Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Kính Chuyển Tin Nóng Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin Việt Nam Hôm Nay: “Bánh xe nào ồn ào, là bánh xe…tệ nhất!” hay “Thùng rỗng kêu to!” Hết còn nổ…vang trời! Đội nữ Việt Nam thua đậm Hà Lan, 0-7! Huấn luyện viên phải thừa nhận, VN còn quá cách biệt, quá xa ở tầm cỡ thế giới! (Hình: Thủ môn Trần Thị Kim Thanh (trái) cản bóng cú sút của tuyển thủ Katja Snoeijs của Hà Lan trong trận đấu vòng loại cuối cùng giữa hai đội ở vòng chung kết World Cup nữ, được đồng tổ chức ở New Zealand và Úc, hôm 1/8. Việt Nam thua 0-7 và chính thức rời giải đấu.) -Đội tuyển Việt Nam bị thủng lưới bảy lần mà không ghi được một bàn gỡ nào trong trận đấu bảng cuối cùng trước đương kim á quân Hà Lan tại giải vô địch bóng đá nữ thế giới mà Việt Nam lần đầu được tham dự.
<!>
Với trận thắng giòn giã 7-0, tuyển Hà Lan đứng đầu bảng E sau vòng đấu bảng, trên cả đương kim vô địch Mỹ, để tiến vào vòng loại trực tiếp trong khi các nữ tuyển thủ Việt Nam kết thúc hành trình tại World Cup đầu tiên mà không ghi được một bàn thắng nào sau cả 3 trận vòng bảng.

Việt Nam thua Mỹ, đội đang nhắm mục tiêu giành danh hiệu vô địch thế giới lần thứ 3 liên tiếp, 0-3 trong trận đầu tiên và thua Bồ Đào Nha 0-2 trong trận tiếp theo.

Đội tuyển Mỹ, dù cũng giành được một xuất vào vòng trong nhưng đã không có được một khởi đầu thuận lợi tại vòng chung kết lần này với vị trí nhì bảng sau khi có hai trận hòa 1-1 trước Hà Lan và 0-0 trước Bồ Đào Nha.

Cũng như Việt Nam, Bồ Đào Nha lần đầu tiên được tham dự World Cup và không thể vượt qua vòng đấu bảng.

Trong trận đấu ngày 1/8, tuyển Hà Lan cho thấy sức mạnh vượt trội của họ so với tân binh Việt Nam, vốn đã bị loại sau hai trận thua trước Mỹ và Bồ Đào Nha, khi ghi được 4 bàn thắng trong 25 phút đầu tiên. Các nữ tuyển thủ Hà Lan ghi bàn thắng thứ 5 trước khi kết thúc hiệp 1 và 2 bàn cuối cùng trong hiệp hai.

Trận đấu cho thấy sự chênh lệch về trình độ rõ ràng khi tuyển Hà Lan, đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng FIFA, khống chế bóng đến 72% thời gian của trận đấu, trong đó họ có 42 cú sút về khung thành của thủ môn Trần Thị Kim Thanh với 17 cú trúng đích. Ngược lại, tuyển Việt Nam, xếp hạng 32 thế giới, chỉ có 5 cú sút mà toàn bộ đều không trúng đích, theo thống kê trận đấu của FIFA.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung cho rằng tuyển Việt Nam thua đậm như vậy “là đúng” vì “trình độ của tuyển nữ Hà Lan hơn nhiều tuyển nữ Việt Nam” mà “không thể so sánh được”, theo VietNamNet.

“Tôi đã sợ rằng khoảng các bàn thắng còn lớn hơn”, ông Chung được Reuters trích lời nói sau trận đấu. “Chúng tôi đã thi đấu hết mình nhưng rõ ràng là chúng tôi không thể thu hẹp khoảng cách giữa chúng tôi và tuyển Hà Lan”.

Vị huấn luyện viên kỳ cựu này thừa nhận trình độ còn thấp của các tuyển thủ Việt Nam nhưng cũng hài lòng vì họ đã thi đấu tốt nhất có thể.

“Chúng tôi đã để thua 12 bàn thắng trong 3 trận đấu (bảng), do đó trình độ của chúng tôi còn thấp thậm chí so với cả các đội bóng khác ở châu Á”, ông Chung nói. “Nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã nỗ lực rất lớn. Trong hành trình (World Cup) này, tôi hài lòng với tinh thần thi đấu của toàn đội”.

Một đại diện khác ở Đông Nam Á tham dự World Cup lần này là Philippines. Đội bóng nữ này đã bất ngờ đánh bại đội đồng chủ nhà New Zealand 1-0 hôm 25/7 và người dân Philippines cũng như đội bóng đã ăn mừng chiến thắng này như thể họ giành cúp thế giới dù cuối cùng họ không lọt qua vòng đấu bảng.

Một đội bóng nữa của châu Á đang có màn trình diễn ấn tượng tại giải đấu này là Nhật Bản. Đội bóng nữ xứ Phù Tang đã có 3 trận toàn thắng để đứng đầu bảng C và lọt vào vòng 1/16 để gặp Na Uy, từng vô địch World Cup, trong trận loại trực tiếp ngày 5/8.

HLV Mai Đức Chung cho biết “bóng đá nữ Việt Nam còn phải làm việc nhiều hơn nữa để khỏa lấp hạn chế chuyên môn” vì ông cho rằng đội tuyển “thi đấu bằng tinh thần Việt Nam nhưng thua kém nhiều về thể hình, thể lực, kỹ thuật, chiến thuật”, theo VietNamNet.

Tuy nhiên, ông Chung cho rằng việc đội tuyển nữ lần đầu lọt vào vòng chung kết World Cup là “khích lệ rất lớn lao với đội tuyển nam” hiện chưa bao giờ được thi đấu ở giải đấu tầm cỡ thế giới này.

“Đội nữ là tấm gương đi đầu giúp đội nam thi đấu tốt hơn, giành quyền tham dự World Cup trong tương lai gần”, ông Chung được VietNamNet trích lời nói.


ĐÔI LỜI VỚI ĐỘI BÓNG NỮ VIỆT NAM
(L.M NGUYỄN HỮU LỄ)

-THC: khi bài này tới tay các bạn thì tuyển nữ VN đã thua tuyển nữ Hòa Lan 7 trái trắng không một trái danh dự
Xin giới thiệu, tôi là một người VN đã sống tại New Zealand trên 30 năm nay và tôi đã ngoài 70 tuổi.

Trước tiên phải nói, tôi rất thương các cháu trong đội bóng nữ VN qua dự giải WWC tại nước New Zealand. Đây là một vinh dự cho nền bóng đá VN vì lần đầu tiên có mặt trong giải lớn nhất này.

Chiều nay, ngày Thứ Ba 01-8-2023, lúc 7 giờ, các cháu sẽ gặp đội Hoà Lan. Đây là trận thứ 3, và cũng là lần cuối các cháu ra sân cỏ. Theo chỗ tôi biết, Hoà Lan là một đội mạnh, nếu không muốn nói là “rất mạnh”! Có người còn nói Hòa Lan còn đáng nể hơn 2 đội đã “ mần thịt ” các cháu trước đây là Mỹ (3 - Zero) và Bồ Đào Nha (2 - Zero) trong 2 tuần qua.

Tôi rất thương và ủng hộ các cháu.


Dù vậy, nếu nói là mong cho các cháu thắng đội Hòa Lan trong trận chiều nay, thì thật tình tôi không dám có cái ước mơ xa xỉ đó như một số cổ động viên "điếc không sợ súng" đã mang cái băng " VIỆT NAM VÔ ĐỊCH" to đùng trên trán ( Xin xem hình kèm theo).

Tôi chỉ ước mong sao tối nay các cháu cố gắng đá lọt lưới đối phương được MỘT QUẢ, (dù chỉ MỘT QUẢ thôi! ) , để các cháu và cả nước VN có được cái khoái cảm ngây ngất và có lý do ăn mừng vì Đội Tuyển VN ghi được MỘT BÀN THẮNG trong giải WWC tại New Zealand.

Sở dĩ 2 trận đấu trước đây tôi không dám ủng hộ các cháu, không phải vì tôi không thương các cháu, hay không ủng hộ đội VN. Nhưng nếu đội VN thắng thì trong sân bóng sẽ diễn lại cái cảnh con gái VN…tuột quần ra, tay cầm hình bác Hồ “khoe hàng” trước mặt bàng dân thiên hạ, như đã xảy ra tại Thái Lan năm nào!

Tôi rất sợ cái cảnh đàn bà con gái VN trần truồng như nhộng, chạy la hét ỏm tỏi. Cũng may là các cháu không đá lọt lưới đối phương lần nào trong hai trận đó. TÔI BỊ…HÚ VÍA!

Chiều tối nay, cho dù các cháu có đá lọt lưới Hoà Lan dù chỉ một quả thôi, hay đè bẹp Hòa Lan “tơi bời hoa lá” đi nữa thì cũng không có màn con gái VN lột quần lột áo “bày hàng”! Tôi biết chắc như vậy, vì ai cũng biết đội tuyển VN đã bị “ ra rìa ” sau khi thua Bồ Đào Nha 2 -Zero hôm thứ Năm 27 tháng 7, sau đó Đội tuyển VN đã đóng gói, cân hành lý xong cả rồi.

Trận tối nay Đội tuyển VN chỉ đá “giúp” cho Đội Tuyển Hoà Lan được ngoi lên đầu bảng thôi; dù các cháu có thắng hay thua thì…máy bay cũng đang nổ máy chờ phái đoàn Đội Tuyển VN ở phi trường Auckland. Còn thời gian đâu, và có do gì và để các cô gái Việt Nam…tuột quần?

Auckland, New Zealand
Ngày 01 tháng 8 năm 2023
Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ


Thời mạt pháp, Phật Giáo dưới chế độ Cộng Sản: ‘Sư quốc doanh’ thao túng tâm lý bá tánh như thế nào?
(Thái Hạo)


(Hình: Thích Trúc Thái Minh)

-Ý kiến nói những thứ cần nói thì nhiều sư sãi ngày nay tuyệt nhiên không nói đến, mà họ dùng địa ngục, dùng nghiệp báo để đe dọa; dùng phước đức để quyến rũ; và dùng chính họ (sư) để quy về.

Chắc có nhiều người sẽ thấy vô cùng khó hiểu khi chứng kiến một đám đông quỳ lạy và tranh nhau đưa tiền cho một ông sư, gọi đó là cúng dường.

Họ mê tín hay cuồng tín? Không, khoan nói chuyện đó. Họ bị thao túng tâm lý.

Thao túng tâm lý, hiểu nôm na là dùng các biện pháp, thủ đoạn để thay đổi hành vi hoặc nhận thức của người khác, nhằm mang lại lợi ích cho mình. Việc sử dụng các kinh sách nhà Phật rồi giảng giải thiên lệch, làm đối tượng trở nên tin tưởng, lo âu, hoặc sợ hãi, từ đó mà điều khiển họ chính là một ví dụ điển hình cho chiến lược thao túng này.

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là một kinh Đại Thừa được truyền bá và thuyết giảng phổ biến bậc nhất trong các chùa chiền hiện nay ở Việt Nam. Kinh này nói gì? Nói về nhân – quả. Trong đó mô tả chi tiết các tội báo khủng khiếp do nghiệp ác gây ra; và đồng thời dạy về cách “giải” những tội báo ấy. Một trong những cách giải linh nghiệm và thù thắng nhất chính là bố thí, cúng dường. Không bàn về tính chân ngụy của bộ kinh, ở đây nói chuyện khác.


Chùa Ba Vàng báo cáo “doanh thu” 4,1 tỷ đồng tiền cúng dường mỗi tháng

Xem kinh dạy thế nào. Ví dụ: “Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thời được vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu.”

Nhiều vị sư thời nay sẽ dựa vào những câu như thế để thuyết, làm cho mọi người không những tin rằng mình đang tự cứu mình khi cúng dường, mà hơn thế, còn nghĩ rằng chính các vị sư ấy đang giúp chúng sinh gieo trồng phước đức vì đã đại lượng mở lòng từ bi sẵn sàng nhận cho chúng sinh!

Tuy nhiên, các vị sư này đã không nói hết, họ chỉ nói một phần nhỏ và giảng giải sai lệch nội hàm. Ví dụ, họ sẽ không nói gì đến mấy chữ “thiện nam, thiện nữ.” Thế nào là thiện nam thiện nữ? Phải trọn vẹn đạo làm người (không sát, trộm, tà dâm, say sưa, nói dối), kính thờ cha mẹ, thương yêu mọi người… Nghĩa là để việc cúng dường trở nên có giá trị thì phải tu thân tu tâm cho tốt đã. Đó là ý trong Kinh, nhưng sư sãi tuyệt nhiên không giảng đến.


Thích Nhật Từ thường rao giảng đạo lý nhưng lại đưa nhiều cáo buộc nhắm vào Tịnh Thất Bồng Lai

Họ cũng sẽ lờ đi điều đầu tiên được nói trong kinh Địa Tạng: “Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn” mà “mở tâm từ bi lớn, vui vẻ” bố thí thì “được phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.” Nghĩa là bố thí cúng dường trước tiên cần phải hướng đến những người nghèo khổ, thiệt thòi trong xã hội.

Họ cũng lờ đi cách thức bố thí cúng dường. Kinh luôn nhắc đi nhắc lại về “cái tâm” khi cho đi. Đó là cái tâm vô tư, không mong, không cầu, tuyệt đối không tơ tưởng đến phước báu hay quả lành gì hết, thì mới có tác dụng.

Họ cũng lờ đi mục đích của việc bố thí cúng dường, đó là hồi hướng. Hồi hướng nghĩa là mỗi khi làm việc gì tốt đẹp thì chỉ luôn nghĩ đến người khác, vì người khác mà làm, vì những điều cao cả mà làm; không màng danh lợi cho bản thân. Tức, bố thí là một cách để gột rửa thân tâm, thoát ra khỏi lòng tham, từ đó mà tự tại an vui.

Họ cũng lờ hẳn đi rằng chỉ có cúng dường cho Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác – tức những bậc đức hạnh và có đạo lực sâu dày thì mới mang lại ý nghĩa. Điều ấy cũng có nghĩa là mang tiền đi cúng cho những kẻ hư hỏng, đốn mạt là ngu si và đang tạo tội chứ không ích lợi gì.


‘Sư quốc doanh’ thao túng tâm lý bá tánh thế nào?

Những thứ cần nói như trên thì nhiều sư sãi ngày nay tuyệt nhiên không nói đến, mà họ dùng địa ngục, dùng nghiệp báo để đe dọa; dùng phước đức để quyến rũ; và dùng chính họ (sư) để quy về. Những thủ đoạn này đang được sử dụng một cách phổ biến, khiến người đi chùa nhận thức sai lạc, sinh tâm lý khiếp nhược, từ đó mà bị dẫn dắt và thao túng.


Sức khỏe ông Lê Tùng Vân ‘như ngọn đèn treo trước gió
(Đặng Đình Mạnh)


(Hình: Ông Lê Tùng Vân và Luật sư Đặng Đình Mạnh tại một phiên tòa)

-Luật sư tiết lộ, hiện nay sức khỏe của ông Lê Tùng Vân rất tệ. Ông nằm suốt, thể trạng lúc tỉnh lúc mê, tinh thần lúc sáng suốt lúc quên, ông ăn uống rất ít hoặc thậm chí thường xuyên bỏ bữa không ăn… Có thể nói ông cụ lúc này như “ngọn đèn leo lét trước gió”.

Đến nay, đã có sáu thành viên của Thiền Am bị tuyên án có tội theo điều 331 bộ luật hình sự. 5 trong số họ đang phải chịu cảnh tù đày. Người còn lại là ông cụ Lê Tùng Vân cũng bị tuyên hình phạt 5 năm tù. Nên chúng tôi đã làm thủ tục yêu cầu hoãn thi hành án do tuổi cao, sức yếu.

Hiện nay sức khỏe của ông cụ rất tệ. Ông nằm suốt, thể trạng lúc tỉnh lúc mê, tinh thần lúc sáng suốt lúc quên, ông ăn uống rất ít hoặc thậm chí thường xuyên bỏ bữa không ăn… Có thể nói sinh mạng ông cụ lúc này như ngọn đèn leo lét trước gió.

Song song đó, có trường hợp thứ bảy là bà Lê Thu Vân cũng đã bị khởi tố theo tội danh điều 331, nhưng chưa xét xử.

Ông Lê Tùng Vân bị kết án 5 năm tù nhưng hiện đang tại ngoại do sức khỏe yếu

Ngoài ra, Thiền Am cũng đang phải đối diện một vụ kiện dân sự khác về việc đòi lại con cho dù cháu vẫn được chăm sóc tốt, được ăn học đầy đủ.

Nhưng như vậy vẫn chưa phải là hết. Chúng tôi ước đoán lại sắp có tai họa đến với Thiền Am để tiến đến mục tiêu sau cùng của kẻ xấu là xóa sổ Thiền Am.

Thế thì, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Nguyên nhân nào mà Thiền Am bị truy bức đến như vậy?

Về cáo buộc “loạn luân”, tôi chỉ nêu tóm tắt: “Nếu sống trong xã hội mà không lên án vấn đề loạn luân là vô đạo đức. Nhưng nếu tin rằng Thiền Am có loạn luân mà không cần đến chứng cứ là vô lý trí”.

Với ý kiến cho rằng việc tôi lên tiếng về Thiền Am sẽ có hại cho Thiền Am hơn là bảo vệ họ, tôi chỉ hỏi lại điều này:

Nếu bạn im lặng, tất cả chúng ta đều im lặng thì có cứu được Thiền Am? Có tránh được các bất công và tội ác đang gieo xuống Thiền Am?

Câu trả lời đương nhiên là không.

Nếu không muốn nói sự im lặng của chúng ta chẳng khác gì sự đồng lõa với bất công và tội ác.

Napoléon Bonaparte – Một trong những vị hoàng đế được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử nước Pháp, ông ấy nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.

Bạn có thể chọn cách im lặng với bất công, với tội ác để tự huyễn hoặc rằng mình đang cứu Thiền Am. Đó là quyền của bạn. Tôi thì không, tôi chọn cách lên tiếng để thế giới biết về sự bất công và tội ác mà Thiền Am đang phải gánh chịu. Đó là quyền của tôi.

Nếu không, việc tôi may mắn có sự tự do chẳng còn mấy ý nghĩa.


Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) muốn giúp Việt Nam xóa bỏ nạn buôn người!

*Nhưng làm sao khi nhà cầm quyền CS không muốn từ bỏ mối lợi lớn, sống trên xác người này! Khi trưởng phái đoàn IOM tuyên bố: “Mua bán người vẫn là một trong những tội phạm sinh lợi lớn nhất và lợi dụng điểm yếu của bất kỳ nhà cầm quyền nào, bất kỳ ai!”


(Hình: Một biểu ngữ tuyên truyền chống buôn người tại Việt Nam.)

-Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh mục tiêu xóa bỏ nạn mua bán người tại Việt Nam, Trưởng phái đoàn IOM Park Mihyung nói với Thông tấn xã Việt Nam nhân Ngày Thế giới Phòng chống Buôn bán Người hôm 30/7.

“Mua bán người vẫn là một trong những tội phạm sinh lợi nhất và lợi dụng điểm yếu của bất kỳ ai”, bà Park Mihyung nói tại lễ phát động ngày Toàn quốc phòng, chống mua bán người (30/7).

Theo người đứng đầu IOM tại Việt Nam, tình trạng mua bán người qua biên giới đang ngày càng gia tăng và phức tạp. Nạn nhân bị mua bán không chỉ là phụ nữ và trẻ em như trước đây, hiện nay số nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều hơn.

“Chúng ta cần tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng và tăng cường tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến này. Chỉ khi được trang bị đầy đủ, chúng ta mới có thể giúp đỡ mọi người. Từ đó, chúng ta mới có thể tiến tới một tương lai mà mọi người đều được bảo vệ, được trao quyền và có khả năng để tự xây dựng tương lai cho chính mình, để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Park Mihyung nói.

Đại diện IOM cho biết với mục tiêu hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, tổ chức này đã phối hợp với các cơ quan chính phủ và tổ chức địa phương để giúp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của cá nhân và cộng đồng trước nạn buôn bán người thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường tiếp cận tư pháp, hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân.

Vì vậy, từ năm 2018-2022, dự án đã nâng cao năng lực cho hơn 1.700 đối tượng chống mua bán người, nâng cao nhận thức của hơn 2,93 triệu người về phòng chống mua bán người và di cư an toàn, giúp 1.680 người tiếp cận các cơ hội việc làm tại địa phương và con đường di cư lao động phổ thông.

Ngoài ra, IOM cùng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Microsoft trong việc phát triển, quảng bá nền tảng học tập điện tử congdanso.edu.vn; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam trong cuộc chiến chống buôn người; giúp đưa người di cư trái phép trở về và hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng.

Việt Nam là một trong những nước được chú ý về tình trạng buôn người, đặc biệt sau khi xảy ra vụ 39 nạn nhân bị chết ngạt trong một xe container đông lạnh ở Anh vào năm 2019.

Theo tổ chức Chống Buôn người Quốc tế, tình trạng buôn người từ Việt Nam sang Vương quốc Anh đang ngày càng gia tăng. Phần lớn bị đưa vào các cơ sở sản xuất cần sa, tiệm làm móng và ép buộc làm gái mại dâm. Đa số các nạn nhân buôn người còn rất trẻ, đôi khi là trẻ em, rất dễ bị bóc lột dưới bàn tay của những kẻ buôn người với những lời hứa hão huyền về những công việc hấp dẫn và lương cao. Chính sự tự nguyện của các nạn nhân, vốn phần lớn xuất thân nghèo khổ, đã gây ra những thách thức và khó khăn cho giới hữu trách Anh trong việc trấn áp tội phạm buôn người.

Vào tháng 3 vừa qua, Anh đưa ra một báo cáo cho biết hàng trăm nạn nhân của nạn buôn người đã mất tích sau khi họ được giới thiệu đến chương trình của chính phủ Anh được thiết kế ra để bảo vệ họ, phần lớn trong số nạn nhân trưởng thành là người Việt Nam.


Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, 4 người chết: Nguyên nhân là đồi sầu riêng ở phía trên?


-Lở đất làm chết 4 người ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, hôm 30/7; bên trên điểm sạt lở có một đồi sầu riêng.

Sau khi xảy ra vụ sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, làm 3 viên cảnh sát giao thông và 1 người dân thiệt mạng, đang có những nghi vấn của báo giới và dư luận Việt Nam về sự liên quan của một đồi sầu riêng nằm ngay phía trên nơi sạt lở.

Báo chí Việt Nam cho biết một vùng đất rộng ước tính hàng trăm mét vuông với khối lượng hàng trăm tấn đất đá đã đổ xuống một đoạn của đèo Bảo Lộc vào chiều ngày 30/7, vùi lấp một trạm cảnh sát giao thông và làm chết 4 người. Sau gần 1 ngày, vào trưa 31/7, các nhân viên tìm kiếm cứu nạn đã đưa thi thể của tất cả các nạn nhân ra ngoài.

Địa điểm xảy ra sự việc nghiêm trọng kể trên thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, giáp ranh với xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc.

Theo các cơ quan báo chí trong nước, bao gồm cả Lao Động, Dân Trí, Tuổi Trẻ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh…, điều đáng chú ý là ngay phía trên nơi sạt lở là “một đồi sầu riêng, không có cây rừng bao phủ”.

Các bản tin của Lao Động và Dân Trí dẫn lời ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Đạ M’ri, cho hay vào chiều 31/7 rằng vườn sầu riêng nêu trên thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Lộc, cư trú trong cùng thị trấn.

Vị chủ tịch thị trấn nói với Lao Động và Dân Trí rằng bà Lộc đã sinh sống tại khu vực này mấy chục năm nay, bắt đầu canh tác ở ngọn đồi nói trên từ trước năm 1985 đến nay, và trồng cà phê, mít, bơ, còn sầu riêng “bà mới trồng lại tại đây”.

Nói thêm về hiện trạng đất tại vùng đồi trồng sầu riêng của bà Lộc, Chủ tịch Chinh cho biết rằng vào năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định đưa diện tích đất này ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp. Một bài báo của Tuổi Trẻ cũng nói rằng khu đồi sầu riêng là đất ngoài lâm nghiệp.

Theo Dân Trí, khu đất trồng sầu riêng rộng khoảng 1 hectare với tuổi đời cây khoảng từ 3 đến 4 năm tuổi, bao quanh vùng trồng sầu riêng là rừng tự nhiên. Trong khi đó, quan sát của báo Lao Động cho thấy “xung quanh khu vực sạt lở không còn các lớp thảm thực vật dày đặc như các khoảnh rừng liền kề ở khu vực đèo này”.

Theo quan sát của VOA, nhiều người dân Việt Nam - bao gồm cả các Facebooker có nhiều ảnh hưởng như các ông Võ Xuân Sơn, Nguyễn Ngọc Vinh, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Đình Bổn, Đỗ Cao Cường… - đặt câu hỏi vì sao lại có thể cho phép chặt cây rừng và trồng sầu riêng ở một nơi trọng yếu như vậy.

Tỉnh Lâm Đồng huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện để tìm kiếm người mất tích do sạt lở đất tại Trạm CSGT đèo Bảo Lộc. Bước đầu, đã tìm thấy 3 thi thể, lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích còn lại.


Họ cho rằng phá rừng làm vườn đã dẫn đến một kết cục bi thảm nhưng đó là một tương lai được báo trước.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Facebooker có nhiều bình luận về thời cuộc với số người theo dõi lên đến gần 100.000, nói với VOA rằng ông có nhà ở Đà Lạt và thường đến đó nghỉ ngơi nên ông đã nhiều lần đi qua nơi vừa xảy ra vụ sạt lở.

Những khi qua đó, ông đều thắc mắc tại sao ở một nơi đáng ra phải là rừng phòng hộ lại có việc “chặt trụi cây rừng để trồng cây công nghiệp, cây ăn trái” như vậy.

“Có lẽ đây không phải là nơi duy nhất ở đèo Bảo Lộc có những khoảng rừng bị chặt trụi, để trồng cây công nghiệp hay cây ăn trái”, ông nói với VOA và nêu ra chất vấn “Sẽ còn bao nhiêu vụ sạt lở khác nữa? Sẽ còn bao nhiêu người phải bỏ mạng trong những vụ sạt lở như thế này nữa?”


Trên trang cá nhân mang tên “Vinh Râu” có hơn 22.000 người theo dõi, cựu nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh thể hiện sự bất bình về điều mà ông cho rằng “chính quyền địa phương đã làm ngơ cho dân phá rừng để trồng sầu riêng”.

Ông viết rằng “vì mất rừng nên đoạn đường đèo trọng yếu này bị sạt lở khi mưa gió làm chết 3 cảnh sát giao thông và 1 người dân”.

Trong quan điểm của ông Vinh, chính quyền địa phương cũng như kiểm lâm là “thủ phạm gián tiếp gây ra những cái chết vô tội này” và họ “cần phải bị quy trách nhiệm và trừng trị để răn đe những kẻ cầm quyền không cai quản tốt địa bàn mình phụ trách”.

“Có thế, kỷ cương phép nước mới được lập lại”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tuổi Trẻ, khi được hỏi liệu có phải khu trồng sầu riêng là nguyên nhân chính gây vụ sạt lở chết người, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng “không có cơ sở”. Báo Tuổi Trẻ không cho biết tên và chức vụ cụ thể của vị lãnh đạo.

“Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực”, Tuổi Trẻ trích dẫn lại lời của vị lãnh đạo.

Một phó thủ tướng Việt Nam, ông Trần Lưu Quang, đã đến hiện trường vụ sạt lở, báo chí trong nước cho biết hôm 31/7. Ông Quang chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng mời các chuyên gia địa chất xác định nguyên nhân vụ sạt lở, đồng thời, đánh giá địa chất toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc và các tuyến đèo quanh tỉnh Lâm Đồng để có giải pháp lâu dài.

"Đây là bài học không chỉ riêng cho Lâm Đồng mà cho cả nước", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói, được báo chí dẫn lại.


Hèn đến thế! Vở ‘Tiếng Trống Mê Linh’ chống Tàu nên bị Sở Văn hóa Hà Nội làm khó đủ điều!


(Hình: Ngọc Huyền và Kim Tử Long trong vở 'Tiếng trống Mê Linh' diễn ra đêm 15/10/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội)

-Do vở cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” có nội dung chống Tàu, nên ban tổ chức bị Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ, khiến họ chỉ bán được 200 trong số 1.100 vé hồi giữa tháng 10 năm ngoái.

Báo đảng hôm 1/8 cho hay, Tòa án thành phố Hà Nội xét xử vụ án hành chính giữa công ty Truyền thông Vietart và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Theo đơn kiện, Vietart cho rằng, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn chương trình “Ngôi sao Phương Nam 10: Vở cải lương Tiếng Trống Mê Linh”, Sở Văn hóa Hà Nội có hành vi kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Tuy đây là vở cải lương kinh điển nhưng Sở Văn hóa đưa ra yêu cầu chỉnh sửa kịch bản, cụ thể là chỉnh sửa một số từ ngữ, lời thoại cho phù hợp với… văn hóa miền Bắc, về cách thức xưng hô, hay phong cách nhân vật.

Hậu quả là Vietart không còn đủ thời gian để bán vé, quảng cáo, chịu lỗ toàn bộ chi phí tổ chức chương trình.

“Hai đêm biểu diễn chúng tôi xuất 1.100 vé nhưng chỉ bán được 200 vé do không kịp thời gian quảng bá tới công chúng. Chúng tôi phải mang vé đi biếu, tặng, trung bình giá vé là 1.000 đồng,” đại diện Vietart cho biết.

Ngoài ra, Sở Văn hóa Hà Nội yêu cầu phải tổng duyệt chương trình trước ba ngày diễn ra là không hợp lý vì đòi hỏi này “đội chi phí ăn ở, đổi vé máy bay… cho nghệ sĩ và ê-kíp từ Sài Gòn ra”.

Theo Vietart, thông thường việc tổng duyệt diễn ra trước một ngày hoặc sáng, chiều cùng ngày biểu diễn.

Ngoài ra, Vietart cũng cho rằng, Sở Văn hóa Hà Nội yêu cầu đơn vị thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả vở cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” là vi phạm quy định về thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Vietart khởi kiện, yêu cầu Sở Văn hóa Hà Nội bồi thường thiệt hại 672,8 triệu đồng tiền chi phí sản xuất chương trình và 1.000 đồng tiền bồi thường về danh dự cho công ty. Ngoài ra, Vietart yêu cầu Sở Sở Văn hóa Hà Nội phải xin lỗi công khai.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vietart, Sở Văn hóa Hà Nội không chấp thuận.

“Tiếng Trống Mê Linh” là vở cải lương kinh điển tại Việt Nam, được công diễn lần đầu tiên năm 1977. Nội dung của vở nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam. Vở diễn đã góp phần tạo dựng tên tuổi cho Thanh Nga và Thanh Sang.

Trong vở tuồng, có đoạn Trưng Trắc cất lên lời hiệu triệu: “…Hỡi đồng bào trăm họ / Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước / Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang / Thà chết mà đứng thẳng / Không cam chịu sống quỳ / Đất nước Nam cẩm tú / Người dân Nam anh hùng / Trước đền thờ Quốc Tổ / Thề hy sinh giết giặc cứu non sông / Xin thề!”

Vở tuồng chấm dứt khi quân Nam đuổi hết được quân Hán ra khỏi bờ cõi và Trưng Trắc tuyên bố “Hãy nổi trống đồng, cho con cháu ngàn sau tiếp nối hồn thiêng giống nòi bất khuất… Đất nước Nam độc lập muôn đời!”


Có chút biến chuyển? Tổng Thống Biden hé lộ: Lãnh Đạo CSVN Muốn Gặp Ông Tại G20 Để Nâng Cấp Quan Hệ!


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Maine hôm 28/7/ 2023.)

-Vào ngày 28/7/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết lãnh đạo Cộng sản Việt Nam muốn gặp ông tại hội nghị thượng đỉnh khối các nước G20 vào tháng 9 ở thủ đô Tân Ðề Ly của Ấn Độ, để thảo luận vệ việc nâng cấp quan hệ song phương.

Thông tấn xã Reuters loan tin ngày 29/7 dẫn nguyên văn lời Tổng thống Biden rằng: "Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, hết sức mong muốn gặp tôi khi tôi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20. Vị này muốn nâng quan hệ với chúng tôi lên làm một đối tác quan trọng, cùng với Nga và Trung Quốc". Phát biểu của Tổng thống Joe Biden được đưa ra với hàng chục nhà tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử chức Tổng thống của ông tại một sự kiện diễn ra ở Freeport, Maine.

Vào tháng tư vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại một cuộc gặp cũng bày tỏ mong muốn tăng cường mối quan hệ vào khi Hoa Thịnh Ðốn tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở Á Châu nhằm đối trọng lại với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Lúc đó, ông Blinken bày tỏ hy vọng việc tăng cường quan hệ Việt- Mỹ có thể xảy đến "trong những tuần và tháng tới".

Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn chưa phúc đáp cho thông tấn xã Reuters yêu cầu bình luận về phát biểu vừa nêu của Tổng thống Biden.

Hoa Kỳ làm việc với Việt Nam để nâng quan hệ lên mức đối tác chiến lược từ quan hệ toàn diện được thiết lập từ 10 năm qua; mặc dù phía Việt Nam cẩn trọng xét về nguy ngơ làm Trung Quốc mất lòng.

Các giới chức chưa cho biết mối quan hệ nâng cấp giữa hai phía sẽ mang lại cụ thể những gì; nhưng các chuyên gia thì cho rằng quan hệ chiến lược như thế bao gồm hợp tác quân sự được tăng cường và nguồn cung cấp vũ khí Hoa Kỳ cho Việt Nam.

Hoa Thịnh Ðốn và các công ty quốc phòng Hoa Kỳ công khai cho biết họ muốn tăng cường nguồn cung quân sự cho Việt Nam, mà đến nay chỉ mới giới hạn trong số tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện. Việt Nam hiện cũng muốn đa dạng nguồn cung khỏi nước Nga, nguồn cung cấp chính vũ khí cho Việt Nam.

Tuy nhiên, những thỏa thuận về quân sự với Hoa Kỳ còn vấp phải nhiều trở ngại, trong đó có khả năng bị các nhà Lập pháp Mỹ chặn lại. Đó là những nhà Lập pháp chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam.


Việt Nam tôi đâu? Dân Việt bỏ tiền triệu đi coi Blackpink và qua Hàn làm Osin!
(Thái Hạo)


(Hình: Hàng vạn khán giả đến xem nhóm Blackpink lần đầu trình diễn tại Hà Nội đêm 29/7

-Ý kiến nói để có những nhóm nhạc như Blackpink, xã hội, chính trị, giáo dục của xứ Nam Hàn phải được xây dựng trên tinh thần thiết thực, văn minh, khai phóng, chứ không phải quanh năm chạy theo thành tích giả để báo cáo cho nhau nghe rồi ngồi vỗ tay trong tiếng rao xao xác của những gánh hàng rong giữa trưa hè nhễ nhại.

Năm 2021, Blackpink thu nhập từ YouTube lên đến 11.6 triệu USD, dù nhóm này chưa phải đã là đầu bảng trong danh sách kiếm tiền từ kênh nghe nhạc trực tuyến nói trên. Khủng như vậy, nhưng đây chỉ là một nguồn thu phụ của các nhóm nhạc K-Pop xứ Hàn.

Hai thập kỷ qua, sự tăng trưởng liên tục của kinh tế Hàn Quốc có sự đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp giải trí. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới, nhất là âm nhạc, đã vực dậy hình ảnh và kinh tế nước này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Các nhóm K-Pop kiếm tiền như nước. Mỗi lần ra một album, nhóm nhạc và công ty có thể bỏ túi hàng trăm tỷ đồng, nhưng đó vẫn chưa phải nguồn thu chính. Việc quảng cáo cho một nhãn hàng có thể mang về cho mỗi nhóm số tiền hàng trăm thậm chí đến cả ngàn tỉ đồng/năm. Mà họ thì không chỉ quảng cáo cho một thương hiệu!

Đóng phim, làm MC, tham gia chương trình thực tế… cũng thu về số tiền khổng lồ. Các nền tảng nhắn tin, trò chuyện trực tiếp với các idol cũng được sinh ra và khiến tiền chảy về như thác lũ. Tính đến tháng 9/2019 số lượng người dùng Weverse đã vượt 150 triệu người và thu về gần 590 tỷ VND. Sau đó tăng vọt lên hơn 2.100 tỷ VND chỉ trong nửa đầu năm 2020.


Ngay cả trong đại dịch, vì không thể lưu diễn, tháng 1/2021 Blackpink đã tổ chức một đêm nhạc trực tuyến và kiếm được hơn 10.5 triệu USD.

Và bây giờ thì họ đến Việt Nam.

Việc kiếm tiền không nên hiểu thô sơ rằng chỉ là tiền mặt thu về từ những hoạt động trực tiếp như vừa điểm qua. Độ phủ sóng của ngành công nghiệp K-Pop không chỉ ở các lĩnh vực thời trang, công nghệ, ẩm thực, du lịch, làm đẹp mà ngày nay còn ở cả văn hóa, chính trị, thể thao. Nó kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều ngành nghề, thúc đẩy các mặt hàng Hàn Quốc chiếm sóng trên thế giới.

Trong lúc giới trẻ Việt đang sung sướng đến ngất xỉu khi được nhìn thấy thần tượng của mình trên đất thủ đô “ngàn năm văn hiến” và những người già thì đang càm ràm về đủ mọi chuyện trịnh trọng, thì tiền vẫn không ngừng chảy vào túi Blackpink giữa lúc dòng người An nam vẫn ùn ùn kéo qua Hàn làm osin.

Lại nhớ câu của bà Hiền trong “Một người Hà Nội”: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải lo mà làm ăn chứ”.


Không giàu thì làm sao mà mạnh.

Nhìn vào giới trẻ Hàn Quốc với những Blackpink, ta thấy tài năng, sức sống, óc thực tiễn và một tinh thần dân tộc không nhiều lời.

Tất nhiên, để có những lớp người như thế, xã hội, chính trị, giáo dục của xứ Nam Hàn phải được xây dựng trên tinh thần thiết thực, văn minh, khai phóng, chứ không phải quanh năm chạy theo thành tích giả để báo cáo cho nhau nghe rồi ngồi vỗ tay trong tiếng rao xao xác của những gánh hàng rong giữa trưa hè nhễ nhại.


Giá gạo Thái Lan và Việt Nam tăng cao khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

(Đức Minh)


(Ảnh: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7, Việt Nam xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về 2,39 tỷ USD.)

-Sau khi Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu gạo để kiềm chế lạm phát giá lương thực trong nước, trên thị trường quốc tế lập tức có sự điều chỉnh khi gạo Thái Lan và Việt Nam đều tăng giá so với 1 tuần trước.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 28/7 được giao dịch ở mức 558 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với phiên ngày 27/7 và tăng 25 USD/tấn so với ngày 19/7.

Bên cạnh đó, gạo 25% tấm cũng tăng 25 USD/tấn, từ mức 513 USD/tấn phiên 19/7 lên 538 USD/tấn phiên 28/7. Như vậy, gạo 5% tấm, 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 35,1% và 36,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Hôm 27/7, một tuần sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đã lên 603 USD/tấn, cao hơn 59 USD so với một tuần trước đó và cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa (thóc) hạt dài được thu mua tại ruộng từ 6.650 – 6.750 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với tuần trước), lúa thường từ 6.800 – 6.850 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg).

An Giang là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng gần 4 triệu tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo/năm.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường đã tạo điều kiện cho giá lúa hiện nay ở An Giang cao, dao động từ 6.700 – 6.900 đồng/kg. Đây là cơ hội để nông dân An Giang tăng giá trị từ cây lúa.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tính đến kịch bản giá gạo năm 2008, khi đó có thời điểm lên tới hơn 1.000 USD/tấn.

Năm nay, sản xuất lúa của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7, Việt Nam xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về 2,39 tỷ USD. Giới chuyên gia dự báo 6 tháng cuối năm tiếp tục là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.

Ấn Độ hiện chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, nên việc quốc gia này cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo Basmati) cộng với khí hậu khắc nghiệt hơn tác động xấu đến sản xuất lúa, gạo toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua lương thực phục vụ tiêu dùng và tích trữ đồng thời kéo giá gạo tăng cao trong thời gian tới.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng thứ 3 thế giới nên sẽ chịu ảnh hưởng tích cực từ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu.

Tuy nhiên, cơ hội này cũng đặt ra bài toán cho Việt Nam về việc vừa đảm bảo nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 là cần ít nhất 4 triệu tấn gạo, nhưng vẫn phải cân đối đủ cho việc dự trữ và tiêu dùng trong nước.


Sản Lượng Dầu Thô và Than của Việt Nam Giảm Từ 2021-2030


(Hình: Giàn khoan dầu khí ở mỏ Lan Tây do Rosneft Vietnam điều hành ngoài khơi Vũng Tàu năm 2018.)

-Hôm 28/7/2023, thông tấn xã Reuters dẫn thông báo của Bộ Công thương cho biết sản lượng dầu thô và than của Việt Nam sẽ giảm trong giai đoạn từ 2021 đến 2030.

Cụ thể, thông báo của Bộ Công thương cho biết, sản lượng dầu thô của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 giảm từ mức trung bình 10,17 triệu tấn trong giai đoạn năm năm trước đó xuống còn từ 6-9,5 triệu tấn một năm.

Trong những năm gần đây, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác dầu thô lên một phần là do sụt giảm trữ lượng dầu thô ngoài khơi. Ngoài ra, việc Trung Quốc liên tục gây khó khăn cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam thời gian qua cũng một nhân tố gây ảnh hưởng.

Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng khai thác than đạt từ 41-47 triệu tấn, giảm so với mức trung bình 46.85 triệu tấn trong năm năm trước.

Theo Bộ Công thương, các mục tiêu này nằm trong kế hoạch phát triển đã được phê duyệt gần đây nhằm hỗ trợ cho mức tăng trưởng kinh tế trung bình là 7% trong 10 năm tới.

Kế hoạch được phê duyệt cũng bảo đảm Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng về không cho đến năm 2050.

Kế hoạch từ 2031 đến 2050 của Việt Nam là đạt sản lượng dầu thô từ 7-9 triệu tấn một năm, trong khi sản lượng than sẽ cắt giảm xuống còn 39 triệu tấn vào năm 2045 và 33 triệu tấn vào năm 2050.


Vụ Chuyến Bay Giải Cứu: Cựu Thư Ký Thứ Trưởng Thoát Án Tử Hình, Không Cần Xem Xét Vụ Án Giải Quyết Quyền Lợi Người Dân


(Hình: Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng ra tòa ở Hà Nội vào ngày 28/7/2023.)

-Vào chiều ngày 28/7/2023, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 54 bị cáo trong vụ án tham nhũng liên quan đến các chuyến bay giải cứu công dân thời đại dịch COVID-19. Các mức án bao gồm từ án ít nhất là 15 tháng tù treo cho đến tù chung thân, trong đó ông Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế - thoát án tử hình theo đề nghị của Viện Kiểm sát và chỉ phải chịu mức án chung thân.

Đây là vụ án tham nhũng lớn thuộc diện được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam theo dõi và chỉ đạo.

Trong số 54 bị cáo, có 23 cựu viên chức bị cáo buộc nhận hối lộ, 21 người là lãnh đạo các doanh nghiệp bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu. Những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Số tiền nhận hối lộ của các viên chức Chính phủ trong vụ án này được xác định lên đến 175 tỉ đồng (tương đương hơn bảy triệu Mỹ kim).

Những mức án gây chú ý trong vụ án này bao gồm: Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng - lãnh án 16 năm tù; cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên - mức án tù chung thân, cựu Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cùng án chung thân; cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn lĩnh 5 năm tù về tội "Môi giới hối lộ".

Các bị cáo là chủ doanh nghiệp bị kết tội "Đưa hối lộ" bị phạt từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 11 năm tù giam, đa số đều nhẹ hơn mức phạt Viện Kiểm sát đề nghị.

Ngoài ra, 21 bị cáo nhận hối lộ mỗi người phải nộp phạt 100 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.

Liên quan đến quyền lợi của những người dân đã phải bỏ nhiều tiền mua vé để được về nước trên các chuyến bay giải cứu, Hội đồng Xét xử cho rằng không có cơ sở để xem xét, giải quyết tại vụ án này. Nguyên nhân được nêu là hồ sơ vụ án không có tài liệu; cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua. Chẳng hạn, chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác.

Báo Nhà nước trích kết luận của tòa là "dành cho các công dân đã mua vé quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi cho mình theo quy định pháp luật".


Chính Phủ Kỷ Luật Cảnh Cáo Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng


(Hình: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh.)

-Hôm 29/7/2023, truyền thông nhà nước loan tin cho hay Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh vừa bị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do những sai phạm từ thời ông Minh còn làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam.

Quyết định kỷ luật ông Minh được đưa ra sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có quyết định thi hành kỷ luật đảng ông Minh từ ngày 19/6.

Tại cuộc họp của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào giữa tháng 6 vừa qua, Uỷ ban này đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Xi-măng Việt Nam và ông Bùi Hồng Minh đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành xi-măng Việt Nam, đến mức phải xem xét kỷ luật.


Thanh Hoá: Kỷ Luật Đảng Hàng Loạt Cựu Lãnh Đạo Tỉnh Liên Quan Vi Phạm của FLC


(Hình: Ông Trịnh Văn Chiến (phải) và Mai Văn Ninh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, vừa bị Bộ Chính trị kỷ luật.)

-Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật cựu Bí thư Trịnh Văn Chiến.

Truyền thông nhà nước cho biết hàng loạt cựu lãnh đạo khác của tỉnh Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 cũng bị kỷ luật trong ngày 28/7/2023.

Cụ thể, Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; bà Lê Thị Thìn - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Phạm Đăng Quyền - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trịnh Hữu Hùng - nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh; Hoàng Sĩ Bình - nguyên tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh; Hoàng Văn Hùng - nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ trên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc trong việc cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án sử dụng đất của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Vi phạm của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử kỷ luật và xử hình sự, gây dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Tập đoàn FLC hiện đang bị vướng vào những điều tra do lãnh đạo bị cáo buộc vi phạm pháp luật. Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Một loạt các dự án bất động sản của tập đoàn này ở các tỉnh thành bị xác định có sai phạm bao gồm 7 dự án ở tỉnh Thanh Hóa.


Lai Châu: Khai Trừ Đảng Chánh Thanh Tra Tỉnh Nhận Hối Lộ


(Hình: Ông Nguyễn Thanh Trì.)

-Ông Nguyễn Thanh Trì - Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu - vừa bị Ban Bí thư quyết định khai trừ ra khỏi đảng.

Cuộc họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trì được chủ trì bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, diễn ra trong ngày 28/7/2023 và được truyền thông loan trong cùng ngày.

Tại cuộc họp, Ban Bí thư cho rằng ông Nguyễn Thanh Trì, với cương vị tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận hối lộ, bao che cho cán bộ cấp dưới nhận hối lộ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Vi phạm của ông Nguyễn Thanh Trì gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bất bình, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành thanh tra. Tuy nhiên, tin không cho biết ông Trì nhận hối lộ bao nhiêu và từ các đơn vị, doanh nghiệp nào.

Trước đó, vào tháng 5/2023, Công an tỉnh Lai Châu đã thi hành các quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam; lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Thanh Trì về hành vi nhận hối lộ theo khoản 2, điều 354, Bộ luật Hình sự.


Như Chỗ Không Người! Trung Quốc Tiến Hành Huấn Luyện Quân Sự ở Khu Vực Tranh Chấp ở Biển Đông


(Hình: Chiến hạm Trung Quốc phóng phi đạn trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông - ảnh tư liệu, 2010.)

-Trung Quốc sẽ tiến hành huấn luyện quân sự ở Biển Đông từ ngày 29/7 đến 2/8/2023 trên một khu vực rộng lớn bao gồm quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield, Cục An toàn Hàng hải của nước này cho hay hôm thứ Sáu (28/7). Trung Quốc gọi bãi Macclesfield là quần đảo Trung Sa.

Thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc nói rằng các tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực nêu trên trong thời gian diễn ra hoạt động huấn luyện.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các khu vực có nhiều trữ lượng dầu khí ở Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa, bao gồm 30 hòn đảo, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về một phần quần đảo.

Bãi ngầm Macclesfield - nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 75 hải lý về phía Đông - gồm các rạn san hô và bãi cạn, nằm dưới sự quản lý của thị trấn Tam Sa thuộc Trung Quốc, nhưng Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Việt Nam chưa thể hiện phản ứng về kế hoạch huấn luyện quân sự mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước đây, Việt Nam nhiều lần "kiên quyết phản đối" các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông mà Việt Nam gọi là "các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Bên cạnh việc đưa ra lời phản đối, Việt Nam cũng nhiều lần "yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" và "không tái diễn vi phạm tương tự".

Không có nhận xét nào: