Cộng đồng quốc tế lên án hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Với việc bồi lấp các “lỗ hổng” bên trong các rặng đá ngầm, Trung Quốc có thể xây những hòn đảo nhân tạo lớn gấp 5 lần hiện nay.
Ngày 12.6, tờ Sydney Morning Herald của Úc đăng tải những hình ảnh vệ tinh mới nhất và cho rằng Trung Quốc đã phản ứng lại với những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế về hành động xây đảo phi pháp trên Biển Đông của mình bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án này hơn.
Mỹ, Úc, Nhật Bản và gần đây nhất là lãnh đạo các nước G7 đều đã cảnh báo rằng Trung Quốc cần phải chấm dứt ngay các hoạt động bồi lấp, xây đảo phi pháp ở Biển Đông, với nỗi quan ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng những hòn đảo này để bố trí các loại vũ khí hạng nặng, cơ sở quân sự và sân bay.
Đáp lại những lời chỉ trích trên, Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng họ “có quyền xây đảo” ở Biển Đông, thậm chí tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc còn đe dọa rằng quân đội nước này sẽ “bắn rơi” bất cứ máy bay trinh sát nào của Úc tiến vào gần những hòn đảo nhân tạo phi pháp đó.
Còn trên thực địa, theo nhiều nguồn tin từ các quan chức chính phủ và quân đội Úc, những hình ảnh vệ tinh mới chụp được vào hôm 10.6 cho thấy các tàu hút cát của Trung Quốc đã tăng cường hoạt động, chuyển từ bồi lấp khu vực vành đai đảo nhân tạo sang san lấp những “lỗ hổng” bên trong để tạo thành những hòn đảo hoàn chỉnh.
Động thái này khiến các quan chức Úc lo ngại rằng chương trình “xây đảo” lớn nhất thế giới của Trung Quốc – với hơn 800 hecta đất đá đã được bồi lấp trên các bãi đá ngầm – cuối cùng sẽ có kích thước lớn gấp 5 lần hiện nay.
Một quan chức Úc tiết lộ với tờ SMH: “Vành đai bên ngoài các bãi đá ngầm hình tròn này gần như đã được bồi lấp xong, tuy nhiên có bằng chứng rõ ràng cho thấy phần lỗ hổng bên trong cũng đang được bồi đắp, đặc biệt là ở bãi đá Subi (thuộc chủ quyền của Việt Nam).”
Trung Quốc đang tiếp tục san lấp “lỗ hổng” bên trong bãi đá Subi để tạo ra một hòn đảo nhân tạo cực lớn
Mặc dù các chiến lược gia quân sự Mỹ không coi những hòn đảo nhân tạo này là mối đe dọa quá lớn, bởi chúng “có thể dễ dàng bị vũ khí Mỹ thổi bay chỉ sau nửa giờ tác chiến”, tuy nhiên họ lo ngại rằng chúng sẽ giúp quân đội Trung Quốc tăng cường phạm vi hoạt động của hải quân và không quân, đe dọa đến các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Ông Patrick Cronin, giám đốc cấp cao tại tổ chức tư vấn Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) nhận định: “Trung Quốc đang hành động với tốc độ khủng khiếp để tạo bàn đạp mở rộng ảnh hưởng trên khắp Biển Đông. Với những đảo nhân tạo này, Trung Quốc đang dịch chuyển phạm vi kiểm soát của mình từ 12 độ vĩ bắc xuống 10 độ vĩ bắc”.
Theo các chuyên gia phân tích, những lời phản đối, lên án của cộng đồng quốc tế hiện nay vẫn chưa đủ để răn đe Trung Quốc ngừng chương trình xây đảo nhân tạo. Tuy nhiên, chính cách hành xử này của Trung Quốc sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế hơn đối với khu vực, mà điển hình là Úc, nước đã thực hiện các chuyến tuần tra bằng máy bay, tàu chiến trên Biển Đông.
Úc tuyên bố đã cho máy bay, tàu chiến tuần tra trên Biển Đông. Ảnh minh họa
Theo những chuyên gia này, mục đích của các quốc gia lên tiếng phản đối hành động xây đảo phi pháp của Trung Quốc là nhằm “tăng cái giá” mà Trung Quốc phải trả nếu họ có những hành động đe dọa hay hành xử ngang ngược trên Biển Đông và các khu vực khác.
Mặc dù hiện nay cộng đồng quốc tế vẫn chưa có những biện pháp ngoại giao thực sự quyết liệt đối với hành động xây đảo phi pháp của Trung Quốc, nhưng các quan chức Úc tin rằng điều này sẽ nhanh chóng thay đổi trong tương lai.
Một quan chức Úc tuyên bố với tờ SMH: “Ngọn núi lửa có thể phun trào một cách từ từ”.
Theo tin24h
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét