Tin Buồn! Từ Sacramento, Bắc Cali: Tài Tử Chính Phim Bão Tình, Cựu Trung Tá KQ Ôn Văn Tài, Phu Quân Danh Ca Thanh Thúy, Vừa Qua Đời, Thọ 91 Tuổi! *Trước khi vào tin buồn, 2 hình ảnh nghệ sĩ tô đậm đẹp thêm, KQ thành Quân Chủng hào hoa độc đáo vào giữa thập niên 60, 70. Làm biết bao nhiêu chàng trai trong thời chiến, theo chân, ôm mộng trở thành Phi Công, chấp nhận “đi không ai tìm xác rơi!”
-Một hình ảnh ca sĩ nổi tiếng, đó là cựu Thiếu tá KQ Sĩ Phú, khoảng năm 1968, ngay sau phi vụ, để nguyên bộ đồ bay, với phi bào, súng ống lủng lẳng, xuất hiện ngay trên Đài Truyền Hình Việt Nam, (không giống như nghệ sĩ CS, ca những bài ca sắt máu…“uống máu quân thù!”) mà thả hồn mơ mộng, với tiếng hát trầm ấm, qua những nhạc phẩm tình cảm lãng mạn thời tiền chiến, như: “Tà áo xanh”, “Trở về bến mơ”, “Em tôi”, “Hoài cảm”, “Cô láng giềng”…đốn tim biết bao nhiêu cô thiếu nữ Sài Gòn.
Sĩ Phú xuất hiện rất ít, không bao giờ có mặt trong các đại nhạc hội, chỉ trong những chương trình văn nghệ KQ trên đài truyền hình, hay trong câu lạc bộ KQ Huỳnh Hữu Bạc, phi trường Tân Sơn Nhất. Đến nay một số ca khúc như "Mắt biếc", "Chuyện tình buồn", "Niệm khúc cuối", "Chiếc lá cuối cùng"... nhiều người cho rằng không có ca sĩ nào để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc như giọng hát của KQ Sĩ Phú!
-Người thứ hai, là tài tử nổi tiếng, Cựu Trung Tá KQ Ôn Văn Tài, ngoài tài đóng phim, còn nhiều người biết, với cuộc tình nổi đình nổi đám với đệ nhất danh ca Thanh Thúy! Hồi đó, Thanh Thúy là một hiện tượng của nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975. Nổi bật nhất của cô là giọng hát u buồn như tiếng khóc nức nở, được cho là: “Tiếng Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”, “Tiếng Hát Lúc Không Giờ” đặc biệt của cô.
Ngoài tiếng hát độc đáo trời phú đó, Thanh Thúy còn là một người đẹp, được chọn là “Hoa Hậu Nghệ Sĩ”, ca sĩ ăn khách nhất, ca sĩ được ái mộ nhất. Nữ hoàng Bolero Miền Nam!
Giọng ca, tiếng hát và sắc đẹp đưa Thanh Thúy lên đỉnh cao trong nền âm nhạc Việt Nam thời đó. Biết bao nhiêu chàng trai nổi tiếng trên mọi lãnh vực, muốn chiếm trái tim của Thanh Thúy, nhưng không được, trong đó có: Nhạc sĩ Trúc Phương, đạo diễn Nguyễn Long, và cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…cuối cùng Thanh Thúy về tay Trung tá KQ Ôn Văn Tài! Tưởng đâu KQ bản tính bay bướm, mối tình sẽ không được bao lâu, nhưng ít ai ngờ, người Lính KQ chung tình đến giây phút lìa đời, trên 50 năm!
*Cuộc Tình Hiếm Có Trong Giới Nghệ Sĩ
Cuộc hôn nhân hạnh phúc qua hơn nửa thế kỷ của danh ca Thanh Thúy 2020/12/020! (cách đây 3 năm) Chuyện đời xưa nay, người ta nói rằng nghệ sĩ thường sẽ đa tình, bay bướm, hoặc hồng nhan sẽ bạc phận, đa đoan và trắc trở tình duyên. Nhưng điều đó là hoàn toàn không đúng đối với nữ danh ca nhạc vàng Thanh Thúy. Cô là ca sĩ tài danh bậc nhất, được mọi tầng lớp biết đến ở Miền Nam trước 1975. Cô cũng có sắc đẹp đằm thắm từng làm ngất ngây biết bao nhiêu văn nhân nghệ sĩ Sài Gòn. Năm 1964, Sài Gòn bàng hoàng với tin, Thanh Thúy lên xe hoa với chàng trung tá phi công Ôn Văn Tài! Sau đó là cuộc hôn nhân hạnh phúc suốt trên 50 năm qua, đây chuyện tình chung thủy rất hiếm có trong giới nghệ sĩ! như chuyện thần tiên!
Thông Báo Tin Buồn:
-Cựu Trung Tá Không Quân Ôn Văn Tài, phu quân nữ danh ca Thanh Thúy, vừa tạ thế ở Sacramento, California, vào hôm Thứ Hai, 31 Tháng Bảy năm 2023, vừa qua, hưởng thọ 91 tuổi.
Vị cựu trung tá Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa “cất cánh bay cao” trong giấc ngủ bình yên, vì tuổi già sức yếu chứ không vì bệnh tật gì, gia đình cho hay.
Người quá cố ra đi, để lại hiền thê Thanh Thúy, một người con trai là dược sĩ đã lập gia đình, cùng 3 cháu nội.
(Hình: Không Quân VNCH Ôn Văn Tài (1932-2023)
*Chút Tiểu Sử
Ôn Văn Tài sinh ngày 23 Tháng Mười Một năm 1932, từng là học sinh Trung Học Pétrus Ký tại Sài Gòn. Năm 1953, sau khi đậu bằng Tú Tài, chàng thanh niên tình nguyện gia nhập ngành Không Quân và được Quân Đội Liên Hiệp Pháp đưa đi huấn luyện chuyên môn tại Maroc (Morocco) ở Bắc Phi.
Về nước năm 1955, Thiếu Úy Ôn Văn Tài được chỉ định làm huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa Nha Trang, và sau đó được cử đi học một khóa bổ túc chuyên môn tại Hoa Kỳ, trước khi quay trở lại làm việc tại nhiệm sở cũ ở Nha Trang.
Trong thời gian phục vụ tại Nha Trang, phi công Ôn Văn Tài có dịp gặp gỡ nữ ca sĩ Thanh Thúy đang lưu diễn tại đó. Hai người yêu nhau và thành hôn vào năm 1963.
(Hình khá mới: Phi công VNCH, tài tử Ôn Văn Tài và danh ca Thanh Thúy)
Năm 1964, vì tình hình chiến sự trong nước trở nên sôi động, Đại Úy Ôn Văn Tài được thuyên chuyển về phục vụ tại Phi Đoàn 518, bản doanh đặt tại Căn Cứ Không Quân Đà Nẵng, để tham gia các cuộc hành quân và yểm trợ phi pháo cho các đơn vị trên đất của QLVNCH tại Vùng I Chiến Thuật. Chức vụ sau cùng của phi công Ôn Văn Tài là Trung Tá Không Quân.
*Mối Tình Thời Chinh Chiến, Định Mệnh với Ca Khúc “Một Chuyến Bay Đêm!”
Nhân dịp một khóa ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang tốt nghiệp, trường đã tổ chức văn nghệ và mời Ca sĩ Thanh Thúy hát giúp vui. Họ đã gặp nhau hôm đó, sau đó thư từ và thăm nhau, để đến năm 1964, chính thức trở thành vợ chồng. Có một sự trùng hợp, không lâu sau đó, thì Thanh Thúy rất được yêu mến, nổi tiếng nhất với ca khúc “Một Chuyến Bay Đêm!” (của nhạc sĩ Song Ngọc – Hoài Linh), nói về nhiệm vụ của người phi công trên bầu trời hàng đêm: “…Có người hỏi phi công ước mơ gì? Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ ước chi? Ước rằng từ khi tung nhịp cánh Tình ta yêu thương là gió, nhân tình của mây!..” Thanh Thúy như là đã hòa nhập trọn vẹn tâm hồn mình vào trong ca khúc này. Đó cũng là thời điểm ông Ôn Văn Tài không còn làm công tác phi công huấn luyện nữa, mà đã thường xuyên theo phi đoàn bay hành quân. Có lẽ vì vậy mà Thanh Thúy, là người hiểu nhất tâm trạng của một người vợ hàng đêm, thao thức cảm thấy bất an khi chồng của mình thực hiện những phi vụ đầy hiểm nguy. Sau khi lấy chồng, một thời gian sau thì có con nhỏ, Thanh Thúy tạm nghỉ hát một thời gian, không còn xuất hiện trước công chúng nữa. Cô cũng giã biệt Sài Gòn hoa lệ để về nhà chồng ở Đà Nẵng.
*Phim Bão Tình với Tài Tử Nổi Tiếng Ôn Văn Tài!
Ngoài chức vụ là một sĩ quan trung cấp trong Không Lực VNCH, Ôn Văn Tài còn là một tài tử điện ảnh nổi bật với bộ phim “Bão Tình” ra đời vào năm 1972!
(Hình: Mẫu quảng cáo phim Bão Tình với tài tử Kiều Chinh, Ôn Văn Tài… chiếu ra mắt ngày 2 Tháng Tám, 1972)
Tài tử chính, là Trung Tá KQ Ôn Văn Tài là phu quân của ca sĩ Thanh Thúy và từng thủ vai chính cùng với Kiều Chinh trong vai Thủy, một sinh viên trường Luật. Ôn Văn Tài trong vai HQ Trung Úy Vũ Minh Toàn, chồng của Thủy.
(Hình: Trung Tá Ôn Văn Tài trích từ phim Bão Tình. Một minh tinh màn bạc nổi tiếng Việt Nam trước năm 1975)
*Nội Dung Phim Bão Tình
Kiều Chinh trong vai Thủy, một sinh viên trường Luật.
Ôn Văn Tài trong vai HQ Trung Úy Vũ Minh Toàn, chồng của Thủy. Sau đám cưới, Toàn bị thương, bất lực nên hay đi công tác xa nhà.
Hùng Cường trong vai doanh nhân và là cựu Đại Úy Hồ Quang Tính, mới quen và ái mộ Thủy khi Toàn vắng nhà. Tuy nhiên chuyện tình này không đi đến đâu.
Duy Mỹ trong vai Thông, chồng của Hạnh (bạn Thủy).
Diễn viên X trong vai Tống, tên du đảng cưởng hiếp Thủy mang thai lúc Toàn vắng nhà.
Diễn viên Y và Z trong các vai phụ, bạn của Tống.
*Sau 75, Định Cư Tại Mỹ Cho Đến Khi “Xếp Cánh!” và Tang Lễ
Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Trung Tá Tài và ca sĩ Thanh Thúy di tản sang Hoa Kỳ. Lúc dầu, cặp vợ chồng cư ngụ tại Las Vegas, Nevada, nhưng về sau họ đến định cư tại miền Nam California, rồi thời gian sau cùng, dọn lên vùng Lodi, Sacramento.
Gia đình danh ca Thanh Thúy cho biết tang lễ cố Trung Tá Ôn Văn Tài dự trù sẽ được cử hành vào Chủ Nhật, 13 Tháng Tám, từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tại Nghĩa Trang Cherokee Memorial, ở số 14165 N. Beckman Rd., Lodi, CA 95240. Sau tang lễ, linh cữu sẽ được hỏa táng.
Tin KQ Ôn Văn Tài “tan theo ánh tinh cầu!” là một tin khá buồn cho những người Lính, một thời “Bảo Quốc Trấn Không” bảo vệ bầu trời Quê Mẹ Miền Nam tự do trên 20 năm! Xin KQ Ôn Văn Tài nhận cái chào vĩnh biệt! của tất cả Anh Em KQ khắp nơi! (Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè!) mà sao Anh…cứ… bay đi!
“Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến thắng / Đi không ai tìm xác rơi! / Lúc đất nước muốn / Bao người con thân yêu ra đi tiếc tấm thân làm chi!…” (KQ hành khúc)
Tổ Quốc Trấn Không!
Nhớ thưở thanh xuân ngang dọc trời
Trấn không nhiệm vụ dám nào lơi
Phi hành sát địch mong gìn nước
Phi vận an dân để giúp đời
Gác lại tình nhà, thương để dạ
Làm tròn phận sự, khắc ghi lời
Thế thời chớ luận thành hay bại
Tổ-Quốc lòng trung giữ vẹn ngời...
(DUY ANH)
Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Nga Tăng Cường Các Cuộc Oanh Kích Nhắm Vào Ukraine
(Ảnh: Một khu dân cư tại Pokrovsk, Ukraine, bị trúng phi đạn của Nga ngày 15/02/2023.)
-Hôm 31/7/2023, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã gia tăng cường độ các cuộc oanh kích chống lại cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công của Kyiv nhắm vào lãnh thổ Nga.
Theo hãng tin AFP, thông tin này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu đưa ra trong cuộc gặp các viên chức quân sự của Nga. Cường độ các cuộc oanh kích “tăng vọt” là để phản ứng lại các cuộc tấn công gần đây bằng drone của Ukraine nhắm vào bán đảo Crimea, bị Nga sáp nhập hồi năm 2014, cũng như vào thủ đô Mạc Tư Khoa hôm 30/7, nơi có hai tòa nhà trong khu thương mại bị hư hại nhẹ.
Ông Shoigu cho rằng đây là biện pháp để cải thiện khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công trên không và ngoài biển của Ukraine. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, cuộc phản công của Ukraine, được tiến hành từ đầu tháng 6 sau nhiều tháng chuẩn bị là “không hiệu quả” và “vũ khí phương Tây cung cấp không mang lại thành công mà chỉ kéo dài xung đột”.
Vẫn về tình hình chiến sự, hôm 31/7, Nga bắn 2 phi đạn vào thành phố Kryvyi Rig, sinh quán của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Theo chính quyền địa phương, cuộc oanh kích này đã khiến 6 người thiệt mạng và 75 người bị thương.
Ngoài ra, quân đội Nga cũng cho biết đã đánh chặn được cuộc tấn công của 3 drone mà Hải quân Ukraine phóng đi vào đêm 31/7 nhắm vào các tàu tuần tra của Nga ở Biển Đen, tâm điểm của căng thẳng giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa, kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vào giữa tháng 7.
Ukraine Được Sử Dụng Cảng của Croatia Để Xuất Cảng Ngũ Cốc
(Ảnh: Cảng Constanta (Biển Đen) ở Lỗ Ma Ni, tháng 6/2022. Cảng Constata, nối với sông Danube, là một trong các tuyến đường xuất cảng ngũ cốc Ukraine.)
-Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Croatia, Grlic Radman, tại Kyiv hôm thứ Hai (31/7/2023), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thông báo, hai nước đã nhất trí về khả năng sử dụng các cảng của Croatia trên sông Danube và biển Adriatic để xuất cảng ngũ cốc của Ukraine.
Thông tấn xã Reuters trích dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba: “Bây giờ chúng tôi sẽ tìm hiểu để lập các tuyến đường hiệu quả nhất đến các cảng này và tận dụng tối đa cơ hội này (…). Mọi đóng góp để giải tỏa xuất cảng, mọi cánh cửa được mở ra đều là sự đóng góp thực sự và hiệu quả đối với an ninh lương thực của thế giới”.
Do Nga ngưng thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, Kyiv hiện giờ phải dựa vào các tuyến đường bộ qua ngả Liên Hiệp Âu Châu cũng như một đường thủy thay thế trên sông Danube để xuất cảng ngũ cốc. Tuy nhiên, trong tháng Bảy vừa qua, Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường sông nói trên.
Ngoại trưởng Ukraine Kuleba còn cho biết, ngoài xuất cảng ngũ cốc, vấn đề vũ khí cũng được đề cập trong cuộc gặp đồng nhiệm Croitia, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.
Vẫn liên quan đến Biển Đen, tàu chở hàng “Ams1” của Do Thái, xuất phát từ cảng Ashdod, đã đi qua Biển Đen và chiều hôm 31/7 đã đi vào khu vực sông Danube của Ukraine. Theo trang Israel Magazine, đây là chiếc tàu đầu tiên dám “thách thức” lệnh của Nga về việc phong tỏa Biển Đen. Tàu hàng của Do Thái đã được máy bay tuần tra “P8 Poseidon” của Mỹ hộ tống. Đi sau tàu chở hàng “Ams1” của Do Thái trên sông Danube còn có 4 tàu khác.
Xin nhắc lại là sau khi ngưng thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc Ukraine qua ngả Biển Đen, Nga hôm 19/7 đã tuyên bố coi tất cả tàu thuyền mang cờ hiệu ngoại quốc xuất phát hoặc đi tới các cảng Ukraine ở Biển Đen là mục tiêu quân sự.
Ukraine Dỡ Bỏ Biểu Tượng Cộng Sản và Đặt Lại Tên Bức Tượng Mẹ Tổ Quốc
(Ảnh: Biểu tình với cờ “búa liềm” ở thủ đô Kyiv của Ukraine, ngày 1/5/2010.)
-Ở Ukraine, nhiều công việc trùng tu mang tính biểu tượng đã bắt đầu cuối tuần qua ở trung tâm thủ đô.
Chính quyền Kyiv đã quyết định “phi Cộng sản hóa” công trình ấn tượng nhất thành phố: Dỡ bỏ búa liềm gắn trên bức tượng Mẹ Tổ Quốc. Tượng đài khổng lồ, được đặt ở trung tâm thành phố từ thời kỳ Xô Viết kể kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến thế giới thứ 2, đã gây nhiều tranh cãi trong những năm gần đây. Từ Kyiv, thông tín viên Staphane Siohan của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình.
“Bức tượng Mẹ Tổ Quốc với 62m chiều cao, được dựng trên đồi bên bờ sông Dniepr, là một trong những biểu tượng của Kyiv. Hình ảnh một người phụ nữ bảo vệ tổ quốc, một tay cầm gươm và tay kia cầm lá chắn. Hoàn thành năm 1981, được khánh thành bởi cựu Tổng Bí thư Leonid Brejnev, bức tượng thuộc bảo tàng lịch sử của Ukraine trong Ðệ nhị Thế chiến. Khu tượng đài này vốn chịu ảnh hưởng lịch sử Xô Viết, nhưng giờ đây cũng là biểu tượng ca ngợi tinh thần kháng chiến của Ukraine chống xâm lăng Nga.
Mùa Hè năm nay, sau khi trưng cầu ý kiến người dân qua internet, bộ Văn Hóa Ukraine đã quyết định giữ lại bức tượng này với kiến trúc đặc trưng thời Liên Xô nhưng là một phần cảnh quan của người dân Kyiv. Mặt khác, chính quyền quyết định bỏ búa liềm, các biểu tượng của chế độ Cộng sản, được hàn trên tấm chắn, để thay thế vào đó bằng cây đinh ba, biểu tượng quốc gia của Ukraine.
Công việc chỉnh sửa bắt đầu vào thứ Bảy, ở trên cao, và sẽ được hoàn thành trước ngày 24 tháng 8, ngày Quốc Khánh. Sau đó, tượng đài Mẹ Tổ Quốc sẽ được đổi tên thành tượng Mẹ Ukraine”.
Paris Di Tản Người Pháp và Âu Châu Ra Khỏi Niger
(Hình: Biểu tình ở Niamey, Niger, ngày 30/7/2023, ủng hộ đảo chính, chống Pháp, ủng hộ Nga.)
-Hôm 1/8/2023, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo đang chuẩn bị di tản công dân Pháp ra khỏi Niger, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Theo thông tấn xã AFP, đối mặt với tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Niger, Tòa Ðại sứ Pháp sẽ khởi động một chiến dịch di tản bằng đường hàng không, vào thời điểm không khí tại thủ đô Niamey đang “bớt căng thẳng”. Paris cho biết hoạt động di tản sẽ bắt đầu từ hôm 1/8, đồng thời, nước Pháp cũng có thể di tản “mọi công dân Âu Châu muốn rời khỏi nước này”.
Quyết định di tản được đưa ra sau khi Tòa Ðại sứ Pháp bị tấn công hôm 30/7 và việc đóng cửa không phận khiến người dân Pháp nói riêng và Âu Châu nói chung không thể tự rời khỏi đất nước.
Hiện giờ có khoảng 600 công dân Pháp đang có mặt tại Niger và Paris không nói cụ thể chiến dịch di tản sẽ kéo dài bao nhiêu lâu, cũng như có bao nhiêu người muốn rời khỏi đất nước.
Theo tin mới nhất của thông tấn xã AFP, vào trưa 1/8, chiếc máy bay đầu tiên của Pháp đang trên đường tới Niamey, thủ đô Niger. Cũng trong ngày hôm nay, chính quyền Roma cho biết sẵn sàng di tản công dân Ý Ðại Lợi ra khỏi Niger.
Trong khi đó, chính phủ quân sự Burkina Faso và Mali, hôm 31/7, cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger để khôi phục Tổng thống Mohamed Bazoum sẽ được coi là một “lời tuyên chiến chống lại hai quốc gia nói trên”, và cảnh báo về “những hậu quả thảm khốc của việc can thiệp quân sự vào Niger có thể gây bất ổn cho toàn bộ khu vực”.
Lời cảnh báo được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Tây Phi, được các đối tác phương Tây hậu thuẫn, đe dọa sử dụng “vũ lực” nhằm đưa ông Bazoum trở lại cầm quyền tại Niger và trừng phạt tài chánh phe đảo chính.
UNESCO Muốn Ghi Venise Vào Danh Sách Các Di Sản Bị Đe Dọa
(Hình: Một góc thành phố Venise, Ý Ðại Lợi. Ảnh chụp ngày 5/2/2023.)
-Venise đang gặp nguy hiểm? Thành phố này rất có thể sẽ được đưa vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) báo động về việc nước Ý Ðại Lợi thiếu hụt những hành động cần thiết đối phó với những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng du lịch ồ ạt.
Từ Venice, thông tin viên Blandine Hugonnet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình.
Unesco báo động, đối với Venise, “mối nguy hiểm được thấy rõ”. Trong một quyết nghị được công bố tuần này, định chế thuộc Liên Hiệp Quốc rất lo ngại về tình trạng đô thị hóa vẫn tiếp tục tại thành phố trên nước này, các tác động của khí hậu cùng du lịch quá mức, mà theo giải thích của các chuyên gia UNESCO, “có nguy cơ gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với giá trị phổ quát đặc biệt” của địa danh này. Các chuyên gia khuyến nghị đưa Venise vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.
Và nguyên nhân chính của hiện tượng này là sự quản lý yếu kém. Cần phải biết là Serenissima (Venise) và hàng trăm hòn đảo nhỏ, được xếp loại di sản văn hóa từ năm 1987, đón tiếp từ 20 đến 30 triệu khách du lịch mỗi năm và đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt kỷ lục trong những năm gần đây.
Cho dù có những nỗ lực đã được công nhận để hạn chế mực nước dâng cao, nhưng các giải pháp mà chính quyền Ý Ðại Lợi đưa ra được xem là “không đủ”. Coi Venise như một di sản đang bị đe dọa không phải là một hình phạt, mà Unesco hi vọng rằng cảnh báo đó sẽ khiến chính quyền Ý Ðại Lợi cam kết mạnh mẽ hơn và hành động nhiều hơn.
Hai năm trước, Venise vào giờ chót đã thoát khỏi danh sách đen các di sản bị đe dọa, nhờ việc chính quyền cấm các tàu du lịch lớn đi qua kênh đào của Venise. Cuộc bỏ phiếu lần này - của các quốc gia thành viên của Ủy ban di sản thế giới, sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 25 tháng 9 tại Riyadh - sẽ quyết định số phận của thành phố Venise.
Bộ Trưởng Ý Ðại Lợi: Tham Gia Vành Đai-Con Đường của Trung Quốc Là Quyết Định ‘Tệ Hại’
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Ý Ðại Lợi Guido Crosetto.)
-Ý Ðại Lợi đã có một quyết định “ngẫu hứng và tệ hại” khi tham gia Sáng kiến Vành đai-Con đường (BRI) của Trung Quốc cách đây 4 năm vì việc này chẳng thúc đẩy xuất cảng, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Ðại Lợi Guido Crosetto nhận xét trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 30/7/2023.
Ý Ðại Lợi đã ký gia nhập BRI dưới thời chính phủ trước đây, trở thành quốc gia lớn duy nhất của phương Tây thực hiện bước này. Ông Crosetto là một phần của chính quyền Ý Ðại Lợi hiện nay đang xem xét cách thoát ra khỏi thỏa thuận.
Kế hoạch BRI hình dung việc xây dựng lại Con đường Tơ lụa cũ để kết nối Trung Quốc với Á Châu, Âu Châu và xa hơn nữa với chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng. Các nhà chỉ trích coi đây là công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế.
Ông Crosetto nói với tờ Corriere della Sera: “Quyết định tham gia Con đường Tơ lụa (mới) là một hành động ngẫu hứng và tệ hại” giúp gia tăng xuất cảng của Trung Quốc sang Ý Ðại Lợi nhưng không có tác động tương tự đối với xuất cảng của Ý Ðại Lợi sang Trung Quốc”.
“Vấn đề ngày nay là làm thế nào để rút lui (ra khỏi BRI) mà không làm tổn hại đến quan hệ (với Bắc Kinh). Bởi vì đúng là Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh, nhưng họ cũng là một đối tác”, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Ðại Lợi nói thêm.
Sau cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm 27/7 với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Ý Ðại Lợi Giorgia Meloni cho biết chính phủ của bà vẫn đang cân nhắc về BRI và tuyên bố sẽ sớm có chuyến thăm Bắc Kinh.
“Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12”, bà Meloni nói với đài truyền hình Fox News của Hoa Kỳ trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 30/7, đồng thời cho biết thêm rằng vấn đề cần thảo luận với chính phủ Trung Quốc và trong Quốc hội Ý Ðại Lợi.
Bà Meloni nhắc lại quan điểm của mình rằng đó là một “nghịch lý” khi Ý Ðại Lợi là một phần của BRI nhưng lại không phải là quốc gia G7 có thương mại lớn nhất với Trung Quốc, và nói rằng điều đó cho thấy có thể có quan hệ tốt với Bắc Kinh mà không cần đến Vành đai-Con đường.
Trung Quốc Thay Chỉ Huy Lực Lượng Phi Đạn Chiến Lược
(Ảnh: Phi đạn DF-41 của Trung Quốc trong kỳ lễ diễu binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 1/10/2019.)
-Hôm 31/7/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bổ nhiệm ông Vương Hậu Bân (Wang Houbin), nguyên phó tư lệnh Hải quân, vào vị trí lãnh đạo Lực lượng Phi đạn Chiến lược, bao gồm cả phi đạn mang đầu đạn nguyên tử, trong lúc các cơ quan truyền thông đưa tin về một cuộc điều tra chống tham nhũng liên quan đến những viên chỉ huy tiền nhiệm.
Theo Tân Hoa Xã và được thông tấn xã AFP trích dẫn, ông Vương Hậu Bân làm chỉ huy Lực lượng Phi đạn thay thế ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao). Ông Lý đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tuần qua và Tân Hoa Xã không đưa ra lời giải thích nào về sự thay đổi nhân sự này.
Trích dẫn các nguồn tin quân sự, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cách đây vài ngày đưa tin rằng ông Lý Ngọc Siêu cùng với các cấp phó hiện tại và trước đây của ông đang bị bộ phận chống tham nhũng, thuộc Quân ủy Trung ương, điều tra.
Vẫn trong lĩnh vực quân sự, theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) yêu cầu Mỹ phải chấm dứt mọi hình thức “thông đồng quân sự” với Đài Loan sau khi Hoa Thịnh Ðốn thông qua gói viện trợ quân sự lên tới 345 triệu Mỹ kim cho hòn đảo, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ kiềm chế và không lún sâu vào con đường “sai lầm và nguy hiểm”.
Trung Quốc Phê Phán Việc Mỹ Cấp Vũ Khí ‘Một Cách Nguy Hiểm’ Cho Đài Loan
(Hình: Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đàm Khắc Phi.)
-Hôm 1/8/2023, Trung Quốc cho biết họ đã than phiền với Mỹ về gói viện trợ vũ khí của nước này cho Đài Loan, kêu gọi Hoa Thịnh Ðốn kiềm chế và không đi xa hơn vào con đường ‘sai lầm và nguy hiểm’.
Mỹ công bố gói viện trợ cho Đài Loan trị giá lên tới 345 triệu Mỹ kim hôm 29/7 khi Quốc hội cho phép viện trợ vũ khí trị giá tới 1 tỉ Mỹ kim cho hòn đảo này trong gói ngân sách năm 2023.
Phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Đàm Khắc Phi, nói rằng Mỹ phải chấm dứt tất cả các hình thức ‘thông đồng quân sự’ với Đài Loan.
“Vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là lằn ranh đỏ không thể vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ”, ông Đàm nói trong một tuyên bố.
Mỹ, nước cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan, có ràng buộc pháp lý là phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, bất chấp hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức và Bắc Kinh phẫn nộ về hành động bán vũ khí như vậy.
Vị tướng hàng đầu của Mỹ hồi tháng 7 phát biểu rằng Mỹ và các đồng minh nên đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan trong những năm tới để giúp hòn đảo tự vệ.
Quân đội Trung Quốc cũng đã phô trương sức mạnh xung quanh Đài Loan và gần đây đã khai triển hàng chục máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và các máy bay khác bao gồm cả máy bay không người lái ở phía Nam Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đang quan tâm chặt chẽ đến tình hình ở eo biển Đài Loan và luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ, ông Đàm nói.
Miến Điện Lại Triển Hạn Tình Trạng Khẩn Cấp, Hoãn Bầu Cử
(Hình: Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Quân đội Miến Điện ở Naypyidaw, ngày 27/3/2023.)
-Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện lại triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Có nghĩa các kỳ bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 8/2023 sẽ bị hoãn lại. Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại “sâu sắc”.
Kênh truyền hình Nhà nước Miến Điện MRTV hôm 31/7/2023 loan báo quyết định của tập đoàn quân sự triển hạn 6 tháng tình trạng khẩn cấp đã được Hội đồng Quốc gia về Quốc phòng và An ninh, gồm các viên chức quân đội, thông qua và quyết định triển hạn có hiệu lực từ hôm 1/8/2023.
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền sau vụ đảo chính hồi tháng 2/2021, biện minh rằng các trận giao chiến và tấn công đang diễn ra tại một số vùng miền và tỉnh bang trong cả nước.
Theo Hiến pháp Miến Điện, các cuộc bầu cử chỉ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi lệnh khẩn cấp hết hiệu lực. Với việc triển hạn lệnh khẩn cấp lần này, kế hoạch tổ chức bầu cử vào tháng 8/2023, như giới tướng lãnh hứa hẹn, không thể diễn ra.
Hồi tháng 2/2023, tình trạng khẩn cấp đã được triển hạn với lý do tình hình “vẫn chưa trở lại bình thường”.
Hoa Kỳ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Miến Điện, lên án “sự tàn bạo” của chế độ Naypyidaw, thái độ “khinh thường những khát khao dân chủ” của người dân.
Liên quan đến lệnh ân xá cho hơn 7.000 tù nhân Miến Điện, Naypyidaw hôm nay thông báo nhà lãnh đạo dân sự bị cầm tù Aung San Suu Kyi, được ân xá một phần: bà được giảm án 6 năm tù trong tổng số 33 năm tù giam đã tuyên. Hồi tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã được chuyển từ nhà tù đến quản thúc tại một tòa nhà của chính phủ.
Papua New Guinea: Tuần Duyên Mỹ Được Quyền “Chặn Xét” Tàu Ngoại Quốc Trong Vùng EEZ
(Hình: Đảo quốc Nam Thái Bình Dương Papua New Guinea - phía Bắc nước Úc.)
-Theo hãng tin Anh Reuters ngày 31/7/2023, lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ hoạt động trên vùng biển của đảo quốc nam Thái Bình Dương Papua New Guinea (PNG), sẽ có quyền ngăn chặn và lên khám xét tàu ngoại quốc, bị tình nghi hoạt động bất hợp pháp trong Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của PNG, mà không cần sự hiện diện của lực lượng chấp pháp sở tại.
Các viên chức Tuần duyên Mỹ cho biết một thỏa thuận về thực thi pháp luật trên biển ký kết giữa Hoa Kỳ và Papua New Guinea bao gồm một điều khoản mới cho phép lực lượng Mỹ nhân danh PNG chặn giữ và lên khám xét mọi chiếc tàu khả nghi mà không cần đến sự có mặt của đại diện lực lượng thực thi pháp luật - ship rider - người PNG.
Trong tuyên bố với thông tấn xã Reuters, một phát ngôn viên của Tuần duyên Mỹ giải thích thêm: “Việc cụ thể hóa điều khoản đó để đưa vào áp dụng sẽ mất nhiều công sức (…), nhưng khi công việc đó hoàn thành, đó chính là cơ chế cho phép (chúng tôi) nhanh chóng lên tàu (mà không cần ship rider)”. Trong tuyên bố của mình với thông tấn xã Reuters, phát ngôn viên Tuần duyên Mỹ khẳng định có quyền lên khám xét bất kỳ tàu đánh cá nào đánh bắt trong Vùng đặc quyền Kinh tế của PNG, kể cả “tàu mang cờ Trung Quốc”.
Tuần duyên Hoa Kỳ có các thỏa thuận về “ship rider” với hơn một chục quốc đảo Thái Bình Dương, tuy nhiên thỏa thuận với Papua New Guinea là thỏa thuận đầu tiên có điều khoản về quyền lên tàu khả nghi để khám xét mà không cần sự có mặt của đại diện nước chủ nhà, mà Mỹ ký kết với một quốc gia mà Hoa Thịnh Ðốn không có trách nhiệm phòng thủ đầy đủ.
Vùng biển Papua New Guinea là khu vực mà các đội tàu đánh cá xa bờ quy mô lớn của Trung Quốc hoạt động, cũng là khu vực mà Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự. Tàu Hải quân Trung Quốc thường xuyên đi qua một eo biển hẹp giữa Úc Ðại Lợi và PNG để qua lại giữa Á Châu và Thái Bình Dương.
Tháng 5 vừa qua, PNG đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ và trong chuyến thăm PNG tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về việc khai triển một tàu tuần duyên Mỹ vào tháng 8. Thủ tướng PNG James Marape cho biết nước ông không thể tuần tra Vùng đặc quyền Kinh tế rộng 2,7 triệu cây số vuông để phát giác các hoạt động bất hợp pháp từ buôn bán ma túy cho đến đánh bắt trái phép.
Về cách đối phó với Trung Quốc nói chung của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, một viên tướng Mỹ cao cấp vào hôm 31/7 xác nhận rằng Hoa Thịnh Ðốn sẽ chủ yếu sẽ dựa vào các nước đồng minh trong khu vực thay vì tăng mạnh lực lượng vũ trang Mỹ để chống lại bất kỳ mối đe dọa quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP, tướng Joseph Ryan chỉ huy Sư Đoàn Bộ binh 25 bao gồm 12.000 quân đóng ở Oahu, Hawaii, cho rằng trong khu vực, Bắc Kinh có những lợi thế “rất rõ ràng”, từ việc sở hữu các hệ thống phi đạn tầm xa, khả năng dễ dàng bố trí quân đội và thiết bị ở Thái Bình Dương, trong khi đó trong trường hợp xảy ra xung đột, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ phải đi qua vùng biển quốc tế hoặc lãnh thổ của một số quốc gia, vừa cần đến sự cho phép của các nước này, vừa phải sử dụng các phương tiện vận tải đường không, đường bộ và đường biển quan trọng.
Trong bối cảnh đó, chiến lược của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, được công bố vào năm 2022, ưu tiên các liên minh hơn là can dự trực tiếp. Tuy nhiên, tướng Ryan xác định rằng Mỹ không kêu gọi các quốc gia trong khu vực lựa chọn giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh: “Chúng tôi chỉ yêu cầu họ hành động vì lợi ích tốt nhất của mình và chú ý đến việc Hoa Kỳ muốn trở thành đối tác của họ. Và các quốc gia tự do và độc lập khác trong khu vực, chẳng hạn như Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan, đều coi trọng chủ quyền và muốn trở thành đối tác của họ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét