Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

TẤM LÒNG HOÀN LƯƠNG - Truyện - Đức Hoàng


Mỗi chiều thứ ba và thứ bẩy, quãng năm giờ chiều, trước cửa căng tin nhà thương K- Hà nội; lại có một chiếc xe mầu đen bóng đậu ở đó. Một nhóm bốn người săm trổ đầy mình nhanh chóng xuống xe, khuân một thùng nhựa cách nhiệt lớn đặt lên bàn. Đó là thùng cháo từ thiện dành cho những bệnh nhân ung thư và người nhà họ. Những bệnh nhân nghèo, từ xa tới Hà Nội, để nhận sự chữa chạy.
<!->
   Bất kỳ ai có việc đi qua nhà thương K cũng đều muốn đi nhanh, bởi nơi đây, chỉ dành cho những bệnh nhân hầu như đã ký tên vào cửa tử.
   Ngoài cổng nhà thương, cũng như trên các hành lang. Từng nhóm người mặt mày hốc hác, cằn cỗi; trên mặt đầy những lo lắng buồn rầu và tuyệt vọng lô nhô, đứng ngồi.
   Thường trong nhóm người săm trổ đó, có một cặp vợ chồng. Anh Tuấn và chị Hương. Tuấn đã có một thời vào tù ra khám, trấn lột, đâm chém người cũng như đối thủ trong thế giới xã hội đen không gớm tay, để tồn tại. Giờ Tuấn là một người đàn ông khoảng 50.
   Trong những ngày cuối cùng, trước khi ra khỏi trại giam, anh đã gặp một mục sư. Họ nói chuyện với nhau về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, về tương lai sau khi trở lại cuộc sống hoàn lương.
    Giờ Tuấn đã là một chủ tiệm ăn thành đạt, và có vài dẫy nhà trọ cho những người nghèo thuê.
    Điều ân hận nhất, làm Tuấn day dứt tâm can anh mãi là : Khi mẹ chết vì ung thư, trong cơn đau cùng cực, mẹ luôn nhắc tới anh - thằng con tháo vát, thông minh nhất nhà, chỉ vì đua đòi chúng bạn mà giờ đây đang sống khổ sở nơi hang sơn cùng cốc. Bà chỉ ước ao, trước khi chết, bà được gặp mặt thằng con; đã có thời, là niềm hy vọng và tự hào cuả bà. Trước khi chồng mất, ông có dặn bà cố gắng nuôi thằng Tuấn nên người.
    Giờ làm lại cuộc đời, Tuấn đã nhận vào làm cho nhà hàng cuả anh, toàn là những người đã từng sa chân vào tù tội. Tuấn tin ở những người bạn này. Khi còn trong giới giang hồ, họ không từ một thủ đọan nào để kiếm tiền. Để cố vươn lên trong xã hội bằng mọi giá.
    Một điều, Tuấn thấy được trong những người Tuấn còn giữ liên hệ và giúp họ vượt qua khốn khó, sau những năm tháng dài tù tội là: Họ còn có cái nghĩa hiệp cuả giới giang hồ, sống chết có nhau. Tất cả bạn cuả Tuấn, chưa bao giờ trấn lột người thân cô thế cô. phần lớn, họ bị bần cùng hoá, bị trói chân , trói tay; tức nước vỡ bờ, nên họ làm liều.
    Khi nghe bạn nói, tuần này, thằng Thắng, thằng Mai...ra tù. Là chính bản thân Tuấn đến đón về nhà mình hay nhờ bạn đi đón.
    - Tao cũng không giầu có gì, nhưng hãy về sống với vợ chồng tao một thời gian, cùng làm việc với anh em; có rau có cháo, đều chia nhau. Nếu thích thì ở lại, còn có ý hướng riêng thì mày cứ tự do quyết định. Tao sẽ giúp mày, trong khả năng cuả tao.
   Lúc đầu, khi mới mở nhà hàng. Khách rất ngại khi vào tiệm cuả họ. Vì người phục vụ, cho đến đầu bếp, toàn săm trổ đầy mình. Họ sợ rằng: Bát phở 10.000 đ, họ đòi bao nhiêu cũng phải trả. Ai dám cãi với dân anh chị, bặm trợn như vậy!
   Tuấn yêu cầu mấy ông bạn, nên mặc sơ - mi dài tay, và cách ăn nói cũng nên lịch sự hơn.
    Dần dần, tiệm ăn đông khách và thành công không ngờ. Đến mức, xe khách thả khách ở bến xe, có nhiều tiệm ăn gần kề, mà khách không ăn, lại đi một quãng khá xa để ăn ở tiệm CÁC CHÚ SĂM TAY. Không ai nhắc tới tên tiệm là HOÀN LƯƠNG nưã.
    Trong số bạn anh, Tuấn đã giúp vài người có vợ, có chồng và cuộc sống ổn định. Họ mua đất gần nhà Tuấn, ở quây quần với nhau, như anh em trong một gia đình. Sáng sớm, nhìn mấy ông bạn, chở con đi học, đưa vợ đi làm, thật tận tụy và trá́ch nhiệm. Không ai có thể nghĩ họ đã từng là dân chọc trời, khuấy nước. Coi mạng sống cuả mình, nhẹ như lông hồng. Nhiều lúc nhìn họ, Mắt Tuấn ứa nước mắt.
    Một hôm, Tuấn nói chuyện với vài chiến hữu cuả mình:
    - Tôi có một ý thế này. Gần đây, có chi nhánh nhà thương K, chuyên nhận những bệnh nhân ung thư, gần đất xa trời. Tôi cũng mất bà già vì ung thư, còn mấy ông cũng mất cha, mẹ, khi còn trong tù. Những thằng đàn ông như tụi mình cũng thấy buồn lòng khi nghĩ lại. Giờ tôi nghĩ mình hãy làm một điều gì hữu ích, cho người khác, đang ở trong hoàn cảnh khốn cùng. Hôm qua, tôi ghé thăm nhà thương K. Bệnh nhân cũng như người nhà họ, nghèo lắm. Họ nằm vạ vật dưới đất, đói khát, thậm chí người nhà nhịn đói, để dành tiền thuốc cho con chắu họ.... Tuấn không ngờ, anh em ủng hộ ý tưởng đó hết mình.
    - Tôi cũng đã phải vào đó thăm bà con bên vợ tôi. Dân có tiền, có chức, được phòng riêng, y tá, bác sỹ chăm nom, hỏi han như họ mới là người. Còn dân nghèo từ nơi xa tới, hai người chung một giường, nằm tráo đầu nhau. Nhìn họ trong cơn đau ung thư, mẹ kiếp, tao là thằng tim đá, mà còn rớt nước mắt. Xã hội khốn nạn. Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Tao ủng hộ cả hai tay- Hùng, dù mặc áo dài tay, nhưng cũng không che được các dấu săm trên các ngón tay, và cổ phẫn nộ nói.
    Lúc đầu, họ phải đi các phòng, gọi mọi người xuống ăn. Nhiều người rất đói, muốn xuống nhận cháo từ họ, nhưng khi trông thấy mấy chú săm trổ cũng sợ. Sự nghèo khó́, đói khát, thiếu thốn rồi cũng khiến họ vượt qua các sợ hãi ban đầu. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, giờ ai cũng nói : Chỉ mong chóng đến chiều thứ ba và thứ bẩy, để được ăn cháo cuả mấy chú SĂM TRỔ là ngon nhất. Bây giờ ra ngoài ăn, đắt đỏ lắm.
    Thường thì Tuấn đi cùng vợ, phát Cháo cho mọi người. Một hôm, vì bận việc gì đó, anh không đi được. Hùng thay anh làm trưởng nhóm.
    Đang giao dịch với khách, Tuấn nhận được Phone từ Hùng:
    - Alô, Tuấn hả. Có một con bé, nó cứ thập thò định đưa cái hộp đựng cháo ra cho tao múc cho nó, rồi lại thôi. Nó có vẻ sợ tao. Tao nói: Này, Tôi có phải thằng giết người đâu mà cô sợ tôi vậy? Đ... mẹ, có ăn không? Đưa cái hộp đó đây tao múc cháo cho. Nó liền ù té chạy. Thế có điên không chứ.
    - Ông Hùng à, tôi đã nói với ông rồi. Hãy quên các từ Đ..đi, nói năng cho tử tế chút được không? Cuả cho không bằng cách cho. Ông làm tôi buồn về ông năm phút. Ông bảo ông không muốn con ông có cuộc sống như ông, thì nó bắt đầu từ ngay ngôn từ cuả ông...
   - Ừ nhỉ, mẹ kiếp, tao cứ quên , quen miệng; tiên sư thằng tao, he he he.
   - Phát cháo sắp xong chưa?
   - Vô cùng đắt hàng ! Có một bà già mới đưa con bị ung thư mắu đến đây. Lần đầu nghe có cháo từ thiện. Đi lấy. Tao múc cháo cho bà, bà nưả muốn đi, nửa muốn trả tiền. Lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Tao trông bà tội nghiệp quá, bảo : Không mất tiền, bà cứ tự nhiên mang về phòng mà ăn với con. Mắt bà đỏ hoe, đưa vạt áo chùi mắt, run run cảm ơn tao. Mẹ kiếp, bà trông giống bà già tao quá! Tao cũng rớt nước mắt. Tao bảo bà: Đừng cảm ơn tôi, cảm ơn thằng Tuấn , bạn tôi. Lần sau, mày đi phát cháo nhớ. Tao chúa ghét cái kiểu : CỦA NGƯỜI, PHÚC TA. Nhưng thú thật với mày, giờ tao cũng cảm thấy vui khi nghĩ về bà già tao, khi chết bà không gặp được tao. Thằng con trời đánh, làm bà chết sớm. Nhưng giờ, tao làm việc này, bà có chứng kiến, chắc bà cũng đỡ buồn vì tao.
   - Mày hôm nay ăn gì mà nói nhiều vậy ? hả thằng cóc mở miệng ?
   - Mày không biết con vợ tao, giờ mê tao, vì tao tặng nàng bài thơ con cóc hả ?
   - Hùng à, tao rất khoái con người cuả mày bây giờ. Tí nữa, xong việc, ghé tao. Tao có mua vài cái cặp sách mới cho con tao và con mày và vài anh em. Thằng con mày, mới năm tuổi, mà hỏi tao những câu rất thông minh. Hãy làm cái gì đó, để lại cái nghiệp tốt cho chúng nó.
   - Ừ, tao sẽ dẫn thằng con tao, đi phát cháo cùng với tao. Cho nó biết nghĩ tới người khác.
   - Tao dành cái cặp sách mầu xanh dương cho con mày.
   - Sao ông biết con tôi thích cái mầu đó?
   - Thì mày vừa nói câu gì? Có phải câu : CHO NÓ BIẾT NGHĨ TỚI NGƯỜI KHÁC phải không ?
   - Tiên sư mày, ông không thể cãi được với mày.
  
   Sáng sớm, Hương, vợ Tuấn đã cùng chị bạn đi chợ. Chị chọn xương, sườn, và hành tươi cho nồi cháo từ thiện.
   - Này bà Hương, cháo muốn ngon, phải có chút gạo nếp, nó mới sánh và thơm.
   - Tôi nghĩ tới điều đó rồi. Nhưng những người đang chữa ung thư, đa số phải qua giải phẫu. Họ phải kiêng cuả nếp, dễ tạo mủ vết thương. Nên mình tránh, không được để có một hạt gạo nếp nào trong nồi cháo. Hương vưà nhanh tay chọn sườn, vừa nói với bạn.
   - Ừ nhỉ , tôi không nghĩ ra điều đó. Không hiểu sao, gần đây, tôi háo hức đi chợ với bà. Nhìn những người bệnh, tôi như được thêm sức, để cố giúp họ.
  
    - Mẹ ơi, sao mắt mẹ đỏ hoe thế?
    - Trên đường tới đây, em nó đang lái xe máy, chẳng biết từ đâu ra, hai tay công an giao thông, chặn xe nó lại. Họ đọc luật này, luật kia, làm mẹ ù cả tai. Họ đòi phạt tiền, đòi mang xe về bót. Mẹ phải lạy van mấy ông đó, phải đút cho họ tiền, họ mới cho đi. Thế là mẹ phải nhịn ăn, để ở đây trông con rồi. Mà đã hết đâu. Bố con đang phải đi theo kiện cáo lên toà, vì vườn nhà mình, bị xén mất một nửa, trong quy hoạch sân gôn gì đó. Của hương hoả, nhiều đời nhà mình, nay nguy cơ mất trắng. Nó trả cho ít tiền bồi thường, chả mua được cái gì. Lòng mẹ như xé làm đôi. Một nửa ở đây với con, một nửa ở nhà, không biết bố lo làm sao?
   - Thôi mẹ ạ, mình cứ giao số phận cho CHÚA. Vả lại, chiều nay, chiều thứ bẩy, ở đây có phát Cháo từ thiện, cuả các chú SĂM TRỔ, ngon lắm. Mẹ con mình không sợ đói tối nay đâu. Mẹ nhớ mục sư có nói không : Khi cánh cứa này đóng, thì Chuá lại mở cánh cửa khác ra cho mình. Con không lo sợ về bệnh tật cuả con đâu. Khi nào Chuá đón con về là con về. Vừa rồi, một nhóm anh chị, đã đến đây cầu nguyện cho con. Chuá không để cho mẹ con mình đói đâu mẹ à.
 
    Trên bếp lò, nồi cháo từ thiện đang sôi. Chị Hương và người bạn đang tước những mảnh thịt nạc từ các vỉ sườn đã nấu chín nhừ, thả vào nồi cháo. Mùi nước dùng, mùi hành, hạt tiêu, bốc lên thơm ngào ngạt. Hai người đàn bà nhanh tay làm việc. Thỉnh thoảng, con bé con cuả Hương  chạy vào, cũng xé thịt giúp mẹ, giúp cô; nhưng nó chỉ làm bận chân họ thêm. Bà bạn cứ đuổi con bé ra ngoài cho mẹ  làm. Nhưng Hương bảo : Cứ để cho nó chạy ra chạy vào. Nó sung sướng được giúp mẹ, và quan trọng là, để nó biết, mẹ và cô đang làm cái gì, và cho ai. Hy vọng khi nó lớn, nó cũng biết nghĩ tới người khác.     Hai người vưà làm vưà nói chuyện, công việc tiến triển rất nhanh.
    Chỉ còn một tiếng nưã là Tuấn và Hùng cùng hai người bạn tù ngày nào, sẽ giao tiệm ăn cho Hương và mang NỒI CHÁO TỪ THIỆN tới nhà thương. Họ rất vui, vì biết nhiều người đang chờ món CHÁO CUẢ MẤY CHÚ SĂM TRỔ. Món cháo ngon nhất như họ nói.
    Mọi thứ đã sẵn sàng. Hương cùng bà bạn ra cửa nhà đứng chờ chồng và mấy người bạn về. Nắng hè rực rỡ trên phố phường. Hàng cây bàng lăng đang tràn đầy những cụm hoa tím ngát, dọc con phố.
   Chị cảm thấy yêu cuộc sống hơn, và yêu chồng hơn bao giờ hết. Dĩ vãng những ngày xưa đi thăm chồng tù tội, và đối diện với một cuộc sống không lối thoát đã trôi xa, như một cái bóng mờ. Mọi sự xẩy ra như trong mơ. Chị không bao giờ dám tưởng tượng, đời hai vợ chồng
sẽ có ngày hôm nay. Đúng, chỉ cần mình có một tấm lòng.
   Mặt trời cứ hào phóng tuôn tràn sức sống xuống vạn vật. Những hàng bàng lăng tím, cũng thi nhau khoe sắc tím, là mầu cuả sự yêu thương, cuả lòng thuỷ chung .
   Người ta nói: Khi bàng lăng trổ hoa nhiều như vậy, nó thường báo điềm tốt lành, an bình cho người dân.
  
   Đức Hoàng
   Brampton. Canada.

Không có nhận xét nào: