Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Năm 2016 với 8 cái gai dưới gót chân Tập Cận Bình - RFI

media
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc đến khai trương ngân hàng AIIB, tại Bắc Kinh ngày 16/01/2016.Reuters
Mới đầu năm thôi mà Trung Quốc đã gặp bao nhiêu là phiền toái ! Từ thị trường chứng khoán lao đao, cho đến các mối căng thẳng nẩy sinh với các láng giềng, với các nước tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc đã đành, mà cả với các đồng minh, như Bắc Triều Tiên chẳng hạn, đã ngang nhiên tỏ thái độ khiêu khích với một vụ nổ hạt nhân mới, tạo nên tình trạng căng thẳng ngay cạnh sườn Trung Quốc.<!->
Hãng tin Mỹ AP, ngày 11 tháng Giêng vừa qua, đã liệt kê tám vấn đề gai góc mà nhân vật số một Trung Quốc là Tập Cận Bình sẽ phải đối phó. Dù không phải là những vấn đề đe dọa sự tồn vong của chế độ Bắc Kinh, nhưng đó là những điểm mà cả thế giới sẽ theo dõi, để xem xem liệu ông Tập Cận Bình có đủ tính nhạy bén cần thiết để tìm ra một giải pháp lâu dài để duy trì sự ổn định.
AP nêu các vấn đề theo trình tự như sau
1/ Biến động trên thị trường chứng khoán
Ngay trong tuần đầu tiên của năm 2016, Trung Quốc đã phải hai lần triển khai cơ chế « ngắt mạch » được tạo ra để đối phó với tình trạng cổ phiếu trên thị trường của họ bị rớt giá quá mạnh, xuống tới 10%. 
Thế nhưng, sau hai lần áp dụng, Bắc Kinh đã phải từ bỏ thứ vũ khí chống sụt giá này, qua đó tạo ra cảm giác là cơ quan quản lý bất lực, không tìm ra được cách thức nào hữu hiệu để ổn định thị trường, mà giá trị đã tăng gấp đôi từ cuối năm 2014 cho đến tháng Sáu, những sau đó lại tuột dốc với tỷ lệ 30 phần trăm, gây tổn thất nặng nề cho các nhà đầu tư nhỏ.
2/ Đồng yuan rớt giá
Vào lúc thị trường chứng khoán lao đao, đồng tiền Trung Quốc, đồng nhân dân tệ cũng bị tuột giá, xuống đến mức thấp nhất từ năm năm nay so với đồng đô la Mỹ, buộc chính quyền Trung Quốc, phải rút hàng chục triệu đô la từ kho dự trữ ngoại tệ của mình để bảo vệ đồng yuan.
Chính quyền Trung Quốc vào tuần trước đã cho đồng nhân dân tệ hạ giá 1,5% để hỗ trợ các nhà xuất khẩu đang trong cơn khó khăn. Thế nhưng quyết định vụng về đó đã tạo nên những làn sóng chấn động đến thị trường thế giới, và tiếp tục đè nặng lên giá trị cổ phiếu của Trung Quốc.
3/ Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại
Những trục trặc đã xuất hiện trong nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới được dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2016, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm gần đây, chỉ đạt 6,9% trong quý 3 năm ngoái, 2015, và theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống mức 6,3% trong năm nay 2016.
Đó là tín hiệu xấu đối với khả năng của nền kinh tế Trung Quốc trong việc vừa tạo ra đủ công ăn việc làm mới cho con số hơn 7,5 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học trong năm nay, vừa tạo đà cho một quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa trên đầu tư qua một nền kinh tế tập trung vào dịch vụ.
4/ Ván bài đối ngoại xáo trộn với Bắc Triều Tiên
Bất chấp những lời kêu gọi liên tiếp là phải tự kiềm chế, đồng minh truyền thống của Trung Quốc là Bắc Triều Tiên đã cho thử nghiệm cái mà họ tuyên bố là một quả bom khinh khí – tức là bom H – ngày 06/01. Sức chấn động của vụ nổ đã vượt qua biên giới và lan truyền đến tận miền đông bắc Trung Quốc, và thu hút sự lên án từ phía Bắc Kinh.
Trung Quốc bây giờ đã bị lâm vào cảnh phải chịu áp lực là phải sử dụng bất kỳ uy lực nào mà mình có đối với Bắc Triều Tiên để giảm nhiệt tại vùng Đông Bắc Á, trong khi cùng lúc phải đối mặt với khả năng hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn giữa Hàn Quốc với các đối thủ truyền thống của Trung Quốc là Nhật Bản và Hoa Kỳ.
5/ Đài Loan
Cử tri trên hòn đảo tự trị dân chủ có vẻ như đã sẵn sàng bầu ra một tổng thống mới xuất thân từ một đảng chính trị luôn luôn phản đối mục tiêu của Bắc Kinh là thống nhất hai bên eo biển Đài Loan. Củ cà rốt kinh tế mà Bắc Kinh đưa ra đã không thuyết phục được dân chúng Đài Loan về lợi ích của sự thống nhất chính trị với Hoa Lục.
Nếu phe đối lập trong Đảng Dân Tiến của ứng cử viên Thái Anh Văn chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 16/01, điều đã được các cuộc thăm dò dư luận dự báo, Bắc Kinh có thể cảm thấy bắt buộc phải gia tăng áp lực kinh tế và ngoại giao có thể khiến cho xu hướng quan hệ thân thiết bị đảo ngược.
Khó có khả năng Bắc Kinh sẽ đi xa hơn thế, chẳng hạn như thực hiện lời đe dọa từ lâu của mình là sử dụng vũ lực để kéo hòn đảo về dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.
6/ Bình diện Chính trị
Tại Trung Quốc, nhờ vào chế độ độc đảng, Tập Cận Bình không phải đối mặt với thách thức của bầu cử. Thế nhưng, chủ tịch Trung Quốc lại phải đối mặt với sự chống đối từ các đối thủ chính trị và bộ máy quan liêu lớn. 
Tập Cận Bình không hề cho thấy dấu hiệu muốn từ bỏ chữ ký của ông trong chiến dịch chống tham nhũng, đã tạo ra một cảm giác sợ hãi và tình trạng tê liệt trong hàng ngũ cán bộ. Sự sùng bái cá nhân ngày càng tăng đã khiến ông lộ rõ vẻ tự tin.
Nhưng với việc nền kinh tế phát triển chậm lại và không thấy dấu hiệu nào về cải cách chính trị, ông Tập Cận Bình có thể chịu áp lực từ những người chỉ trích ông cũng như từ các đối thủ, muốn ông cho thấy kết quả trong vấn đề công ăn việc làm, tăng trưởng, quản trị tốt và thu ngắn khoảng cách thu nhập ngày càng lớn.
7/ Hồ sơ lớn : Biển Đông
Kể từ khi năm 2016 bắt đầu, Trung Quốc đã cho ba phi cơ đáp xuống một hòn đảo mới mà họ đã bồi đắp tại Biển Đông, làm dấy lên những phản đối từ Việt Nam và Philippines, hai nước cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Việc Trung Quốc mạnh mẽ áp đặt yêu sách chủ quyền của họ đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, từ lâu đã bị phản đối và đôi khi châm ngòi cho những vụ đối đầu trên biển trong khu vực nơi có lượng thương mại toàn cầu trị giá 5.000 tỷ đô la qua lại hàng năm.
Các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc hạ cánh trên một trong bảy hòn đảo nhân tạo mới mà Bắc Kinh đã xây dựng bằng cách đổ cát lên trên các rạn san hô. Mỹ khẳng định rằng các thực thể mới đó không thể có quy chế pháp lý của đảo thực thụ, và lực lượng Mỹ đã cho phi cơ và chiến hạm đi gần các đảo này, khiến cho Bắc Kinh phản ứng giận dữ. 
Giờ đây, Tập Cận Bình phải cố bảo vệ các hành động của Trung Quốc, nhưng cũng phải tránh không gây tổn hại cho quan hệ đối ngoại của Bắc Kinh.
8/ Hồng Kông
Trung Quốc phải đối mặt với sự phản đối liên tục từ các lực lượng ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh đã trở về dưới chủ quyền Trung Quốc vào năm 1997, nhưng được duy trì hệ thống pháp lý và kinh tế của riêng mình.
Người được Bắc Kinh chọn lãnh đạo Hồng Kông là ông Lương Chấn Anh lại rất mất lòng dân, trong lúc kế hoạch thay đổi thể thức bầu cử của ông đã bị trì hoãn sau các cuộc xuống đường rầm rộ trong năm 2014, để lại những rạn nứt sâu sắc trong xã hội vốn rất năng nổ của Hồng Kông, và chính trị hóa cả một thế hệ học sinh.
Hiện nay, những vụ mất tích gần đây của nhân viên một công ty xuất bản chuyên về các loại sách phê phán giới lãnh đạo Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đang xiết chặt quyền tự do báo chí và các quyền tự do dân sự khác của Hồng Kông.

Tập Cận Bình khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á

media
Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai trương AIIB tại Bắc Kinh ngày 16/01/2016.REUTERS/Mark Schiefelbein/Pool
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) sẽ đẩy mạnh tài chính trong khu vực, đồng thời khiến cho việc quản lý kinh tế thế giới trở nên hợp lý hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 16/01/2016 khẳng định như trên, hứa hẹn sẽ « hỗ trợ mạnh mẽ » cho định chế do Trung Quốc thành lập.
Trong buổi lễ khai trương tưng bừng tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình tuyên bố : « Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á sẽ làm tăng đầu tư một cách hiệu quả để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, đóng góp vào việc hướng các nguồn lực, đặc biệt là vốn tư nhân, vào các dự án này ».
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á có mục đích tài trợ các dự án hạ tầng ở châu Á, hiện đang thiếu vốn trầm trọng. Trong số 57 thành viên sáng lập, có khoảng hai chục nước phương Tây, trong đó có Pháp, Đức, Anh. Với việcT rung Quốc đóng vai trò quyết định, ngân hàng này mặc nhiên là đối trọng trước Hoa Kỳ, hiện đang kiểm soát Ngân hàng Thế giới, và với Nhật Bản, đang nắm Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB).
ADB hôm nay cho biết đã bắt đầu xác định các dự án đồng tài trợ trong các lãnh vực giao thông, năng lượng tái tạo, quy hoạch đô thị và mạng lưới cấp nước. Ngược lại, Mỹ và Nhật từ chối liên kết với AIIB, lo ngại các tiêu chuẩn quản trị sẽ bị hạ thấp, cũng như nguy cơ Bắc Kinh sử dụng định chế mới này để ưu đãi các công ty Trung Quốc và lợi dụng cho lợi ích địa chính trị của mình.
Trung Quốc cũng đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại châu Á lẫn châu ÂU, với việc đầu tư ồ ạt vào « Con đường tơ lụa mới ». Trước đó Bắc Kinh đã tham gia thành lập một ngân hàng dành cho khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), đồng thời lập « Quỹ đầu tư vào Con đường tơ lụa » để tài trợ các dự án ở Trung Á.
AIIB dự kiến sẽ cho vay 10 đến 15 tỉ đô la mỗi năm trong những năm đầu, hứa hẹn một cơ cấu « linh hoạt, tôn trọng môi trường và không tham nhũng ». Nhưng những cam kết này của Bắc Kinh không làm những người am hiểu an tâm. Ông Rayyan Hassan, phụ trách tổ chức phi chính phủ « Forum on ADB » có trụ sở tại Philippines lo ngại AIIB sẽ hoạt động như một tổ chức cho vay đơn thuần hơn là một ngân hàng phát triển, và đóng cửa đối với xã hội dân sự.

Không có nhận xét nào: