham gia việt dã Paris lần thứ 40
Tú Anh
Marathon Paris năm nay thu hút đến hơn 50.000 người từ 160 quốc gia.THOMAS SAMSON / AFP
Cho dù bị khủng bố tháng 11/2015 tại Paris và gần đây là khủng bố ở Bruxelles ám ảnh tâm trí, ban tổ chức Marathon Paris duy trì sự kiện thể thao tầm vóc thế giới ngang ngửa với New York. Quyết định được giới chạy bộ và giới mộ điệu ủng hộ nhiệt tình.
Số người tham gia năm nay đạt kỷ lục. Hơn 57.000 vận động viên đến từ 160 quốc gia trên thế giới, chấp nhận bỏ ra 400 đôla ghi danh chạy đua sáng Chủ nhật 03/04/2016.
Đường đua dài 42km195 từ Đại lộ Champs Elysées đến rừng Vincennes ở phía đông. Hàng chục ngàn ủng hộ viên đã đứng dọc theo chặng đường mồ hôi này, nhất là ở cây số 40, biểu tượng của 40 năm mà lần đầu tiên là vào năm 1976. Marathon đầu tiên ở Paris chỉ có 800 người tham gia, 216 người về đến mức đến.
Huy chương vô địch năm nay lọt vào tay thể tháo gia người Kenya, Cyprian Kotut, 24 tuổi. Anh về nhất với 2 giờ 7 phút 11 giây.
Tuy vận động viên Kenya đã không ngừng cải thiện vận tốc từ sau marathon ở Milano,Ý, tháng Tư 2015 và cuộc đua khởi động “bán việt dã” tại Paris đầu tháng Ba, Cyprian Kotut vẫn còn thiếu 2 phút mới hạ được kỷ lục thế giới của Kenenisa Bekele, mũi tên lướt gió của Ethiopia, 2 giờ 5 phút 4 giây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét