Ý nghĩa của ngày 4 tháng 7 tại Hoa Kỳ - -4 tháng 7 là ngày Lễ Độc Lập tại Hoa Kỳ, một thời điểm để người dân Mỹ tưởng nhớ đến giờ phút ký kết bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776, một văn kiện ra đời đã chính thức cắt đứt mọi liên hệ chính trị với nước Anh, mà vào thời đó là mẫu quốc của phần đất này. Vượt lên trên tầm quan trọng về lịch sử, sức mạnh của những ngôn từ trong bản văn vẫn còn tiếp tục vang vọng.Lan Phương trong Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi câu chuyện sau đây của Adam Phillips:
Tự bản thân chúng ta chứng nghiệm sự thực, rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng thượng đế đã ban cho họ những quyền bất khả nhượng, trong số những quyền này là quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc.
Những lời lẽ này do nhà tranh đấu 33 tuổi tên là Thomas Jefferson thảo ra và được Quốc Hội Lục Địa ban hành ngày 4 tháng 7 năm 1776, và đây chỉ chỉ một vài câu có ý nghĩa tiêu biểu trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Hoa Kỳ. Giáo sư sử học Herbert Sloan thuộc đại học Barnard nhắc nhở chúng ta rằng văn kiện này không phải là lời tuyên chiến, mà nó cũng không phải là một khởi đầu cho nền độc lập của Hoa Kỳ khi chính thức ly khai khỏi quyền cai trị của triều đình Anh Quốc.
Người Mỹ đã hành xử quyền độc lập từ trước khi có bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Không phải là tổ tiên chúng ta đợi đến đúng ngày 4 tháng 7 năm 1776 mới hành xử như là một quốc gia độc lập. Từ cả năm hay hơn một năm trước đó đã có những cuộc giao tranh gay go chống các quan lại của Anh Quốc cai trị phần đất này. Riêng cái ngày 4 tháng 7 năm 1776 là giờ phút một bản tuyên cáo chính thức được ra đời để nói rằng: Không còn thể quay trở lại nữa, nhân dân vùng đất này sẽ không còn chút hy vọng hòa giải.
Theo sử gia Eric Foner, dạy tại đại học Columbia, tác giả cuốn “The Story of American Freedom”, thì kể từ đó, nhân dân Hoa Kỳ hết sức nghiêm túc đối với các quyền tự do.
Khắp trong lịch sử của chúng ta, tự do luôn luôn được nhắc nhở đến, cho dù đó là “sự tái sinh của quyền tự do” như tổng thống Lincoln đề cập đến trong cuộc nội chiến, hay “4 quyền tự do” mà tổng thống Roosevelt nhắc đến trong cuộc thế chiến thứ hai. Và cũng không phải là chuyện tình cờ mà tổng thống Bush đặt cho cuộc chiến tại Iraq cái tên “Chiến Dịch Tự Do cho Iraq” bởi vì theo một cách thế nào đó, liên kết một chiến dịch quân sự vào với lý tưởng tự do là một phương cách để huy động sự ủng hộ của quần chúng cho nỗ lực đó.
Nhưng ông Herbert Sloan ghi nhận rằng không giống như nhiều quốc gia, Hoa Kỳ không nối kết việc thành lập quốc gia với một chiến thắng quân sự: Hoa Kỳ tuyên bố độc lập năm 1776 nhưng mãi tới hơn 6 năm sau đó quân Anh mới chịu đầu hàng.
Và vị quốc phụ của chúng ta, ông John Adams, rất nổi tiếng với câu tuyên bố rằng: không phải là yếu tố quân sự, mà chính là sự thay đổi, “trong tâm trí của nhân dân Mỹ trước năm 1775, mới chính là cuộc cách mạng thực sự.”
Kể từ khi lập quốc, ngày 4 tháng 7 luôn luôn là một dấu mốc tiêu biểu cho nền tự do của Hoa Kỳ, tuy nhiên mãi đến năm 1870 thì ngày này mới có quyết định chính thức của quốc hội để trở thành ngày quốc lễ của liên bang.
Ông Robert McDonald, một học giả nghiên cứu về tổng thống Thomas Jefferson, giảng dạy tại trường võ bị West Point, nêu lên rằng cho tới năm ấy thì ngày 4 tháng 7 đã và sẽ, là biểu tượng cho tự do qua nhiều cách thế.
Tác giả Henry David Thoreau đã bỏ cuộc đời trong xã hội đến dựng lều sống ở khu rừng Walden vào ngày 4 tháng 7 năm 1845. Đây không phải là chuyện tình cờ. Hành động của ông là một tuyên ngôn độc lập cho chính cá nhân ông, ly khai khỏi cuộc sống bon chen ngoài xã hội. Và học viện Tuskegee được thành lập để mở mang học vấn cho những người nô lệ được giải phóng đã được mở cửa tại Alabama vào ngày 4 tháng 7 năm 1881.
Trong thế kỷ thứ 19, ngày 4 tháng 7 luôn luôn là một ngày với những bài diễn văn ái quốc và chính trị hùng hồn. Một số còn mang tính chất phẫn nộ. Sử gia Eric Foner thuộc đại học Columbia nêu lên một bài diễn văn đọc năm 1852 của một nhà hùng biện đã từng là nô lệ trước đó, ông Frederick Douglas. Bài diễn văn mang tên: Ý Nghĩa của Ngày 4 tháng 7 Đối Với Người Da Đen.
Ông nói rằng: Ngày này là ngày của người Mỹ da trắng, còn đối với người da đen, 4 tháng 7 là một biểu tượng của tính đạo đức giả của Hoa Kỳ. Quí vị nói về tự do, nhưng quí vị đầy đọa hơn 3 triệu người da đen trong ngục tù nô lệ. Tự do là như thế ư ? Sau đó thì phong trao lao động cũng đã dùng bản tuyên ngôn độc lập để tranh đấu đòi giới chủ nhân phải cho công nhân làm việc ít giờ hơn mỗi ngày hoặc phải trả lương phụ trội cho họ.
Lễ độc lập của Hoa Kỳ cũng là một biểu tượng hùng hồn ở các nước ngoài. Lấy ví dụ, trong phong trào tranh đấu giành độc lập từ tay thực dân tại Châu Á và Châu Phi sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ thường được ca ngợi như quốc gia đầu tiên đứng dậy phá bỏ xiềng xích của đế quốc. Ngay cả Hồ Chí Minh, lãnh tụ đảng cộng sản Việt Nam, đã lấy bản tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ làm khuôn mẫu cho bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam năm 1945 chống lại quyền đô hộ của người Pháp.
Tuy nhiên, học giả Robert McDonald thì lại có ý đồng hóa ngày này như một ngày lễ tạ ơn mang tính cách ái quốc, và tốt nhất là được ăn mừng trong một phong thái êm đềm.
Tôi không có ý coi nhẹ những nguyên tắc mà ngày này biểu trưng, nhưng tôi cho rằng cách thế mừng lễ hay nhất là người dân Mỹ nên cùng bạn bè, gia đình và cộng đồng quây quần lại, đốt pháo bông và tổ chức bữa ăn cùng với nhau trong vườn nhà.
Theo giáo sư McDonald gợi ý thì đấy mới là cách thể hiện hết ý nghĩa của một con người tự do ca ngợi đời sống.
Tìm hiểu lịch sử ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
-Tại Hoa Kỳ, Ngày Độc Lập, còn gọi là 4 tháng 7 (the 4th of July), là một ngày lễ liên bang để kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập được ký năm 1776.
Ngày lễ này thường được đi kèm với những cuộc diễu hành, liên hoan ngoài trời, và nhiều buổi lễ công cộng. Từ năm 1777, pháo hoa đã được đốt để đón mừng ngày lễ. Ngày Độc lập được chào đón với những biểu hiện yêu nước. Nhiều nhà chính trị thường đọc diễn văn ca ngợi các di sản và người dân của Hoa Kỳ. Các gia đình thường làm cuộc liên hoan ngoài trời, thường tụ họp với những người bà con ở xa, vì được nghỉ nhiều ngày cuối tuần hơn. Các cuộc diễu hành được diễn ra sáng ngày 4, vào buổi tối thường có pháo hoa ngoạn mục. Trong dịp lễ thì nhiều gia đình treo cờ Hoa Kỳ ở trước nhà để mừng.
13 tiểu bang đầu tiên
Ngày 4 tháng 7 năm 1777 là ngày Hoa kỳ giành độc lập và trở thành một quốc gia. Tính chất thiêng liêng của ngày này được thể hiện qua câu văn trong báo Virginia ra ngày 18/07/1777: “Ngày 4 tháng 7 là ngày vinh quang và đáng nhớ nhất, từ rày về sau sẽ được tổ chức cho toàn nước Mỹ từ năm này đến năm khác cho đến khi nào thời gian không còn nữa. Amen và Amen”
Hai nơi làm lễ lớn nhất là Philadelphia (Pennsylvania) và Boston (Massachusetts). Năm 1777, người dân Phidalelphia tưởng nhớ ngày 4 tháng 7: chuông ngân, súng nổ, đèn cầy thắp sáng, pháo đốt, nhưng chính thật ngày 4 tháng 7 năm 1777 là một ngày rất giản dị bình thường. Ngày nay, người dân Philadelphia làm lễ trong Independence Hall, nơi những hoạt cảnh lịch sử đã được dựng lại và bản Tuyên ngôn Độc lập được đọc.
Khi chiến tranh chấm dứt năm 1783, ngày 4 tháng 7 trở thành ngày nghỉ trong vài nơi. Tại Boston, ngày lễ Độc lập đã thay thế ngày 5 tháng 3, ngày thảm sát cuả Boston (Boston Massacre), và được xem như ngày lễ tổ quốc chính. Có diễn văn, sự kiện quân sự, diễn hành và pháo bông. Năm 1941, quốc hội Mỹ tuyên bố ngày 4 tháng 7 là ngày lễ chính thức của USA
Lịch sử
Christopher Columbus khám phá ra châu Mỹ vào năm 1492. Nhiều dân thuộc địa đến Mỹ để tìm tự do tín ngưỡng: Espagne, Portugal, Anh, Pháp, Hòa Lan đến thuộc địa xứ này . Dân hành hương (pilgrims) là nhóm dân tị nạn đầu tiên tại Mỹ: nhóm Puritans đến cư ngụ tại Massachusetts, nhóm Quakers đến vùng Pennsylvania và người Công Giáo định cư tại Maryland.
Dân thuộc địa Hoà Lan và Pháp đến Mỹ để mua bán. Dân Pháp định cư tại Canada, dân Espagne đến Florida, dân Hòa Lan đến New York
Năm 1763 Anh Quốc thắng quân Pháp và chiếm Canada.
13 tiểu bang đầu tiên của Hoa kỳ: Connecticut, New Hampshire, New York, New Jersey, Massachusetts, Pennsylvania, Delaware , Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia, Rhode Island, Maryland
Lúc ký kết, Hoa Kỳ gồm 13 thuộc địa dưới quyền cai trị của vua George III (1738-1820, Windsor). Lúc bấy giờ các thuộc địa Anh ở Mỹ phải trả thuế cho mẫu quốc quá cao nhưng lại không có đại biểu trong Quốc Hội Anh (Taxation without Representation), nên nổi dậy đòi quyền tự do và độc lập.
Năm 1774 đại biểu của 13 thuộc địa họp lần đầu tiên tại Philadelphia, Pennsylvania. Cuộc họp này gọi là Quốc Hội Lục Ðịa (Continental Congress) và do Tướng George Washington thống lãnh quân đội chống lại Anh Quốc.
Các thuộc địa này sau này trở thành 13 Tiểu bang đầu tiên của Mỹ khi Mỹ trở thành độc lập với Anh Quốc.
Tiến trình độc lập
1774: 13 thuộc địa gởi đại diện đến Philadelphia, Pennsylnania để thành lập Quốc Hội Lục địa thứ Nhất (First Continental Congress). Họ nôn nóng chuẩn bị nhưng vẫn còn lâu mới tuyên chìến.
4/1775: Quân đội của vua George tiến về Concord, Massachusetts. Tiếp theo là trận chiến tại Concord, là tiếng súng (tại đây) vang vọng đến khắp thế giới, đánh dấu bước đầu cuộc cách mạng Mỹ
5/1776: Sau gần một năm cố gắng giải quyết sự khác biệt với mẫu quốc Anh, các thuộc địa gởi một lần nữa các đại diện cho Quốc Hội Lục địa thứ Nhì.
6/1776: Sự quyết tâm được khởi đầu bởi Richard Henry Lee , Virginia. Nhận thấy rằng những cố gắng của họ vô vọng, một ủy ban được thành lập để soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập công khai. Đứng đầu là Thomas Jefferson, ủy ban còn có John Adams, Ben Benjamin Franklin, Philip Livingston và Roger Sherman.
6/7/1776: Pennsylvania Evening Post là tờ báo đầu tiên đăng bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
8/7/1776: Lần đầu tiên bản tuyên ngôn được đọc trước công chúng tại Independence Square của Philadelphia. Cái chuông trong Independence Hall được biết dưới tên “Province Bell” sau này được đổi tên là Liberty Bell.
8/1776: Việc ký Bản Tuyên Ngôn Độc Lập bắt đầu ngày 4 tháng 7 nhưng phải đến tháng 8 mới hoàn tất. Và ngày 4 tháng bảy được chấp nhận như ngày kỷ niệm chính thức cho sự độc lập Hoa Kỳ khỏi nước Anh
4/7/1777: Lễ Independence Day được cử hành lần đầu tiên.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập
Bản Tuyên Ngôn độc Lâp trở thành một tài liệu chính trị được ca tụng nhất và thời nào cũng được chép ra. Thomas Jefferson soạn ra bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập là sau ngày được bầu làm Tổng Thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Bản Tuyên ngôn Độc Lập được xét duyệt bởi John Adams, Benjamen Franklin và Jefferson, rồi được 56 hội viên ký tên và xác nhận không còn là thuộc địa của Anh Quốc nữa.
John Hancock, chủ tịch Second Continental Congress (Đại hội Lục Địa lần II), là người đầu tiên ký bản Tuyên Ngôn. Viết hoa, chữ ký của ông nổi bật trải rộng trên tài liệu này. Từ đó khi nào người ta hỏi bạn “John Hancock” tức là người ta có ý muốn bạn ký tên đó. Cuối cùng có tất cả 56 người ký bản Tuyên Ngôn, chứng tỏ sự anh hùng của họ vì tuyên bố đòi độc lập với Anh Quốc là một hành động phản bội, có thể bị tội tử hình. Họ can đảm hy sinh mọi thứ bởi họ phải bỏ nhà và ẩn náu nơi khác.
Bản tuyên Ngôn Độc Lập là bằng chứng của Cách Mạng Hoa Kỳ, nói lên những bất bình với vua George III. Đó cũng là một bài tuyên bố về lãnh thổ và triết lý, chiếu theo những bài viết của các triết gia John Locke và Jean Jacques Rousseau. Nó khẳng định rằng mọi người đều do Thượng Đế tạo ra, từ thiên nhiên mà ra, vậy phải có những quyền lợi tự nhiên nào đó, không được xâm phạm quyền tự do của họ.
Từ đó, Bản Tuyên Ngôn và Cách Mạng Hoa Kỳ là cảm hứng cho mọi người tìm tự do trên khắp thế giới.
Mừng Lễ Độc Lập: Thư Cho Con Trai
(Thùy Dương)
Cu Duong thương yêu của má,
Có lần má đã cám on con vì con là niềm hạnh phúc của má, con mang niềm vui làm mẹ cho má ở tuổi 45, cái tuổi mà nguời đàn bà lẽ ra đã có thể thành bà nội, bà ngoại. Hạnh phúc hơn nữa là con thương yêu má không so đo tính toán.
Con biết đi đứng, nói năng chậm hon những đứa trẻ đồng tuổi, nhưng tình thương con dành cho má thì to lớn hơn nhiều. Ngày con gần 1 tuổi, khi các em bé khác đã bắt đầu biết đi biết đứng, con trai của má chỉ mới biết bò càng, vậy mà khi con thấy má ho từng con, cu Duong đã bò lại cái tủ cạnh đầu giuờng, bám vào nó mà đứng vịn lên, vói tay để lấy ống thuốc xịt suyễn rồi bò lại đưa cho má, thành ra má nhớ thật rõ ngày con biết đứng. Má đã khóc: con thương má nên con đã biết đứng dậy.
Mấy tuần lễ nay, khi bên Việt Nam nguời trong nuớc từ Hà Nội đến Sài Gòn, cùng lúc đồng loạt biểu tình chống bọn bành truớng bá quyền Bắc Kinh, má dán mắt vào màn ảnh computer để trông tin, những giọt nuớc mắt không thể ngăn đuợc, cứ lăn dài trên má. Cu Duong của má, dòm má rồi hỏi :
-Sao má khóc vậy má, má bịnh hả"
-Không con, má buồn, đất nuớc của má đã bị bọn Tầu xâm luợc và bọn họ còn đang giương oai ngay trên vùng biển của quê huong má.
- Con cũng ghét họ, mình đừng ăn nhà hàng Chinese nữa nghe má.
Ôm con vào lòng, má cố gắng giải thích cho đứa trẻ mới 7 tuổi đầu biết, má của con chỉ ghét bọn Tầu Cộng xâm luợc, má đâu có ghét nguời Tầu. Nguời dân Trung Hoa lục địa họ cũng bị bọn ấy hành hạ, làm việc như con trâu, cái máy ngay cả những đứa trẻ chỉ bằng tuổi của con thôi. Những gì cu Duong đuợc giáo dục ở nhà truờng bài học đạo đức về sự ngay thẳng thì ở Trung Cộng điều đó không bao giờ đuợc coi trọng. Ngay tại thế vận hội Olympic, một đứa trẻ có khuôn mặt xinh xắn đuợc đưa ra để hát nhép cho một đứa nhỏ khác chỉ vì nó không có làn da trắng trẻo, chỉ vì nó không có hàm răng đẹp. Cuớp công, cuớp của, xảo trá, giả dối là chuyện bình thuờng ở xã hội mà họ hãnh diện là dân tộc Đại Hán với 5 ngàn năm văn hiến, với những bậc hiền triết nhu Khổng Tử, vua Nghiêu, vua Thuấn.
Còn ngay trên quê huong của má, những nguời yêu nuớc, từ em bé đến cụ già, thanh niên thiếu nữ, căm phẫn vì bị Trung Cộng xâm lăng, lăng nhục, ra đứng biểu tình phản đối thì bị chính nhà cầm quyền của họ đánh đập, bắt giam, cầm tù, dọa nạt. Nguời dân quê má chưa đuợc quyền tự do yêu nuớc nếu chưa đuợc cho phép. Giá trị của tự do là điều cu Duong của má đã học ngay trong lớp một và đòi sử dụng quyền ấy khi má bắt con ngồi tập viết vì chữ của con xấu quá, con không chịu tập đồ theo má mà nói:
- Má, America is the land of freedom. We fought against England to get freedom. Is it why you came here, má"
Khi còn nhỏ, má luôn luôn răm rắp nghe lời ông bà ngoại cho dù trong lòng không muốn tí nào (bây giờ, ông bà của con qua đời má mới dám nói sự thật), nhưng cu Duong của má sinh ra và lớn lên ở Mỹ, con đã đuợc dạy dỗ về freedom of speech, không dễ dàng bắt con phải làm theo điều cha mẹ muốn nếu điều ấy không có lý.
Má nhớ cách đây không lâu khi ba má bắt con phải nói tiếng Việt, con hỏi lại má:
- Why má, why do I have to speak Vietnamese"
- Vì ba nguời Việt, má nguời Việt, so are you.
Cu Duong đã giơ cánh tay bé nhỏ của mình lên và nói:
- Can I say something"
- Thì con cứ nói đi.
- Má sai rồi, I am American. All children born in America are Americans.
Con của má nói đúng, đây là xứ sở của tự do, nhưng tự do đâu phải từ trên trời rơi xuống hả con" Như cu Duong đã nói, để có đuợc tự do bao nhiêu nguời Mỹ đã chiến đấu để giành lấy nó và hàng trăm ngàn nguời Việt Nam của má đã đổi cả sinh mạng, bị đánh đập, hà hiếp trên đuờng vuợt biên để đến đuợc xứ sở này.
Cu Duong của má cũng đúng luôn khi con khẳng định "con là nguời Mỹ". Nhưng con có biết là Hoa Kỳ khác với các quốc gia khác vì nó là đất nuớc của di dân, đất nuớc của đa sắc tộc, đa văn hóa và điều đó làm cho xã hội Hoa Kỳ thêm tốt đẹp hơn không"
Con của má đã may mắn sinh ra và lớn lên trong xứ sở này, nơi mà quyền làm nguời đuợc tôn trọng thì con ơi, con hãy tận dụng cơ hội đó để học hành, để vươn lên, để biết điều hay lẽ phải, và nhất là để đừng giẫm lên quyền tự do của nguời khác. Má mong rằng con sẽ trở thành một trong những bông hoa đầy mầu sắc của nuớc Mỹ nhuư vuờn hoa sau nhà của mình duới nắng hè rực rỡ ngoài kia.
Viết cho con trai yêu thương của má để đón chào ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ.
Các phim về lòng yêu nước nên xem vào Lễ Độc Lập Mỹ
(Thiện Lê)
-Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, hay ngày 4 Tháng Bảy, là một chủ đề thường thấy trong các phim Hollywood, từ thể loại phim lịch sử đến phim phiêu lưu hay phim khoa học viễn tưởng.
(Hình: Tài tử Tom Cruise đóng vai Ron Kovic trong phim “Born on the Fourth of July.”)
Lễ Độc Lập là một trong những lễ lớn nhất của nước Mỹ. Đối với người Mỹ, ngày lễ này thể hiện lòng yêu nước, và đầy tiếng pháo bông.
Để đón Lễ Độc Lập sắp tới, khán giả có thể xem năm phim dưới đây.
Born on the Fourth of July
Với tựa phim “Born on the Fourth of July,” dĩ nhiên đây là một tác phẩm phải xem để đón Lễ Độc Lập, tuy có chủ đề hơi u tối.
Phim nói về chiến tranh Việt Nam, công chiếu năm 1989, do đạo diễn Oliver Stone dẫn dắt, và là lần đầu tài tử Tom Cruise được đề cử nhận Oscar sau sáu năm thành công trên màn ảnh.
Trong phim này, tài tử Cruise đóng vai một thanh niên ở New York, có tên Ron Kovic, một nhân vật có thật ngoài đời, và nhân vật này sinh ra vào ngày 4 Tháng Bảy, tức là Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ.
(Hình: Nhà văn Ron Kovic (phải, ngồi), tác giả của phim “Born on the Fourth of July” bên poster phim cùng các nhà làm phim và diễn viên tại Samuel Goldwyn Theater ở Beverly Hills, California, năm 2007.)
“Born on the Fourth of July” dựa theo hồi ký của ông Kovic, nói về khoảng thời gian ông nhập ngũ để ra trận ở Việt Nam.
Khi đến Việt Nam lần thứ hai, ông vô tình giết một binh sĩ khác khi đang rút lui, sau đó bị liệt một phần cơ thể vì bị thương.
Ông trở về Hoa Kỳ, thấy chính phủ không chăm sóc cho các cựu chiến binh và thấy người dân không hiểu biết nhiều về cuộc chiến, chia thành hai chính kiến, không hiểu ông và các binh sĩ khác phải trải qua những gì ngoài mặt trận. Chính vì vậy, ông Kovic trở thành một người phản đối chiến tranh Việt Nam rất mạnh mẽ.
“Born on the Fourth of July” thắng giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng diễn xuất đầy nhiệt huyết của Tom Cruise đã góp phần lớn cho điều đó.
(Hình: Tổng Thống Thomas Whitmore đọc bài diễn văn mừng Lễ Độc Lập trong phim “Independence Day.”)
Phim chiến tranh khoa học viễn tưởng “Independence Day” của năm 1996 có thể nói là một tác phẩm không thể bỏ qua vào dịp Lễ Độc Lập.
Bộ phim này bắt đầu từ 2 Tháng Bảy, 1996. Lúc đó, nhiều hiện tượng lạ xảy ra khắp thế giới, và nhiều vụ nổ xảy ra trên bầu trời. Nguyên nhân của những hiện tượng này là người ngoài hành tinh đổ bộ vào trái đất, và muốn diệt chủng loài người.
Tác phẩm này có tài tử Will Smith đóng vai Đại Úy Steven Hiller, phi công lái chiến đấu cơ F/A-18 của quân đội Mỹ. Ông và nhiều binh sĩ phải tìm cách đánh bại người ngoài hành tinh.
Vào ngày 3 Tháng Bảy, Tổng Thống Thomas Whitmore (tài tử Bill Pullman đóng) ra lệnh tấn công phi thuyền của người ngoài hành tinh, nhưng không thành công vì các phi thuyền đó có một lá chắn năng lượng bảo vệ, không có gì bắn thủng được.
Qua nhiều thử thách, con người tìm cách phá được các lá chắn năng lượng đó, và tấn công lần cuối vào ngày Lễ Độc Lập, 4 Tháng Bảy, với Đại Úy Steven Hiller dẫn đầu.
“Independence Day” được coi là một phim không thể bỏ qua vào Lễ Độc Lập phần lớn nhờ vào đoạn diễn văn của Tổng Thống Whitmore trước khi ra lệnh tấn công lần cuối. Từ năm 1996 đến nay, khán giả vẫn nhớ câu “Đây là ngày chúng ta ăn mừng độc lập!” đầy oai hùng của vị tổng thống.
(Hình: Tài tử Daniel Day-Lewis đóng vai Tổng Thống Abraham Lincoln (giữa) trong phim “Lincoln.”)
Công chiếu năm 2012, “Lincoln” là một trong những phim rất thành công của đạo diễn Steven Spielberg, nói về tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Abraham Lincoln, người có công rất lớn trong việc giải phóng nô lệ. Vì vậy, tác phẩm này rất đáng xem vào Lễ Độc Lập.
Phim này có bối cảnh trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ, và Tổng Thống Lincoln đang phải đối mặt với một năm khó khăn vì quá nhiều binh sĩ tử trận trong chiến tranh. Trong lúc này, ông sử dụng quyền tổng thống để tìm cách giải phóng những người gốc Phi Châu khỏi ách nô lệ, và thay đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Tài tử Daniel Day-Lewis đóng vai Tổng Thống Lincoln, và hoàn toàn hóa thân thành nhân vật từ lúc chuẩn bị cho đến hết giai đoạn sản xuất của bộ phim.
Trong vòng bảy tháng trời, ông biến thành Tổng Thống Lincoln trong từng cử chỉ và giọng nói. Ông làm như vậy cho đến khi chấm dứt quay phim, và gửi tin nhắn cho bạn diễn là minh tinh Sally Field theo cách viết của Tổng Thống Lincoln.
Lincoln khác với những phim khác của đạo diễn Spielberg vì không có kỹ xảo điện ảnh nhiều, chỉ để các nhân vật nổi trội trên màn ảnh.
Khán giả xem “Lincoln” phải rất chú ý vì có rất nhiều những chi tiết nhỏ làm bộ phim này thành công, và thấy được khả năng của đạo diễn Spielberg.
Ông Spielberg lại một lần nữa được đề cử nhận Oscar đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng không đoạt giải. Tuy vậy, “Lincoln” đoạt hai giải Oscar là vai chính hay nhất và thiết kế xuất sắc nhất.
(Hình: Sử gia Ben Gates (giữa) tìm manh mối trên bản Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ trong “National Treasure.”)
Nói về Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ thì phải nhắc đến bản Tuyên Ngôn Độc Lập được Quốc Hội chuẩn thuận vào ngày 4 Tháng Bảy, 1776, và bản tuyên ngôn này là trọng tâm của phim “National Treasure,” công chiếu năm 2004.
Tác phẩm này có vai chính là tài tử Nicolas Cage trong vai sử gia và chuyên gia giải mã Ben Gates. Ông dành cả cuộc đời để tìm một kho báu từ thời Hoa Kỳ lập quốc vì nghe ông nội mình kể chuyện của tổ tiên.
Vào năm 1832, một thành viên của nhóm lập quốc Hoa Kỳ là ông Charles Carroll kể một bí mật với ông Thomas Gates, tổ tiên của vai chính Ben Gates. Bí mật đó là một kho báu của các vương quốc cổ xưa, được Hiệp Sĩ Đền Thánh phát hiện, sau đó được Hội Tam Điểm (Freemasons) bảo vệ. Cuối cùng, nhóm lập quốc Hoa Kỳ được giao trọng trách giấu kho báu này.
Ông Gates cùng một người chuyên tìm kho báu là Ian Howe (tài tử Sean Bean đóng) đi đến Bắc Cực và tìm được một chiếc tàu. Trong chiếc tàu đó là manh mối tìm kho báu, và có liên quan đến bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.
Vì vậy, ông Gates phải tìm cách ăn cắp bản Tuyên Ngôn Độc Lập để thực hiện được giấc mơ của mình và ông nội.
“National Treasure” là một phim tìm kho báu hấp dẫn, đầy gay cấn, và dĩ nhiên phải xem vào Lễ Độc Lập vì xoay quanh bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.
(Hình: Trận chiến ở bãi biển Omaha trong cảnh mở đầu của “Saving Private Ryan.”)
Saving Private Ryan
“Saving Private Ryan” của năm 1998 là một tuyệt phẩm về Đệ Nhị Thế Chiến, đầy lòng yêu nước, và rất thích hợp để xem vào ngày Lễ Độc Lập.
Tác phẩm này là lần đầu tiên tài tử Tom Hanks làm việc với đạo diễn Steven Spielberg và thành công không ai ngờ được.
Với bối cảnh những ngày tháng cuối của Đệ Nhị Thế Chiến, khi phe Đồng Minh đổ bộ vào Pháp, ông Hanks đóng vai Đại Úy John Miller phải dẫn dắt một tiểu đội đi tìm Binh Nhì James Ryan do Matt Damon đóng. Lý do tiểu đội này phải đi tìm Binh Nhì Ryan là vì mấy người con trai của dòng họ này đã tử trận, và chỉ còn binh sĩ James Ryan sống sót.
Khán giả và các nhà phê bình phim đến giờ vẫn khen ngợi “Saving Private Ryan” vì diễn tả chiến tranh rất thật trên màn ảnh. Đoạn mở đầu của phim tạo ấn tượng sâu đậm vì dựa theo trận chiến trên bãi biển Omaha của vùng Normandy, nơi nhiều lính Mỹ tử trận vì Đức cố thủ.
Sau trận chiến đầu phim, các binh sĩ luôn đối mặt với nguy hiểm, không biết lính Đức sẽ tấn công từ lúc nào và ở đâu, khiến khán giả “nín thở” trong các trận chiến từ nhỏ đến lớn.
“Saving Private Ryan” thể hiện được khả năng đóng một nhân vật rất gần với đời thường của tài tử Hanks. Không chỉ vậy, ông còn phải chỉ huy cả dàn diễn viên và rất thành công.
“Saving Private Ryan” được đề cử nhận 11 giải Oscar, thắng năm giải và là một trong những phim gắn liền với tên tuổi của Tom Hanks.
Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, người gốc Việt nghĩ về hai chữ Tự Do
(Văn Lan)
-Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, 4 Tháng Bảy, với những cuộc vui của người dân, bắn pháo bông, sum họp gia đình, học sinh được nghỉ học, công sở đóng cửa nghỉ lễ, đi du lịch tùy thích theo những chuyến đi đã sắp đặt.
(Hình: Thầy giáo Robert Phan Nguyễn, cùng học sinh trung học Garden Grove biểu tình chống Cộng Sản và tay sai tại trước Đền Đức Thánh Trần)
Lễ Độc Lập còn ẩn chứa một tinh thần tự do dân chủ, kế thừa từ những người dân di cư tìm tự do trên vùng đất mới cách đây hơn 200 năm. Với người Việt tị nạn, bỏ xứ ra đi tìm tự do lại càng thấm thía hơn cảnh tha hương, phải quần tụ lại trong những vùng đất để sinh sống.
Nhân ngày này, đi một vòng quanh Little Saigon, rất dễ thấy các chợ hay khu thương mại nhộn nhịp, dòng người tấp nập mua sắm chuẩn bị cho dịp sum họp gia đình trong đêm trước ngày lễ khi pháo bông bắn rợp trời.
Ca sĩ Mai Tiến Dũng chia sẻ rằng tuy không đuợc chọn nơi sinh ra nhưng mỗi người có toàn quyền chọn nơi mình đến sống và phát triển. Trong một đất nước cường quyền bạo lực không sống nổi phải ra đi thôi.
“Sự tự do không chỉ quý giá cho bản thân mình thôi, mà còn gấp trăm lần hơn cho con cháu của mình. Bỏ xứ ra đi không phải phản bội quê hương như nhiều người nghĩ, chỉ đơn giản là đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn để có thể giúp cho quê hương mình tươi sáng hơn. Tự do chính là tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do bầu cử,…”
Sơn Điền, một người tù 16 năm tại Việt Nam, nhớ lại như in ngày cùng gia đình đặt chân xuống phi trường San Diego vào Tháng Ba, 1993. Học đến năm thứ hai Đại Học UC San Diego, anh gia nhập vào Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do ở Mỹ. Sau vụ Trần Trường, anh về Việt Nam tranh đấu cho một xứ sở tự do độc lập, nhưng bị nhà nước cầm tù 16 năm, từ 2000 đến 2016.
Sau khi trở về Mỹ, sự học bị gián đoạn nên anh phải làm nghề tự do, cuộc sống hiện nay tương đối khá đầy đủ, không thiếu thốn gì. Riêng gia đình anh rất thành công, có người em út có bốn bằng đại học cùng lúc, được cựu Tổng Thống Bill Clinton cấp bằng khen danh dự.
Anh nói: “Em rất mong giới trẻ Việt mình ở Mỹ nên tìm hiểu lịch sử về ông cha mình, đã gian khổ như thế nào để có thể đến được đất Mỹ, xứ sở của tự do và miền đất hứa. Mình từ đâu đến, nguyên nhân gì khiến mình không ở nước mình mà phải qua nước khác sống. Hưởng thụ được văn minh của xứ Mỹ này, phải hiểu được lý do chính là vì sao chúng ta có mặt tại Mỹ ngày hôm nay. Và cũng nên nghĩ lại cho hoàn cảnh những người trong nước hiện nay không có được tự do dân chủ thực sự như chúng ta ở đây.”
“Sự tự do khó mà thiếu được đối với con người, chỉ người nào thực sự không có tự do thì tự khắc sẽ hiểu được giá trị của sự tự do, nó là một biểu tượng cao cấp của con người trong một nước có tự do. Hưởng thụ được tất cả những gì tốt đẹp của nước Mỹ, phải nhìn lại quê hương mình, tha thiết với tương lai để xây dựng có được dân chủ nhân quyền, đất nước sẽ tốt đẹp hơn. Nhất là đừng bao giờ quên tiếng mẹ đẻ.”
Cảm ơn nước Mỹ suông thôi chưa đủ, chúng ta phải làm gì?
Những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên đến được Hoa Kỳ, là những viên đá lót đường cho thế hệ tương lai, xây dựng cho cộng đồng đi sau một cách tốt đẹp hơn, phải cảm ơn họ. Tự hào về ông cha mình chưa đủ, phải làm thế nào để trả ơn nước Mỹ đã cưu mang người Việt tị nạn.
(Hình: Cô Mỹ Hạnh, một nữ doanh nhân thành đạt.)
Cô Mỹ Hạnh, cư dân Fountain Valley, hiện là một nữ doanh nhân rất thành đạt, cho hay con gái cô được giáo dục trong nền tảng Hoa Kỳ nhưng có kết hợp với văn hóa Việt Nam, tức là tự do chọn lựa trong sự học tùy thích, nhưng vẫn phải nhớ cội nguồn của mình là người gốc Việt, luôn nhớ sự đền đáp ơn nghĩa của nước Mỹ, là xứ sở cưu mang ông bà cha mẹ những ngày đầu bơ vơ nơi đất khách, lại tạo điều kiện cho cha mẹ tiếp tục phát triển, mới có điều kiện nuôi dạy con cái học hành đến ngày nay.
“Tôi thường kể chuyện gia đình phải đau khổ như thế nào khi quyết định vượt biển tìm tự do sau 1975, giống y như những bậc tổ phụ nước Mỹ từ thời lập quốc cũng phải dũng cảm tìm tự do sau khi đứng lên chống lại đế quốc Anh. Để có ngày nay, cộng đồng Việt chúng ta phải mang ơn nước Mỹ và người Mỹ rất nhiều, phải giải thích cho con cháu mình hiểu điều này.”
Thầy giáo trẻ Nguyễn Phan Robert, dạy tiếng Việt từ lớp chín đến lớp 12 tại Garden Grove High School, kể rằng gia đình anh đã tỵ nạn qua Mỹ vào cuối Tháng Tư, 1975. Lớn lên ở Hoa Kỳ, rất may anh được đi học và hưởng nhiều phúc lợi của xã hội này.
Từ nhỏ đến lớn, anh được cha mẹ kể nhiều chuyện xưa ở quê hương Việt đầy khói lửa chiến tranh.
“Là một người Mỹ gốc Việt, tự do đối với tôi có rất nhiều ý nghĩa. Khi tôi trở thành giáo sư dạy tiếng Việt, tôi cũng dạy các học trò của tôi về sự may mắn của các em được học hỏi ở những trường công ở Hoa Kỳ. Bằng cấp được thưởng cho các em vì có đầy đủ điểm, chứ không phải là vì tiền hối lộ. Thức ăn trong trường được ăn miễn phí để bảo đảm là các em có đủ chất bổ và dinh dưỡng để có sức học giỏi. Nhà trường có những chương trình sau giờ học để dạy kèm cho các em mà không bắt phải trả thêm tiền.”
“Nước Mỹ có tự do cho mọi người. Dù có nguồn gốc từ nước khác, ai cũng được giữ phong tục của riêng họ. Và chúng ta có cơ hội để chia sẻ văn hóa với nhau để người khác hiểu biết thêm về mỗi dân tộc khác. Nếu chúng ta muốn con em mình và các thế hệ sau này biết quý tự do, thì chúng ta không nên quên quá khứ và dạy cho con em mình những chuyện mà chúng ta và ông bà đã trải qua để các em được hưởng món quà tự do này. Tự do khó tìm mà dễ mất, vậy nên chúng ta phải biết yêu mến tự do của chúng ta hôm nay và lên tiếng cho những người đang thiếu tự do.”
(Hình: Bà Đào Trần cùng chồng đi mua sắm cho ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ.)
Bà Đào Trần, cư dân Garden Grove, đã làm việc cho hai học khu Westminster và Garden Grove trong 15 năm, cho hay hôm nay đi chợ Costco cùng ông xã, thấy quá đông dân chúng đi chợ mua sắm, mọi người cùng hân hoan hòa trong niềm vui trong ngày Lễ Độc Lập.
Bà nói như thay lời cho nhiều người: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của sự tự do, nên tôi rất hiểu khi dân Mỹ vui mừng trong ngày này. Không có độc lập làm gì có tự do, đất nước không độc lập thì người dân không có tự do. Độc lập và tự do đi đôi với nhau. Tuy nhiên để giành độc lập không dễ chút nào, tự do phải trả bằng máu xương của bao thế hệ của nước Mỹ mới có ngày nay, và cho tất cả chúng ta là người tị nạn, được thụ hưởng tất cả những gì độc lập tự do của nước Mỹ. Ngay từ lúc đầu, chúng tôi còn được chính phủ Mỹ giúp đỡ còn nhiều hơn những người Mỹ bản xứ. Chúng ta là người di dân phải mang ơn và biết trả cái ơn này.”
Ngày Độc Lập Hoa Kỳ & nhân cách của người Mỹ
(Huy Phương)
-Nếu không quan tâm gì về nước Mỹ thì ít ra chúng ta cũng biết ngày 4 Tháng 7 (July 4th.) mỗi năm là một ngày vui. Vào ngày này, người Mỹ tổ chức các hoạt động đón mừng như bắn pháo hoa, diễn hành, hòa nhạc và tổ chức những bữa tiệc B-B-Q sum họp, quây quần vào buổi chiều với gia đình, bạn hữu.
Truyền thống chào mừng Ngày Ðộc Lập ở Mỹ có từ thế kỷ 18, khi diễn ra Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội Lục địa đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập, và hai ngày sau đó các đại biểu từ 13 thuộc địa đã thông qua bản Tuyên ngôn Ðộc lập, một tài liệu lịch sử do Thomas Jefferson soạn thảo.
Vào ngày 2 tháng 7, John Adams đã cho rằng “ngày kỷ niệm Ðộc Lập Hoa Kỳ sẽ được chào mừng, bởi các thế hệ tiếp nối, như một Ngày lễ kỷ niệm vĩ đại” và rằng việc chào mừng sẽ bao gồm “Lễ hội và Diễn hành… Các trò chơi, Thể thao, Bắn súng, Rung chuông, Ðốt lửa và Thắp sáng từ đầu này của lục địa này cho đến đầu kia.”
Sau cuộc Chiến tranh Cách mạng, người Mỹ vẫn tiếp tục kỷ niệm Ngày Ðộc Lập hàng năm. Trong những buổi lễ chúc mừng, các lãnh đạo chính trị của quốc gia non trẻ này sẽ bước lên bục phát biểu với công dân, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất. Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 18, hai chính đảng lớn – Ðảng Liên bang và Ðảng Cộng hòa- Dân chủ – bắt đầu tổ chức những lễ kỷ niệm ngày 4 tháng 7 riêng rẽ ở nhiều thành phố lớn.
Vào năm 1870, Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày 4 tháng 7 là một ngày nghỉ lễ toàn liên bang, trở thành ngày Quốc Khánh, một ngày lễ quốc gia quan trọng và là một biểu tượng của tinh thần yêu nước tại Hoa Kỳ.
Nhân cách của dân tộc Hoa Kỳ: Người thắng, kẻ thua.
Cuộc “nội chiến” tương tàn Nam Bắc kéo dài đúng bốn năm thiếu ba ngày, 750,000 quân hai phía và một số lượng thường dân thương vong không kiểm kê được, ước tính số người chết chiếm 10% toàn bộ số nam giới miền Bắc từ 20 đến 45 tuổi, và 30% đàn ông da trắng miền Nam trong độ tuổi từ 18-40.
Bị phong tỏa đường biển, thiếu tiếp vận, nhất là sau sự thất bại của trận Gettysburg tại ngay vùng đất của mình, cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc vào ngày 9 tháng 4, 1865 khi Tướng Robert E. Lee, tư lệnh phe Liên Minh, ký nhận đầu hàng không điều kiện ở Appomattox Court House, Virginia, dưới sự chứng kiến của tướng miền Bắc Ulysses S. Grant. Tướng Lee đã an ủi quân sĩ của mình: “Sau 4 năm chiến đấu khó khăn, với sự can đảm và anh hùng chưa từng thấy, binh đoàn Bắc Virginia (của LM miền Nam) bị bắt buộc phải nhượng bộ một lực lượng và hậu thuẫn quá to lớn.”
Các điều kiện đầu hàng được soạn thảo hoàn tất vào khoảng 4 giờ chiều ngày 9 tháng 4. Khi Lee lên ngựa rời nơi ký văn kiện đầu hàng thì binh sĩ miền Bắc không giấu nỗi sự mừng rỡ đã reo hò, nhưng Grant nghiêm khắc ra lệnh ngưng ngay thái độ này. Ông nói: “Những người miền Nam bây giờ là đồng bào của chúng ta, và chúng ta không nên có thái độ đắc chí trên sự suy sụp của họ.”
Hiệp ước Appomattox không có điều khoản nào giam giữ, kỳ thị với 200,000 tù binh miền Nam và phe thắng trận thi hành đúng những điều khoản này, sĩ quan thua trận được giữ vũ khí cá nhân của mình và tất cả đã được an lành trở về với gia đình trong sự tôn trọng của phe đối nghịch, được xem như là hiệp ước của những người hào hiệp (The Gentlemen’s Agreement). Theo lời yêu cầu Robert E. Lee, quân lính miền Nam được tiếp tục cho giữ lừa ngựa để trở về quê quán giúp họ trong công việc của nông trại, và được quân đội miền Bắc cấp ngay 25,000 khẩu phần lương thực vì những người lính thua trận đang bị đói khát mấy ngày hôm nay.
Trước đó, trong trận đánh nổi tiếng ở Gettysburg vào tháng 7, 1863, sau 3 ngày giao tranh, phe Liên bang miền Bắc chết 3,000 người, phe Liên Minh mất 4,000 người. Tổng thống Abraham Lincoln đã ra lệnh đem cả 7,000 thi hài của cả hai bên để an táng chung một nơi. Ngày 19 tháng 9, 1863, khánh thành nghĩa trang này, Lincoln đã đọc bài diễn văn công bố chiến trường Gettysburg là Nghĩa Trang Quốc Gia. 40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn hàn gắn vết thương chia rẽ của dân tộc, năm 1900, Tổng Thống William Mc Kinley đã cho thu thập khoảng 30,000 nấm mộ của tử sĩ Liên Minh Miền Nam trong trận Nội Chiến rải rác trong vùng Washington, cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section.
Người Mỹ bình đẳng: Tất cả đều phải xếp hàng!
Vào năm 2009, CEO của Apple Steve Jobs được phát hiện mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Bác sĩ nói với ông rằng, cần phải lập tức làm phẫu thuật ghép gan mới có thể giữ được sinh mạng. Người ta nghĩ với tài sản $8.3 tỷ vào năm 2011, chuyện cần ghép một lá gan đối với vị tỷ phú này là một chuyện quá nhỏ. Bệnh viện lập tức ghi danh cho ông tại trung tâm ghép gan California và chờ đợi nguồn gan, tuy nhiên phía bệnh viện thấy rằng, số người phải làm phẫu thuật ghép gan quá đông, nếu xếp hàng thì ít nhất, nhà sáng lập Apple phải đợi ít nhất là 10 tháng. Riêng Tennessee là tiểu bang nhanh nhất, chỉ cần đợi 6 tuần, Steve Jobs là bệnh nhân cuối cùng trong số các bệnh nhân cần ghép gan trong danh sách.
Cứu bệnh nan y như cứu hỏa, mỗi giây chờ đợi đều vô cùng quý giá, do đó, có người đã tìm gặp riêng Viện Trưởng của Viện Cấy ghép Bệnh viện Ðại học Methodist ở Memphis, Tennessee nơi Steve Jobs sẽ phẫu thuật, với hy vọng ông này có thể dùng đặc quyền của mình để giúp nhà sáng lập Apple được làm phẫu thuật trước.
Thế nhưng vị Viện Trưởng này nghe xong lời đề nghị đó, đã cau mày, lộ kinh ngạc: “Tôi làm gì có đặc quyền để Jobs được làm phẫu thuật trước? Nếu để ông ấy làm trước, vậy thì những bệnh nhân khác phải làm sao? Ông nên nhớ tất cả các sinh mệnh đều bình đẳng!”
Sau đó, cả Thống Ðốc Tennessee, Phil Bredesen, cũng từ chối dùng chức vụ của mình để can thiệp, hoặc phê chuẩn một công văn cho Jobs được làm phẫu thuật sớm hơn, vì tính mạng của Jobs đang bị đe dọa.
Sau một thời gian chờ đợi sáu tuần, cuối cùng Steve Jobs cũng nhận được một lá gan, tuy nhiên, do thời gian chờ đợi lâu, các tế bào ung thư của Steve Jobs đã di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể ông. Ca ghép gan chỉ giúp vị tỷ phú danh tiếng này kéo dài sự sống của ông được khoảng 2 năm.
Tuy nhiên, ông chấp nhận lẽ công bằng và không hề hối tiếc…
Tuân thủ nguyên tắc và làm đúng chuẩn mực đã in sâu vào tư tưởng của mọi người dân Mỹ.Vì thế, tại Mỹ người quyền quý không có chỗ đứng riêng đặc biệt. Họ cũng không thích hay không thể phô trương, vì họ biết rằng, dù bạn có là người nhà Tổng Thống Mỹ đi nữa, thì điều đó không có nghĩa là bạn được xem trọng và ưu tiên hơn người khác.
Tại Hoa Kỳ, người ta xem trọng nguyên tắc, những chuẩn mực hơn là sự cao sang và quyền thế. Dù là hành động nhỏ nhưng tuân thủ nguyên tắc luôn là điều bắt buộc. Người quyền quý không phải là ngoại lệ. Vào cửa hàng mua thức ăn, thì Tổng thống Obama, như lúc nghỉ Hè ở Hawaii cũng đứng xếp hàng chờ tới lượt mình để mua kem cho con gái như bao người khác.
Một viên chức chính phủ từ Việt Nam sang Mỹ đã nói rằng: “Ở trong nước, người khác nhìn tôi là cúi đầu khom lưng. Nhưng ở Mỹ, ngay cả người nhặt ve chai, tôi thấy họ vẫn luôn đứng thẳng.”
Người Mỹ không cố gắng tìm kiếm địa vị xã hội để khiến mình thanh cao hơn; họ cũng không chạy chiếc xe mới đắt tiền để khoe của hay mua một ngôi nhà đẹp để hàng xóm phải trầm trồ. Vấn đề ở đây là họ có được sự tự lựa chọn phù hợp cho bản thân.
Ở nước Mỹ này, cho dù bạn là ai, ông chủ một đại công ty danh tiếng, người công nhân quét đường, hay là một ông cụ già nghèo khó, khi đứng trước sự sống và cái chết, ai cũng như nhau.
Walter Isaacson – một nhà văn và cũng là một nhà báo người Mỹ đã nói rằng: “Sinh mạng không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, tất cả đều bình đẳng. Bình đẳng không phải là khẩu hiệu, càng không phải là sự trao đổi. Nó là biểu hiện sinh động nhất, cụ thể nhất trong cuộc sống này.”
Không có sự phân biệt giàu nghèo trong giáo dục Mỹ. Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền đi học ngay trong lớp cũng không có sự phân biệt giàu nghèo, học lực giữa các học sinh.
Thêm vào đó, giáo viên luôn tạo điều kiện để mỗi học sinh hỗ trợ lẫn nhau cùng tiến bộ. Không có gì lạ nếu bạn bắt gặp trong một lớp học tại Mỹ có học sinh nhiều quốc tịch đến thế. Phương tiện giáo dục được trang bị cho các em tại một trường nông thôn không thua kém một trường ở đô thị lớn.
Trong địa hạt y tế, tôi xin lấy một ví dụ của bản thân để nói về sự công bằng của nền y tế Mỹ. Cách đây hai năm, tôi phải vào bệnh viện để cắt bỏ một đoạn đại tràng bị nhiễm độc. Chỉ với điều kiện Medi-Medi của những người có thu nhập thấp, tôi vẫn được chuyển đến phẫu thuật và nằm tại Bệnh Viện HOAG Newport Beach, cạnh bờ biển Nam California trong thời gian 22 ngày. Một vị bác sĩ đã nói với tôi, tuy ông có chức vụ lớn trong ngành y tế, lợi tức cao, đóng thuế nhiều, nhưng tôi nên nhớ rằng, phòng ốc, thuốc men và sự săn sóc của nhân viên y tế giữa tôi với ông không có gì khác biệt.
Tôi không yêu nước Mỹ vì nước Mỹ là một cường quốc thế giới, một quốc gia giàu, mạnh… nhưng là một nước có công bằng và nhân cách!
Toàn văn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776
-Ngày 4/7/1776, Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được công bố. Đây là văn bản chính trị tuyên bố 13 thuộc địa Bắc Mỹ chính thức ly khai khỏi Anh Quốc, tuyên bố thành lập quốc gia độc lập.
“Tuyên Ngôn Độc Lập Jully 4th 1776 Hoa Kỳ”
Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do ngài Thomas Jefferson soạn thảo, ghi dấu ảnh hưởng của triết học Khai sáng và cả kết quả của Cách Mạng Anh năm 1688. Nội dung chính của bản tuyên ngôn được dựa trên tư tưởng của một triết gia người Anh ở thế kỷ 16, John Locke. Theo lý thuyết của John Locke, ba quyền cơ bản không thể bị tước đoạt của con người là quyền được sống, quyền tự do và quyền sở hữu. Quyền sở hữu được Jefferson đề cập tới trong bản tuyên ngôn là “quyền được mưu cầu hạnh phúc”. Những ý tưởng khác của John Locke cũng được Jefferson đưa vào bản tuyên ngôn như sự bình đẳng, Nhà nước hạn chế (quy mô nhỏ), quyền được lật đổ Chính quyền khi Chính quyền không còn phù hợp. Bản tuyên ngôn cũng vạch tội nhà cầm quyền Anh, đại diện là vua George III, bởi chính sách thuế khóa nặng nề và tàn bạo.
Bản dịch:
“Trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi một dân tộc nào đó cần thiết phải xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc khác và khẳng định trước các lực lượng trên toàn cầu vị thế độc lập và bình đẳng mà các quy luật của tự nhiên và thượng đế đã ban cho họ, thì sự tôn trọng đầy đủ đối với các quan điểm của nhân loại đòi hỏi họ phải tuyên bố những nguyên do dẫn họ đến sự ly khai đó.
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho con người những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để bảo đảm cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong người dân và có được quyền lực chính đáng trên cơ sở sự đồng ý của người dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì người dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an toàn và hạnh phúc của họ.
Thật vậy, sự thận trọng sẽ buộc người ta hiểu rõ rằng một chính quyền đã được thiết lập qua một thời gian dài thì không nên thay đổi chỉ vì những lý do đơn giản, nhất thời. Mọi kinh nghiệm đều đã chứng tỏ điều đó, rằng khi cái xấu còn trong chừng mực chịu đựng nổi, thì nhân loại dễ cam chịu nó, hơn là dám tự trao cho mình quyền loại bỏ những thể chế mà họ đã quen thuộc. Nhưng khi hàng loạt các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt theo đuổi những mục tiêu giống nhau, lộ rõ ý đồ áp chế họ dưới ách chuyên quyền độc đoán, thì họ có quyền và bổn phận phải lật đổ chính quyền đó và bổ nhiệm những chiến sĩ mới để bảo vệ nền an ninh của họ trong tương lai.
Nói như trên, những thuộc địa này đã phải cắn răng chịu đựng, nhưng bây giờ đã đến lúc buộc họ phải xóa bỏ thể chế chính quyền cũ. Lịch sử của nhà vua nước Anh hiện nay là lịch sử của những nỗi đau thương và sự tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những tiểu bang này. Để chứng minh cho điều này, ta hãy để cho các sự việc tự nó lên tiếng với cả thế gian ngay thẳng.
Ông ta đã từ chối không phê chuẩn một số đạo luật, tốt đẹp và cần thiết nhất đối với lợi ích của quần chúng.
Ông ta đã cấm đoán không cho các viên thống đốc thông qua những đạo luật mang tính cấp bách và khẩn thiết, hoặc đình chỉ việc thực thi những đạo luật này để chờ được ông phê chuẩn và trong khi đình chỉ như vậy, ông đã hoàn toàn bỏ mặc, không còn bận tâm về chúng nữa.
Ông ta đã từ chối không thông qua những đạo luật về cư trú của những vùng dân cư lớn, trừ phi đám dân này từ bỏ quyền đại diện trong cơ quan lập pháp, một quyền vô cùng quý giá đối với họ nhưng lại rất đáng sợ đối với những tên bạo chúa.
Ông ta đã triệu họp các cơ quan lập pháp ở những địa điểm không bình thường, không tiện nghi, cách xa những kho lưu giữ hồ sơ công cộng và chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm cho họ do mệt mỏi mà phải tuân theo các chủ trương của ông ta.
Ông ta đã nhiều lần giải tán các hạ nghị viện vì đã cương quyết chống lại sự xâm phạm của ông đối với các quyền của người dân. Rồi sau khi giải tán, một thời gian dài ông ta đã từ chối không cho bầu lại những cơ quan này. Mặc dù nay, những quyền lập pháp không gì xóa bỏ được đã được trao lại cho dân chúng thực thi, nhưng trong thời gian đó, nhà nước đã đứng trước các nguy cơ ngoại xâm bên ngoài và nội loạn bên trong.
Ông ta đã ra sức ngăn cản việc tăng dân số ở các tiểu bang này. Với mục đích đó, ông ngăn cản việc thực hiện luật nhập quốc tịch cho người nước ngoài, từ chối không thông qua những đạo luật khác khuyến khích nhập cư và tăng thêm các điều kiện đối với quyền sở hữu đất đai.
Ông ta đã ngăn cản việc thực thi công lý bằng cách từ chối không thông qua những đạo luật thiết lập các cơ quan tư pháp. Ông ta đã buộc các quan tòa phải lệ thuộc vào ý chí của ông bằng những quy định về nhiệm kỳ cũng như các khoản lương bổng trả cho họ.
Ông ta đã lập ra rất nhiều cơ quan mới và bổ nhiệm vào đó vô số những quan lại mới để xách nhiễu dân chúng và vơ vét tài sản của họ. Trong những thời kỳ hòa bình ông ta vẫn duy trì những đội quân thường trực trên đất nước ta mà không được sự đồng ý của các cơ quan lập pháp của chúng ta. Ông ta đã tác động để cho ngành quân sự độc lập và vượt lên trên quyền lực dân sự.
Ông ta đã cùng với một số đối tượng khác buộc chúng ta phải tuân theo nền pháp quyền xa lạ với hiến pháp của chúng ta và không được luật pháp của chúng ta công nhận. Rồi ông ta phê chuẩn những đạo luật giả dối sau đây:
– Cho phép những đội quân có võ trang đông đảo đồn trú trên đất nước ta.
– Qua những phiên tòa giả hiệu, che chở cho chúng khỏi bị trừng phạt trước hậu quả của những vụ sát hại dân cư ở các tiểu bang của ta.
– Cắt đứt những quan hệ thương mại giữa chúng ta với các khu vực khác trên thế giới. Áp đặt các khoản thuế khóa mà không được chúng ta đồng ý. Trong nhiều trường hợp, tước đoạt của chúng ta quyền được xét xử trước bội thẩm đoàn.
– Đưa chúng ta sang phía bên kia đại dương để xét xử về các tội trạng không có thật.
– Xóa bỏ thể chế tự do của luật pháp nước Anh ở một tỉnh lân cận (1) và thiết lập ở đó một chính quyền độc đoán; rồi mở rộng ranh giới, coi đó là mẫu mực và công cụ thích hợp để du nhập ách cai trị chuyên chế vào các thuộc địa này.
– Tước đoạt hiến chương của chúng ta, huỷ bỏ những bộ luật giá trị của chúng ta và thay đổi một cách căn bản những thể chế chính quyền của chúng ta.
– Đình chỉ các cơ quan lập pháp của chúng ta rồi tự tuyên bố là có quyền lập pháp cho chúng ta trong mọi trường hợp.
– Ông ta đã từ bỏ chính phủ ở đây và tuyên bố rằng chúng ta không còn được ông che chở và bảo vệ, rồi tiến hành cuộc chiến tranh chống lại chúng ta.
– Ông ta đã vơ vét biển cả, tàn phá các bờ biển, thiêu đốt các thị trấn, huỷ hoại sinh mạng của chúng ta.
– Trong thời gian này, ông ta đang đưa sang những đội quân lớn gồm các lính đánh thuê nước ngoài để thực thi các công việc giết chóc, tàn phá và bạo ngược đã được bắt đầu với những cảnh tượng tàn ác và xảo trá mà ngay cả trong thời đại dã man nhất cũng khó mà sánh được, ông ta hoàn toàn không xứng đáng với người đứng đầu của một quốc gia văn minh.
– Ông ta đã cưỡng ép các công dân của chúng ta bị bắt ngoài biển khơi phải cầm súng chống lại đất nước mình, trở thành những đao phủ giết hại bạn bè và anh em mình, hoặc buộc họ phải tự giết hại mình.
– Ông ta đã kích động những cuộc phiến loạn trong nội bộ chúng ta và cố công đưa vào vùng dân cư ở các miền biên cương nước ta sự man rợ tàn bạo kiểu Indian mà các hình thức chiến trận khét tiếng của nó chính là sự huỷ diệt không phân biệt tuổi tác, giới tính và điều kiện sinh sống.
Trong các giai đoạn xảy ra tình trạng áp bức như vậy, chúng ta đều có kiến nghị yêu cầu thay đổi với lời lẽ hết sức khiêm nhường, nhưng những kiến nghị lặp đi lặp lại của chúng ta chỉ được đáp lại bằng những nỗi đau xót liên tiếp. Một ông hoàng với tính cách được thể hiện qua các hành vi mà ta chỉ có thể gọi đúng tên là bạo chúa, thì không xứng đáng là người cai trị của một dân tộc tự do.
Không phải chúng ta không muốn lưu ý các bạn của chúng ta ở nước Anh. Đã nhiều lần chúng ta cảnh báo họ về những ý đồ của các cơ quan lập pháp của họ muốn bành trướng quyền tài phán không thích hợp sang đất nước chúng ta. Chúng ta đã nhắc nhở họ về tình trạng nhập cư và cư trú của chúng ta ở nơi đây. Chúng ta đã dựa vào ý thức công bằng, lòng hào hiệp và cả những mối liên hệ ruột thịt giữa đôi bên để kêu gọi họ từ bỏ những cuộc chiếm đoạt đã gây cản trở cho mối quan hệ và giao thiệp giữa hai phía. Họ đã không thèm lắng nghe tiếng nói của chính nghĩa lẫn tình máu mủ. Vì vậy, chúng ta phải đi tới đối xử với họ giống như mọi người khác trong nhân loại: trong hoà bình là bè bạn, trong chiến tranh là kẻ thù.
Vì vậy, chúng ta, những đại biểu dự Đại Hội của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ yêu cầu các trọng tài tối cao của thế giới hãy công nhận những ý đồ chính đáng của chúng ta trong việc nhân danh và thực thi quyền lực của người dân có thiện chí ở các thuộc địa này, trịnh trọng công khai và tuyên bố rằng các thuộc địa liên minh với nhau này đã và có quyền phải là Quốc Gia Tự Do và Độc Lập, rằng họ từ bỏ mọi sự trung thành đối với vương miện của Anh Quốc, rằng những liên hệ chính trị giữa họ với nước Anh đã và phải hoàn toàn bị xóa bỏ, rằng với tư cách là Quốc gia Tự do và Độc lập, họ hoàn toàn có quyền tiến hành chiến tranh, ký kết hiệp ước hòa bình, xây dựng liên minh, thiết lập quan hệ thương mại và thực thi mọi công việc thuộc quyền của những Quốc gia Độc lập. Vững tin vào sự bảo hộ thiêng liêng của thượng đế, chúng ta nguyện cùng hiến dâng tính mạng, tài sản và danh dự thiêng liêng của mình để bảo đảm cho bản tuyên ngôn này.”
Lễ Độc Lập Hoa Kỳ và Di Dân Việt Nam
(Giao Chỉ, Vũ văn Lộc)
-Hoa Kỳ lập quốc 1776 có 4 triệu dân, ngày nay 2013 có 314 triệu. Qua hai trăm ba mươi năm gia tăng 310 triệu.-- Năm 1976 người Việt tại Mỹ có 170 ngàn, ngày nay có 1 triệu 700 ngàn. Sau 38 năm tăng gấp 10 lần-- Dân Việt tỵ nạn xây dựng cuộc sống trên đất mới trong khi thế giới chuyển tiếp giữa 2 thế kỷ 20 và 21.-- Về kỹ thuật, điện tử thay đổi toàn bộ đời sống.--Về nhân văn, với sự chấp nhận hôn nhân đồng tính, Hoa Kỳ đã tiến bước rất dài trên phương diện tư tưởng, bỏ xa phần còn lại của thế giới cả trăm năm.--Người Việt đã có mặt trên miền đất lịch sử trong giai đoạn lịch sử. --Xin cùng quay về với lịch sử lập quốc Hoa Kỳ.-- Lịch sử quê hương mới bao dung lịch sự mà di dân bốn phương trời sống chết tìm đến.--Vào được rồi thì chỉ còn thấy những ông tổng thống trên tờ giấy bạc hàng ngày…
Ngày quốc lễ.
Ngày 4 tháng 7 hàng năm là ngày lễ trọng đại nhất của Hoa Kỳ. Đó là ngày Mỹ quốc Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và bắt đầu chiến tranh cách mạng chống lại Anh quốc trong 6 năm. Đến 1782 Anh và Mỹ ký thỏa ước ở Paris và công nhận Hoa Kỳ độc lập. Người Mỹ đã chiến thắng trận chiến tranh đầu tiên của lịch sử Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. (Đã có nhiều ý kiến khác, nhưng tác giả xin dùng tên này. Sau kỳ kiểm kê dân số 2010 nước Mỹ dần dần trở thành là đất nước của các sắc dân mà trong đó da trắng sẽ chỉ còn dưới 50% tổng số.)
Là công dân gốc Việt trong đợt di dân cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta nên tìm hiểu về đất nước mà chúng ta lập nghiệp. Các di dân tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ đã được dự ngày kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976. Đến bây giờ nước Mỹ đã già thêm gần 40 năm nhưng lịch sử trẻ trung của Hiệp Chủng Quốc rất phong phú và cũng rất độc đáo. Hoa Kỳ là quốc gia bao gồm tất cả các sắc dân, các ngôn ngữ, các tập tục văn hóa. Nước Mỹ đã có các kỷ niệm vừa hung bạo vừa nhân từ. Tiêu diệt da đỏ, bắt da đen làm nô lệ, kỳ thị da vàng, đem quân đi làm cảnh sát trên thế giới, đi đến đâu là gây sóng gió ở đó. Hoa Kỳ cũng là quốc gia phát huy tự do dân chủ toàn cầu, viện trợ kinh tế, quân sự, giáo dục, xã hội, văn hóa cho toàn thể các quốc gia chậm tiến trên thế giới.
Nước Mỹ sống giữa 2 đại dương và có ba múi giờ. Biên cương của Hoa Kỳ trên địa cầu là một vùng đất bao la tiếp giáp với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ là ải địa cầu trấn giữ Bắc Băng Dương. Biên giới không gian của Hoa Kỳ lên đến mặt trăng và Mỹ quốc cũng là quốc gia tiên phong ghi dấu vết trên Hỏa tinh. Hai ngàn vệ tinh kinh tế thương mại và quân sự của Hoa Kỳ canh gác toàn vùng khí quyển của quả đất. Đế quốc nhân văn của Hiệp Chủng Quốc thống trị thế giới bằng các đại sứ quán và tòa lãnh sự luôn luôn tấp nập các khách hàng xin visa.
Cơ sở ngoại vi của các sứ quán Hoa Kỳ là những chỗ bán thức ăn Fast Food McDonald, Kenturky, nước Coke, nhạc Rock và quần Jeans. Mỹ phát thực phẩm cho dân nghèo toàn thế giới nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi về nhà: Yankee go home. Đó là Hoa Kỳ ngày nay, quá trẻ trung vì chỉ có hơn 230 năm lập quốc. Đất nước mà chúng ta đang là công dân có đứng lên tuyên thệ bảo vệ và tuyệt đối trung thành.Vì vậy chúng ta cũng nên biết qua lịch sử của quê hương mà phần đông chúng ta sẽ cùng các thế hệ tiếp theo ở lại đời đời.
Ai là người đầu tiên trên đất Mỹ?
Các nhà nhân chủng học cho biết 12 ngàn năm trước lục địa còn dính liền cuối thời băng giá, Á châu và Mỹ châu nối tiếp ở phía Bắc. Con người tiền sử Á Châu đi tìm đường sống đã đi từ Á qua Mỹ. Sau đó quả đất chuyển đổi, hai lục địa tách xa nhau. Người Á châu tiền sử trở thành thủy tổ của các bộ lạc ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thực ra đây cũng chỉ là giả thuyết.
Thực tế ghi nhận đây là miền đất mới không có nhiều chỉ dấu của các nền văn minh ngàn năm trước như Âu châu. Lịch sử ghi nhận đã có dấu vết các bộ lạc tàn lụi. Sau cùng chỉ còn các bộ lạc da đỏ tồn tại cho đến thời kỳ 1500 các sắc dân tây phương mới đến Mỹ bằng đường biển. Nổi danh nhất là nhà hàng hải Columbus năm 1492 đi tìm Á châu lại khám phá ra Mỹ châu. Rồi tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Cát Lợi, Pháp, Đức rồi đến Nga và các quốc gia Đông Âu.
Các cuộc chiến đẫm máu, triền miên ở tân lục địa giữa người địa phương và dân giang hồ mới đến. Chiến tranh giữa các thế lực Tây phương. Sau cùng Anh quốc ổn định được tại phần lớn miền Đông Hoa Kỳ và các di dân bắt đầu lên đường. Con tàu Hoa Tháng Năm, May Flower nổi tiếng đến Mỹ năm 1620 vỏn vẹn có 100 người mà một nửa là thủy thủ đoàn. Con tầu này đã trở thành biểu tượng của di dân định cư trên đất mới vì có đem theo gia đình.
Năm 1621 di dân được mùa đã cùng tổ chức Lễ Tạ Ơn và ăn tiệc mừng với dân da đỏ trong một lễ Thanksgiving đầu tiên của nhân loại. Nhưng rồi những ngày vui qua mau. Thổ dân tại Mỹ chết dần vì bị giết, bị đói, bị bệnh, có thể do các mầm bệnh từ tây phương đem đến.
Dân Việt tham dự diễn hành quốc tế 2013.
Trong khi đó từ 1620 đến 1732 tức là hơn 100 năm. Một nước Mỹ thuộc Anh đã hình thành với 13 tiểu bang liên hiệp ở miền Đông. Phần lớn làm nghề nông, trồng thuốc lá, trà, và lúa. Các vùng khác thuộc Tây Ban Nha, Pháp vẫn còn tranh chấp. Cuộc chiến 1754 giữa Pháp và Anh giành đất trong 7 năm, sau cùng Anh thắng và mở rộng biên cương thuộc địa. Tiếp theo nước Anh cần tiền cho mẫu quốc nên đánh thuế các thuộc địa, thu tiền các nhà sản xuất và các đồn điền tại Hoa Kỳ. Chính sách thuế của Anh ban hành năm 1774 trở thành mầm mống cho cuộc chiến dành độc lập tại Hoa Kỳ. Tướng Washington nhận trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng vào năm 1775 và chính thức đứng ra tuyên bố độc lập 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Thomas Jefferson đại diện tiểu bang Virginia viết ra lúc ông 33 tuổi được coi là một áng văn tuyệt tác nhất của nhân loại và mở đầu cuộc chiến dành độc lập cho đến chiến thắng cuối cùng bằng hiệp định Paris 1782.
Sau chiến thắng, Hoa Kỳ có 5 năm xây dựng dân chủ từ 1782 đến 1787 để hiến pháp ra đời với 9 tiểu bang chính thức rồi đến 13 tiểu bang thỏa hiệp. Những lá cờ Mỹ đầu tiên có 9 ngôi sao rồi 13 ngôi sao và bây giờ là 50 ngôi sao. Suốt từ buổi bình minh của Hiệp Chủng Quốc cho đến nay, nước Mỹ đã trải qua biết bao nhiêu là biến động. Từ hơn 4 triệu dân vào năm 1800 trở thành trên 300 triệu vào năm 2013. Trên giấy tờ có 237 năm lập quốc nhưng thực sự quốc gia này đã thành hình từ trên 300 năm.
Ý nghĩa Hiệp Chủng Quốc.
Phải chăng Hoa Kỳ là một đĩa rau trộn gồm đủ mọi sắc thái nhưng tía tô vẫn là tía tô, rau giấp cá vẫn nồng nàn mùi tanh của biển mặn. Hay đây là nồi cháo mà mọi thứ thực phẩm đã được hòa tan thành một hương vị mới. Cái đó còn tùy hoàn cảnh, tùy địa phương và thời gian. Trước khi nói đến nhân quyền, tự do và bình đẳng, nước Mỹ đã trải qua các giai đoạn hành động tàn nhẫn với các sắc dân thiểu số. Vào thế kỷ thứ 19, da trắng buộc dân da đỏ phải di cư tập trung vào các khu vực dành riêng, phần nhiều là đồng khô, cỏ cháy. Thảm kịch diễn ra trên các con đường mòn di chuyển dân da đỏ được gọi là: Đường mòn nước mắt.
Da đỏ già trẻ lớn bé đều phải ra đi, bỏ nhà cửa, vườn trại để vào các khu hoang vu xa cách vạn dặm. Hàng chục ngàn người đã chết. Trong khi đó ở miền Nam Hoa Kỳ, dân da đen bị bắt làm nô lệ đem từ Phi châu qua đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng. Những bàn tay đen đủi đã xây dựng nên nền nông nghiệp miền Nam nuôi cả nước Mỹ vào thời kỳ lập quốc với những vườn bông vải trắng xóa. Nhưng cũng chính da đen là vấn nạn cho cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc. Những người da đen bỏ trốn các nông trại đã bị đánh roi cho đến chết. Câu chuyện Uncle Tom với bài ca da đen lừng danh: Let my people go, Hãy cho dân tôi đi, trích dẫn từ Thánh Kinh đã trở thành một vấn nạn trong lương tâm Hoa Kỳ.
Da đỏ xin ở lại thì bị đuổi đi. Da đen xin đi thì bị giữ lại. Ngay khi nội chiến chấm dứt, da đen được giải phóng mà vẫn còn bị kỳ thị.
Cuộc chiến đấu vĩ đại của một đàn bà da đen năm 1955 không chịu ngồi phía sau xe bus đã trở thành một cuộc tổng đình công tẩy chay xe bus tại Hoa Kỳ. Từ cuộc đình công này, da đen có được một nhà lãnh đạo đầy huyền thoại là mục sư King mà tên tuổi trở thành một ngày quốc lễ.
Rồi đến lịch sử Tây tiến làm đường xe lửa đem da vàng Nhật Bản và Trung Hoa nhập cuộc. Các tiền nhân di dân châu Á cũng đã ngậm đắng nuốt cay ở miền Tây Hoa Kỳ trong suốt thời lịch sử cận đại. Dân da vàng có một thời chỉ được làm cu ly đường xe lửa hay thợ giặt ủi.
Sau cùng đến lượt chúng ta. Việt Nam ngày nay có một triệu bẩy trăm ngàn người tại Hoa Kỳ. Sau đợt di tản 75 tiếp đến là thuyền nhân từ 75 đến 95 rồi là các HO, con lai, ODP đoàn tụ nhập cư cho đến cuối thế kỷ thứ 20. Sau cùng là diện hôn nhân. Mười quận hạt có dân số đông đảo nhất là Orange, Santa Clara, Los Angeles, Houston, San Diego, Seattle, Oakland, DC, và Dallas. Chúng ta không phải là sắc dân cuối cùng, và chúng ta không phải là sắc dân duy nhất có quê hương cố quốc. Di dân tỵ nạn Việt Nam tùy theo hoàn cảnh và cảm nghĩ, có người mang theo quê hương, có người bỏ lại quê hương. Tuy nhiên chúng ta không thể hành xử khác tập thể di dân trong trách nhiệm xây dựng đất mới. Sắc dân nào cũng có những niềm tự hào của họ. Ai cũng có các hãnh diện về truyền thống văn hóa, ngôn ngữ của cội nguồn. Điều quan trọng là phong cách đối xử và tìm hiểu để hội nhập. Chúng ta phải cảm ơn những người đi trước đã mở đường. Kể cả người xấu lẫn người tốt đã sống và đã qua đi trong công cuộc chinh phục đất nước vĩ đại này. Có điều hết sức trùng hợp là dù bất cứ sắc dân nào, dù cố quốc lầm than hay tươi sáng. Dù quê hương cũ còn độc tài cộng sản hay đã tự do dân chủ, di dân đến đây là ở lại đây. Những nhà văn Nga và Đông Âu lưu vong chống Cộng đã từng sống chết với quê hương rồi cũng phải nói rằng. Quê hương bây giờ là nơi chúng ta sống có hạnh phúc. Đó là lý do người Anh ngày xưa chiến đấu chống cố hương để trở thành người Mỹ. Người Nhật trong đệ nhị thế chiến, bị cầm tù trong trại tập trung nhưng vẫn tình nguyện cầm súng chiến đấu chống Thiên Hoàng để trở thành người Mỹ. Bởi vì trên thế giới chỉ có Hoa Kỳ mới thực sự là đất của cơ hội. Nơi mà di dân bạc tình hưởng mọi phúc lợi nhưng vẫn được hiến pháp bảo vệ để chê bai tổ quốc. Quốc gia mà con một người da đen ngoại quốc, xuất thân cán sự cộng đồng đã trở thành tổng thống. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ hơn 200 năm trước đã ghi điều khoản bất hủ là con người được quyền mưu cầu hạnh phúc.
Mùa hè năm nay, để chào mừng lễ độc lập lần thứ 237, tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã ban hành nghị quyết lịch sử. Công nhận hôn nhân đồng tính, cho phép các cơ thể khác biệt cũng được mưu cầu hạnh phúc.
Và bây giờ là chuyện dân Việt tại Hoa Kỳ.
Một lần nữa, đợt người Việt đầu tiên ở Mỹ sẽ là nhưng cây tràm, cây đước giữ chặt đất cho một cộng đồng tương lai phát triển. Con cháu chúng ta sẽ vừa nhớ ơn ông cha đã đến đất này mà cũng không hổ thẹn về những đóng góp của chúng ta trong những giai đoạn đầu tiên. Bỏ lại phía sau con sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long và dãy Trường Sơn. Bây giờ ta phải làm quen với con sông Sacramento và rặng Rocky Mountain để con cháu ta đứng lên đáp lời sông núi mới.
Xin hãy công bình với hoàn cảnh. Hãy lưu tâm ngày 4 tháng 7 của Hoa Kỳ. Bước ra khỏi cái ghetto của cộng đồng nhỏ hẹp, tham dự vào cái xã hội vĩ đại đã đem phúc lợi cho chúng ta. Đó là cách hay nhất để xây dựng cùng một lúc cộng đồng tại Mỹ và quê hương bỏ lại ở Việt Nam. Bao gồm cả giấc mơ tự do và dân chủ. Hãy làm một công dân tốt và chân thành với xứ "tạm dung", chúng ta sẽ góp phần xây dựng dân sinh tại Hoa Kỳ và đồng thời xây dựng cả dân quyền cho Việt Nam,
Chuông Tự Do Và Nỗi Đau Quá Khứ
(Phương Hoa)
Philadelphia Oct, 2015.
Buổi sáng tôi thức dậy thật sớm để chuẩn bị đi thăm Dinh Độc Lập “Independence Hall”. Tôi giục hai đứa cháu khởi hành ngay kẻo người ta đến đông phải đợi chờ sẽ không đủ giờ dạo hết các nơi. Dù vậy khi chúng tôi đến thì khách du lịch cũng đã tấp nập ra vào.
1. Chuông Tự Do
Từ khi bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ, tôi thường ao ước có một ngày được viếng thăm thành phố lịch sử Philadelphia của Pennsylvania. Tôi nhất định sẽ đến xem quả Chuông Tự Do nổi tiếng của Hoa Kỳ mà tôi từng nghe nói. Và tôi sẽ viết cái gì đó để “tuyên dương” quả chuông lịch sử, để tỏ lòng biết ơn nước Mỹ đã cho gia đình tôi cơ hội sống trên đất nước tự do này. Nhưng tính toan là một chuyện còn thực hiện lại khó vô cùng, vì tôi chẳng có người quen ở Philadelphia để hỏi thăm đường đi nước bước.
Cho đến vài tháng gần đây tình cờ tôi tìm ra được, một người bạn cùng quê hiện đang sinh sống tại Philadelphia. Nhân có đứa cháu gái từ Việt Nam du lịch qua, thế là tôi và cháu bèn “khăn gói quả mướp” lên đường, trước thăm bạn cũ, sau viếng thành phố lịch sử của Hoa Kỳ.
Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, ríu rít líu lo niềm vui mấy chục năm gặp lại. Bạn tôi hớn hở tiếp đãi người xưa còn hơn cả Tào Tháo đãi Quan Công trong Tam Quốc Chí bên Tàu. Sáng tiệc nhỏ, trưa tiệc lớn, tối tiệc lớn hơn, tâm sự thâu đêm về trường xưa người cũ. Chiều hôm trước tôi ngỏ ý muốn thăm lâu đài Độc Lập, bạn liền kêu cậu con trai chở hai người khách đi, vì anh chị phải trở lại làm việc.
Cuối cùng bây giờ tôi đang có mặt ở “Independence Hall”. Trong lúc đứa cháu và cậu con người bạn kéo nhau đi chụp hình, tôi vội nhặt lấy một quyển chỉ dẫn tìm đường đi xem quả chuông Tự Do trước khi đến những nơi khác. Biết được nơi chuông “an vị” tôi rời trung tâm “Visitor Center” băng qua đường về hướng Dinh Độc Lập.
Trước cửa nhà chuông người ta đông như trẩy hội. Tôi náo nức vô xếp hàng tại cổng an ninh, cùng đoàn người nhích từng bước để qua khỏi “ải”. Từ xa, tôi đã thấy máy ảnh đưa lên, cel phone hướng tới, nhiều cánh tay đỡ máy quay phim qua khỏi đầu để ghi hình. Xong thủ tục khám xét, một số người tản mác đi xem hình ảnh trưng bày và coi bộ phim tài liệu lịch sử quả chuông ở các phòng bên theo những mũi tên chỉ dẫn. Tôi đã xem phim này trên internet tối hôm trước nên không cần coi nữa, tôi đi cùng số đông thẳng tiến về phía phòng chuông.
Khi lại gần quả chuông, nhóm người trước mặt tôi bỗng trở nên nhốn nháo, có lẽ vì quá thích thú. Bọn họ mũ mão đề huề, vai túi xách bụng đeo tay nải, miệng vừa nhai thức ăn vừa gào to thả cửa với nhau bằng thứ tiếng nước ngoài nghe thật lạ tai. Ông dẫn đường “tour guide” cũng “ào ào như bão táp”. Đứng lều khều giữa nhóm, ông ta cầm tờ giấy vung tay chỉ trỏ, la ong óng– chắc là giảng giải về lịch sử quả chuông đồng – âm thanh chan chát vang vọng khắp phòng, tra tấn lỗ tai người xung quanh muốn bể cái màng nhĩ.
Ông tour guide ngừng nói thì “lính” của ông bắt đầu xô đẩy, tranh nhau chụp ảnh. Hết người này nhào vô bên cạnh quả chuông lại đến kẻ khác chen vào, chụp riêng rồi lại chụp chung cả nhóm, họ chụp hình không nghỉ tay, không cần biết đến những du khách khác đứng xớ rớ xung quanh đang chờ đến lượt. Ai cũng muốn chụp hình quả chuông lấy Dinh Độc Lập làm nền, lại thuận với phía có ánh sáng cùng vườn hoa rực rỡ nơi hậu cảnh, nên dù phía bên kia còn trống chỗ người ta cũng phải chờ để chụp từ bên này. Cặp vợ chồng người da trắng mà qua giọng nói tôi đoán hình như là người Úc đứng cạnh tôi nhiều lần đưa máy hình lên rồi lại bị đẩy qua một bên, họ nhìn tôi lắc đầu, tôi cũng chỉ biết đáp lại họ bằng một nụ cười méo mó cộng thêm cái lắc đầu đồng cảm.
Rồi tôi cũng lại gần được quả chuông để quan sát. Theo tài liệu tôi tìm đọc trước khi đến đây, quả chuông đồng này nặng 2,080 pounds. Nghe như to lớn lắm, không ngờ trông nó nhỏ thua chiếc Đại Hồng Chung của chùa làng tôi ngày trước. Tôi chợt nhớ đến câu mẹ tôi thường nói mỗi khi gặp người nào tuổi trẻ tài cao, “Nhỏ người nhưng to mắt”, thật là đúng lắm. Quả chuông nho nhỏ này lại truyền đạt ý nghĩa to lớn, có giá trị lịch sử vô vàn. Nó là biểu tượng của tự do độc lập, thứ mà mọi người trên thế giới đều mê. Nhìn cận kề vệt nứt thật dài trên thân chuông tôi thấy lòng chùng xuống. Có lẽ vì quả chuông Tự Do đã mang một vết thương “chí mạng” nên nó không còn cất lên được tiếng kêu. Trong trang web giới thiệu, người ta đã “mớm” trước là khi viếng chuông Tự Do bạn hãy chú ý kỹ đến đường nứt. Đường nứt mỏng bắt đầu từ chữ “P” của Phila và chạy thẳng lên rồi dừng lại ngay chữ Tự Do "Liberty" trước khi bò lên đỉnh. Có lẽ đây là lời nhắn nhủ, một gợi ý, để thiên hạ cảm nhận và nhớ đến cái giá phải trả của chiếc chuông đồng, khi nó mang thông điệp tự do đến cho nhân loại.
Thật đúng như vậy. Quả chuông này đã đại diện cho một nước Mỹ từng trải qua nhiều hy sinh, bao cuộc chiến, tốn nhiều nước mắt, máu, và sinh mạng. Cuộc chiến giành độc lập mang dấu ấn lịch sử cho sự khai sinh của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ gồm 13 thuộc địa của người Anh ở vùng Bắc Mỹ. Cuộc chiến bắt đầu từ năm 1775 kết thúc năm 1783 đã làm gương cho các quốc gia trên thế giới về sau. Chỉ có 13 lãnh thổ nhỏ nhoi với dân số khoảng hai triệu rưỡi, mọi người đã tập hợp lại dũng cảm đứng lên chống thực dân Anh binh hùng tướng mạnh và họ đã chiến thắng vẻ vang, đem lại tự do độc lập cho Hoa Kỳ. Cũng nhờ thực hiện chính thể độc lập tự do đúng nghĩa giúp quốc gia ngày càng phát triển, mà từ một đất nước non trẻ chỉ hơn hai trăm năm lập quốc, ngày nay Hoa Kỳ trở nên một cường quốc đứng đầu thế giới, hùng mạnh nhất trong tất cả mọi mặt. Đặc biệt là sự tự do.
Người dân của các nước lãnh đạo bỡi chế độ độc tài trên thế giới ai cũng thèm muốn được tự do như người Mỹ. Hiện tại, dân chúng từ các nước Trung Đông đang ào ạt liều chết rời bỏ quê hương cũng là để đi tìm tự do. Giống như trước đây hàng triệu người Việt chúng tôi trốn chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, và rất nhiều người đã thiệt mạng trên đường vượt biên, vượt biển, tạo nên thảm cảnh gia đình tan nát, cha mất con vợ mất chồng. Cái giá phải trả cho hai chữ tự do thật sự không nhỏ. Có lẽ hồn thiêng sông núi của đất nước Hoa Kỳ đã quyện vào quả chuông và tạo nên đường nứt này. Một đường nứt không thể vá, và nó đã nói lên tất cả, rằng nếu muốn có được tự do thì phải có hy sinh.
Chuông Tự Do được treo uy nghi trên một chiếc đòn vuông bằng gỗ. Dòng chữ khắc đầu tiên trên đầu quả chuông được trích từ sách Thánh Kinh Lê-vi 25:10 có nghĩa “Công Bố Tự Do Cho Hết Thảy Dân Chúng Sống Trong Xứ Sở” (Leviticus 25:10: Proclaim Liberty Throughout All the Land Unto All the Inhabitants thereof.). Nhìn quả chuông đầy huyền thoại này, tôi tưởng tượng cảnh mừng vui của dân chúng Mỹ trong ngày bản tuyên ngôn Độc Lập được công bố, 8 tháng 7 năm 1776. Bên tai tôi còn như vang vang tiếng chuông ngân âm thanh ấm áp trong ngày ấy mà tôi may mắn được nghe đêm hôm trước trên trang web của Dinh Độc Lập, nhờ sự phục hồi bằng computer, một kỳ tích của nhóm sinh viên trẻ tốt nghiệp trường đại học Pennsylvania State University năm 1999.
Cũng theo tài liệu, quả chuông này được đúc từ bên Anh Quốc. Đem về Philadelphia năm 1752, và năm 1753 sau lần đầu tiên được gióng lên thì chuông bị nứt. Hai thợ đúc sắc cư dân thành phố Philadelphia là John Pass và John Stow đã nấu chảy quả chuông ra rồi đúc lại đến hai lần. Còn một điều rất thú vị nữa kèm theo lịch sử Chuông Tự Do. Năm 1777 khi quân Anh đánh chiếm Philadelphia, quả chuông này đã được đem dấu dưới sàn của ngôi nhà thờ Tin Lành “Zion Reformed Church” thành phố Allentown, Pennsylvania. Nếu không được dấu đi kịp thời, quả chuông đã bị quân Anh tịch thu nấu chảy làm ca nông như họ đã làm ở nơi khác. Nhà thờ này về sau cũng được tuyên dương cùng những người “có công lập quốc” vì đã bảo vệ an toàn cho Chuông Tự Do, biểu tượng tự do nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Thông tin cũng cho biết, không có nhiều bằng chứng rõ ràng lắm về việc chuông Tự Do đã được gióng lên trong ngày đọc Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, 8 tháng 7 năm 1776. Người ta tìm thấy, John Adams vị tổng thống thứ nhì của nước Mỹ – khi ấy là đại biểu Quốc Hội đại diện tiểu bang Massachusetts trong Quốc Hội khóa đầu tiên ở Philadelphia, và cũng là một trong số 56 người ký tên trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ngày 4 tháng 7 năm 1776 – có ghi lại là “Chuông đã được rung lên suốt cả ngày và gần như suốt đêm ở Philadelphia trong ngày 8 tháng 7”. Cho nên dân chúng Mỹ tin rằng đó chính là tiếng rung của chuông Tự Do. Tuy nhiên, vì ngài John Adams không ghi rõ là chiếc chuông nào, nên các sử gia không dám khẳng định đó là chuông Tự Do.
Đối với tôi, cho dù có bằng chứng hay không việc chuông Tự Do được rung lên trong ngày Tuyên Ngôn Độc Lập, nó vẫn là quả chuông tuyệt vời nhất trên trái đất này, vì nó đã mang thông điệp tự do đến cho nước Mỹ và toàn thế giới với hàng chữ “Công Bố Tự Do…” được khắc trên quả chuông. Đó là một bằng chứng giá trị nhất. Và tôi rất tâm đắc với những lời giới thiệu về quả chuông, “Không ai có thể thấy được Tự Do vì nó vô hình, nhưng người ta có thể cảm nhận nó qua sự hiện diện của Chuông Tự Do”.
Tôi ngắm nghía thật đã đời quả chuông, và khi nhìn lại thì cái nhóm khách ồn ào kia cũng kéo đi đâu mất. Những người Úc bây giờ đã có cơ hội bước lại gần để chụp hình. Phòng chuông lúc này yên ắng vô cùng, người ta thư thả lại chụp hình rồi bước đi, lịch sự nhường nhau hết người này đến người khác. Tôi đưa cái điện thoại cầm tay lên ngắm nghía, quay bên trái rồi bên phải để tự chụp vài tấm hình, nhưng nhìn thấy vị trí nào cũng không được thuận lợi cho lắm.
Bỗng đâu một ông bước lại:
- “Hi!” Ông ta chào tôi. -Chị cần giúp chụp hình không? Nãy giờ tôi thấy chị loay hoay mãi mà chưa chụp được tấm hình nào. Tôi có thể giúp chị.
Tôi nói cám ơn và quan sát con người tử tế. Đó là một người Mỹ da màu mặc bộ đồng phục bảo vệ, nhưng lại đội chiếc mũ Jean có hàng chữ “Vietnam Veterant”. Gặp phe mình rồi, tôi thầm nghĩ. Ông ta khoảng trên sáu chục. Nhìn còn trẻ so với các cựu quân nhân Hoa Kỳ chiến tranh Việt Nam tôi từng gặp, chắc tại nhờ làn da láng bóng thiên phú trên mặt ông.
Tôi hỏi có phải ông là cựu chiến binh Việt Nam. Ông mỉm cười gật đầu, và tôi theo thói quen nghiêng mình nói cám ơn ông đã từng chiến đấu giúp quê hương tôi.
Ông ta nhìn tôi vài giây rồi chợt lắc đầu. Tôi rất tiếc. Thật ra chúng tôi mới là những người đáng xin lỗi các bạn. Vì đã bỏ đi khi nhiệm vụ chưa thành.
Tôi cảm thấy tim mình hơi nghèn nghẹn. Những lời lẽ áy náy trần tình đó, hầu hết các cựu quân nhân Hoa Kỳ trở về từ cuộc chiến Việt Nam tôi gặp đều nói thế. Phải chi ngày đó những người có trách nhiệm không vì lợi lộc chính trị mà bỏ rơi nước Việt của chúng tôi. Thì ngày nay cái quê hương biển bạc rừng vàng từng được cho là “Con Rồng Châu Á” của tôi đã tiến xa đến cỡ nào. Văn minh đến cỡ nào. Làm gì có chuyện lẹt đẹt bò lê để “phấn đấu cho kịp các nước khu vực châu Á” như họ đang kêu gọi người dân cố gắng. Thật là đau lòng, và xấu hổ, khi đọc thông tin nhan nhản khắp các trang web trong nước cho biết “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan, và 158 năm so với Singapore”.
Thực ra việc rút khỏi cuộc chiến Việt Nam đâu phải lỗi của những cựu quân nhân Hoa Kỳ. Họ đã từng dũng cảm biết bao. Họ đã hy sinh nhiều xương máu để giúp người Việt gìn giữ tự do. Giờ lại còn mang thêm gánh nặng lương tâm cắn rứt suốt đời vì đã bỏ cuộc. Họ không đáng bị như vậy.
- Chuyện đó qua cũng lâu rồi. Tôi nói. - Chúng tôi đã hiểu nguyên do không phải lỗi của các ông, xin ông đừng suy nghĩ.
Để đáp lại sự tử tế của ông ta, tôi đưa ông chiếc điện thoại nhờ chụp mấy tấm hình.
Ông ta ngắm tới ngắm lui bấm lia lịa, xong trao điện thoại lại cho tôi:
- Tôi chụp nhiều để chị chọn và xóa đi những tấm nào không thích. Ông nói trong tiếng cười vui vẻ.
Thấy ông ta hiền lành thân thiện, tôi tiện đà bắt chuyện, xem vì đâu ông lại có cảm tình với người Việt.
2. Nỗi Đau Quá Khứ
Thật là kỳ diệu. Hai người xa lạ gặp nhau giữa đường, nhờ vào cái mác “cựu chiến binh Việt Nam” lại trở nên thân thiện như đã quen từ trước. Chúng tôi vừa nói chuyện vừa bước sang phòng trưng bày hình ảnh.
Người bạn mới quen cho biết tên ông là Jeron, làm bảo vệ ở tòa nhà phía bên kia. Vừa xuống ca nên qua đây tìm người bạn rủ đi ăn.
- Thấy chị bị nhóm khách du lịch chàng ràng mãi chả chụp được tấm hình nào nên đến giúp. Vì tôi biết chị là người Việt Nam. Ông nói.
Khi Jeron biết ngày xưa ở Việt Nam nhà tôi làm cùng ngành với ông, là chuyên viên kỷ thuật sửa máy bay ông kêu lên vẻ mừng rỡ: - Thú vị thật! Ông cho biết từng làm việc ở phi trường Quy Nhơn.
Hầu hết những bạn quen và khách hàng người Mỹ da màu của tôi tính tình đều sởi lởi dễ gần. Jeron cũng vậy. Chuyện trò trong chốc lát, ông kể hết tôi nghe về nỗi đau mà ông đã gánh chịu mấy chục năm qua.
Ông về nước để lại cô bạn gái đang mang bầu. Cô tên Lan, là người dọn phòng cho ông và hai người bạn nữa cùng đơn vị. Lệnh về Mỹ gấp rút không kịp chuẩn bị, Jeron đành gửi gắm Lan cho một trong hai người bạn trông nom, dặn Lan đặt tên con lấy một phần tên ông, là “Ron”, và hứa sẽ trở qua Việt Nam làm thủ tục đưa mẹ con cô sang Mỹ.
Jeron chưa kịp thực hiện thì tình hình chiến sự ở Việt Nam trở nên tồi tệ. Người bạn về Mỹ cho biết trên đường di tản Lan đã bị đạn pháo kích mạng vong. Đứa con trai sáu tháng của Lan anh ta nhờ một ma sơ của viện mồ côi di tản cùng những trẻ mồ côi khác vô Sài Gòn trước khi anh về Mỹ. Người bạn chỉ cho Jeron biết đứa bé tên Nguyen Ron, thằng bé rất dễ thương vì mang hai dòng máu, tên cái viện mồ côi ở miền Trung, và tên người ma sơ anh ta ghi lại mà sau này Jeron hỏi khắp nơi không ai biết. Đó là tất cả thông tin Jeron có về đứa con của mình.
Kể đến đây nét mặt Jeron bỗng hiện lên một vẻ buồn não ruột, ông hỏi:
- Chị có biết gì về chuyến bay đầu tiên của chương trình “Babylift Operation” hồi tháng Tư năm 75 không? Cho đến giờ này tôi vẫn còn bị ám ảnh. Bốn chục năm qua, tôi luôn tìm kiếm thông tin, hỏi thăm bất cứ ai tôi nghĩ là có thể biết về tin tức đứa con tội nghiệp của tôi. Không biết thằng bé có nằm trong số những đứa trẻ mồ côi bị thiệt mạng trên chuyến bay đó hay chăng.
Tôi giật mình, toàn thân rúng động. Giờ thì tôi đã hiểu. Đây là lý do Jeron tìm cách làm quen với tôi. “Operation Babylift”. Chuyến bay đầu tiên đưa trẻ mồ côi di tản sang Mỹ. Chuyến bay định mệnh của chiếc phi cơ quân sự C-5A Galaxy Hoa Kỳ số 68-0218 bị rớt ngày 4 tháng 4 năm 1975, chỉ sau hơn mười phút cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất. Đó là một sự kiện kinh hoàng, xảy ra trong thời điểm kinh hoàng của đất nước tôi, làm sao mà tôi quên được chứ. Tôi đứng sững sờ, nhớ lại những ngày cuối tháng 3 năm 75.
Khi phi trường Nha Trang được lệnh di tản vô Sài Gòn, ông xã tôi chạy về nhà định đưa cả gia đình đi. Nhưng mẹ tôi cản và tôi cũng chết nhác, vì tôi đang gần ngày sinh đứa con thứ ba sợ bị “đẻ rớt” trên phi cơ. Sau này mới thấy, đó quả là một quyết định sai lầm, nếu không gia đình tôi đã có thể cùng nhau ra khỏi nước, đâu phải chịu cảnh bị đày lên tận rẫy rừng đào đá phá cây kiếm miếng ăn cho con.
Phi trường Nha Trang di tản xong thì tối đó chiến đấu cơ VNCH trở lại ném bom cầu Xóm Bóng và Cầu Hà Ra để cắt đường tiến của quân Bắc Việt. Tôi và mẹ cùng hai đứa con thơ chui xuống gầm giường là chỗ duy nhất nhà tôi chất vội một số bao cát xung quanh trước khi anh di tản theo đơn vị. Chúng tôi nằm ôm nhau run rẩy nghe tiếng bom dội ầm ầm phía Tháp Bà làm cả thành phố rung rinh. Mẹ tôi hoảng sợ nói chuyến này chắc chết. Suốt đêm thức trắng chúng tôi nghe tiếng súng nổ râm rang, rộ nhất là bên hướng kho đạn gần ga xe lửa, tiếng người la hét, cộng với tiếng chân chạy rầm rập ngoài đường. Cũng may mà không có quả bom nào rớt nhằm khu phố của chúng tôi.
Sáng ra bò dậy nhìn qua khe cửa tôi thấy súng ống bị ném vương vãi khắp nơi, có mấy khẩu trung liên nằm ngã nghiêng chỏng gọng sát cánh cửa làm tôi hoảng hồn. Ra phía sau nhà, người hàng xóm cho biết tối qua những thanh niên thuộc loại “quậy” và những người lính VNCH trên đường di tản bị kẹt lại đã vào phá kho đạn hốt ra “bắn cho đã” lần cuối trước khi lính Bắc Việt tràn vào thu lấy. Họ bắn suốt đêm đến sáng thì vất súng tứ tung rồi mạnh ai nấy trốn đi.
Thời điểm đó tôi không liên lạc được với nhà tôi. Nhưng tôi lén mở radio nho nhỏ canh suốt ngày nghe đài BBC nên cũng biết được tình hình diễn biến từ thủ đô Sài Gòn. Ngày 4 tháng 4 tôi và mẹ ngồi sững sờ khi nghe tin chiếc phi cơ quân sự Mỹ di tản trẻ mồ côi lâm nạn. Nhớ chuyện xưa, tôi ứa nước mắt:
- Tôi biết chứ! Tai nạn đó thật là thảm khốc. Tôi nói mà trong dạ bàng hoàng, tưởng như sự việc mới xảy ra hôm qua. –Khi ấy tôi còn kẹt lại Nha Trang, nhưng chồng tôi thì cấm trại trong phi trường Tân Sơn Nhất. Sau này anh ấy kể lại, những phi công lái trực thăng đi cứu nạn về cho mọi người biết tình cảnh các nạn nhân thật đáng thương. Chiếc phi cơ C-5A Galaxy bị rớt và vỡ toang làm nhiều mảnh trên một vùng ruộng nước không xa phi trường, nên trực thăng dù được điều tới ngay lập tức cũng không thể đáp xuống tại chỗ để cứu giúp. Xác người lớn trẻ em vương vãi khắp nơi. Những người sống sót và bị thương thì loi ngoi lóp ngóp trong ruộng lúa. Họ vừa tự cứu mình vừa cố gắng nhặt lên những em bé còn quẫy đạp từ dưới ruộng. Tai nạn làm chết gần một trăm cô nhi và mấy chục người lớn, gồm có nhân viên thiện nguyện và phi hành đoàn.
- “My God”! Jeron thốt lên tiếng kêu Trời, rồi nói với giọng nghẹn ngào: -Khi nghe tin về tai nạn của chiếc C-5A Galaxy, tôi tức tốc liên lạc khắp nơi với hy vọng tìm kiếm tin tức về đứa con của tôi. Nhưng mà… ông lắc đầu vẻ thiểu não: - Tôi không tìm ra chút manh mối nào cả. Tôi thật có lỗi với Lan vì đã không trở lại kịp thời để đưa cô ấy đi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết thằng con tôi có mặt trên chuyến bay đó hay là không. Và nếu nó còn sống thì đang ở đâu?
- Thật là xin lỗi! Tôi nói để an ủi Jeron: -Nhưng tôi nghĩ chưa chắc con ông có mặt trên chuyến bay ngày đó đâu. –Tấm lòng người cha của ông thật là cảm động. Ông cũng biết, hiện tại hầu hết trẻ lai Mỹ đã được định cư ở Hoa Kỳ. Hy vọng rằng con ông giờ này đang sống an lành nơi nào đó trên đất Mỹ. Dù không tìm lại được người cha sinh ra cậu ấy, nhưng có người “cha nuôi” là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chăm sóc thì cũng tốt gấp ngàn lần sống trong một đất nước Cộng Sản. Ông thấy có đúng không?
Jeron nghe vậy thì nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Cuối cùng ông gật đầu:–“Youre right!”Chị nói đúng lắm! Tuy nhiên trong khi tuyệt vọng vì không tìm được thằng con, tôi cũng đã cố gắng làm được một điều để bù đắp lại, cho lương tâm bớt đau khổ.
Tôi nhìn Jeron thầm đoán, chắc ông đã làm thiện nguyện hay hiến tặng tiền bạc tài sản để giúp đỡ cho các viện mồ côi. Ông bỗng đưa tay ra sau túi quần và rút ra một chiếc ví màu đen, mở ra đưa tôi xem tấm hình tốt nghiệp đại học áo mũ chỉnh tề với vòng hoa màu vàng trên cổ của một chàng thanh niên có nét giống người Việt, lai da đen.
- Ông bảo trợ cho cậu thanh niên này hả? Tôi hỏi. –Cậu ta là một Amerasian, là đứa trẻ lai Mỹ, phải hôn?
- Không phải bảo trợ. Jeron nói. -Tôi đã nhận nuôi thằng bé này, sau một thời gian tìm kiếm không ra đứa con ruột. Tôi đặt tên cho nó là Ron, lấy tên đứa con thất lạc của tôi. Tôi và Lisa vợ tôi sau này chỉ có một đứa con gái tên Karen đã lập gia đình và chuyển qua Goergia sống với chồng nó.
- Ồ! Jeron! Tôi kêu lên trong xúc động. –Ông đã làm một việc vô cùng ý nghĩa. Ông nhận nuôi đứa trẻ lai này và cho nó ăn học đàng hoàng. Tôi biết dù không thay thế được Ron, cậu bé cũng lấp được khoảng trống về Ron trong cuộc đời ông.
Và tôi thấy rất cảm phục Jeron. Mất đi một tình thương ruột thịt, cho dù mãi mãi không thể quên, ông vẫn có thể tìm một tình thương khác để thay vào.
Jeron cho biết Ron tốt nghiệp ngành kỷ sư cầu đường, hiện đang làm việc cho một công ty lớn chuyên xây dựng xa lộ ở Maryland. Ron đã có gia đình, và Jeron bây giờ là ông nội của ba cháu một trai hai gái.
- Quá tuyệt vời! Xin chúc mừng ông! Tôi nói. –Vậy thì ông cũng được Chúa bù đắp rồi. Tôi nghĩ nếu chị Lan có thiêng cũng sẽ hiểu được tấm lòng của ông. Mong ông đừng buồn nữa.
Tôi vừa dứt lời, bổng đâu người bạn của Jeron bước lại, cắt ngang câu chuyện giữa chúng tôi. Cũng vừa lúc hai đứa cháu tìm thấy tôi rủ đi thăm Dinh Độc Lập. Jeron từ giã tôi để đi với bạn.
- Rất vui vì được gặp và nói chuyện với chị. Ông nói.
- Tôi cũng thế. Tôi nói và đưa tay vẫy chào ông: –Chúc ông may mắn.
Nhìn theo Jeron, tôi chợt nhận ra một điều. Hoàn cảnh và tâm tình của người cựu quân nhân Hoa Kỳ này sao mà giống tâm tình của những người Việt Nam mất quê hương chúng tôi quá đỗi. Jeron bị la?c mất đứa con, dù cho ông đã tìm được một đứa khác thay thế và đứa con này cũng ngoan hiền, cũng đem lại cho ông tình thương và niềm hãnh diện vì sự thành công của nó, ông vẫn luôn đau đáu nhớ thương về “cái núm ruột” là đứa con thất lạc, nên ông cất công tìm kiếm và buồn bã cả cuộc đời.
Người Việt Nam tỵ nạn cũng thế. Cho dù chúng tôi may mắn tìm được những bến bờ, những miền đất tự do làm chốn nương thân, và quê hương mới cũng thương yêu bảo bọc chúng tôi, nhưng nỗi đau quá khứ và sự thương nhớ “cái núm ruột cội nguồn” vẫn luôn đeo ba´m, ám ảnh chúng tôi, dường như là muôn thuở. Chỉ trừ phi, khi nào đất tổ quê cha Việt Nam có được tự do độc lập, chừng đó chúng tôi mới thực sự tìm thấy hạnh phúc. Nhưng ao ước để rồi buồn. Biết đến khi nào thì quên hương Việt Nam của tôi mới được tự do đây?
Mong lắm thay, sẽ có một ngày chúng tôi nhớ đến quá khứ, nhớ đến quê xưa Việt Nam bằng một biểu tượng tự do nào đó, bằng sự hảnh diện vô bờ như người Mỹ, và cả người Mỹ gốc Việt chúng tôi, hiện giờ nhớ đến quả Chuông Tự Do và ngày Độc Lập của Hoa Kỳ. Chứ không phải lúc nào cũng nhớ đến nỗi đau ngày cũ mỗi khi Tháng Tư về.
VĂN HÓA NƯỚC MỸ – SỰ ĐẶC BIỆT CỦA QUỐC GIA CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG
(ThuyDung Nguyen)
Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh nằm trong top đầu thế giới; đồng thời sở hữu nền văn hóa có thể dễ dàng trở thành xu hướng vào trào lưu trên toàn cầu. Vậy văn hóa nước Mỹ có điểm gì đặc biệt? Hãy cùng với ThinkEdu tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
CON NGƯỜI NƯỚC MỸ
Hoa Kỳ là quốc gia lớn thứ 3 thế giới với dân số ước tính hơn 325 triệu người. Tuy nhiên, phần lớn dân số của quốc gia này đều là người nhập cư và chỉ có một số ít người da đỏ bản xứ sinh sống rải rác tại khắp các bang của nước Mỹ. Mặc dù các chính sách nhập cư đang được thắt chặt, nhưng cứ khoảng 33 giây lại có một người nhập cư đặt chân lên xứ sở cờ hoa.
Bởi vì đặc thù dân số như vậy nên văn hóa nước Mỹ rất đa dạng và độc đáo. Hầu hết các nền văn hóa trên khắp thế giới đều ảnh hưởng đến Mỹ. Đồng thời với sự phát triển lớn mạnh của cường quốc này thì giờ đây các quốc gia khác trên thế giới đều bị ảnh hưởng lại bởi Mỹ.
TÔN GIÁO MỸ
Với tỷ lệ dân nhập cư đông đúc, hầu như các tôn giáo trên thế giới đều có mặt tại Hoa Kỳ. Trong đó, có khoảng hơn 70% người dân đang theo đạo Kitô giáo, khoảng 23% người dân không theo bất kỳ tôn giáo nào.
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2017, tỷ lệ người dân không theo bất kỳ tôn giáo nào đang có xu hướng giảm dần. Con số này có thể giảm xuống đến ngưỡng 13% vào năm 2060.
VĂN HÓA ẨM THỰC
Vào những giai đoạn đầu lịch sử, ẩm thực Mỹ chịu ảnh hưởng bởi người châu Âu và thổ dân da đỏ bản địa. Ngày nay, với sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau, ẩm thực xứ sở cờ hoa cũng trở nên phong phú và đa dạng với những phương pháp chế biến đặc trưng cho từng vùng miền.
Phía nam Hoa Kỳ thường chế biến các món ăn như gà rán, bánh mì ngô, đậu xanh, đậu đen…. Texas và phía tây nam thường kết hợp phong cách nấu ăn giữa Tây Ban Nha và Mexico, với các món đặc trưng như ớt và burritos, phô mai thái nhỏ và đậu….
Một số món ăn đặc trưng được xác định của người Mỹ hiện nay có thể kể đến như: hot dog, hamburger, khoai tây chiên, mì ống, thịt nướng, phô mát….
VĂN HÓA NƯỚC MỸ QUA CÁC TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT
Văn hóa nước Mỹ được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới thông qua các chương trình truyền hình và phim ảnh. Ngành công nghiệp điện ảnh tập trung tại Hollywood đã cho ra đời hàng loạt bom tấn, mang về doanh thu hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Theo con số thống kê của Bộ thương mại Hoa Kỳ, vào năm 2013 doanh thu của ngành này là 31 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã tăng vọt lên mức 771 tỷ USD. Trong top 10 bộ phim điện ảnh có doanh thu cao nhất thời đại, tất cả đều là những dự án được thực hiện bởi Hollywood nnhư Avartar, Titanic, Star Wars, Avengers….
Ngoài ra, xứ sở cờ hoa cũng có lịch sử sân khấu lâu đời và phong phú. Cùng với đó là nên âm nhạc đa dạng các phong cách khách nhau như pop, blues, jazz, gospel, rock ‘n’ roll, country và western, bluegrass, hip hop….
THỂ THAO
Hoạt động thể dục thể thao tại Hoa Kỳ diễn ra rất sôi động với nhiều bộ môn khác nhau như bóng đá, bóng chày, bóng rổ, khúc côn cầu…. Trong đó, bóng rổ là môn thể thao được yêu thích nhất tại quốc gia này. Giải đấu bóng rổ NBA của Mỹ là giải bóng rổ quy tụ nhiều vận động viên xuất sắc nhất thế giới; đồng thời mức giá chuyển nhượng các vận động viên và tiền bản quyền cũng là con số khổng lồ.
VĂN HÓA LỄ HỘI
Lễ hội là mội trong những nét đặc sắc trong nền văn hóa nước Mỹ. Hàng năm tại đây tổ chức rất nhiều lễ hội và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân như lễ giáng sinh, lễ hội diễu hành những chú cừu, lễ hội Halloween, lễ hội Coachella….
Trong đó, lễ hội âm nhạc Coachella là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất. Vào dịp này, mọi người sẽ tập trung đến địa điểm tổ chức để thưởng thức những màn trình diễn âm nhạc đặc sắc của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới. Ngoài ra, người tham gia còn có dịp ngắm nhìn các khu nghệ thuật, nơi trưng bày hàng thủ công và “xõa” hết sức mình tại các sàn nhảy disco.
NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ VĂN HÓA VÀ THÓI QUEN CỦA NGƯỜI MỸ
Tôn trọng sự khác biệt
Người Mỹ luôn tự hào về sự khác biệt trong mỗi con người. Cho dù mối quan hệ với gia đình và cộng đồng xung quanh có chặt chẽ và khăng khít, song họ luôn tôn trọng tính cá nhân của người khác. Điều này giúp mỗi người có được điều kiện tốt nhất để sống theo sở thích, mong muốn và tính cách của mình; đồng thời thúc đẩy xã hội cùng phát triển.
Tự lập
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em tại đây đã được dạy cách sống tự lập thay vì ỉ lại cha mẹ và những người xung quanh. Chính vì vậy, khi trưởng thành người Mỹ rất tự lập. Đặc biệt sau khi đủ 18 tuổi, các bạn trẻ có quyền tự quyết định cuộc sống của mình và tự chịu trách nhiệm về những hành động, việc làm của mình.
Do đó, việc những người trưởng thành tại Mỹ phải vật lộn đi làm để trả tiền vay khi học đại học là điều vô cùng phổ biến. Thậm chí ngay cả những người được sinh ra trong gia đình giàu có, họ cũng không được thừa kế toàn bộ tài sản của gia đình mà phải tự mình làm việc để nuôi sống bản thân mình.
Thẳng thắn và thoải mái
Đặc trưng của người Mỹ trong giao tiếp là họ nói chuyện thẳng thắn, trực tiếp đi thẳng vào vấn đề và không vòng vo dài dòng. Điều này giúp họ có thể dễ dàng thảo luận, trao đổi và giải quyết khi bất đồng quan điểm mà không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ từ người thứ 3. Tuy nhiên, đôi khi việc thẳng thắn chưa được khéo léo có thể khiến nhiều người cảm thấy lúng túng, thậm chí là cảm thấy xúc phạm.
Ngoài ra, người Mỹ luôn rất thoải mái trong việc gọi thẳng tên của nhau. Đối với người châu Á trọng lễ nghi thì cách xưng hô này không được khuyến khích. Tuy nhiên, cách xưng hô này là một phần của văn hóa nước Mỹ.
Đánh giá cao thành tựu
Một trong những lý do đưa Mỹ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đó là người dân ở đây rất coi trọng thành tựu. Họ coi trọng thành tích của mình, thích thể hiện với người khác những kiến thức, kỹ năng và trình độ của mình.
Đồng thời, họ thường cạnh tranh với nhau để nâng cao trình độ của bản thân và hiệu quả công việc. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ở đây không hề căng thẳng mà rất thân thiện, với mục đích chính là cùng nhau phát triển và đạt được mục tiêu đặt ra.
Coi trọng thời gian
Phong cách sống của người Mỹ rất năng động, bận rộn và vội vàng. Chính vì vậy họ có thói quen sắp xếp thời gian biểu của mình một cách khoa học, đồng thời cũng rất đúng giờ. Khi có cuộc hẹn với người Mỹ bạn không nên trễ hẹn, nếu không thể đến đúng giờ thì hãy gọi điện thông báo, xin lỗi đối phương và thông báo giờ có mặt tại cuộc hẹn chính xác.
Nền Giáo Dục Hoa Kỳ
(NĐĐ)
Chicago, ngày 09 tháng 06 năm 2000
Cháu T.D thương mến;
Chú muốn mở đầu lá thư này là lời chúc mừng và khen ngợi cháu đã lấy được bằng Tiến Sĩ trước tuổi 30.
Tiếc là ngày cháu trình luận án tốt nghiệp chú không về dự được để chung vui với cháu. Cháu chính là hình ảnh, là đại diện xứng đáng cuả thế hệ nối tiếp thế hệ cha chú. Thành thử những gì chú viết cho cháu chính là những gì chú muốn tâm sự, muốn nhắn nhủ với thế hệ mà chú kỳ vọng sẽ làm được những gì thế hệ cuả chú không làm được.
Dĩ nhiên có con đường nào đi đến đích mà không lắm chông gai! Dù sao, thế hệ cháu có may mắn và thuận lợi là được học tập; trưởng thành trên đất Mỹ, được thừa hưởng và sống ở một đất nước dân chủ, tự do đích thực. Ở lá thư nầy, chú sẽ nói về nền giáo dục Mỹ điều mà chú tâm đắc, chú cho là quan trọng nhất để xây dựng con người và đất nước.
Cháu T.D thương mến,
Năm 1971 sau khi đậu Cử nhân Kinh tế ở đại học Luật Khoa Sài gon, chú có ý định sang Mỹ để học tiếp chương trình Cao học vì nghĩØ rằng nước Mỹ văn minh, hiện đại, có thể học hỏi được nhiều điều để về xây dựng, quê hương thời hậu chiến. Chương trình đang xúc tiến thì Cộng Sản đẩy mạnh tấn công, tiếp đến là "mùa hè đỏ lửa" nên chú phải gia nhập quân đội VNCH chống cộng sản xâm lược năm 1972. Mãi đến năm 1997 chú mới được sang đây nhưng với tư cách là người bại trận, người mất nước như tất cả đồng hương cuả mình.
Dù muộn màng, chú vẫn tiếp tục học và thấy rằng nền giáo dục Mỹ rất tuyệt vời. Chú muốn nhấn mạnh 2 chữ tuyệt vời ở nhiều phương diện khác nhau vì nó tuyệt vời như vậy nên trong hoàn cảnh khó khăn, cháu vẫn lấy được 2 bằng tiến sĩ, một tiến sĩ toán, một tiến sĩ tin học ở tuổi rất trẻ.
Vượt biên năm 17 tuổi trong hoàn cảnh không cha mẹ, không bà con ruột thịt, cháu phải làm đủ nghề vừa nuôi lấy bản thân vừa theo đuổi việc học. Khi làm việc ban ngày thì cháu đi học ban đêm, khi làm việc ban đêm thÍ cháu học ban ngày.
Sỡ dĩ cháu làm được như thế là vì ở Mỹ người ta thiết lập chương trình không theo năm học mà theo mùa và học theo tín chỉ. Ở mỗi mùa mình có thể chọn bao nhiêu tín chỉ cũng được và chọn giờ học nào thích hợp nhất với mình. Học sinh High School có thể lấy tín chỉ của hai lớp trong chín tháng hoặc vừa học High School vừa học College trong trường hợp đặc biệt được chấp thuận. Như vậy học sinh rút ngắn được thời gian tốt nghiệp. Nhờ sự linh hoạt này mà nhiều nhân tài được phát hiện và phát triển.
Ở Việt Nam, nếu muốn vào tiểu học, học sinh phải đủ tuổi. Nếu muốn vào trung học và đại học thì không được quá tuổi qui định. Nếu vì lý do gì đó cháu gián đoạn việc học một tuần thì cháu sẽ bị đuổi học, có nghĩa là cháu sẽ bị trể học một năm. Cháu có biết không, ở Việt Nam dân mình khổ lắm. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc thì nước mình là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Số dân ở nông thôn là thành phần nghèo nhất lại chiếm đến 80% dân số cả nước ! Cha mẹ nghèo thì làm gÍ có tiền cho con đi học.
Trẻ con ở nông thôn suốt ngày ở ngoài đồng vật lộn với con tôm ,con tép, củ khoai ,củ sắn; còn ở thành thị thì phải dong ruổi trên mọi nẻo đường để bán từng tấm vé số nuôi thân, hoặc nhặt từng bọc nylon ở các thùng rác để kiếm sống.
Trong cùng thời khắc đó, ở nước Mỹ này chúng ta không bao giờ thấy một đứa trẻ nào lang thang ngoài đường. Nếu có, sẽ được police "hỏi thăm" ngay. Vì sao" Vì ở đây nền giáo dục trung tiểu học là cưỡng bách. Trong giờ học trẻ em không có lý do gì ở ngoài đường cả.
Học sinh không những được miễn phí hoàn toàn mà còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, được cấp thẻ xe bus giảøm nửa giá, được cấp bữõa ăn sáng, ăn trưa nếu thuộc gia đình có lợi tức thấp.
Cơ hội mở ra đồng đều cho mọi tầng lớp xã hội, mọi thành phần kinh tế. Ai cũng có thể đi học để trở thành tiến sĩ, giáo sư, bác sĩ...... Vì sao" Vì ở đây ta có thể vừa đi làm vừa đi học. Ngoài ra có nhiều chương trình tài trợ giúp đở người đi học. Chẳng hạn, ta có thể vay tiền ngân hàng được miễn lãi suất và chỉØ trả dần khi ra trường có việc làm. Các chương trÍnh cấp học bổng thuộc nhiều tổ chức khác nhau đa giúp nhiều sinh viên theo đuổi việc học đến thành tài. Thí dụ quỹ học bổng Gates Millenmium Scholars Program trị giá một tỷ đô la của Bill Gate dành cho học sinh nghèo ưu tú. Tổ chức MacDonald Foundation cung cấp học bổng cho học sinh giỏi văn hóa và thể thao.
Bé Minh Tâm con của chú học sinh lớp 11 High School vừa mới thắng giải cờ vua (Chess) ở thành phố Chicago được MacDonald cấp học bổng 10 ngàn đô la, ngoài ra em còn được nhiều trường đại học mời gọi với học bổng bốn năm. Thật là một tương lai đầy hứa hẹn, phải không cháu !
Chương trÌnh Finacial Aid của liên bang và tiểu bang tài trợ sâu rộng và có hiệu qủa cho những sinh viên có lợi tức thấp. Chương trÌnh này khuyến khích nhiều người đi học và học nhiều credit. Nhờ có chương trÌnh này mà mỗi mùa ngân sách gia đình chú tăng thêm được 4200 đô la vÍ có ba người đi học College. Điều mà chú không thể nghĩ tới khi còn ở Việt Nam.
Tuổi ngoài năm mươi, chú tưởng mình đã già nhưng khi vào lớp học thấy mấy ông bà Liên Xô 60, 70 tuổi tóc bạc trắng, chú thấy mình trẻ lại. Việc học ngoài cái lợi là nâng cao trình độ kiến thức, tăng thu nhập gia đình, cải thiện công việc làm, còn có tác động tâm lý quan trọng đối với người lớn tuổi là thấy mình trẻ và yêu đời hơn vì được sống lại đời học sinh. Không ngờ hình ảnh cậu bé con lưng đeo cặp sách, miệng huýt sáo, tung tăng đi đến trường bằng chân đất của hơn bốn mươi năm về trước giờ lại tái hiện.
Hằng ngày ở lớp học, chú được tiếp xúc, chuyện trò với sinh viên thuộc mọi chủng tộc, mọi sắc dân, chú học hỏi được nhiều điều thú vị lắm. Hầu như sinh viên ở mọi châu lục đều có mặt ở đây. Hầu như cả thế giới đều muốn về đây để đi học. Ở đây người ta đi học bằng đủ phương tiện: xe hơi, xe lửa, xe bus... Người ta đội nắng mưa, sương tuyết để đến trường.
Chú nhận thấy về mặt giáo dục, nước Mỹ không hề kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo, hay lý tưởng chính trị, hoặc giai cấp xa hội.
Ấn tượng đầu tiên chú cảm nhận được khi đặt chân đến nước Mỹ là các trường học sao mà lớn quá ! Khi vào thư viện ở College, chú không khỏi ngỡ ngàng trước hàng chục ngàn quyển sách thuộc mọi lãnh vực, đề tài nằm im trên kệ sách. Vậy mà nhờ hệ thống vi tính, không đầy một phút ta tìm ngay được quyển sách mong muốn. Máy tính lúc nào cũng đầy đủ cho mọi sinh viên học tập, nghiên cứu, sử dụng miễn phí, kể cả dùng internet ở trường cũng như tại nhà. Các phòng thí nghiệm hóa sinh lúc nào cũng đầy đủ dụng cụ mới nhất, hiện đại nhất. Đó là là lý do tại sao các cháu học ở Mỹ rất mau tiến bộ và ở Mỹ có nhiều người giỏi thuộc mọi lảnh vực. Thống kê cho thấy trong số những người được trao giải nobel thì người Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất. Đó chính là kết qủa của nền giáo đục đứng đắn, tiên tiến và văn minh.
Cháu T.D thương mến,
Cháu còn nhớ không, lúc đó là năm 1984, cháu mới mười bảy tuổi. Ba cháu còn đang ở trong tù cộng sản. Gia đình cháu gặp nhiều khó khăn, đắng cay và tủi cực vì là gia đÍnh "ngụy quân, ngụy quyền". Mẹ cháu dành phải cắn răng đánh liều, gởi cháu vượt biên, trên chiếc tàu nhỏ bé, ọp ẹp, để tìm tự do, để cháu được đi học.
Lúc đó làm gì cháu có thể mơ ước được mình sẽ là tiến sĩ, là triệu phú. Nếu không có sự hy sinh cao qúy của mẹ thì chắc gì đa có ngày nay. Có người đa nói: " Trên thế giới có lắm kỳ quan nhưng kỳ quan tinh xảo nhất là quả tim người mẹ". Chú muốn bổ túc thêm: chính là quả tim người mẹ Việt Nam, được kết tinh từ nổi thống khổ vô vàn, từ sự hy sinh vô bờ bến, suốt đời vÍ chồng vì con.
Nhờ ý chí và nỗ lực của bản thân, nhờ nền giáo dục Mỹ mà bước đầu cháu đa thành công. Chú muốn nói, đây mới là bước đầu. Tài sản của cháu giờ đây có lẽ đa lên đến 100 triệu đô la. Công ty ON DISPLAY của cháu đa nuôi sống vững vàng trên 170 công nhân. Chú nghĩ rằng điều cháu làm được, tức là thành công về mặt khoa bảng và tài chánh thì một thanh niên Việt Nam nào cũng có thể làm được, miễn là có quyết tâm. Nhưng có điều quan trọng hơn, chú rất hài lòng ở cháu là cháu đa thể hiện được TÌNH THƯƠNG và ĐẠO ĐỨC mà nền giáo dục Mỹ không mấy quan tâm. Mặc dầu được đào tạo dưới chế độ tư bản nhưng cháu đa không lấy đồng đô la làm thước đo giá trị cuộc sống.
Cháu đã bảo lãnh được cha mẹ và các chị em sang Mỹ đoàn tụ từ nhiều năm nay và đa tặng nhiều cổ phần lớn cho họ. Cháu đa yểm trợ tài chánh cho các chương trình xa hội nhằm giúp đỡ đồng hương tại Hoa Kỳ cũng như đồng bào ruột thịt đang khốn khổ tại quê nhà.
Chú tin rằng việc tranh đấu và xây dựng lại nước VIỆT NAM TỰ DO, DÂN CHỦ và GIÀU MẠNH sắp tới sẽ không thiếu khối óc và bàn tay của cháu và những người Việt Nam yêu nước bởi vì mặc dầu cháu là công dân Hoa Kỳ nhưng cháu vẫn là người Việt Nam.
Chú của cháu.
N.Đ.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét