Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Trách chi người đem thân giúp nước - Vũ Văn Lôc


Từ năm 1980 cho đến nay tôi có dịp viết nhiều bài về Kháng chiến và Việt Tân. Vẫn theo tin tức về bước đường các anh đi. Tình riêng có chỗ quen biết với tướng Minh, đại tá Liễu, bác sĩ Ninh, bác Lũy, anh Lê Hồng. Hàng năm Hội Tết San Jose chúng tôi dành 2 gian hàng ngay lối cửa vào cho tổ chức Kháng Chiến và Phục Hưng. Những ngày xưa mãi không quên. Các bạn áo nâu tại San Jose đều là chỗ quen biết sinh hoạt thân thiết. Thấy những là cờ vàng treo ở khu Senter là nghĩ đến nhau. Năm nay Sunday tháng tám sẽ đi dự ngày giỗ ông Minh. Bên tìm đọc lại những bài viết cũ đã sửa chữa lại vài tin tức thiếu sót để gửi đến các chiến hữu độc giả.
 <!>
Trong 40 năm qua có độc giả đọc bài của chúng tôi nặng thì chửi bới và nhẹ thì chê rằng ngu dốt. Khang chien lên đường cũng ngu dốt mà ủng hộ thì lại càng ngu dốt. Xin thưa rằng bị chửi bới thì làm Thinh mà bị chê rằng ngu thì xin có đôi lời. Nhắc các thân hữu xem lại lịch sử 80 năm đô hộ Pháp đã có bao nhiêu cuộc nổi dậy hàng hàng lớp lớp không thành công nhưng ông cha ta vẫn đứng lên chống Pháp.

Ngàn năm Bắc Thuộc cũng đã ghi trang sử chống Tàu. Xin thông cảm.
Sau đây là những tài liệu cũ nhưng ghi lại một thời đã qua…

Tìm Đường Gai Góc Mà Đi
Bài viết năm 2013 09/03/2013
Giao Chỉ, San Jose
(Bài viết về Nguyễn Đắc Kiên, Việt Nam.)

Chẳng thấy đường về.





Nguyễn Đắc Kiên - Hoàng Cơ Minh - Võ Đại Tôn - Trần Văn Bá

Khoảng 30 năm trước, về đề tài phục quốc tôi có viết một tiểu luận tựa là "Tìm đường gai góc mà đi". Đó là bài viết về những người đi theo kháng chiến của phó đề đốc Hoàng Cơ Minh. Vào thời kỳ 75, bỏ nước ra đi chẳng mấy ai nghĩ đến đường về. Qua đến đầu thập niên 80, niềm đau bại trận thấm vào xương tủy. Trong lúc đó quê nhà điêu đứng lầm than. Đã có người tìm đường về. Họ tìm đường gai góc mà đi. Từ trong lòng quê hương, không thể có được khả năng mà nổi dậy. Anh em ngó ra bên ngoài. Từ bên ngoài mà tìm đường về, chỉ có một giải pháp là đấu tranh vũ trang, đem ngọn lửa phục quốc về nước bằng súng đạn. Từ Á Châu, anh em Người Việt Tự Do nở hoa cho kháng chiến. Từ Úc Châu có biệt kích Võ đại Tôn với rất nhiều ước mơ đội đá vá trời. Từ Âu Châu, lãnh tụ sinh viên Trần văn Bá và không quân Mai Văn Hạnh hoạt động âm thầm nhưng đã thực sự bước chân lên đất mẹ qua ngả Cà Mau. Và từ Hoa Kỳ, hải quân Hoàng Cơ Minh tạo thành cơn bão giải phóng quê hương. Vào thời gian đó, người Việt hải ngoại tại Mỹ đã hết sức phấn khởi trông đợi ngày về. Ngay trong ngục tù, các chiến binh VNCH cũng sống với các tin đồn đầy hy vọng.

Trong cộng đồng Việt Nam thời đó văn nghệ không phải tình ca mà phải là văn nghệ kháng chiến. Mặt trăng trên trời không phải là trăng trung thu mà phải là trăng chiến khu. Ban Thùy Dương ở Orange County cất tiếng ca cảm khái.

"Này em, anh sẽ về bên kia biên giới, đèn nhà ai hay đốm lửa quê người."

Cụ thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy của con tàu Trường Xuân nổi danh cũng theo kháng chiến. Nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh cũng hết lòng yểm trợ kháng chiến.
Đoàn viên kháng chiến mặc áo nâu phát báo dưới trời mưa tại các chợ Việt Nam suốt từ Âu Châu, Úc Châu qua Canada và Mỹ quốc. Sự nhiệt thành quá độ của đoàn viên cũng đã để lại nhiều hệ lụy oán thù trong cộng đồng.
Và sau cùng người về từ Âu Châu là Trần văn Bá bị tử hình tại Việt Nam. Người về từ Úc Châu, chiến sĩ Võ Đại Tôn chịu 9 năm tù oan nghiệt. Ngày nay sống với hồn thơ bất khuất qua bút hiệu Hoàng Phong Linh. Phần Hoàng cơ Minh, ông trở thành vị tướng lãnh thứ 5 của Việt Nam Cộng Hòa tự tử sau cuộc chiến 75. Nơi ông chết nằm trên đất Lào trong kỳ Đông Tiến lần thứ ba, hoàn toàn thất bại.

Cuối thập niên 80, tất cả mọi giải pháp phục quốc bằng võ trang đều vô vọng. Hải ngoại chẳng thấy đường về. Người đi ngày một đông hơn. Trầm tử Thiêng, người nhạc sĩ viết bài ca trầm thống như những lời tiên tri. Ca rằng: "Người đi ngày một đông hơn. Người về ngày thì thưa dần."

Sau tháng 4-1975, qua đến cuối tháng 5 thì tàu Mỹ ở ngoài khơi duyên hải Việt Nam đã không còn hiện diện để đón người di tản. Sau một tháng sống với cộng sản Nam Việt Nam bắt đầu tìm đường vượt biên kể từ tháng 6-1975. Và cũng từ ngày đó cho đến năm 1995, suốt 20 năm dài người Việt ra đi bằng đường biển đến các trại tỵ nạn Đông Nam Á rồi định cư tại các nước tự do. Con số đáng ghi nhớ là một triệu người.

Bốn nhà hoạt động dân chủ và kẻ cản trở cuối cùng.

Trong 1 triệu này có 600 ngàn tại Hoa kỳ. Từ 1 triệu người Việt lưu vong bắt đầu kéo theo hồ sơ đoàn tụ, HO, con lai dưới nhiều hình thức bao gồm cả giai đoạn xuất cảng người gốc Hoa ra đi bán chính thức.

Tất cả khối người từ Việt Nam ra đi, đa số từ miền Nam đến các quốc gia tây phương đã xây dựng cuộc sống mau chóng, ổn định và thành công. Những hình ảnh, những tin tức, những hàng hóa và tiền bạc gởi về đã làm thành mẫu mực mới cho miền Bắc xuất cảng lao động đến các quốc gia Đông Âu.

Thế giới thay da đổi thịt

Với sự chiến thắng của cộng sản Việt Nam 1975, khối cộng sản trên thế giới bước vào thời kỳ huy hoàng nhất của chủ nghĩa Mác xít. Từ Nga sô với toàn thể Đông âu theo cộng sản. Rồi Trung cộng với dân số lớn nhất hoàn cầu và Việt cộng chiếm được miền Nam. Con đường cờ đỏ thống trị toàn cầu tưởng chừng chỉ còn gang tấc. Nhưng thực sự về kinh tế là giai đoạn cộng sản sa lầy vào thời kỳ tối tăm nhất. Cộng sản Việt Nam cũng phải chia sẻ sự khốn cùng chính vì chính sách bế quan tỏa cảng. Cuộc chiến tranh lạnh và thi đua võ trang với Tây âu và Hoa Kỳ đã làm cho Nga sô đứt hơi phải mở cửa để hòa giải. Khi cánh cửa tự do mở ra, không phải là bom nguyên tử hay B52 chiến thắng khối cộng sản mà chính là hàng hóa, cơm áo, văn hóa và tinh thần tự do dân chủ đã chiến thắng. Năm 1990 cờ đỏ hạ xuống ở điện Cẩm Linh. Ngọn cờ cũ xưa 3 màu xanh trắng đỏ từ thời Nga Hoàng đã được bay cao. Thế giới tự do đã tìm thấy chiếc chìa khóa để chiến thắng bằng phương pháp hòa giải và danh hiệu không chính thức gọi là diễn tiến hòa bình.

Khi thế giới bước vào thế kỷ thứ 21 thì vũ khí thần diệu để chiến thắng không phải là hàng không mẫu hạm, không phải là bom nguyên tử và hỏa tiễn đầu đạn hạt nhân. Vũ khí thần diệu nhất của nhân loại hiện nay không phải chỉ để chống cộng sản mà chiến đấu cả với độc tài, ngu dốt, bất công chính là chiếc máy điện toán. Với cell phone, với smart phone, với máy điện toán, máy thông dịch, với website, với facebook, với thế giới ảo... nhân loại đã bỏ xa các phương pháp tình báo xưa cũ, phá vỡ các bức màn sắt, bức màn tre, phá vỡ các chính sách bưng bít vốn là đường lối cai trị hữu hiệu của các chế độ độc tài.

Vận hội mới cho Việt Nam.

Trở lại với đất nước Việt Nam. Sau chiến thắng 1975, Việt Nam cộng sản đã trải qua giai đoạn hết sức khó khăn và lầm than cho đến 1990. Suốt 15 năm đói kém lại trải qua 2 cuộc chiến tranh với Cam Bốt và Trung Cộng, tưởng chừng đã sụp đổ cùng với Liên xô. Nhưng sau cùng Việt Cộng đã tồn tại cho đến nay. Chỗ dựa duy nhất chính là cựu thù Trung Cộng.

Tuy nhiên, Việt Nam đã chịu đựng ảnh hưởng lớn lao của khối người Việt hải ngoại hiện nay. Với tinh thần chống cộng và quan trọng hơn cả là tinh thần tự do dân chủ, hải ngoại đã trở thành 1 khối áp lực thường trực đối với đảng cộng sản Việt Nam. Nhất cử nhất động ở quê nhà đều được hệ thống thông tin hiện đại nhất của thế kỷ 21 đưa lên mạng lưới toàn cầu. Các chương trình radio Việt ngữ trên thế giới VOA, BBC, Á châu tự do và RFI. Các đài TV, radio việt ngữ địa phương, báo giấy, điện báo, các blog tự do.

Ngay cả hiện tượng trăm ngàn người về thăm quê hương và cả việc gửi hàng tỷ mỹ kim về quê nhà cũng đã dần dần chuyển hóa đất nước. Không ai có thể ngờ rằng chính người dân Ba Lan hải ngoại gửi tiền về cho thân nhân tại quê nhà đã giúp cho Công đoàn đoàn kết làm nên lịch sử, biến nước Ba Lan thành quốc gia đầu tiên phá vỡ liên bang Xô Viết.
Tuy nhiên tất cả các diễn tiến hòa bình như vậy vẫn chưa đủ. Muốn thay đổi đất nước, chúng ta vẫn cần những người tìm đường gai góc mà đi.

Suốt 10 năm qua, từ khi nhân loại bước vào thế kỷ 21, những con người tìm đường gai góc mà đi ngay trên quê hương Việt Nam đã xuất hiện.
Cuộc chiến đấu của họ hết sức hữu hiệu vì Việt Nam hiện có tai mắt của báo chí và ngoại giao đoàn quốc tế. Vì hệ thống điện toán toàn cầu mở rộng. Vì cả thế giới bao gồm hàng triệu người Việt tự do làm thành 1 đảng đối lập thường trực sẵn sàng yểm trợ.

Trường hợp anh Nguyễn Đắc Kiên hiện nay là 1 thí dụ điển hình. 29 tuổi, đầu năm 2013 anh chỉ là 1 ký giả vô danh viết cho tờ báo gia đình. Bỗng ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam là Nguyễn phú Trọng tuyên bố những câu dốt nát để bảo vệ 2 điều dơ bẩn nhất của hiến pháp Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Đó là điều 4 hiến pháp chủ trương đất nước được cai trị bởi 1 đảng duy nhất là đảng cộng sản. Và quân đội Việt Nam phải trung thành với đảng cộng sản. Anh ký giả trẻ tuổi phá rào viết báo phê bình nặng nề ông tổng bí thư đảng. Xin ghi lại, chức vụ này là ngôi vị cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam. Để so sánh với Mao trạch Đông của Trung Cộng và Stalin của Nga Sô. Lập tức tờ báo gia đình sa thải anh ký giả hỗn láo. Cũng ngay lập tức anh này được truyền thông Việt tại hải ngoại và toàn thế giới ngưỡng mộ. Tại Việt Nam, anh trở thành thần tượng của tuổi trẻ.
Hàng ngàn chữ ký của các nhân sĩ trí thức yêu cầu thay đổi hiến pháp. Yêu cầu đa đảng và quân đội chỉ phục vụ đất nước và nhân dân. Đi xa hơn nữa, kiến nghị yêu cầu thành lập 1 quốc hội khác để soạn thảo hiến pháp và làm 1 cuộc cách mạng ôn hòa thay đổi chính thể.
Nguyễn Đắc Kiên trở thành người đại diện cho 1 thế hệ mới. Thế hệ của người Việt Nam mới với sự hiện hữu của tuổi trẻ, thể hiện lòng dân trong nước, đáp ứng hoài bão của người Việt hải ngoại. Những người như Kiên, tìm đường gai góc mà đi, sẽ làm nên lịch sử..

Những tài liệu tham khảo

1)Tổng bí thư đảng cộng sản VN Nguyễn phú Trọng đã nói như thế này: "Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…"Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?”,
(Truyền hình Việt Nam trích dẫn trong chương trình thời sự tối thứ Hai 25/2 tại Phú Thọ.)

2) Bản tuyên bố của Nguyễn Đắc Kiên
Tài liệu này trích trong bản tuyên bố của Nguyễn Đắc Kiên. Ý kiến của nhà đấu tranh trẻ tuổi này đã lạc quan nghĩ đến cả giai đoạn hòa giải và tha thứ khi cộng sản chuyển giao quyền hành.
(Trích..) ....Có người chất vấn tôi về chuyện làm sao để Tha thứ và Hòa giải, đó là chất vấn xác đáng. Tuy tôi e rằng, nói điều đó ra bây giờ là sớm, nhưng vì không biết ngày mai sẽ ra sao nên cứ nói ra thì vẫn hơn. Chúng ta cứ nhìn sang Myanmar thôi, không cần nhìn đâu xa, họ làm được, tôi tin chúng ta cũng làm được, có khi còn tốt hơn. Sao không lập một Ủy ban hòa giải dân tộc, với thành viên là các nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước, kể cả một số lãnh đạo tiến bộ của ĐCS VN? Tôi nghĩ rất nhiều người sẵn sàng tham gia. Sao không lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi tổ chức xong Hội nghị lập Hiến, ban hành Hiến pháp mới, bầu Quốc hội mới? Tôi tin tưởng có nhiều người, kể cả trong đội ngũ lãnh đạo ĐCS VN hiện nay có thể đảm nhận tốt vị trí trong Chính phủ lâm thời để giữ vững sự thống nhất quốc gia trong giai đoạn chuyển giao...

3) Tổ chức theo dõi Nhân quyền
(New York, ngày 20 tháng Mười Hai năm 2012.) Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố có năm blogger người Việt trong số 41 cá nhân xuất sắc từ 19 quốc gia vừa được trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett để ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị. Đó là Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Minh Hoàng và Vũ Quốc Tú.

5)Tóm lược LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO
Chúng tôi, những người ký tên sau đây đồng tuyên bố:

1. Bỏ Điều 4 Hiến pháp, tổ chức Hội nghị lập hiến.
2. Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng.
3. Chúng tôi ủng hộ chính thể tam quyền phân lập
4. Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội
5. Chúng tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên.
Xin hãy chung tay để cho LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO.
Xin cùng lên tiếng nói bằng cách tham gia ký tên theo địa chỉ email : tuyenbocongdantudo@gmail.com
Những nhà tranh đấu kể trên và nhiều người khác đều là những người tìm đường gai góc mà đi.

Tìm đường gai góc mà đi.
(Trích đoạn bài viết của Giao Chỉ năm 2010)

“Này em, anh sẽ về bên kia biên giới.
Đèn nhà ai hay đốm lửa quê người...”
Tháng 3/1975, tôi gặp tướng Hoàng Cơ Minh lần đầu tiên tại Cam Ranh, một vị Phó Đề Đốc Hải Quân nóng nảy, bồn chồn vừa nhận toàn bộ trách nhiệm tư lệnh cuộc triệt thoái từ duyên hải. Trong số rất nhiều tướng lãnh của 2 quân khu, ông Thiệu chỉ còn đặt hy vọng vào vị phó đề đốc trẻ tuổi của hải quân thuộc dòng họ Hoàng Cơ. Sau lễ chào cờ lần cuối, hạm đội chở phần còn lại của cả 2 quân đoàn suôi Nam. “Trùng khơi vạn lý, như chưa vừa ý, lắc lư con tàu đi,” bài ca vui tươi ngày nào bây giờ chuyên chở biết bao nhiêu cay đắng. Tôi có mặt trên một chiến hạm của đoàn tàu đau thương đó. Hai tháng sau, tháng 5/1975, tôi gặp lại ông Hoàng Cơ Minh trong trại Barrigada trên đảo Guam. Gần 30 vị tướng tá của một đạo quân tan hàng nằm chờ phi vụ vào Mỹ. Ông Nguyễn Cao Kỳ được đem đi trước, rồi đến ông Ngô Quang Trưởng. Tôi nằm bên trung tướng Đồng Văn Khuyên, mặt dài như chiều đông.
Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III xuống sân đánh bóng chuyền cho quên ngày tháng. Tướng Không Quân Phan Phụng Tiên lâu lâu lại buông lời cay đắng. Tướng Trần Văn Minh im lặng, chửi thề không thành tiếng. Không một tướng tá nào còn được chút dũng khí của những ngày chinh chiến. Riêng ông Hoàng Cơ Minh là người duy nhất nói đến chuyện trở về. Những ý kiến rời rạc, mơ hồ dường như đã bắt đầu hình thành. Con đường trở về sẽ vô cùng khốc liệt và ý ông Hoàng Cơ Minh nói là phải dùng tất cả các phương pháp của cộng sản để đánh cộng sản. Chuyện đó sau này thành sự thật. Giấc mơ về đường mòn Hoàng Cơ Minh, áo bà ba đen, quấn khăn rằn Nam bộ đã được nghĩ đến. Nắm tay giơ cao, tiếng hô giải phóng hay là chết, đã hiện ra trong giấc ngủ trại Barrigada, giữa tiếng ồn ào của phi trường đảo Guam.
Sau cùng, chuyến bay cuối tháng 5/1975 từ hải đảo đã đưa vào lục địa Hoa Kỳ một vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa duy nhất quyết tâm trở về với tấm lòng hết sức sắt đá. Đó là Phó Đề Đốc Hải Quân Hoàng Cơ Minh. Năm 1980 ông Minh và ông Liễu đến San Jose gặp riêng vài anh em để kết nạp đoàn viên. Tôi có mặt đêm hôm đó, tuy không chính thức gia nhập nhưng hứa chắc rằng sẽ ủng hộ. Đến nay vẫn giữ lời.
Bảy năm sau, vào ngày 28/8/1987, vị Phó Đề Đốc một thời Tư lệnh hành quân biển của Hải Quân VNCH đã nằm chết bên bờ suối, giữa rừng già miền Nam Lào. Hôm nay, khi ghi lại chuyện này năm 2015, chợt thấy các niên trưởng của tôi thời kỳ nằm chờ ở Guam, chẳng ông nào còn sống. Nhưng tôi vẫn còn phải nhắc lại chuyện xưa...
Người lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, đảng trưởng đảng Việt Tân với hơn 100 kháng chiến quân vượt sông Mekong trong các chiến dịch Đông Tiến tìm đường về Việt Nam. Đến vùng Xalavang trên đất Lào, đạo quân kháng chiến bị săn đuổi bởi số địch quân đông đảo nên đã hoàn toàn tan rã. Các kháng chiến quân bị bắt đã kể lại với nhau trong tù về những cái chết đau thương và hào hùng. Vị Tư Lệnh và các cấp chỉ huy Kháng Chiến đều tử thương hay tự sát sau khi bị thương.
Vào đầu thập niên 80, cộng sản Hà Nội và thế giới Mác Xít đang ở trên đỉnh cao của chiến thắng. Không thể có con đường nào khác gọi là đấu tranh chính trị. Chỉ còn giấc mơ trở về gây dựng cơ sở chiến đấu trong lòng địch. Cả một ước mơ dù đội đá vá trời nhưng vẫn có người cố thực hiện.
Từ Úc châu, Võ Đại Tôn lập Chí Nguyện Đoàn Phục Quốc và tìm đường về vào năm 1981. Ông đã bị bắt và xuất hiện trong cuộc họp báo hết súc anh hùng tại Hà Nội ngày 13/7/1982. Trong chốn trần ai tri kỷ tôi hiểu rằng ông Tôn bỏ vợ con bên Úc lên đường qua Thái vào đất Lào chẳng hề ngây thơ nghĩ rằng đi về là lấy lại quê hương. Với dòng máu biệt động quen thuộc, ông chỉ muốn dò đường tìm đến chiến khu của nhà cách mạng quen biết trên đất Lào là tướng Van Pao. Từ đó sẽ tính bước kế tiếp. Nhưng mộng lớn không thành...
Từ Paris, Pháp, Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam thuộc nhóm Lê Quốc Túy phát động, với Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch và hàng chục người… đã xâm nhập bằng đường biển Cà Mau, bị bắt và xử ngày 18/12/1984. Trong Chí Hòa, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch bị xử bắn ngày 8/1/1985, máu đỏ bức tường khám lớn. Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy là các cựu sĩ quan Không Quân VNCH. Sau này ông Hạnh được chính tổng thống Pháp can thiệp, Hà Nội trả tự do. Mấy năm trước ông qua Mỹ thăm bạn, không may bị tử vong. Đám tang người anh hùng kháng chiến gốc không quân VN hết sức cô đơn giữa cộng đồng Việt Bolsa. Chỉ duy có bạn vàng Vũ Văn Ước lẽo đẽo đi sau quan tài. Bác Ước ngày nay cũng lại theo bạn Mai Văn Hạnh về miền vĩnh cửu. Và sau cùng, từ Mỹ, Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh đã tìm đường về suốt 10 năm từ 1981 đến 1990 qua 4 giai đoạn. Tất cả đều lấy đất Thái Lan làm bàn đạp. Năm 1985, hai nhóm cán bộ chính trị Tiền Phương Kháng Chiến đã đi xuyên qua Cam Bốt để dò đường về nước nhưng đều bị bắt tại Nam Vang.
Cũng năm 1985, Đông Tiến I, vượt sông Mekong, qua Nam Lào do Đại Tá Dương Văn Tư chỉ huy đến gần biên giới Việt Nam phía Bắc Kontum thì bị Pathet Lào và Việt Cộng đánh đuổi và tan rã, 20 kháng chiến quân hy sinh. Số còn lại trở về Thái Lan.
Năm 1986, Đông tiến II lần thứ nhất với 130 kháng chiến quân tiến về phía Đông-Nam nhưng vượt sông Mekong tại Pác Xế bất thành nên đành phải rút. Trước khi lên đường, Mặt Trận đã triệt tiêu toàn thể căn cứ trên đất Thái, nên khi rút về lại phải sống tạm ngoài trời trong rừng già gần 1 năm chờ tái xuất quân.
Năm 1987, với 110 kháng chiến quân cuộc Đông Tiến II lần thứ hai khởi sự, vượt sông Mekong và bị quân địch quá mạnh đánh tan. Toàn bộ chỉ huy và Tư Lệnh Hoàng Cơ Minh tự sát, một số lớn tử trận và bị bắt.
Đặc biệt là sau khi Đông Tiến II lần thứ hai hoàn toàn thất bại, thành phần còn lại tại hậu cứ Thái Lan và Tổng Vụ Hải Ngoại tại San Jose, Cali, Mỹ cũng không biết rõ tin tức. Nên chiến dịch Đông Tiến III vẫn tiếp diễn với người chỉ huy hậu cứ là một sĩ quan Dù, ông Đào Bá Kế đi vào đất chết muộn màng năm 1990 với số thành phần khỏe mạnh còn lại, những tân kháng chiến quân mới tuyển từ trại tị nạn... đều chấp nhận lên đường chuyến chót. Tất cả xóa sổ căn cứ tại Thái Lan tiếp tục đi theo con đường Đông Tiến I, vượt sông Mekong tìm về biên giới Lào-Việt ở phía Bắc Kontum.
Trong giai đoạn này thật sự không còn sự hiện diện của Tướng Minh và vòng đai kỷ luật sắt đá. Nhưng lạ lùng thay, những phần tử còn lại của Kháng Chiến không tan hàng mà lại đồng lòng lên đường. Không ai thật sự biết rõ tâm tư của anh em, nhưng có thể họ đi tìm “ông thầy”.
Thêm một lần sau cùng, toán quân này cũng bị chặn đánh, bị giết, bị bắt. Người chỉ huy Đông Tiến III là Đào Bá Kế bị án tù chung thân, cho đến năm 2000 còn bị giam tại nhà tù miền Bắc. Sau đó ông Kế được trả tự do về Hậu Giang. Chúng tôi có liên lạc tìm cách lập hồ sơ đoàn tụ qua Mỹ nhưng còn nhiều khó khăn. Tin sau cùng, Đào Bá Kế đã qua Thái Lan.
Tất cả các anh hùng kháng chiến suốt 10 năm (1981-1990), tuy hoàn cảnh mỗi người một khác và đôi khi việc tuyên truyền quá cường điệu nhưng riêng sự gian khổ và khốc liệt hoàn toàn có thật. Vào những năm 80, bài hát bất hủ được ban hợp ca Thùy Dương cất lên vừa hùng tráng vừa bi thảm: “Này em, anh sẽ về bên kia biên giới, đèn nhà ai hay đốm lửa quê người.”.
Hơn 100 kháng chiến quân đã hy sinh trên đường tìm về bên kia biên giới. Vượt con sông Mekong, thấy ánh sáng leo lắt đêm khuya, tưởng là ánh đèn của thôn xóm trên đất nước thân yêu, ngờ đâu vẫn chỉ là đốm lửa quê người. Chiến hữu chung quanh Tướng Hoàng Cơ Minh chẳng còn được mấy người, sức cùng lực kiệt, trải qua bao nhiêu gian khổ và cô đơn, ông đã tự chọn cái chết, nằm lại bên bờ suối. Tiền tuyến chỉ có trên dưới 200 tay súng bị săn đuổi suốt những năm tháng dài. Thái Lan bắt đầu đổi thái độ, không còn muốn cho đóng quân, Lào Cộng hợp lực với Việt Cộng truy kích. Kháng chiến quân bị thương phải tự sát hoặc đã bị các chiến hữu hạ sát để khỏi rơi vào tay địch. Không còn đường nào khác.
Con đường giải phóng là con đường một chiều: “Giải phóng hay là chết”. Những người thân tín của ông Minh trong hàng ngũ lãnh đạo không còn nữa, Đại Tá Dương Văn Tư đã hy sinh, Trung tá Lê Hồng đã qua đời. Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh với một đời hành quân biển đã bỏ quân phục đại lễ màu trắng và biển cả màu xanh, để tìm về bộ quần áo đen, khăn rằn Nam Bộ nằm chờ đợi giây phút cuối cùng ở giữa rừng núi Hạ Lào. Tôi sẽ còn nhớ mãi ông Hoàng cơ Minh…(hết chích)

Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393

Không có nhận xét nào: