Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Nhắc Nhở Hôm Nay: Ngày Vui Chung Của Cả Cộng Đồng! Nhớ Tham Dự Lễ Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ San Jose. Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải



Nhớ Tham Dự Hôm Nay, Ngày Lịch Sử Đáng Nhớ, Của Cộng Đồng Người Việt Bắc Cali: Lễ Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ San Jose! Lúc 11 Giờ, Thứ Bảy, Ngày 13 Tháng 7 Năm 2024. Tại Vườn Truyền Thống Việt.
<!>
Văn Tế:


Chiến Sĩ Đồng Minh, Chiến Sĩ QLVNCH Hy Sinh Trong Chiến Tranh Việt Nam

Hôm nay, ngày 13 tháng 7 năm 2024
Nhằm ngày mùng 8 tháng 6 Âm Lịch năm Giáp Thìn
Chúng tôi là người Việt Nam,
Định cư tị nạn Cộng Sản trên đất nước Hoa Kỳ.
Đốt nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình.
Đặt Vòng Hoa tươi tưởng niệm tri ân.
Người chiến sĩ Đồng Minh,
Người chiến sĩ Quân Lực VNCH.
Nghìn thu an nghỉ!
Than ôi!
Vận nước điêu linh, chiến chinh kết thúc,
Miền Nam Việt Nam thất thủ!
Quân đội triệt binh, dân tình khốn khổ!
Người sa cơ bị tù đày cải tạo tập trung!
Kẻ lỡ vận liều mình vượt biên vượt biển!
Lịch sử sang trang, niềm tin tan vỡ!
Chúng tôi là người Việt Nam
Rời bỏ quê Cha đất Tổ,
Tị nạn cộng sản trên đất nước Hoa Kỳ,
Đã ngót năm mươi năm trăn trở.
Nhiều đêm chúng tôi bật khóc khi nhớ đến
Người chiến sĩ Đồng Minh kiên cường,
Người chiến sĩ Quân Lực VNCH dũng liệt.
Chúng tôi muốn chia sẻ những tủi nhục thương đau.
Chúng tôi muốn lau khô những dòng lệ đắng cay tuôn đổ.
Chúng tôi muốn nhắc nhớ con cháu hậu sinh,
Một thời chiến chinh gian khổ!
Là người Việt Nam định cư tị nạn cộng sản.
Trên đất nước Hoa Kỳ chung sức chung lòng xây dựng
TƯỢNG ĐÀI VIỆT MỸ
Để Tưởng Niệm Vinh Danh Anh Hùng Chiến Sĩ.
Cho đậm nghĩa Đồng Minh.
Cho thấm tình Chiến Hữu,
Cho tinh thần Quân Dân mãi mãi trường tồn vĩnh cửu.
Hỡi những Anh Linh!
Chiến Sĩ Đồng Minh,
Chiến Sĩ Quân Lực VNCH,
Sống khôn thác thiêng, hồn phách hiển linh,
Cỡi mây đạp gió, theo ngọn lửa thiêng,

Soi đường dẫn lối về đây chứng giám!
Hôm nay, ngày 13 tháng 7 năm 2024
Nhằm ngày mùng 8 tháng 6 Âm Lịch năm Giáp Thìn.
Người Việt tị nạn cộng sản miền Bắc California trân trọng khánh thành
TƯỢNG ĐÀI VIỆT MỸ
Thượng hưởng!

Chieu Anh Harry Nguyen @ biên soạn.

LỜI CỦA ĐIÊU KHẮC GIA TUẤN NGUYỄN DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐÀI


-Chiến tranh Việt Nam đã chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975; nhưng dù cho chiến sự đã ngưng trên chiến trường, một cuộc chiến để sinh tồn với những người dân tị nạn Việt Nam đã nảy sinh trong những năm kế tiếp. Hàng ngàn người Việt đã bị buộc phải di dời nơi cư ngụ để trốn thoát những sự đàn áp về xã hội, chính trị và tôn giáo.
Ngay khi đặt chân đến Hoa Kỳ, chính phủ đã phân tán người dân tị nạn trên khắp miền đất nước. Sau cùng thì đông đảo người Việt đã tái định cư trong các thành phố như San Jose, Westminster và Houston để tìm kiếm những cơ hội về kinh tế, và trở thành một phần của cộng đồng đang phát triển của người Việt tị nạn sinh sống ở những vùng này vào thời điểm đó. Dù phải chịu đựng vô vàn khó khăn, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng từ đó đã thành lập nhiều doanh nghiệp, trung tâm của cộng đồng, cùng những không gian nghệ thuật, đã góp phần quan trọng trong sự thay đổi cảnh quan kinh tế và văn hoá của những thành phố như San Jose.
Có thể câu chuyện dân tị nạn người Việt bắt đầu bằng sự di dời, nhưng vẫn mãi là câu chuyện của sự kiên cường. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ tác phẩm điêu khắc này để tưởng niệm cuộc đấu tranh của cộng đồng vì tự do cho nước Việt, và những hành trình đã cùng nhaunếm trãi kể từ chiến tranh kết thúc. Tác phẩm này là ngọn hải đăng của tưởng nhớ cho những hy sinh đã đổ ra để bao nhiêu là thế hệ người Mỹ gốc Việt được phát triển mạnh mẽ trong thành phố này, cùng đóng góp vào di sản phong phú và đa dạng của thành phố.


Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, không chỉ vinh danh Người Lính VNCH, mà là biểu tượng của tinh thần chung yêu chuộng tự do của người Mỹ gốc Việt, của tất cả Cộng Đồng!



Lời Mời

Kính thưa Quý Vị trong Cộng Đồng,
-Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (TDCSVM), biểu tượng của người Việt Quốc Gia, để tưởng niệm các chiến sĩ VNCH và Đồng Minh Hoa Kỳ đã hiến thân cho công cuộc đấu tranh vì tự do cho miền Nam Việt Nam trên 20 năm. Trong thời gian hơn 2 tháng qua, đã xây dựng xong, và được Cộng Đồng và Hội Đồng thành Phố San Jose, long trọng khánh thành tuần này.

Ngày vui chung chờ đợi đã lâu, trên 12 năm, của cả Cộng Đồng!

Nên Kính Mong Quý Hội Đoàn Cựu Quân Nhân VNCH, Quý Đồng Hương Tham Dự Thật Đông:



Đại Lễ Khánh Thành Hôm nay!
Lúc 11 Giờ Sáng Thứ Bảy, Ngày 13 Tháng 7 Năm 2024
Tại Vườn Truyền Thống Việt. 1499 Robert Ave, San Jose, Ca 95112.
Do Ủy Ban Thúc Đẩy Xây Dựng Tương Đài, phối hợp với Hội Đồng Thành Phố tổ chức.
Gồm nhiều tiết mục đặc biệt:
•Nghi Thức Thượng Kỳ - Rước Quốc Quân Kỳ HK và VNCH
•Khánh Thành Tượng Đài
•Lễ Truy Điệu. Cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo
•Phần Phát Biểu
•Chụp Hình Lưu Niệm
•Dùng thức ăn nhẹ.
*Văn Nghệ
Sự hiện diện của Quý Vị, là niềm khích lệ lớn lao cho Ban Tổ Chức chúng tôi. (Quý Cựu Quân Nhân xin mặc Quân Phục nếu có thể)
Trân trọng kính mời.


Mọi chi tiết, xin liên lạc:
Queenie Ngô, Phụ tá NV Biên Đoàn: (408) 535-4921
Hoàng Thưởng, Phụ Tá Điều Hợp, Ủy Ban Thúc Đẩy Xây Dựng Tượng Đài: (408) 219-4334


Chiều Hội Ngộ Đặc Biệt Dành Cho “Người Lính Năm Xưa!” Với Chủ Đề “Chúng Ta Mất Hết, Chỉ Còn Có Nhau!” Nhân Dịp Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Tại San Jose.
Do Người Lính LVH Khoản Đãi. Hoàn Toàn Miễn Phí!
Lúc 5 Giờ Chiều Thứ Bảy, Hôm Nay! Ngày 13 Tháng 7 Năm 2024
Tại Nhà Hàng Cao Nguyên, 2549 S. King Rd, San Jose, Ca 95122

Trong Tình “Huynh Đệ Chi Binh” Sống Chết Có Nhau! nâng ly ăn mừng Tượng Người Lính VNCH! gần nửa thế kỷ kể từ 75, qua thời gian dài kiên trì kiếm đủ cách, chúng ta mới có một Tượng Đài vinh danh Đồng Đội của chúng ta đã nằm xuống! Trả lại danh dự cho những hình ảnh anh hùng, đã bị CS và bọn phản chiến bôi bẩn!
*Xin mặc quân phục. Cảm tạ Quý Quân Binh Chủng đã ghi danh tham dự. Con số tối đa mà nhà hàng cho phép!

CÔNG TRƯỜNG CHIẾN SĨ

(Thơ Trần Quốc Bảo)


Tôi đang đứng, giữa Công trường Chiến sĩ
Những bạn bè xưa, giờ đã không còn
Một nơi nào đó, Người đang yên nghỉ
Góc nghĩa trang, hay…đáy biển, sườn non.

Khẩu súng, lưỡi lê, chắc nay hoen rỉ
Cái nón sắt, lũng vài lỗ đạn tròn
Bình bi-đông, làm sao mà bẹp dí
Đôi giầy saut há mõm, đế vẹt mòn.

Tấm thẻ bài nhuộm máu, nhìn cũ kỹ
Nhưng số quân hiện rõ, vẫn còn ngon !
Chiếc poncho đâu rồi ? không thấy nhỉ!
Chắc quấn thân anh, tan rã chẳng còn.

Tôi đang đứng trước Công trường Chiến sĩ
Nước mắt chảy dài, nghĩ đến Nước non
Ôi! Việt Nam ! Quê hương tôi yêu qúi
Mà bây giờ, sao … tan nát héo hon?

Tôi từng sống, trong đôi quân hùng vĩ
Vào sinh ra tử, mấy chục năm tròn
Rồi cuối cùng, vào vòng quay thế kỷ
Mất Quê hương … tôi mất cả Sài gòn!

Tôi chăm chú, nhìn tượng Người Chiến sĩ
Chợt hiển linh, mặt vẫn nét sắt son !
Ánh mắt Người bỗng bừng bừng dũng khí
Như thuở nào, xung trận giữ Giang sơn!


Tin Quốc Tế Đó Đây

Nhà Ngoại Giao Nga Nói Mạc Tư Khoa Sẽ Không Tham Dự Thượng Đỉnh Hòa Bình Ukraine Lần Hai


(Hình REUTERS: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy đi qua những lá cờ đại diện các nước tham dự Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine ở Stansstad, Thụy Sĩ, hôm 16/62024.)
-Nga sẽ không tham dự thượng đỉnh hòa bình Ukraine tiếp theo của hội nghị đã diễn ra vào tháng trước, hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin cho biết hôm 11/7/2024.
Nga đã không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Thụy Sĩ có sự tham dự của đại diện 92 quốc gia và nói rằng việc thảo luận về cuộc chiến khi vắng mặt họ là một sự lãng phí thời gian.
Ukraine cho biết họ muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo như vậy vào cuối năm nay, có thể là ở nam bán cầu, và có thể sẽ mời đại diện Nga tham dự.
RIA dẫn lời ông Galuzin mô tả những điều kiện tiên quyết của Ukraine cho các cuộc đàm phán hòa bình là "tối hậu thư" và rằng Mạc Tư Khoa "sẽ không tham gia vào các hội nghị thượng đỉnh như vậy".
Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin không nói thẳng như ông Galuzin, và cho rằng ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai hiện “không có thực chất rõ ràng” nào.
“Chúng ta đang nói về đề xuất gì vậy?” phát ngôn viên Dmitry Peskov được RIA dẫn lời nói.
"Các bạn biết rằng Tổng thống Putin và Liên bang Nga luôn sẵn sàng đối thoại, chúng tôi chưa bao giờ từ chối đối thoại. Nhưng chúng ta phải hiểu chúng ta đang nói cái gì."
Ông Putin hồi tháng trước cho biết Nga sẵn sàng chấm dứt chiến tranh nhưng chỉ với điều kiện Ukraine từ bỏ tham vọng NATO và giao toàn bộ 4 khu vực mà Mạc Tư Khoa tuyên bố chủ quyền cho Nga. Ukraine bác bỏ những yêu cầu đó vì cho rằng nó chẳng khác nào là đầu hàng.
Nga chiếm gần 1/5 lãnh thổ của nước láng giềng Ukraine. Kyiv nói rằng họ kiên quyết lấy lại tất cả những vùng đất đó và hòa bình chỉ có thể có được nếu Nga rút hết lực lượng và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục.


Cựu Tổng Thống Nga Medvedev Kêu Gọi Mạc Tư Khoa Tìm Cách 'Làm Biến Mất' Ukraine và NATO


(Hình REUTERS: Một lá quốc kỳ Ukraine tung bay trước biểu tượng khối NATO ở trung tâm Kyiv, Ukraine, ngày 11/7/2023.)
-Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 11/7 lên án lời hứa của NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Hoa Thịnh Ðốn về việc rốt cuộc sẽ kết nạp Ukraine vào liên minh và nói rằng Nga nên nỗ lực hướng tới làm “biến mất” cả Ukraine và liên minh quân sự này.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Medvedev trích dẫn bằng tiếng Anh tuyên bố của NATO tại hội nghị thượng đỉnh Hoa Thịnh Ðốn tuần này: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ (Ukraine) trên con đường không thể đảo ngược để hội nhập hoàn toàn vào Âu Châu-Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”.

Ông tiếp tục, bằng tiếng Nga: "Kết luận là hiển nhiên. Chúng ta phải làm mọi thứ để 'con đường không thể đảo ngược' của Ukraine gia nhập NATO kết thúc bằng sự biến mất của Ukraine hoặc sự biến mất của NATO. Hoặc thậm chí tốt hơn – sự biến mất của cả hai."
Ông Medvedev, trong nhiệm kỳ Tổng thống 2008-2012 được coi là người theo chủ nghĩa hiện đại thân phương Tây, đã tự đổi mới mình thành một người có quan điểm diều hâu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, điều mà Mạc Tư Khoa gọi là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Đặc biệt, ông đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc họ trang bị vũ khí cho Kyiv có thể dẫn đến một "ngày tận thế nguyên tử".
Mọi quyết định về việc sử dụng vũ khí nguyên tử của Nga sẽ thuộc về Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng các nhà ngoại giao cho rằng quan điểm của ông Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho thấy tư duy diều hâu ở cấp cao nhất của Ðiện Cẩm Linh, vốn đã xem cuộc chiến này là một cuộc đấu tranh sinh tồn với phương Tây.


Thượng Đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Ðốn Đưa Ra Những Cam Kết Mới Hỗ Trợ Ukraine


(Hình AP - Mark Schiefelbein: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kết thúc cuộc họp báo chung sau thượng đỉnh NATO, tại Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 11/7/2024.)
-Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đánh dấu 75 năm tồn tại của khối quân sự này đã bế mạc hôm 11/7/2024, tại Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, sau khi đưa ra nhiều cam kết mới yểm trợ Ukraine chống quân xâm lược Nga.
Các nước đồng minh đã thông báo sắp chuyển giao cho Kyiv các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo, các hệ thống phòng không mới, cam kết một khoản viện trợ quân sự ít nhất là 40 tỉ Euro, đồng thời xác định tiến trình Ukraine gia nhập Liên minh NATO là « không thể đảo ngược được ».
Theo hãng tin AFP, là khách mời danh dự của thượng đỉnh Hoa Thịnh Ðốn, Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua đã bày tỏ hy vọng là 5 hệ thống phòng không mà khối NATO hứa cung cấp sẽ nhanh chóng được đưa đến Ukraine, để giúp Kyiv chống trả các cuộc oanh kích của quân Nga. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên của Liên Minh bãi bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí của những nước này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Nhiều nước trong NATO cho tới nay vẫn hạn chế việc sử dụng các vũ khí mà họ cung cấp cho Kyiv. Ví dụ Đức lo ngại leo thang xung đột với Nga. Riêng Hoa Kỳ thì đã nới lỏng các hạn chế, nhưng vẫn không để cho lực lượng Ukraine toàn quyền sử dụng các vũ khí của Mỹ.
Trong một tuyên bố, các lãnh đạo khối NATO đã bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc » về « vai trò mang tính quyết định » của Trung Quốc yểm trợ Nga kể từ khi Tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Bên lề thượng đỉnh NATO, hôm 11/7 Tòa Bạch Ốc thông báo rằng kể từ 2026, Hoa Kỳ sẽ khai triển trên lãnh thổ nước Đức các phi đạn tầm xa, có thể bắn tới các mục tiêu xa hơn so với hệ thống phi đạn của Mỹ hiện được bố trí ở Âu Châu.
Đối với Nga, các thông báo nói trên cũng như việc NATO tăng cường yểm trợ cho Ukraine là bằng chứng cho thấy khối quân sự này đã can dự « trực tiếp » vào Ukraine và quay trở lại thời kỳ « Chiến tranh Lạnh ».


CNN: Hoa Thịnh Ðốn và Bá Linh Phá Vỡ Kế Hoạch Của Nga Định Ám Sát Lãnh Đạo Công Ty Vũ Khí Đức


(Ảnh REUTERS, lưu trữ: Armin Papperger, CEO của Rheinmetall, tập đoàn sản xuất vũ khí lớn của Đức.)
-Kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 11/7/2024 đưa tin cho hay mới đây, Hoa Kỳ phối hợp với Đức đã phá vỡ một âm mưu ám sát, được quy cho Nga, nhằm vào Tổng Giám đốc một tập đoàn chế tạo vũ khí lớn của Đức cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.
Trích dẫn năm viên chức Mỹ và các nước phương Tây khác ẩn danh, CNN khẳng định, Hoa Thịnh Ðốn đã thông báo cho Bá Linh về kế hoạch ám sát nhằm vào ông Armin Papperger, lãnh đạo của Rheinmetall. Lực lượng an ninh Đức sau đó đã có các biện pháp bảo vệ nhân vật này.
Theo kênh truyền hình Mỹ, đây chỉ là một trong số hàng loạt kế hoạch của Nga bị tình báo Mỹ phát hiện liên quan đến việc mưu sát các lãnh đạo công nghiệp quốc phòng của Âu Châu tham gia vào các nỗ lực hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Rheinmetall là công ty sản xuất đầu đạn pháo 155mm và dự trù bắt đầu chế tạo xe bọc thép tại Ukraine.

Thông tin trên được đưa ra giữa lúc tại Hoa Thịnh Ðốn đang diễn ra cuộc họp thượng đỉnh của khối NATO. Phản ứng về thông tin của CNN, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định « theo những thông tin mới nhất về Rheinmetall, thì đó là những gì chúng tôi đã thông báo ngày càng rõ ràng hơn trong những tháng gần đây. Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược hỗn hợp ». Bà nói thêm, « điều đó một lần nữa cho thấy chúng ta, những nước Âu Châu, phải tự bảo vệ mình tốt hơn, không được ngây thơ ».
Bộ Nội Vụ Đức từ chối bình luận trực tiếp về các thông tin liên quan đến công ty Rheinmetall, nhưng cho biết « chính phủ Đức xem xét rất nghiêm túc các mối đe dọa của chính quyền Nga ».
Phát ngôn viên của Rheinmetall, Olivier Hoffmann tuyên bố « không sẵn sàng bình luận những vấn để liên quan đến an ninh của công ty ».


TT Macron Bảo Đảm Pháp Có "Đủ Phương Tiện" Để Tiếp Tục Hỗ Trợ Ukraine


(Hình AFP/Saul Loeb: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thượng đỉnh NATO, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 10/7/2024.)
-Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trước kỳ hạn, với kết quả liên minh cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron mất đa số tương đối, gây lo ngại cho Ukraine và các đồng minh NATO. Hôm 11/7/2024, tại thượng đỉnh của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Hoa Thịnh Ðốn, Tổng thống Macron tuyên bố nước Pháp "có đủ phương tiện" để thực thi các cam kết hỗ trợ Ukraine chống xâm lược.
Tại cuộc họp Hội đồng Liên minh NATO, Tổng thống Macron khẳng định cử tri Pháp "đã loại trừ các đảng phái cực đoan, có khả năng phản đối các cam kết của nước Pháp với Ukraine và với NATO", theo một nguồn tin ngoại giao Pháp. Reuters cho hay, 3 nguồn tin Âu Châu xác nhận phát biểu này.

Trả lời báo giới sau cuộc hội kiến với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông tin tưởng là "nước Pháp có một Tổng thống mạnh", và tiếp tục là "một đối tác quan trọng trên trường quốc tế, một đối tác đáng tin cậy đối với tất cả các đồng minh, và đặc biệt với nước Đức". Thủ tướng Scholz hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, với việc đảng cựu hữu dân túy không giành được thắng lợi và bày tỏ hy vọng là các lãnh đạo chính trị Pháp sẽ tìm ra được "một giải pháp" lập chính phủ mới.
Theo Reuters, trong giới lãnh đạo Âu Châu, nhiều người hy vọng tân Thủ tướng Pháp sẽ tiếp tục thực thi các chủ trương hỗ trợ Ukraine của Tổng thống Macron, như việc viện trợ chiến đấu cơ Mirage.
Bên lề thượng đỉnh NATO ngày 11/7, theo sáng kiến của Paris, bốn nước Pháp, Đức, Ý Ðại Lợi và Ba Lan đã ký một biên bản ghi nhớ về dự án phát triển phi đạn liên lục địa tầm xa hơn 500 cây số và radar khó phát hiện được loại phi đạn này vì bay ở tầm thấp.

Cho đến nay, Âu Châu mới có các phi đạn liên lục địa với tầm bắn tối đa 500 cây số, như Storm Shadow của Anh, Scalp của Pháp và Taurus của Đức.
Theo bộ Quân Lực Pháp, mục tiêu của dự án là xây dựng một lực lượng "răn đe" mới của Âu Châu và các nước Âu Châu khác có thể tham gia. Dự án có thể dựa một phần vào các tài trợ của Âu Châu.
Theo một nguồn tin quân sự, loại phi đạn mới mà Pháp, Đức, Ý Ðại Lợi và Ba Lan dự định phát triển sẽ có tầm bắn từ 1.000 đến 2.000 cây số, vốn bị cấm theo thỏa thuận kiểm soát phi đạn nguyên tử tầm trung INF, hết hiệu lực vào năm 2019.


Pháp, Nước Đầu Tiên Trên Thế Giới Sẵn Sàng Đón Nhận Mọi Phụ Nữ A Phú Hãn Trốn Chế Độ Taliban


(Ảnh AP/Hussein Malla, minh họa: Phụ nữ A Phú Hãn trên đường phố ở thủ đô Kabul của A Phú Hãn, ngày 13/2/2022.)
-Tất cả phụ nữ A Phú Hãn trốn chạy do bị kỳ thị, đàn áp, đều sẽ được hưởng quy chế người tị nạn tại Pháp, theo quyết định của Tòa án Quốc gia về Quyền Tị nạn Pháp (CNDA), hôm 10/7/2024.
Tòa án Quốc gia về Quyền Tị nạn Pháp ra quyết định như trên, thể theo phán quyết ngày 16/1/2024 của Tòa án Công lý Âu Châu, theo đó "tất cả các phụ nữ có thể được xem như thuộc về một nhóm xã hội" được hưởng quy chế tị nạn, nếu như "tại các quốc gia nơi họ xuất thân, các phụ nữ, vì lý do giới tính, có nguy cơ là nạn nhân của các bạo hành về thể chất và tinh thần".

Cho đến nay tại Pháp, mới chỉ có các phụ nữ, nạn nhân của các cuộc hôn nhân cưỡng bức, hay là nạn nhân của mạng lưới mãi dâm, hoặc các bé gái tìm cách trốn chạy hủ tục cắt bỏ âm vật, là được Công ước Genève bảo vệ, với tư cách thuộc về "một nhóm xã hội" bị đàn áp. Theo AFP, tại Tòa án Quốc gia về Quyền Tị nạn Pháp - CDNA, nhiều người nhấn mạnh Pháp là quốc gia đầu tiên ban hành một quyết định như vậy, và nhiều nước khác trong thời gian tới cũng có thể đưa ra quyết định tương tự.
A Phú Hãn là quốc gia có đông người tị nạn nhất tại Pháp từ 5 năm nay, với hơn 17 ngàn đơn tị nạn được đệ nạp vào năm 2022, tương đương 15% tổng số đơn tị nạn, theo Ofpra - Cơ quan bảo vệ người tị nạn và người vô tổ quốc của Pháp.


Pháp: Đảng Cực Tả Nước Pháp Bất Khuất Đề Nghị 4 Ứng Viên Chức Thủ Tướng


(Hình AFP - Alain Jocard: Nhóm Dân biểu cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) tại Quốc hội, Paris, Pháp, ngày 9/7/2024.)
-Về đầu sau vòng hai bầu cử Hạ viện Pháp, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (bao gồm 4 đảng) vẫn đang thảo luận để chọn ra một nhân vật có khả năng được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Trong cuộc thảo luận hôm 11/7/2024, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đã đưa ra 4 ứng viên cho chức vụ này, trong đó có sáng lập viên của đảng, ông Jean-Luc Mélenchon.
Ba nhân vật kia là ông Manuel Bompard, điều phối viên toàn quốc của đảng, nữ Dân biểu Clémence Guetté và nữ Dân biểu Mathilde Panot.

Đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) vẫn đề nghị tên của cựu thượng nghị sĩ Mélenchon mặc dù hiện nay ông không còn là Chủ tịch đảng, cũng như không còn là Dân biểu và hiện đang gặp nhiều chỉ trích do những quan điểm quá cực đoan. Các đảng khác trong liên minh cánh tả cũng không chấp nhận để cho ông lãnh đạo chính phủ.
Các lãnh đạo liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đã hứa từ đây đến cuối tuần sẽ đạt được đồng thuận về việc đề cử Thủ tướng mới, nhưng tiến trình này đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do bất đồng giữa đảng Nước Pháp Bất Khuất và đảng Xã Hội.
Đảng Xã Hội thì muốn tiến cử lãnh đạo của đảng này là Dân biểu Olivier Faure.
Mặt khác, liên minh cánh tả tuy về đầu nhưng không hội đủ đa số tuyệt đối, không có gì bảo đảm là tổng thống Emmanuel Macron sẽ bổ nhiệm một Thủ tướng theo đề nghị của liên minh này. Hạ viện Pháp hiện đang bị phân thành ba khối, tổng thống Macron đã kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn, quy tụ các đảng cánh trung, cánh hữu và cánh tả, nhưng không bao gồm đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất và đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc.

Trong khi đó, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập Hợp Dân Tộc, về thứ ba trong cuộc bầu cử, hôm qua tuyên bố đảng này sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm bất cứ một chính phủ nào bao gồm những Bộ trưởng thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất hay thuộc đảng Môi Sinh.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội, Thủ tướng Gabriel Attal đã đệ đơn xin từ chức, nhưng tổng thống Pháp đã yêu cầu ông tiếp tục lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, trong cuối tuần này, ông Macron sẽ phải chấp nhận việc từ chức của toàn bộ chính phủ và như vậy là Nội các của Thủ tướng Attal chuyển sang xử lý thường vụ cho đến khi có Nội các mới. Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher đã đề nghị giữ nguyên chính phủ Attal cho đến tháng 9, để tiếp tục điều hành nước Pháp trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Paris 2024.


Trung Quốc: Tuyên Bố Của NATO Về Vai Trò Của Họ Trong Xung Đột Nga-Ukraine Là 'Hiểm Độc'


(Hình REUTERS: Các nguyên thủ của liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô của Mỹ, hôm 10/7/2024.)
-Trung Quốc hôm 11/7 chỉ trích dự thảo thông cáo của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Ðốn, trong đó mô tả Bắc Kinh là nhân tố tiếp tay mang tính quyết định cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine, là thiên vị và 'gieo rắc mối bất hòa'.
Thông cáo chung được dự kiến cũng nói rằng Bắc Kinh tiếp tục đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với Âu Châu và an ninh.
“Về cuộc khủng hoảng Ukraine, NATO đã cường điệu hóa trách nhiệm của Trung Quốc. Điều đó vô nghĩa và đi kèm với mục đích hiểm độc,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
“Chúng tôi kêu gọi NATO suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng và những gì họ đã làm, đồng thời có hành động cụ thể để giảm leo thang thay vì đổ lỗi,” ông Lâm nói.

Bình luận của ông Lâm được đưa ra sau những nhận xét từ phát ngôn viên của phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Âu Châu, vốn mô tả dự thảo mang “đầy tâm lý Chiến tranh Lạnh và những lời lẽ hiếu chiến, đồng thời có nội dung đầy khiêu khích, dối trá, kích động và bôi nhọ liên quan đến Trung Quốc”.
“Lập trường cốt lõi của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine là thúc đẩy đàm phán hòa bình và giải quyết chính trị, điều đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao,” phát ngôn viên nói.
Cách đây hơn một năm, Bắc Kinh đã đưa ra một đề xuất 12 điểm, bao gồm những nguyên tắc chung để chấm dứt chiến tranh nhưng không đi sâu vào chi tiết cụ thể. Vào thời điểm đó, nó được đón nhận nồng nhiệt ở cả Nga và Ukraine.
Về phần mình, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích NATO và cảnh báo việc NATO mở rộng sang khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, cho rằng điều này phá vỡ sự thịnh vượng và ổn định của khu vực.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Nam Hàn, Tân Tây Lan và Úc Ðại Lợi, tham dự NATO và đã củng cố mối quan hệ mạnh mẽ hơn với liên minh an ninh này trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông.


Báo Chí Nhật: Tàu Hải Quân Nhật Bản Tiến Vào Vùng Biển Trung Quốc Gần Đài Loan, Bắc Kinh Lo Ngại


(Hình REUTERS/Jason Lee: Tàu JS Suzutsuki của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đến cảng Thanh Đảo, Trung Quốc - ảnh tư liệu, 21/4/2019.)
-Một tàu khu trục của hải quân Nhật Bản đã có chuyến hải hành hiếm hoi vào trong lãnh hải của Trung Quốc gần Đài Loan hồi đầu tháng này mà không thông báo cho Trung Quốc và làm dấy lên “những quan ngại sâu sắc” từ phía Bắc Kinh, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin vào tối thứ Tư 10/7.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết tàu khu trục Suzutsuki của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã đi vào vùng biển của Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Chiết Giang hôm 4/7, ở đó, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân.
Đài truyền hình NTV dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay tàu Suzutsuki, được giao nhiệm vụ theo dõi các cuộc tập trận bắn phi đạn của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, phía Bắc Đài Loan, tàu đã tiến vào vùng biển này mà không thông báo cho Trung Quốc.

Kyodo tường thuật rằng tàu khu trục này đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý (22 cây số) ven bờ biển Chiết Giang trong khoảng 20 phút bất chấp những lời cảnh cáo của các tàu Trung Quốc và Bắc Kinh bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” với Tokyo.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mở cuộc điều tra, thẩm vấn thuyền trưởng tàu Suzutsuki và hiện vẫn chưa rõ ý đồ của thủy thủ đoàn là gì, theo tin của Kyodo.
Lực lượng hải cảnh và tàu hải quân của Trung Quốc đã có những lần đi vào lãnh hải của Nhật Bản, kể cả vào tháng 6 năm 2023 khi Tokyo gửi lời phản đối đến Bắc Kinh sau khi hải quân Trung Quốc cho tàu đi vào vùng biển Nhật Bản gần đảo Yakushima.
Vào tháng 12/2023, quân đội Trung Quốc nói rằng một tàu Hải quân Hoa Kỳ đã đi “trái phép” vào vùng biển gần một bãi cạn trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, nơi gần đây đã chứng kiến một số cuộc đối đầu trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Phi Luật Tân.


Bạch Thư Nhật Bản: Tham Vọng Quân Sự Của Trung Quốc Là "Thách Thức Chiến Lược Lớn Nhất"


(Ảnh AP, minh họa: Ba tàu Hải cảnh Wakasa của Nhật Bản, Waesche của Hoa Kỳ và Taepyongyang của Nam Hàn diễn tập bảo vệ bờ biển với 16 máy bay trực thăng ở bờ biển phía Bắc Maizuru, Nhật Bản, ngày 6/6/2024.)
-Trong "Bạch thư" thường niên công bố hôm 11/7/2024, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tái khẳng định các tham vọng quân sự của Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất" đối với Nhật Bản và thế giới. Lo ngại của Nhật đặc biệt tập trung vào vấn đề an ninh của Đài Loan.
Trong lời tựa của Bạch thư, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara nhận định: "Cộng đồng quốc tế đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất của thời hậu chiến". Bạch thư Quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên coi Đài Loan là vấn đề an ninh quốc gia vào năm 2021, nhưng theo Japan Times, năm nay là lần đầu tiên Tokyo trực tiếp nói đến các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Trung Quốc xung quanh hòn đảo này có thể "cho thấy ít nhất một phần chiến lược xâm lược (Đài Loan) của Bắc Kinh". Theo Bạch thư, "không thể loại trừ" một "tình huống nghiêm trọng" xảy ra ở Đông Á giống như Nga xâm lược Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật, các cuộc diễn tập chung của hải quân Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản "rõ ràng là một hành động phô trương lực lượng chống lại Nhật, và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia". Đối với Tokyo, việc Bắc Hàn liên tục tiến hành các vụ thử phi đạn hướng về Nhật Bản là "mối đe dọa nhãn tiền và nghiêm trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh của Nhật Bản".
Bạch thư 2024 có một chương dành riêng cho chi tiêu quốc phòng. Theo Japan Times, một phần lớn ngân sách quốc phòng Nhật được dùng để phát triển các phi đạn tầm xa hiện đại, như một phần của việc xây dựng "khả năng phản công mới", cùng với việc đóng thêm các chiến hạm có trang bị hệ thống tác chiến Aegis đời mới, và củng cố các cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự.
Theo Bạch thư, ngân sách quân sự năm tài chính 2024, với tổng trị giá 8,9 ngàn tỉ yên (khoảng 57 tỉ Mỹ kim), tương đương 1,6% GDP, đã được giải ngân 42%. Mục tiêu của Nhật là dành 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2027, giống như cam kết của các thành viên NATO.


Tổng Thống Joe Biden Lại Lẫn Lộn Trong Cuộc Họp Báo Kết Thúc Thượng Đỉnh NATO


(Hình AP - Jacquelyn Martin: Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh NATO, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 11/7/2024.)
-Hôm 11/7/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại Hoa Thịnh Ðốn rất được dư luận chú ý theo dõi.
Cuộc trao đổi với các nhà báo kéo dài 1 tiếng đồng hồ chủ yếu xoay quanh những lo lắng về tình trạng sức khỏe của ông, nhưng nguyên thủ Mỹ không hề tỏ ý định bỏ cuộc. Cuộc họp báo khiến đảng Dân chủ không thể an tâm về ứng viên Biden. Thông tín viên RFI Guillaume Nautin tại Hoa Thịnh Ðốn tường trình:
Ông Joe Biden đáng ra phải trấn an thì lại bắt đầu làm mọi người lo ngại với việc nhầm lẫn, nhưng đã sửa lại ngay, tên của lãnh đạo hai nước đang chiến tranh với nhau. Ông gọi Tổng thống Volodymir Zelensky bằng tên của tử thù Vladimir Putin.
Sau đó ông lại lẫn tên bà phó Tổng thống của mình với tên đối thủ bên đảng Cộng Hòa Donald Trump.
Kamala Harris là cái tên được nhắc đến thường xuyên nhất để thay thế nếu ông phải bỏ cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Ông Joe Biden nói, bà là người có khả năng thay ông.
Ông nói: « Nếu bà không thể là Tổng thống thì tôi đã không chọn bà. Ngay từ đầu, tôi đã không giấu điều đó. Bà có phẩm chất để làm Tổng thống. Chính vì thế tôi đã chọn bà ».

Có điều là Joe Biden không hề có ý định nhường chỗ.
Ông nói tiếp: « Nhiều chuyện có thể xảy ra. Nhưng tôi nghĩ, tôi biết và tin là tôi có khả năng tốt nhất để lãnh đạo đất nước và tôi nghĩ tôi là người có phẩm chất tốt nhất để thắng cử. Nhiều người khác sẽ có thể đánh bại Donald Trump, nhưng thật khó khi bắt đầu lại từ con số không ».
Ông muốn gợi nhắc đến kết quả lãnh đạo mà ông rất tự hào, và cũng cả đến hơn 200 triệu Mỹ kim hiện đang nằm trong ngân quỹ chiến dịch tranh cử của ông mà sẽ khó có thể chuyển giao khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa đến cuộc bầu cử.
Tại cuộc họp báo ông Joe Biden đã nhiều lần nhắc lại ông muốn « hoàn tất công việc » đã bắt đầu từ 2020. Về tình trạng sức khỏe, ông giải thích đã qua ba lần kiểm tra thần kinh kỹ lưỡng do một bác sĩ thần kinh thực hiện, lần cuối cùng là vào tháng Hai.

Không có nhận xét nào: