Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Kính Chuyển: Lời Nhắn Để Ý Sức Khỏe Mùa Đông Và Ít Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


SOS! Để Ý Ngay! Chăm Sóc Sức Khỏe Mùa Đông:
Bất ngờ mùa Cúm bùng phát dữ dội ở Mỹ, 44 tiểu bang ghi nhận, rất nhiều ca nhiễm nghiêm trọng! Tiên đoán sẽ có gần 5 ngàn người, sẽ bị tử vong trong mùa Cúm này! Mùa cúm ở Mỹ đang ngày càng trở nên tồi tệ, nguy hiểm hơn khi giới chức y tế hôm Thứ Sáu, 2 Tháng Mười Hai, cho biết 7.5% số lượt khám bệnh ngoại trú vào tuần trước, là do các bệnh nhiễm cúm! Tỷ lệ này cao bằng kỷ lục mùa cúm năm 2017-2018 và cao hơn bất cứ mùa cúm nào trước đó, theo AP.
<!>


Thông thường hằng năm mùa cúm mùa Đông, sẽ bắt đầu vào Tháng Mười Hai hoặc Tháng Giêng. Tuy nhiên năm nay mùa cúm bắt đầu sớm hơn và phức tạp hơn vì có nhiều loại virus nguy hiểm khác cũng đồng thời lây lan mau hơn!


(Hình: Chích ngừa cúm ở Miami, Florida.)

Tỷ lệ 7.5% được nêu ở trên là dựa vào những bệnh nhân đến khám với các triệu chứng như ho, đau họng, chứ không phải dựa vào chẩn đoán chính xác. Do đó con số này có thể bao gồm các bệnh về đường hô hấp khác.

Vì vậy rất khó để so sánh mùa cúm này với các mùa cúm trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên những năm khác cũng không có làn sóng mạnh bất thường của virus hợp bào hô hấp (RSV) như năm nay. RSV là một nguyên nhân phổ biến gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh, có thể nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và người cao tuổi.

Cũng trong hôm Thứ Sáu, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) cho biết, 44 tiểu bang báo cáo tình trạng nhiễm cúm cao hoặc rất cao kỷ lục vào tuần trước.

Điều này không tốt chút nào cho những ngày sắp tới, bởi vì các chuyên gia cho biết virus đường hô hấp sẽ lây lan nhiều hơn trong đợt lễ lớn cuối năm và tại các sân bay, nơi người ta thường quây quần bên nhau hoặc chen chúc đông đúc.


Chủng cúm chiếm ưu thế hiện nay, có tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn, đặc biệt từ những người 65 tuổi trở lên. CDC ước tính ít nhất 78,000 ca nhập viện và 4,500 ca tử vong vì cúm trong mùa này, trong đó có ít nhất 14 trẻ em.

Hầu hết người Mỹ từ 6 tháng tuổi trở lên đều được khuyên là hãy chích ngừa cúm! Bạn đã chích ngửa cúm chưa?


Tin Nóng Quốc Tế Đó Đây

Bắc Hàn Nổi Khùng! Bắn Hơn 100 Quả Đạn Pháo Vào Khu Vực Có Cuộc Tập Trận!


(Ảnh: Thông tấn xã KCNA đăng hình đội pháo binh tầm xa của Bắc Hàn ngày 10/10/2022.)

- Theo tin của thông tấn xã Reuters, Bắc Hàn cho biết họ bắn hơn 130 quả đạn pháo ra biển ngoài khơi bờ biển phía Đông và phía Tây hôm 5/12/2022, sau khi phát giác các cuộc tập trận quân sự qua biên giới ở Nam Hàn.
Một số quả đạn rơi xuống vùng đệm gần biên giới biển mà Hán Thành cho là vi phạm thỏa thuận liên Triều năm 2018 được thiết kế để giảm căng thẳng.

Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố rằng quân đội Nam Hàn đã gửi một số thông tin liên lạc cảnh báo tới Bắc Hàn về vụ nổ súng này.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Bắc Hàn dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết quân đội Bắc Hàn đã tiến hành khai hỏa sau khi phát giác hàng chục “đạn” được bắn ở Nam Hàn gần đường biên giới chung.

Phát ngôn viên không nêu tên nói: “Kẻ thù nên chấm dứt ngay các hành động quân sự gây leo thang căng thẳng ở các khu vực gần tiền tuyến, nơi có thể bị giám sát”, đồng thời cảnh báo rằng Bắc Hàn sẽ đáp trả kiên quyết và bằng hành động quân sự áp đảo đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào.

Nam Hàn và Hoa Kỳ tiến hành một cuộc tập trận chung trên bộ gần biên giới ở quận Cheorwon nằm giữa bán đảo Triều Tiên hôm 5/12. Cuộc tập trận của họ sẽ tiếp tục vào ngày 6/12.
Hai đồng minh Mỹ - Hàn tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung trong năm nay, nói rằng chúng cần thiết để ngăn chặn Bắc Hàn trang bị vũ khí nguyên tử, nước đã nối lại vụ thử phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa tầm xa lần đầu tiên kể từ năm 2017, và cũng đã chuẩn bị để nối lại vụ thử nguyên tử.

Bắc Hàn chỉ trích các cuộc tập trận chung này là bằng chứng cho chính sách thù địch của Hoa Thịnh Ðốn và Hán Thành.


Iran Xử Tử 4 Người Vì Tội Hợp Tác Với Do Thái!


(Hình: Bản đồ Iran.)

- Thông tấn xã Reuters dẫn truyền thông nhà nước Iran loan tin cho hay hôm 4/12/2022, Iran hành quyết 4 người đàn ông do bị kết tội hợp tác với cơ quan gián điệp Mossad của Do Thái.

Cộng hòa Hồi giáo Iran từ lâu đã cáo buộc kẻ thù không đội trời chung Do Thái thực hiện các hoạt động bí mật trên lãnh thổ của mình. Gần đây, Tehran cáo buộc các cơ quan tình báo của Do Thái và phương Tây âm mưu gây ra một cuộc nội chiến ở Iran, quốc gia hiện đang hứng chịu một số cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Truyền thông nhà nước Iran hôm 30/11 đưa tin rằng Tòa án Tối cao của nước này đã giữ nguyên bản án tử hình đối với bốn người đàn ông “vì tội hợp tác với các cơ quan tình báo của chế độ Zionist và tội bắt cóc”.

Ba người khác đã bị tuyên án từ 5 đến 10 năm tù về các tội bao gồm hành động chống lại an ninh quốc gia, hỗ trợ bắt cóc và sở hữu vũ khí bất hợp pháp, hãng thông tấn Mehr cho biết.
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin rằng những người này bị bắt vào tháng 6, sau sự hợp tác giữa Bộ Tình báo và Lực lượng Vệ binh Cách mạng. Việc bắt giam này diễn ra trước khi xuất hiện tình trạng bất ổn lan rộng khắp đất nước.


Liên Hiệp Âu Châu: Lệnh Cấm Vận Dầu Hỏa của Nga Bắt Đầu Có Hiệu Lực!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay kể từ 0 giờ ngày 5/12/2022, Liên Hiệp Âu Châu (EU) ngừng nhập cảng dầu hỏa Nga bằng đường biển. Cùng lúc, Brussels bắt đầu áp dụng biện pháp vừa được thông qua cuối tuần này, áp giá trần 60 Mỹ kim một thùng dầu của Nga bán cho các quốc gia khác trên thế giới. Thu nhập của Nga bị ảnh hưởng, nhưng trước mắt thị trường dầu hỏa thế giới không rơi vào khủng hoảng.

Tháng 5/2022, Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý về biện pháp ngừng nhập cảng dầu hỏa của Nga, trừng phạt Mạc Tư Khoa đưa quân xâm chiếm Ukraine. Sau nhiều tranh cãi trong nội bộ khối này, lệnh cấm nhập cảng dầu thô của Nga bằng đường biển bắt đầu có hiệu lực từ hôm 5/12. Brussels thẩm định, lệnh trừng phạt này nhắm vào 40% khối lượng dầu của Nga xuất cảng sang Âu Châu. Cho đến trước khi nổ ra chiến tranh Ukraine, Liên Hiệp Âu Châu là khách hàng lớn nhất mua dầu hỏa của Nga.

Giới quan sát coi đây là một biện pháp “mạnh”, bởi 2/3 dầu hỏa Liên Hiệp Âu Châu mua vào của Nga được chuyên chở quan đường biển và 1/3 còn lại là được chuyển vào Âu Châu qua các đường ống dẫn dầu. Những khách hàng của Nga mua dầu qua ngả đường bộ, như Hung Gia Lợi, Slovakia hay Cộng hòa Séc không bị ảnh hưởng. Những quốc gia này “cần có thêm thời gian để tổ chức lại” mạng lưới cung cấp năng lượng.

Thêm vào đó, biện pháp trừng phạt Brussels ban hành trước mắt chỉ liên quan đến các khoản dầu thô của Nga bán cho Liên Hiệp Âu Châu. Lệnh cấm vận không liên quan đến khối lượng dầu lọc của Nga xuất cảng sang Âu Châu. Vì vậy, trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về dầu khí Francis Perrin, viện nghiên cứu Policy Center for the New South tại Rabat (Maroc), loại trừ khả năng thị trường dầu hỏa thế giới bị chao đảo vì quyết định trừng phạt Liên Hiệp Âu Châu ban hanh:

“Tôi không nghĩ là thị trường dầu hỏa thế giới lâm vào thế bất ổn. Đương nhiên là việc Liên Hiệp Âu Châu ban hành lệnh cấm vận sẽ tác động trên thị trường và ảnh hưởng đến giá dầu. Nhưng từ đầu năm đến nay, đã có những chuyển biến trên thị trường dầu hỏa thế giới: Dầu của Nga chủ yếu dành để xuất cảng sang Á Châu -Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc thì Liên Hiệp Âu Châu đã bớt lệ thuộc vào Nga mà chủ yếu nhập cảng năng lượng của Mỹ, của Trung Đông và Phi Châu”.

Liên Hiệp Âu Châu Áp Giá Trần Dầu Lửa Nga: Mạc Tư Khoa Dọa Trả Đũa, Kyiv Không Thỏa Mãn

- Ngày 4/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngay sau khi Liên Hiệp Âu Châu (EU) thông qua mức giá trần đối với dầu lửa Nga nhằm chặn nguồn thu nhập của Mạc Tư Khoa, chính quyền Kyiv cho rằng mức 60 Mỹ kim/thùng vẫn còn quá cao.

Trong khi đó, Ðiện Cẩm Linh tỏ ra bình thản và thông báo đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa. Thông tín viên RFI Julian Colling tường trình từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga:
“Nga đã chuẩn bị cho việc áp giá trần này”. Phát ngôn viên của Ðiện Cẩm Linh Dmitri Peskov thông báo như trên nhưng không nêu chi tiết các biện pháp đáp trả đó. Không có gì ngạc nhiên khi ông Peskov khẳng định Nga “từ chối” mức giá trần được ấn định 60 Mỹ kim/thùng.

Cùng lúc, ông Mikhaïl Oulianov, Ðại sứ Nga bên cạnh các tổ chức quốc tế ở Vienna, tuyên bố là mức giá trần đó đơn thuần đồng nghĩa với việc ngừng giao dầu lửa, Âu Châu phải trải qua một mùa Đông không có dầu lửa Nga.

Nhưng Mạc Tư Khoa có một yếu tố rõ ràng để tự trấn an: Mức giá trần 60 Mỹ kim thực ra chỉ ít hơn một chút giá hiện nay của một thùng dầu thô Urals, đang được bán khoảng 65 Mỹ kim. Do đó, tác động trong ngắn hạn có lẽ chỉ là tương đối cho nền kinh tế Nga, vốn đã quen với các biện pháp trừng phạt và chống cú sốc tốt hơn dự kiến.

Về phía Tổng thống Ukraine, tối thứ Bẩy (3/12), ông Volodymyr Zelensky đã chỉ trích mạnh mẽ một quyết định quá thận trọng của Âu Châu. Ông cho rằng lẽ ra phải áp dụng mức giá trần 30 Mỹ kim, thay vì 60 Mỹ kim, để thực sự “phá hủy nền kinh tế Nga” như Kyiv yêu cầu”.

Xin nhắc lại, dù bị trừng phạt, Nga vẫn thu về được khoảng 70 tỉ Mỹ kim tiền bán dầu từ đầu cuộc can thiệp vào Ukraine và thu lợi nhờ tăng khối lượng xuất cảng dầu lửa, chủ yếu sang Trung Quốc và Ấn Độ”.

Quyết định áp giá trần dầu lửa Nga của các nước phương Tây, có hiệu lực từ thứ Hai (5/12), buộc nhóm OPEC+ (gồm 13 nước thành viên và 10 đối tác, trong đó có Nga) họp khẩn qua hình thức trực tuyến ngày 4/12. Theo thông tấn xã AFP, OPEC+ thông báo duy trì mức sản xuất đã được đề ra cho đến cuối năm, có nghĩa là giảm 2 triệu thùng mỗi ngày, theo quyết định được đưa ra vào tháng 10.


SIPRI: Thị Trường Vũ Khí Tăng Chậm Trong Năm 2021

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay buôn bán vũ khí và các dịch vụ dành cho lĩnh vực quân sự đã tăng lên trong năm 2021. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 và chiến tranh tại Ukraine đã tác động mạnh đến nguồn cung, gây ra nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Thông tấn xã AFP trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hòa bình Stockholm (SIPRI), công bố hôm 5/12/2022, cho biết: 100 tập đoàn vũ khí lớn nhất thế giới đã bán tổng cộng 592 tỉ Mỹ kim vũ khí và các dịch vụ dành cho lĩnh vực quân sự trong năm 2021, tăng 1,9% so với năm 2020.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Trả lời thông tấn xã AFP, nhà nghiên cứu Nan Tian, đồng tác giả tập báo cáo cho rằng “tác động lâu dài của đại dịch thật sự bắt đầu hiện rõ trong nhiều hãng sản xuất vũ khí”.

Tình trạng thiếu nhân công và nguồn cung nguyên nhiên liệu, là những nguyên nhân chính làm “trì trệ khả năng sản xuất các loại khí tài và giao hàng đúng hẹn”
Cuộc chiến tại Ukraine còn làm trầm trọng thêm nguồn cung vũ khí, nhất là Nga, “quốc gia cung cấp lớn nhất các loại nguyên nhiên liệu dùng để chế tạo vũ khí”. Báo cáo nhìn nhận cuộc xung đột này đã đẩy mức cầu vũ khí tăng cao.

Theo nhà nghiên cứu Nan Tian, hiện vẫn khó đánh giá được quy mô của mức tăng, vốn dĩ phụ thuộc cả về nhu cầu hồi phục kho dự trữ từ những nước đã giúp đỡ Ukraine, lẫn tầm mức nghiêm trọng của môi trường an ninh, mà những quốc gia này tìm cách trang bị vũ khí.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn thống lĩnh thị trường thế giới về sản xuất vũ khí, chiếm đến hơn một nửa nguồn cung toàn cầu (tức khoảng 299 tỉ Mỹ kim, nhưng Hoa Kỳ lại là quốc gia duy nhất trong năm 2021 có mức bán ra bị giảm so với năm 2022. Cùng giai đoạn này, tăng trưởng từ 8 tập đoàn Trung Quốc đã tăng lên 6,3%, đạt tổng trị giá 109 tỉ Mỹ kim. Các doanh nghiệp Âu Châu xếp hạng 27/100 có mức doanh thu trong khoảng 123 tỉ Mỹ kim, tức tăng 4,2% so với năm 2020.


Bỉ: Phiên Tòa Xét Xử Vụ Khủng Bố Năm 2016 Tại Brussels Bắt Đầu Phần Tranh Tụng

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 5/12/2022, phiên tòa xét xử vụ khủng bố ngày 22/3/2016 tại thủ đô nước Bỉ bắt đầu đi vào thực chất, với phần tranh luận được mở ra.

Vụ khủng bố tại phi trường Zaventem và một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels đã khiến 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương, do chính nhóm khủng bố đã giết chết 131 người trong vụ khủng bố ở Paris 4 tháng trước đó thực hiện. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết cụ thể:

Phiên tòa xét xử vụ khủng bố ngày 22/3/2016 mở ra vào hôm nay tại trụ sở cũ của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), một địa điểm được bố trí đặc biệt cho phiên tòa này với một phòng xử án chính và tám phòng bổ sung. Đây sẽ là nơi tiếp 960 nguyên đơn.

Đây là một phiên tòa rất đặc biệt đối với Bỉ, được khởi động sau khi phiên tòa ở Pháp xét xử vụ khủng bố ngày 13/11/2015 kết thúc. 5 trong số 10 bị cáo trong phiên tòa ở Brussels, đã bị kết án trong vụ khủng bố ở Paris, trong đó có Salah Abdeslam và Mohamed Abrini bị kết án tù chung thân.
Phần lớn phiên tòa tại Brussels này sẽ dựa trên các yếu tố chung với phiên tòa ở Paris nhưng với các thủ tục khác nhau, bởi vì ở Bỉ là phiên tòa đại hình, trong đó bồi thẩm đoàn nhân dân sẽ phán quyết xem từng bị cáo có tội hay không.

Xảy ra 4 tháng sau vụ khủng bố ở Paris, trong một chừng mực nào đó, vụ khủng bố ở Brussels là hệ quả trực tiếp của vụ khủng bố ở Pháp, vì lẽ vụ bắt giữ Salah Abdeslam ở Molenbeek-Saint-Jean 4 hôm trước đó dường như đã thúc đẩy những thành viên còn lại trong nhóm khủng bố ra tay.


Tân Tây Lan Khởi Động Cuộc Điều Tra Về Việc Giải Quyết Đại Dịch COVID-19


(Hình: Một biển báo trên đường cao tốc Auckland, Tân Tây Lan, kêu gọi mọi người chích vaccine COVID-19, ngày 16/10/2021.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay Tân Tây Lan đang thành lập một ủy ban điều tra hoàng gia về việc giải quyết đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết kết quả của cuộc điều tra sẽ giúp các chính phủ trong tương lai chuẩn bị cho những tình huống tương tự.

Thủ tướng cho biết hôm 5/12/2022: “Chúng tôi không có sách vở nào để áp dụng quản lý COVID-19, nhưng với tư cách là một quốc gia, chúng tôi đã đoàn kết một cách phi thường và chúng tôi đã cứu được nhiều người”.
Bà Ardern cho biết hôm 5/12 rằng đại dịch COVID-19 “là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe của người dân Tân Tây Lan và nền kinh tế của chúng ta kể từ Ðệ nhị Thế chiến”.

Tân Tây Lan được báo trước rộng rãi về các bước mà họ đã thực hiện dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm COVID thấp. Tuy nhiên, một số cư dân Tân Tây Lan ở ngoài nước khi đại dịch xảy ra nhận thấy rằng họ gặp khó khăn khi về nước.

Bà Ardern cho biết: “Tân Tây Lan có ít ca bệnh, số ca nhập viện và số ca chết cũng ít hơn gần như bất kỳ quốc gia nào khác trong hai năm đầu tiên xảy ra đại dịch nhưng chắc chắn đã có tác động rất lớn đối với người dân Tân Tây Lan cả ở trong nước và ngoại quốc”.

Cuộc điều tra sẽ bắt đầu vào đầu năm tới và sẽ được dẫn dắt bởi nhà dịch tễ học Tony Blakely.

Phi Hành Gia Trung Quốc Trở Về Trái Đất Sau Sứ Mệnh ‘Thành Công’ Kéo Dài 6 Tháng


(Hình: Nữ phi hành gia Trung Quốc Liu Yang trở về trái đất hôm 4/12/2022.)

- Thông tấn xã Reuters trích thuật đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin cho hay 3 phi hành gia Trung Quốc hạ cánh trở lại trái đất hôm 4/12/2022 từ tàu không gian Thần Châu-14, kết thúc sứ mệnh kéo dài 6 tháng trên trạm không gian của Trung Quốc.

Ba phi hành gia - chỉ huy Chen Dong và các đồng đội Liu Yang và Cai Xuzhe - những người đã giám sát giai đoạn xây dựng cuối cùng, then chốt tại trạm không gian, được hoàn thành vào tháng 11, tất cả đều cho biết họ cảm thấy khỏe mạnh sau khi hạ cánh trong bản ghi âm được phát sóng trên đài CCTV.
Tàu không gian này hạ cánh xuống địa điểm Đông Phong ở khu tự trị Nội Mông phía Bắc Trung Quốc lúc 8 giờ 9 phút tối giờ địa phương với các nhân viên từ cơ quan không gian tuyên bố toàn bộ nhiệm vụ, bắt đầu vào ngày 5/6, là một “thành công hoàn toàn”, CCTV đưa tin.

Nhân viên tại bãi đáp lần lượt khiêng phi hành đoàn trông có vẻ mệt mỏi và đài CCTV đưa tin cả 3 người đã ra khỏi tàu an toàn vào lúc 9 giờ hơn.

Hôm 30/11, một phi hành đoàn mới gồm 3 phi hành gia Trung Quốc đã đến trạm không gian trên tàu Thần Châu-15 để thay thế nhóm này.
Trạm không gian này cho thấy một cột mốc quan trọng trong chương trình không gian có người lái kéo dài 3 thập kỷ của Trung Quốc, lần đầu tiên được phê duyệt vào năm 1992. Trạm này cũng đánh dấu sự khởi đầu cho việc cư trú lâu dài của Trung Quốc trong không gian.

Việc xây dựng trạm không gian này bắt đầu vào tháng 4 năm 2021 với việc ra mắt mô-đun đầu tiên và lớn nhất trong số ba mô-đun của trạm, Thiên Hà, là khu sinh hoạt của các phi hành gia.


Tin Tặc Trung Quốc Bị Tố Ăn Cắp Nhiều Triệu Mỹ Kim Tiền Cứu Trợ COVID của Hoa Kỳ


(Hình ảnh tin tặc Trung Quốc bị Hoa Kỳ truy tố vào năm 2014.)

- Các tin tặc Trung Quốc ăn cắp hàng chục triệu Mỹ kim tiền cứu trợ COVID tại Hoa Kỳ kể từ năm 2020, Cơ quan Mật vụ tiết lộ hôm 5/12/2022.
Cơ quan Mật vụ từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết bổ sung nào, nhưng xác nhận một bản tin của NBC News cho biết nhóm tin tặc Trung Quốc chịu trách nhiệm được biết đến trong cộng đồng nghiên cứu an ninh là APT41 hoặc Winnti.

Theo các chuyên gia, APT41 là một nhóm tội phạm lớn đã tiến hành kết hợp các vụ xâm nhập mạng do chính phủ hậu thuẫn và các vụ vi phạm dữ liệu có động cơ tài chánh.

Một số thành viên của nhóm tin tặc đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố vào năm 2019 và 2020 vì tội do thám hơn 100 công ty, bao gồm các công ty phát triển nhu liệu điện toán, nhà cung cấp viễn thông, các công ty truyền thông xã hội và các nhà phát triển trò chơi điện tử
“Đáng tiếc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn một con đường khác để làm cho Trung Quốc an toàn đối với tội phạm mạng miễn là chúng tấn công các máy điện toán bên ngoài Trung Quốc và ăn cắp tài sản trí tuệ hữu ích cho Trung Quốc”, cựu Thứ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen cho biết vào thời điểm đó.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận.

Tin Nóng Việt Nam

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Nhận Hồ Sơ Đề Nghị Điều Tra Chống Lẩn Tránh Thuế Ghim Dập Việt Nam


(Hình: Một nhà máy sản xuất ghim dập tại Việt Nam.)

- Truyền thông nhà nước Việt Nam ngày 5/12/2022 dẫn nguồn Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Hà Nội cho hay Đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm ghim Việt Nam nhập vào Mỹ đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nhận.

Tin dẫn lại thống kê sơ bộ từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho thấy vào năm 2021, Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ khoảng 18 triệu Mỹ kim sản phẩm ghim dập. Số này chiếm chừng 12% tổng kim ngạch nhập cảng sản phẩm này vào Hoa Kỳ; đứng hàng thứ ba sau Trung Quốc và Nam Hàn
Vào năm 2019, kim ngạch sản phẩm ghim dập của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ là 2 triệu Mỹ kim, đến năm 2020 tăng đột biến lên 16 triệu Mỹ kim và năm 2021 18 triệu Mỹ kim.

Trong thời gian 30 ngày, có thể gia hạn thêm 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn, DOC Hoa Kỳ sẽ xem xét biện pháp khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sự việc sản phẩm ghim dập của Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ.


Hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa Được Apple Maps Thêm Vào Theo Yêu Cầu của Bộ Thông Tin-Truyền Thông


(Hình: Bản đồ Việt Nam trên Apple Map.)

- Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Apple bổ sung vào ứng dụng bản đồ Apple Maps sau khi có yêu cầu từ Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam.

Mạng báo VietnamNet loan tin ngày 5/12/2022 dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông như vừa nêu.
Cụ thể từ cuối tuần trước, sau khi được phản ánh về thông tin liên quan, Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử liên hệ ngay với Apple và yêu cầu bổ sung thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường sa vào ứng dụng bản đồ của Apple.

Vào chiều ngày 5/12, người dùng các thiết bị chạy hệ điều hành iOS đã thấy thông tin 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên ứng dụng bản đồ Apple Maps.
Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Mã Lai Á và Phi Luật Tân có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn tuyên bố gần như trọn vùng biển này thuộc của họ.

Riêng quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm từ phía Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1974.

Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague (Hòa Lan) vào tháng 7 năm 2016 tuyên bố đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông để giành chủ quyền là không có căn cứ cả về pháp lý và lịch sử. Bắc Kinh từ chối thi hành phán quyết của tòa PCA.


Nam Hàn-Việt Nam Nỗ Lực Thúc Đẩy Thương Mại


(Hình: Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol (phải) và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sau công bố tuyên bố chung tại Hán Thành hôm 5/12/2022.)

- Tờ Korea Herald và truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tin trong ngày 5/12/2022 cho hay lãnh đạo hai nước Nam Hàn và Việt Nam đã ra tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.

Tờ Korea Herald nhận định sự kiện trên diễn ra giữa lúc, Nam Hàn – một nền kinh tế lớn thứ tư Á Châu đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động sang Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh kỹ thuật Mỹ-Trung đang gia tăng.
Cũng theo tờ Korea Herald, hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày, bắt đầu từ Chủ Nhật và diễn ra lần cuối cách đây 11 năm, là điểm nổi bật mới nhất trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào các đối tác thương mại lớn nhất của Hán Thành – là Trung Quốc và Mỹ. Đây cũng là cơ hội để vun đắp quan hệ thương mại ở Đông Nam Á, nơi Việt Nam đóng vai trò liên kết quan trọng với thị trường lớn hơn mà nhà lãnh đạo Nam Hàn gọi là “quan trọng hơn bao giờ hết”.

Qua đó, trong tuyên bố chung, lãnh đạo cấp cao Việt Nam-Nam Hàn nhất trí tăng cường giao lưu hợp tác theo những hướng cụ thể như tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao cũng như quốc phòng an ninh và trị an; mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển; hợp tác phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp, năng lượng; tăng cường nghiên cứu phát triển khoa học-kỹ thuật, thông tin truyền thông và hợp tác lao động, y tế, giáo dục.

Riêng về các vấn đề khu vực quốc tế, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; khẳng định nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không có hành động đơn phương nhằm quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình ở Biển Đông; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhắc lại lập trường chung liên quan đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên được nêu tại Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23; nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí nguyên tử đe dọa hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á cũng như thế giới.


Thêm Nhiều Người Bị Kỷ Luật Về Vụ Việt Á, Bị Bắt Vì Vụ ‘Chuyến Bay Giải Cứu’


(Hình: Công an Việt Nam bắt thêm 7 người dính líu vào vụ “chuyến bay giải cứu”, 3/12/2022.)

- Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với một loạt đơn vị, cá nhân có vi phạm liên quan đến vụ Công ty cổ phần Kỹ thuật Việt Á thổi giá, đưa hối lộ và ăn chênh lệch tiền bán các bộ xét nghiệm COVID-19, nhiều báo Việt Nam đưa tin hôm 5/12/2022.
Việc ra quyết định kỷ luật là kết quả của một cuộc họp hôm 2/12, trong đó Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng xem xét, thi hành kỷ luật đối với các đảng ủy của Sở Y tế, Sở Tài chánh, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng, Chi bộ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Bên cạnh các đơn vị đó, biện pháp kỷ luật cũng được áp dụng với các ông, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố; Trần Thủ, Phó Giám đốc Sở Tài chánh thành phố; Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng; và Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Các hình thức cụ thể được đưa ra gồm khiển trách đối với các đảng ủy của Sở Y tế thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Tài chánh thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Bệnh viện Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025, Chi bộ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2022, và các ông, bà Trần Thanh Thủy, Trần Thủ, Lê Đức Nhân, Lê Thành Phúc. Riêng đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 bị cảnh cáo.

Trong một diễn biến cũng liên quan đến giai đoạn Việt Nam phòng chống dịch COVID-19, vẫn theo báo chí trong nước, công an Việt Nam hôm 3/12 quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám nhà cũng như nơi làm việc đối với 7 nghi phạm bị cho là có vai trò trong vụ án hình sự “môi giới hối lộ” xảy ra tại Bộ Ngoại giao và nhiều địa phương ở Việt Nam, còn được gọi là vụ các “chuyến bay giải cứu”.

Trong số này, cùng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” là các ông Vũ Hồng Quang, 45 tuổi, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải; Vũ Ngọc Minh, 61 tuổi, nguyên cán bộ Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Angola; và Lý Tiến Hùng, 53 tuổi, nguyên cán bộ Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Nga, hiện là chuyên viên Vụ Khoa học Kỹ thuật và Môi trường Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có ba người bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ” là bà Nguyễn Thị Hiền, 35 tuổi, là người lao động tự do; ông Đào Minh Dương, 51 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vijasun; và ông Nguyễn Thế Dũng, 42 tuổi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch, thương mại Sang Trọng.

Riêng bà Phạm Thị Kim Ngân, 40 tuổi, cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, bị khởi tố về tội “Môi giới hối lộ”.


Bắt Đầu Phần Tuyên Án 74 Người Trong Đường Dây Buôn Lậu 200 Triệu Lít Xăng Tại Đồng Nai


(Hình: Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu ở các tỉnh phía Nam.)

- Vụ xử 74 người trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng bắt đầu phần tuyên án vào ngày 5/12/2022 sau một tháng xét xử.
Tin do truyền thông nhà nước loan trong cùng ngày và cho biết do số lượng bị cáo trong vụ án đông nên dự kiến phần tuyên án sẽ kéo dài đến ngày 7/12.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, đây là vụ buôn lậu xăng dầu lớn nhất cả nước từ trước đến nay với 200 triệu lít xăng trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng. Ngoài 74 bị cáo, vụ án còn có 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, 81 Luật sư bào chữa và 43 người làm chứng.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành cáo trạng truy tố Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Dương Hải Phòng), Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn TM Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ (quê Hải Phòng) và 70 đồng phạm về tội buôn lậu. Riêng Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn cùng các đồng bọn đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá khoảng gần 2.900 tỉ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỉ đồng. Cũng theo cáo trạng, bị can Ngô Văn Thụy – cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan đã “nhận quà” nhiều lần tổng số tiền khoảng 800 triệu để bỏ qua, không bắt tàu của Tứ.

Ngày 15/7, liên quan đến đường dây xăng dầu lậu này, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 14 bị cáo trong vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi ngoại quốc trái phép.


Không có nhận xét nào: