Hội nghị ngoại trưởng G20 : Ấn Độ kêu gọi vượt qua chia rẽ về chiến tranh Ukraina - Quang cảnh hội nghị các ngoại trưởng G20 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 02/03/2023. REUTERS - POOL Thu Hằng - Hội nghị ngoại trưởng nhóm G20 khai mạc ngày 02/03/2023 tại New Delhi, Ấn Độ. Trong lễ khai mạc, thủ tướng Narendra Modi kêu gọi 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua “những chia rẽ” về chiến tranh ở Ukraina. Ông cũng quan ngại rằng “chủ nghĩa đa phương đang gặp khủng hoảng”. Hiện giữ chức chủ tịch luân phiên G20, Ấn Độ muốn nhiệm kỳ 2023 tập trung vào những vấn đề như giảm nghèo đói, chống biến đổi khí hậu.
<!>
Theo thủ tướng Modi, “kinh nghiệm của những năm trước - khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và chiến tranh - cho thấy rõ cách quản trị toàn cầu đã thất bại”. Tuy nhiên, cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraina đang lấn át những chủ đề quan trọng. Ấn Độ sẽ cố đóng vai trò trung gian để tiếng nói của các nước đang phát triển miền Nam được lắng nghe tại G20.
Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi cho biết thêm :
« Ấn Độ khéo léo giữ lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraina. New Delhi kêu gọi chấm dứt chiến tranh, nhưng lại duy trì mối quan hệ hữu hảo với Nga, nay là nhà cung cấp dầu lửa lớn nhất cho Ấn Độ.
Vì thế, Ấn Độ tìm cách hòa giải hai phe tại hội nghị ngoại trưởng G20 với lập luận rằng những nước miền Nam như Ấn Độ mới là những nước đầu tiên phải chịu hậu quả từ cuộc đối đầu đó. Đây là điểm được nhà nghiên cứu Harsh Pant, chuyên về quan hệ đối ngoại của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (Observer Research Foundation) tại New Delhi, nhấn mạnh.
Ông nói : « Nếu đề cập đến những tác động của cuộc xung đột đối với những nước đang phát triển về mặt kinh tế và năng lượng, ta có nhiều cơ hội đạt được một đồng thuận, vì sẽ không ai nói là mặc kệ những nước này. Nhưng lần này chưa chắc đã thành công, vì có rất nhiều nhân vật quan trọng như Antony Blinken, Serguei Lavrov và ngoại trưởng Trung Quốc. Họ có thể có thái độ cứng rắn triệt để ».
Trong cuộc họp của các bộ trưởng Tài Chính G20 vào tuần trước, Nga và Trung Quốc đã từ chối ký vào bản thông cáo chung vì văn kiện này nói đến « chiến tranh » ở Ukraina ».
Nga - Trung Quốc không ký văn bản kêu gọi Nga rút hết quân khỏi Ukraina
Cuộc họp của các ngoại trưởng G20 kết thúc mà thông ra được thông cáo chung, vì Nga và Trung Quốc từ chối ký vào văn kiện ủng hộ lời kêu gọi Nga rút hết lực lượng khỏi Ukraina, giống như cuộc họp của các bộ trưởng Tài Chính G20 vào tuần trước. Nga và Trung Quốc lên án phương Tây áp đặt « quan điểm » riêng.
Ngày 02/03, ông Blinken đã có cuộc gặp ngắn, chỉ 10 phút, với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov để « trực tiếp gửi thông điệp » của Washington là tiếp tục hỗ trợ Ukraina.
Mỹ thông báo thương vụ bán vũ khí trị giá 619 triệu đô la cho Đài Loan
Các chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan bay biễu diễn nhân ngày Quốc Khánh ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10/10/2023. AP - Chiang Ying-ying
Thùy Dương
Bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 01/03/2023 thông báo đã thông qua việc bán cho Đài Loan tên lửa, đạn dược trang bị cho máy bay tiêm kích F-16. Trị giá 619 triệu đô la, đây là thương vụ bán vũ khí đầu tiên trong năm 2023 của Washington cho Đài Bắc và là thương vụ thứ 9 trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo thông báo của Lầu Năm Góc, Mỹ sẽ bán cho Đài Loan 100 tên lửa chống radar tốc độ cao (HARM) AGM-888, 200 tên lửa không đối không tầm trung (AMRAAM) AIM-120C-8, nhiều dàn phóng tên lửa, cũng như hỏa tiễn mô phỏng dùng trong thao dượt. Bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định các loại vũ khí này sẽ « củng cố khả năng của Đài Loan về phòng không, bảo vệ an ninh trong khu vực và khả năng tương tác với Mỹ ».
Theo AFP, bộ Ngoại Giao Mỹ nhận định sự yểm trợ của Washington đối với Đài Bắc và các biện pháp của Đài Loan để củng cố năng lực phòng vệ góp phần vào duy trì hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan và trong vùng. Về phía Đài Loan, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Jeff Liu tuyên bố : « Đài Loan sẽ tiếp tục tích cực cải thiện các năng lực phòng vệ để đối phó với sự bành trướng quân sự liên tục và các hành động khiêu khích của Trung Quốc ».
Thương vụ bán vũ khí Mỹ cho Đài Bắc được thông báo trong bối cảnh các căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan không ngừng gia tăng. Hôm nay 02/03, Đài Bắc thông báo trong vòng 24 giờ, có đến 21 máy bay tiêm kích của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan.
Cấm TikTok : Trung Quốc cáo buộc Mỹ « hoang tưởng »
Một điện thoại thông minh với logo của TikTok. Ảnh minh họa chụp ngày 23/02/2023. REUTERS - DADO RUVIC
Thu Hằng
Sau khi nhiều nước phương Tây ban hành các biện pháp hạn chế sử dụng TikTok trên thiết bị của nhân viên, Pháp cũng suy nghĩ việc ban hành lệnh cấm các công chức dùng TikTok. Ngày 01/03/2023, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Véran khẳng định tổng thống Macron cũng như các bộ đều không sử dụng ứng dụng của Trung Quốc.
Liên quan đến các cơ quan hành chính trung ương và địa phương Pháp, một ủy ban gồm 19 thượng nghị sĩ đang điều tra về « những vùng tối » của mạng xã hội TikTok. Chiến dịch tẩy chay TikTok, bắt đầu từ Mỹ, hiện lan ra nhiều nước trên thế giới. Bắc Kinh đã kịch liệt chỉ trích Washington « lạm dụng quyền lực » để «trấn áp các công ty nước ngoài ».
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
« Quyết định bị chính quyền Bắc Kinh cáo buộc là « bài Trung Quốc » và là dấu hiệu « hoang tưởng lớn » của Hoa Kỳ, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Một bài xã luận cách đây hai ngày của trang China Daily mỉa mai rằng « sự cuồng nộ », « sự thiếu tự tin » khiến cường quốc hàng đầu thế giới « nhìn đâu cũng thấy khinh khí cầu gián điệp ».
Trong buổi họp báo thường nhật hôm thứ Ba (28/02), người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) cũng đề cập đến chủ đề này: « Thật ngạc nhiên khi thấy cường quốc lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ lại thiếu tự tin đến như vậy và lại sợ một ứng dụng nổi tiếng trong giới trẻ. Chúng tôi kịch liệt phản đối cách tiếp cận sai lầm này (của Mỹ), lạm dụng yếu tố an ninh quốc gia để trấn áp các doanh nghiệp của những nước khác. Chính phủ Mỹ nên tôn trọng những nguyên tắc của kinh tế thị trường và tự do cạnh tranh ».
Có đến hai phần ba thiếu niên tại Mỹ dùng TikTok, nhưng Washington sợ Trung Quốc sử dụng các biện pháp gây sức ép hợp pháp và theo quy định để buộc công ty mẹ ByteDance cung cấp dữ liệu của người sử dụng và phát tán các luận điệu tuyên truyền cho Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, các mạng xã hội của Mỹ như Twitter, Facebook, YouTube và Instagram đều bị bộ máy kiểm duyệt ngăn chận ».
Quốc Hội Hungary thảo luận về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO
Toàn cảnh Quốc Hội Hungary tại Budapest khi bắt đầu tranh luận về việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển, ngày 01/03/2023. REUTERS - BERNADETT SZABO
Thùy Dương
Thứ Tư, 01/03/2023, Quốc Hội Hungary bắt đầu thảo luận về việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Để hai nước Bắc Âu được thâu nhận, phải có sự phê chuẩn của Quốc Hội các nước thành viên Liên Minh. Hungary hiện giờ là thành viên NATO duy nhất thuộc khối Liên Âu vẫn chưa thông qua hồ sơ của Phần Lan và Thụy Điển.
Cho dù thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định Quốc Hội, mà đảng của ông chiếm đa số, sẽ sớm phê chuẩn hồ sơ gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, nhưng việc bỏ phiếu tại Quốc Hội Hungary đã nhiều lần bị trì hoãn, với lý do chương trình thảo luận của Quốc Hội đang quá tải. Về nguyên tắc, từ nay đến cuối tháng 03/2023, Quốc Hội Hungary phải đưa ra quyết định cuối cùng. Câu hỏi đặt ra là tại sao Hungary lại chần chừ như vậy ?
Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère giải thích :
"Khai mạc phiên họp Quốc Hội, thủ tướng Viktor Orban đã khuyến khích các dân biểu trong đảng của ông, chiếm đa số tại Nghị Viện, bật đèn xanh để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ông phát biểu : « Việc các nước này gia nhập NATO không gây nguy hiểm cho an ninh của châu Âu hay của Hungary. NATO bảo vệ chúng ta ».
Theo một chính trị gia cánh hữu, phe đa số của thủ tướng Orban có thể đang bị chia rẽ về vấn đề này. Thế nhưng, điều đó dường như khó xảy ra vì Viktor Orban là một lãnh đạo rất cứng rắn. Đảng cánh hữu ở Hungary vẫn trung thành đi theo người đứng đầu: các dân biểu thường bỏ phiếu như nhau.
Vậy tại sao lại phải cố tạo dựng cuộc tranh luận này? Chắc chắn là chính phủ của thủ tướng Orban, trong những năm gần đây đã trở nên thân cận với chủ nhân điện Kremlin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, không muốn làm mất lòng hai nhà lãnh đạo này. Và cuối cùng, Hungary chần chừ là để trả thù Phần Lan và Thụy Điển.
Ngoại trưởng Hung nói đại ý như sau: « Chính phủ hai nước này đã liên tục tung tin dối trá, nói rằng ở Hungary không có dân chủ. Vậy tại sao chúng ta lại phải khẩn trương bỏ phiếu để họ gia nhập NATO ?"
Cũng trong ngày hôm qua, 01/03, trong khi chờ đợi đuợc Quốc Hội Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn hồ sơ, Quốc Hội Phần Lan thông qua trước dự luật gia nhập NATO, với đa số phiếu thuận áp đảo, chính thức chấm dứt chính sách trung lập về ngoại giao và quân sự của Helsinki.
Pháp và 10 nước châu Phi tổ chức thượng đỉnh bảo vệ rừng Congo
Rừng nhiệt đới Gabon nhìn từ trên không tại khu Raponda Walker, Gabon, ngày 11/10/2021. Ảnh chụp bằng máy bay không người lái. REUTERS - CHRISTOPHE VAN DER PERRE
Trọng Thành
Hôm nay, 02/03/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng hơn 10 lãnh đạo các nước châu Phi tham gia One Forest Summit, Thượng đỉnh về bảo vệ rừng nhiệt đới Congo, tổ chức tại Libreville, thủ đô Gabon. Rừng Congo có diện tích gần 3 triệu km², trải rộng trên lãnh thổ của 6 quốc gia châu Phi, là một trong ba ‘‘lá phổi’’ của hành tinh. Nhưng đây được coi là lá phổi số một.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, rừng Congo mỗi năm hấp thu khoảng 750 triệu tấn CO 2/năm, vượt xa rừng Amazon. Rừng Congo châu Phi giờ đang trở thành phao cứu nạn của thế giới trong cuộc chiến cắt giảm lượng khí thải, nhằm hãm lại đà hâm nóng Trái Đất. Thách thức hàng đầu của thượng đỉnh lần này là tìm ra cơ chế tài trợ cho các nỗ lực bảo vệ rừng Congo của cư dân địa phương và chính quyền sở tại.
Phóng sự của đặc phái viên RFI Valérie Gas gửi về từ Libreville :
‘‘Trước mặt quý vị là loài cây mang tính biểu tượng của đất nước chúng tôi, cây okoume’’, một lãnh đạo của Trung tâm Khoa học và Công nghệ của Gabon, Alfred Ngomanda, cho biết. Quan chức Gabon này kiên nhẫn đứng đợi tổng thống Emmanuel Macron tại một nhà sàn bằng gỗ nằm trên cây, được dùng làm lớp học, ngay giữa khu rừng bảo tồn, nằm sát thủ đô Libreville, nơi mà ta chỉ nghe tiếng vo ve của các loài côn trùng và tiếng chim hót.
Alfred Ngomanda có trách nhiệm giải thích với tổng thống Pháp về ý nghĩa quan trọng của rừng Gabon. Ông nói : ‘‘Khu rừng này lưu trữ 40 tỉ tấn CO2 trong cây cối, như vậy rừng đóng góp rất lớn vào việc điều hòa khí hậu’’.
Tổng thống Macron muốn thượng đỉnh One Forest Summit là cơ hội mang lại thay đổi. Vị quan chức Gabon nói trên hy vọng sẽ có các giải pháp, đặc biệt đối với cư dân địa phương, ‘‘làm sao để cho phép dân cư tiếp tục sống trong rừng, nhưng không làm suy thoái rừng, chính là thách thức thực sự đối với mục tiêu bảo tồn rừng hiện nay’’. Các nguồn tài trợ dấu hiệu để cư dân địa phương và các quốc gia trong vùng biết được việc bảo tồn được thúc đẩy.
Ông Alfred Ngomanda nói: ‘‘Thật là không bình thường khi một lít xăng được bán với giá một euro, mà người ta lại không thể mua được một tấn CO2 với giá 50 đôla. Ai là người xác định mức giá mua. Đây là chủ đề thảo luận tại thượng đỉnh One Forest Summit’’.
Một trong các mục tiêu của thượng đỉnh One Forest Summit là tìm ra phương tiện để trả công cho nỗ lực của các quốc gia vùng rừng Congo bảo vệ một khu rừng đang đóng vai trò lá phổi của hành tinh’’.
Trả lời RFI, kinh tế gia Alain Karsenty, chuyên gia của Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nông học vì Phát triển (CIRAD), cũng khắng định tài trợ cho rừng là vấn đề ‘‘căn bản nhất’’ của thượng đỉnh One Forest Summit. Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung tâm CIRAD, không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc tăng giá mua quyền phát thải CO2, hiện tại mới chỉ là từ 3 đô la đến 5 đô la/tấn. Bởi nếu giá mua quyền phát thải quá cao, các doanh nghiệp sẽ chọn việc trực tiếp cắt giảm khí thải, có lợi hơn về kinh tế.
Theo kinh tế gia Alain Karsenty, cần phải xây dựng các cơ chế tài trợ quốc tế mới, có lợi cho các quốc gia như Gabon, nơi mà nạn phá rừng không nghiêm trọng, và điều nghịch lý là cũng chính vì vậy mà nước này không nhận được nhiều tài trợ quốc tế.
Quốc Hội Gruzia bắt đầu xem xét dự luật ‘‘tác nhân nước ngoài’’
Ảnh minh họa: Biểu tình ủng hộ Ukraina, đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraina, tại Tbilisi, Gruzia, ngày 24/02/2023. REUTERS - ZURAB JAVAKHADZE
Trọng Thành
Kể từ đầu tháng 3/2023, Quốc Hội Gruzia bắt đầu xem xét dự luật về ‘‘tác nhân nước ngoài’’. Đối lập Gruzia và xã hội dân sự Gruzia gọi đây là một ‘‘luật theo kiểu Nga’’. Trong lúc đa số dân Gruzia muốn đẩy mạnh tiến trình hội nhập với Liên Âu, chính quyền Tbilisi ngày càng có xu hướng xích lại gần với Nga.
Theo thông tín viên RFI tại Tbilisi, dự luật buộc các tổ chức của xã hội dân sự hay các phương tiện truyền thông nhận tài trợ từ nước ngoài, phải tự xem là ‘‘cơ quan chịu ảnh hưởng nước ngoài’’. Và họ buộc phải ghi rõ điều đó trong các tài liệu chính thức của tổ chức. Đa số các tổ chức phi chính phủ, báo chí và nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự tố cáo đây là một nỗ lực của chính quyền nhằm loại bỏ các giá trị phương Tây tại Gruzia.
Những người phản đối gọi đây là luật theo kiểu Nga, vì dự luật này lấy nguyên mẫu là bộ luật ‘‘tác nhân nước ngoài’’ được thông qua tại Nga năm 2012. Đảng cầm quyền Ước Mơ Gruzia, đứng đầu là nhà tài phiệt Bidzina Ivanichvili, biện minh đây là một bộ luật dựa trên luật Mỹ (có tên gọi Foreign Agents Registration Act). Tuy nhiên, theo giới quan sát tại chỗ, luận điểm này của lãnh đạo đảng cầm quyền không đánh lừa được ai, vì trên thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy đảng Ước Mơ Gruzia xích lại gần Nga.
Một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Gruzia xích lại gần Nga là việc chính quyền nước này không tiếp nhận các nhà đối lập Nga muốn tị nạn tại Gruzia kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. Cách đây ít hôm, bà Anna Rivina, luật sư chuyên về nhân quyền, và nhà tranh đấu chống bạo lực gia đình, và nhà báo Filipp Dzyadko đã không được cho phép tái nhập cảnh Gruzia, nơi họ đã từng định cư hồi năm ngoái.
Trong thời gian gần đây, chính quyền Gruzia ngày càng có nhiều phát biểu rất cứng rắn với Ukraina, chỉ trích Mỹ và châu Âu muốn "mở một chiến trường khác" tại Gruzia, đẩy người dân nước này vào thảm cảnh hủy diệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét