Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Tập san Sử Địa và những lời tố cáo, bôi nhọ -. Nguyễn Văn Lục


Nhân  dịp giới thiệu cuốn sách: Mặt trận đại học của tác giả Bạch Diện Thư Sinh, chúng tôi thấy cần thiết đưa ra một tài liệu mà chúng tôi đã viết từ lâu chưa tiện đưa ra
Nhưng nay thiết nghĩ nên bạch hóa một vài sự kiện mà chính các sinh viên văn khoa giai đoạn 1969 cũng không mấy người có cơ hội được biết rõ. 
Bài viết này gửi đến các anh em sinh viên Văn Khoa cuối thập niên 1960 ít hay nhiều đã cảm thấy bực bội khi thấy đại học đã bị cộng sản xâm nhập và quấy phá. Đặc biệt là những người hoạt động tình báo trong A17 năm 1971 như một lời trân trọng và quý mến công tác của các anh cho đến 1975.
 
Tôi xin ghi lại là từ năm 1969, tập san Sử Địa bắt đầu mở chiến dịch chống phá Đại Học Văn Khoa Sài Gòn nói chung- và đặc biệt nhắm vào Nguyễn Văn Trung như mục tiêu chính của họ.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không đủ điều kiện tài liệu để cho thấy mục đích của họ cũng như ai là người thực sự đứng đằng sau cuộc đánh phá này. Có phải Nguyễn Nhã không? Chủ bút Tập San Sử Địa sau này không? 
Đó là câu hỏi tôi đặt ra ở đây, đặt ra cho Nguyễn Nhã hiện nay còn sống ở Việt Nam- một thứ chuyên viên về Trường Sa-Hoàng Sa của Hà Nội?
Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, sau này, trong phần giới thiệu Tập San Sử Địa đã được mã số, Nguyễn Nhã đã công khai bầy tỏ, ông và Tập San Sử Địa gián tiếp là ‘công cụ’ của cộng sản trước 1975. Sự bẩy tỏ ấy như một kể công và cũng nhờ đó giúp chúng tôi- những người miền Nam- hiểu được họ là ai? Họ đã làm gì? 
Nay về lúc cuối đời, nhiều người trong bọn họ chỉ muốn được cuộc đời để yên chọ họ- để họ có thể hạ cánh an toàn- chuẩn bị về bên kia thế giới! 
Nội san Sử Địa bắt đầu cho đăng các bài trực tiếp đả kích Nguyễn Văn Trung, lúc ấy đang nắm khoa trưởng Văn Khoa và có dự án cải tổ trường Văn Khoa. Đó là các bài: “Thực chất và huyền thoại của nhóm trí thức cấp tiến”, trong Nội san Sử Địa số 4. Một bài khác nhan đề: “Sách lược Nguyễn Văn Trung”, đăng trong Nội San Sử Địa Sài Gòn.
Trong đó có việc bới móc một cách sai lạc đời tư của Nguyễn Văn Trung và vì lý do đó bị linh mục viện trưởng Đại Học Huế sa thải khỏi Đại Học Huế.
Nhưng cũng may nhờ có vụ sinh viên tập san Sử Địa tố cáo này mà lần đầu tiên linh mục Cao Văn Luận đã bắt buộc không giữ im lặng nữa và lên tiếng đính chính trường hợp của Nguyễn Văn Trung.
Trước tình trạng bôi nhọ và đả phá cá nhân này, nhiều người đã lên tiếng. Vấn đề là ông bị đổi vào Sài Gòn vì một lý do chính trị, tôn giáo. Chuyện vu khống không có cơ sở nay trở thành một đề tài không đáng nói đến nữa.
Và đây là lần đầu tiên linh mục Cao Văn Luận lên tiếng về vấn đề này. Một lên tiếng quá trễ mà đáng nhẽ cần ra thông cáo ngay từ 1962.
Thư của linh mục Cao Văn Luận đề ngày 15 tháng 11 năm 1969:
Sài Gòn ngày 15 tháng 11 năm 1969
Trong bài “Thực chất và Huyền thoại của trí thức Cấp tiến” đăng trong tập san Sử Địa số 4, bới móc cuộc đời của giáo sư Nguyễn Văn Trung, tôi đọc đoạn ‘Ông Nguyễn Văn Trung bị linh mục Cao Văn Luận sa thải khỏi Đại Học Huế (tr 22). Tôi thấy có bổn phận phải lên tiếng vì danh dự của ông Nguyễn Văn Trung.
Nếu dùng một danh từ nặng nề, quả thực gs Nguyễn Văn Trung bị đuổi khỏi Đại Học Huế, nhưng câu chuyện như sau:
Hồi tháng 4-1961, tôi nhận được công điện của ông Trần Hữu Thế –bộ trưởng Giáo Dục– đổi ông Trung về Sài Gòn tức khắc. Tôi thấy phi lý nên không trả lời. Ông Thế lại đánh một công điện nữa. Tôi có họp các giáo sư lại và mọi người đã đồng ý ký vào một kiến nghị phản đối quyết định trên.
Sau khi gặp ông Thế, tôi được ông cho biết không phải vì ông thù ghét gì ông Trung, nhưng vì đó là lệnh của Đức Cha Ngô Đình Thục, lúc đó sắp ra nhận chức Tổng Giám Mục và ngài có nói với ông: ‘Tôi không muốn thấy mặt Nguyễn Văn Trung khi tôi ra Huế.’
Về sau tôi có gặp Đức Cha Thục và được biết người ta cho ngài hay, ông Trung dạy triết ‘rối đạo’. Tôi có nói để Đức Cha yên lòng trước những tin đồn vu vơ và đề nghị với Đức Cha hỏi thẳng những linh mục học ông Trung, nhất là cha J. Lê Chúng, thuộc dòng Thiên An.
Tôi còn nhớ ngày Đức Cha Thục ra Huế cũng là ngày ra đi của ông Trung. Ông Trung là một trong những người đầu tiên đáp lời mời của tôi ra cộng tác xây dựng Đại Học Huế. Tôi không cần nói gì về con người của ông, vì những việc ông làm cho đại học cũng như cho văn hóa minh chứng cho con người của ông.
Sau Nguyễn Văn Trung đến lượt chính linh mục viện trưởng Cao Văn Luận cũng bị áp lực của Tổng Giám Mục phải rời bỏ chức vụ viện trưởng, chỉ vì lý do linh mục Cao Văn Luận không đứng hẳn về phía chính quyền trong việc sinh viên Phật tử xuống đường chống đối chính phủ. Các sinh viên ở Huế chắc hẳn còn nhớ, sau 1963, Cha Luận lại trở về Huế giữ chức viện trưởng và một lần nữa mời Nguyễn Văn Trung ra Huế dạy học trở lại. Cho đến khi chính sinh viên Huế biểu tình yêu cầu cha Luận từ chức viện trưởng. Nguyễn Văn Trung cũng chính thức quay trở lại Văn Khoa Sài Gòn và không bao giờ quay trở lại Huế nữa.
Sau đây chỉ xin liệt kê các phản ứng của giới trí thức Sài Gòn như thư của
• Viện trưởng viện Đại Học Sài Gòn, gửi khoa trưởng trường Đại Học Văn Khoa ngày 11-11-69, bác sĩ Trần Quang Đệ.
• Tuyên cáo của những nhóm sinh hoạt đại học Văn Khoa, ngày 15-11-69. Thay mặt nhóm ký tên.
• Nhóm Nghiên Cứu Triết Học: Hạ Đình Nguyên (Hạ Đình Nguyên là cán bộ cộng sản nội tuyến, nằm vùng).
• Nhóm Nghiên Cứu Nhân Văn: Nguyễn Thị Yến.
• Nhóm Nghiên Cứu Việt Hán: Vương Văn Nam.
• Nhóm Ủy Ban Sinh Viên Vận Động Cải Tổ Văn Khoa: Võ Ba.
• Nhóm Đối Diện: Trần Việt Hải.
Tổng Hội Sinh Viên lên tiếng
Ngày 22-11-1969 là phản ứng của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn:
Về thái độ chỉ trích của một nhóm sinh viên chủ trương nội san Sử Địa tại Đại Học Văn Khoa Saigon.
Tổng Hội nhận định rằng:
– Cải tổ giáo dục là nhu cầu cấp bách.
– Cải tổ giáo dục không phải là chiêu bài để các phe nhóm, lợi dụng, bôi nhọ mạ lỵ cá nhân.
– Thái độ của một số sinh viên chủ trương nội san Sử Địa thiếu tính xây dựng và tạo ra những hiểu lầm.
– Ủng hộ mọi cải tổ đại học.
– Bày tỏ sự công phẫn về thái độ bất nhã và vô trách nhiệm của nhóm Sử Địa.
Tuyên ngôn của Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam.
• Trước hành động phá hoại tinh thần trường Đại Học Văn Khoa do một thiểu số sinh viên bất mãn chủ trương.
• Chúng tôi phân đoàn Văn Khoa thuộc Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam bất bình và mạnh dạn lên tiếng:
• Những luận điệu mạ lỵ xấc xược, chửi bới viết trong một tờ đặc san là do những sinh viên hỗn láo, làm mất thanh danh cả một tập thể sinh viên Văn Khoa vốn lấy lễ độ làm đầu.
• Chúng tôi lên tiếng kêu mời các nhóm hoạt động tại trường hãy lên tiếng bảo vệ danh dự, truyền thống sinh viên Văn Khoa.
• Yêu cầu Hội Đồng Khoa áp dụng biện pháp cương quyết đối với các sinh viên vô kỷ luật.
Sài Gòn ngày 16 tháng 11 năm 1969.
Phân đoàn trưởng
Phạm Minh Tâm (ấn ký).
Đơn từ chức của giáo sư Trần Bích Lan
Quan trọng hơn cả là đơn xin từ chức giảng dạy của Trần Bích Lan (Nguyên Sa), đề ngày 2-12-1969 mà đoạn chót viết như sau:
Tôi tin tưởng những Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trung bạn thiết chớ không phải Nguyễn Văn Trung khoa trưởng, cũng như những Nguyễn Khắc Hoạch, Nghiêm Toản, Thanh Lãng, Lý Chánh Trung, Lê Thành Trị sẽ chẳng bị khuất phục bởi những bạo động hèn kém mà đồng nghiệp tôi là nạn nhân… Tôi sẽ tiếp tục chống trả, tiếp tục cất tiếng…
Nguyên Sa
Nguyên Sa thể hiện đúng nghĩa hai chữ Tình Bạn.
Bênh vực bạn bằng mọi giá, khi cần. Ngay cả từ chức. Khi linh mục Nguyễn Quang Lãm dùng Duyên Anh đánh phá Nguyễn Văn Trung thì Nguyên Sa vào cuộc. Ông nói nửa đùa nửa thật: Để tôi trị tên này mới được. Trị đến nơi đến chốn, đụng thẳng Nguyễn Quang Lãm thì Nguyễn Quang Lãm phải rút lui. Cho đến khi Duyên Anh tuyên bố “rút lui”, sau này có xin lỗi Nguyễn Văn Trung. Mọi chuyện sau vui vẻ cả. Sau này, một lần nữa, Nguyên Sa viết bài đả kích Phạm Công Thiện mà ông gọi là bọn Sa Đích trong Văn Nghệ. Phải nói Nguyên Sa là ông thần hộ mệnh của Nguyễn Văn Trung.

Ngày nay nhìn lại, chỉ có một điều đáng tiếc là không ai nhận ra đằng sau Nguyễn Nhã là bọn cộng sản xâm nhập quậy phá miền Nam.

Chu Tử trong tạp chí Đời, số 11, ngày 27-11-69 cho rằng: “Cuộc khủng hoảng ở Đại Học Văn Khoa đang chuyển từ giai đoạn trò mạt sát thầy sang giai đoạn trò mời thầy xơi kẹo đồng. Người hùng Nguyễn Văn Trung, khoa trưởng Văn Khoa đang là cái “bia” của mọi khen chê, chỉ trích bênh vực.”
Điều này cho thấy có bàn tay cộng sản thò vào như trước đây không lâu đã xảy tại Đại Học Y Khoa.
Bạo động dùng lời nói đã đành còn tính cho ăn kẹo đồng thì chỉ có cộng sản mới làm được những điều ấy như chúng đã làm.
Phần sinh viên Sài Gòn –dù ở bất cứ phân khoa nào– đều xử sự trong tôn ty trật tự, lễ giáo.
Để tóm tắt vụ sinh viên Sử Địa chửi bới giáo sư Văn Khoa, tôi xin trích dẫn bài bình luận của Sức Mấy, một nhà giáo-nhà báo lão thành nay thỉnh thoảng vẫn còn có bài trên Da Mầu như một sự trân trọng ông.
Sổ Tay. Sức Mấy
Đẹp
Theo nguồn tin Sức Mấy được biết, tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn đã vừa có vụ đồng loạt từ chức của 7 vị khoa trưởng và trưởng ban:
• Giáo sư Nguyễn Văn Trung từ chức khoa trưởng.
• Giáo sư Lê Trung Nhiên, phó khoa trưởng.
• Giáo sư Lâm Thanh Liêm. Không ghi rõ chức vụ.
• Giáo sư Bùi Xuân Bào, trưởng ban Pháp Văn.
• Giáo sư Thanh Lãng, trưởng ban Việt Văn.
• Giáo sư Nguyễn Thế Anh, trưởng ban Sử Địa.
• Giáo sư Nguyễn Duy Cần, trưởng ban Triết Đông.
Như vậy là gần như toàn thể (7 trên 9) vào chức vụ trong Hội Đồng Khoa đã nhất loạt từ chức.
Nguyên nhân của sự từ chức tập thể xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, là những lời đả kích của một tờ báo do chính các sinh viên đại học Văn Khoa Sài Gòn chủ trương.
Phản ứng đầu tiên của Sức Mấy đối với tin trên là hoan nghênh sự từ chức tập thể như vậy.
Nó đẹp lắm.
Cái đẹp đầu tiên, là cái đẹp hiếm có. Ở đất nước này, kiếm được một người biết từ chức, hiếm lắm, nhất là trong lãnh vực chính trị. Chỉ có những người không tham quyền cố vị, mới xứng đáng cầm quyền. Muốn tỏ ra là người không tham quyền cố vị, trước hết phải biết từ chức cái đã.
Cái đẹp thứ nhì là cái đẹp liêm sỉ. Những người biết từ chức là người có liêm sỉ.
Cái đẹp thứ ba là cái đẹp đoàn kết. Giới trí thức thường khó đoàn kết với nhau lắm. Đoàn kết để chia phần là chuyện thường, đoàn kết khi từ chức, hiếm lắm.
Cái đẹp thứ tư, là cái đẹp tự do. Các giáo sư Văn Khoa có thể dùng biện pháp kỷ luật với những sinh viên viết báo chửi mình. Nhưng thay vì làm như vậy, đã cứ để cho sinh viên chửi, và người bị chửi chọn việc từ chức.
Đối Diện
Sức Mấy đã mất cả một buổi tối, để đọc tất cả những từ chửi bới của các sinh viên Sử Địa Văn Khoa dành cho các giáo sư của họ, và đọc tất cả những cái sinh viên căn cứ vào đó mà chửi.
Người bị chửi nặng hơn cả là giáo sư khoa trưởng Nguyễn Văn Trung.
Gần đây, báo chí nhắc nhở tới nhiều hoạt động của ông Trung trong chuyến đi Pháp vừa qua. Sức Mấy không đồng ý với ông Trung, vị giáo sư “tiến bộ” tiếng tăm nổi như cồn, nên những gì báo chí nói là đúng sự thật. Sức Mấy cũng đồng ý với những lời chỉ trích ông Nguyễn Văn Trung trên mặt báo, nếu quả thật ông Trung có làm những điều đáng chỉ trích.
Nhưng trong phạm vi một trường học, giữa giáo sư và sinh viên, có phải rằng tất cả mọi việc đều nên viết trên báo để chửi bới lẫn nhau?
Sinh viên Văn Khoa đã chửi giáo sư Văn Khoa rằng: “Châm ngôn của họ là sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Họ rút đầu vào mu rùa, mù mắt vì cái lá đa, và có những ê-kíp đàn anh quý hóa biết bày trò tằng tịu với nữ sinh viên.”
Thời buổi này, không có một ông khoa trưởng, một trưởng ban hay một ông giáo sư nào theo quy chế lương bổng Việt Nam được lãnh tới hai chục ngàn đồng một tháng. Cái ‘tiền thầy bỏ túi’ hàng tháng, chỉ bằng nửa tháng lương một người thợ nề, đâu có đáng để cho sinh viên phải đả kích giáo sư nặng nề như thế?
Trong khi các sinh viên đang đi học để đi thi, và đã đi thi ai chẳng mong đậu thì các sinh viên Văn Khoa đã viết về các giáo sư Văn Khoa: “Quý vị thông minh lắm chứ, vì nếu không tiền tài thì làm sao đỗ tiến sĩ Quốc Gia, thạc sĩ của cái lò Sorbonne, Louvain! Đó là giai tầng trí thức có cái thông minh của loài két, nhớ dai và nhớ lâu.”
Nếu sự thi đậu những bằng cấp cao đáng nhục mạ như vậy, hà tất sinh viên còn theo học đại học làm chi?
Người Nhật có một nguyên tắc viết báo đáng chú ý: Trong khi viết về người khác, không cần luật lệ gì cả. Hãy viết tất cả những gì mình nghĩ rằng khi mình gặp mặt người ấy, mình vẫn có thể nói thẳng những điều mình viết. Còn những điều gì mình nghĩ rằng không thể nói trực tiếp với người ta thì đừng viết.
Sức Mấy nghĩ rằng khi diện đối diện với các giáo sư Văn Khoa, có lẽ sinh viên Văn Khoa sẽ không nói những câu đã chửi bới đã trích dẫn ở trên. Và nếu các sinh viên đã viết nghĩ rằng mình có thể chửi thẳng vào mặt giáo sư những câu như đã viết, thì tại sao không gặp thẳng mà chửi, vì sự gặp gỡ giữa sinh viên với giáo sư là điều quá dễ.
Sức Mấy chuyên viết nham nhở chửi bới. Đọc những câu chửi bới của sinh viên Văn Khoa thì thích lắm. Nhưng trong phạm vi một trường học, giữa sinh viên và giáo sư. Việc ấy có nên không?
Đây là vấn đề đặt ra với các bạn sinh viên, còn với quý vị giáo sư Văn Khoa, thì người xưa đã có nói “giáo bất nghiêm, sư chi đọa”. Quý vị từ chức là phải. Và Sức Mấy đã chỉ viết những dòng này khi biết quý vị đã thực sự từ chức.
(Chủ Nhựt 16-11-1969)
Để viết lại chuyện này, người viết bắt buộc phải bạch hóa chuyện này hầu như ngoài ý muốn.
Người cầm bút thường dễ bị ngộ nhận nhiều thứ. Nhất là trường hợp Nguyễn Văn Trung khá nổi tiếng với tư cách người cầm bút.
Có những dư luận cho Nguyễn Văn Trung là thân cộng sản hay theo cộng sản. Dư luận này nay cần xét lại. Trường hợp Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung là một sự so sánh rõ nhất để phân biệt giữa hai loại trí thức thiên tả. Mức độ dân thân, tham gia tích cực xác định họ là ai? Đó là bổn phận mỗi người khi chúng ta lên tiếng phê phán!!
Thứ hai có những dư luận cho rằng Nguyễn Văn Trung chống công giáo. Điều này cần phân biệt tư cách của một người trí thức cầm bút phê phán và chống là hai điều không cùng một mẫu số chung. Người bị phê phán, người có quan điểm đối lập thì gán cho cái nhãn hiệu rối đạo là xong.
Vì thế, những bài viết của Nguyễn Văn Trung  tự nó có vấn đề, có tính biện chứng và rất dễ trở thành có sự lợi dụng từ nhiều phía. Bọn Giao Điểm cũng có thể trích dẫn một câu, một nhận xét của Nguyễn Văn Trung để kéo về phía họ. Phía người cộng sản, phía các sinh viên theo cộng sản cũng làm tương tự.
Nguyễn Văn Trung là mẫu người tiêu biểu của Người trước dư luận.
Câu chuyện bắt đầu như thế này. Nguyễn Văn Trung khi về Việt Nam thì bắt đầu đi dạy Chu Văn An cùng với linh mục Trần Văn Hiến Minh. Một người tốt nghiệp ở Bỉ, còn một người tốt nghiệp ở Rô-ma. Hẳn là họ quen biết nhau. Ngoài đời là đồng nghiệp, nhưng trong đạo giáo là cha-con. Chính những mối tương quan trên sinh ra những cớ sự chẳng tốt đẹp gì, vì đã có sự lạm dụng thẩm quyền tôn giáo không đúng chỗ.
Nguyên do, ông Nguyễn Văn Trung có cho xuất bản cuốn sách đầu tiên của ông: Cuốn Triết Học Tổng Quát năm 1957, một cuốn sách mỏng vỏn vẹn có 140 trang. Cuốn này tóm lược lịch sử triết học Tây Phương. Nó như một thứ nhập môn triết học và được giới trẻ tìm đọc. Có thể có một vài tư tưởng mới của các triết gia Tây đã được giới thiệu trong sách.
Linh mục Trần Văn Hiến Minh vốn học triết và thần học ở Rome có thể vì nặng tính chính thống, giáo điều khắt khe nên ông dị ứng với cuốn sách. Ông nhảy vào cuộc với một bài gọi là “Kiểm Thư”, đăng trong báo Ra Khơi, số 33, ngày 15-4-1957, dài 6 trang.
Tôi chỉ xin đưa ra phần kết luận như sau của linh mục Trần Văn Hiến Minh:
“Theo thiển ý chúng tôi –chúng tôi không dám đi trước ý định của giáo quyền– các sinh viên trẻ không nên đọc sách này, vì hàm hồ mông lung và có vẻ thiên về chủ quan thuyết quá, tổn thương đến tính cách xác thực, khách quan và hợp lý của đạo công giáo.”

Chỉ mấy dòng nêu trên cho thấy có sự đe dọa xa xôi. Một ám chỉ đây là một cuốn sách thuộc loại dị giáo mà một lúc nào đó, thẩm quyền giáo hội cần ra lệnh cấm đọc vì có hại cho giới thanh niên. Sự lo ngại quá đáng đó có thể chỉ là cái cớ trong đó có sự ghen ghét tỵ hiềm gì chăng? Sự lo ngại quá đáng đó phải chăng chỉ là cái cớ trong đó có sự ghen ghét tỵ hiềm gì nhưng vô tình nó đã trở thành bản án không có tuyên án cho Nguyễn Văn Trung để ông bị mang nhãn hiệu là một kẻ rối đạo hay phá đạo trong khi ngoài ý kiến này ra thì chưa hề thấy một ai đặt vấn đề rối đạo một cách nghiêm chỉnh trong các cuốn sách đó
Thậm chí ngay cả những người nói như thế cũng có thể chẳng hề đọc cuốn sách ấy. Chỉ cần một vài lời bày tỏ trong giới quan hệ với linh mục Trần Văn Hiến Minh là đủ gây tác hại đến tác giả rồi. Số lượng tác phẩm của Nguyễn Văn Trung sau này khoảng 30 đầu sách và hàng trăm bài biên khảo trên ba tờ báo Đất Nước, Hành Trình và Trình Bày mà ông là chủ bút.
Sau đó Nguyễn Văn Trung giành quyền trả lời trong tư thế nhũn nhặn cha-con.
Xin trích dẫn thư:
“Thưa cha,
Con không khỏi buồn khi đọc bài phê bình cuốn sách của con trong Ra Khơi vì không nhìn nhận thấy mình trong những lời phê bình đó. Giá cha đọc con với một tâm hồn cởi mở, thiện cảm hơn, có lẽ cha đã không gán cho con những điều con không muốn nói. Nhưng dù sao cũng xin cám ơn cha, và nhờ đó con được dịp đính chính lại một vài kiểu nói cho rõ rệt, minh xác.”
Đính chính cũng vô ích. Sau đó linh mục Trần Văn Hiến Minh đưa ra một bản cáo trạng bằng bài viết mang tiêu đề “Mấy nhận xét” của cha Trần Văn Hiến Minh mà tôi thấy không cần trích dẫn ra đây nữa…
Cuộc trao đổi nếu được gọi là trao đổi chấm dứt ở đây!
Chấm dứt cuộc trao đổi coi như xong. Nhưng nó không chấm dứt một bản án kết tội cứ thế mà đeo đuổi cá nhân tác giả mãi.
Khởi đầu là việc Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục ra nhậm chức ở Huế và yêu cầu Bộ Trưởng Giáo Dục Trần Hữu Thế trục xuất Nguyễn Văn Trung ra khỏi Đại Học Huế vì nghe đồn là một kẻ rối đạo. Sau vụ Tổng Giám Mục đuổi Nguyễn Văn Trung ra khỏi Đại Học Huế năm 1962 đúng ngày Tổng Giám Mục Thục ra Huế thì Nguyễn Văn Trung về Sài Gòn. Việc Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục không muốn sự có mặt của Nguyễn Văn Trung ở Đại Học Huế, viện lý do đó là một kẻ rối đạo và sau đó áp đặt Viện Trưởng Cao Văn Luận và Bộ Trưởng Trần Hữu Thế phải thuyên chuyển ông Nguyễn Văn Trung về Sài Gòn là vi phạm quyền tự trị đại học.
Sự lạm quyền này đã đi quá xa đến chỗ bắt vị tổng trưởng giáo dục phải chuyển Nguyễn Văn Trung vào Sài Gòn. Như thế thì vị tổng giám mục có còn coi ai ra gì nữa?
Sau đó, ông Nguyễn Văn Trung phải rời bỏ Đại Học Huế một cách thầm lặng. Chính vì rời bỏ Huế một cách thầm lặng nên mới xảy ra những dư luận, những tiếng đồn, tại sao đang dạy học lại phải bỏ Huế về Sài Gòn. Từ đó tạo thêm ra những dị nghị, lời đồn thổi về chuyện rời bỏ Huế này và đi đến kêt luận lăng nhăng tình ái.
Trong khi đó quyết định rời bỏ Huế chỉ có 4 người biết.
Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, Bộ Trưởng Trần Hữu Thế, cha Viện Trưởng Cao Văn Luận và nạn nhân Nguyễn Văn Trung.
Cả bốn người –nhất là Nguyễn Văn Trung– không dám hé răng.
Và họa vô đơn chí, 5 năm sau một lần nữa, dù Tổng Giám Mục Thục không còn ở trong nước nữa, nhưng vào năm 1967, tại đại học công giáo Đà Lạt, Nguyễn Văn Trung một lần nữa bị gạt ra khỏi Đại Học Đà Lạt.
Xin trích dẫn hai lá thư. Một của Nguyễn Văn Trung gửi viện trưởng viện Đại Học Đà Lạt và một của ba giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị, Lý Chánh Trung xin từ nhiệm.
Lá thư của Nguyễn Văn Trung xin từ nhiệm:
Saigon ngày 14-9-1967
Kính gửi linh mục Viện trưởng viện Đại Học Đà Lạt.
Chúng tôi được linh mục Lê Tôn Nghiêm cho biết và lần này là lần thứ ba, linh mục ngỏ ý không muốn cho chúng tôi tiếp tục cộng tác với Viện trong trong việc giảng dạy, vì những lý do như giảng dạy ‘rối đạo’.
Linh mục cũng thừa hiểu việc tôi lên Đà Lạt là do lời mời của Viện, chứ không phải do tôi yêu cầu, và việc tôi chấp nhận nhận lời mời cộng tác của Viện là vì muốn phục vụ một công cuộc chung mà chúng tôi cảm thấy có phần trách nhiệm..
Chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên về lề lối cư xử của linh mục viện trưởng trong việc mời và không mời giáo sư, nhất là giáo sư và linh mục Công Giáo.
Chúng tôi ghi nhận quyết định trên và trân trọng kính chào từ biệt linh mục viện trưởng.
Nguyễn Văn Trung
Thư của ba vị giáo sư xin từ nhiệm
Chúng tôi được tin chắc chắn cho hay rằng linh mục Viện Trưởng không còn tín nhiệm vào sự cộng tác của giáo sư Nguyễn Văn Trung nữa.
Chúng tôi nhận thấy:
1 – Những lý do Viện đưa ra không xác đáng và trái với tinh thần đại học, đặc biệt đại học Công Giáo.
2 – Thái độ cư xử của Viện đối với các giáo sư Công Giáo (linh mục cũng như giáo dân) đã được dư luận cho là thiếu tốt đẹp nhất là trong việc mời hay không mời cộng tác.
Vì những lý do trên, chúng tôi buộc lòng phải quyết định ngưng việc cộng tác với quý Viện cho đến khi có những điều kiện thuận tiện.
Chúng tôi trân trọng kính chào linh mục Viện trưởng.
Lê Tôn Nghiêm
Lê Thành Trị
Lý Chánh Trung
Người viết xin được kết thúc bài viết ở đây. Điều mà người viết cảm thấy buồn bực nhất là người miền Nam nói chung quá thật thà.
Chúng ta đã để cho cộng sản quấy phá mà những người viết được coi là chống Cộng số một thời đó như nhà báo Chu Tử cũng không nhận ra bàn tay dơ bẩn của cộng sản nhúng vào.
Thật đáng tiếc.

Không có nhận xét nào: