Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Chinh Phục Lâm Viên - Trương Dưỡng


Rồi Tám Tuần Sơ Khởi cũng trôi qua,các Tân khóa sinh được thử thách lần chót. Đó là chinh phục đỉnh Lâm Viên: cả khóa chia làm hơn 40 toán, mỗi toán khoảng 10 người. Tất cả chuẩn bị đầy đủ hành trang tác chiến chứa đầy trong ba lô, súng cá nhân địa bàn, bản đồ quân sự. Mọi người đều phát xuất từ vũ đình trường và trên đường đi đến đỉnh Lâm Viên phải tìm cho được một số cọc trên đó có ghi các ước hiệu địa hình quân sự chỉ định.Toán chúng tôi vượt thung lũng ở sân bắn, xuyên qua đồi yên ngựa, vừa tới chân núi Lapbé North thì trời đã mờ tối, theo bản đồ thì cọc thứ nhứt ở trên lưng chừng một đường đỉnh của rặng núi nầy. 
<!>
Khi tới đúng tọa độ, tất cả phân tán chia nhau ra tìm, tôi mãi lo nhìn theo lằn lân tinh trên địa bàn để định tọa độ lại cho chính xác thì bị hụt chân rơi xuống hố sâu, tôi la lớn để mấy đứa cùng toán tới phụ kéo lên vì vai mang ba lô nặng chỉu... Bỗng có đứa kêu lớn:
- Thấy cọc rồi tụi bây ơi!
Chúng tôi mừng rỡ vội chạy tới, soi đèn lên thì thấy trên cọc có vẽ ước hiệu trung đoàn bộ binh, lúc ấy khoảng 11 giờ đêm; chúng tôi lại lấy bản đồ tiếp tục định hướng để tìm các cọc kế tiếp. Đến 1 giờ khuya lại tìm được thêm được 2 cọc nữa, và khi trời mờ sáng thì đã qua đủ số cọc chỉ định và cọc cuối cùng nằm ngay ở chân núi Lâm Viên. Toán chúng tôi được thưởng mỗi người một lá cờ Lâm Viên vì đến trước nhất và tìm đúng hết các cọc.

Đêm đó có tổ chức đốt lửa trại và ca hát rất vui vẻ. Đặc biệt có anh Chu văn Thiệp, thổi khẩu cầm qua nòng súng và nhảy múa rất lả lướt. Tiếng hỏa châu nổ tưng bừng như ngày hội lớn trên đỉnh Lâm Viên. Niềm hãnh diện của những chàng tân khóa sinh vì họ đã vượt qua giai đoạn thử thách đầy cam go, khổ cực đầu tiên trong đời binh nghiệp nầy.
Tối hôm sau, tại trường Võ Bị, trong mỗi phòng, dưới ánh đèn cầy mờ ảo, các sinh viên sĩ quan khóa đàn anh đến làm lễ trao găng tay theo truyền thống. Tiếp theo đó là lễ gắn Alfa. Từ đó trở đi, tôi và anh em cùng khóa 20 VBĐL chính thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tất cả rất hãnh diện cất tiếng ca bài “Võ Bị Hành Khúc”, mỗi khi di chuyển đều bước trong hàng quân:
“Ta đoàn sinh viên Võ Bị Việt Nam
Đồng hát khúc ca quân hành
Đoàn sinh viên ta xiết chặt dây thân ái
Gieo khắp đó đây những mầm sống vui
Đồng thanh ca ta vui hát lên
Dù gian nan qua bao khó khăn
Đoàn Sinh Viên ta vui bước lên
Đi lên....đi lên.....đi....
Ta đoàn Sinh Viên họp đoàn vui sống
Gieo khắp đó đây khúc ca thanh bình”.
Trong giai đoạn tân khóa sinh, chúng tôi chỉ được học phần quân sự, gồm các môn: tháo ráp và lao chùi vũ khí, cơ bản thao diễn, đoạn đường chiến binh, tác xạ các loại súng trường M1, Colt, Tiểu liên, Trung liên, Đại liên....Ngoài ra còn học về địa hình, tìm cọc và tìm điểm đứng. Cũng học về cá nhân chiến đấu, thoát hiểm mưu sinh, lính gác giặc. Chiến thuật tiểu đội tuần tiểu phục kích, tiểu đội đột kích đêm...

Giai Đoạn Sinh Viên Sĩ Quan:
Giai đoạn nầy, khi chánh thức trở thành Sinh viên Sĩ quan, chúng tôi học cả Quân Sự lẫn Văn Hóa. Học Văn hóa thường vào mùa mưa; mỗi lớp học chứa khoảng 25 sinh viên sĩ quan, vì thế các đại đội phải chia thành 2 toán A1,A2,B1,B2... Lúc đi học thường mặc kaki vàng ủi thẳng nếp, chúng tôi không dám ngồi chồm hổm, sợ nhăn nếp sẽ bị khóa đàn anh phạt. Trường được trang bị các phòng thí nghiệm rất tối tân:Phòng Thực Nghiệm Vật Lý, Hóa Học, Kỷ Nghệ Nặng, và Điện Tử...
Ngày đầu tiên khi vào học lớp Anh Văn, tôi giật mình vì sau 8 tuần lột xác, đầu óc bây giờ trống trơn, ngay cả chia động từ “To Be” mà cũng quên, đúng là 8 tuần “Tẩy não”. Rồi thời gian trôi qua, chúng tôi dần dần nhớ lại, nực cười nhất là giỏ cam mà má tôi gởi cho thằng Miên xách dùm tại điểm tập trung ở Sàigòn, cách nay đã 2 tháng, mãi tới giờ nầy mới nhớ thì nó đã nằm trong bụng của Phan thanh Miên hết rồi!
Thời gian Thiếu tướng Trần Tử Oai về làm chỉ huy trưởng, ông thấy các sinh viên sĩ quan có vẻ cứng ngắc, thực hành kỷ luật một cách tuyệt đối, việc gì cũng lý tưởng quá mức. Ông đã phạt lia lịa, toàn tội trọng cấm (nhưng không lưu hồ sơ cá nhân). Mục đích muốn các sinh viên nếm chút bụi đời, chớ thật ra ông rất thương chúng tôi, vì thỉnh thoảng ông tự lấy xe qua nhà tù rước các sinh viên bị phạt về.
Tôi cũng là 1 nạn nhân trong đó. Một hôm nọ, lúc liên đội F, H đi ngang qua phòng Chỉ huy trưởng, tôi và Thái Văn Huyện,là đồng trưởng toán, đang vừa chào Tướng vừa đếm nhịp bước thì nghe tiếng gọi:
- Dừng lại.
Huyện vội hô:
- Đứng lại..... đứng.
Tôi quay đầu nhìn, thấy 1 người có khuôn mặt đầy oai vệ; tay ông cầm cây “Can”, trên nón có 2 ngôi sao sáng chói; đang cùng sĩ quan cận vệ đi tới, chúng tôi ai nấy đều hồi hộp, thiếu úy đã ghê lắm rồi huống chi đây lại là thiếu tướng!
Ông ta cất tiếng rổn rảng:
- Các anh đi học ở đâu về?
Huyện run rẩy trả lời:
- Dạ thưa.... Thiếu.... úy, đại đội học tác xạ về.
Chúng tôi ai nấy đều giật mình cười thầm, thằng nầy gan trời, dám kêu Thiếu tướng bằng thiếu úy! Ông ta gõ khẻ lên đầu Huyện và nói:
- Sinh viên Sĩ quan gì mà nhát gan vậy!
Thế là ông phạt 2 trưởng toán 10 ngày trọng cấm. Tôi bị vạ lây thật là oan uổng, khi về tới doanh trại vội tắm rửa thu xếp hành trang lên xe qua nhà tù ở bên khu Quan Trung.
Đây là khu trường cũ, nhà cửa xập xệ, trong tù đầy nhóc sinh viên sĩ quan Khóa 19 và Khóa 20, quang cảnh thật hỗn độn, không còn thể thống, đàn anh nghiêm trang đáng kính sợ nữa.

Các niên trưởng ở đây thật là xuề xòa dễ chịu, nói chuyện vui vẻ thật cởi mở; tiêu chuẩn tù phải ăn cơm muối, nhưng câu lạc bộ kế bên, anh lính trực đâu có khóa cửa tù, vì “Ở trong đó toàn mấy ổng không”! Đó cũng là dịp để nghỉ ngơi thoải mái, hết qua câu lạc bộ ăn thì về nằm luyện chưởng: Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long, Lệnh Xé Xác... Riêng tôi chỉ thích cỡi con ngựa chiến to lớn số 75 (của bà Ngô Đình Nhu trước kia), ngựa nầy to lớn và phi rất nhanh, có lần tôi cỡi nó phi nước đại, chạy qua mặt xe hơi “Con Cóc” ở gần Lò Nguyên Tử. Khi tôi cỡi ra tới phố Đà Lạt, trên bờ Hồ Xuân Hương, con 75 thấy mấy ngựa cái (để cho du khách thuê), nó nổi chứng hất tôi rớt nguyên con xuống đất làm ê cả xương mông!
Khóa tôi có Phan thanh Miên cỡi ngựa chì nhất, hắn làm Hội trưởng Hội Kỵ Mã. Vào ngày Lễ Mãn Khóa, Miên đóng vai tên quân cấp báo trong kịch Trận Đống Đa. Khởi đầu tuồng kịch, Miên phi ngựa nước rút từ bên nầy sân Vũ Đình Trường chạy qua tới bên kia sân, nơi vua Quang Trung đang ngồi trên mình voi, Miên gò ngựa cái rụp, phóng nhanh xuống, tới quỳ trước đầu voi hô to:
- Dạ cấp báo, giặc Thanh đang tiến đánh nước ta!
Miên cũng đá banh rất giỏi, là tuyển thủ giành cúp vô địch tỉnh Lâm Đồng cho nhà trường, nhờ vậy nên được thêm 1 điểm trung bình, cuối năm thứ nhứt xếp hạng cao và được làm sinh viên cán bộ Liên đoàn. Miên được tuyển về Sư đoàn Nhảy dù, cùng Tiểu Đoàn 9 với tôi. Sau 1975 anh bị tù hơn 8 năm, tội nghiệp chị Miên ở nhà tảo tần nuôi con,ráng sức gom góp và vay mượn để có tiền ra tiếp tế chồng ở ngoài Bắc. Rồi chị cố làm để trả nợ, nuôi con, đến nổi phải bị ho ra máu. Khi Miên ra tù, chị lo cho 2 cha con vượt biên, chị đúng là một người vợ đức hạnh, một người mẹ hiền đáng khâm phục. Mong rằng bạn Miên, bây giờ đang ở California, phải bù đắp cho chị thật nhiều.
Đại đội F có TKS Đặng Quốc Thông hát rất hay, những buổi sinh hoạt đại đội, mọi người thường đề nghị anh hát bản “Màu Hoa Trắng”:
“Màu hoa trắng... ngày xưa anh đã trao ân tình lần cưới em!”
Lời nhạc trầm buồn làm mọi người đều tưởng nhớ tới người yêu của mình!!!
Thời gian trôi qua thật mau,mới ngày nào mà nay Khóa 20 đã gần xong năm thứ nhứt. Vào một buổi sáng cuối năm 1964, Thiếu úy Hoàng công Trúc, Sĩ quan Cán bộ Đại đội F, gọi Nguyễn văn Măng, Nguyễn thành Nhu, Đoàn kim Sơn, và tôi tới văn phòng đại đội trình diện. Ông chỉ cho chúng tôi đống kiếm dựng ở vách và bảo mỗi đứa lấy một cây, rồi nói:
- Các anh được nhà trường chọn làm Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Hệ Thống Tự Chỉ Huy thay thế Cán bộ Khóa 19 vì họ đi Dục Mỹ học lớp “Rừng Núi Sình Lầy” để chuẩn bị ra trường.
Nhìn qua một vòng ông nói tiếp:
- Anh Dưỡng sẽ là SVSQ cán bộ Đại đội trưởng Đại đội F; Măng, Trung đội 16; Nhu, Trung đội 17; và Sơn là Trung đội trưởng Trung đội 18. Võ văn Hết là sinh viên Tham mưu, Nguyễn anh Thư là Thủ Kho đại đội.
Ngừng một chút, Thiếu úy Trúc nói:
- Việc chọn lựa nầy căn cứ vào thành tích điểm Năm Thứ Nhứt, vậy ai có gì thắc mắc không?
Mọi người đều trả lời:
- Không.

Sau đó ông dẫn 4 đứa ra sân tập dượt các thế: chào kiếm, trình kiếm, thế nghỉ, thế nghiêm...Thiếu úy Trúc bảo đây là kiếm của Pháp nên rất nhẹ, ông đã lựa trước vì các thứ khác nặng và cồng kềnh hơn. Dù sao nó cũng nhẹ hơn súng cá nhân nhiều; thế là từ đây đỡ khổ, khỏi phải lo khi chùi súng dơ sẽ bị cúp phép dạo phố vào cuối tuần; nhất là làm cán bộ sẽ được miễn canh gác hoặc ứng chiến.
Nhắc đến việc canh gác thì có nhiều chuyện để kể, nhất là những ngày Tết mà ngồi gác và nghe bài “Phiên Gác Đêm Xuân” thì thật là buồn:
“Đón Giao thừa một phiên gác đêm”! ...
Khí hậu Đà Lạt đã lạnh mà về mùa Đông lại càng lạnh thấu xương.Mỗi khi đứng gác, chúng tôi phải mặc nhiều lớp và choàng bên ngoài thêm cái áo dạ mà cũng còn thấy lạnh, tôi thường trùm kín hết chỉ chừa lỗ mũi, miệng, và cặp mắt để quan sát, chờ toán tuần tiểu đến khoảng 6 thước thì chận để hỏi Mật khẩu:
- Ai đó đứng lại...
- Mật khẩu:....
Không khí đại đội F bấy giờ vô cùng vui tươi, phóng khoáng, nhờ đó đã tạo nên những thành tích nổi bật về thể thao, như bóng chuyền, bóng tròn, bóng rổ, cũng có nhiều bạn rất hiền như Trần phi Cơ, Nguyễn hữu Phước, Phạm v Khóa, Nguyễn v Khoa...
Đặc biệt anh Đoàn kim Sơn, Trung đội trưởng Trung đội 18, thì hết sức đạo mạo, nghiêm trang. Anh nghiêm khắc với mọi người và cũng nghiêm khắc với ngay cả bản thân! Chính tôi lúc ấy là đại đội trưởng của anh, mà vẫn phải kiêng nể phần nào. Mỗi lần tôi theo Măng, Tài, Minh... trốn đêm ra khu Tôn Thất Lễ nhậu tại nhà Mai hòa Đơ. Sáng ra thấy gương mặt đạo mạo của anh là tôi cảm thấy thèn thẹn làm sao đó, cảm thấy mình đã phạm sai lầm, đã nêu gương xấu cho đại đội.
Sơn ra trường vừa đi hành quân vừa học tốt nghiệp Luật và được làm Biện Lý tòa án quân sự (thiết diện vô tư giống như Bao Công đời xưa). Anh là người tỉnh Bến tre, lại nhỏ con, sống khắc khổ, nên bạn bè thường gọi anh là “Ông Đạo Dừa!”
Lúc ban đầu các SVSQ cùng khóa thường phản đối việc cắt gác của Võ văn Hết, vì ai cũng ngán về việc canh gác, nhất là khí hậu vào mùa Đông mà phải lên Đồi Bắc đứng chịu trận 2 giờ và 45 phút thì thật là khổ sở, gác ca đầu hoặc ca chót thì đỡ, còn gặp 2 ca giữa từ 11 giờ tới 3g 45 thì hôm đó coi như thức trắng đêm và sáng ra sẽ ngủ gục trong buổi học.

Làm cán bộ đại đội trưởng nhiều khi phải cố gắng dàn xếp cho yên, đối với khóa đàn em thì thật là dễ chỉ huy, lệnh ra là họ thi hành ngay không một do dự. Nhiều bạn đồng khóa thường chuồn đi phố đêm, tôi chỉ nhắc nhỡ nhưng lúc nào cũng bao che, giấu nhẹm những lỗi lầm, không báo cáo Sĩ quan Cán bộ Đại đội.
Có lần đang ở phòng Thiếu úy Trúc, thấy kẹp hồ sơ sinh viên sĩ quan “Tự phê bình, tự đánh giá”. Tôi tò mò lật coi, trong đó hầu hết các bạn Đại đội F phê bình tôi là: trực tính, cương nghị, tốt với bạn và đa số đều cho hạng nhất.Tôi thấy rất mừng, không phải mừng vì được bạn bè đồng đội cho hạng cao;mà mừng vì mình không bị họ cho là làm “Ăng-ten” lấy điểm Sĩ quan Cán Bộ.
Lớp Văn Hóa có thầy dạy toán rất giỏi tên Nguyễn Ngộ, người Huế, gia đình toàn trí thức. Lúc còn trẻ, thường dùng thuốc ngủ, vì ông hay thức khuya để học bài, đọc sách. Rồi do lạm dụng thuốc nên bấy giờ không ngủ được, khiến ông như người lẫn trí, và tánh tình kỳ hoặc. Hễ mỗi lần vô lớp, ông bỏ tập lên bàn rồi gọi to:
- SVSQ nào tên là Trương Dưỡng đâu, lên trình diện coi!
Khi tôi lên thì ông đưa bài vở bảo giảng cho anh em trong lớp, nhưng đây là môn Tân Đại Số tôi chỉ biết chút đỉnh và đã quên hết rồi, nên nói:
- Thưa thầy, tôi không biết thì làm sao giảng được!
Vậy mà ông cũng chỉ sơ rồi bảo cứ giảng thử! Không ngờ ông có tài đặc biệt, nói qua loa mà tôi có thể lãnh ngộ, vì thế ông rất hài lòng. Thường gọi Khóa 20 là khóa của trò Trương Dưỡng, ông nói nhiều lần trong lớp, làm tôi mắc cỡ vô cùng! Mỗi lần tới giờ học của ông tôi thường trốn ra sau cuối lớp, úp mặt xuống bàn, giả đò ngủ gục, vậy mà ông vẫn kêu lên bảng, khiến các bạn đồng lớp thường hay chọc quê!

Dù sao tôi cũng kính nể sự thông minh đặc biệt của thầy Ngộ, hơn nữa ông đã thưởng thức sở trường toán học của tôi, nghe nói sau nầy ông phải về bệnh viện điều trị, vì chứng mất ngủ trở nên trầm trong, khiến người ông hơi “Mát”!
Sinh viên sĩ quan rất dễ bị ngủ gục, nhất là trong giờ văn hóa; vì ngoài việc canh gác, ứng chiến ra, chúng tôi thường di hành và dạ hành suốt ngày đêm. Với quân trang trên người nặng gần 20 ký, Tướng Oai thường ra lệnh chúng tôi di hành dưới những cơn nắng gắt. Bắt đầu từ trường đi bộ đến thác Gouga gần phi trường Tùng Nghĩa, Liên Khương. Đoạn đường đi và về trên 50 cây số, nên ai nấy đều than mệt quá chừng.
Có hôm đoàn dạ hành vượt hồ Than Thở, leo lên đỉnh Lapbé Sud (cao nhất vùng nầy), chúng tôi đi suốt đêm, đoàn quân thường bị đứt khúc vì thỉnh thoảng có người vừa ngồi xuống nghỉ chân rồi do mệt quá nên ngủ gục luôn, riêng tôi đêm đó cũng đánh giấc được 2, 3 lần, mỗi lần chừng 5,10 phút.
Khoảng gần 5 giờ sáng, từ trên đỉnh núi cao, chúng tôi mới nhìn thấy được đèn ở trường; mọi người mừng rỡ hấp tấp tuột dốc về đến trường, vừa tắm rửa làm vệ sinh xong thì kèn đã thổi tập hợp ăn sáng, để còn kịp đến lớp học văn hóa vào 7g 30! Thử hỏi như vậy mà không ngủ gục trong lớp sao được!
Chỉ có tôi là hơi đặc biệt một chút, có lẽ vì sợ ra Trung sĩ hay sao, mà lúc nào cũng tỉnh ngủ trong lớp học, dù cả đêm thức giấc mệt mỏi. Các bài vở phát về tôi đều đọc không bỏ sót trang nào, nhiều khi tranh thủ ngồi trong cầu mà cũng lấy theo đọc. Có lẽ nhờ vậy nên điểm tổng kết của tôi rất cao.

Theo thiếu úy Hoàng Công Trúc cho biết, tôi được hạng 3 (trong hơn 450 SVSQ) năm thứ nhứt, lẽ ra phải làm chức vụ cấp Liên đoàn, nhưng người thứ nhì trong đại đội, không đủ điểm tiêu chuẩn, nên tôi phải ở lại làm đại đội trưởng. Dù được ở một mình một phòng, không bị khám xét, nhưng tôi vẫn lau chùi ngăn nắp, vì lúc đi học, thường có nhiều phái đoàn đến thăm. Họ thích coi nếp sinh hoạt thực tại của sinh viên sĩ quan lắm.
Việc thích thú nhất của chúng tôi là được về Thủ Đô diễn hành. Vì cả năm trường đâu có ai được phép về thăm nhà; khi đến Sàigòn, vào ở trong trại Tổng Tham Mưu, sĩ quan hướng dẫn không thông cảm gì hết, họ ra lệnh cấm trại 100%. Nhưng sinh viên sĩ quan như những con khỉ được sút chuồng, lệnh thì cứ lệnh đi thì cứ đi. Tôi trốn trại tới Phú Nhuận thăm nhà trọ cũ một chút, rồi phóng ra phố, đi vòng đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, ăn bún suông ở nhà hàng Thanh Thế, gỏi khô bò, nước mía Viễn Đông, đi lung tung thưởng thức Thủ đô yêu dấu vì: “Sàigòn đẹp lắm Sàigòn ơi! Sàigòn ơi!”....
Trong lúc đang diễn hành, tôi rất vui vẻ và hãnh diện vì được cầm kiếm đi hàng đầu, trong óc cứ nghĩ đến câu hát “Trở về Thành đô có anh đi hàng đầu” mà tự mỉm cười hoài, đúng là tuổi trẻ háo thắng. Nhưng khi về trường, các sĩ quan cán bộ phạt cả khóa bò lên chạy xuống thung lũng khu Vũ đình trường mệt gần tóe phở, nhưng cũng đáng đồng tiền bát gạo vì được lả lướt khắp Thủ đô, mà tôi và các bạn cùng khóa, hằng nhớ nhung suốt cả năm trường.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào là tân khóa sinh đã dự lễ “Quỳ xuống Tân Khóa Sinh, đứng dậy Sinh Viên Sĩ Quan”, nay Khóa 20 đã hoàn tất năm Thứ Nhất và đang thụ huấn giai đoạn chót của năm Thứ Hai. Chúng tôi được thong thả đôi chút trong thời gian chờ ngày mãn khóa. Cơn lo sợ bị ra Trung sĩ trong năm thứ nhứt và Thượng sĩ trong năm thứ hai đã trôi qua. Sinh viên Sĩ quan Khóa 20 bây giờ có thể tụ năm tụ bảy để uống cà phê, tán gẫu; hoặc khơi lại những kỹ niệm học tập đầy gian lao khổ cực. Cùng ôn lại những buổi dạ hành, những trận độn thổ phục kích. Những lần thao dượt hành quân cấp Trung đội, Đại đội Tấn công, Phục kích hoặc vượt sông băng qua hồ Than Thở, lái ca nô ở hồ Xuân Hương. Hoặc học Chỉ huy Tham mưu cấp Tiểu đoàn với những nguyên tắc chiến thuật rút kinh nghiệm các trận chiến ngoài vùng hành quân.

Lúc thực tập thường chia hai phe, bên mầy địch bên tao bạn, bắn nhau tơi bời bằng đạn mã tử; có nhiều lúc đánh xáp lá cà, cận chiến thật là vui vẻ. Khi tập xong về doanh trại, tắm rửa sạch sẽ, rồi rủ nhau ra câu lạc bộ hả hê đánh chén, nếu hết tiền thì ghi sổ. Nhưng tôi lúc nào cũng thuộc nằm lòng câu “Sáu đồng bỏ túi trái” của Đại uý Lưu Vĩnh Lữ; đánh giặc cũng như ở ngoài đời, lúc nào cũng có trừ bị: lúc nhậu say thì cũng phải có 6 đồng dằn túi để xích lô đưa về tới nhà.
Ở Đại đội F có anh Nguyễn tấn Kiệt, bản tánh kỹ lưỡng, mặt mày trắng trẻo đẹp trai, đứa nào cẩu thả bê bối ưa bị Kiệt cằn nhằn; chúng tôi thường gọi đùa anh là “Ni cô Diệu Kiệt”. Anh ta thấy tôi lãnh lương ra là xả láng, nên thường giữ dùm vài trăm, nhờ vậy cuối tháng tôi vẫn có tiền xài, cám ơn bạn nhiều lắm, bạn hiện đang ở Cali có nghe không Kiệt? Cũng chỉ vì xài phóng khoáng nên sau nầy đi hành quân xa, tôi cứ thường nhắn bà xã gởi tiền tiếp tế, đôi khi phải vay mượn của bà Thượng sĩ Bạc, nhưng bà nầy không chịu lấy tiền lời. Sau ngày mất nước bà sa sút, chúng tôi có chút đỉnh thỉnh thoảng cũng giúp đỡ lại cho bà.
Để trau giồi tài đa năng đa hiệu, các sinh viên còn học các môn cỡi ngựa, đánh kiếm, ăn cơm Tây. Ngoài ra cũng học Nhu Đạo, Kiếm Thuật, và Thái Cực Đạo. Khóa tôi có anh Hoàng như Liêm đã được huấn luyện viên người ĐạiHàn khen thưởng tài nghệ xuất sắc, nhất là cặp chân của anh, đá rất cao, mạnh mẽ và thật chính xác. Nhưng khi anh ra trường thì bị thương, phải cưa một chân,thật là đáng tiếc cho một tài năng trẻ tuổi nầy!

Ngoài các môn thể thao xuất sắc, đội nhà trường lúc nào cũng đoạt giải vô địch tỉnh Lâm Đồng như: bóng tròn, bóng chuyền, và bóng rổ. Sinh viên còn chơi baseball, bóng bàn, tennis, đánh cờ tướng, mà chược, domino...và cả nhảy đầm nữa. Mỗi tháng được ăn cơm Tây để học cách xử dụng dao, muỗng, nĩa cho thuần thục. Thường thường có mấy sĩ quan khóa đàn anh về thăm trường kể lại những trậnđánh bằng đạn thật ngoài chiến địa, họ nói mấy anh Thiếu úy mới ra trường nghe tiếng súng nổ cứ tưởng là đạn mã tử (một loại đạn tập không có đầu), nên họ cứ xung phong tiến lên làm cho binh lính ở đơn vị hết sức khâm phục sự gan dạ của sĩ quan trường Võ Bị, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng!
Những ngày sắp cuối khóa, nhà trường thường mời các nhân vật tên tuổi đến thuyết trình. Một hôm Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, đến thuyết trình, lúc ấy 50 Sinh Viên đã được chọn về đơn vị Nhảy Dù, vì muốn tránh né đi thụ huấn tại Dục Mỹ (khóa 19 năm rồi chết mấy người vì đạp nhầm bãi mìn tại khóa Rừng Núi Sình Lầy nầy), nên trình với ông cho về học Khóa Nhảy Dù để sớm tham dự chiến trường. Trung tướng nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn Dù,thấy mấy chàng trai trẻ nầy quá hăng hái (hay quá ma lanh?) nên rất hài lòng và chấp thuận cho miễn đi Dục Mỹ, đợi về Sàigòn học Khóa huấn luyện nhảy dù. Trong khi các bạn đồng khóa về Nha Trang lội rừng, vượt núi, thì 50 trự Nhảy Dù tương lai được ra phố rong chơi ngày đêm thật là thỏa thích.

Lễ Mãn Khóa:
Mọi người đã thật sự yêu đời binh nghiệp, yêu Võ Bị, kể cả yêu những cô gái má đỏ hồng hồng đầy quyến rũ của xứ hoa đào. Khóa tôi có anh Phương, người hơi lùn nhưng chạy nước rút 100 thước không ai sánh bằng. Phương xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, là cầu thủ bóng tròn xuất sắc của trường, anh quen với một nữ sinh trường Bùi Thị Xuân do tình cờ gặp nhau ở phố trong những ngày đi phép đầu tiên.
Mối tình lớn mạnh trong những buổi cuối tuần, và cả hai đã yêu nhau thật sự. Phương cảm thấy cám ơn Lệ, vì có Lệ mà đời anh thấy vui hơn, có ý nghĩa hơn; đường phố Đà Lạt như trải hoa gấm theo bước chân mỗi khi cặp tình nhân sánh vai nhau dưới trời phủ đầy sương mù, giống như cảnh thiên thai thơ mộng. Cứ mỗi lần sắp chia tay về trường, Phương cảm thấy thời gian sao như trôi qua thật nhanh. Ngày ra trường đã đến, các Thiếu úy tương lai có mời thân nhân, bạn bè đến dự Đêm Truy Điệu và Lễ Mãn Khóa kế tiếp ngày hôm sau. Phương cũng có mời Lệ đến chung vui.
Trong Đêm Truy Điệu, trời mùa Đông đầy sương mù bao phủ, ngoại cảnh âm u như làm tăng thêm ý nghĩa của buổi lễ chiến sĩ trận vong nầy. Giờ hành lễ đã đến, tất cả đèn khu Vũ Đình Trường đều tắt, chỉ còn lại ánh sáng của hai ngọn đuốc lập lòe đặt trước Đài Tử Sĩ.
Quan khách ở trên khán đài, còn tất cả sinh viên sĩ quan đều đứng xếp hàng ngay ngắn trên sân vũ đình trường để hành lễ. Gió thổi qua rừng thông nghe ríu rít như tiếng than của những oan hồn còn vất vưởng đâu đây, sương mù từng đợt bay qua mau, tạo nên một quang cảnh âm u im lìm như bãi tha ma!
Cảnh vật đã diễn đạt đầy đủ ý nghĩa của đêm truy điệu “Chiến sĩ trận vong”, để mọi người cầu xin anh linh các bậc đàn anh về chứng giám cho những chàng trai Võ Bị, để mai đây họ sẽ lên đường phục vụ quê hương, lý tưởng, và Tổ Quốc.
Từ đây các Đàn Em sẽ bước chân trên khắp nẻo đường đất nước, từ những con rạch nhỏ Đồng Nai, đến những cánh đồng chiêm Bắc Việt, hoặc trong đám rừng già của dãy Trường Sơn Trung Việt. Các em sẽ chấp nhận hy sinh để nối gót đàn anh viết nên những trang sử oai hùng hầu lưu truyền hậu thế.

Mọi người cùng lắng nghe trên khán đài giọng trầm buồn của sinh viên sĩ quan xướng ngôn viên đọc bài văn tế “Chiêu Hồn Tử Sĩ” (bài mà các cựu sinh viên sĩ quan VB, dù lâu cách mấy mà khi đọc đến đều thấy lòng bồi hồi cảm xúc).
Cả Vũ Đình Trường như lắng đọng, rồi tiếng gió thổi ù ù qua micro nghe như xé rách cả màng nhĩ mọi người, như báo cho họ biết các oan hồn của tử sĩ ở đâu đây đang kéo về để chứng kiến.
Tiếng xướng ngôn viên trổi lên:

“Lúc bấy giờ,
Trên cánh đồng chiêm Bắc Việt,
Bên con rạch nhỏ Đồng Nai,
Trong đám rừng sâu Trung Việt,
Phút chốc!
Liệt vị đã trở nên người thiên cổ!
Sự nghiệp đang công đeo đuổi,
Thôi cũng đành gián đoạn giữa đường.
Chí tang bồng hằng mong thực hiện,
Thôi cũng đành ôm hận nghìn thu!
Vì đâu?... Bởi đâu?...
Thân chiên sĩ đắp xây nền nợ nước,
Đám sương mù tàn tạ mảnh chiến y,
Trên chốn trần gian... nào ai sống mãi,
Nhưng...
Lúc Quốc thù chưa gột rửa!
Chí làm trai chưa toại mộng hải hồ!
Thì hận tuyền đài làm sao ngăn được dòng huyết lệ?
Rồi còn người thân kẻ thuộc!
Ơn cù lao, nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ
Bao tình cảm sao nỡ dứt cho đành?
Mộ chiến sĩ đấp xây nền thế hệ
Giòng Lạc Hồng còn tồn tại với thời gian
Chiến sĩ... trận vong!!!
Chiến sĩ... trận vong!!!
Đêm nay gió lạnh trên đồi thông đang trổi dậy!
Ánh lửa hồng đang thức tỉnh từng hồi,
Chiến sĩ trận vong có linh thiêng hãy vềđây chứng giám
Dẫn dắt và nung nấu tâm cang chúng tôi,
Bằng ngọn lửa thiên truyền thống.
Ngày mai đây một đoàn trai sẽ hăm hở lên đường.
Nối chí tiền nhân làm Tổ quốc non sông thêm phần tỏ rạng.
“Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng”,
“Mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm”
Cũng có lúc chí tuy còn mong tiến bước,
Nhưng sức không kham nổi đoạn đường!!
Chúng tôi cần được dắt dìu.
Chiến sĩ trận vong!!!
Chiến sĩ trận vong!!!”

Tối hôm đó từng cặp Sinh viên Sĩ Quan thay phiên nhau mang súng chỉ địa (mũi súng hướng xuống đất) để đứng canh gác Đài Tử Sĩ.
Sáng hôm sau là lễ Mãn khóa, có sự tham dự của Tổng Thống và các vị lãnh đạo cao cấp;Các sinh viên sĩ quan mặc quân phục Đại Lễ, đi diễn hành từ doanh trại tới Vũ Đình Trường. Chúng tôi biểu diễn, theo nhịp trống, các động tác cơ bản thao diễn như Thiếu úy Nguyễn Văn Trân đã hướng dẫn: “Phải, phải, đôi, quay, tung, vuông, chào” có nghĩa là bắt súng vai phải hai lần, đôi súng, quay súng trước mặt, rồi tung thẳng súng lên cao, đưa súng vuông góc ra trước ngực, rồi thế chào súng. Các động tác cơ bản cứ lập lại theo nhịp kèn và trống. Rồi cuối cùng các sinh viên đi đều bước và xếp thành chữ “V,B,Q,G” tức Võ Bị Quốc Gia.
Sau đó sinh viên Thủ Khoa Quách Tinh Cần bắn tên về 4 hướng tượng trưng cho chí Tang Bồng Hồ Thỉ. Bắn cung xong, Cần quay lại hàng quân hô to:
- Quỳ xuống “Sinh Viên Sĩ Quan!”
Các SVSQ Khóa 20 đều đồng loạt quỳ chân phải xuống đất, chân trái co vuông góc phía trước. Ngay khi đó các Sĩ quan Cán bộ tới gắn cấp bậc Thiếu úy trên cầu vai mỗi người.
Khi các Sĩ Quan Cán Bộ trở về tới khán đài, Cần hô:
- Đứng dậy, “Tân Sĩ Quan!”

Các Quan Khách cùng Thân Nhân đồng vỗ tay chúc mừng vang vội khắp Vũ Đình Trường, còn các Tân Thiếu úy khóa 20 chạy cấp tốc về phòng thayđổi y phục để trở lại Vũ Đình Trường diễn kịch tập thể Truyền thống “Trận Đống Đa”. Trên 400 diễn viên, người khiêng võng, kẻ cầm cờ,kia có đồn Hạ Hồi, nọ có thành Thăng Long; trông cũng rất xôm tụ. Ngày mai đây một đoàn trai sẽ hăm hở lên đường; Hoa Mai nở đầy trong sân trường. Hơn 400 Tân Sĩ Quan mang cấp bậc Thiếu úy sáng chói trên cầu vai mà họ đã gặt hái được sau một thời gian dài trải qua chương trình huấn luyện hết sức cực nhọc.
Cha mẹ bắt đầu ôm choàng lấy con trai, anh em xiết chặt tay nhau, người yêu ôm chặt người tình, để cùng chia xẻ niềm hân hoan và hãnh diện.

Lệ chạy đến ôm chặt lấy Phương, nàng vui mừng khôn xiết; những giọt nước mắt nóng bỏng đã trào ra từ đôi mắt bồ câu,trước sự chứng kiến của cha mẹ và anh em Phương, chàng nhẹ nhàng hôn lên mái tóc thề của người yêu xứ hoa đào, rồi dẫn nàng đến giới thiệu với mẹ cha.Mọi người đềuvui vẻ trò chuyện tíu tít với nhau.
Về Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù được vài tháng, khi Tiểu đoàn tân lập nầy sẵn sàng, thì Phương đã nhập cuộc ngay với những trận đánh nẫy lửa. Cuộc thử lửa thực sự trong đời chàng giờ đây mới bắt đầu. Phương vẫn tiếp tục liên lạc với Lệ; hai người trao đổi thơ tình thường xuyên với nhau, coi đó như nguồn an ủi yêu thương, với những lời hứa hẹn thật tốt đẹp.
Bỗng một thời gian khá lâu Lệ không nhận được thư hồi đáp, nàng vội hỏi thăm bạn bè của Phương thì nghe phong phanh anh đang tham dự 1 cuộc Hành quân lớn cấp Lữ Đoàn tại Vùng 2 Chiến thuật. Lệ nửa an tâm, nửa bồn chồn, nàng vẫn cố mong nhận được thư của Phương. Nhưng!!!
Như sét đánh ngang tai! Lệ được tin Phương đã tử trận trong cuộc tiến quân vào Núi Lồi thuộc quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Khi trung đội của Trạch và cánh quân của Phương sắp sửa bắt tay nhau tại mục tiêu chỉ định, bỗng nghe tiếng “Ầm”! 1 binh sĩ đạp nhầm mìn,Phương đứng gần nên bị 2 mảnh ghim vào phổi và cuống họng, mặc dù máy bay tới tản thương nhanh lẹ, nhưng không cứu nổi một người tuổi trẻ, tài hoa, và hào hùng như Phương.Trung úy Phan Nhật Nam ôm xácPhương khóc nức nỡ! Lệ ré lên khóc nghẹn ngào,miệng không ngừng kêu tên người yêu “Anh Phương! Anh Phương!” Rồi nàng ngất lịm đi trong đau khổ cùng cực. Đầu óc quay cuồng nghe như đâu đây văng vẵng bài thơ truy điệu:

“Lúc bấy giờ trên cánh đồng chiêm Bắc Việt .........
“Phút chốc liệt vị đã ra người thiên cổ!
“Sự nghiệp đang công đeo đuổi,
“Thôi cũng đành gián đoạn giữa đường!....

Phương là sĩ quan hy sinh đầu tiên của Tiểu Đoàn 9 Nhảy dù. Để tưởng nhớ, đơn vị lấy tên anh đặt cho doanh trại. Đó là “Trại Trần Thanh Phương”.

Trương Dưỡng

Không có nhận xét nào: