Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

 Chấn động chính trị tại Pháp - Thanh Vân


Chủ nhật 9/6/2024, 8 giờ tối tại Pháp, sau khi kết quả bầu cử đại biểu Nghị viện Âu Châu được chính thức loan báo. Đảng cực hữu RN (Rassemblement national- Tập hợp Quốc gia) đạt được hơn 31% phiếu bầu (29 đến 31 ghế) cộng thêm một nhóm cực hữu khác R Reconquête (Tái Chinh Phục) có hơn 5% phiếu với 4 hay 5 ghế. Nghĩa là phía cực hữu có đến gần 38% người đi bầu ủng hộ và đạt 36 ghế trong Nghị Viện Âu Châu Trong khi đó đảng của chính phủ Macron RE (Renaissance Ensemble-Hồi Sinh Cùng Nhau) chỉ đạt hơn 14% với 13 hay 14 ghế.
<!>

Trước kết quả thảm hại, một giờ sau, 9 giờ tối Tổng thống Emmanuel Macron xuất hiện trên truyền hình tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp và mời người dân đi bầu lại 3 tuần sau để chọn lại dân biểu.


Quốc Hội đương nhiệm được bầu từ ngày 20/6/2022, TT Macron tuyên bố giải tán ngày 9/6/2024

Mọi người bàng hoàng trước tin giải tán Quốc Hội vì đến ngày 9 tháng 6 bầu cử Nghị Viện Âu Châu ấy, dân biểu phe Tổng Thống Macron trong Quốc Hội Pháp chiếm 245 ghế, tuy không đạt được đa số tuyệt đối (phải có 289 ghế trên tổng số 577 dân biểu trong Quốc Hội, để khi bỏ phiếu cho các dự luật của chính phủ thì phe của Tổng Thống có đủ đa số phiếu bầu để dự luật được chấp thuận) nhưng với 245 ghế còn thiếu 44 phiếu thì có thể thương lượng với các Đảng phái khác xin ủng hộ, dù biết là không phải dễ. Trong khi đó, Đảng cực hữu RN (Tập Hợp Quốc Gia) chỉ có 89 ghế và Đảng cực tả 131 ghế. Nên biết, Quốc Hội đương nhiệm được bầu ngày 20/6/2022, có nhiệm kỳ 5 năm đến năm 2027, nghĩa là đến khi có một vị Tổng Thống mới được bầu lên.

Dù dân biểu của phe Tổng Thống Macron trong Quốc Hội Pháp đương thời, không đủ đa số tuyệt đối nhưng cũng chiếm số đông. Nên không ai hiểu tại sao ông Macron đương nhiên giải tán Quốc Hội? Trước khi có quyết định táo bạo này, E. Macron không tham khảo ý kiến Thủ Tướng, Chủ Tịch Thượng Viện, Chủ Tịch Hạ Viện…. ông chỉ thông báo cho vài nhân vật thân cận rồi lên Truyền Hình tuyên bố, làm phe nhóm của ông choáng váng, có người nói ông Macron đang "tự sát". Bầu cử lại Quốc Hội giữa lúc Đảng Cực Hữu được lòng dân, đang lên như "diều gặp gió" là một phương cách để cho phe nhóm của Đảng RN (Tập Hợp Quốc Gia) có đa số trong Quốc Hội và bắt buộc Tổng Thống phải chỉ định người của nhóm này làm Thủ Tướng và thành lập nội các nắm chính quyền.

Những người thân cận với E. Macron nói rằng, ông Macron đã suy nghĩ chính chắn trước khi giải tán Quốc Hội vì thời gian gần đây, bất cứ đề nghị nào của chính phủ để cải tổ, ngay cả việc đề nghị ngân sách cũng bị phe cực hữu và cực tả phản đối, chính phủ Macron rất khó làm việc. Macron đoán trước là sau kết quả bầu cử Nghị Viện Âu Châu, với "chiến thắng" 38% của phe cực Hữu, thế nào các dân biểu đối lập cũng tìm cách đòi "bất tín nhiệm chính phủ" …. nên thay vì các dân biểu bị truất phế, rồi nội các bị giải tán, Macron ra "chiêu" trước. Dù gì do chính Tổng Thống quyết định bầu cử lại Quốc Hội, thành lập lại chính phủ dù các Bộ Trưởng sẽ không phải là phe của ông, còn hơn bị bên đối lập đưa vào chân tường.

Ngoài ra… có tin đồn, E. Macron chơi một "chưởng” rất cao, ông nghĩ rằng nhóm Cực Hữu của bà Marine Le Pen không có kinh nghiệm để điều khiển quốc gia, nên để cho phe này nắm chính quyền trong 2 năm tới là một cơ hội cho người dân thấy sự "lúng túng" và “thiếu khả năng" của nhóm cực Hữu để kỳ bầu cử Tổng Thống năm 2027 dân Pháp sẽ không bỏ phiếu cho họ.


Bầu cử Quốc Hội vòng một hôm 30/6/2024

Chủ Nhật 30/6 vừa rồi, dân Pháp đi bầu lại Quốc Hội vòng một, và kết quả là phe cực Hữu thắng lớn với hơn 10 triệu người bầu cho họ chiếm 33% số phiếu, phe cực Tả 28%, phe của Tổng Thống E. Macron 20%. Chủ Nhật 7 tháng 7 tới người dân lại đi bầu vòng hai. Tất cả các phe phái đều lên tiếng sẽ hợp tác với nhau để Đảng RN của bà Le Pen càng ít số phiếu càng tốt để Đảng này không có đa số tuyệt đối trong quốc hội. Theo dự đoán Đảng RN sẽ không có đa số tuyệt đối (phải chiếm 289 ghế) nhưng sẽ đạt được từ 230 đến 280 ghế. Đảng cực Tả có khoảng 150 ghế và Đảng của Macron có 100 ghế.

Như vậy Tổng Thống Macron sẽ phải mời người của phe cực Hữu ra làm Thủ Tướng và thành lập nội các. Người mà Đảng RN đưa ra hiện nay đang giữ chức Chủ Tịch Đảng RN, Jordan Bardella, chỉ mới 28 tuổi, trình độ học vấn năm thứ hai đại học (và bỏ dỡ không học tiếp) chưa hề đi làm ở hãng xưởng nào nhưng có tài ăn nói và bề ngoài bảnh bao, chảy chuốt 


Jordan Bardella với cách thức "mày râu nhẳn nhụi, áo quần bảnh bao" và những lời hứa tuyệt vời đã lôi cuốn được người dân Pháp bỏ phiếu cho phe cực Hữu của ông .

Hứa hẹn của Đảng RN cực hữu là: 
- giảm thuế trên xăng dầu từ 20% xuống còn 5,5%
-  miễn thuế cho những người đi làm dưới 30 tuổi, bất cứ làm nghề  gì 
- tăng lương cho nhân công 
- đi hưu ở tuổi 60
- ưu tiên việc làm cho người Pháp chính cống (préférence nationale). Người có nguồn gốc ngoại quốc sẽ không được giữ những chức vụ quan trọng trong công sở hay chính quyền. 
- hủy bỏ việc đương nhiên có quốc tịch Pháp cho người ngoại quốc, chỉ vì đứa bé sinh ra trên đất Pháp 
- kiểm soát biên giới 
- không chấp nhận người nhập cư 
…..
Theo phân tích của những người quan sát thời cuộc, người Pháp nghe "lọt lỗ tai" những gì Bardella nói là vì trình độ của Bardella thấp, anh ta chỉ học thuộc lòng những tài liệu do Đảng RN cung cấp nên phát biểu có bấy nhiêu, tuy nhiên những gì anh ta nói rất dễ hiểu để một người ở bậc Trung Học cũng thấu hiểu được. Và rồi họ tin Bardella như trẻ con tin ông già Noël (Les Français sont de grands enfants qui croient au père Noël.)
Còn Macron, để hiểu ông ấy nói phải có trình độ Tú Tài với 5 năm Đại Học hay 9 năm Đại Học. 

Thật ra, Emmanuel Macron với nhiệm kỳ thứ hai đã giữ chức Tổng Thống 7 năm rồi. 7 năm làm người dân chán, muốn thay đổi. Ngay cả Tướng De Gaulle, thấy ông nắm chính quyền lâu ngày, người dân Pháp cũng chán ngấy và đòi ông phải từ chức… nhưng khi ông mất thì những người Pháp đứng theo lề đường chờ linh cữu ông đi ngang và khóc ròng. Người Pháp rất lạ, họ cứng đầu và ít chấp nhận cải tổ nên ông Macron đã từng gọi dân Pháp “les gaulois réfractaires"(ương ngạnh).

Phải nói, lúc đầu Macron rất được lòng dân, nhưng vì ông muốn cải tổ, muốn chấn chỉnh nước Pháp đã quá lỗi thời (làm việc 35 giờ một tuần, đi hưu ở tuổi 62, lãnh tiền thất nghiệp dài hạn khiến người ta trì trệ không đi tìm việc làm….). Những cải tổ của chính phủ Macron đã làm mất lòng dân, như tăng tuổi đi hưu từ 62 lên 64, như đang muốn sửa đổi hệ thống lãnh tiền thất nghiệp… Các Công Đoàn đã thúc đẩy công nhân xuống đường phản đối, bởi vì người Pháp quá quen thuộc với những trợ cấp, với việc làm thì ít mà hưởng thụ thì nhiều… Theo thói thường, khi cho người ta đủ thứ quyền lợi bổng nhiên bị tước bỏ (dù chính phủ giải thích là để cho tương lai đất nước, cho tương lai các thế hệ con em) đa số người Pháp cũng không chịu hy sinh, không chấp nhận thiệt thòi.  Các Công Đoàn, các phe cực Hữu, cực Tả cứ lên tiếng nói: chính phủ Macron ưu tiên cho những nhà giàu nên hủy bỏ thuế đánh trên tài sản của giới này, chính phủ ưu tiên cho các xí nghiệp đánh thuế rất ít trên cơ sở . Nhưng đa số người dân không hiểu rằng ở Pháp ai cũng phải trả thuế lợi tức, càng có lương cao càng trả thuế nặng, nếu đánh thuế thêm trên những người giàu hay trên các xí nghiệp thì họ sẽ tìm mọi cách thoát ra khỏi nước Pháp. Cũng như ta giết đi "con gà đẻ trứng vàng".

Chủ Nhật 7 tháng 7 tới, bầu cử dân biểu Quốc Hội Pháp lần thứ hai, người ta sẽ biết Đảng nào chiếm đa số và ai sẽ giữ chức Thủ Tướng. Điều chắc chắn là Emmanuel Macron sẽ phải chấp nhận "chung sống" (cohabitation) với một Đảng phái khác không phải Đảng của ông. Điều này đã từng xảy ra 2 lần dưới thời Tổng Thống François Mitterrand (ông Mitterrand giữ chức Tổng Thống 2 nhiệm kỳ, 14 năm. Từ năm 2000 nhiệm kỳ Tổng Thống Pháp rút ngắn lại còn 5 năm) 

-Lần đầu Tổng Thống Mitterrand đảng Xã Hội phải “sống chung” với phe Hữu từ năm 1986-1988 với Thủ Tướng là Jacques-Chirac

-Lần thứ nhì từ năm 1993- 1995 với Thủ Tướng Edouard Balladur. 

Đến thời Tổng Thống Jacques-Chirac thuộc phe Hữu đã phải sống chung với phe Xã Hội từ năm 1997-2002 với Thủ Tướng Lionel Jospin

Hệ thống chính trị của nước Pháp khá phức tạp, nhiều Đảng phái nên đưa đến những tình huống lạ lùng. Có thể sau kỳ bầu cử Quốc Hội vòng hai,  sẽ không có Đảng nào cầm đầu nước Pháp và tình trạng sẽ bế tắc…. giữa lúc tình hình thế giới nóng bỏng. Người Pháp đang lo ngại và buồn phiền. Nhưng….

Chờ xem. 

Paris, 4 tháng 7 năm 2024
Thanh Vân tường thuật 

Không có nhận xét nào: