Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Bế mạc Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2016

ORANGE, California (NV) – Tối Chủ Nhật, 17 Tháng Tư năm 2016, Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2016 (Viet Film Fest) chính thức bế mạc với suất chiếu bộ phim “Em Là Bà Nội Của Anh”, kết thúc bốn ngày diễn ra tại rạp AMC Orange 30 thuộc khu The Outlet of Orange, 20 City Blvd W, Orange, CA 92868.

Từ trái qua: diễn viên Hứa Vĩ Văn, nhà sản xuất phim Hà Vũ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh của bộ phim "Em là bà nội của anh" và MC chương trình trong buổi hội luận Q&A. (Hình: Nhất Anh/ Người Việt)
<!->

Nói với nhật báo Người Việt, cô Lê Đình Y Sa, giám đốc điều hành VAALA và là đại diện ban tổ chức của Viet Film Fest cho biết cô cảm thấy rất vui vì chương trình diễn ra thành công.
“Sau thời gian dài chuẩn bị thì bốn ngày qua diễn ra suôn sẻ, bản thân tôi và cả tập thể đều cảm thấy vui và hãnh diện vì Viet Film Fest ngày càng được mọi người ủng hộ. Bạn thấy không, hôm nay là ngày cuối cùng và mọi người đang xếp một hàng dài để vào xem phim. Nhìn thấy mọi người háo hức như vậy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc,” cô Y Sa nói.
Quả thật vậy, rạp AMC dường như đông đúc, sôi nổi hẳn lên khi khán giả xếp một hàng dài kéo dài ra đến bên ngoài, chờ đến phiên mình bước vào rạp.
Bà Tâm Nguyễn, cư dân Santa Ana không giấu được vẻ vui sướng của mình khi cùng bạn bè đến với Viet Film Fest năm nay.
“Đây là bộ phim thứ hai mình coi trong chương trình năm nay. Phim Việt Nam của mình càng ngày càng làm hay và hấp dẫn. Tôi cám ơn ban tổ chức đem đến nhiều bộ phim cho khán giả chúng tôi xem, chứ ở Mỹ mà đó giờ có được coi phim Việt Nam đàng hoàng ở ngoài rạp như vậy đâu,” bà Tâm chia sẻ.
Cô Yvonne Trần, đồng giám đốc chương trình năm nay, chia sẻ quá trình chuẩn bị và tổ chức Viet Film Fest là một trong những trải nghiệm khó quên của cô.
“Đây là năm thứ ba tôi tham gia Viet Film Fest nhưng là lần đầu tiên giữ vai trò giám đốc chương trình năm nay. Tôi cảm thấy rất vui vì càng ngày Viet Film Fest thu hút một lượng đông khán giả cũng như sự đa dạng từ các bộ phim tham gia. Và các buổi hội luận cũng được nhiều sự quan tâm của mọi người, năm nay lại đặc biệt hơn khi hội luận các vấn đề liên quan đến người gốc Việt như ngành nail hay vấn đề nóng hổi hiện nay là LGBT,” cô Yvonne cho biết.
Điều đặc biệt Viet Film Fest không chỉ đem phim ảnh Việt đến gần hơn những người gốc Việt xa quê hương mà còn là sự kiện kết nối thế hệ trẻ với thế hệ lớn tuổi cũng như tìm lại và học hỏi văn hóa truyền thống cội nguồn.
“Tôi là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Mỹ và tôi cảm thấy rất đặc biệt khi dẫn ba mẹ tôi đến đây tham gia chương trình. Trước giờ, ba mẹ tôi cứ nghĩ phim Việt Nam chỉ nói về chiến tranh mà thôi nhưng thật sự không phải như vậy, điện ảnh Việt Nam đang phát triển rất nhiều. Cá nhân tôi như hiểu hơn về thế hệ của ba mẹ mình và nét văn hóa, truyền thống của người Việt còn người lớn lại có cơ hội thưởng thức những bộ phim về Việt Nam, do người Việt làm, và gợi nhớ lại cho họ kỷ niệm. Tôi nghĩ đó chính là sức mạnh mà Viet Film Fest đem lại cho chúng ta, đó là sự gắn kết giữa các thế hệ,” cô Yvonne cho biết. “Và không chỉ mình tôi là người trẻ đâu mà có rất nhiều bạn trẻ khác sẵn sàng làm tình nguyện viên tham gia chương trình. Nó cho thấy rằng, Viet Film Fest đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng chúng ta.”

“Em Là Bà Nội Của Anh” kết thúc Viet Film Fest
Bộ phim “Em Là Bà Nội Của Anh”, với tên tiếng Anh là “Sweet Twenty”, là bộ phim được chọn trình chiếu trong ngày cuối cùng của đại hội điện ảnh năm nay. Bộ phim xác lập kỷ lục là phim có doanh thu cao nhất lịch sử Việt Nam này được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả.
Mặc dù được chuyển thể từ bộ phim “Miss Granny” của Nam Hàn, song bộ phim vẫn giữ được nét riêng của Việt Nam khi đạo diễn khéo léo lồng ghép hình ảnh đặc trưng của người Việt và sự tinh tế khi đưa hình ảnh của cố nghệ sĩ Thanh Nga vào, cùng với các bài hát xưa như “Diễm xưa”, “Ô mê ly” hay “Còn tuổi nào cho em” khiến nhiều khán giả xem phim không khỏi xúc động.  Câu chuyện kể về một người bà sống cùng với con cháu trong gia đình nhưng luôn cảm thấy cô đơn. Bỗng dưng một ngày, phép màu xuất hiện, bà lại trở lại tuổi 20 hồn nhiên. Từ đó, bao nhiêu chuyện hài hước và rắc rối xảy ra nhưng từ đó, từng nhân vật trong phim tìm ra nhiều lẽ sống cho mình.
Và có lẽ, không chỉ có nhân vật mà chính khán giả cũng nhận ra nhiều thứ cho mình, đó là tình yêu thương gia đình, là sự cảm thông và chia sẻ giữa thế hệ khác biệt. Phim có những đoạn gây cười, vui vẻ nhưng cũng có những khúc cao trào khiến người xem không khỏi ngậm ngùi.
Đây là bộ phim dài đầu tiên của đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh, tốt nghiệp ngành phim ảnh trường đại học University of Southern California (USC). Đến với Viet Film Fest lần này, người đạo diễn trẻ này chia sẻ trong buổi hội luận rằng anh rất vui khi nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của khán giả.
“Đây là lần thứ hai tôi đến với Viet Film Fest nhưng là lần đầu tiên tham gia với bộ phim lớn đầu tay, và không lời nào có thể diễn tả được tâm trạng tôi lúc này khi có thể đem sản phẩm của mình cho cộng đồng gốc Việt nơi đây thưởng thức. Và sự ủng hộ của quý vị làm cho tôi và cả ekip rất vui và tự hào,” đạo diễn Nhật Linh nói.
Còn đối với diễn viên Hứa Vĩ Văn, một trong các nhân vật chính của “Em Là Bà Nội Của Anh”, thì đây là lần đầu tiên anh tham gia Viet Film Fest.
“Lần đầu tiên nên tôi có một chút hồi hộp nhưng đồng thời rất bất ngờ khi mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Người diễn viên có diễn tốt hay không thì phải do nền điện ảnh tốt, và nền điện ảnh tốt thì khán giả mới đón nhận,” diễn viên Hứa Vĩ Văn phát biểu trong buổi hội luận.
Sau khi bộ phim kết thúc, trong buổi hội luận, một khán giả trung niên đã chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình.
“Tôi thật sự bất ngờ sau khi xem phim này và nhận ra rằng các bạn trẻ tuổi rất giỏi khi đóng góp vào nền điện ảnh Việt Nam nhiều bộ phim hay. Đặc biệt là tôi muốn cám ơn đến những người làm ra bộ phim “Em là bà nội của anh” đã làm ra bộ phim mà thế hệ chúng tôi ao ước có thể thể hiện nét văn hóa của người Việt và làm cho thế hệ trẻ không cảm thấy ngột ngạt đối với bộ phim tôn vinh giá trị tinh thần,” khán giả này nói.
Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế kết thúc thành công với sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Bộ phim “Em Là Bà Nội Của Anh” được trình chiếu vào đêm cuối cùng đem lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Và đặc biệt là Viet Film Fest đã hoàn thành nhiệm vụ gắn kết cộng đồng, đưa điện ảnh là món ăn tinh thần đến với mọi thế hệ.
“Chương trình năm nay diễn ra thành công tốt đẹp sẽ là điều kiện để chương trình năm sau còn tốt hơn và chu đáo hơn. Tôi hy vọng đây sẽ luôn là sự kiện được cộng đồng ủng hộ và là cơ hội cho các bạn trẻ có dịp được học hỏi và thể hiện đam mê điện ảnh của mình,” cô Y Sa cho biết.
* Các giải thưởng được trao trong khuôn khổ Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế năm nay:
Phim dài được khán giả bầu chọn: Finding Phong
Phim ngắn do khán giả bầu chọn: Honoring Life: The work of Trinh Mai
Phim dài hay nhất: Yellow Flowers on the Green Grass (Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh)
Phim ngắn hay nhất: My Home 
Nữ diễn viên xuất sắc: Miu Lê trong bộ phim “Em Là Bà Nội Của Anh”
Nam diễn viên xuất sắc: Tam Dinh trong bộ phim “Never Forget”

---

Liên lạc tác giả: nguyen.nhatanh@nguoi-viet.com 

Không có nhận xét nào: