Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Biển Đông : Nga-Trung đối đầu với Mỹ - Thanh Phương

media
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị dự cuộc họp báo chung tại Matxcơva ngày 18/04/2016.REUTERS/Maxim Zmeyev
Vào lúc Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng Biển Đông để hỗ trợ Philippines và các quốc gia Đông Nam Á trước thái độ xác quyền chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, Nga lại tỏ thái độ ủng hộ Bắc Kinh trên hồ sơ này.<!->
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ hôm qua tại Matxcơva, hai Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố rằng không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và các tranh chấp chủ quyền ở vùng này phải được giải quyết thông qua thương lượng.
Trong cuộc họp báo chung hôm qua với đồng nhiệm Nga, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định rằng Trung Quốc bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông và có toàn quyền quyết định nên giải quyết các căng thẳng trong khu vực này như thế nào.
Trước cuộc gặp gỡ với đồng nhiệm Trung Quốc hôm qua, Ngoại trưởng Lavrov, khi trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ ngày 12/04, cũng đã tuyên bố rằng cần phải chấm dứt những nỗ lực quốc tế hóa các tranh chấp Biển Đông.
Ngay hôm sau, Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, đã phản đối tuyên bố nói trên của ông Lavrov. Ông Lê Hải Bình nhắc lại rằng Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở khu vực này « thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và trên tinh thần của Tuyên bố của các bên (DOC) ».
Việc Matxcơva ủng hộ lập trường của Bắc Kinh không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông phải được đặt trong bối cảnh Nga hợp tác ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc ở châu Á, hay ít ra là hai nước có quan điểm ngày càng đồng nhất về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực này, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Cũng giống như Trung Quốc, Nga cho rằng chính Hoa Kỳ là thế lực gây mất ổn định ở Biển Đông, đồng thời sự hiện quân sự của Mỹ đe dọa nước Nga. Một ví dụ mà Matxcơva đưa ra đó là vào năm 2015, Hoa Kỳ đã áp lực lên Việt Nam để Hà Nội ngưng cho Nga thuê căn cứ Cam Ranh làm nơi tiếp nhiên liệu cho các oanh tạc cơ.
Và cũng giống như Bắc Kinh, Matxcơva chống lại dự án của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Thật ra, thì chống sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau. Hiện đang bị phương Tây cô lập do xung đột ở Ukraina, Matxcơva đang rất cần có thêm bạn và nhất là có thêm khách hàng tiêu thụ dầu khí và vũ khí Nga, cũng như có thêm đầu tư vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga. Khách hàng và nhà đầu tư lớn nhất hiện nay không ai khác hơn là Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng rất cần tiếp cận các tài nguyên của vùng này, nhất là dầu khí.
Với Trung Quốc là mội đối tác chiến lược hàng đầu, Nga cũng đang có tham vọng trở thành một cường quốc châu Á. Về phần Bắc Kinh, giữ được quan hệ hữu hảo với Nga, họ sẽ rảnh tay tập trung cho chiến lược bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.

Vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông : Anh Quốc ủng hộ Philippines

media
Biểu tình ngày 09/04/2016 trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila phản đối hành động độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.REUTERS/Romeo Ranoco
Thêm một cường quốc đòi Bắc Kinh phải thi hành quán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tuyên bố hôm qua, 18/04/2016, tại Washington, với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, Quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Anh Quốc đặc trách Đông Á Hugo Swire cho rằng phán quyết của tòa án nói trên phải mang tính bắt buộc thi hành đối với tất cả các bên.
Cũng theo lời ông Hugo Swire, đối với Anh Quốc, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye là một cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bắc Kinh hiện vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và đã tuyên bố trước là sẽ không tôn trọng phán quyết của tòa án La Haye.
Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ ra phán quyết vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, nhưng cho tới nay các phán quyết của tòa án này thường không được tôn trọng và tòa án cũng không có quyền hạn để bắt buộc các bên phải thi hành.
Tháng 2 vừa qua, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, mà Anh Quốc là thành viên, cũng đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế. Washington đã bày tỏ quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng một phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc làm cái cớ để tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ ) ở Biển Đông .
Về điểm này, Quốc vụ khanh Hugo Swire hôm qua cũng nói rằng đối với Anh Quốc, tự do lưu thông và hàng không là « tuyệt đối không thể thương lượng được ».
Cũng về Biển Đông, hôm qua, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc điều một phi cơ quân sự đến Đá Chữ Thập hôm Chủ nhật để gọi là « sơ tán khẩn cấp ba công nhân bị bệnh ».

Mỹ-Nhật-Hàn cảnh cáo Bắc Triều Tiên về ý đồ thử hạt nhân lần nữa

media
Căn cứ thử nghiệm nguyên tử Punggye-ri của Bắc Triều Tiên ( http://38north.org )
Hôm nay 19/04/2016, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao tại Seoul, để bàn về các biện pháp đối phó với tham vọng hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng, trong bối cảnh có nhiều thông tin về khả năng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ năm.
Theo AFP, phát biểu với báo giới sau cuộc họp nói trên, thứ trưởng Ngoại Giao Hàn Quốc, ông Lim Sung Nam, tuyên bố : Bắc Triều Tiên sẽ phải chịu các trừng phạt nặng nề hơn và sẽ bị cô lập nhiều hơn, nếu vẫn cố tình thử vũ khí hạt nhân hay có các hành động khiêu khích khác.
Cho đến nay, bất chấp các cảnh báo của cộng đồng quốc tế và loạt trừng phạt mới, mà Hội Đồng Bảo An áp đặt sau vụ thử lần thứ tư ngày 06/01/2016, được coi là nghiêm khắc nhất từ trước đến nay, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Cũng trong cuộc họp báo nói trên, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định Washington và hai đồng minh châu Á chủ chốt sẽ tiếp tục mở rông hợp tác trong việc thực thi loạt trừng phạt bổ sung của Hội Đồng Bảo An. Thứ trưởng Tony Blinken cho rằng hiện tại chế độ Bình Nhưỡng chưa thấm những hệ quả nặng nề của loạt trừng phạt bổ sung.
Nhiều thông tin – đặc biệt từ Phủ Tổng Thống Hàn Quốc – cảnh báo, Bắc Triều Tiên có ý định thử bom nguyên tử ngay trước thềm đại hội của đảng Lao Động cầm quyền vào đầu tháng 5/2016 tới, để phô trương thanh thế. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia viện nghiên cứu về Triều Tiên, đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, được AFP loan tải hôm nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị thử hạt nhân tại địa điểm Punggye Ri. Dù sao, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Bắc Triều Tiên đã tiến bộ rất nhiều trong nghệ thuật che giấu các hoạt động trong chương trình vũ khí hạt nhân bị lên án.

Ấn Độ và Trung Quốc chuẩn bị thiết lập đường dây nóng quốc phòng

media
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và đồng nhiệm Ấn Độ, bà Sushma Swaraj (P) trong cuộc họp báo tại Matxcơva ngày 18/04/2016.REUTERS/Maxim Zmeyev
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ tới Bắc Kinh hôm qua 18/04/2016, trong chuyến công du nhằm cải thiện quan hệ song phương. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã có phản ứng « tích cực » về đề nghị thiết lập đường dây nóng quốc phòng của đồng nhiệm Ấn Độ.
Reuters dẫn lại nguồn tin từ Tân Hoa Xã, theo đó ông Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan), bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, « đã phản ứng tích cực về ý tưởng lập đường dây nóng quốc phòng với Ấn Độ trong vấn đề an ninh biên giới » trong cuộc hội kiến với bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar. Tân Hoa Xã cũng cho hay bộ trưởng Trung Quốc « đồng thời đã đề nghị hai bên gia tăng các trao đổi về quốc phòng và phối hợp bảo vệ hòa bình tại khu vực biên giới ».
Tranh chấp biên giới là một trở ngại lớn trong quan hệ Ấn – Trung. Một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu đã nổ ra vào năm 1962, với hệ quả là Trung Quốc chiếm được một phần bang Aksai Chin, tây bắc Ấn Độ. Trung Quốc đòi Ấn Độ phải trả tổng cộng 90.000 km² tại khu vực phía tây nam núi Himalaya, trong khi đó, New Delhi tố cáo Bắc Kinh chiếm đóng 38.000 km² tại miền tây bang Aksai Chin.
Từ đó đến nay, tình hình biên giới Ấn – Trung không nguôi căng thẳng. Gần đây nhất, vào tháng 8/2014, cả ngàn binh lính Trung Quốc đột nhập sâu trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở khu vực Ladakh, miền bắc Ấn Độ.
Kể từ tháng 5/2015, hai nước láng giềng châu Á đã quyết định tìm cách gây dựng lòng tin, nhằm kiểm soát các tranh chấp dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC). LAC là một kiểu đường biên giới không chính thức, dài khoảng 4.000 km, chủ yếu đi qua các địa bàn núi non hiểm trở. Theo tuần báo Ấn Độ India Today, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ đã tới thăm bộ chỉ huy lực lượng kiểm soát biên giới tây nam của Trung Quốc, đặt tại Thành Đô (Chengdu), thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Không có nhận xét nào: