Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Chết vì ngọn cờ - Cái bia trước trường Quốc Học - Hoàng Long Hải

Inline image
Ghi chú: Trường Khải Định được xây mới, tường gạch, trần đúc xi-măng, vào đời Vua Khải Định.

Trường Quốc Học có hai cái bia.
            Nói cho đúng là một tấm “bình phong” và một cái bia.
            Cái “bình phong” được xây sát vào vách hàng rào của trường, cách cổng chính, phía phải, ngoài nhìn vào, khoảng một trăm mét. Không để ý, người ta không thấy đâu! Bình phong cao bằng hàng rào, giữa là hình nổi, con nghê hay sư tử, cọp gì đó, tôi không nhớ rõ.
            Bình phong nầy kỷ niệm cái gì? Tui cũng mù tịt luôn. Nhưng nó phải là có ý nghĩa lắm, có dính dáng gì tới Cụ Ngô Đình Khả là thân phụ Cố Tổng Thống Diệm đó chăng? Có thể là tấm bình phong được xây vào năm trường Khải Định được xây lại, bằng gạch đá, thay cho những cái lán tranh cũ…
            Trường Quốc Học thành lập được là do sáng kiến của Vua Thành Thái. Bấy giờ, với chủ trương “duy tân”, Vua Thành Thái muốn các quan Nam Triều và sĩ tử phải biết chữ Quốc Ngữ và tiếng Tây, để khỏi bị các “thầy thông ngôn lộng hành” như trường hợp ông Diệp Văn Cương (1), nên Vua sai Cụ Ngô Đình Khả, liên lạc với Tây, xin mở ra ngôi trường nầy. Hồi ấy trường còn là ba ngôi nhà tranh, trại lính thủy cũ của Nam Triều, đến năm 1925, Trường được xây lại bằng gạch, trần đúc xi-măng.
 
Theo dư luận thì đời Khải Định, nhà vua cho xây nhiều công trình mới, cũng có người nói chính nhà vua “can thiệp”, nói theo cách thông thường là “xin” với Tây, nên trường được xây mới. Tây lấy công quĩ ra xây; vua làm gì có tiền mà xây. Thuế má Tây nắm hết; xong, trở lại “chu cấp” cho Nam Triều, tiền chưa đủ xài, vua còn mắc nợ.
Đó là lý do tại sao tên vua được dùng đặt cho ngôi trường nầy: Trường Khải Định hay Lycée Khải Định thay vì Quốc Học, như tên cũ. Bọn Tây cũng “điệu đời”, lấy tên vua đặt tên cho Trường, an ủi ông vua bù nhìn đó chăng?!
 
 Ngày 26 tháng 12 năm 1957, khoảng 10 giờ sáng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đi xe hơi tới. Tổng Thống xuống xe, đi rất nhanh tới tấm bình phong, làm lễ ở đó. Vì đứng xa, tôi không thấy rõ. Người đi kè kè sát Tổng Thống để “hướng dẫn”, là ông Nguyễn Văn Hai, Hiệu Trưởng của Trường lúc ấy.
            Lễ xong, Tổng Thống quay trở lại cổng chính. Đại Tá Lê Văn Kim, (cấp bậc lúc ấy), là tùy viên (hay cận vệ Tổng Thống?), phải đi nhanh mới kịp. Tổng Thống Ngô Đình Diệm bước lên cái bục trước cổng chính, để nghe diễn văn chào mừng Tổng Thống của ông Hiệu Trưởng và cụ Ưng Trình, “hình như” là đại diện cho thân hào nhân sĩ, đón mừng Tổng Thống.
 
            Về buổi lễ nầy, có dịp sẽ kể sau…
 
 Thứ hai là cái bia Trường Quốc Học nằm phía gần bờ sông, bên kia sân bóng tròn của trường, gần với một cái villa Tây, hồi xưa là nhà tên “xếp” mật thám Tây. Thời “cậu Cẩn” là nhà Phan Quang Đông.
 
Bia trường Quốc Học khá lớn, dài khoảng 10 mét, cao gấp đôi đầu người, dày bằng một sải tay. Hai đầu xây hoa văn hình chữ “thọ”, giữa là một khoảng trống, ghi tên những “người An-Nam” đi lính Tây, đánh nhau với nước Đức và “hy sinh cho nước Đại Pháp” trong trân Thế Giới Chiến Tranh Thứ Nhất. Những người nầy quê ở “L’Empire D’ Anam”, tức là từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, không có tên những người đã hy sinh như thế thuộc “Nam Kỳ thuộc địa” hay Bắc Kỳ, không thuộc lãnh thổ “Vua An-Nam”.
 
            Năm tôi học lớp Đệ Nhất, 1957-58, một hôm tôi đi học trễ, cổng sau, dành cho học sinh, đã đóng. Tôi đi vòng ra cổng trước, hy vọng vô lớp được chăng. Không ngờ cửa trước cũng đóng luôn, và một chị bạn cùng lớp, chị H.K., cũng đi học trễ - nhà chị ở dốc Bến Ngự- đứng lớ ngớ ở đó.
            Thế rồi chúng tôi rủ nhau ra ngồi chơi ở tấm bia Trường Quốc Học, chờ hết một giờ, cổng trường sẽ mở lại.
 
            Tò mò chúng tôi đọc tên những người được ghi tên ở trên bia. Các tên cũ bị một lớp vôi che mờ đi, nhưng còn đọc được, và người ta viết chồng lên lớp vôi cũ tên những người Huế mới hy sinh trong “Nam Bộ Kháng Chiến”.
            Tên cũ thì khắc sâu vào hồ; tên mới thì viết chồng lên lớp vôi mới quét. Thời gian, mưa nắng làm phai mờ đi nhiều, cả tên cũ, lẫn tên mới.
            Tôi không thắc mắc gì về những tên cũ. Họ là người Việt Nam, đi lính Tây và “hy sinh cho nước Đại Pháp”. Nếu họ tình nguyện đi lính Tây, thì cũng không vẻ vang gì cho người Việt Nam cả. Còn như nếu họ bị bắt đi lính Tây, thì thật đáng tội nghiệp, như trong câu hò của người Nam Bộ, nói về người bị bắt đi lính Tây hồi đó, ở trong Nam:
 
                        Tầu xúp lê một, còn thương, còn nhớ.
                        Tầu xúp lê hai, còn đợi còn chờ.
                        Tầu xúp lê ba, tầu ra biển Bắc.
                        Tay vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng.
                        Đôi ta mới ngộ mà ông Trời không thương.
 
            Thật là đớn đau cho người dân của một nước nô lệ.
 
            Bây giờ bia ấy có viết tên ai không?
            Không về VN, nên tôi không biết!
            Nếu có, chắc là tên những người hy sinh cho “bác” và “đảng”, như ở Saigon có tên đường Lê Thị Riêng, Huỳnh Văn Đậu, Nguyễn Văn Bảnh, Nguyễn Trọng Tuyển, Bảy Lốp,… vậy thôi.
 
            Năm 1945, sau khi dân tộc Việt Nam giành độc lập, Thực Dân Pháp trở lại xâm lăng Nam Bộ. Dân chúng toàn quốc đứng lên phản kháng. Dân Nam Bộ đang chống trả, đánh nhau với Pháp ở Saigon. Công cuộc nầy được gọi là “Nam Bộ Kháng Chiến”.
Dân chúng Huế hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến nầy: Học sinh Tú Tài bỏ thi, thanh niên bỏ việc, ghi tên đi về phía Nam, y như bài hát nổi tiếng được mọi người ngưỡng mộ hồi ấy: “Lệnh Vua, hành quân, trống kêu dồn. Quan với quân lên đường.”
Bấy giờ không có “lệnh vua”, không có “quan”, nhưng rất nhiều người Huế “lên đường” vì Huế, so với toàn quốc, nó có những lý do đặc biệt của nó:
 
            Một là vì trong chiến tranh chống Pháp xâm lăng nước ta, không đâu người Việt bị giết, nhà cửa bị cháy và bị tàn phá như ở Huế.
            Khi Pháp xâm lăng nước ta, có nhiều trận đánh lớn xảy ra ở phía Nam: Trận Đồn Kỳ Hòa (Saigon bây giờ). Hai trận Pháp đánh thành Hà Nội: Lần thứ nhất xảy ra năm 1873 Francis Garnier bị quân Cờ Đen giết. Lần thứ hai xảy ra 10 năm sau, 1883, Henry Rivière chết trận.
            Tuy nhiên, trận đánh gay go và tang thương nhất là “Thất thủ Kinh Đô”, chưa kể trước đó, Pháp đánh cửa Thuận An. Hai ông quan chỉ huy là Trần Thúc Nhẫn và Lâm Hoành chống không lại, bèn nhảy xuống biển tự tử.
 
            Trận đánh úp “Thất thủ Kinh Đô” (đêm 23 rạng ngày 24 tháng 5 âm lịch, tức ngày 4 tháng 7 năm 1885) kinh hoàng hơn nhiều. Vua Hàm Nghi và hoàng gia chạy trốn. Người chết kể đến hàng ngàn, chôn mồ tập thể. (Từ trước đến giờ, Huế có nhiều trận chiến, người chết rất nhiều, phải chôn tập thể). Miếu Âm Hồn ở góc đường Âm Hồn (tên mới là Nguyễn Hiệu) và đường Cửa Đông Ba (tên mới là Mai Thúc Loan), là một trong nhiều mồ tập thể ở Huế. Dân chúng và lính Nam Triều chôn chung.
            Dĩ nhiên, cuộc chiến ấy để lại trong lòng dân chúng Huế nhiều nỗi kinh hoàng và bi thương. Đọc “Hạnh Thục Ca” của Nguyễn Nhược thị, độc giả rõ thêm biến cố ấy.
Cũng từ sự kiện đó mà người Huế có tục “cúng âm hồn” vào ngày kỷ niệm “Thất thủ Kinh Đô”.
            Bên cạnh đó, thái độ ngang ngược và khinh thường vua quan Nam Triều của bọn Tây xâm lược, nhất là thái độ của De Courcy khi vào Đại Nội (Huế), làm cho người Huế cảm thấy cái nhục mất nước, nhục mất vua, “mất vua là mất nước”. Với người xưa, “Trung quân (là) ái quốc”.
            Huế có những cuộc khởi nghĩa thất bại, vua bị đày - Triều Nguyễn có ba ông vua bị đày: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, ấy là chưa kể ông “vua lưu vong”: Cường Để, làm cho người Huế thêm căm giận bọn cướp nước. Hai ông Thái Phiên và Trần Cao Vân, cùng tham gia khởi nghĩa với vua Duy Tân năm 1916, bị xử trảm ở bãi chém An Hòa.
            Đó là một trong vài lý do chính, khơi dậy lòng yêu nước,  đã thúc đẩy thanh niên Huế tham gia Nam Bộ Kháng Chiến.
            Huế cũng là thành phố chống Tây, trước và sau ngày “Toàn Dân Kháng Chiến” (19-12-1946). Những trận đánh ở khách sạn Morin, dài lâu về sau, người Huế còn nhắc hở hoài.
           
            Sau ngày “Toàn Dân Kháng Chiến”, nhiều người “theo Việt Minh”, mục đích chính là để chống Pháp. Nhiều người “đi luôn”, sau thành Cộng Sản. Không ít người, sau khi theo kháng chiến một thời gian, bỏ về “Vùng Quốc Gia”.
            Tại sao?
            Họ là những người “thức tỉnh” sớm, biết Việt Minh là ai, là cái gì. Họ không thể “ở” với Việt Minh được, đành phải bỏ về. Họ có tâm trạng như Phạm Duy “bên cầu biên giới”, như Phạm Duy viết trong hồi ký của ông vậy.
  
            Bỏ kháng chiến mà về, có nghĩa là “về theo Tây”. Không hẳn như thế. Nhiều người không theo kháng chiến, bỏ về, nhưng cũng không theo Tây. Ở Huế, có không ít những người thuộc thành phần như thế. Ví dụ: Các đảng phái Quốc Gia. Đại Việt Quốc Dân Đảng của ông bác sĩ Bửu Hiệp, ông Hà Thúc Ký chẳng hạn. Nhóm báo “Dân Đen” của ông Phạm Bá Nguyên, nhóm báo “Ý Dân” của Hồng Quang (tức Hoàng Thế Thạnh, anh cả của tôi), nhóm “Xây Dựng” của nhà thơ Thanh Thanh (Lê Xuân Nhuận) với các nhà thơ văn như Như Trị, Bùi Chánh Thời, Trụ Vũ… và các “học sinh Khải Định”. Họ từng bị Tây và cái gọi là “Công An Quốc Gia” thủ tiêu, giết chóc, bỏ tù, đánh đập, hành hung…
            Nhiều người phải trốn tránh, bỏ xứ vào Saigon, gia nhập Quân Đội Quốc Gia, về nhau có nhiều người là tướng lãnh, sĩ quan cấp tá trong Quân Đội VNCH, trong lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia. Cũng có người tiếp tục công việc chống Pháp bằng cách ủng hộ ông Ngô Đình Diệm, kể từ khi ông “từ quan”.
            Cũng không thiếu người “trùm chăn”, thấy sức mình là yếu, “không làm được gì cho quốc gia đại sự”, hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo, đi chùa, tụng kinh niệm Phật, thế sự bỏ ngoài tai.
  
            Sau Hiệp Định Genève 1954, tình hình Miền Nam có nhiều biến chuyển trọng đại, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp dân chúng, nhất là giới thanh niên. Đó là các sự kiện:
            -Tình hình chung: Người miền Nam thấy rõ Việt Minh hơn. Việt Minh chỉ là bình phong của Cộng Sản Việt Nam; người ta thấy rõ bộ mặt “độc tài đảng trị”, tàn bạo và độc ác của Cộng Sản Việt Nam, không chiến đấu vì quốc gia dân tộc mà vì chủ nghĩa Cộng Sản, là một bộ phận của Cộng Sản Quốc Tế.
            -1955, Người Pháp hoàn toàn rút khỏi Miền Nam Việt Nam, không còn gây áp lực hay ảnh hưởng cho chính quyền Việt Nam một chút nào nữa. Trong mức độ nào đó, người Miền Nam thấy đất nước mình có độc lập.
            Tiếp xúc với người Mỹ, văn hóa Mỹ, người Miền Nam hiểu thêm phần nào về những “giá trị Dân Chủ và Tự Do”, “tinh thần Mỹ Quốc” qua chiến tranh giành Độc Lập của dân tộc Mỹ.
            -1956, chế độ Cộng Hòa được thành lập. Giáo dục được mở rộng, trình độ dân trí cao hơn.
Tiếc thay, chính quyền Ngô Đình Diệm lại phản bội dân tộc, thiết lập một chế độ độc tài, tham nhũng, “gia đình trị”.
            -1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, mở ra một thời kỳ mới cho người dân miền Nam, có nhiều hy vọng sẽ được dân chủ hơn, tự do hơn… như ở Âu-Mỹ.
            Người dân miền Nam, nhất là giới thanh niên, trên đà tiến triển của nhân loại, thấy rõ lý tưởng của mình rõ ràng hơn: Bảo vệ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam, và Thế Giới Tự Do.
            Thanh niên, sinh viên, Quân Đội có lý tưởng hơn, và chiến đấu và bảo vệ cho lý tưởng của mình. Từ nhận định đó, nhiều thanh niên, sĩ quan trẻ trong Quân Đội VNCH đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thân mình để bảo vệ lý tưởng đó.
            Trong Quân Đội, xuất hiện rất nhiều tấm gương hy sinh cao cả: Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh, Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Đình Bảo, Lưu Trọng Kiệt, Hoàng Ngọc Hùng…, các anh hùng Quân Đội như Lê Minh Đảo, Nguyễn Lô, Bùi Quyền…   Và cuối cùng là các vị tướng “chết với thành khi thành mất” cùng với nhiều sĩ quan, binh sĩ, cùng với nhiều tấm gương sáng trong các ngành Cảnh Sát và Chính Quyền Miền Nam VN.
            Đó là những tên tuổi sẽ còn mãi với lịch sử Dân Tộc. Việc đó, không giống với những tên đường, nay tên nầy mai tên khác vì sự thay đổi của chế độ. Chế độ chỉ là chiếc thuyền giấy trẻ con thả chơi trên dòng nước. Nhưng “Dòng Nước” chính là “dòng sinh mệnh dân tộc”. Con thuyền giấy đi ngược dòng, sẽ bị nước nhận chìm. (2)
 
            Trong khi đó thì ở Miền Bắc hàng triệu thanh niên bị Cộng Sản Hà Nội tuyên truyền, dưới chiêu bài “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để “giải phóng miền Nam”, trong khi thực chất là thực hiện cuộc “xâm lăng miền Nam”, làm “nghiệm vụ Quốc tế” hay nói rõ như Lê Duẫn: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại bị áp bức, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.”
            Phần sau của câu nói nầy “đánh cho các nước xã hội chủ nghĩa…” chỉ là ý phụ. Ý chính là đánh cho Liên Xô và Tầu Cộng vì nhiều lý do, nhưng chính yếu nhất là vì Cộng Sản Hà Nội là “đàn em”, là tay sai của hai nước Cộng Sản đầu sỏ nói trên.
            Thanh niên miền Bắc dù tình nguyện hay bắt buộc vào chiến đấu ở miền Nam, tất cả đều bị lường gạt. Họ tưởng nhầm chiến đấu cho Tổ quốc nhưng thực tế là đánh giặc thuê cho bọn Cộng Sản Quốc Tế.
 
Chết vì ngọn cờ
             Nhũng người vừa trình bày ở trên, hy sinh thân mình, bị tù tội, bị đày ải, là vì Tổ Quốc, vì Dân Tộc Việt Nam. Điều đó là khẳng định, không thể nói khác đi được, dù họ ở dưới lá cờ Việt Minh, hay dưới ngọn cờ Quốc Gia.
            Lịch sử nhìn họ như thế nào cho Thật Sự Vô Tư, để ghi nhớ Công Lao của họ đã chết vì Tổ Quốc Việt Nam?
            -Có thể nào không ghi ơn những người đã hy sinh trong Nam Bộ Kháng Chiến, trong thời kỳ đầu Phong Trào Việt Minh, vì họ đã hy sinh dưới lá cờ đỏ sao vàng?
            -Có thể nào không ghi ơn những người đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu để bảo vệ Miền Nam Việt Nam, bảo vệ Tự Do cho miền Nam Việt Nam vì họ đã hy sinh dưới ngọn cờ vàng (ba sọc đỏ).
            Trong một thời điểm nào đó, giai đoạn lịch sử nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó, không gian nào đó, những sự hy sinh đó, phải nói là hy sinh cho Quốc Gia Dân Tộc, cho Tổ Quốc. (3)
            Nói như thế, không có nghĩa là chủ trương “hòa hợp, hòa giải”. Ở thế hệ nầy, thế hệ của những người từng đứng trên hai chiến tuyến bắn giết nhau, tàn sát, tù tội, trả thù, thù hận…sẽ không thể có “hòa hợp hòa giải.”  Trong hiện tại, không thể có “hàn gắn”, thông cảm hay tha thứ. Lịch sử đã trơ cứng lại rồi!
 
            Việc phân biệt đúng sai từng người, từng nhóm, từng đảng phái…đó chính là khó khăn của những nhà viết sử, bây giờ cũng như sau nầy, bởi vì họ, giống như Tư Mã Thiên, chẳng thà bị thiến, không thà viết sai sự thực. (4)
            Sự thực, có khi tréo ngoe, chòng chéo, chính là lịch sử Việt Nam của Thế Kỷ 20.
 
            hoànglonghải
 
Inline image
 
            (Bia trước trường Quốc Học, mặt tiền, ngó ra đường Lê Lợi; và mặt hậu, ngó ra song Hương giống  nhau)
 
(1)-Vua Ðồng Khánh mất, Cơ mật viện không dám chọn vua mới nên phải sang Tòa khâm sứ để hỏi ý kiến. Diệp Văn Cương đang làm việc tại đây (chức vụ Bí thư kiêm thông dịch viên cho Tòa Khâm) lãnh trách nhiệm thông dịch. Tương truyền, ông đã giúp cháu ruột của vợ là Hoàng tử Bửu Lân nối ngôi vua.
Sách Nguyễn Phước Tộc Thế Phả (trang 39) chép:
Cơ mật viện hỏi: “Hiện nay vua Ðồng Khánh đã thăng
hà, theo ý của quý Khâm sứ thì nên chọn ai kế vị?”.
Diệp Văn Cương dịch câu trên thành: “Nay vua Ðồng Khánh đã thăng hà, lưỡng tôn cung và Cơ mật viện đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, không biết ý kiến của quý Khâm sứ như thế nào?”
Nghe vậy quan Khâm sứ đáp: “Nếu lưỡng cung và Cơ
mật viện đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân thì tôi xin tán thành”.
Câu này Diệp Văn Cương lại dịch là: “Theo ý tôi thì các quan Cơ mật nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hơn cả”.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1889, Bửu Lân lên ngôi đặt niên hiệu là Thành Thái. Khi đó, vị hoàng tử này mới 10 tuổi.
Phải nói thêm rằng ông là chồng bà Công Nữ Thiện Niệm, con gái Thoại Thái Vương, tức bà thiện niệm là cô ruột của vua Thành Thái và Diệp Văn Cương là dượng của vua Thành Thái
(Theo Wikipedia)
            (2)-Ở Huế, “đường” Ngã Giữa, thời Ông Bảo Đại làm “quốc trưởng” có tên là “đường Gia Long”. Thời Ngô Đình Diệm, đổi thành Phan Bội Châu.
            Ở Saigon, con đường chạy ngang trước Dinh Độc Lập, thời Tây có tên là Mac Mahon (dân chúng gọi nôm na là đường Bạc Má Hồng), thời Ngô Đình Diệm, có tên là Ngô Đình Khôi, tổng đốc, anh cả của anh em nhà họ Ngô. Nhà Ngô bị lật đổ, nó có tên là đường Công Lý. Đường Nguyễn Minh Chiếu (Gia Định), đổi tên là đường Nguyễn Trọng Tuyển, đường Trương Minh Giảng, đổi tên là Trần Quốc Thảo, đường Nguyễn Huỳnh Đức đổi là tên là đường Nguyễn Văn Bảnh, v.v… Chắc chắn những cái tên mới sẽ không tồn tại lâu, vì sự hy sinh của họ, đâu có phải vì dân tộc Việt Nam!
(3)-Xin đơn cử vài trường hợp điển hình.
a)-Gia đình Cụ “Thị Tri” (Phạm Tri) là gia đình nổi tiếng ở thị xã quảng Trị, từ trước 1945. Người con trai cả, Anh Phạm Hữu Mân, thường gọi là “Tú Mân” (đỗ tú tài Pháp Việt), thời Việt Minh làm “Trưởng Ty Thanh Niên”, sau làm “Hiệu Trưởng Trường Trung Học Quảng Trị (1945-46), ứng cử Đại biểu Quốc Hội (bầu cử ngày 6 tháng 1 năm 1946), không thắng được Trần Hữu Dực, đảng viên đảng Cộng Sản. Đầu năm 1947, khi quân Pháp tấn công tái chiếm thị xã Quảng Trị, ông bị Tây bắt nhưng được thả. Ngay sau đó, ông bị Việt Minh giết rồi thủ tiêu.
Người con trai kế của Cụ Thị Tri là anh Phạm Ngọc Hồng, Trung đội trưởng “Vệ Quốc Đoàn”, thuộc Trung Đoàn 95, (quân đội của Việt Minh hồi đó). Anh Hồng chỉ huy một trung đội chận đánh quân đội Pháp từ Huế đánh ra Quảng Trị. Anh hy sinh ở cầu Nhùng, cách thị xã Quảng Trị chừng 10 cây số.
Các em của anh Mân và anh Hồng tham gia Quân Đội và chính quyền VNCH, có người (Phạm Ngọc Toàn) là trung tá.
b)-Anh cả tôi là Hồng Quang (Hoàng Thế Thạnh), chủ trương báo “Ý Dân” ở Huế, chống Pháp và chính quyền tay sai của Pháp ở Huế năm 1950, ông bị Tây và chính quyền tay sai bắt và thủ tiêu ngay năm đó, khi ông mới 21 tuổi.
Em út tôi là Hoàng Ngọc Hùng (Hùng móm), Đại đội trưởng Đại Đội 112, Tiểu Đoàn 11 Dù, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị khi chỉ huy đơn vị tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị năm 1972, khi ấy Hùng mới 28 tuổi.
Sự hy sinh của những người nầy đều có lý tưởng và vì Tổ Quốc, Dân Tộc cả.
(4)-Năm 99 TCN, ông bị vướng vào vụ Lý Lăng. Lý Quảng Lợivà Lý Lăng, hai quan võ, đã không hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến với Hung Nô ở miền Bắc. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực vị tướng này. Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng, đã ngầm chê Lý Quảng Lợi, anh vợ của Vũ Đế, là nhút nhát. Tư Mã Thiên bị tội tử hình, nếu không chuộc bằng tiền bạc hoặc bị cung hình (thiến). Do không đủ tiền chuộc, ông đành chọn bị thiến và bị cầm tù.
Bên cạnh tính xác thực của sự kiện, nói như lời Tư Mã Thiên, tôi chỉ thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các chuyện trong đời chứ có sáng tác đâu” (thiên Tam đại thế biểu), song tác giả không chỉ thuật lại chuyện xưa một cách lạnh lùng. Ảnh hưởng bút pháp của Xuân Thu, nhưng tính khuynh hướng của Sử ký thể hiện sự khác biệt nhất định. Nếu Xuân Thu xuất phát từ lập trường bảo thủ của quý tộc thì Sử ký lại xuất phát từ lập trường tiến bộ, có những nét phù hợp với tư tưởng và tình cảm của nhân dân đương thời. Sử ký lên án sự tàn bạo của tầng lớp thống trị (Tần Thủy HoàngLưu Bang và Vũ Đế), ca ngợi những nhà thơ yêu nước như Khuất Nguyên, đề cao các dũng sĩ khởi xướng khởi nghĩa nông dân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc như Trần Thiệp. Tư Mã Thiên viết sử có dụng ý nhằm “xét qua việc làm, tóm tắt trước sau, xét việc hưng vong thành bại”, “thấu hiểu sự biến đổi từ xưa đến nay”, để “ký thác”, để “hả điều căm giận” (trong thiên Báo Nhậm An thư). Điều đó phản ánh sự quan tâm của tác giả đến sự kiện không chỉ nằm ở bản thân sự kiện mà là cả tiến trình của chúng.
(Theo Wikipedia)

Không có nhận xét nào: