Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Khuất Tất Qua Các Bài Viết Về Tô Hải - Vương Trùng Dương


Lời Ngỏ: Bài viết về Tô Hải vào năm 2009, cách đây đã 14 năm và không còn lưu trữ. Vào cuối tháng 7/2023, trang web Việt Văn Mới của nhà văn Từ Vũ ở Paris vừa post bài viết nầy. Nay nhạc sĩ Tô Hải đã ra người thiên cổ, ông mất ngày 11/8/2018, thọ 90 tuổi. Theo nguồn tin cho biết, ông bị viêm phổi cấp tính phải nhập viện nhưng công an áp lực khong cho nhập viện. Cuộc đời ông đã trải qua nhiều giai đoạn, từ đảng viên, bỏ đảng và khi ở Sài Gòn, ông vào Công Giáo. Ca khúc Nụ Cười Sơn Cước của ông sáng tác năm 1947 được phở biến ở miền Nam VN trước năm 1975. Với tôi, “nghĩa tử nghĩa tận” nên sau khi Tô Hải qua đời mọi điều đã trôi qua theo dòng thời gian, chỉ còn ca khúc Nụ Cười Sơn Cước của nhạc sĩ.
<!>
Bước vào tuổi bát thập, nhạc sĩ Tô Hải (Tô Đình Hải) vẫn còn minh mẫn, xử dụng computer viết lách và post bài trên blog của ông. Qua “tiểu sử cực ngắn” viết ngày 24 tháng 8 năm 2007, ghi lại cuộc đời mình với những dòng dí dỏm:

“... Tiểu sử tớ rất chi là “phức tạp”. Chỉ xin khai tóm tắt một vài dòng. Còn các bạn trẻ có tin hay không, Thì già này cũng đành lòng cam chịu!... Tớ sinh ra tháng 9 năm Đinh Mão. Tính đến nay (81 tuổi ta)! Sự học hành rất thiếu thốn, qua loa. Vì Đế Quốc chỉ cho học vừa đủ. Một cái bằng ông tú chưa hoàn thành (tú tài 2 chưa có!) Có nghĩa là bằng trình độ học sinh Lớp 11, nên tớ dốt hoàn dốt. Không những thế tớ cả đời bị nhốt: trong trường sơ (soeur), trường đạo, trường giòng. Ở gia đình tớ lại bị cấm cung. Cấm đủ thứ, trừ việc đi học nhạc... Đủ các món nào xướng âm, hòa thanh, sáng tác...Tớ chán quá nên bỏ ngang tìm đọc, đủ thứ văn chương, triết học hầm bà làng... Từ Von-Te, Ban-Dăc, đến Sa-Găng. Nên ảnh hưởng đủ thứ ba lăng nhăng trong đầu óc. Gia đình tớ, một gia đình công chức. Suốt cả đời hầu ngoại quốc kiếm ăn... Nên sau này từ cách mạng 45. Được xếp loại là gia đình theo “Địch”! Cá nhân tớ sau này trong lý lịch: Ghi thành phần “tiểu tư sản” rất to. Có nghĩa là luôn chao đảo, mơ hồ, kém “lập trường” dù đã bỏ nhà theo cách mạng! Dù đã được kết nạp Đảng rất sớm! Dù có vài trăm sáng tác được khen. Tớ sống được vượt qua nhiều thành kiến. Nhờ làm ăn tử tế, nhờ sáng tác liên miên. “Tuần chay” nào cũng có nuớc mắt đổ liền. Chiến thắng nào chẳng có tên thằng tớ. Cho đến ngày 30 tháng Tư năm đó. Tớ được về thành phố Bác Hồ... Thì tớ bỗng giật mình rồi nhận ra, coong của mình chính là công con cốc. Cái tên mình chỉ gắn độc môt bài “Nụ Cười Sơn Cước” viết từ thuở 20. Còn tất cả... thế thời đã... xếp só! Tháng 9 mồng 2, nói chung là “ngày giỗ”. Đựợc lôi ra để “cúng cụ” mà thôi. Chiến tranh qua đi, Nhạc của tớ hết thời... Tuổi của tớ 60 không còn kịp “cưa sừng làm nghé”. Gặp thời thế, thế thời phải thế. Tớ xoay sang nghề dịch sách kiếm ăn... Sách tớ dịch sáu cuốn in chạy ầm ầm. Tớ sống khỏe cho đến ngày... hưu trí. Về âm nhạc? Vì còn là nhạc sỹ, một vài năm tớ xuất hiện vài lần... Công xéc tô, sô nát theo com-măng... Mong vực dậy nhạc thính phòng, giao hưởng. Nhưng tiếc thay, tất cả là ảo tưởng. Vì thời nay có lẩm cẩm có điên khùng. Mới vùi đầu trong tổng phổ suốt năm để viết ra những thứ chẳng ai nghe ai dựng! Thế là tớ im re, tớ chịu đựng. Kiếp sống nghèo nhờ vợ bán bánh mỳ. Thêm vào lương hưu trí cứ teo đi... Tớ quyết tâm ẩn danh cho đến chết. Nào ai ngờ gặp thời Internet. Tớ tiêu sầu bằng các trang web đủ mầu! Đang chán phè các câu truyện đâu đâu trên Niu-Uých, trên Lơ-Poăng, trên Lô-Xờ-Ăng-Gơ-Lét... Thì gặp ngay một ông cụ blốc blếc. “Bạn đánh nhau” của tớ từ khi xưa. Tớ quyết định phen này làm blôc-gơ. Mong giúp đỡ lớp trẻ bằng lý thuyết, bằng thực hành, bằng kinh nghiệm, cuộc đời. Và trước mắt tớ chú trọng đề tài vào nhạc rap, đang là nhạc thời thượng. Tiểu sử tớ viết ra mà phát... ngượng. Nhưng cũng xin lớp trẻ hãy luợng tình...”.

Tuy viết vậy nhưng trong quá khứ, ông đã tham gia trong lãnh vực văn nghệ từ thời trai trẻ đến khi về hưu, lập được thành tích nên được nhiều huy chương: Huân Chương Chiến Công hạng nhì, ba; Huân Chương Chiến Thắng hạng ba, Huân Chương Chiến Sĩ Vẻ Vang hạng ba, Huân Chương Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước hạng nhất.

Ở trong nước, tên tuổi nhạc sĩ Tô Hải không xa lạ gì với mọi người nhưng ở hải ngoại, dư âm còn lại với ca khúc Nụ Cười Sơn Cước của ông được sáng tác năm năm 1947, và hình như các ca khúc khác, ít ai đề cập nên tên tuổi được gắn liền với ca khúc thứ hai chào đời năm 20 tuổi.

Ngày 13 tháng 6 năm 2009, cuốn Hồi Ký Của Một Thằng Hèn (HKCMTH) của nhạc sĩ Tô Hải, dày 320 trang do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương do nhà văn Uyên Thao chủ trương được ra mắt tại Little Saigon. Trước và sau thời điểm nầy có nhiều bài viết trái ngược nhau (ca ngợi và lên án...) đã gây xôn xao trước công luận. Sự thật được sáng tỏ khi Tô Hải lên tiếng.

*
Trong mục Sổ Tay Văn Nghệ trên nhật báo Saigon Nhỏ, số ra ngày thứ Bảy, 23 tháng 8 năm 2008, bài viết Lại Chuyện... Tự Do Sáng Tác của tôi khi đề cập đến vài khía cạnh… xảy ra trong trong đời sống của người cầm bút ở quê nhà, tôi trích đoạn bài phiếm của người bạn cố tri Thiết Trượng. Trong bài viết nầy, Thiết Trượng trích bài viết Tớ Vào Cuộc Chiến Trên Mặt Trận Văn Hóa Tư Tưởng của Tô Hải với những nhận xét vừa châm biếm, vừa lên án một cách nhẹ nhàng, rất hay và thẳng thắn như: “Về những tác phẩm văn nghệ ra đời ở miền Nam, thì ngay từ những ngày đầu vào Xi-Gòn, tớ không hề bị bất ngờ đến mức phải ngồi xuống hè đường mà... khóc (vì thấy mình bị... lừa? ) như nhà văn DTH một tí nào cả vì tớ có đầy đủ tang chứng và lý luận để khẳng định từ rất sớm là Ở Miền Nam, văn nghệ sỹ được cái quý báu nhất của cuộc đời làm nghề: Đó là họ được Tự Do Sáng Tác...”, hoặc: “Tóm lại là, như tớ đã viết trong một entry, văn nghệ sỹ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam thì... thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác! Họ không phải viết theo yêu cầu của một cơ quan, đảng phái hay một tổ chức, nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm văn nghệ! (tất nhiên không thể tránh được cũng có một số nào đó dùng văn nghệ để kiếm chác tí chính trị) Nhưng phải khẳng định là họ tự do, tự do và tự do... kể cả tự do làm... hại cái chính thể mà họ đang phải sống!”

Và, phần kết Thiết Trượng khoái cái nhìn của Tô Hải: “Thấy ông bạn già hăng say quá với những tình tiết của nhạc sĩ Tô Hải mà tôi cũng muốn tìm hiểu, nhưng có chuyện phải kiếu từ, đành nhắn nhủ ông ráng sưu tập thật nhiều bài viết của ông già gân nhạc sĩ “chịu chơi” này để bà con thưởng thức”.

Vẫn trong mục nầy, số báo ra ngày 6 tháng 9 năm 2008, tôi đăng bài viết Đi Thực Tế Miền Nam, Mở Mắt Thêm của Thiết Trượng (bạn đồng khóa I Nguyễn Trãi với tôi). Trong bài viết đã trích dẫn bài viết của Tô Hải và kết luận:

“Hy vọng những con “ngựa mù” bớt còn hiện diện (rất khó mà hết ngay) trong giới văn nghệ sĩ hải ngoại để chúng ta khỏi phải thốt lời chửi rủa, như khi thấy tấm hình một nhạc sĩ già “hãnh tiến” cầm tấm bằng “Chứng minh nhân dân” chụp từ VN hay nghe tin kẻ nào đó “hồ hởi” khoe khoang sáng tác của mình được phép lưu hành tại quốc nội”.

Ở thời điểm đó, bài viết của nhạc sĩ Tô Hải được phổ biến trên blog ở trong nước ít người biết đến nhưng nhà báo Thiết Trượng đọc, khoái và cảm mến hình ảnh can đảm của người nghệ sĩ nầy nên viết ra, khi phổ biến trên nhật báo đã gây sự chú ý.

Thế nhưng, vì hai bài viết nầy nên ông bạn của Thiết Trượng bị người bạn, tự nhận là vai anh họ của Tô Hải, trong buổi sáng cuối tuần ngồi uồng cà phê với nhau, lên tiếng chỉ trích “ca ngợi tên Cộng Sản “vô tư cách” và nói về hành động dã man “đập mả bố” của người em. Anh ta cho biết gia đình Tô Hải di tản năm 1975, anh bị kẹt lại, bị tù và là chứng nhân.

Vì nghe những điều nầy của người trong cuộc nên vài tháng sau, Thiết Trượng mới viết tiếp bài thứ ba về hành động nhạc sĩ nầy “Đoàn Tụ: Đập Mả Bố”.

Mở đầu bài viết của Thiết Trượng cũng đưa ra lý do lung khởi như vừa nêu trên và viết theo lời người bạn. Và, những dòng cuối gây xôn xao trong dư luận:

“Bây giờ là tiết lộ của người trong họ về hành vi của nhạc sĩ Tô Hải. Bố của nhạc sĩ Tô Hải là ông Tô Đình H. cùng gia đình di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954. Tô Hải là con cả đã đi làm lính Vệ Quốc Đoàn nên ở lại ngoài Bắc. Sau 30 tháng 4 năm 1975, đảng viên Tô Hải được “điều” vào Nam, tìm lại được gia đình họ hàng, nhưng lúc đó thân phụ đã chết. Người nhà đã dẫn Tô Hải ra mộ viếng cha. Đọc trên mộ bia thấy hàng chữ nôi dung “Hiền tế Trung Tướng LQT lập mộ” (Xin thông cảm, người viết không thể để rõ ràng tên họ của vị tướng), Tô Hải la hét to tiếng và ra lệnh đàn em đập nát bia mộ có tên người em rể là một “tướng ngụy” trên đó. Theo anh bạn Thời cho biết, sau đó hội đồng gia tộc trong họ của anh ta đã họp lại và nhất quyết khai trừ khỏi họ hàng “thằng con mất dạy” dám đập mả bố nó.

Nghe xong câu chuyện “đoàn tụ” của nhạc sĩ Tô Hải với người cha đã khuất, “Tôi thật tình kinh sợ sự tuyên truyền nhồi nhét của chủ nghĩa Cộng sản, khiến phán đoán con người có thể trở nên mù quáng, tàn độc một khi thù hận được reo rắc và cấy sâu trong đầu óc đối tượng”. (Thiết Trượng, tháng 3/2009).

Thiết Trượng nói với tôi bài nầy dành cho Đặc San Ức Trai, ấn hành vào đầu tháng 5 năm 2009, sau đó tôi tùy nghi phổ biến.

Đỗ Văn Phúc (bạn đồng khóa Nguyễn Trãi I với tôi) về Cali hội ngộ cùng anh em, khi đọc bài viết của Thiết Trượng trên Đặc San Ức Trai, là tác giả nhiều bài viết, tham luận, sách lên án chế độ Cộng Sản. Nhận thấy hành động nhạc sĩ Tô Hải như vậy, trong lúc nhiều cơ quan truyền thông đang đề cập và ca ngợi cuốn hồi ký của Tô Hải nên viết bài Nhạc Sĩ Tô Hải Hèn Hay Không Hèn? đăng tải trên trang web của anh. Qua những điều phân tích, Đỗ Văn Phúc nhận thấy: “Cho nên, không thể dùng chữ hèn những trường hợp này, mà đó chính là sự mù quáng, ngu si, thiếu tính người, hùa theo bạo quyền để mưu lợi trên xương máu dân tộc”. Và kết luận: “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn có thể được coi là một chứng cớ xác thực để buộc tội một chế độ dã man đểu cáng. Mọi người Việt Nam đều cần đọc để hiểu thêm về những phương cách trấn áp con người của Cộng Sản. Nhưng xin hãy trả lại cái danh xưng “Thằng Hèn” mà tác giả đã tự nhận. Xin đừng biện bạch công kênh, hay phong tặng những danh xưng cao quý cho những người mà chính họ không hề chứng tỏ ra - như quý vị từng làm với các “nhà phản tĩnh” Bùi Tín, Hoàng Minh Chính…”.

Từ khi đọc những bài viết của Tô Hải, rồi đến những bài phỏng vấn, bài viết khen, chê, tôi lại “bán tín bán nghi”, liệu có tung ra “hỏa mù” như vài nhân vật trong quá khứ để giới truyền thông chú ý mà vơi đi vài vấn đề đang xảy ra trong nước với nỗi nhục trước hiểm họa của Trung Cộng? Tuy nhiên, trong phương diện truyền thông, buổi ra mắt của cuốn Hồi Ký của Tô Hải vào cũng được tường thuật trên nhật báo Saigon Nhỏ, số ra ngày Thứ Tư, 17 tháng 6 năm 2009.

Chiều Thứ Bảy, 20 tháng 6 vừa qua, khi cùng làm việc trong tòa soạn, Trần Yên Hòa (khóa đàn em, Nguyễn Trãi II) nói với tôi có lá thư của cô Tô Ánh Tuyết, em ruột Tô Hải lên tiếng, đề cập đến bài viết của niên trưởng Đỗ Văn Phúc và niên trưởng Thiết Trượng (hai anh nầy là bạn đồng khóa Nguyễn Trãi I với tôi). Tôi nhờ Trần Yên Hòa liên lạc để có phản ứng gì không và đợi vài ngày sẽ góp ý sau.

Hai bài viết của Thiết Trượng lúc đầu “ca ngợi” về Tô Hải đã được phổ biến trên nhật báo Saigon Nhỏ trong năm 2008 nhưng bài thứ ba thì ngược lại, tôi không trích đăng dù được phổ biến trên blog của tác giả và trên Đặc San Ức Trai cho có đầu có đuôi vì lý do rất tế nhị và thận trọng trong nghề nghiệp. Lý do là câu chuyện được viết ra mà người kể “Thằng Thời (tôi xin dấu tên thật)” là vai vế “trong họ tao là vai anh của nó”... Nhưng khi đề cập đến vấn đề hệ trọng của khuôn mặt nào đó mà nhân chứng giữ “bí mật”, không dám nói rõ mình là ai thì chưa biết thực hư, đúng sai để kiểm chứng cho vấn đề nêu ra có tầm quan trọng ảnh hưởng đến thái độ chính trị và nhân cách của đối tượng.

Đã nhiều lần, tôi viết về khuôn mặt văn nghệ, tìm hiểu, gặp gỡ thân hữu trong giới văn nghệ, báo chí... khi được nghe vài mẩu chuyện lý thú, phản diện, chưa ai đề cập về đối tượng... nhưng người kể nói đừng nêu danh tánh, tôi coi như “gió thoảng mây bay” và không bao giờ đề cập, nếu mẩu chuyện thuộc loại “vô thưởng vô phạt”, không có tác hại gì thì không sao. Ngược lại, bài viết nào được dẫn chứng rõ ràng, chính xác... để đưa ra ánh sáng sự thật... phải giữ chữ tín và giữ “bí mật” của tác giả dưới bất kỳ bút hiệu nào, ngoại trừ khi liên quan đến vấn đề pháp lý phải “đáo tụng đình”. Tung tin là con dao hai lưỡi, một lưỡi cho đối tượng, nếu lệch lạc thì lưỡi thứ hai dành cho người quảng bá!

Trong thời gian làm báo, tôi đã nhận được các lá thư nặc danh và có vài người gặp tôi nói người nầy người kia thế nầy thế nọ nhưng đừng nêu tên nên tôi coi như vô giá trị vì khi trích dẫn từ “nặc danh” vô căn cứ, người viết sẽ chịu trách nhiệm và cẩu thả, thiếu minh chứng.

Trong lá thư của Tô Ánh Tuyết cho biết gia đình cô có hai bà chị và một người em trai “Tất cả mấy chị em chúng tôi đã cùng thân mẫu đi khỏi Sài Gòn trước ngày mất nước. Vậy hội đồng gia tộc là những ai mà dám hội họp để khai trừ anh tôi?”. Về mồ mả của thân phụ: “Năm 1971 khi thân phụ tôi qua đời được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, chính thân mẫu tôi là ngươì xây mộ cho cha tôi chứ không hề có chuyện tên ông LQT trên bia mộ như những ngươì có ác ý xuyên tạc.

Vì vậy, tôi không có ý kiến và tôn trọng về các bài viết của hai người bạn đã bày tỏ quan điểm nhưng mỗi người đều có lý do theo lập trường nhận xét của họ với “nguồn tin” được phổ biến.

Theo lời cô Tô Ánh Tuyết “Sau năm 75 nghĩa trang MĐC đã bị nhà nước CS giải tỏa, mẹ tôi phải gửi tiền về nhờ mấy đứa cháu còn kẹt lại lo việc bốc mộ đem thiêu, tạm gửi vào chùa rồi sau đó chuyển nắm tro tàn qua Mỹ cho chúng tôi hương khói. Anh Tô Hải không liên can gì tơí việc này.

Chuyện ông Trung Tướng LQT lập mộ đã là bịa đặt, thì làm sao có chuyện đập bia, rõ ràng đây là âm mưu bôi nhọ NS Tô Hải để làm giảm giá trị nhân chứng trong tác phẩm Hồi Ký của anh tôi”.

Trên trang web Cỏ Thơm, http://cothommagazine.com. Có hai đoạn Video, ghi: “Nhạc sĩ Tô Hải nói chuyện với người cháu là Andrew Lam năm 2004 (Andrew Lam tên thật là Lâm Quang Dũng, nhà văn, con của Trung Tướng VNCH Lâm Quang Thi, mẹ Andrew là em ruột nhạc sĩ Tô Hải”.

Như vậy, mối giây liên lạc trong gia đình nhạc sĩ Tô Hải được phố biến rộng rãi, mọi người biết đến. Andrew Lam trong ngành điện ảnh, cũng có trang web My Journey Home. Và, người trong cuộc không xa lạ gì với giới truyền thông.

Với phương tiện truyền thông hiện nay, qua các bài viết về hành động “đập mả bố”, lập bia mộ, có thể liên lạc với người trong cuộc để sáng tỏ vấn đề. Lời của ông Thời (hay Thế, Thể gì đó) và lá thư của Tô Ánh Tuyết vẫn còn mù mờ, chưa xác minh ai đúng ai sai. Nhưng với tôi, lá thư của Tô Ánh Tuyết dù sao cũng là người trong cuộc. Trong chính trị, xã hội… nhan nhản với tin giả (fake news) đã có từ lâu, muốn phổ biến cũng mất nhiều thời giờ kiểm chứng cho rõ ràng.

Nhạc sĩ Tô Hải đã “can đảm” viết ra Hồi Ký Của Một Thằng Hèn, có lẽ mỗi ngày “Tớ tiêu sầu bằng các trang web đủ mầu!” mà bài viết của Thiết Trượng đã tung lên các trang web đã lâu rồi và hai bài viết của Duyên Lãng Hà Tiến Nhất và Đỗ Văn Phúc cũng ở trang web đủ mầu cách nay (23 tháng 6/2009) cả tuần lễ, thế nào thân nhân cũng báo cho biết (?), lẽ nào im lặng. Nhà văn Uyên Thao, chủ nhân tủ sách Tiếng Quê Hương cũng thận trọng khi ấn hành tác phẩm. Ngạn ngữ Phương Tây có câu: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Và, Benjamin Franklin (1706-1790), chính trị gia, triết gia, thành viên trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ cho rằng “Một nửa sự thật thường là điều dối trá to lớn” (Half a truth is often a great lie).

Little Saigon, 23 tháng 6 năm 2009.

Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào: