1.Tôi quen biết Nha sĩ Phạm Anh Bình – người Mỹ gọi là Dr. John Pham, DDS – chỉ từ năm ngoái. Lần đầu gặp anh tại nhà một người bạn chung, tôi thấy anh còn trẻ, dáng dấp thư sinh như một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, mặc dù tuổi đời đã năm bó rưỡi. Anh nói chuyện tự nhiên, ăn mặc xuề xòa, tính tình vui vẻ, cởi mở. Anh tuyên bố, anh “kết” tôi bởi vì tôi “đã viết những bài chống Cộng nẩy lửa”, mà anh rất thích. <!->
Nghĩa là, rõ ràng, ngoài tình đồng hương, anh còn có tình đồng chí. Một đồng chí thầm lặng hỗ trợ tôi hết mình trong trận chiến võ mồm chống lũ Cộng Phỉ – trận chiến gian nan mà tôi không bao giờ lơi lỏng. Câu nói khích lệ của anh làm tôi ngạc nhiên và chú ý đến anh nhiều hơn. Nhưng đó không phải là chủ đích của bài viết hôm nay. Tôi muốn giới thiệu về anh như một bác sĩ nha khoa, đang hành nghề, tài giỏi, nhưng ít người biết hoặc nhắc đến tên. Không nhắc, có lẽ một phần vì anh không còn đặt “phòng mạch” tại Portland (phòng mạch cũ đã bàn giao chủ quyền cho người khác), phần khác vì hầu hết bệnh nhân của anh là người Mỹ, và phần khác nữa vì anh không đăng “quảng cáo” trên báo chí, kể cả Mỹ. Trên tấm thiệp, tôi đọc biết anh đang làm chủ ba clinics tại Chehalis, Roschester thuộc tiểu bang Washington, và Rainier (Longview) thuộc Oregon nhưng lại lọt vào lãnh địa WA. Trung bình, anh kể, mỗi phòng răng có từ tám đến mười ghế, trang bị đầy đủ, tiện nghi, với dụng cụ X-ray và Lab.
Nhân viên văn phòng và nha sĩ, nha tá đều là Mỹ (viết hoa) nhân, kể cả một bác sĩ gây mê on call, ngoại trừ một nữ nha sĩ phụ tá người Việt tốt nghiệp tại Canada sang Mỹ định cư và một nữ nha tá người Việt gốc Chợ Lớn. Trong tuần anh phải làm việc theo lịch trình tại ba địa điểm, cho nên thời khóa biểu của anh chật kín, kể cả ngày thứ bảy.
Mặc dù bận rộn và bề ngoài có vẻ chịu chơi, phóng túng, luôn tươi cười, thích cognac, nhạc disco, và những đêm vui bất tận với bạn bè, nhưng về mặt điều hành và đánh giá nhân viên anh tỏ ra là một quản trị viên chặt chẽ, nếu không nói khắt khe, nhưng hợp lý và công bằng. Anh cho tôi biết, ai làm giỏi, cuối năm anh thưởng tiền. Ai lười biếng hoặc thiếu khả năng, nhất là coi thường anh, anh cho nghỉ việc ngay lập tức – biện pháp mà anh đã áp dụng cho ba nha sĩ người Mỹ chẳng những đã làm sai, bị bệnh nhân khiếu nại, lại còn có lời lẽ hỗn xược với anh. Những ngày lễ lớn, anh tổ chức party tại nhà mời tất cả nhân viên tham dự, tặng quà. Chỉ mỗi chiều thứ bảy xong việc, anh và gia đình, gồm một vợ hai con nhỏ, mới xuống Portland, nơi anh "sở hữu" một ngôi nhà rộng – dễ tìm, vì trước nhà anh cho treo thường trực hai lá quốc kỳ Mỹ và VNCH – để nghỉ xả hơi cuối tuần với anh chị em và nhóm bạn bè thân chọn lọc.
Mùa đông 2012, một lần, tôi đến clinic Chehalis, exit 79 trên xa lộ 5 N, cách Portland một tiếng rưỡi, thăm anh. Trong khi chờ đợi anh xuất hiện, tôi đứng xớ rớ, tò mò nhìn quanh phòng. Trên tường treo đầy bằng cấp từ bằng DDS (Doctor of Dental Surgery, Bác Sĩ Giải Phẩu Răng), tốt nghiệp tại Đại học Missouri, 1992, và các chứng chỉ tu nghiệp về răng tổng quát tại Kansas, về implant, dental surgery của các trường Nha khác, như San Francisco, Florida, Chicago, và kỹ thuật gây mê, dental anesthesia, tại New York cho đến giấy công nhận chuyên viên implant thực thụ của American Board Dental Implant và bằng diplomate về Advanced dental surgery (Giải Phẩu Răng Trình Độ Cao) do Đại học Harvard cấp năm 2010… Quả tình tôi choáng ngợp, và nói như ngôn ngữ Vi Xi, rất “ấn tượng” về “thành quả học tập” của anh. Không riêng tôi mà tất cả bệnh nhân Mỹ. Sau đó, bên ly cà phê, tại tiệm Starbucks kế cận, trong giờ nghỉ trưa, tôi nhờ anh cắt nghĩa hai chữ diplomate và implant mà tôi không hiểu rõ và không biết dịch ra tiếng Việt như thế nào. Anh tỏ vẻ vui vì có dịp nói về nghề nghiệp của mình với một người “ngoại đạo”, nhưng mắc bệnh ưa thắc mắc. Tôi hỏi, implant có phải là “trồng răng” không. Anh lưỡng lự giây lâu, rồi đáp, cũng có thể, nhưng dịch như vậy người ta sẽ lẫn lộn với những ông thợ trồng răng dạo ở Việt Nam trước kia… Implant, anh nói, đại khái, là một môn chuyên biệt trong ngành, chủ yếu lấy răng bệnh nhân này cắm thẳng – không phải vào cằm bệnh nhân kia, dĩ nhiên – mà vào hàm của chính họ. Ngon trớn, anh kể cho tên “ngoại đạo” nghe vài ca giải phẩu và “cắm” răng do anh thực hiện. Tôi nhớ nhất câu chuyện của một anh bệnh nhân Mỹ, bẩm sinh có hàm răng vổ đau vổ đớn (còn hơn răng của cán bộ Vi Xi, phụ đề của tôi), đến nỗi không cách chi ngậm kín miệng được. Bệnh nhân khổ tâm vô cùng. Anh ta muốn tu chỉnh nó lại, vì cho đến lúc ấy, anh ta vẫn không kiếm nổi một bạn gái. Đi hết các nha sĩ trong vùng, ai cũng lắc đầu và giới thiệu đến “Dr. Pham”. Sau khi xem xét, nghiên cứu, Dr. Pham đề nghị và thực hiện mổ nguyên hàm trên. Xong xuôi, một thời gian sau, lấy răng của chính anh cắm lại vào hàm đã mổ. Thiếu tiền, vì bảo hiểm không trả dịch vụ làm răng thẩm mỹ, bệnh nhân được Nha sĩ Bình thông cảm, cho trả góp. Bây giờ, bộ răng được tân trang, “hoành tráng” quá chừng, trông anh ta ngon lành, đẹp trai hẳn, hết mặc cảm, và con tim đã vui trở lại, sau đó đã làm đám cưới với một cô gái trẻ đẹp có hàm răng vừa xinh vừa trắng lại vừa đều. Nha sĩ Bình được mời dự, và đã tặng hai ngàn trong số tiền nợ anh ta còn thiếu như món quà cưới. Một ca khác: răng cửa của một ông bạn tôi lung lay và mưng mủ. Nha sĩ Bình nhổ đi, rửa sạch sẽ, thấy cái răng còn tồt, tiếc của, bèn tái cắm vào chỗ cũ. Vài tuần sau, xương từ nướu mọc ra, làm cứng cái răng – điều mà tôi xem như một phép lạ nhỏ. Chưa chịu, tôi hỏi tới luôn: - Có thể lấy răng giả cắm vào được, hay phải là răng thật? Anh cười: - Tại sao không? Rủi người ta rụng hết răng thật thì lấy gì mà cắm? Nếu cắm răng toàn thật hết thì mấy ông thợ đúc răng giả làm sao sống? Tôi cũng cười trừ, hơi quê vì câu hỏi ngớ ngẩn của mình. Ly cà phê chưa cạn và chưa tới giờ hẹn khách, anh kể tiếp. Khóa tu nghiệp tại Harvard năm 2010, anh phải bỏ 20 ngàn tiền túi để theo học. Tất cả gồm 18 nha sĩ học viên đến từ các nước. Kỳ thi mãn khoá, ngoài một luận văn ra trường liên quan đến những “thành tích” về dental surgery mà học viên đã thực hiện trong thời gian hành nghề, còn đòi hỏi một màn mổ và cắm răng cụ thể: người ta đưa ra, ví dụ trường hợp một bệnh nhân có hàm răng vổ, như anh thanh niên Mỹ nói trên, học viên phải nghiên cứu, phân tích, trình bày “phương án” của mình, rồi bắt tay vào việc mổ cụ thể trên một đầu người giả, dĩ nhiên, trước một hội đồng giám khảo, gồm năm giáo sư, ông nào cũng kinh nghiệm chiến trường đầy mình, thuộc hàng sư phụ, sư tổ. Kết quả tất cả 18 học viên đều được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Riêng chỉ có hai người, vào phút chót theo truyền thống của trường, được loan báo lãnh “giải” diplomate, và anh là một. Người kia là một học viên người Brazil. Diplomate, tiếng Anh, không có nghĩa tương đương trong Pháp ngữ (= nhà ngoại giao). Tự điển ghi rõ: “A physician certified as a specialist by a board of examiners.” Như vậy, Bác sĩ Nha khoa Phạm Anh Bình, được công nhận là một chuyên viên về “nha khoa giải phẩu” bởi Đại học Harvard. Tương tự văn bằng Ph.D in…, tức là về một bộ môn, ví dụ Văn chương, Ngữ học, Giáo dục, Toán, Vật lý, kể cả Computer v.v… Không thể là tiến sĩ khơi khơi, tổng quát về mọi bộ môn. Hiểu như thế, tôi nghĩ (nhưng không biết mức độ chính xác như thế nào), theo nghĩa thuần túy chuyên môn, diplomate trong ngành Y có thể ví với Ph.D, hoặc post-doctorate, trên lãnh vực Nhân văn và Khoa học. Chính vì thành quả rực rỡ này mà vào năm 2011, Nha sĩ Bình được Hiệp hội Nha sĩ Brazil mời sang thuyết trình và mổ hàm biểu diễn. Đối với người Việt hải ngoại, đó là một vinh dự lớn. Nhưng không ai biết, mà không bao giờ anh nói ra cho ai, trừ tôi – một cách tình cờ, bên ly cà-phê Starbucks thơm ngát, giữa một buổi trưa mùa đông Tây Bắc có tuyết rơi và gió buốt lạnh, dễ đưa hồn người về với kỷ niệm đầy vơi. Vậy mà Nha sĩ Bình vẫn chưa hài lòng với tài năng chuyên môn. Dù sự nghiệp đã vững vàng, anh vẫn chưa chịu dừng lại, nhưng luôn muốn nâng cao tay nghề, khi có dịp. Dịp ấy là đầu tháng 2 năm nay, anh sẽ xuống Las Vegas tham dự một khóa hội thảo (symposium) ngắn hạn do Hiệp hội Nha sĩ Mỹ tổ chức, mà anh là một thành viên, để nghe thuyết trình và thảo luận về kỹ thuật implant, surgery và những đề tài khác liên quan đến nha khoa.
2. Sự thành công của Nha sĩ Phạm Anh Bình không đến từ một chemin des rêves, như người Pháp hay nói, mà tôi dịch là con đường của những giấc mơ, lát bằng hoa gấm, thẳng băng, thênh thang, êm ru. Quả vậy, có vinh quang nào cho một người bắt đầu lại sự nghiệp dở dang, tại một nơi không phải là quê hương, mà không xây bằng mồ hôi và nước mắt tủi nhục, đắng cay, bên cạnh những ước vọng xanh như mây trời chóng phai, hay những lâu đài trên cát mong manh. Cũng như tôi, ngày nào đến Oregon từ một trại tỵ nạn Philippines. Một lần, nghe anh tâm sự: - Đầu năm 1975, khi còn rất trẻ, tôi được ông bà cụ gửi qua Pháp du học, dự trù theo ngành Y, theo gót ông anh lúc ấy đã là Bác sĩ Y khoa tại Mỹ. Chưa kịp làm gì thì nước mất nhà tan, và mọi liên lạc với gia đình bên quê nhà bị cắt đứt… Quả vậy, tai họa ập đến không ngờ cho mọi người, không riêng anh. Riêng anh, hết tiền trợ cấp, anh phải bỏ học, đi lang thang bụi đời giữa Paris, kiếm sống. Có một ông linh mục già người Pháp, thương tình, kéo về cho làm 'chú từ' quét dọn nhà thờ của ông tại Paris VI, ăn ở chùa tại chỗ, và thỉnh thoảng dằn vào túi lép kẹp của anh một mớ tiền francs.
Đầu năm 1976, được ông anh bảo lãnh qua Mỹ, theo diện cư dân, không phải tỵ nạn, nghĩa là không hưởng được bất cứ tài trợ nào của chính phủ Mỹ. Tại đây, anh đi hái dâu, lau nhà hàng, làm đủ nghề, kể cả làm thợ đúc răng giả trong một dental lab. Cuối cùng thì với vốn liếng tiết kiệm bấy lâu anh cũng mở được một phòng dental lab riêng, nhỏ, tại Monterey Park, gần Los Angeles. Ngoài vấn đề tiền bạc, anh còn gặp một trở ngại to lớn khác: Anh ngữ. Tiếng Pháp, mà anh rất rành, không còn được xử dụng. Vì nhu cầu sinh sống cấp thiết, anh không có dịp vào ngồi trong một lớp học Mỹ để trau dồi ngôn ngữ mới. Anh tự học Anh văn bằng cách lăn xả vào đời, trên đường phố, cho nên bây giờ nghe anh nói chuyện, nhất là cãi lộn, với Mỹ tôi không ngạc nhiên khi anh dùng nhuần nhuyễn tiếng lóng, bình dân, kể cả four letters, nếu có ai văng tục với anh trước. Cho đến 1986, mười năm sau ngày rời Paris, anh có một quyết định có thể được xem là lớn nhất trong đời: ghi danh học Nha khoa. Cha mẹ anh sửng sốt. Những người cháu khuyên can: “Khó lắm. Tụi cháu qua đây từ lúc nhỏ mà còn thấy chới với…” Mặc, anh quyết tâm đi tới. Trường Đại học Missouri nhận đơn, cho anh học. Năm đầu anh trả học phí bằng số tiền dành dụm kiếm được từ phòng dental lab ở Monterey Park. Anh học giỏi đến độ đến năm thứ hai nhà trường cấp cho anh học bổng toàn phần và bầu anh làm “Student of the Year (1987)” – điều mà báo chí địa phương Missouri cũng đã tường thuật. Năm 1992, anh ra trường, thực tập và hành nghề tại đó một thời gian ngắn, sau dọn về thành phố Portland, mở riêng một phòng răng.
3. Chuyện thành công về bất cứ lãnh vực nào của những người Việt tỵ nạn và định cư tại ngoại quốc cũng đều ly kỳ, xứng đáng làm ta hãnh diện. Lôi cuốn như một chuyện tình, hay chuyện cổ tích thần tiên với những tình tiết éo le, gây cấn, và những nút thắt, nút mở, có hậu... gợi tò mò. Cũng như thành tựu của lớp người Việt thuộc hàng em, cháu, thế hệ thứ hai, được sinh ra và lớn lên tại Mỹ và các nước, trở thành những bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, luật sư, tiến sĩ, giáo sư, đại tá, trung tá… tên tuổi, đáng vinh danh, nêu gương.
Hầu như hàng tuần trên báo Mỹ, Việt và Mạng, tôi đọc được những bài ca tụng thành công vẻ vang của những nhân tài trẻ gốc Việt và thấy vô cùng tự hào cho dân tộc mình. Mặc dù, tôi cũng biết, những thành công ấy đối với các thế hệ trẻ trong môi trường rất thuận lợi đều tương đối dễ dàng, nếu không nói đương nhiên. Không thành công mới là chuyện lạ. Một điều mà những bài viết ấy quên: không nhắc đến công lao của các bậc sinh thành đã hy sinh, làm lụng cực khổ, vất vả, dành dụm thì giờ, sức lực, tiền bạc lo cho con cái được thành công, thay cho chính mình ở kiếp này. Nhất là không nhắc gì đến, và hãnh diện về, những người làm nên sự nghiệp khi qua đây hơi trễ, trong điều kiện khó khăn hơn, so với lớp em, cháu. Bác sĩ Nha khoa Phạm Anh Bình, thuộc thế hệ gần như một rưỡi là một trong những người đến Mỹ trễ hơn, gặp khó khăn hơn. Nhưng anh đã tái tạo sự nghiệp từ con số không, từ hai bàn tay trắng. Thành công vượt bực của anh, vì vậy, đối với tôi, lại càng hấp dẫn, càng làm ngạc nhiên, càng đáng tôn vinh. Điều làm tôi cảm phục hơn nữa: lúc nào anh cũng nói, tất cả những gì anh được ngày hôm nay là đều do Thiên Chúa nhỏ lòng thương, ban ơn. Cho nên, một lần anh tâm sự, để cảm tạ Người, anh đã muốn chia sẻ ơn phước và may mắn ấy với đồng hương, khi có dịp tham gia vào các buổi lễ tổ chức tại Oregon, bằng cách yểm trợ tiền bạc rộng rãi, ví dụ cho trường Việt Ngữ Văn Lang, nơi mà vợ con anh ghi danh theo học, Nhóm Yểm Trợ Những Người Đấu Tranh cho Dân Chủ Việt Nam tại Oregon v.v…, ngoài những nhà thờ cùng các tổ chức từ thiện khác. Anh còn ao ước được phục vụ nhiều hơn nữa các đồng hương, đặc biệt những người gặp khó khăn về tài chánh. Được nghe câu chuyện đời anh – luôn phấn đấu cố bắt kịp thời gian hạn hữu – và thành công rực rỡ trên, tôi thấy hứng khởi, bèn viết bài này gửi quý vị xem, như một trong vô vàn trường hợp của những người ít nhiều làm “vẻ vang dân Việt”.
Những dòng này đến tự đáy lòng tôi, đậm đà tình nghĩa, cho anh, vào một buổi chiều Portland tàn đông mưa lạnh hắt hiu. Như một lời vinh danh muộn màng.
Portland, 16/1/2013
Kim Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét