Bước Vào Tuần Thánh, Một Trong Lễ Trọng Nhất, Của Người Công Giáo: Tưởng Niệm Chúa Tử Nạn và Phục Sinh. Bắt Đầu Với Chúa Nhật Lễ Lá! (Tuần Này! (Nguyễn Thị Thảo)
Lễ Lá là gì? Ý nghĩa Chúa nhật Lễ Lá của người Công giáo là như thế nào? Đây là thắc mắc được rất nhiều người ngoài Công Giáo đặt ra. Trong bài viết dưới đây, sẽ giải đáp hết những thắc mắc căn bản ngày lễnày cho bạn.
Lễ Lá là gì?
1.- Lễ Lá (hay còn gọi là Chủ Nhật Lễ Lá, tên tiếng Anh là Palm Sunday) là ngày kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trước khi chịu khổ hình. Ngày Lễ Lá thường rơi vào Chủ Nhật trước lễ Phục sinh khoảng 1 tuần. Năm nay, 2025, Lễ Lá rơi vào Chủ Nhật ngày 13 tháng 4/2025
Ý nghĩa của ngày Lễ Lá
2. - Như đã nói, ngày lễ này để kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trước khi chịu khổ hình và chết. Theo lời kể từ Phúc Âm, Chúa Giêsu đã cưỡi một con lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Khi đó những người đón mừng, đã đặt áo choàng cùng những cành lá cọ trước mặt Chúa và đồng thanh hát “…Phúc thay là đấng nhân danh Chúa mà đến. Chúng tôi ban phước cho bạn từ nhà của Chúa…”
Theo như truyền thống của người Do Thái, lá cọ là một trong bốn loại thực vật tượng trưng cho niềm vui. Còn biểu tượng con lừa theo truyền thống phương Đông chính là con vật tượng trưng cho hòa bình, so với ngựa là con vật tượng trưng cho chiến tranh. Khi một vị vua cưỡi ngựa đi chiến đấu có nghĩa là Ông đang muốn chiến tranh, còn nếu vua cưỡi lừa thì tức là Ông đến trong hòa bình… Theo đó, việc chúa Giêsu cưỡi lừa tới thành Giê-ru-sa-lem, trở thành biểu tượng của hòa bình, không phải một vị vua ưa chiến tranh.
Những hình ảnh đẹp của ngày Lễ lá
3.
4. - Theo truyền thống thì việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem sẽ được cử hành bằng cuộc rước trọng thể. Đầu tiên, vị chủ tế sẽ làm phép lá trước, sau đó mọi người sẽ được phân phát những cành lá này. Tiếp theo, cộng đoàn cùng nhau rước kiệu diễn hành với lá cọ trên tay, điều này đại diện cho sự chào mừng Chúa Giêsu khi vào thành Giê-ru-sa-lem.
Trong ngày lễ này, người ta thường dùng lá cọ để thực hiện các nghi lễ. Tuy nhiên, ở các vùng miền khác nhau có thể không có lá cọ hoặc khó tìm được nên mọi người thường thay thế bằng những cành cây thủy tùng, cây liễu… Ở Việt Nam, đa số các nhà thờ đều sử dụng lá dừa.
Sau khi được phân phát, những cành lá này sẽ được giữ lại trong nhà, để thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu. Khi cành lá khô héo, thì mọi người có thể đem đến cho các cha xứ, để đốt thành tro bôi trên trán (trên đầu) cho ngày thứ Tư Lễ tro vào năm tiếp theo.
Trên đây là một số thông tin căn bản về Lễ Lá để có thêm cho mình thật nhiều kiến thực về ngày lễ này.
Chủ Nhật Tuần Này: 9 Điều Cần Biết Về Lễ Lá Của Người Công Giáo.
-Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh, khởi đầu cho ngày lễ quan trọng nhất của người Công Giáo, Ngày này, không cử hành riêng lẻ, mà cử hành hai sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Dưới đây là 9 điều chúng ta cần nên biết:
1. Chúa Nhật Lễ Lá là gì?
Chúa Nhật Lễ Lá còn gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn. Gọi là Chúa Nhật Lễ Lá phát xuất từ việc tưởng nhớ Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem, được dân chúng vừa cầm lá vừa tung hô (Ga 12:13). Gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn vì Bài Thương Khó được đọc vào ngày này.
Theo tài liệu chính thức Paschales Solemnitatis nói về việc cử hành các ngày lễ liên quan Lễ Phục Sinh: Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá tuẩn này, liên kết việc tiên báo cuộc rước hiển hách với việc công bố cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Việc liên kết giữa hai sự kiện này của Mầu nhiệm Vượt qua được tỏ hiện, được giải thích việc cử hành ngày này và giáo lý về ngày này.
2. Cuộc rước lá trước Thánh Lễ
Một điểm quan trọng của ngày này là cuộc rước lá trước Thánh Lễ. Tại sao chúng ta làm vậy?
Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Theo truyền thống, việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem được cử hành bằng cuộc rước trọng thể, mọi người hát noi gương các trẻ em Do Thái, đồng thanh tung hô Đức Giêsu: “Thánh, thánh, thánh! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
Cuộc rước lá được thực hiện trước Thánh Lễ, có thể vào chiều tối Thứ Bảy hoặc Chúa Nhật. Lá được làm phép và mọi người cầm lá trong cuộc rước, tưởng nhớ lúc Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem.
3. Phải dùng lá cọ, lá dừa?
Không nhất thiết phải dùng lá cọ, lá dừa. Có thể dùng các loại cành lá khác. Cuộc rước lá kỷ niệm việc Chúa Giêsu vào Thánh Giêrusalem là cuộc vui mừng, mọi người cầm lá đã được làm phép, sau đó đưa lá về nhà.
4. Có cần hướng dẫn giáo dân?
Rất cần. Giáo dân nên được hướng dẫn về ý nghĩa của cuộc rước, để họ hiểu tầm quan trọng của cuộc rước. Đây là dịp họ được nhắc nhở rằng họ cần tham dự cuộc rước, để tôn vinh Con Thiên Chúa.
Lá được làm phép và được giữ lại, nhưng đừng coi lá đó như “bùa hộ mệnh” (amulet), hoặc coi lá đó có thể chữa bệnh, trừ tà, hoặc ngăn ngừa tai họa, vì như vậy là mê tín dị đoan. Lá đó được giữ tại nhà để biểu hiện niềm tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ, Ngôi Hai Thiên Chúa.
5. Chúa Giêsu làm gì trong khi vào Thành Thánh?
Chúa Giêsu là Vua các vua, nhưng rất khiêm nhường. Ngài cưỡi lừa con vào Thành Thánh, chứng tỏ Ngài là Vua. Từ nay chúng ta hãy chú ý: Chúa Giêsu thực sự xưng vương. Ngài muốn con đường Ngài đi và hành động của Ngài được hiểu rằng các lời hứa Cựu ước được hoàn tất nơi Ngài… Kinh Thánh cho biết rõ: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9). Ngài là Vua, nhưng Ngài không có ý thu nạp quân đội, hoặc âm mưu lật đổ chính quyền La Mã. Quyền hành của Ngài ở trong sự nghèo khó của Thiên Chúa, sự bình an của Thiên Chúa, sức mạnh đó có ơn cứu độ.
6. Phản ứng của đám đông biểu hiện điều gì?
Đám đông tung hô Chúa Giêsu, chứng tỏ họ nhận biết Ngài là Đấng Thiên Sai. Họ trải áo cho Ngài đi qua, là làm truyền thống Ít-ra-en, như khi dân chúng tôn vinh Ông Giê-hu: “Họ vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu thềm cấp, dưới chân Ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên: Giê-hu làm vua!” (2 V 9:13). Hành động của các môn đệ là động thái tôn phong theo truyền thống Vua Đa-vít, chứng tỏ niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai.
Đoàn người đến Giêrusalem với Chúa Giêsu, được bắt gặp trong sự nhiệt thành của các môn đệ. Họ trải áo trên đường khi Chúa Giêsu đi qua, họ bẻ những cành lá vừa vẫy chào, vừa tung hô chúc tụng: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11:9-10; x. Tv 118:26).
7. Chữ “Hosanna” nghĩa là gì?
ĐGH Benedict XVI giải thích: Nguồn gốc từ này là lời khẩn cầu, chẳng hạn như: “Xin đến cứu giúp chúng tôi!”. Các tư tế lặp lại lời cầu này vào ngày thứ bảy của kỳ Lễ Lều Tạm, trong khi đi vòng quanh bàn thờ bảy lần, như lời khẩn khoản cầu mưa. Lễ Lều Tạm dần dần thay đổi, từ lễ cầu xin trở thành lễ ca tụng, là tiếng kêu vui mừng.
Vào thờ Chúa Giêsu, từ này cũng ngụ ý Đấng Thiên Sai. Khi tung hô “thánh, thánh, thánh”, chúng ta thấy có cảm xúc phức tạp của đám đông theo Chúa Giêsu và các môn đệ vào Thành Thánh: Vui mừng chúc tụng, hy vọng Đấng Thiên Sai đến, mong chờ Vương Triều Đa-vít, đặc biệt là Vương Quốc Thiên Chúa đến để quốc gia Ít-ra-en được tái lập.
8. Đóng đinh Chúa Giêsu
Chỉ vài ngày sau, chính đám đông đón rước Chúa lại đòi đóng đinh Chúa Giêsu?
Cả bốn Phúc Âm đều nói rõ rằng lòng kính trọng Chúa Giêsu, khi Ngài vào Thành Giêrusalem được thể hiện nhưng không phải tất cả đều là cư dân Giêrusalem. Thánh Mát-thêu cho biết: “Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: ‘Ông này là ai vậy?’. Dân chúng trả lời: ‘Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy” (Mt 21:10-11).
Người ta nghe nói có một ngôn sứ xuất thân từ Na-da-rét, nhưng Chúa Giêsu không mấy quan trọng đối với Giêrusalem, thế nên người ta không biết Ngài là ai. Đám đông tỏ lòng kính trọng Chúa Giêsu tại cửa ngõ vào Thánh Giêrusalem, không là đám đông đòi đóng đinh Ngài.
9. Trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thế nào?
Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Trình thuật cuộc khổ nạn chiếm vị trí đặc biệt. Trình thuật này – tức là Bài Thương Khó – nên được hát hoặc đọc theo truyền thống, nghĩa là có ba người thể hiện Bài Thương Khó: Một người đóng vai Chúa Giêsu, một người kể chuyện, và một người đóng các vai khác.
Khi đọc Bài Thương Khó, không có đèn nến, hoặc xông hương, cũng không làm dấu Thánh Giá. Vì lợi ích tâm linh, Bài Thương Khó nên được công bố đầy đủ.
San Jose: TuầnThánh, Lễ Lá 2025, Có Gì Lạ? Đây Là Lần Thứ 2, Nhóm Mõ Nhân Ái Mang Không Khí Sinh Hoạt, Sửa Soạn Mừng “Happy Easter!” Đến Người Không Nhà (Homeless!)
-Trong bữa cơm nóng hổi, mà Nhóm Mõ Nhân Ái, phục vụ bền bỉ nhiều năm qua. Hôm qua, Thứ Năm, ngày 10 tháng 4, và trước đó, ngày 27 tháng 3/2025, Nhóm đã mang không khí Tuần Thánh và sửa soạn đón mừng Lễ Phục Sinh chung vui với tất cả mọi người! Ít có lễ nào mừng kéo dài cả tháng trời!
Qua việc phục vụ thêm thực phẩm, tặng thêm phong bao đỏ, bao trắng, trong có tiền mặt, chúc mừng. Ai cũng ngạc nhiên vui mừng thích thú!
Việt Nam có câu “của cho, không bằng cách cho!” Nhóm Mõ Nhân Ái, coi Khách Không Nhà, như người trong Gia Đình, ngoài phục vụ, giúp đỡ nhu cầu ăn uống, thực phẩm, lương khô, vật dụng cần thiết, còn cố gắng, mang không khí nhiều Ngày Lễ quan trọng trong năm đến với họ. Đây là món quà Tinh Thần an ủi quý báu, không gì vật chất, tiền bạc có thể so sánh!
Nhiều khách không nhà tâm sự: “chỉ có Nhóm Mõ Nhân Ái, mới đối xử với chúng tôi, đầy Gia Đình, Tình Người như thế!” Cái hay không phải một năm, mà bền bỉ, trên 30 năm! vui buồn với những mảnh đời khốn khổ, trong kiếp…không nhà! cuộc đời bơ vơ, không người thân!
Sau đây là một vài hình ảnh buổi sinh hoạt Mừng Lễ Phục Sinh 2025, lần thứ nhất và lần thứ hai:
-Anh trưởng Nhóm Mõ Nhân Ái trong tư thế sẵn sàng phục vụ
-Đội quân hùng hậu, bền bỉ phục vụ Người không nhà, nắng cũng như mưa!
-Anh trưởng nhóm, trước ban nhạc, coi người không nhà giống như thượng khách! Người thường chưa chắc được hưởng như cảnh này: Ngồi bàn khi ăn, lúc ăn, có cả một ban nhạc giúp vui!
-Anh trưởng nhóm còn lì xì, mỗi người 2 phong bì, trong đó có chút tiền mặt, chi tiêu trong ngày Lễ.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Hoa Kỳ tăng cường sức mạnh không quân gần Trung Cộng
(Hân Nhi)
-Hoa Kỳ đã tăng cường sức mạnh không quân ở Tây Thái Bình Dương với việc điều động thêm hai nhóm máy bay chiến đấu đến Căn cứ Không quân Kadena ở Nhật Bản, dàn dựng một màn trình diễn sức mạnh trước Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang.
Theo Phi đoàn 18 của Không quân Hoa Kỳ, đơn vị chủ quản của Căn cứ Không quân Kadena, một số lượng không xác định máy bay chiến đấu F-35A và F-15E đã đến căn cứ này từ ngày 3/4 đến ngày 6/4, đánh dấu đợt triển khai máy bay chiến đấu gần đây nhất của Không quân Hoa Kỳ tới Thái Bình Dương.
Máy bay F-35A vừa đến Kadena là do Phi đội chiến đấu cơ viễn chinh 355 của Căn cứ Không quân Eielson ở Alaska điều động. Trong khi, các máy bay phản lực F-15E trước đây được đồn trú tại Căn cứ Không quân Seymour Johnson ở Bắc Carolina và được biên chế vào Phi đội tiêm kích viễn chinh 336.
“Lực lượng phối hợp này nhằm mục đích ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng và hỗ trợ các mục tiêu rộng hơn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, Phi đoàn 18 cho biết trong thông cáo báo chí hôm thứ Ba (8/4), đồng thời nói thêm rằng việc hiện đại hóa năng lực ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn là “ưu tiên hàng đầu”.
Căn cứ Kadena dự kiến sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-15EX đầu tiên trong số 36 máy bay chiến đấu từ tháng 3 đến tháng 6/2026, thay thế cho phi đội gồm 48 máy bay chiến đấu F-15C/D đời cũ hơn. Không quân Hoa Kỳ đã đang duy trì sự hiện diện luân phiên của máy bay chiến đấu trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Việc luân chuyển máy bay tại Kadena, cách Đài Loan 370 dặm, là trường hợp tiêu biểu cho cam kết liên tục của Lầu Năm Góc trong việc duy trì “sự hiện diện liên tục của máy bay chiến đấu” cho đến khi máy bay phản lực F-15EX đến, Phi đoàn 18 cho biết thêm. Hiện vẫn chưa rõ đợt triển khai luân phiên gần đây nhất sẽ kéo dài bao lâu.
Kadena nằm trên đảo Okinawa của Nhật Bản và là căn cứ không quân Mỹ gần Đài Loan nhất, một đối tác an ninh của Hoa Kỳ. Trung Quốc Cộng sản từ lâu đã tuyên bố hòn đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã đe dọa sẽ dùng vũ lực, nếu cần thiết, để thống nhất vào đại lục.
Nhật Bản là một phần của ‘Chuỗi Đảo Thứ Nhất’, một khu vực địa chiến lược ngăn chặn hàng hải của Hoa Kỳ nhằm hạn chế quân đội Trung Quốc tiếp cận Tây Thái Bình Dương.
Cũng trong ngày thứ Ba (8/4), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố rằng máy bay không người lái trinh sát MQ-4C của Hải quân Hoa Kỳ sẽ được triển khai tới Kadena trong vòng vài tuần nữa trong “thời gian không xác định” để tăng cường giám sát và thu thập thông tin tình báo.
MQ-4C là máy bay hàng hải tự động, độ cao lớn, có khả năng hoạt động lâu dài trên độ cao 50.000 feet trong hơn 24 giờ với phạm vi hoạt động 7.400 hải lý (8.515 dặm). Hai máy bay không người lái MQ-4C đã được triển khai tại Căn cứ Không quân Kadena trong năm tháng hồi năm ngoái.
Sự xuất hiện của máy bay chiến đấu và kế hoạch triển khai máy bay không người lái do thám diễn ra sau khi Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày quanh Đài Loan hồi tuần trước.
Đại tá Không quân Hoa Kỳ David Deptula, chỉ huy Nhóm tác chiến 18, cho biết: “Cam kết của Kadena đối với khả năng răn đe khu vực là chắc chắn. Điều động máy bay luân phiên là một phần bình thường trong các hoạt động của Kadena và sự hiện diện của chúng đảm bảo sự tiếp tục của sứ mệnh lâu dài của chúng tôi là bảo vệ Nhật Bản và duy trì một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Trung tá Không quân Hoa Kỳ Erik Gonsalves, chỉ huy Phi đội Chiến đấu cơ Viễn chinh 355, cho biết: “Những [binh sĩ] nam và nữ của [Phi đội Chiến đấu cơ Viễn chinh] 355 rất vui mừng khi được trở lại Căn cứ Không quân Kadena. Tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình tại [Lực lượng Không quân Thái Bình Dương] và mong muốn nâng cao năng lực của phi đội chúng tôi trong những lợi thế không cân xứng mà chúng tôi chia sẻ trong [khu vực trách nhiệm] này”.
Việc củng cố an ninh tại Kadena diễn ra bất chấp Tổng thống Donald Trump đã đang chỉ trích hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là không có đi có lại, tuyên bố rằng “họ không có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng ta”. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đồng minh Đông Bắc Á này để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Hải quân Mỹ Tiết Lộ Chiến Đấu Cơ Thế Hệ Sáu F/A-XX Có Tầm Bay Tăng Hơn 25%
WASHINGTON, D.C. – Hải quân Mỹ xác nhận dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu F/A-XX sắp ra mắt sẽ có tầm bay lớn hơn 25% so với các máy bay chiến thuật hiện nay, nhằm tăng cường năng lực tác chiến cho các không đoàn tàu sân bay trong bối cảnh chiến lược mới.
Thông tin được Chuẩn đô đốc Michael “Buzz” Donnelly, lãnh đạo Ban Tác chiến Trên không thuộc Văn phòng Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, đưa ra tại Triển lãm của Liên đoàn Hải quân Mỹ tổ chức tại National Harbor, bang Maryland hôm 7/4.
Theo ông Donnelly, F/A-XX được thiết kế để vượt trội về tầm hoạt động, với bán kính chiến đấu dự kiến vượt 1.551 km – tăng khoảng 25% so với tiêm kích có tầm bay xa nhất hiện nay trong biên chế Hải quân, là F-35C với bán kính chiến đấu gần 1.241 km.
“Chúng tôi dự kiến F/A-XX sẽ cung cấp có lẽ hơn 125% tầm bay so với những gì hiện nay,” ông nói, đồng thời khẳng định tầm bay của loại tiêm kích này về lý thuyết là “không giới hạn” nếu được tiếp liệu liên tục trên không.
Ngoài ưu thế về tầm hoạt động, F/A-XX còn được kỳ vọng tích hợp trí tuệ nhân tạo và công nghệ cảm biến tiên tiến, giúp phối hợp hiệu quả với các hệ thống không người lái, mở rộng khả năng quản lý tác chiến hiện đại và tăng tính linh hoạt trong các tình huống đối đầu đa miền.
F/A-XX là một phần trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu thuộc hệ thống chiến đấu trên không tương lai (Next Generation Air Dominance – NGAD) của Hải quân Mỹ.
Hiện hai tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu – Boeing và Northrop Grumman – đang cạnh tranh quyết liệt để giành quyền phát triển và sản xuất F/A-XX, sau khi Lockheed Martin bị loại khỏi dự án. Tên nhà thầu chính thức dự kiến sẽ sớm được công bố.
Việc đẩy mạnh năng lực tấn công tầm xa của các không đoàn tàu sân bay được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược ứng phó với các thách thức hiện nay, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chính quyền Trump không loại trừ khả năng hủy niêm yết cổ phiếu Trung Cộng tại Hoa Kỳ
(Hải Đăng)
(Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.)
-Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết “mọi thứ đều có thể xảy ra” khi nói đến việc loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ, trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tăng tổng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 104%, có hiệu lực vào thứ Tư (9/4), chính quyền Tập Cận Bình đã tăng thuế trả đũa đối với Hoa Kỳ lên 84%, có hiệu lực vào thứ Năm (10/4).
Phát biểu với Fox Business Network sau động thái của Trung Quốc, Bộ trưởng Bessent cho biết quyết định hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc cuối cùng sẽ tuỳ thuộc Tổng thống Trump.
“Đó sẽ là quyết định của ông Trump“, ông Bessent nói, khi được hỏi về khả năng hủy niêm yết các công ty Trung Quốc.
Ông Bessent cũng kêu gọi các đồng minh của Hoa Kỳ đang hợp tác với Washington “hãy suy nghĩ về cách tái cân bằng Trung Quốc“.
“Trung Quốc không nên cố gắng phá giá [tiền tệ] để thoát khỏi tình hình này”, ông Bessent nói.
Bộ trưởng Bessent cũng kêu gọi Trung Quốc tham gia cởi mở hơn với Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington.
“Trung Quốc nên ngồi vào bàn đàm phán”, ông Bessent nói, ám chỉ rằng các cuộc đàm phán ngoại giao và kinh tế vẫn có thể đóng vai trò, nếu Trung Quốc chọn đối thoại thay vì trả đũa.
Không lâu sau phát biểu của Bộ trưởng Bessent, Tổng thống Trump vào lúc 12h18 ngày thứ Tư (9/4, giờ miền Đông Hoa Kỳ) đã thông báo tăng thuế quan đối với Trung Quốc ngay lập tức lên 125%, đồng thời hoãn 90 ngày đối với việc áp đầy đủ thuế quan đối ứng cho một loạt quốc gia mà ông Trump cho là vừa qua đã không trả đũa, và có thiện chí đàm phán thoả thuận thương mại.
“Dựa trên sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc đã thể hiện đối với Thị trường Thế giới, tôi tăng Thuế quan mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Trung Quốc lên 125%, có hiệu lực ngay lập tức. Vào một thời điểm nào đó, hy vọng là trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng những ngày tháng bóc lột Hoa Kỳ và các quốc gia khác không còn bền vững hoặc có thể chấp nhận được nữa”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social.
Ông Trump viết tiếp: “Dựa trên thực tế là có hơn 75 Quốc gia đã gọi tới Đại diện của Hoa Kỳ, bao gồm Bộ Thương Mại, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để đàm phán một giải pháp cho các vấn đề đã thảo luận liên quan tới Thương mại, Rào cản thương mại, Thuế quan, Thao túng tiền tệ và các thuế quan phi tiền tệ, và những Quốc gia này, như đề xuất mạnh mẽ của tôi, đã KHÔNG TRẢ ĐŨA bằng bất kỳ hình thức nào để chống lại Hoa Kỳ, tôi cho phép TẠM DỪNG 90 ngày, và áp dụng một THUẾ QUAN ĐỐI ỨNG thấp hơn đáng kể trong giai đoạn này là 10%, cũng có hiệu lực ngay lập tức”.
Như vậy, thay bằng các mức thuế quan đối ứng như đã thông báo, trong giai đoạn tạm dừng 90 ngày, Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế quan đối ứng là 10% đối với hơn 75 quốc gia.
Ngay sau thông báo của Tổng thống Hoa Kỳ về việc hoãn thực thi đầy đủ thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia, Thị trường chứng khoán
Ukraine Thông Báo Bắt Giữ 2 Công Dân Trung Quốc Chiến Đấu Cùng Quân Nga
(Ảnh REUTERS - Valentyn Ogirenko, minh họa: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky họp báo tại thủ đô Kyiv, ngày 25/03/2025.)
-Hôm 8/4/2025, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo quân đội Ukraine đã bắt giữ 2 công dân Trung Quốc chiến đấu cùng với quân Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine. Nguyên thủ quốc gia Ukraine đã yêu cầu Bắc Kinh giải trình, nhưng Trung Quốc đã bác bỏ thông tin đó.
Theo Tổng thống Zelensky, được thông tấn xã AFP trích dẫn, hai lính Trung Quốc nói trên đã bị bắt giữ tại khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine. Ông cho biết quân đội Ukraine đã thu thập được các tài liệu, thẻ ngân hàng và dữ liệu cá nhân của những tù binh, cho thấy họ là công dân Trung Quốc. Những giấy tờ tùy thân của một trong 2 tù binh cho thấy người này sinh ngày 4/6/1991 và thuộc dân tộc Hán, dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc.
Trong một video do ông Zelensky công bố, một trong các tù binh, mặc quân phục và bị trói tay, dường như đang mô tả về mặt trận và phát âm vài từ bằng tiếng Quan Thoại, trong đó có từ "chỉ huy", cho thấy anh ta có thể đang chịu sự kiểm soát của quân Nga.
Một vên chức cấp cao của Ukraine giải thích với thông tấn xã AFP rằng những tù binh này có thể là công dân Trung Quốc đã ký hợp đồng gia nhập quân đội Nga, chứ không phải là lính do chính quyền Bắc Kinh cử đi. Ngoài những tù binh này, bị bắt "cách nay vài ngày", vên chức này cho biết có thể còn những người khác.
Trên mạng xã hội TikTok, một trong những công dân Trung Quốc dường như đang chiến đấu ở Ukraine thuật lại tình hình trên thực địa: "Hiện tại, chiến sự đang hết sức ác liệt, đến mức có thể nói chúng tôi chỉ là lá chắn sống. Họ bảo chúng tôi là có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu chấp nhận sang Nga. Mỗi tháng chúng tôi nhận được 2.500 Euro. Nhưng vấn đề là chúng tôi có thể sống sót trở về hay không? Tất nhiên, nếu chúng tôi sống sót trở về thì đó là một số tiền rất lớn".
Về phía Bắc Kinh, hôm 9/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm đã bác bỏ những cáo buộc "không có cơ sở" của phía Ukraine, đồng thời nhắc lại chính phủ Trung Quốc vẫn kêu gọi các công dân của mình "tránh xa những nơi có chiến sự" và đặc biệt là "không tham gia các chiến dịch quân sự của bất cứ bên nào".
Macron Muốn Xích Lại Các Nước Ả Rập
-Về thời sự nước Pháp, các báo ra ngày 9/4/2025 quan tâm đến chuyến công du Ai Cập của Tổng thống Emmanuel Macron.
Báo Le Monde cho rằng Tổng thống Pháp tìm cách xích lại gần các nước Ả Rập. Trong chuyến thăm chính thức Ai Cập, ông Macron muốn gây ảnh hưởng đối với hồ sơ Palestine, đứng về phía Ai Cập và Jordan, kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, ủng hộ giải pháp hai Quốc gia, kêu gọi thiết lập hòa bình, bảo đảm an ninh.
Theo báo Le Figaro, trong chuyến thăm Ai Cập, ông Macron đã tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo vận chuyển hàng vào Gaza, đến bệnh viện ở vùng Sinai, thăm những người Palestine bị thương, thúc đẩy cứu trợ....
Cả 2 báo Le Monde và Le Figaro đều cho rằng Macron đang cố tạo đối trọng với liên minh Mỹ-Do Thái, khẳng định vị trí của Âu Châu trong hồ sơ Palestine, trước một Tổng thống Trump khó lường, cố giành lại không gian ngoại giao, phản bác lập trường của Hoa Kỳ.
Đầu Tuần Tới, Liên Hiệp Âu Châu Sẽ Công Bố Các Biện Pháp Đáp Trả Thuế "Đối Ứng" của Mỹ
(Hình AFP / Tobias Schwarz: Một xưởng chế biến nhôm tấm tại Đức, ngày 17/3/2025.)
-Đối với Liên Hiệp Âu Châu, mức thuế mới do Tổng thống Mỹ ban hành và có hiệu lực hôm 9/4/2025, ước tính sẽ tác động đến tổng cộng hơn 380 tỉ Euro hàng hóa sản xuất trong khu vực. Khối 27 nước cho biết sẽ công bố các biện pháp đáp trả vào đầu tuần tới, thứ Hai 14/4. Nhưng theo thông tấn xã AFP, danh sách các sản phẩm Mỹ mà Âu Châu dự định áp thêm 25% thuế, không có rượu bourbon.
Thủ tướng Ý Ðại Lợi, Giorgia Meloni, được xem là có quan hệ rất gần gũi với Donald Trump, hôm 8/4 thông báo bà sẽ đến Hoa Thịnh Ðốn ngày 17/4. Còn tại Đức, cường quốc kinh tế hàng đầu của khối, những đòn thuế quan mới của Tổng thống Trump là một đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp xuất cảng sang Mỹ. Thông tín viên Pascal Thibaut của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Bá Linh của Đức giải thích:
"160 tỉ Euro, đây là toàn bộ giá trị hàng hóa Đức xuất cảng sang Mỹ năm 2024. Trong vòng 10 năm, Hoa Kỳ đã soán ngôi Trung Quốc, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Bá Linh. Giống như Pháp, Đức mong muốn Âu Châu đáp trả mạnh mẽ các mức thuế quan do Hoa Thịnh Ðốn áp đặt. Chính phủ sắp mãn nhiệm, Thủ tướng Olaf Scholz, cùng với Bộ trưởng Kinh Tế đã có những tuyên bố cứng rắn.
Ông Robert Habeck, thuộc đảng Xanh, hôm thứ Hai, 7/4, phát biểu tại Luxembourg: "Chẳng ai được lợi gì nếu như vòng xoáy tăng thuế thương mại tiếp diễn. Để tránh điều đó, Âu Châu nên đoàn kết".
Robert Habeck không muốn loại trừ các biện pháp trả đũa nhắm vào những tập đoàn kỹ thuật số của Mỹ như Google hay Amazon. Theo một Viện Kinh tế, xuất cảng của Đức sang Mỹ có nguy cơ sụt giảm mất 15% và điều này có thể gây tổn hại cho tăng trưởng của Đức, vốn dĩ đã rất yếu.
Đối với chính phủ Đức tương lai, những thông báo này đến không đúng lúc. Những lĩnh vực hàng đầu của Đức như hóa học hay máy móc công cụ sẽ bị tác động mạnh. Riêng đối ngành sản xuất xe hơi, phải hứng lấy 25% thuế quan, cao gấp 10 lần so với trước, đây thực sự là một trận động đất.
Chủ tịch liên đoàn các hãng xe Đức, Hidegard Muller, nói: "Chúng ta phải phản ứng cứng rắn, nhưng cũng nên có những đề xuất để đàm phán. Chúng tôi hoan nghênh đề nghị của Ủy Ban Âu Châu về việc xóa bỏ các mức thuế quan giữa Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu".
Cứ 8 xe xuất cảng thì có 1 chiếc là sang Mỹ. Thị trường quan trọng này đang bị đe dọa vào lúc việc bán sang Trung Quốc đang gặp khó khăn".
Thuế "Đối ứng" của Mỹ Với Hơn 60 Nước Có Hiệu Lực, Trung Quốc Đáp Trả Với Mức Thuế 84%
(Hình REUTERS: Một kho lưu trữ nhôm ở Giang Tô, Trung Quốc, ngày 26/9/2012.)
-Kể từ 4 giờ sáng (giờ GMT) hôm 9/4/2025, các biện pháp thuế đối ứng được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 chính thức có hiệu lực đối với hơn 60 quốc gia. Khoảng 70 nước đang đàm phán với chính phủ Mỹ, trong đó có Việt Nam, để được giảm thuế.
Riêng Trung Quốc bị đánh thuế thêm 50% và như vậy hiện chịu mức thuế lên tới 104%. Hôm 9/4, Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 84% (thay vì 34% như dự kiến ban đầu) đối với hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 10/4, nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng đề nghị "đối thoại công bằng" với Hoa Thịnh Ðốn để giải quyết bất đồng thương mại. Thông tín viên Clea Broadhurst của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết thêm:
"Điện thoại thông minh, máy điện toán, pin lithium, đồ chơi và máy trò chơi điện tử chiếm phần lớn hàng xuất cảng của Trung Quốc sang Mỹ, ngoài ra còn có ốc vít, nồi hơi và nhiều sản phẩm khác nữa. Câu hỏi thực sự hiện nay là bên nào sẽ nhân nhượng trước? Trung Quốc khẳng định là sẽ chống đến cùng điều mà họ gọi là hành vi "bắt nạt" của Hoa Kỳ. Và căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn có thể sẽ kéo dài.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai nước tiếp tục chiến lược đánh thuế bổ sung? Một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, làm tăng chi phí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm hoạt động thương mại bị chậm lại. Nguy cơ suy thoái là rất rõ và các thị trường đang lo lắng phản ứng. Một số lĩnh vực quan trọng như kỹ thuật và nông nghiệp đang trên tuyến đầu. Do đó, vẫn có thể làm giảm căng thẳng. Các thỏa thuận một phần hoặc nhượng bộ lẫn nhau về một số vấn đề có thể dẫn đến việc giảm dần thuế quan. Nhưng một kịch bản khác đang xuất hiện, đó là sự tách biệt lâu dài giữa các nền kinh tế, với việc di dời các cơ sở sản xuất, với việc ban hành các quy chuẩn khác biệt. Đó sẽ là một sự rạn nứt sâu sắc, có thể gây ra hệ quả quy mô toàn cầu. Hiện giờ, cuộc đọ sức tiếp diễn".
Các biện pháp thuế quan cứng rắn được Tổng thống Trump ban hành là nhằm tái cân bằng thương mại với các đối tác và "để mang việc làm và nhà máy trở lại Hoa Kỳ". Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Hoa Thịnh Ðốn, "tiến trình đó sẽ mất thời gian. Mục đích trên hết có lẽ là chính trị, để cho cử tri và thế giới thấy ai là chủ. Chính quyền Hoa Kỳ cho biết có hơn 70 quốc gia đang đề nghị đàm phán và Hoa Thịnh Ðốn không ấn định thời hạn cho các cuộc đàm phán này".
Miến Điện: Quân Đội Cầm Quyền Bất Lực, Để Xã Hội Dân Sự Tự Xoay Sở
-Báo Le Figaro ra ngày 9/4/2025 quan tâm đến tình hình tại Miến Điện sau cơn động đất kinh hoàng khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Chính quyền của quân đội đảo chính tìm cách giành lại quyền kiểm soát đất nước bằng việc ban hành quốc tang một ngày sau thảm họa, tổ chức cuộc tuần hành tưởng niệm các nạn nhân vào cuối tuần trước, thu gom gạo quyên góp để gửi cho người dân.
Thế nhưng, theo phóng sự của báo Le Figaro, xã hội dân sự Miến Điện cố giữ khoảng cách với quân đội cầm quyền, bởi từ nhiều năm qua họ phải tự thân vận động khi đối mặt với bất cứ cuộc khủng hoảng nào, và không trông mong gì từ chính phủ.
Trong những ngôi chùa tại Miến Điện, những người giàu có thì góp tiền, một số khác mua gạo để quyên góp. Nhiều tổ chức hiệp hội chiếm được lòng tin từ người dân hơn là chính quyền tham nhũng. Một số người thì tổ chức thu gom đồ cứu trợ, quần áo, thực phẩm, thuốc men. Le Figaro nêu trường hợp một công ty xuất-nhập cảng đã tạm ngưng hoạt động để chuyển sang vận chuyển hàng cứu trợ.
Nhật báo Công giáo La Croix thì cho biết những sinh viên Miến Điện tại Thái Lan gửi tiền về hỗ trợ những người tị nạn, còn quân đội cầm quyền thì lại vắng mặt trong những chuyến xe chở hàng cứu trợ, tiếp tục oanh tạc các nhóm phiến quân tại những nơi là tâm chấn cách nay hai tuần, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn.
Vì vậy, các hoạt động nhân đạo cần phải thận trọng, đặc biệt do khu vực tâm chấn vốn là nơi hoạt động của các nhóm phiến quân chống quân đội. Nhiều người dân muốn giúp đỡ nhưng không muốn tỏ ra quá nhiệt tình, vì sợ bị quy chụp là phiến quân.
Vụ động đất hơn 7 độ Richter không làm rung chuyển quân đội, theo nhận định của báo La Croix, mà khiến hàng ngàn người bỏ mạng, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng. Nhà cửa bị phá hủy, dịch bệnh đe dọa, thiếu điều trị, người dân mất nhà cửa phải ngủ ngoài đường hoặc đồng ruộng.
Theo báo La Croix, Miến Điện đang hỗn loạn, nhưng chính quyền quân sự không quan tâm. Các cuộc không kích vẫn nhắm vào các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Quân đội được khai thác tài nguyên của đất nước, nhưng lại không phân phối giá trị thu được từ các tài nguyên đó. Trận động đất này vượt quá khả năng giải quyết của quân đội. Hiện các nhóm phiến quân đã kiểm soát hơn một nửa đất nước, nhưng lại bị chia rẽ, quân đội đã phải chịu nhiều thất bại, và đang ngày càng suy yếu.
Thuế Quan: Những Xích Mích Đầu Tiên Trong Hàng Ngũ Đảng Cộng Hòa Mỹ
-Vào lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn kiên định lập trường, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán, trong nội bộ nhóm cộng sự của Trump bắt đầu có những dấu hiệu bất đồng.
Từ thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Đầu tiên là những thành viên thân cận nhất của chính phủ, như Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, luôn sẵn sàng bảo vệ tất cả những gì Tổng thống nói hay Bộ trưởng Tài chánh Scott Bessent. Có những người giải thích đây là một chiến thuật đàm phán để có được những thỏa thuận thương mại tốt nhất, theo từng bước, như cách giải thích của Đại diện Thương mại Jamieson Greer ở Thượng viện.
Rồi còn có lý thuyết gia, Kiến Trúc sư trưởng, đó là Cố vấn Kinh tế Peter Navarro, trung thành với Trump đến mức đã phải ở tù nhiều tháng vì đã từ chối trả lời lệnh triệu tập của ủy ban đặc biệt về vụ bạo loạn 6/1/2021, ủy ban hiện không còn tồn tại. Ông thường xuyên trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia tên là Ron Vara, nhân vật mà theo ông Navarro chỉ là bịa ra, để đùa giỡn, được đặt tên bằng cách đảo chữ của chính tên ông.
Nhưng Peter Navarro còn bị gọi là kẻ ngốc và bị gán cho nhiều tính từ khác để diễn đạt cùng ý tưởng với một người thân cận khác của Donald Trump, đó là nhà doanh nghiệp, tỉ phú Elon Musk. Quả thực, hãng xe điện Tesla của ông có nguy cơ hứng đòn nặng nề bởi các mức thuế bổ sung đánh vào lĩnh vực này.
Về mặt nguyên tắc, Elon Musk chủ trương tự do mậu dịch như lập trường của nhiều Nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa, chẳng hạn như Rand Paul hay Ted Cruz.... Họ chỉ mong là Tổng thống rồi cũng sẽ nhận ra lẽ phải".
TIN VẮN - TIN TỔNG HỢP
(AFP) – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Mã Lai Á. Hôm 9/4/2025, Bộ trưởng Thông tin Mã Lai Á Fahmi Fadzil cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Quốc gia đến Kuala Lumpur từ ngày 15 đến 17/4/2025. Đây sẽ là chuyến thăm Mã Lai Á đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi Thủ tướng Anwar Ibrahim lên cầm quyền. Chuyến công du này của ông Tập Cận Bình nằm trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông-Nam Á trong bối cảnh căng thẳng Địa-Chính trị gia tăng với Mỹ.
(Reuters) – Ấn Độ thông qua kế hoạch mua 26 chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ trích dẫn nhiều nguồn tin chính phủ khẳng định Ấn Độ đã thông qua hợp đồng mua 26 chiến đấu cơ Rafale với tổng trị giá 630 tỉ Ru-pi, tương đương với khoảng 6,6 tỉ Euro. Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa đưa ra bình luận chính thức nào. Thỏa thuận mua chiến đấu cơ của Pháp đã được đúc kết hồi tháng 7/2023 nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Những chiến đấu cơ này, do hãng Dassault Aviation của Pháp sản xuất, sẽ thay thế các tiêm kích Mig-29 thời Xô Viết để trang bị cho hàng không mẫu hạm mới INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ.
(RFI) – Iran: Có thể đạt thỏa thuận nguyên tử nếu Mỹ thực tâm. Nhận định được Ngoại trưởng Abbas của Iran đưa ra ngày 8/4/2025, trước các cuộc đàm phán về chương trình nguyên tử Iran ở Oman ngày 12/4. Trước đó, trong một bài viết trên nhật báo Washington Post, ông Araghchi tuyên bố Iran sẵn sàng chào đón các công ty quốc tế và Hoa Kỳ hiện đang bị ngăn cản đầu tư vào Iran do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nguyên nhân giải thích thái độ hòa hoãn hơn của Iran có thể là tình hình kinh tế nước này ngày càng khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ, lạm phát vượt tầm kiểm soát, gây ra sự bất bình chưa từng có trong xã hội.
(AFP) – Tối cao Pháp viện Do Thái yêu cầu lãnh đạo Shin Bet vẫn giữ nguyên chức vụ. Ngày 8/4/2025, Tối cao Pháp viện Do Thái yêu cầu ông Ronen Bar, lãnh đạo cơ quan An ninh Nội địa Shin Bet vẫn giữ nguyên vị trí "cho đến khi nào có quyết định mới". Yêu cầu này được đưa ra sau một phiên điều trần dài nhằm xem xét nhiều đơn phản đối việc chính phủ bãi nhiệm ông. Trong phán quyết, tòa còn yêu cầu chính phủ có thể phỏng vấn các ứng viên kế nhiệm ông Bar nhưng không đưa ra "bất kỳ thông báo bổ nhiệm mới" nào. Thủ tướng Netanyahu ngay lập tức có phản ứng, xem quyết định trên của Tối cao Pháp viện là "lạ lùng".
(AFP) – Nhận tài trợ của Kadhafi: Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy chỉ trích tòa trong ngày xử cuối cùng. Hôm 8/4/2025, ngày cuối cùng của 3 tháng xét xử cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (2007-2012) về những cáo buộc "nhận tài trợ bất hợp pháp trong chiến dịch vận động tranh cử", "che giấu biển thủ công quỹ", "tham nhũng thụ động" và "liên kết tội phạm". Trong ngày điều trần cuối cùng, Nicolas Sarkozy đã mạnh mẽ chỉ trích một "bản cáo trạng chính trị", trong một "bối cảnh đáng ghét" hàm ý đến vụ xử bà Marine Le Pen, nguyên lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN). Theo dự kiến, tòa án hình sự Paris sẽ ra phán quyết vào ngày 25/9/2025.
(AFP) – Hoa Thịnh Ðốn thông báo đàm phán Nga-Mỹ tại Istanbul. Hôm 8/4/2025, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo Mỹ và Nga có cuộc đàm phán vào ngày thứ Năm (10/4) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trọng tâm của vòng đàm phán thứ 10 là tái lập một số hoạt động Ðại sứ của hai nước, bị giảm đáng kể từ sau cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga phát động. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce nêu rõ các vấn đề về chính trị, an ninh và hồ sơ Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự.
(AFP) – Uzbekistan đạt thỏa thuận với Mỹ về khai thác khoáng sản. Theo thông cáo của Bộ Đầu tư, Công nghiệp, và Thương mại Uzbekistan hôm 9/4/2025, "nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản quan trọng đã được ký kết" với các doanh nghiệp Mỹ nhân chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn. Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Đầu tư không nêu rõ tên của các doanh nghiệp Mỹ cũng như trị giá các khoản đầu tư tại quốc gia Trung Á này. Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi một cuộc họp thượng đỉnh "Liên Hiệp Âu Châu-Trung Á" ở Uzbekistan, trong đó các lãnh đạo Âu Châu và Trung Á đã đồng thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô quan trọng.
(Reuters) – Trump ký Sắc lệnh hỗ trợ ngành công nghiệp than. Tại lễ ký Sắc lệnh trước sự hiện diện của khoảng 30 công nhân mỏ than, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 8/4/2025 tuyên bố "sẽ khôi phục một ngành công nghiệp bị bỏ rơi". Sắc lệnh này sẽ mang lại việc làm cho thợ mỏ trong một lĩnh vực sử dụng đến khoảng 40 ngàn công nhân, thay vì 70 ngàn như cách nay 10 năm. Trong số các Sắc lệnh được ký, còn có những biện pháp nhằm bảo vệ các nhà máy khai thác nhiệt điện mà theo dự kiến sẽ bị dỡ bỏ trong khuôn khổ nỗ lực giảm phát thải khí các-bon gây hiệu ứng nhà kính.
(NHK) – Tác động của việc cắt giảm tài trợ của Mỹ đối với WHO. Phó tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Nakatani Yukiko than phiền ngân sách của WHO cho giai đoạn 2026-2027 sẽ giảm 40% do việc chính quyền Tổng thống Trump ngừng tài trợ cho cơ quan này. Điều này khiến WHO gặp khó khăn trong việc trả lương cho khoảng 800 trong số 9.000 nhân viên trên toàn cầu. WHO đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quốc gia khác, nhưng vẫn thiếu hụt 1,8 tỉ Mỹ kim.
(AFP) – Bắc Hàn: Em gái lãnh đạo Kim Jong Un chỉ trích phương Tây. Hôm 8/4/2025, bà Kim Yo Jong đã chỉ trích các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu trong việc phi nguyên tử hóa Bắc Hàn, gọi ý tưởng này là "giấc mơ hão huyền". Bà đưa ra bình luận trên sau khi các nhà ngoại giao Nam Hàn, Nhật Bản và Mỹ ra tuyên bố tại một cuộc họp Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), khẳng định cam kết của họ về phi nguyên tử hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Kim Yo Jong cho biết bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí nguyên tử đều bị Bắc Hàn coi là hành động thù địch.
(AFP) – Mỹ: Tư pháp yêu cầu chính quyền khôi phục quyền tác nghiệp của hãng thông tấn AP tại Tòa Bạch Ốc. Hôm 8/4/2025, một Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã yêu cầu Tòa Bạch Ốc khôi phục quyền tác nghiệp của hãng thông tấn Associated Press (AP), vốn bị đình chỉ trong 2 tháng qua, do những bất đồng giữa hãng thông tấn AP và chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt về tên gọi của Vịnh Mễ Tây Cơ. Thẩm phán này cho rằng việc các nhà báo của hãng thông tấn AP không được tác nghiệp ở Tòa Bạch Ốc là vi hiến và đi ngược lại với Tu chính án Thứ nhất, bảo vệ tự do báo chí. Ông nhấn mạnh chính phủ không thể cấm cửa các nhà báo chỉ vì bất đồng quan điểm.
(AFP) – Mỹ không cho phép Trung Quốc "đe dọa" hoạt động của Kênh đào Panama. Hôm 8/4/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth đã cảnh báo như trên, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác đều không được phép làm tổn hại đến sự toàn vẹn của kênh đào. Ông Hegseth đã gặp Tổng thống Panama, ông José Raúl Mulino để thảo luận về quan hệ an ninh giữa hai quốc gia. Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm hôm 9/4 đã phủ nhận những cáo buộc của Hoa Kỳ và chỉ trích Hoa Thịnh Ðốn tấn công Bắc Kinh một cách ác ý, "làm tổn hại đến quan hệ Trung Quốc-Panama và một lần nữa để lộ bản chất tàn bạo của Hoa Kỳ".
(AFP) – Triệt phá đường dây tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Âu Châu. Hôm 9/4/2025, Cảnh sát Ba Lan thông báo đã triệt phá một mạng lưới tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến quy mô lớn, trong khuôn khổ chiến dịch phối hợp với 11 quốc gia Âu Châu khác. Trong chiến dịch mang tên FEVER, 166 người trên khắp Âu Châu bị sa lưới pháp luật, trong đó có 98 người ở Ba Lan. Chiến dịch này có sự hỗ trợ của Europol và cảnh sát của nhiều nước quốc gia khác. Trong số những kẻ bị bắt, một số đã tham gia sản xuất và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, cũng như tham gia vào các hoạt động thao túng tâm lý trẻ em.
(AFP) – NASA sắp có lãnh đạo mới là một tỉ phú? Ngày 9/4/2025, tỉ phú Mỹ Jared Isaacman điều trần ở Thượng viện Mỹ để được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA), theo đề cử của Tổng thống Donald Trump, thay thế ông Bill Nelson. Tỉ phú 41 tuổi này, một người thân cận với Elon Musk, bắt đầu được công chúng biết đến từ tháng 9/2024 khi trở thành người bình thường đầu tiên ra khỏi phi thuyền trong không gian, trong khuôn khổ chương trình Polaris Dawn thực hiện bằng phi thuyền của SpaceX. Sau thành công này, ông Jared Isaacman đã đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực không gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét