Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :23/10/2024 - Nam Giang


Mỹ mở điều tra về việc rò rỉ tài liệu liên quan đến các kế hoạch của Israel chống Iran Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hôm qua 22/10/2024 thông báo mở điều tra về việc rò rỉ các tài liệu mật liên quan đến các kế hoạch của Israel chống Iran.Một nữ quân nhân Israel bên cạnh mảnh vỡ của một hỏa tiễn đạn đạo Emad của Iran bắn sang tại căn cứ quân sự Julis, miền nam Israel, ngày 09/10/2024. REUTERS - Amir Cohen - Thùy Dương Theo AFP, trong một thông cáo, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết « phối hợp với các đối tác thuộc bộ Quốc Phòng và các cơ quan tình báo » để điều tra. Tuy nhiên, FBI không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
<!>
Cũng vào hôm qua, ứng viên tổng thống Donald Trump trong chuyến đi vận động tranh cử ở Miami (miền đông nam) chỉ trích sự yếu kém của chính quyền Biden thuộc đảng Dân Chủ, đã « chuyển tất cả các kế hoạch của Israel cho kẻ thù » Iran. Trên mạng xã hội Truth Social của chính ông, Donald Trump cho rằng thủ phạm có thể đến từ bộ Quốc Phòng Mỹ.

Trước đó, hôm thứ Hai 21/10, John Kirby, phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng, đề cập đến một cuộc điều tra của bộ Quốc Phòng Mỹ và nói rằng cho đến giai đoạn này vẫn chưa thể khẳng định việc phát tán tài liệu là « do rò rỉ thông tin hay là do một cuộc tấn công mạng ».

Tại sao Israel chưa trả đũa Iran ?
Đã 3 tuần kể từ khi Nhà nước Do Thái tuyên bố sẽ trả đũa sau vụ Iran phóng 200 tên lửa vào Israel. Vậy tại sao chính quyền của thủ tướng Netanyahu vẫn chưa có phản ứng ? Trả lời đài RFI ban Pháp ngữ, tiến sĩ Amélie Férey, nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), phụ trách cơ quan nghiên cứu về quốc Phòng (LRD), nhận định có thể là Tel Aviv đang trong giai đoạn chuẩn bị :

« Có một số khả năng : hoặc là tấn công vào một mục tiêu rất cụ thể nào đó, chẳng hạn nhắm vào một hệ thống phòng không như hồi tháng 04 vừa rồi ; hoặc là nhắm vào một số nhân vật quan trọng, việc này đòi hỏi phải định vị được họ và chờ thời cơ tấn công. Nhưng đó cũng có thể là một đòn tấn công đáp trả trực tiếp nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Chúng ta biết rằng chương trình hạt nhân của Iran được bảo vệ rất nghiêm ngặt, hoặc là được đặt ngầm sâu trong lòng đất, hoặc là có nhiều địa điểm.

(…) Cũng có thể là hiện tại thủ tướng Israel Neanyahu đang trì hoãn với hy vọng Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng. Donald Trump, từng là đối tác cùng với ông Netanyahu xây dựng chiến lược gây áp lực tối đa đối với Iran, sẽ trao phương tiện giúp Netanyahu tấn công mạnh mẽ chế độ Iran ».

Nga phản đối Đức lập trung tâm chỉ huy hải quân ở vùng biển Baltic

Theo hãng tin AFP, bộ Ngoại Giao Nga hôm qua, 22/10/2024, đã triệu đại sứ Đức ở Matxcơva lên để phản đối việc thiết lập một trung tâm chỉ huy hải quân ở vùng biển Baltic với mục tiêu công khai là phối hợp các lực lượng của các thành viên khối NATO tại vùng biển đối diện với Nga. Theo quân đội Đức, căn cứ chỉ huy nói trên sẽ được đặt ở Rostock thuộc lãnh thổ Đông Đức cũ.


Ảnh minh họa cảng Rostock, Đức, ngày 14/10/2024 nơi tàu chở dầu "Annika" neo đậu sau khi bị cháy ngoài khơi biển Baltic. AP - Danny Gohlke
Thanh Phương
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Nga khẳng định: “Washington, Bruxelles và Berlin phải biết rằng việc mở rộng các cơ sở quân sự của khối NATO trên lãnh thổ của Đông Đức cũ sẽ gây ra những hậu quả rất tiêu cực và Nga sẽ có biện pháp đáp trả”.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình:
“Đối với Matxcơva, việc thành lập trung tâm chỉ huy hải quân mới này chẳng khác gì việc tái quân sự hóa Đức Quốc xã năm 1936, bước quan trọng của chế độ thời đó tiến tới Thế Chiến thứ hai.

Nói cách khác, theo phía Nga, Đức đã không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế lệnh cấm thiết lập các căn cứ của khối NATO trên lãnh thổ Đông Đức cũ, đã được quyết định sau khi nước Đức thống nhất. Như vậy, Matxcơva gián tiếp so sánh nước Đức ngày nay với nước Đức của thập niên 1930.

Để phản đối, điện Kremlin đã triệu đại sứ Đức lên để cảnh báo về “những hậu quả tiêu cực” của việc thiết lập căn cứ của NATO. Nhưng Berlin đã bác bỏ các cáo buộc của phía Nga, khẳng định nhân sự từ các thành viên khác của khối NATO được bố trí trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và được đặt dưới sự chỉ huy của quân đội Đức.

Chính vì những lý do đó mà Berlin cho rằng trung tâm chỉ huy hải quân trên vùng biển Baltic chuyên trách phối hợp các lực lượng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương tại khu vực sát cạnh nước Nga là hoàn toàn không trái với hiệp ước quốc tế đã được ký kết khi thống nhất nước Đức.”

Trong khi đó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm nay 23/10 bắt đầu chuyến công du ở vùng Tây Balkan, trong đó bà sẽ đến thăm toàn bộ các quốc gia ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Chặng đầu tiên của chuyến công du này là Albanie, sau đó, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu sẽ đến các nước Bắc Macedonia, Bosnia-Herzegovina, Kosovo và Monténégro.

TT Zelensky : Khoảng 12.000 lính Bắc Triều Tiên dường như đang được huấn luyện tại Nga

Phát biểu trên truyền hình ngày 22/10/2024, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky khẳng định có thông tin cho biết rằng hai lữ đoàn Bắc Triều Tiên, mỗi lữ đoàn gồm 6.000 binh sĩ, hiện đang được huấn luyện tại Nga. Nguyên thủ Ukraina cũng tuyên bố Kiev « biết cách đối phó với thách thức này ».


Hình ảnh lính Bắc Triều Tiên được chiếu trên TV tại nhà ga Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/10/2024. AP - Ahn Young-joon
Minh Anh
Hãng tin Yonhap, dẫn lời lãnh đạo tình báo Ukraina Kyrylo Boudanov, cho biết thêm, số binh sĩ Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ đến vùng Kursk của Nga trong ngày hôm nay, 23/10, để hỗ trợ quân đội Nga đối phó với cuộc xâm chiếm của Ukraina trong vùng.

Trang mạng tạp chí Newsweek của Mỹ hôm qua trích dẫn kênh truyền hình Hàn Quốc Chosun cho biết trong tháng Chín, Bắc Triều Tiên dường như đã điều động phi công chiến đấu đến Vladivostok, Viễn Đông Nga, theo một nguồn tin chính phủ và điều này có thể liên quan đến việc huấn luyện máy bay chiến đấu mà Nga cấp cho Bắc Triều Tiên, nhưng cũng không loại trừ khả năng Nga, do đang thiếu phi công chiến đấu trong cuộc chiến tại Ukraina, đã yêu cầu Bắc Triều Tiên hỗ trợ.

Liên quan đến đoạn video công bố hôm 18/10, cho thấy những hình ảnh đầu tiên về binh sĩ Bắc Triều Tiên ở Nga, Ihor Solovei, một lãnh đạo tổ chức chính phủ Ukraina, trả lời phỏng vấn đài NHK Nhật Bản khẳng định đoạn vidéo này đã được một thành viên quân đội Nga ghi lại tại một trung tâm huấn luyện của Nga và nhóm cộng sự của ông đã nhận được đoạn video này 72 giờ sau khi ghi hình.

Lính Bắc Triều Tiên đào ngũ ngay khi tới Nga

Xin nhắc lại, cả Kiev và Seoul hồi cuối tuần qua, đều khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã gởi khoảng 12 ngàn binh sĩ chi viện cho quân đội Nga. Số binh sĩ này có thể đã được triển khai ở vùng Kursk. Nhưng theo bộ Quốc Phòng Ukraina, nhiều binh sĩ Bắc Triều Tiên có lẽ tìm cách đào ngũ.

Từ Seoul, thông tín viên Celio Fioretti tường thuật :

"Mười tám lính Bắc Triều Tiên đã bị chính quyền Nga bắt lại sau khi đã đào ngũ. Trú đóng ở gần Kursk, họ phải theo các hoạt động huấn luyện tại một khu rừng, theo như tình báo Ukraina.

Nhưng bị chuyên gia huấn luyện bỏ đói, những người lính Bắc Triều Tiên này dường như đã bỏ trốn khỏi vị trí. Họ bị bắt lại hai ngày sau cách đó không xa khoảng 60 km. Khó mà biết được số phận dành cho họ sau khi bị bắt.

Theo Kiev, số binh sĩ Bắc Triều Tiên còn lại sẽ phải được triển khai vào đầu tháng 11 sắp tới tại vùng Kursk để hỗ trợ cho quân Nga.

Đối mặt với sự can dự của Bắc Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc thông báo đang xem xét nhiều giải pháp khác nhau, như gởi vũ khí cho Kiev. Nếu như lệnh chuyển giao chưa được chính thức đưa ra, Seoul cũng dự trù gởi đội ngũ nhân viên quân sự đến Ukraina để giúp đỡ quân đội Ukraina lập chiến lược đối phó Bắc Triều Tiên, cũng như tiến hành các cuộc thẩm vấn trong trường hợp bắt giữ tù binh".

Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan

Đài Bắc hôm nay 23/10/2024 cho biết đang « theo dõi sát sao » việc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan, trong lúc áp lực quân sự từ Bắc Kinh ngày càng gia tăng.


Ảnh minh họa : Tàu Liêu Ninh (Liaoning), tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, hướng đến Hồng Kông nhân kỷ niệm 20 năm ngày Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đóng tại đặc khu hành chính Hồng Kông, ngày 07/07/2017. AP - Vincent Yu
Thùy Dương
Thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan được đưa ra chỉ một hôm sau khi quân đội Trung Quốc cho tập trận bắn đạn thật trong vòng 4 giờ đồng hồ tại khu vực chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 100 km. Theo Đài Bắc, đợt tập trận bắn đạn thật dường như là một phần của « chiến thuật gia tăng hăm dọa » của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan. Cách nay 1 tuần, Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc diễn tập bao vây quân sự đảo Đài Loan với số máy bay nhiều kỷ lục.

Về phản ứng của Tokyo, theo phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Kazuhiko Aoki, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong những ngày qua di chuyển ở vùng biển gần đảo Yonaguni, nằm ở phía nam Nhật Bản, phía đông Đài Loan.

Còn Giang Tân Phiêu (Jiang Hsin-biao), chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan, cho biết con tàu dường như đang quay lại cảng Thanh Đảo ở miền đông Trung Quốc để « tiếp nhiên liệu và bảo trì ». Theo chuyên gia này, việc tàu Liêu Ninh tham gia các cuộc diễn tập quân sự gần đây của Trung Quốc là nhằm « huấn luyện » khả năng đối phó với « các thế lực nước ngoài » và « hăm dọa Đài Loan ».

Về phía của Bắc Kinh, Lâm Kiếm, một phát ngôn viên của bộ Ngoai Giao nhận định việc tàu sân bay Liêu Ninh đến gần Đài Loan là điều « bình thường », bởi vì « Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc ».

Trong khi đó, theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, Wellington Koo, hôm nay tuyên bố là nếu Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận bao vây Đài Loan thì sẽ cấu thành một hành vi chiến tranh và có thể sẽ gây nhiều hậu quả đáng kể đối với thương mại quốc tế. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan nhấn mạnh là chiểu theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, phong tỏa, bao vây là một hành động chiến tranh và « các cuộc thao dợt, diễn tập khác hẳn với phong tỏa ».

Khoảng 1/5 lượng hàng hóa của thế giới được chuyên chở qua eo biển Đài Loan, nên theo bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, « cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục khoanh tay » đứng nhìn Trung Quốc phong tỏa hòn đảo. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters.

Không có nhận xét nào: