Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA CHỢ - NGUYỄN HỒNG NHUNG (ViêtVănMới)


tranh của Guillermo Martí Ceballos - Trước đó chừng chục năm, họ đã từng nhìn thấy nhau. Trong công viên thành phố. Người đàn ông ngồi trên chiếc ghế đá, lặng lẽ hút thuốc, ngắm nhìn những đứa con nhỏ vui đùa. Cô đang lang thang giữa những khóm hoa, chợt nhìn thấy anh, nhận ra người bạn học cùng khóa thuở nào. Anh mời cô ngồi, họ trò chuyện bâng quơ về mọi đề tài, sôi nổi và đầy lo lắng.
- Phải đi thôi, sống thế này ngột ngạt quá- anh bảo.
- Tuần sau em đi, anh nói đúng, em luôn mơ về một chân trời khác…
Họ lại tình cờ gặp nhau, sau nhiều năm.
Vẫn người đàn ông hút thuốc, khói mờ bay, phủ kín đôi mắt nhìn xa xăm.
<!>
Một thùng sắt bưu điện chuyên dùng để chở hàng hóa, thường được gọi là côngtenơ mở toang, giữa chợ. Một chợ giời đông Âu. Những năm cuối của thế kỷ XX.

Anh ngồi một góc trong cái hộp kiên cố đó, trước mặt, sau lưng, bên phải bên trái la liệt hàng hóa, một người đàn bà châu Á, vợ anh, tay lăm lăm chiếc máy tính, mê mải đánh vật với cái đám đông lố nhố chen nhau chọn, bới trước mặt. Thỉnh thoảng, sau tiếng hét cuống cuồng của vợ, anh bật dậy, nhào ra tham dự vào công việc mua bán có vẻ không liên quan gì đến nét mặt dửng dưng, lãnh đạm của anh. Khi đám đông dãn bớt, anh lui về góc ngồi và lại hút thuốc.

Cô thấy hình ảnh ấy ngay từ khi bước vào chợ.
- Chào anh !
- Em ? cũng ở đây à ?
- Không, em sống ở tỉnh lẻ, anh có khỏe không ?
- Cũng thường…

Anh tỏ ra không thích bắt chuyện, càng không muốn nhớ lại một thời quen biết. Cô vội vã bước đi, không quên được hình ảnh người đàn ông tựa cửa thùng sắt hút thuốc, cô cứ thấy hình ảnh ấy nhảy múa trước mắt, ngày nọ qua ngày kia, tháng nọ qua tháng kia, và lần lần, năm nọ qua năm kia.

Một cái chợ, bãi đất trống heo hút, ngẫu nhiên thành bến đậu cho nhiều mảnh đời hy vọng từ xa tụ họp tới. Những mảnh đời như lá, gió cuốn phăng bứt khỏi cành, bay tha thẩn tứ phương, mệt mỏi xoay tròn trước khi rơi xuống và bám chặt lấy đất, đất nào cũng được, miễn đủ cho một kiếp trú chân.

Đôi khi, anh và cô chạm trán nhau trong chợ, họ mỉm cười xã giao, nói mấy câu vơ vẩn, rồi ai việc nấy, biến mất. Dường như sự hiện diện của họ ở chốn này đã thừa đủ cho một nội dung bẽ bàng của kiếp tha hương, không cần ai lên tiếng. Nhưng cô luôn đau nhói trong lòng, khi nhớ đến buổi trò chuyện chiều công viên xưa, nơi phác họa tương lai có màu xanh như bầu trời trên đầu họ lúc đó.

Năm tháng cứ thế trôi, người ta dần lãng xa ký ức của mình, lùi quên những cơn trăn trở và những nỗi đau gợi miền xuất xứ. Bởi cái chợ giời cùng những ngày nắng mưa vật lộn kiếm ăn đã biến họ thành những nét vẽ trần trụi không phương che dấu, trong bức tranh lạnh lùng dửng dưng của cuộc sống hiện tại.

Dần dần hình ảnh những người đàn ông khác trong chợ cũng len vào óc cô, đọng lại bên cạnh hình ảnh người bạn học cùng khóa . Đây là một gã béo tròn, kẻ bả lả với khách mua bên bà vợ nhấm nhẳng luôn tay giao hàng phía cổng chính của chợ, kia là anh chàng cao ngẳng, đang hò hét đám cửu vạn đẩy những xe hàng cao ngất ngưởng ra vào kho, một người đàn ông khác quần áo lôi thôi, ngáp ngắn ngáp dài, đầu và chân gác lên những thùng hàng to hơn người, ngổn ngang xung quanh gã, một cậu chàng đờ đẫn, nở nụ cười hiền lành ngây độn nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt… Họ là những người đàn ông của chợ.

Có những quãng đời đọng lại như một vũng bùn lầy sau cơn mưa, đất và nước nhào lộn vào nhau, dính bết tạo thành. Dường như trong đời mình, nhiều người đã vô tình biến thành những vũng bùn lầy như thế. Nếu niềm kiêu hãnh bẩm sinh không thức tỉnh, để một hôm người ta chợt nhận ra vị trí thật của mình, thì sau đó những cảm giác đau, như những cơn ốm vặt, sẽ quật họ ngã xuống, những cơn ốm không làm chết người, chỉ khiến cuộc đời họ bỗng trở nên què quặt.

Cô sửng sốt, không tin ở mắt mình khi gặp anh gật gù với chai rượu cạnh chiếc bàn bẩn thỉu, trong quán bufê đông đặc giữa chợ. Đã khá lâu họ không gặp nhau, anh không còn chút gì của người đàn ông cô biết xưa kia. Tóc anh bạc trắng, mặt mũi chỗ đỏ chỗ tái, sần sùi vì những vết xước nham nhở, như một người mắc bệnh cùi. Và điều khiến cô ngạc nhiên nhất, là khi xưa nói ít bao nhiêu, giờ đây anh lải nhải liên tục bấy nhiêu. Cô định bỏ đi, nhưng không kịp :
- Em đấy ư ? Lại đây, lại đây uống với anh, bao lâu rồi chúng mình không gặp nhau.
- Chào anh ! Em không ngờ…
- Anh lại thế này, phải không ? Thôi, tao chán những trò đạo đức giả của đời lắm rồi, uống đi..

Hôm đó, cô bỏ một ngày để nghe thiên hạ kể về gia đình anh. Như những người ở chợ, anh cũng chuyển hết từ buôn mặt hàng buôn này đến bán mặt hàng kia, chuyển từ góc chợ này sang đứng góc chợ khác, cuộc sống gia đình anh quay cuồng với vài ba trục cố định : chợ, tiền, hàng, con cái, nhà cửa, giấy tờ…Từ đôi tay trắng, như mọi người, anh bắt đầu có những gì xưa kia hằng mơ ước : nhà, xe, tiền. Nhưng, như có sự dẫn dắt theo thứ tự của quỷ sứ, anh bắt đầu uống rượu.

Cô thôi ngạc nhiên trước sự thay đổi mới mẻ này của anh, vì nhìn đâu cô cũng thấy những người đàn ông với những chai rượu, khắp chợ. Anh đã thành một trong những người đàn ông của chợ. Cô quan sát họ, từ mọi phía, từ nhiều góc độ, lặng im tìm lời lý giải, và bắt đầu viết. Khi đó, trái tim thổn thức của cô dịu đi.

Câu chuyện đầu tiên cô viết có hình ảnh một người đàn ông như sau :
- Giấc mơ ban ngày -

Ông uể oải đứng nhìn vợ và hai người làm thuê dọn hàng. Chả ai để ý đến ông, mỗi người một việc. Thậm chí chả ai nói nửa lời. Bởi ngày nào cũng như ngày nào, công việc chỉ có thế.

Và ngày nào cũng như ngày nào, ông chỉ uể oải đứng nhìn. Vợ ông quen đã đành, vì mỗi ngày hai tư tiếng đồng hồ, nàng phải chịu đựng sự tồn tại của ông. Nhưng cả hai người làm thuê cũng quen nốt, cái cảnh chỉ có bà chủ hỳ hục. Còn ông chủ, y như một người thừa. Không, nói đúng hơn, chẳng có việc nào dành cho ông.

Thấy mọi người bày biện xong, ông bắt đầu chờ đợi, trong im lặng, chỉ thỉnh thoảng ngước đôi mắt thỏ non về phía vợ.

Cuối cùng, như bao lần khác - kẻ thua trận vẫn là vợ ông :
- Này đây, anh cầm lấy mà mua rượu. Uống vừa vừa thôi - nàng làu bàu.

Khi cầm cái chai bé xíu, trong vắt quay về, trông ông hý hửng như một cậu học trò vừa được mẹ cho tiền mua một thứ đồ chơi đang mơ ước.

Ông cẩn thận rót vào một cái cốc cũng bé xíu, chui vào góc ngồi quen thuộc mà ông yêu thích. Rồi vừa nhâm nhi, ông vừa vui vẻ đưa cặp mắt đã tinh nhanh lạ thường quan sát xung quanh. Ông âu yếm nhìn cả thế gian đột nhiên đầm ấm và quen thuộc xiết bao, một thế gian gồm những bà già lê đôi chân vừa ngắn vừa to như chân voi, những ông già mặt mũi khó đăm đăm, những cô gái mảnh khảnh xinh đẹp, đang nườm nượp kéo nhau vào chợ.

Sau chén thứ hai, những vần thơ bất thần từ đâu ập tới.

Trời ơi ! Ông muốn đọc cho ai nghe quá. Phải, giá có một người bạn tri kỷ ! chỉ cần một người thôi, để gật gù tán thưởng, hoặc cau mày ngẫm nghĩ, thêm cho ông vần này, bớt cho ông từ kia, đời sẽ hoàn hảo biết bao.

Không có ai hết. Hay nói đúng hơn, nhiều người xung quanh ông quá, mà chả ai để ý đến ông. Vợ ông mải đếm tiền, cô làm thuê mải trả lời giá của mấy cái áo, anh giúp việc mải khuân hàng, từ xe vào quầy, từ quầy xuống xe của một ông khách nào đó. Mấy bà già mải trầm trồ cái áo thêu, mấy cô con mọn mải ướm quần cho bé.

Ông cảm thấy buồn, mắt ông ươn ướt. Rồi ông gục xuống bàn, ông khóc hay ngủ ? Ai mà biết được ? Cũng chẳng cần ai biết.

Thực ra ông đang bước vào một giấc mơ.

Hôm đó là một buổi sáng chủ nhật kỳ lạ. Nắng rực rỡ từ rất sớm, chợ rộn ràng ngay từ khi chuyến tàu điện đầu tiên đi ngang qua hàng rào. Dường như cả thành phố đang đổ vào đây.

Vợ ông cũng vội vàng, nàng bảo :
- Hôm nay anh trông hàng hộ em, em phải đi có việc, trưa mới về. Anh chỉ cần để mắt đến lũ ”con ở”, em đã giao việc cho từng đứa rồi.

Và nàng vội vã ra đi.

Ông ngồi sừng sững trong quầy. Vì quá vội, nàng đã cắt mất suất rượu buổi sáng, khiến ông rầu rĩ ngồi ngắm cái đám đông chuyển động trước mặt mình. Kỳ lạ thật, một đám đông đầy ắp người mua mà chả ai nói với ai một lời. Mấy bà già chỉ tay vào mấy cái áo, rồi hất hàm ra hiệu cho cô làm thuê. Cô này vớ lấy cái máy tính bấm tanh tách giơ lên, mấy bà già trả tiền, đi. Cô làm thuê đập vào vai anh giúp việc, anh này hiểu ý đi vào kho rồi lặng lẽ trải áo lôi từ một thùng đầy ắp lên bàn.
- Hừ, làm việc với cái lũ câm điếc này, rồi sẽ có lúc mình tàn tật nốt- Ông bực bội nghĩ thầm.

Không có rượu, ông thấy đời nhạt thếch. Biết làm gì cho hết hai tư tiếng đồng hồ đây ?

Đã từ lâu, rượu thành bạn tri kỷ của ông. Kẻ ngu trong đời không biết uống, cứ gọi đó là ”con ma men”, mà không hiểu đấy là một thiên thần vui vẻ. Anh ta không biết buồn là gì, càng không bao giờ biết chán. Khi nâng cốc lên môi, là ông gọi anh ta tới, rồi cả hai vật lộn với đống chữ nghĩa, vần điệu, viết ngoằn ngoèo lên trí nhớ xiên xiên của ông một bài thơ tùy hứng.

Một độc giả nữ nhí nhảnh bảo ông :
- Em đọc thơ anh xong, em cứ muốn trồng cây chuối như hồi còn bé.

Một nhà thơ có bề dày kinh nghiệm, đứng đắn hơn lại bảo :
- Thơ ngài có hồn, nhưng phiêu lãng. Ngài định dừng lại ở chân trời nào vậy ?

Ông lộn ruột khi nghe vài kẻ đầy ghen tỵ bảo nhau :
- Đấy là rượu viết chứ có phải ông ấy viết đâu. Thử không uống viết xem nào ?

Tất nhiên là ông đã thử viết khi chưa uống, thơ ông lúc đó quả thật na ná giống bài thơ xổ số mà trẻ con thị xã quê ông hay hát.

Dù sao mặc lòng ! Rượu là thơ và thơ là rượu ! Cộng hai thứ đó vào sẽ thành ta !- ông khoái trá nghĩ thầm và vui vẻ hẳn lên.

Ông đứng lên, định đi loanh quanh cho đỡ mỏi, bỗng ông chú ý đến một khuôn mặt thập thò, lúc ẩn lúc hiện sau dãy áo treo. Ông đi tới : một cô gái có mớ tóc dài và đôi mắt đen nhánh như hai hột nhãn lúng túng nhìn ông.
- Em là ai ? Em tìm ai ?- ông hỏi.
- Dạ thưa chú, ấy chết, thưa anh, dạ…- Cô gái ấp úng.

Ông khẽ cau mày :
- Em đẹp như Nàng thơ, trong thơ không có cháu có chú có bác. Tình yêu là vĩnh cửu. Anh và em là mùa xuân của cuộc đời. Hãy mạnh dạn lên xưng Em và gọi Anh !- Vâng, em đồng ý- Cô gái gật đầu- nhưng em đang đi trốn.

Ông giật nảy mình :
- Trốn ? Tại sao phải trốn, em trốn ai ?
- Suỵt, anh nói khẽ chứ, rồi em sẽ kể…

Cô thì thào :
- Anh có tiền không ?

Ông suy nghĩ và bảo :
- Chờ anh !

Ông chạy vào kho, may quá ông sờ thấy túi tiền vợ vẫn giấu trong tủ đá lạnh toát.

Cô gái đợi ông ngoài quầy, cô bảo :
- Anh có dám đi với em không ?
- Đi đâu ?
- Trước hết đi khỏi chỗ này, rồi em sẽ nói…

Ông ngẫm nghĩ, nhìn đồng hồ, vợ ông sắp về. Cô gái đẹp như một nàng thơ hiện hình, lúc khác ông toàn mượn hơi men đi tìm ý trung nhân, giờ đây nàng đứng trước mặt, lẽ nào không theo sao được ?

Thế là giống Bánh Tròn trong chuyện cổ tích ”Bỏ ông tôi đi ! Bỏ bà tôi đi !”

Ông cũng ”Bỏ vợ ta đi ! bỏ chợ ta đi !”
Hai người cùng bước ra đường.
Trong một quán ăn cô gái cho ông biết :
- Em trốn trại hai ngày rồi.
- Tại sao em rơi vào đấy ? - ông ngạc nhiên hỏi.
- Em tự nguyện vào, không phải bị bắt đâu.

Cô kể cho ông nghe, cô trốn khỏi quê nhà cách đây vài năm. Bởi cô muốn biết châu Âu như thế nào, thế giới ra sao. Cuộc sống của thế kỷ hai mốt khác gì thế kỷ hai mươi.
- Thế em thấy những gì ? - ông hỏi.
- Em thấy nhiều thứ lắm, nhưng em chả hiểu gì hết. Y như một người đứng trước một đống sắt vụn, nhận ra đủ loại phụ tùng ôtô, nhưng chịu chết, không hình dung nổi cái xe sẽ được lắp vào như thế nào.
- Thế rồi sao ? - ông sốt ruột.
- Thế là em cứ loay hoay từ ngày nọ qua ngày kia, tháng nọ qua tháng kia, em làm đủ việc, kể cả việc không thích, để sống. Nhưng hình như để hiểu một điều gì đó, em cần quay về.
- Về đâu ? – ông vội vã.
- Về lại nơi từ đó em ra đi, em cần gặp lại mảnh vườn của em.
- Mảnh vườn ? - ông kinh ngạc hỏi.

Cô gái cười bẽn lẽn, cặp mắt hạt nhãn sáng long lanh :
- Anh biết không, nhà em có một mảnh vườn thiêng lắm. Em cứ nằm ngoài vườn một ngày là em biết mình muốn gì. Hồi đi học, mảnh vườn bảo em học nốt, rồi cũng từ đó em quyết định trốn cha mẹ đi nước ngoài lao động.
- Bây giờ em muốn biết gì ?
- Em cần nằm dài một ngày ngoài vườn, rồi sẽ biết.
- Thế ở đây, em không thể biết được ư ? - ông buồn rầu hỏi.
- Không, ở đây tương lai là những câu tự hẹn ước ”mai sẽ nghĩ, để mai”Ở đây có mọi thứ, nhưng không phải là của em, trừ những ý nghĩ. Em đã tự vào trại xin về.
- Anh sẽ đi theo em - ông đột nhiên đề nghị.
- Từ lâu rồi, anh chả biết mình muốn gì nữa, rượu là bạn duy nhất, anh giống lão say trong „Hoàng tử nhỏ”. Một hôm Hoàng tử nhỏ đến một hành tinh, trên đó chỉ có một người duy nhất ngồi giữa đống chai.
- Ông làm gì thế ? - Hoàng tử nhỏ hỏi.
- Ta uống.
- Tại sao ông uống ?
- Ta uống để quên đi
- Quên cái gì ?
- Quên là ta uống.
-Đấy là anh, anh muốn gặp mảnh vườn của em, biết đâu nó nói cho anh một điều gì mới mẻ ?

Thế là họ cùng vào trại, xin về. Trong những ngày chờ đợi hồi hương, ông tuyệt nhiên không nhớ đến vợ, không nhớ đến chợ, mà cũng chẳng thèm rượu. Hình như có một nàng Thơ đã hiện hình, một mục đích nào đấy cụ thể là đủ, ông không cần phải đi tìm cảm giác và ảo ảnh nữa, ông đang sống trong thực tại.

Vậy mà khi về đến quê hương, bước vào mảnh vườn bé nhỏ của cô gái, ông lại ngỡ mình nằm mơ.

Góc vườn mảnh dẻ này mới quen thuộc với ông làm sao, với vài cây đu đủ đang đơm hoa, cạnh bức tường sắp đổ là khóm xương xông trổ những chiếc lá dài đầy gai. Một đàn gà con lông vàng óng đang nhớn nhác theo chân mẹ, và con đường mờ ảo dấu dưới vệt cỏ, chính là con đường dẫn ra bờ sông.

Phải rồi, vào một thuở xa xưa nào đó, ông đã dẫn một người con gái mình yêu thương về thăm quê, đã ngồi với nhau những buổi chiều trong góc vườn này, để nói những lời yêu đương cho một tương lai không đơn độc.

Cô gái thành phố cười nói suốt ngày vì vui sướng. Chỉ đến tối, khi hai người dạo chơi trên con đường nhỏ đầy sao dẫn ra dòng sông, cô mới im lặng và bật khóc.
- Em làm sao vậy ? - ông thiết tha hỏi.
- Em sợ- nàng trả lời.
- Em sợ cái gì ?
- Tương lai ! Em sợ chúng mình sẽ không chịu nổi những bão tố của cuộc đời ! cuộc đời dài lắm anh ơi !

Ôi người đàn bà bé bỏng, những ý nghĩ gì đã đến với nàng trong lúc ấy ? ôi cái tâm hồn nhạy cảm bất hạnh này ?

Ông ôm lấy người vợ tương lai của mình, nâng cằm nàng lên và nhìn vào mắt nàng :- Dù có bất kỳ điều gì xảy ra trong đời, anh cũng không để em buồn đâu. Nhất là phải buồn vì anh thì không bao giờ, em có tin không ?

Nàng gật gật đầu, nhưng nước mắt vẫn tuôn, làm ướt đẫm tay áo ông.

Ông rùng mình tỉnh dậy, vợ ông đang đứng cạnh. Nàng khẽ đưa tay vuốt tóc ông và buồn bã nói :
- Về nhà đi anh, tan chợ rồi !...

Mẩu truyện của cô như một ngọn lửa cháy lan trong chợ. Những người đàn ông chợt nhận ra mình, hoặc nghi ngờ tìm dấu vết để so sánh câu chuyện. Họ đoán già đoán non, đặt nhiều giả thuyết. Rồi đi tìm cô. Một người mời cô vào côngtenơ trò chuyện, muốn trọn vẹn, anh đóng cửa hàng sáng hôm ấy, anh pha trò và kể những câu chuyện rất có duyên. Một chàng khác đột nhiên thích đi theo sau lưng cô để ngắm, khi cô chợt quay lại, anh ta lảng sang hướng khác. Chàng nọ tâm sự với cô rằng, anh cảm thấy thương yêu vợ hơn, sau khi đọc truyện ngắn này. Vài ba người khác nhắn tin.

Chỉ người đàn ông học cùng khóa thuở nào không hề lên tiếng.

Một hôm, bắt gặp anh bên chai rượu cạnh bàn bufe bừa bộn, cô muốn bỏ đi thì đột nhiên anh gọi :
- Ngồi xuống đây một tý đi em ! Em sợ anh à ?
- Không…- cô nói, ngồi xuống, và lập tức đứng lên ngay.

Khi anh rút thuốc, châm lửa, hút, khói mờ bao phủ đôi mắt buồn xa xăm. Khuôn mặt sần sùi xấu xí bỗng rạng một nét cười, rồi thoắt vụt tắt.

Cô bỏ đi, còn nghe sau lưng giọng anh cất cao, lè nhè như một kẻ say chính cống :
- Tao yêu mày ! Tao yêu mày vì tâm hồn mày trong suốt như pha lê, biết chưa em ? biết chưa ?...

Cô tiếp tục giam cầm mình vào những trang giấy, như vậy dường như cô bớt buồn hơn, bớt suy nghĩ và bớt cô đơn.

Cô viết một truyện ngắn khác :

….„ Hoa trắng”

Mỗi lần cầm bút lên, ngồi trước tờ giấy trắng, cô không phải là mình nữa.
Giống như một ngọn núi khi chiều tà, màn sương ập xuống. Vẫn mờ mờ hình dáng ngọn núi ấy, nhưng những rừng cây xanh bên triền núi, con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lên tận đỉnh, chỉ còn là những dấu chấm phẩy mờ nhạt. Màn sương đã vẽ lên một bức tranh huyền bí, ai nhìn vào cũng vương vấn một nỗi niềm bí hiểm và trầm tư, quả thật có gì sau rặng núi đầy sương ấy ?

Quả thật, sau những trang giấy đầy chữ, ai biết gì về cô ?

Suốt ngày cô nói cười vui vẻ, cô hoan hỷ và hài hước. Trái tim cô mở toang như cánh cửa sổ đón nắng ấm và gió, để mặc cho từng tiếng động của cuộc đời tràn vào. Cô sống như một công dân gương mẫu nhất, làm tất cả những việc phải làm, chỉ cảm thấy thân xác rã rời khi đặt lưng xuống ngủ.

Nhưng giấc ngủ tưởng chừng sẽ đến trong giây lát không tới.

Nó lùi dần, nhường chỗ cho một giấc mơ từ thuở còn thiếu nữ, tái hiện lại trong trí não cô…

Một con đường dài tới vô tận, hai bên đường toàn hoa trắng nở rộ. Một chàng trai cao lớn, thanh mảnh chạy phía trước, thỉnh thoảng lại ngoái đầu về phía sau, nhìn cô cười khúc khích, đôi khi chàng đứng lại và chờ đợi, thậm chí còn giơ tay cho cô nữa. Nhưng cô cứ chạy tụt đằng sau, càng cố gắng càng tụt lại xa hơn, đôi khi tưởng đôi tay vươn ra phía trước sẽ chạm vào tay chàng, nhưng không , cô vẫn bị tụt lại. Cô chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt tươi cười, xiết bao yêu dấu trong giây lát, rồi cái ảo ảnh ấy biến mất, chỉ còn mình cô vẫn chạy một mình trên đường. Ôi con đường toàn hoa trắng, và một bóng hình thân thương…

Thế là cô nhảy ra khỏi giường, ngồi vào bàn, và cầm bút.

Những câu chuyện từ đâu trôi đến, những mẩu đời chả liên quan gì đến cô cứ hiện dần trên giấy. Chẳng lẽ vì những điều ấy, cô mất ngủ ?

Cô tuyệt nhiên không nhớ đến giấc mơ hoa trắng của mình.

Nó chỉ tái hiện khi cô buông bút, chui vào chăn và chập chờn thiếp đi.

Đôi khi trong đêm, mắt cô đẫm ướt, và lòng cô tự hỏi :”ta đi tìm ai ?”

Nhưng sáng ra, khi mặt trời rọi nắng vào cửa sổ, cô tỉnh dậy và thoáng mỉm cười vì lũ chim cãi nhau chí chóe ngay bên tai.

Cô lại hăm hở bước vào một ngày mới, với tất cả nhiệt tình của dòng máu hừng hực chảy trong tim.

Bỗng một hôm, đi qua một con đường nhỏ, cô thấy một thùng thư với dòng chữ bên dưới : ”Ở đây nhận đăng các loại bản thảo đã viết. Xin ghi số điện thoại để tiện liên hệ.”

Thế là cô ném tất cả đống giấy cô đã viết vào đấy. Cô giữ lại làm gì kia chứ ? Chỉ một bóng hình trong mơ cô còn chả nắm bắt được, nữa là bao nhiêu mẩu đời sống, cô đã từng biết và sao chép?

Cô cảm thấy lòng nhẹ nhõm, y như thuở còn thơ bé, hay thả lá xuống dòng nước, để chúng biến thành những con thuyền trôi đi thật xa…

Rồi ngày ngày, cô đều đặn tới thùng thư. Ngày nào cô cũng phải viết, bởi sau một ngày hoan hỷ, cô không thể không thông báo với thế giới, cô tồn tại để làm gì.

Cho đến một hôm, từ đầu giây điện thoại, một giọng nói trong trẻo báo với cô rằng : họ đã biên tập tất cả những bài viết của cô, in vào một quyển. Ban biên tập muốn được trao tận tay cô cuốn sách, và chút phần thưởng họ dành cho cô.

Cô náo nức chờ ngày được hẹn.

Trong đêm mất ngủ cuối cùng, chẳng hiểu sao, cô viết lại toàn bộ giấc mơ hoa trắng của mình. Một giấc mơ thanh xuân có dáng hình người con trai tươi trẻ, cô chưa một lần với tay tới anh, để cùng nhìn vào gương mặt rạng rỡ của nhau mà cười phá lên, y như những buổi ban ngày vui vẻ, chụm đầu soi mắt nhau, rồi tay trong tay tung tăng trên con đường vô tận trải đầy hoa trắng…

Cô cắp tập giấy vào nách và rón rén đi đến nơi hẹn.

Đấy là một tòa nhà đồ sộ, với cánh cửa cao vút đầy song sắt. Cô bấm chuông. Có tiếng nói cười lao xao bên trong vọng ra, khi cửa bỗng vụt mở. Cô ngước mắt nhìn những người đàn ông trong Ban biên tập đang nhất loạt đứng trước mặt cô, mỗi người một vẻ. Người thì có dáng bệ vệ với cái bụng phệ, và cái đầu hói. Người nở nụ cười thật tươi, khi quầng mắt sụp xuống đã viền những đường vòng cung. Người thì xộc xệch trong bộ quần áo nhàu nát, dấu tích của công việc không ngơi tay…

Cô không thể nhìn rõ họ có bao nhiêu người, với những bộ dạng như thế nào nữa, cô nức nở khóc. Những giọt nước mắt rơi lã chã xuống tập bản thảo.

Một người hoảng hốt kêu lên :
- Cô làm sao thế ? Ai đã bắt nạt cô ? Ai đã xúc phạm đến cô, hãy nói cho chúng tôi…
- Không, không ! - cô cố gắng kìm cơn nức nở. –Không phải đâu…chỉ tại trong này - cô chỉ vào tập bản thảo- nhân vật chính của tôi đã chết !...

Một dòng sông lại len lỏi chảy khắp chợ. Đấy là câu chuyện cô vừa viết.

Những người đàn ông của chợ bỗng hoang mang đôi chút. Một cái gì đó họ chưa thực sự nắm bắt được, chưa hiểu hết được, trong đó có đàn bà. Cô biến thành nỗi bí hiểm, chứa sức hút và tạo ra những nỗi niềm tâm sự khác nhau, xô đẩy những tình cảm trái ngược gập gềnh trong trái tim những người đàn ông chợ. Họ rì rào trò chuyện, và lặng ngắt khi gặp cô.

Cô càng lặng lẽ hơn khi đến, lặng lẽ quan sát và rồi lại đi.

Một hôm, cô nhận được mảnh bao thuốc lá. Cô mở ra, đấy là một bài thơ :
- Hoa trắng -

Người thiếu nữ với giấc mơ hoa trắng
Lạc loài vào cõi trần gian
Nàng dâng hiến trong một giây rực rỡ
Giờ đây ca khúc riêng mình

Người ơi ! Người ơi !
Trinh trắng hát tình ca hoa trắng
Vời vợi
Xa vời
Chới với
Chơi vơi.

Vào một đêm những bông hoa trắng
Nức nở trên đống trắng hoa
Trời đất thương em đổ mưa nổi gió
Giao hoan bất tận nhợt nhòa

Thế rồi cũng đến bình minh
Nhìn sao khát nước hôn tình mắc oan.

Cô tựa lưng vào một gốc cây, tim buốt đi vài giây lạnh toát. Bài thơ của người bạn cùng khóa. Anh đã nhấn chìm anh vào chai rượu, nhưng thơ anh không say.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có một người đàn ông đã đến và đã hiểu.

Từ một góc chợ giời của những năm tháng buồn tủi, những linh hồn quằn quại sống, giãy giụa sinh tồn, muốn dựa vào chữ để an ủi mình, an ủi nhau, để cùng nhau choệch choạng bước tiếp …Có phải vì thế lịch sử về con người luôn đau đớn và bất diệt ?

Một thời gian sau, cô nghe tin anh đã bỏ lại tất cả để về quê hương, nơi có những cơn sóng biển hiền hòa và những gốc dừa lao xao nắng.

Để nghiền ngẫm tiếp chăng, những gì anh và cô đã bàn luận buổi chiều nào : đến bao giờ kiếp sống của anh, của em, của người quê ta mới thôi trôi dạt theo thời thế ?
( 2008.03.04)

Không có nhận xét nào: