Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam - ảnh 1

(TNO) Diễn biến căng thẳng bất ngờ diễn ra vào chiều nay 1.6, khi tàu Trung Quốc số hiệu 46105 đã điên cuồng phun nước và tăng tốc đâm thủng tàu Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam 2016, nơi phóng viên Thanh Niên Online đang có mặt.

 
 Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam - ảnh 2 Tàu Trung Quốc bắn nước và đâm thẳng tàu CSB 2016 - Ảnh: Trung Hiếu
16 giờ chiều nay, tình hình khu vực giàn khoan đang khá yên ắng. Lúc này, các tàu CSB và Kiểm ngư Việt Nam đang thả trôi cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 12 hải lý. Đột nhiên từ đâu có 4 - 5 tàu Trung Quốc từ phía giàn khoan trái phép Hải Dương-981 (Haiyan Shiyou-981) kéo đến.
Đi đầu là tàu kéo số hiệu 32 của Trung Quốc tổ chức khiêu khích một tàu kiểm ngư Việt Nam. Khác với các lần trước, tàu Việt Nam chủ động đứng yên hoặc di chuyển chậm và mở loa tuyên truyền đẩy đuổi các tàu Trung Quốc.
Đột nhiên tàu kéo 32 của Trung Quốc mở súng phun nước vào tàu kiểm ngư. Lúc ấy, tàu CSB 2016 đang nổ máy đi chậm ở vòng ngoài để hỗ trợ khi cần thiết thì đột nhiên tàu Trung Quốc 46105 tăng tốc lao về phía tàu CSB 2016. Nhận thấy sự nguy hiểm, tàu CSB 2016 tăng tốc lao về phía trước. Với lợi thế vận tốc lớn, sau 5 phút đeo bám tàu 46105 áp sát bên mạn phải, mở súng phun nước bắn xối xả vào tàu 2016.
Thượng úy Quản Trọng Dương, thuyền trưởng CSB 2016 ra lệnh thuyền viên và phóng viên vào đài chỉ huy, đóng chặt cửa để tránh nước. Tình thế cực kỳ gay go khi phía trước tàu Trung Quốc đang phun nước vào tàu kiểm ngư Việt Nam và che mất đường đi của tàu CSB 2016.
Chưa dừng lại ở đó, tàu Trung Quốc 46105 còn tăng tốc đâm thẳng góc vào mạn phải tàu CSB 2016. Cú đâm cực mạnh khiến cả tàu chao đảo. Thuyền trưởng Dương ra lệnh tổ máy chạy hết công suất trên 20 hải lý/giờ để tăng tốc thoát khỏi vòng vây.
Sau cú đâm trên, tàu 46105 lại truy đuổi tiếp và ép bên mạn trái của tàu 2016. Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, chính trị viên tàu 2016 cho biết sau khi đâm va, tàu 46105 tiếp tục phun nước.
Lúc này, khi phát hiện thượng úy Huy đang có mặt trên boong tàu để ghi hình, phía tàuTrung Quốc ra lệnh phun nước trực diện vào người anh Huy. “Lúc này tôi vừa quay phim vừa tránh nước phun, mình quen với cảnh bị phun nước nên không sợ, chỉ sợ hư máy, mất hết hình ảnh”, thượng úy Huy kiên cường nói.
Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam - ảnh 3 Tàu cảnh sát biển trong đợt bàn giao cho lực lượng cảnh sát biển hồi cuối tháng 8.2013 tại Hải Phòng - Ảnh: Đàm Duy Khánh
 Do 2 bên tàu 46105 có gia cố thêm mũi neo nên cú đâm đã gây tổn thất nặng cho tàu CSB 2016. Tàu CSB 2016 bị thủng 4 lỗ ở mạn phải, lỗ lớn nhất dài 40 cm, rộng 7 cm; lỗ nhỏ nhất dài 35 cm, rộng 3 cm, có lỗ thủng cách mép nước 40 cm, khiến nước tràn vào khoang tàu. Ngoài ra, tàu còn hư hỏng thêm 7 mét lan can tàu, ống thông hơi và ống dầu bị gãy.
Đến 18 giờ, cuộc tấn công hung hãn của tàu Trung Quốc kết thúc, các lực lượng trên tàu CSB 2016 đang tập trung gia cố tránh nước tràn vào.
Theo thuyền trưởng Quản Trọng Dương, với hư hỏng này, chỉ có cách kéo tàu vào bờ để sửa chữa, bởi nếu chạy nhanh hoặc sóng to hơn, thì nước sẽ tràn vào khoang tàu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đây là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất của tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam mấy ngày qua. Dẫu vậy, các chiến sĩ trên tàu CSB vẫn không hề nao núng, vẫn bình tĩnh, sửa chữa khắc phục sự cố để bám biển, từng giây từng phút.
Trung Hiếu
(từ Hoàng Sa, Đà Nẵng)
 
 

Việt Nam phải làm gì trong tình hình Biển Đông hiện nay?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-06-01
Tàu hải giám Trung Quốc (phải) sử dụng một khẩu pháo nước để tấn công một tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trên biển Đông ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam
Tàu hải giám Trung Quốc (phải) sử dụng một khẩu pháo nước để tấn công một tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trên biển Đông ngày 2 tháng 5, 2014
 AFP
 
Tình hình Biển Đông và khu vực trước sự leo thang của Trung Quốc, là hết sức nghiêm trọng. Việt Nam cần có thái độ và sách lược thế nào cho phù hợp?
Anh Vũ phỏng vấn TS. Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao VN về vấn đề này.
Anh Vũ: Thưa ônghội nghị Shangri – La lần thứ 14 ở Singapore vừa kết thúc, xin ông đánh giá kết quả của hội nghị này?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Trong 2-3 ngày vừa qua tại phiên đối thoại Shangri-La, người ta nói nhiều về hành động của TQ gây ra đã trở thành hiểm họa đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, nó vi phạm các nguyên tắc về tự do đi lại trong lĩnh vực hàng hải. Và đặc biệt là, các đoàn đều đưa ra những biện pháp và đỏi hỏi đòi TQ phải dừng ngay các hành động như thế.  Tôi cho rằng, nhìn về khung cảnh chung của hội nghị đó thì đây là một diễn đàn cực kỳ quan trọng đối với an ninh và phát triển của khu vực.
Anh Vũ: Tình hình Biển Đông trước sự leo thang của TQ, đến lúc này là nghiêm trọng. Tướng Vịnh, được Reuters dẫn lời cho rằng, đây có thể là dấu hiệu rất xấu cho một tình huống rất phức tạp ở Biển Đông. Theo ông, lúc này VN nên có thái độ thế nào ?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Thái độ của VN thì bao giờ cũng phản ảnh một chính sách chung và những chiến lược tổng thế của VN, mà cái chính sách và chiến lược đó như hai mặt như hai mặt của đồng tiền. Thứ nhất là nó phải bảo vệ được chủ quyền của biển đảo, mà cái này không phải là bảo vệ xuông, mà phải bằng hành động, việc làm và sự hiệu triệu dân chúng và cái mặt thứ 2 là phải đảm bảo được một môi trường hòa bình, không chỉ nhất thời mà phải là hòa bình bền vững.
Các đoàn đều đưa ra những biện pháp và đỏi hỏi đòi TQ phải dừng ngay các hành động như thế. Tôi cho rằng, nhìn về khung cảnh chung của hội nghị (Shangri-La) đó thì đây là một diễn đàn cực kỳ quan trọng đối với an ninh và phát triển của khu vực
TS. Đinh Hoàng Thắng
Nhưng do sự phức tạp của tình hình, đặc biệt là do cái sự nói và làm của TQ là nó không bao giờ đồng nhất cả. Cộng với cái tương quan lực lượng về mọi mặt của VN và TQ, đôi khi nó còn do cả cái quán tính của tư duy đối ngoại cũ của VN còn rơi rớt lại nữa. Cho nên có thể nói, VN gặp khá nhiều khó khăn, khá vất vả trong việc thực hiện chiến lược tổng thể nói trên. Tuy nhiên cũng may, quan hệ quốc tế ngày nay nó đã khác xa, ngày nay thì trong khu vực cũng như góc độ toàn cầu thì cái hệ thống đối tác chiến lược và hệ thống đối tác toàn diện của VN đã được định hình và đã phát huy tác dụng. Đó chính là cơ sở nền tảng để thái độ của VN ngày càng bắt nhịp với những chuyển hóa của thời đại.
Anh Vũ: Hôm nay (31/5), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tới thăm VN. Được biết Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ ký một thoả thuận hợp tác Quốc phòng (đầu tiên) về thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa 2 nước một cách thực chất. Ông có đánh giá gì về chuyến đi này?
Máy bay tuần thám đặc biệt của hoa Kỳ đã chụp được ảnh các tàu Trung Quốc đang xây thêm đảo nhân tạo ngày 22 tháng 5, 2015
Máy bay tuần thám đặc biệt của hoa Kỳ đã chụp được ảnh các tàu Trung Quốc đang xây thêm đảo nhân tạo ngày 22 tháng 5, 2015. Video clip/AFP

TS. Đinh Hoàng Thắng: Hai bên sẽ ký kết một văn kiện, gọi là tuyên bố hay thông cáo về “Tầm nhìn chung”, đây có thể là một cái đánh giá về việc hợp tác hiện nay và cũng có thể là một cái lượng định về viễn cảnh về quan hệ quốc phòng giữa 2 nước trong thời gian tới. Tất nhiên, theo thông tin sơ bộ thì khả năng phía Mỹ sẽ chính thức thông báo việc bán các vũ khí quân sự để hỗ trợ cho VN trong lĩnh vực tuần duyên và tiếp nối.  Nếu tuyên bố đó được bạch hóa trong bối cảnh TQ đang ráo riết bồi đắp và thổ hóa các đảo đá của VN, thì nó sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó nó cho thấy, VN đã chuyển sang một tâm thế chủ động hơn trong việc đối phó với những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của VN từ phía TQ.
Thứ 2 là việc xích lại gần hơn với Hoa kỳ trong thời điểm hiện nay cho thấy đây là một đòi hỏi khách quan và tất yếu, mà khó có ai hay thế lực nào có thể đẩy lùi. Và cái thứ 3 nữa là, việc ký kết này diễn ra giữa 2 chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo VN sau chuyến thăm Bắc kinh và trước chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư VN cho thấy, VN đang cố gắng kiến tạo một thế quân bình động trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ với các nước lớn nói riêng.
Anh Vũ: VN luôn khẳng định không liên minh với một bên nào để chống lại bên thứ 3. Trong khi đó, ông Ashton Carter Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng “Tại Châu Á, vẫn có môt số nước nghiêng về phía Trung Quốc, một số khác thì nghiêng về phía Hoa Kỳ, nhưng hầu hết thì không muốn phải có một sự lựa chọn dứt khoát nào, và tôi nghĩ rằng điều này cần thiết để giữ sự đa dạng trong quan hệ ngoại giao ngay tại khu vực, trong thời gian tới”. Theo ông, điều đó có ý nghĩa gì?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Vâng, đây là một vấn đề liên quan đến triết lý an ninh không chỉ là riêng VN, mà còn của nhiều nước trong khu vực Asian. Như lời của Tổng trưởng Quốc phòng Ashton Carter là hầu hết các nước châu Á không muốn và họ không thể có một sự lựa chọn nhất nguyên nào cả, vì bản thân nước Mỹ cũng thấy duy trì cái sự đa dạng về quan hệ ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á hiện nay là điều cần thiết. Nó cần thiết không chỉ cho Đông Nam Á, mà nó còn cần thiết cho cả chiến lược xoay trục và chính sách tái cân bằng của Mỹ. Tuy nhiên, mọi lý thuyết về chính trị, an ninh nhiều khi cũng là màu xám và nó không phải là bất biến.
Đừng chú ý quá về sách lược, mà nhiều khi vấn đề Biển Đông lại như vấn đề ở Ukraina hay vấn đề ở tận Trung Đông chẳng hạn. Cho nên kết luận của tôi khi trả lời câu hỏi này là, mọi sách lược chỉ là nhất thời, nhưng nguy cơ của TQ đối với độc lập chủ quyền và lãnh thổ của VN cái nguy cơ đó là nguy cơ vĩnh viễn
TS. Đinh Hoàng Thắng
Anh Vũ: Thưa ông, ông có cho rằng một lúc nào đó chính sách quốc phòng “ba không” của VN sẽ buộc phải thay đổi?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Đa dạng hóa hay đa phương hóa hay hội nhập toàn diện thì chính cái ấy để hướng về một thế quân bình, nhưng cái quân bình bao giờ cũng chỉ là tạm thời và trong quá trình duy trì chính sách ba không, thì một khi môi trường an ninh thay đổi thì tôi nghĩ mọi việc và mọi sự nó có thể khác. Ở đây vấn đề không phải là theo ai để chống ai, vì cái này VN đã có một bài học đắt giá trong chiến tranh lạnh rồi. Mà vấn đề đặt ra ở đây là, VN có thể và cần phải làm gì?
Phải tập hợp lực lượng, lấy lợi ích quốc gia làm hệ quy chiếu, lấy lợi ích tối cao của đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền khi chính những quyền lợi tối cao của đất nước bị xâm phạm. Đấy là bình luận của tôi về cái khả năng thay đổi của chính sách “ba không”.
Anh Vũ: Trong bối cảnh tình hình khu vực hết sức phức tạp, theo ông VN cần có một sách lược thế nào cho phù hợp?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Một trong những vấn đề nhận thức quan trọng, là phải phân biệt thế nào là sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế đối với các căng thẳng trên Biển Đông hiện nay và thế nào là những nguy hiểm thực sự đối với VN do việc TQ bồi đắp và đảo hoá các bãi đá. Bởi vì các căng thẳng trên Biển Đông, nói như Tổng trưởng Quốc phòng Nhật bản vừa rồi nói tại Đối thoại Shangri-La là, TQ đang liều lĩnh đưa cả khu vực trên bờ vực hỗn loạn.
Riêng về phía VN, thì các ĐBQH đang họp ở Hà nội cũng rất quan ngại, có đại biểu đã bày tỏ quan ngại khi cho rằng nếu TQ lặp lại kịch bản như việc đánh chiếm Gạc ma vào năm 1988. Vì vậy, cần lượng định cái tầm vóc nghiêm trọng của các hoạt động đơn phương do TQ gây ra trong vùng quần đảo HS-TS của VN thì mới phân biệt được cái sách lược và chiến lược. Đương nhiên là bây giờ nó đã khác với trước đây 2-3 năm, chúng ta ở trong nước đã gọi sự vật đúng tên của nó, không buộc phải gọi ám chỉ tàu lạ, nước lạ… xâm phạm vùng biển của VN nữa. Nhưng đừng chú ý quá về sách lược, mà nhiều khi vấn đề Biển Đông lại như vấn đề ở Ucraina hay vấn đề ở tận Trung Đông chẳng hạn. Cho nên kết luận của tôi khi trả lời câu hỏi này là, mọi sách lược chỉ là nhất thời, nhưng nguy cơ của TQ đối với độc lập chủ quyền và lãnh thổ của VN cái nguy cơ đó là nguy cơ vĩnh viễn.
Anh Vũ: Xin cảm ơn TS. Đinh Hoàng Thắng đã dành cho RFA cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào: