Sáng Chủ Nhật dậy sớm cà phê một mình, đọc báo VNexpress online đưa tin: "Việt Nam trao công hàm phản đối tàu thép Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam."
<!->Bộ Ngoại Giao Việt Nam không hiểu đã bao lần lên tiếng cảnh cáo, phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam nhưng sự việc vẫn đâu vào đấy. Đất của chúng ta vẫn bị Trung Quốc chiếm đóng, ngang nhiên xây dựng trái phép và sử dụng cho mục đích quân sự.
Dân biểu tình xuống đường, giơ cao khẩu hiệu thể hiện tinh thần yêu nước, quyết chí giữ vững bờ cõi nhưng cuối cùng đất đai vẫn
mất vào tay giặc Trung cộng.
Điều làm chúng ta tức giận, đau nhất và thương xót cho ngư dân Việt Nam, những ngư dân nghèo vừa gom góp, dành dụm được chút của cải sau bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt, bao năm tháng dài lưng còng lao động vất vả, miệt mài. Họ đã phải đương đầu với những cơn sóng dữ hung hãn. Thân cô thế cô giữa trời cao, biển rộng, đối mặt với bao hiểm nguy trên biển hay oằn mình cam chịu cái nắng gắt như đốt cháy da thịt. Họ quăng lưới ra khơi tìm sự mưu sinh một cách chân chính. Họ góp nhặt, tiết kiệm, dành dụm từng đồng để từ con thúng nhỏ chòng chành giữa biển nước xô đẩy, tậu được con tàu tuy nhỏ bé nhưng tươm tất, vững chải hơn những phương tiện ghe, thúng thô sơ.
Ước mơ mà họ chờ đợi, kỳ vọng bao năm dài trôi qua giờ thành hiện thực nhưng niềm vui của ngư dân nghèo Việt nam hiền lành tội nghiệp lại luôn bị bọn xâm lăng Trung Quốc cướp đoạt. Chỉ trong phút chốc chúng đánh chìm con tàu nhỏ bé còn thơm mùi gỗ mới của ngư dân, những loạt đạn oan nghiệt ghim trên vỏ tàu hay bắn vào thân thể nhỏ bé, gầy gò khắc khổ của ngư dân. Sóng biển vô tình dập vùi chiếc tàu chìm xuống đại dương mang theo tất cả ước mơ cả một đời người ngư dân mong mỏi. Còn nỗi đau nào hơn, uất hận nào bằng khi đất của nước mình, phần biển của nước mình mà ngư dân Việt Nam lại bị xua đuổi, bị đe dọa đánh đập không thương tiếc. Thậm chí những tên xâm lăng Trung Quốc côn đồ đã nhẫn tâm phá nát tài sản mà ngư dân nghèo Việt Nam ky cóp được sau bao năm tháng lưng còng cực nhọc, gây bao đau khổ và một tương lai mịt mù trước mặt. Không còn phương tiện ra khơi đánh bắt cá những gia đình ngư dân lâm vào cảnh khốn cùng, nghèo khổ.
Sẽ còn bao nhiêu lần nữa tôi uất ức giùm cho ngư dân, thương khóc cho họ? Chắc rằng còn nhiều lắm một khi Trung Quốc vẫn ngang nhiên chiếm đóng đất đai, hòn đảo của nước mình.
Như vậy tại sao người Việt Nam chúng ta vẫn thản nhiên tiếp tay cho giặc bằng cách nhập những hàng hoá độc hại từ Trung quốc về hại sức khoẻ, đời sống của dân mình? Tại sao và tại sao những điều quá vô lý kia vẫn xảy ra nhan nhản?
Từ mấy năm nay tôi tập cho mình một thói quen tất cả hàng hoá "Made in China" tôi không phí tiền mua để làm giàu cho những kẻ hại dân tôi, đất nước của tôi. Đó cũng là cách tôi thể hiện lòng yêu nước, thuơng dân tộc mình luôn phải gánh chịu biết bao điêu linh.
Sáng nay đọc báo nhìn hình ảnh khốn khổ của ngư dân Việt Nam bên con thuyền bị tàu thép Trung Quốc đâm, phá nát tan tành. Nỗi sợ hãi, ánh mắt tuyệt vọng hằn trên khuôn mặt đầy khắc khổ của người ngư dân bên đống gỗ gãy vụn của thân tàu. Ly cà phê trên tay uống vào tôi thấy đắng nghét, nhạt nhẽo, vô vị.
Tôi nhớ lại một buổi sáng sớm tinh mơ trên bãi biển Mũi Né. Trời còn chạng vạng, ngồi chờ ngắm mặt trời mọc, tôi bị mê hoặc bởi hình ảnh của một gia đình ngư dân nghèo trên biển từ bà cụ già đến con cháu đang còm lưng quấn sợi dây thừng quanh người, hợp sức kéo mẻ lưới mà họ hy vọng có được đầy tôm cá cho một ngày mưu sinh cực nhọc.
Tôi đã quên mất cảnh mặt trời mọc và cũng chẳng cần quan tâm đến cảnh đẹp nữa khi mời được cả nhà ngư dân đó dùng chung bữa sáng. Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ có một hạnh phúc quá đỗi giản dị, gần gũi và thương chi lạ khi nghe cái giọng Quảng Nam trọ trẹ hơi khó hiểu nhưng thấm đẫm tình quê hương như buổi sáng tinh sương đứng trên bờ biển của đất nước mình sau hơn 15 năm trở lại.
Những đợt sóng với bọt biển trắng xóa tung tăng, chạy nhấp nhô vào bờ. Những người ngư dân nghèo hiền lành, chân chất.
Những bàn chân trần in dấu trên biển sớm và những đôi bàn tay gầy gò, nứt nẻ sạm nắng biển của những người ngư dân đang ngồi vá víu lại những chỗ rách trên mẻ lưới. Có phải họ cũng đang nhẫn nhục, cam chịu vá víu lại cả cuộc đời khốn khó gắn liền với biển?
Việt Nam và ngư dân nghèo khốn khổ đất nước tôi ơi, đến khi nào mới thoát khỏi nạn xâm lăng, cướp đất, cướp biển của Trung Quốc và thoát khỏi những uất ức bất công kia đây?
Tôi đang đọc vang bài thơ “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."
(Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét