“Từ trái qua mặt: Ng. Kh. Nương – Giỏi – Sách – Paul Thi – Nguyễn Đình Trị – Paul Gồng – Thơm – …Nhiêu (?). Ngồi: Giỏi – bác sĩ Phạm Văn Tiếc – Mùi – Tài – Qui Thomas…”.Tấm ảnh đội Ngôi sao Gia Định ở biệt thự của bác sĩ Phạm Văn Tiếc. Bác sĩ Tiếc ngồi hàng dưới thứ hai, từ trái. (Tư liệu: Phạm Minh Tiến)Những năm đầu thập niên 1990, tôi thường đến chơi nhà người bạn trong hẻm 269 đường Điện Biên Phủ (trước kia là Phan Thanh Giản), quận 3. Đó là một căn biệt thự lớn kiểu Tây, có sân riêng bao quanh, do người chú ruột của ba anh để lại.
<!>
Một hôm, anh dẫn tôi lên lầu, chỉ vào một bức ảnh lớn khổ 50×60: “Đây là ông chú, chủ căn nhà. Ông chụp lúc đang là cầu thủ đội bóng Ngôi Sao Gia Định năm 1923”.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy được hình ảnh của đội bóng Ngôi Sao Gia Định vang danh một thời rõ như vậy. Trong ảnh, chủ nhân ngôi nhà là một trang thanh niên cao ráo, sáng sủa ngồi trong đội hình một đội banh chụp kỷ niệm sau khi đoạt ngôi vô địch trên sân bóng. Anh bạn cho biết lúc chụp tấm ảnh, ông chú, cầu thủ Phạm Văn Tiếc đã tốt nghiệp trường Y tại Hà Nội được 6 năm, là bác sĩ ở Sài Gòn và cũng là cầu thủ chính thức của đội bóng danh tiếng này.
Tấm ảnh này là kỷ niệm còn giữ lại những ngày tuổi trẻ của ông lúc đang chơi bóng. Trên góc trái, còn ghi chú một dòng chữ in viết tay nắn nót: “Vô địch bóng tròn Nam Kỳ 1922-1923”. Góc trái dưới tấm ảnh có chú thích những tên người. Rất tiếc qua thời gian, tên các cầu thủ chú thích phía dưới rơi rụng bớt, chỉ còn vài cái tên:
Đây chính là bức ảnh quý còn lưu lại của đội bóng này, đúng ngay thời điểm năm 1923, đội đoạt chức vô địch Nam Kỳ (Championnat de Cochinchine) và là đội bóng đầu tiên của người Việt đoạt danh hiệu này. Có thể giải khởi tranh từ Tháng Mười Một năm 1922 kéo qua năm sau mới kết thúc theo điều lệ giải, nên mới có chú thích như trên bức ảnh.
Từ bức hình, chúng tôi tìm hiểu thêm về người cầu thủ đội Ngôi sao Gia Định hiếm hoi còn lưu lại hình ảnh này. Theo người cháu đang sống ở Châu Đốc cung cấp, ông Phạm Văn Tiếc sinh năm 1895 ở xã Vĩnh Tế, tỉnh Châu Đốc, An Giang. Hồi nhỏ ông học ở Châu Đốc, lớn lên ra Hà Nội học trường Y khoa Hà Nội. Vợ ông là bà Hồ Thị Hinh, sinh năm 1902. Ông có bốn người con, các con ông có người từng làm Chưởng khế tại Sài Gòn, có người làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện lực (công ty của Pháp ở Sài Gòn) trước 1975, có người lấy chồng là người Lào, làm đại sứ của Lào ở Pháp và Mỹ. Tất cả các con ông hiện sống ở nước ngoài, có người đã mất.
Ông Phạm Văn Tiếc chơi đá bóng từ khi nào không rõ. Tuy nhiên ông đã phụ trách thể thao ở trường Y Hà Nội từ trước khi ra trường năm 1918. Có lẽ sau khi học xong về lại Sài Gòn, ông dễ dàng hòa nhập vào hoạt động thể thao ở đây, nhất là môn bóng đá lúc đó chủ yếu dành cho giới công tư chức, thương gia hay binh lính người Pháp. Duyên cớ nào ông lại tham gia đội bóng Ngôi Sao Gia Định để đoạt được giải vô địch đầy tự hào đó cũng chưa được biết một cách đầy đủ.
Bác sĩ Phạm Văn Tiếc trong trang phục đá banh đội Ngôi sao Gia Định. (Tư liệu: Phạm Minh Tiến)
Tuy nhiên, điều đáng trân trọng sau khi đoạt giải thưởng trên, là ông đã làm được một việc có ý nghĩa cho nên bóng đá đang còn phôi thai trên đất Việt Nam.
Trong tay chúng tôi là tài liệu được gửi về từ nước Pháp Tháng Tám năm 2016, sao chép từ vi phim của Thư viện Quốc gia Pháp, Phòng Sao chép, thuộc nhóm tài liệu chỉ dành cho giới nghiên cứu. Đây là cuốn sách mỏng xuất bản vào Tháng Mười năm 1925 từ Nhà in Hiệp hội Nguyễn Văn Của (Imprimerie l’union Nguyen Van Cua) chỉ có 50 trang tựa đề “Đá banh (Le Football Association)”.
Ông Phạm Văn Tiếc là tác giả cuốn sách này, ghi chú dưới tên của ông lúc xuất bản cuốn sách là Bác sĩ trợ lý (Médecin auxiliaire), nguyên Đội Trưởng Đội thể thao của Trường Đại học Y Hà Nội (Ancien Capitaine de l’ Association Sportive de l’Ecole de Médecine à Hanoi) những năm 1916-1917-1918. Có thể đây là một trong những tài liệu sớm nhất phổ biến kỹ thuật đá bóng bằng tiếng Việt. Bản thân ông Tiếc là bác sĩ Tây học đồng thời lại là cầu thủ bóng đá thời đó, cả hai yếu tố khiến ông quan tâm dịch và phổ biến tài liệu này.
Cuốn sách do Bác sĩ Phạm Văn Tiếc viết để phổ biến cách chơi môn bóng tròn năm 1925. (Tư liệu: Phạm Minh Tiến)
Trong lời ngỏ, ông Tiếc nêu mục đích viết cuốn sách:
“Mấy năm nay, đường thể dục xứ Nam kỳ một ngày một tấn nhiều. Bọn thiếu niên ta coi thế, có ham lo tháo luyện thân thể, tay chơn, tim phổi. Mấy kỳ tranh đấu, đá banh, đánh vợt, chạy xe đạp, Annam cũng được chen vào sổ danh dự. Song xét lại, về việc đá banh phần nhiều, lúc tiên khởi, không có sách vở nào chỉ rõ điều luật, dặn dò cách thức. Người Lang sa có đặt ra nhiều sách báo phân biện, điệu đá banh rõ ràng, nhưng mà người mình ít được xem tới.
Tôi không dám khoe tài cán, nhờ có mộ đá banh mười mấy năm nay, được coi thấy nhiều người tài năng, thấy nhiều mưu thế, nhiều mánh lới, chỗ hay của người, thế dở của mình. Bởi thế, tôi chẳng nệ công, lượm lặt được mấy trương, ấy là sở nguyện cho trẻ em mới tập đá banh đều có một quyển sách chỉ điều lệ bằng tiếng mình cho dễ hiểu mà thôi. Văn viết rất kém, ai đọc đừng cười chê, thì cám ơn lắm lắm”.
Với việc phổ biến luật lệ môn đá banh cho Nam kỳ bằng cách viết sách bằng tiếng Việt phổ biến luật bóng đá, khi thị trường sách báo lúc đó có khả năng chưa có tài liệu tương tự bằng tiếng Việt, vai trò của ông Phạm Văn Tiếc có thể nói là không nhỏ trong việc phát triển môn bóng đá ở xứ sở này.
Theo ông Phạm Văn Tiếc trong phần mở đầu, đá banh bắt đầu được chơi ở Nam Kỳ khoảng năm 1905-1906. Lúc đầu người Pháp chơi trước, người Việt ở Sài Gòn chơi theo, chưa có ở các tỉnh. Như vậy, bóng đá được chơi ở Việt Nam rất sớm, cũng còn trong thời kỳ môn bóng đá ở nước Pháp đang tìm đường phát triển.
Về bóng đá ở Sài Gòn, ông viết: “Trước hết, có hội Gia Định (Giadinh sport) chơi có danh tiếng; đến năm 1922 nhập với một hội Annam khác (Etoile Bleue), đặt hiệu là “Etoile de Giadinh”. Hội này bởi có lắm người tài năng và cần lo lắng (?), nên đã được hai lần Đệ nhứt (Championnat de Cochinchine – vô địch Nam kỳ) năm 1917 và 1923”.
Ông Phạm Văn Tiếc cho biết cho đến thời điểm đó, cả lục tỉnh đều chơi đá banh nhưng mạnh nhất vẫn là Sài Gòn. Nhiều đội được lập ra, ngoài đội Etoile de Giadinh, còn có Choquan sport, Govap sport, Tandinh sport vân vân. Các cầu thủ đá giỏi, có danh tiếng như Thơm, Thi, Gồng, Thới, Trung, Xường, Giỏi, sánh được với các cầu thủ nước ngoài (!). Riêng các đội banh của Pháp như là hội Cercle Sportif, đội Saigon Sport, đội Stade thành lập đã lâu đến lúc đó vẫn còn hoạt động.Hai trang trong cuốn sách do BS Phạm Văn Tiếc viết để phổ biến cách chơi môn bóng tròn năm 1925. (Tư liệu: Phạm Minh Tiến)
Cuốn sách gồm 11 khoản (chương): 1) Cội rễ đá banh, 2) Luật phép đá banh, 3) Người giám cuộc, 4) Chỉ sơ lược các thế đá banh, 5) Phận sự mỗi người đá banh, 6) Chỉ vài thế đá banh, 7) Người đá banh phải cần luyện tập, Tánh nết người đá banh, 9) Cách ăn mặc người đá banh, 10) Người đi xem đá banh, 11) Chỉ sơ điều luật hội.
Chương thứ 11 là chương cuối, cho biết ở Nam kỳ, mỗi năm từ Tháng Mười Một khởi tranh bóng đá cho đến tháng 4. Ta hiểu đây là thời gian trọn mùa khô. Có 2 lần tranh giải, giải hình đồng (challenge: tương đương với giải cúp quốc gia có sự tham dự của tất cả các CLB) và giải đệ nhứt (championnat). Tác giả chỉ cách thức ghi tên tham dự của các đội, các quy định về cầu thủ tham dự, quy định trong khi thi đấu, cách tính điểm,…
Sau khi thực hiện cuốn sách, ông Phạm Văn Tiếc vẫn tiếp tục tham gia đá bóng. Theo người thân trong gia đình, đến năm 1932, ông Phạm Văn Tiếc rời khỏi Sài Gòn, về quê hương Châu Đốc sinh sống chứ không ở đến năm 1935 như thông tin trên. Ở đó, ông được giao chức vụ Giám đốc Bệnh viện Châu Đốc. Sau khi nghỉ làm việc ở đây, ông về làm bác sĩ tư tại nhà số 43 Phan Đình Phùng, thị xã Châu Đốc.
Ông không treo bảng nhưng nhiều người biết vì thời đó ở Châu Đốc chỉ có hai thầy thuốc là ông thầy thuốc Tiếc và thầy thuốc Nu, tên đầy đủ là Trần Văn Nu. Phòng khám bệnh của ông ở Châu Đốc còn để lại dấu vết khi trên báo Phụ Nữ Tân Văn, Số 163, 11 Tháng Tám 1932, có quảng cáo thuốc bổ hiệu Ơ-nốt chuyên trị xanh xao kém huyết ăn không biết ngon, phụ nữ có thai hay mệt… giới thiệu các nơi bán thuốc có “Nhà khám bệnh thầy thuốc Phạm Văn Tiếc”. Quảng cáo không ghi địa chỉ, thể hiện sự phổ biến của phòng khám này ở Châu Đốc.
Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, ông Phạm Văn Tiếc được yêu cầu tiếp tục làm giám đốc Bệnh viện Châu Đốc. Khi người Pháp trở lại Việt Nam khoảng năm 1947 – 1948, ông lui về khám bệnh tại nhà. Sau 1975, do biên giới bị lính Pôn Pốt đánh phá, ông lánh lên Sài Gòn ở tại nhà người con đầu và mất tại đây năm 1982. Ông được các con cháu đưa về chôn tại Châu Đốc theo ước nguyện lúc sinh thời.
Có thể nói, trong khoảng thời gian sống ở Sài Gòn từ năm 1918 là năm tốt nghiệp trường y Hà Nội, ông Phạm Văn Tiếc đã kịp có một đoạn đời vẻ vang, đóng góp lớn cho bóng đá Việt Nam, cho đến khi rời Sài Gòn năm 1932.
Đội bóng Ngôi Sao Gia Định giải tán vào năm 1954. Tuy nhiên, trên một trang báo chúng tôi còn lưu, ngày 22 Tháng Bảy năm 1972, hội (cách gọi đội bóng đá lúc bấy giờ) Ngôi Sao Gia Định hoạt động trở lại, sau một phiên họp tại số 2 đường Tự Đức (nay là Nguyễn Văn Thủ), Sài Gòn, tức trụ sở Dược viện của bác sĩ Nguyễn Chí Nhiều
.
Năm 1974, tên Ngôi sao Gia Định còn tồn tại. (Tư liệu: Phạm Công Luận)
Trong phiên họp này đã bầu ra một ban Quản trị nhiệm kỳ 1972-1974 mà Hội trưởng là Bác sĩ Nguyễn Chí Nhiều. Trong Ban quản trị có một vài tên tuổi quen thuộc như ông Nguyễn Ngọc Nhung tức nhà báo Huyền Vũ. Cố vấn đội có các ông: Võ Văn Ứng, Nguyễn Tất Oanh (giám đốc hãng đĩa Sóng Nhạc).
Đó là các nhân vật nổi tiếng ở xã hội Sài Gòn bấy giờ. Thông tin còn cho biết, đội này đoạt vô địch Thiếu niên năm 1974. Có thể đây là đội bóng đá năng khiếu dành cho giới trẻ, mong phục hồi danh tiếng một ngôi sao làng bóng đá năm xưa. Đến năm 1975, chút hồi dương của đội bóng này mới thực sự biến mất.
SAIGONnhỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét