Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:9/7/2024 - Duke Nguyễn


Thế vận hội Mùa hè 2024 sắp bắt đầu, Paris lo ngại về tấn công mạng và thông tin sai lệch Trước việc Thế vận hội Paris 2024 sẽ bắt đầu vào cuối tháng này, chính quyền Pháp đã bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra và sự lan truyền thông tin sai lệch. Về việc này, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ hỗ trợ cho Pháp. Việc hỗ trợ này bao gồm chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ trực tiếp trên mạng giữa Hoa Kỳ và Pháp. Những nỗ lực ngày càng trở nên quan trọng do trong những lần tổ chức Thế vận hội trong 10 năm qua đều từng xuất hiện những sự can thiệp ác ý có liên quan đến Nga.
<!>
Ông Scott McConnell, người phát ngôn của Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ (CISA), cho biết trong một tuyên bố rằng, CISA đang làm việc với các cơ quan chính phủ khác của Hoa Kỳ và các tổ chức tư nhân cũng như các đối tác hợp tác quốc tế để cung cấp hỗ trợ an ninh mạng cho Pháp trước khi Thế vận hội Mùa hè được khai mạc vào ngày 26/7.

Ông McConnell nói thêm rằng, các nhân viên CISA sẽ tham gia vào hoạt động chung của chính phủ Hoa Kỳ và Paris để cung cấp kiến thức chuyên môn.

CISA không phải là cơ quan duy nhất của chính phủ Mỹ tham gia vào hoạt động này. Hôm 4/7, tờ Politico (Chính khách) của Mỹ dẫn lời một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hoạt động này sẽ do Cục An ninh Ngoại giao (Bureau of Diplomatic Security) của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách và sẽ "hoạt động suốt ngày đêm", sẽ có nhiều đối tác trong các cơ quan chính phủ khác của Mỹ cùng tham gia.

Cùng lúc này, Pháp cũng đang tích cực ứng phó với các mối đe dọa sắp tới. Theo Politico, trong hai năm qua, Cơ quan An ninh mạng Quốc gia Pháp (ANSSI) đã chuẩn bị cho các mối đe dọa mạng mà Thế vận hội lần này có thể sẽ gặp phải, và Ủy ban Thế vận hội Paris cũng đang chuẩn bị để ứng phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra trong buổi lễ khai mạc. Lễ khai mạc là phần được xem nhiều nhất của Thế vận hội.

Theo ông Victor Ploué, nhân viên quan hệ truyền thông tại Cơ quan An ninh Mạng Quốc gia Pháp, công tác chuẩn bị bao gồm việc xác định khoảng 500 công ty và tổ chức tham gia tài trợ cho Thế vận hội. Những công ty và tổ chức này cần một số hình thức bảo vệ để chống lại các mối đe dọa vật lý và đe dọa trên mạng.

Ông Ploué cho biết: “Thế vận hội có thể thu hút sự chú ý của nhiều người có hành vi ác ý trên mạng, họ có thể tìm cách kiếm lợi từ những hoạt động này để tăng độ nổi tiếng và tuyên truyền cho những chủ trương của chính họ. Họ có thể tìm cách làm tổn hại đến danh tiếng của cuộc thi đấu và nước chủ nhà, hoặc kiếm được lợi ích kinh tế thông qua việc tống tiền”.

Hồi tháng 6, một báo cáo mới do Trung tâm Phân tích Mối đe dọa của Microsoft (MTIC) tiết lộ rằng, Nga đang phát động một chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn nhằm bôi nhọ danh tiếng của Ủy ban Thế vận hội Quốc tế, đồng thời tung tin đồn về các sự kiện bạo loạn có thể xảy ra tại Thế vận hội Paris vào mùa hè này.

Mandiant, một công ty thuộc Google Cloud, đã đưa ra một báo cáo vào tháng trước và cũng bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa đối với Thế vận hội Mùa hè năm nay. Họ “tin chắc” rằng các hoạt động gián điệp mạng, tin tặc và thông tin sai lệch có thể có liên quan đến Nga sẽ nhắm vào Paris.

Nga đã bị Ủy ban Thế vận hội Quốc tế cấm tham gia Thế vận hội Paris 2024, nhưng một số vận động viên của Nga vẫn được thi đấu với tư cách cá nhân.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand chuẩn bị họp cùng NATO


Tổng thư ký NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) Jens Stoltenberg hôm Chủ nhật (ngày 7/7) cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đều sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần này tại thủ đô Washington DC của Mỹ. Điều này sẽ khiến NATO và các đồng minh ở Châu Á - Thái Bình Dương đều mạnh hơn trong việc đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2024 là cuộc họp diễn ra từ ngày 9–11/7/2024 tại Washington, DC, Hoa Kỳ giữa các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của 32 nước thành viên trong NATO. Tham dự hội nghị lần này còn có các nước đối tác của NATO và Liên minh Châu Âu (EU). Tên chính thức của hội nghị này là “An ninh cho Ukraine và xuyên Đại Tây Dương” (Ukraine and Transatlantic Security).

Trong chương trình "Face the Nation"(Đối mặt Toàn quốc) của CBS hôm 7/7 vừa qua, ông Stoltenberg được hỏi rằng: Điều đáng chú ý là Úc và 3 nước Châu Á - Thái Bình Dương khác sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này, đây có phải là dấu hiệu cho thấy NATO đang cố gắng đặt ra chiến lược nhắm vào Trung Quốc khi Trung Quốc và Nga đang hợp tác trong cuộc chiến ở Ukraine hay không?

Tổng thư ký NATO nói với người dẫn chương trình Robert Costa rằng: "Đúng, xác thực là vậy, bởi vì cuộc chiến ở Ukraine cho thấy Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran đang liên minh chặt chẽ với nhau như thế nào. Trung Quốc là bên tiếp tay chính cho Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine”.

Khi đề cập đến người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Stoltenberg nói thêm rằng, cả hai người này "đều muốn NATO và Mỹ thất bại ở Ukraine". Nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine, "điều đó sẽ không chỉ khuyến khích Tổng thống [Nga] Putin mà còn khuyến khích Chủ tịch [Trung Quốc] Tập Cận Bình. Như Thủ tướng Nhật Bản đã nói, những gì xảy ra ở Ukraine hôm nay có thể xảy ra ở Châu Á vào ngày mai".

"Vì vậy, điều này cho thấy NATO cũng rất quan trọng đối với Hoa Kỳ trong việc đối phó với Trung Quốc". Ông Stoltenberg nói tiếp: "Hoa Kỳ là một nước lớn. Nhưng ở NATO, bạn có một thứ mà không cường quốc nào có được và đó là hơn 30 người bạn và đồng minh. GDP của Mỹ chiếm 25% thế giới. Cộng thêm các đồng minh NATO - những đồng minh này đã tăng gấp đôi sức mạnh và chiếm 50% sức mạnh kinh tế và quân sự của thế giới. Do đó, Mỹ cũng sẽ mạnh hơn khi sát cánh cùng NATO trong việc đối phó với Trung Quốc”.

NATO hiện có 32 nước thành viên, trong đó Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra.

Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn hôm 7/7 rằng, dù thế nào đi nữa, việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu của NATO.

Khi nói về Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này, ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi đang đưa ra những quyết định quan trọng về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, NATO sẽ đảm nhận việc cung cấp và điều phối hỗ trợ an ninh cho Ukraine".

Các bộ trưởng Hà Lanlần đầu thăm Ukraine, cam kết ủng hộ mạnh mẽ


Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Hà Lan mới được bổ nhiệm cho biết sự ủng hộ của Hà Lan dành cho Ukraine là “vững như bàn thạch”.

Hà Lan là đồng minh chủ chốt của Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022, nhưng chiến thắng trong cuộc bầu cử cực hữu năm ngoái đã làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của nước này.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Kyiv, Bộ trưởng Quốc phòng Ruben Brekelmans và Bộ trưởng Ngoại giao Caspar Veldkamp đã có cuộc họp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và các quan chức cấp cao khác của Ukraine.

“Thông điệp của tôi gửi tới tất cả các quan chức trong chính phủ Ukraine là Hà Lan luôn sát cánh cùng Ukraine và sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine về mặt chính trị, quân sự, tài chính và đạo đức”, ông Veldkamp nói với Reuters.

Ông Brekelmans cho biết công tác cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine và giúp tăng cường hơn nữa khả năng phòng không của nước này đang được tiến hành tích cực.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine là vững chắc như bàn thạch. Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine là không còn nghi ngờ gì nữa”, ông Brekelmans nói khi đứng ở trung tâm Kyiv gần một cuộc triển lãm ngoài trời về thiết bị quân sự bị phá hủy của Nga.

Hà Lan là một trong những động lực thúc đẩy liên minh quốc tế cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine. Chính phủ Hà Lan sắp mãn nhiệm đã tuyên bố rằng chiếc đầu tiên trong số 24 máy bay phản lực đã hứa sẽ sớm được cung cấp.

Ông Brekelmans từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết hoặc ngày cụ thể, vì lý do an ninh.

Ông Zelenskiy cho biết hôm thứ Sáu (5/7) rằng ông muốn tăng gấp đôi khả năng phòng không trong suốt mùa hè.

Hà Lan cũng sẽ sớm cung cấp ba bệ phóng và một hệ thống radar, ông Brekelmans cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông cũng đang đàm phán với các đối tác khác “để tạo ra các liên minh quốc tế nhằm cung cấp” các hệ thống Patriot, vốn đã giúp Kyiv tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga.

Ông Brekelmans cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục tại hội nghị thượng đỉnh NATO, tại Washington, vào thứ Tư (10/7).

Ông Veldkamp cũng cam kết hỗ trợ tài chính để giúp mở rộng năng lực nghiên cứu pháp y và thu thập dữ liệu của Ukraine. Hà Lan cũng sẽ tặng một phòng xét nghiệm pháp y di động để sử dụng ở các khu vực tiền tuyến.

“Điều này sẽ giúp công lý được thực thi đối với rất nhiều người Ukraine đã chết mà thi thể của họ cần đưa về từ tiền tuyến”, ông Veldkamp nói. “Nó cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra các trường hợp người mất tích và sẽ hỗ trợ nỗ lực chung nhằm đưa những đứa trẻ bị trục xuất trở về từ Nga và đoàn tụ với gia đình”.
Khẩu súng Hoàng đế Napoléon định dùng để tự sát được được bán với giá gần 1,7 triệu euro

Hai khẩu súng lục mà Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte từng định dùng để tự sát nhưng bất thành, đã tìm được chủ mới sau buổi bán đấu giá.


AFP ngày 7.7 đưa tin tại buổi đấu giá cùng ngày ở khu Fontainebleau, thuộc vùng đô thị Paris của Pháp, hai kỷ vật gắn liền với Napoléon Bonaparte, nhà quân sự lỗi lạc của Pháp và từng là Hoàng đế Pháp vào năm 1804 - 1814, đã được bán với giá gần 1,7 triệu euro (46 tỉ đồng). Giá bán này cao hơn ước tính ban đầu là 1,2 - 1,5 triệu euro.

Những khẩu súng được trang trí lộng lẫy, khảm vàng và bạc, thân súng khắc chân dung Hoàng đế Napoléon. Trước khi diễn ra buổi đấu giá, chuyên gia Jean-Pierre Osenat tại công ty đấu giá Osenat giới thiệu về lịch sử của khẩu súng. Sau những thất bại và bị buộc phải thoái vị vào năm 1814, Hoàng đế Napoléon đã hoàn toàn suy sụp và đã muốn dùng khẩu súng để tự sát, nhưng một người cận vệ trước đó đã lấy thuốc súng ra khỏi vũ khí.

Napoléon sau đó chọn cách uống thuốc độc nhưng đã nôn ra và sống sót. Ông trao lại khẩu súng cho người cận vệ như lời cảm ơn cho sự trung thành.

Danh tính của người mua không được tiết lộ. Trước khi đem hai khẩu súng ra đấu giá, Bộ Văn hóa Pháp đã phân loại chúng là bảo vật quốc gia và ban hành lệnh cấm xuất khẩu. Những tài sản văn hóa được xếp loại bảo vật quốc gia chỉ được đưa ra khỏi Pháp trong thời gian ngắn và bắt buộc phải mang về nước.

Những kỷ vật của Hoàng đế Napoléon rất được săn đón. Hồi tháng 11.2023, chiếc mũ nỉ "bicorne" nổi tiếng của ông từng được bán với giá 1,9 triệu euro

Không có nhận xét nào: