Khoảng năm 1995, 1996 gì đó, một ngày vào cuối tháng 5, người viết đang lu bu trong trường để lo việc trả lại 2 phòng thí nghiệm cho ban Giám Đốc Điều Hành của College . Công việc này rất là tỉ mỉ: chúng tôi sẽ phải quyết định những dụng cụ nào cho đi, những dụng cụ nào giữ lại để dạy trong ngành Bảo Vệ Môi Sinh (Environmental Protection Technology) sau khi ngành Công Chánh (Civil Enginerring Technology) của chúng tôi bị hoàn toàn đóng cửa năm 1997. Lúc đó, GS Tom R đã về hưu, chỉ còn lại GS Ron C và tôi trong ngành Công Chánh mà thôi.
<!>
Surveying Store room, chúng tôi giữ lại vì môn Field Surveying 1 (Địa Chánh) là một trong những môn “must have” trong ngành Bảo Vệ Môi Sinh, người dạy môn này sẽ là GS Ron C và Phan D phụ giúp ông ta. Hai phòng thí nghiệm về Vật liệu Xây cất và về môn Hydraulics (Thủy Động Lực học) bị đóng cửa sẽ gây ra rắc rối cho môn Địa Chánh 1 vì chúng tôi cần phải có chỗ cho sinh viên thực tập khi trời mưa hay trời tuyết. Vì người viết quá bận cho nên ông GS Ron C là nhân vật chính lo phận sự này. Tiếc nỗi, trước năm 1997, ông Ron C quyết định về hưu sớm hơn dự định: vợ ông mất đã mấy năm trước, 2 con đã ra trường, chẳng bao giờ ông phải lo đến phần tiền bạc.
Trường Công Chánh sắp đóng cửa, các đồng sư sắp về hưu hết, “đứa con tinh thần” của chúng tôi bị… “bức tử”, PeeDee cảm thấy buồn làm sao: sống một mình ở nhà mà lại còn là kẻ đơn thương độc mã sót lại trong Civil Department để rồi được chuyển sang dậy ngành Bảo vệ Môi Sinh… Thực tế ra, tôi phải cám ơn đời mới đúng: công việc và áp lực trong trường đã được cắt giảm đi rất nhiều, tiền lương vẫn vậy nhưng mà sao tôi vẫn cảm thấy mất mát vô cùng… vì “đứa con tinh thần” mà tôi đã nuôi dưỡng nó trong nhiều năm đã không còn nữa. Mất mát vô cùng…
Trong lúc PeeDee “đang để tang cho một cuộc đời”, bỗng đâu 2 cô sinh viên “gốc Việt nam, gốc Thuyền Nhân/Boat People” xuất hiện trong văn phòng của tôi.
Sau khi chào hỏi nhau, hai cô cho biết là họ đã bị ông Giáo sư dạy môn nhiệm ý (elective subject) đánh trượt môn “Lịch sử Công nghệ” (History of Technology)…
Người viết rất ngạc nhiên khi nghe tin này. Trên thực tế, hai cô đã là 2 kỹ sư Điện đã ra trường tại Sài gòn sau năm 1975 và đã quen với lối học tại Centennial College rồi.
Sang đến Canada, thay vì hai cô tiếp tục học tại Đại học, hai cô nhập học tại Centennial để ra trường cho nhanh chóng và kiếm việc dễ dàng hơn. Họ quyết định rất đúng. Kết quả các môn học năm thứ Nhất đều là A hay A+. Môn “History of Technology”, hai kỳ Term Test và các bài nộp đều trên 80%…
Tại các College hay Đại học, sinh viên thường nhận được các “Course Outline” cho mỗi môn học. Trong các “Course Outlines” còn có cái “ Grade formula” tính toán liên quan đến Term Tests, các bài nộp (Assignments) để đưa đến phần “Final Marks”, từ đó sinh viên sẽ nhận được “Final Grade”…
Sau khi tôi đã xem kết quả về 2 Term tests và các bài nộp, tôi thấy rất ngạc nhiên: không tài nào 2 cô này có thể bị trượt được…
Hai cô cho hay: ông GS nói rằng 2 cô đã “cọp dê” nhau. Tôi hỏi cặn kẽ trong khi thi cái “Final Exam”, hai cô có ngồi cạnh nhau không? Câu trả lời: “Không”. Hai cô có bị ông GS bắt quả tang là “cọp dê” không. Câu trả lời: “Không”. Tôi hỏi tiếp: “Tại sao ông GS này lại buộc tội là 2 cô trả lời các câu hỏi giống hệt như nhau?” Câu trả lời: “Tại vì tụi em ngồi học cùng với nhau. Sau đó, tụi em lấy các đề thi năm trước, rồi tụi em trả lời lấy, y chang như nhau. Khi vào phòng thi, tụi em nhớ gì trong đầu, chép ra như vậy!”
“A ha, tôi hiểu rồi!” Hóa ra, 2 cô đã làm cho tôi nhớ lại hồi học thi Trung Học Phổ Thông, chúng tôi cũng đã từng “học Tổ” với nhau môn Toán: cả bọn vẽ hình trên bảng đen rồi cùng nhau giải các bài toán.
Hai cô thay vì giải Toán, lại cùng nhau giải bài thi loại “descriptive” này, cho nên mới ra nỗi này…
Tôi hứa với 2 cô: tôi sẽ “nhẩy vào vòng chiến” để giúp hai cô. Hoặc là tôi sẽ đích thân gọi điện thoại cho ông Chair John P (người đã thuê GS dạy môn “History of Technology” này), hoặc là tôi sẽ lên thẳng văn phòng ông Khoa Trưởng ngành Kỹ thuật để điều tra (investigate) về vụ này, dưới danh nghĩa chúng tôi là GS hướng dẫn của các Sinh Viên gốc Việt tại Centennial College…
Tôi gọi điện thoại ngay cho ông Chair John P và trình bày sự việc. Ông John P gặp tôi và 2 cô sinh viên tại văn phòng ông ta (ông John P và tôi đã quen nhau từ năm 1970, khi PeeDee mới còn là “lính mới tò te” tại College. Chúng tôi đã từng ngồi uống cà phê, ăn trưa với nhau trong phòng ăn của các giáo sư và nhân viên nhà trường trong nhiều năm trước. Ông cũng là một dân thuộc loại “Tiếu ngạo giang hồ” thường hay họp mặt trong cái Dining Room của College).
Sau khi ông ta đã nói chuyện với 2 cô sinh viên, ông gọi điện thoại ngay cho ông GS dạy môn Nhiệm ý. Ông hứa sẽ cho chúng tôi biết kết quả ra sao.
Ngày hôm sau, ông điện thoại cho tôi biết: ngay buổi chiều hôm đó, ông GS dạy môn Nhiệm ý đã phải mang cuốn sổ điểm (mỗi GS luôn luôn phải có cuốn sổ điểm, giống như cái Passport của mình vậy!) đến cho ông John P coi. Cũng giống như tôi, ông John P muốn biết ông GS này có bắt được quả tang là 2 cô này “cọp dê” nhau không. Câu trả lời là “không”, thì không có lý do gì để mà đánh trượt 2 cô này hết. Trên thực tế, nếu mà 2 sinh viên này bị bắt quả tang là “cọp dê”, vị giáo sư đó phải nộp hồ sơ ngay cho nhà trường để tự nhà trường quyết định. Nhiệm vụ của GS là chấm điểm…
Ông John P đã bắt ông GS đó chấm lại bài của 2 cô sinh viên như các sinh viên khác. Nếu không, ông John P có quyền nhờ một vị giáo sư khác chấm bài thi cho 2 cô sinh viên Việt Nam này.
Sau khi ông GS dạy môn này đã chấm điểm xong, ông John P soát lại bài. Rồi cả 2 người cùng ngồi xuống để tính ra điểm số mới (new Final Mark) rồi chuyển ra “Final Grade”…
Sau khi đã có “Final Grade” mới của hai cô, ông GS đó đã phải “điền đơn” (re-submit) về cái “New Grade” cho hai cô để rồi văn phòng của ông John P chuyển đến văn phòng “Registrar”.
Khi ông John P gọi điện thoại cho tôi biết “tin mừng” ngày hôm sau, chúng tôi cười nói vui vẽ. Ông ta tâm sự với tôi: “Bọn mình (ông ta là “Chair” trong nghiệp đoàn “Administrator”, tôi là “Coordinator” – nôm na là “Department head” trong nghiệp đoàn “Faculty”) đi recruit (kiếm) sinh viên muốn chết (vì sinh viên là “nguồn sống” trong vấn đề ngân quỹ của nhà trường – tiền đóng học phí của sinh viên, so ra chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 phần tài trợ của chính phủ Tỉnh Bang trợ cấp cho nhà trường) trong khi đó các GS dạy các môn Nhiệm ý (nhất là môn Physics), họ đánh trượt sinh viên không nương tay.”
Được “gãi đúng chỗ ngứa”, tôi nói với ông ta:
– Nếu mà ông không “làm ra chuyện” việc này, chính tôi sẽ “nhảy vào vòng chiến!”
– PeeDee à, việc này là việc tôi phải làm. Tôi đã bực mình về ông này lắm rồi. Ông ta đánh trượt sinh viên phân khoa Kỹ Thuật tới tấp trong mấy năm qua…
– Nếu vậy thì tại sao Ông lại vẫn cứ phải thuê ông ta dậy môn này?
-Tôi đã quyết định rồi: Semester tới, College sẽ cho đăng báo thuê một GS khác thay thế ông này. Tôi lấy làm lạ: ông ta cũng là một người “Immigrant” (di dân) như 2 cô sinh viên Việt Nam mà tại sao lại hành xử như vậy?
Câu truyện về 2 cô sinh viên Việt Nam đã được kể lại không những trong nhóm các của sinh viên Việt Nam tại Centennial College mà còn được nhiều nhóm khác biết đến.
Một kỷ niệm để nhớ lại trong lúc về già và nhất là khi gặp lại các cựu sinh viên Việt Nam của Centennial College.
Xin mời Quý Vị vào xem hình ảnh buổi Picnic năm 2023 của Nhóm Cựu Sinh Viên Việt Nam của Centennial College dưới đây:
Đàm Trung Phán
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét