Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Bài tường thuật SHVHNT: Sự Trong Sáng Tiếng Việt - Đỗ Bình

GS Nguyễn Bảo Hưng
Chủ nhật 29-9-2024 vừa qua, anh chị em trong nhóm văn nghệ sĩ Paris đã có sáng kiến tổ chức một buổi họp mặt thân hữu để bàn về chủ đề Làm sao giữ cho tiếng Việt được trong sáng ? tại nhà hàng Brasserie Saigon, Quận 14 Paris. Do tính quan trọng của nó, buổi hội thảo đã thu hút được đông đảo quan khách, trong số có nhiều người không quản ngại đường xa từ nước ngoài, hay từ những thành phố xa xôi tới dự. Và câu hỏi đã được đông đảo khách mời tích cực đóng góp ý kiến. Vì thời gian có hạn, mà ý kiến nêu lên thì nhiều, nên không thể bàn thảo sâu rộng được. Bởi vậy tôi xin được thêm phần giải thích để phần nào làm sáng tỏ.
Để giữ cho Tiếng Việt được trong sáng
Nguyễn Bảo Hưng
<!>
Trước hết, xin được nói sơ qua về một vài ưu điểm của Tiếng Việt. Tiếng Việt, theo tôi nghĩ, là một ngôn ngữ đơn âm,nhưng lại diễn tả hay phát biểu băng những từ đa âm do nhiều tiếng hay chữ ghép lại thành từ để làm nên chữ nôm. Đặc tính này tạo điều kiện cho tiếng Việt trở thành một thứ ngôn ngữ sáng tạo đáp ứng được nhu cầu diễn đạt về mặt âm hưởng, sắc thái hay hình tượng. Thí dụ như chỉ với chữ tâm, ta có thể ghép với một số chữ khác để tạo ra nhiều từ khác nhau với ý nghĩa khác biệt. (td : tâm tình, tâm tưởng, tâm sự, tâm thức, tâm tư,tâm cảnh, tâm lý, tâm hồn, tâm thần…). Đặc tính nay đã đem lại cho tiếng Việt một khả năng diễn đạt cao,linh hoạt, sắc bén, dồi dào ý nghĩa.

Đặc tính này của tiếng Việt cũng chính là yếu tố giúp cho nền văn hóa ta dễ dàng hội nhập các trào lưu văn học thế giới đê phát triển và trưởng thành. Bằng chứng là trong gần 1000 xâm chiếm nước ta, người Trung Hoa đã tìm mọi cách để biến nươc ta thành một phần lãnh thổ của họ. Nhưng nhân dân ta, với tình yêu quê hương đất nước đã biểu lộ một sức mạnh đề kháng cao, nên giữ được bản sắc dân tộc và không để bi đòng hóa. Trái lại, nhờ được giao tiếp với nước ngoài, nhân dân ta không bỏ lỡ cơ hội học hỏi để tiếp thâu cái hay cái đẹp nơi người, giúp cho văn hóa nước ta phát triển và thêm phong phú. Ta có thể nêu bốn câu thơ dưới đây mở đầu cho bài Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan làm thí dụ điển hình:
Chiều trời lảng bảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Ngay câu mở đầu, chữ chiều đăt trước chữ trời, là có dụng ý hẳn hoi. Ở vị thế dảo ngữ này, chữ chiều hẳn muốn lưu ý ta răng chính khoảnh khắc thời gian vào lúc chiều tàn này mới là tác nhân làm sống dậy nỗi nhớ nhà nơi tác giả, chứ không phải khung cảnh trời đất vào buổi chiều. Tiếp đến hai chữ lảng bảng thay vì thoi thóp quen thuộc, mới gợi cho ta cái khung cảnh ánh sáng chập chờn huyền ảo của buổi chiều hôm càng làm sống dậy nỗi niềm nhung nhớ nơi lữ khách.
Từ toàn cảnh thời gian, không gian trải rộng, ống kính sáp lại gần hơn trong câu ba và bốn để đưa ta trở về với cái không khí an lạc hài hòa của đời sống thôn dã. Gác mái (c.3), gõ sừng (c.4) là những nhóm từ chỉ động tác ; nhưng phần năm chữ còn lại của mỗi câu thơ lại gợi cho ta dáng đi thư thái an nhàn của ông lão đánh cá, cũng như hành động hồn nhiên của đứa bé chăn trâu. Thêm vào đó, cách phân bố cân xứng hài hòa từ lời, từ âm tới mạch điệu (2/5) cũng như hình ảnh, đã gợi cho ta hình ảnh đẹp của của một cuộc sống an lạc hài hòa thôn dã khiến ta nao nao muốn được, như Proust, làm cuộc hành trình « đi tìm thời gian đã mất » (A la recherche du temps perdu).

Bốn câu thơ trên đây, như chúng ta đều biết, là khổ đầu của bài thơ tuyệt tác theo thể thất ngôn bát cú Đường Thi. Đây là một thể thơ Trung Hoa kinh điển với niêm luật khắt khe, chỉ những bậc thi nhân tài hoa mới làm ra những bài thơ để đời. Sự thành công của bài Chiều hôm nhớ nhà cũng không thoát khỏi qui luật này. Xin được dẫn chứng bằng hai câu thơ dưới đây :
(3) Gác mái,/ ngư ông về viễn phố
(4) Gõ sừng,/ mục tử lại cô thôn)

Có thể nói đây là hai câu thơ thuộc loại tuyệt tác nhất của Bà Huyện Thanh Quan. Tuyệt tác, trước hết bởi vì nó đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của niêm luật cổ thi về mặt đối xứng : nhịp đối nhịp (2/5) ; động tác đối động tác (Gác mái / gõ sừng), từ ngữ đối từ ngữ (ngư ông/ mục tử), hình tượng đối hình tượng (về viễn phố/lại cô thôn)… Tiếp đến là thành tựu của bài thơ về mặt niêm luật cổ thi như vậy không chỉ dành cho các cụ đồ sinh nho vừa ngâm nga vừa nhấp ngụm trà thưởng thức. Nó còn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian do bài thơ là bức họa một khung cảnh thôn dã đậm đà bản sắc dân tộc với dáng đi thư thái an nhàn của ông lão đánh cá cũng như động tác hồn nhiên vô tư của đứa bé chăn trâu. Hình ảnh gợi lên quá bình dân gần gũi dến độ các từ ngữ Hán ngày một trở nên quen thuộc để cuối cùng được sử dụng như một thành phần ngôn ngữ Việt (viễn du, viễn khách, viễn xứ, viễn chinh…). Ta có thể nói bài thơ trên đây là thành tựu của sự hội nhập một nền văn hóa cao, nhưng không để bị đồng hóa. Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu đã vậy. Thế còn một trăm năm nô lệ giặc Tây thì sao ?
Dù người Pháp đặt chân tới Việt Nam là nhằm mục đích xâm lược, nhưng nhân dân ta đã không bỏ lỡ cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương để gia tăng nhận thức và mở rộng cảm quan thưởng ngoạn của mình. Khỏi cần nhắc tới Tự Lực Văn Đoàn, hẳn ai cũng biết cả rồi. Tôi chỉ xin trích dẫn mấy câu thơ dưới đây trong bài Hổ nhớ rừng của Thế Lữ để có cơ sở kiểm chứng :
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi uống ánh trăng tan ?...
…………………………………………
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Cũng là bài thơ nói lên nỗi niềm tiếc nhớ, nhưng bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan gợi lên cho ta một bức tranh êm đẹp hài hòa bao nhiêu, thi mấy câu thơ của Thế Lữ lại bày ra trước mắt ta một cảnh tượng man rợ, hung bạo bấy nhiêu. Không chỉ bằng từ ngữ (lênh láng máu sau rừng), mà còn bằng âm sắc và mạch điệu nữa. Thí dụ như câu: Ta đợi chết / mảnh mặt tròi gay gắt. Câu thơ tám chữ, thì năm chữ lại thuộc âm trắc (đợi, chết, mảnh, mặt, gắt); hơn thế hai chữ chết và gắt lại được đặt ở vị trí nghỉ hay ngắt nhịp. Cách bố trí mạch điệu này càng làm dấy nơi ta cái cảm giác hung bạo mang bản chất dã thú man rợ.

Hai bài thơ trên được sáng tác vào hai thời điểm khác nhau trong hai giai đoạn thăng trầm lịch sử khác nhau, Và mặc dù bị đặt dưới sự thống trị và áp lực của ngoại bang, nhân dân ta với sức đề khoáng cao, vẫn giữ được bản sắc dân tộc, Không những thế, lợi dụng cơ hội được tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài, nhân dân ta với tinh thần cầu tiến, đã học hỏi và tiếp thu những tinh hoa của người để đóng góp và làm giàu cho nền văn học đất nước những sáng tác có giá trị như thế nào. Điều này có thể kiếm chứng dễ dàng qua đánh giá sự khác biệt giữa hai bài thơ trên về nguồn cảm hứng, về nội dung và về phong cách diên tả.
Nhưng không phải chỉ giới có kiến thức biết sử dụng từ ngữ hoa mỹ hay uyên bác mới sáng tác ra được những tác phẩm sáng giá. Ngay trong giới bình dân đại chúng, tiếng Việt thuộc về đời sống hàng ngày cũng có thể công hiến cho ta những bản văn có giá trị. Thí dụ như bài học thuộc lòng Trâu cày trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư bậc Tiểu học trước đây tôi còn nhớ được;
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cày cấy vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ lúa chín đầy đồng
Ta ra ngoài ruộng lấy rạ trâu ăn.
Cả ba bài thơ trên đều nói lên nỗi niềm tâm sự riêng trong hoàn cảnh khác nhau với nhũng cảm xúc khác nhau. Ta có thể coi bài Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan là một bài thơ tâm cảm hay tâm cảnh để nói lên nỗi nhớ nhà của người lữ khách trước cảnh vật về buổi chiều, hoặc cảnh vật đó đã tác động tới lòng người như thế nào. Bài Hổ nhớ rừng của Thế Lữ, trái lại, là một sự trải bày tâm trạng uất ức của một con hổ nay bị giam cầm trong chuồng thú đồng thời tiếc nhớ cái thời tung hoành oanh liệt khi mình còn được là chúa tể sơn lâm. Nếu hai bài thơ trên đều là sản phẩm của các thi sĩ tài hoa thì bài thơ ca dao bình dân Trâu cày, theo tôi, cũng có thể được coi là một bài thơ tuyệt tác. Tuyệt tác, vì chất thơ toảt ra từ những lời tâm tình mộc mạc chất phát của bác nông phu với con trâu được bác coi như người bạn đồng hành. Giả dụ có ai đó, khi đọc bài Trâu cày cho là lời lẽ quá bình dân quê kệch và, để khoe chữ, đem thay thế chữ trâu bằng chữ ngưu và gật gù cho rằng có sử dụng chữ nghĩa như thế, bài Trâu cày mới xứng đáng được coi là thơ. Vậy ta hãy xét mấy câu đầu của bài thơ ca dao được ông đồ gàn sửa lại xem sao :
Ngưu ơi ta bảo ngưu này,
Ngưu ra ngoài ruộng ngưu cày với ta.
Cày cấy vốn nghiệp nông gia,
Ta đây ngưu đấy, ai mà quan công …

Đọc lên, bất cứ ai bình thường đều cảm thấy sự thay thế này là lố bịch, khoe trương chữ nghĩa không phải lối, làm mất đi thi tính của bài thơ chủ yếu nằm trong những lời lẽ chân tình mộc mạc của bác nông phu với con vật cũng hiền lành chất phác như bác. Thơ đích thực là gi nếu không phải là hơi thở nồng ấm của tâm hồn, là tiếng nói của đời sống chân thật. Ta xúc động trước những tiếng nói bi bô đầu đời của đứa trẻ vì sự bộc lộ chân tình mộc mạc của nó. Bởi vậy ta mới gọi những tiếng nói đầu đời là lời trẻ thơ. Chỉ có người lớn mới học làm thơ, dôi khi với những sáo ngữ rỗng tuếch. Tiếc thay, đó lại là hiện tượng của tình trạng sử dụng chữ nghĩa ngày một bừa bãi hiện nay, khi ta thấy xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt trong nước, một số từ ngữ lạ hoắc phần đông không nói lên dược cái gì, ngoại trừ chỉ để khoe khoang hợm hĩnh.
Về điểm này, đã có nhiều bài viết của người Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại lên tiếng than phiền rồi. Tôi chỉ xin đơn cử một vài thí dụ cụ thể như sau:
- Tới thăm Paris, ít ai không muốn tới thăm cung điện Versailles để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc hoành tráng của nó. (thay vì nguy nga tráng lệ)
- Anh rất yêu em nên sẽ xin cười em để được quyền sở hữu em. ( Người ta chỉ sử dụng từ sở hữu để nói về một đồ vật hay một vật liệu như sở hữu một tài sản khổng lồ, chứ đâu để nói về con người được. Nếu tôi là cô gái tôi sẽ cho anh chàng một cú đá đít liền)
- Hôm nay trời có khả năng mưa, thay vì trời có thể mưa. (Khả năng chỉ nên dùng để nói về trình độ hay mức độ, chứ không để nói về một hiện tượng có thể xảy ra hay không có thể xảy ra.)
Mấy thí dụ kể trên tưởng cũng đủ cho thấy ở trong nước hiện đang có hiện tượng đua đòi sử dụng chữ nghĩa một cách tùy tiện bừa bãi cốt để khoe khoe khoang hợm hĩnh, mà không ý thức được rằng cách sử dụng chữ nghĩa như vậy chỉ để lộ sự kém hiểu biết của mình.
Thế còn cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì sao ? Mặc dù sống ở nước ngoài đã lâu, chúng ta vẫn nặng lòng với quê hương đất nước nơi chúng ta đã sinh ra. Và chúng ta vẫn mong ước ngày được tìm lại được một đất nước Việt Nam an bình với cuộc sống hài hòa như qua bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan hay Trâu Cày. Tâm trạng chung này của người Việt hải ngoại đã được nhà thơ Đỗ Bình nói lên qua bài thơ Hà Nội xưa dưới đây:

Hà Nội xưa

Ta nhớ trời xuân hoa rực rỡ
Thuở thanh bình hồn nhẹ như thơ.
Nắng tà ngả chiếu giàn thiên lý .
Ly loạn cuốn đi tuổi dại khờ.
5 Chiều thu gió thoảng mùi hoa sữa
Hà Nội trong mơ thoáng nét xưa.
Người cũ gặp nhau lời nhả ngọc.
Quán hàng nhộn nhịp bước chân đưa.
Chớp mắt tuổi hồng đi lặng lẽ
10 Trôi ngày thoáng đệp tưa cợn mê
Hồ gươm cổ thụ cành soi bóng
Lối vẫn cây xanh rơp nắng hè.
Hà nội thời nay nhiều phố mới
Người sang kẻ khó khắp nơi nơi
15 Những lời thanh lịch đâu còn nữa
Ngôn ngữ trộn pha rất lạ đời !
Ngõ ngách chìm sâu trong phố cổ
Mưa phùn lất phất bụi hư vô,
Người xưa đã hóa thành mây trắng
20 Dấu tích rồng bay cũng mơ hồ.
Từ thuở xa quê hồn phố cũ
Ta như cánh hạc mãi phiêu du
Thời gian biền biệt không trở lại,
Hà Nội trong mơ vẫn mịt mù.

Đỗ Bình

Trong một chừng mực nào đó, ta có thể coi Hà Nội xưa như một Thăng Long thành hoài cổ của thời đại chúng ta. Duy có điều khác biệt : Với Thăng Long thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan chỉ nói lên nỗi tiếc nhớ một cảnh vật người xưa không còn nữa. Đỗ Bình, trái lại, bày tỏ khát vọng được làm cuộc hành hương về nguồn để được sống lại những kỷ niệm đẹp của một thời vang bóng. Nào là thơm mùi hoa sữa, nào là Hồ gươm cổ thụ cành soi bóng, và đặc biệt là con người thanh lịch thời đó, mỗi lần gặp nhau đều mừng rỡ bằng những lời chào hỏi thanh lịch. Nhưng nhà thơ đã phải thất vọng trước những đổi thay, không chỉ nơi cảnh vật, mà còn nơi con người qua biểu hiện những lời thanh lịch đâu còn nữa, Ngôn ngữ trộn pha rất lạ đời, Rất lạ đời do việc sử dụng chữ nghĩa bừa bãi, vô ý thức như đã nói ở trên. Phải chăng đó chính là lý do khiến đã có cuộc hội bàn góp ý vừa qua về chủ đề Để giữ cho tiếng Việt được trong sáng.

Cả hai bài Thăng Long thành hoài cổ và Hà Nội xưa đều là những bài thơ tuyệt tác tuy với hai phong cách diễn tả khác nhau. Một đàng là uyên bác với những từ nôm xen lẫn từ hán-việt, một đàng toàn những từ quen thuộc, bình dị thuộc về đời sống hàng ngày. Nhưng cả hai bài đều giàu thi tính và sử dụng chữ nghĩa trong sáng như nhau. Do đó ta không nên phân tiếng Việt ra thành từ ngữ uyên bác thanh cao hay đại chúng dung tục. Điều quan trọng là ta có biết sử dụng chúng trong sáng đúng với công dụng hay tinh thần ý nghĩa của nó hay không.
Bên cạnh tính trong sang, tiếng Việt còn thêm một ưu điểm khác. Do tính đa âm đa nghĩa của nó, tiếng Việt còn là một ngôn ngữ sáng tạo, dồi dào khả năng diễn đạt. Thí dụ :
a ) để nói về sự khác biết giữa các động tác của bàn tay : cầm,nắm, nâng niu, mân mê, vuốt ve, sờ soạng ...
- cầm tay em anh khẽ nói…
- nâng niu cánh tay ngà...
- mân mê vuốt ve ( sáng mồng một Tết, nhận được tiền mừng tuổi, thằng bé cứ vuốt ve mân mê mãi tấm giấy bạc mới tinh.)
- Mày mò, sờ soạng… (Nửa đêm thức giấc, ông lão sờ soạng lần theo bức tường đi về phía bàn, mày mò kiếm cái điều cầy để đánh một hơi thuốc lào)
b) để biẻu lộ thái độ
- Biết có khách phương xa tới ghé thăm, ông bà chủ nhà niềm nở ra tiếp đón.
- Cô hàng nước đon đả mời chào khách qua sông
c) Dáng đi ;
- Thằng bé mới ngày nào chập chững bước đi, nay đã lon ton chạy, khiến bà mẹ vội le te đuổi theo sợ con ngã.
- Ông già lập cập đi vấp ngã…
- Rồi còn nào là ; ánh sáng lung linh, đóm lủa bập bùng, nước đổ tung tóe, hoàng hôn thấp thoáng, hoa lá xôn xao, ân cần vồn vã, ăn nói linh tinh…

Vậy đó, Cái tinh hoa của tiếng Việt nằm trong khả năng diễn đạt đa tầng, đa nghĩa, hàm súc ý vị của nó. Ta có thể sánh tiếng Việt như một mảnh đất phì nhiêu có nhiều loại đá quí. Vấn đề là ta có biết tìm kiếm và khai thác những viên đá đó để biến chúng thành những viên ngọc quí giá ra sao. Bằng không, chữ nghĩa trong tiếng Việt chảng khác chi như trong câu ca dao dân gian : “Ngọc kia chẳng dũa chăng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc di.”. Bởi vậy ta cần có thái dộ trân trọng với mọi loại từ ngữ, không nên phân loại thành từ ngữ hoa mỹ thanh cao hay từ ngữ dung tục thấp hèn. Từ ngữ cũng như con người. Không nên đánh giá qua hình thức, cái vỏ ngoài. Không phải trong giới đại gia tọa lạc các ngôi biệt thự xa hoa hoành tráng, ngồi trên những chiếc xe thuộc loại xịn mới toanh láng cóong là không có phần tử bất lương. Và cũng không hề trong đám người phải tất bật làm ăn, quần áo lam lũ lại không có những tấm lòng vàng. Lương thiện, chân chính hay không là do phong cách sử sự mà thôi. Từ ngữ cũng vậy. Điều quan trọng là ta phải biết sử dụng chúng ra sao, có đúng nghĩa, đúng cách, đúng hoàn cảnh, đúng trường hợp hay không. Thí dụ như trong câu nêu trên : Nửa đêm thức giấc, ông lão sờ soạng lần theo bức tường đi về phía cái bàn để mò mẫm kiếm chiếc điều cày, đánh một hơi thuốc lào. Các từ sờ soạng hay mò mẫm ở đây đều được sử dụng một cách trong sáng. Trái lại, những ai quen thói dùng mấy từ này một cách tùy tiện, tùy hứng là có vấn đề đấy. Hãy nên coi chừng. Có thể đó là triệu chứng cái đầu đã đầy sạn đấy. Nên xin hẹn gặp bác sĩ tâm thần để được khám bịnh là vừa.
Trên đây chính là lý do khiến tôi không coi những lời lẽ thuộc loại bình dân đại chúng đều phàm tục. Thực ra, đó chỉ là những lời lẽ châm biếm, hóm hỉnh có tính cách đùa rỡn giữa bạn bè, nhưng đôi khi lại là yếu tố giúp cho bản văn của ta thêm ý vi. Bởi vậy trong bài biên khảo mang tựa đề “ Albert Camus, nhà văn chuyên luận về triết học phi lý và cây bút gắn bó với cõi sông thế gian”, tôi đã không ngần ngại viết em nào nom cũng đều thơm như múi mít cả, để chi các cô gái đẹp. Nhóm từ này vốn là từ ngữ của dân bụi đời Sài Gòn trước 1975, những lúc ngồi đấu láo với nhau tại các quán cà phê con cóc vỉa hè. Cũng vậy, trong bài viết mang tựa đề “ Paris với Ernest Hemingway”, đề cập tới giai đoạn văn hào Mỹ, tới Paris để khởi đầu sự nghiệp viết văn của mình, tôi có câu viết ở phần kết “ Tới Paris mà chỉ để được một mình tự sướng hay hai đứa được cùng sướng trước tháp Eiffel hay trên đại lộ Champs-Elysées…”. Tự sướng hay cùng sướng tức selfies, đều là những từ dân Hà Nội cũng khoái dùng để chỉ hành động tự chụp hình cho mình. Albert Camus và Ernest Hemingway, như chúng ta được biết, là hai nhà văn Pháp và Mỹ giữa thế kỷ trước, đều được trao tặng giải thưởng văn học Nobel. Vậy mà khi gửi đi hai bài nhận định văn học có tính cách nghiêm túc này, tôi không nhận được phản hồi tiêu cực nào. Riêng chỉ có anh bạn nối khố, nghĩa là chơi với nhau từ thuở còn mặc quần thủng đít tóc để chỏm trái đào, mới viết thư nêu thắc mắc : “ Ở Pháp bây giờ sống tự do phóng túng thế sao? Vậy kỳ này tao qua Pháp chơi, mày bày tao cách nào có thể đến tự sướng hay cùng sướng (selfies) trước Khải Hoàn Môn mà không bị cảnh sát lôi về Bóp”. Trước câu hỏi cắc cớ đó, tôi đành chỉ biết ngậm miệng ăn tiền. Còn anh bạn tôi, chắc cũng mỉm cười gật gù khoái trá với câu hỏi móc họng của mình.

Hơn nữa, theo tôi nghĩ, cái tinh hoa của tiếng Việt không chỉ nằm trong những lời lẽ trong sáng bình dị như trong bài Trâu cày. đôi khi còn trong khả năng dùng ẩn dụ để gợi hình, gợi ý gây liên tưởng. Để minh chứng, xin cùng tôi đọc lại bài thơ Vịnh quả mít của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, cùng thời với Bà Huyện Thanh Quan ;
Em như quả mít chín trên cây
Da nó xù xì múi nó dày
Quân tử có thương xin đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
Nếu như bài Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan, lời lẽ và phong cách diễn tả uyên bác và thi tính bao nhiêu, thì bài thơ mô tả quả mít của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, vỏn vẹn chỉ có bốn câu thế thôi, lời lẽ lại bình dân dễ hiểu bấy nhiêu. Nếu đưa cho chú bé chăn trâu hay bác nông phu chất phát đọc, thì cả hai đều nói bài thơ vịnh này chỉ để nói về quả mít. Vậy mà khi chìa cho một anh bạn đã từng du học ở Pháp coi, thì anh ta cứ đọc đi đọc lại, rồi gật gù tum tim cười nói ; “ Đây đúng là một bài thơ tuyệt tác thuộc trường phái biểu tượng mà chưa chắc các nhà thơ tài hoa Pháp như Baudelaire, Verlaine hay Rimbaud...đã diễn tả bằng” . Về phần tôi, của đáng tội, hồi còn ở trung học, tôi cũng đã từng nghe nói về mấy nhà thơ này cũng như mỹ học biểu tượng chủ trương dùng lời, dùng âm điệu để gợi hình ảnh, gợi cảm, gợi ý giúp ta nhìn ra được cái chân, cái thực đàng sau cái vỏ hình thức bên ngoài. Nhưng hồi đó, tôi có chịu khó nghe lời thầy giảng cốt chỉ học gạo, học tủ để đi thi mà thôi. Bây giờ hầu như quên hết, chữ nghĩa hầu như đã trả lại thầy. Bởi vậy nay đọc lại, đàu dù đã hai thứ tóc, tôi chỉ thấy bài thơ này đúng là quả mít như Bà Hồ Xuân Hương mô tả, chứ có hình dung ra được cái gì khác đâu theo trí tưởng tượng của anh bạn.

Để kết thúc bài viết này, tôi cho rằng để giũ cho tiếng Việt được trong sáng, ta không nên chỉ chọn lọc những từ uyên bác hay hoa mỹ. Mà cũng không nhất thiết luôn luôn phải theo đúng nghĩa từ điển. Sử dụng chữ nghia đúng theo từ điển chỉ nên dành cho các học sinh bậc trung học đang chuẩn bị thi tú tài mà thôi. Chỉ khi nào chịu khó tìm hiểu ngọn ngành ý nghĩa của mỗi từ và công dụng của nó trong những hoàn cảnh, trường hợp khác nhau, ta mới nói lên được cái tinh hoa, cái ý vị hàm xúc của tiếng Việt. Điều này có nghĩa là tiếng Việt có trong sáng hay không, chẳng phải chỉ do bản thân chữ nghĩa. Mà chủ yếu, theo tôi, còn do nơi đầu óc người sử dụng chữ nghĩa và cảm nhận nơi người đọc nữa, Hay, để mượn cách nói quen miệng của mấy ông tây mắt xanh mũi lõ xứ phú lăng xa:
Tout, c’ est dans la tête, docteur.

Viết xong ngày 18 – 10- 2024
Nguyễn Bảo Hưng

SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT -  SỰ TRONG SÁNG TIẾNG VIỆT



Thưa Qúy Anh Chị
Xin gởi đến các anh chị bài viết về chủ đề: Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt, của GS Nguyễn Bảo Hưng. Nhờ các anh chị phổ biến giúp. Xin cảm ơn. 
Chúc các Anh Chị nhiều sức khỏe.
thân mến
Đỗ Bình

1 nhận xét:

Điền Phong nói...

Hai câu thơ của bài Hổ Nhớ Rừng đã hụt vận. Không hiều đây là thiếu sót của GS Nguyễn Bảo Hưng hay của người lên bài là ông Đỗ Bình.
Hai câu thơ :" Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi (?? thiếu 1 chữ) uống ánh trăng tan ?".
Thật khó chấp nhận cái thiều sót căn bản này cho nên... Không cần đọc tiếp nữa !!