Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay Và Tin Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


 “Tự Hào Quá VN Ơi!” Đỉnh Cao Trí Tuệ Con Người Có Khác! Chỉ Một Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội, Mà Có Hơn… 400 Tiến Sĩ! Làm Việc! *Nhiều tiến sĩ như thế, mà cả VN, không chế nổi, một con…ốc vít! Có hơn 400 người lấy được bằng tiến sĩ trong số 137,768 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các đơn vị trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội. Báo Thanh Niên hôm 4 Tháng Ba dẫn con số này từ kết quả cuộc thống kê mới nhất về nhân sự trong bộ máy hành chính của thành phố Hà Nội. (Hình: Ông Trần Sỹ Thanh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, được ghi nhận có bằng cử nhân và “cao cấp lý luận chính trị.”)
<!>
Theo đó, ngoài 400 tiến sĩ, thành phố Hà Nội còn có gần 12,000 thạc sĩ, và hầu hết những người còn lại đều có bằng cử nhân, trừ một số ít có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

Tuy vậy, không rõ số tiến sĩ, thạc sĩ nêu trên có được giao vị trí quản lý hay chỉ là nhân viên thông thường trong bộ máy hành chính của Hà Nội và không nhất thiết phải có bằng sau cử nhân.

“Nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố [Hà Nội] có phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn, có tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao và phong cách làm việc khoa học,” bản tin viết thêm.


(Hình: Một cuộc họp tại Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội.)

Đề cập chuyện nhiều người ở Việt Nam “sính” bằng tiến sĩ, thạc sĩ, tờ Tuổi Trẻ hồi giữa tháng trước dẫn bình luận của ông Hoàng Ngọc Vinh, cựu vụ trưởng Vụ Giáo Dục Chuyên Nghiệp thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo: “…Bệnh sính bằng cấp dẫn đến nhu cầu giả quá cao kéo theo tăng ‘cung’ và khi nguồn lực không bảo đảm, tất xảy ra những chuyện liên kết bát nháo, mua bán bằng cấp làm ảnh hưởng tới những người học thật cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin vào hệ thống giáo dục nước nhà.”

Tác giả cũng bình luận thêm rằng ở Việt Nam, “bằng cấp không đi cùng với phẩm chất của danh xưng học vị như thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều người.”


Tân Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng: “Nguyên Tắc Sống Còn Là Kiên Định Chủ Nghĩa Marx-Lenin!”


(Hình: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong buổi lễ tuyên thệ sáng 2/3/2023.)
- Trong khi bài phát biểu nhậm chức của 2 người tiền nhiệm (Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng) không có giòng nào đề cập đến “Mác-Lê” hay “tư tưởng Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Thưởng lại nhấn mạnh điều này và cho đây là nguyên tắc sống còn.
Ông Võ Văn Thưởng sáng 2/3/2023 trở thành Chủ tịch nước Việt Nam với 487/488 phiếu bầu của các Đại biểu Quốc hội, ông là ứng viên duy nhất được trung ương đảng Cộng sản đề cử để bầu chức danh bị khuyết sau khi ông Phúc bị miễn nhiệm hơn một tháng trước đó.

“Tôi nhận thức sâu sắc rằng vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn, nền tảng vững chắc đối đất nước ta, chế độ ta là phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: Bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”, ông Thưởng nói trong buổi lễ được truyền hình trực tiếp sáng 2/3/2023.

Bài phát biểu của ông Thưởng chỉ có khoảng 1.200 chữ (so với 1.800 chữ của ông Nguyễn Xuân Phúc năm 2021), mở đầu bằng việc “Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, đồng thời lặp lại phát biểu quen thuộc của ông Trọng: “tự hào về cơ đồ tiềm lực vị thế uy tín của đất nước”.

Ông Thưởng cho rằng “đã từng chứng kiến nhiều người dao động, rời hàng ngũ khi các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ”, đồng thời khẳng định đã “từng bước nhận thức được đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của lòng trung thành, sự kiên định về mục tiêu lý tưởng và con đường đi tới của dân tộc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn”.
Một điểm khác biệt của ông Thưởng so với người tiền nhiệm, đó là ông cho rằng chức danh Chủ tịch nước là “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, cụm từ này được nhắc hai lần trong bài nói chuyện của mình.

Ông Võ Văn Thưởng Thành Tân Chủ Tịch Nước: Điều Không Bất Ngờ và Khả Năng Kế Vị Tổng Bí thư Vẫn Bỏ Ngỏ

(Phạm Quý Thọ)


(Hình: Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng (đứng) và ông Võ Văn Thưởng (ngồi) tại cuộc họp báo kết thúc Đại hội đảng 13.)

-Việc ông Võ Văn Thưởng trở thành tân Chủ tịch Nước Việt Nam là điều không nằm ngoài khả năng của giới “thạo tin” và giới phân tích chính trị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp bất thường Hội nghị 13 khoá 13 ngày 1/3/2023 đã đề cử ông Thưởng vào vị trí cao nhất về lễ nghi của đất nước để Quốc hội Khoá 15 sau đó một ngay cũng họp bất thường để bỏ phiếu thông qua. Ai cũng biết đó chỉ là thủ tục của chế độ Đảng CS lãnh đạo toàn diện, trong đó quyền lực tập trung vào tập thể Bộ Chính trị và cá nhân ông Tổng Bí thư. Những thay đổi chính sách trong hai nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Đại hội 12 (2012-2021) và 13 (2021-2026), để đối phó với quốc nạn tham nhũng của kiểu “nhà nước tư bản thân hữu” đã khiến quyền lực tập trung cao độ vào nhóm lãnh đạo cao nhất và hội tụ trong vai trò người đứng đầu Đảng để củng cố chế độ Đảng-Nhà nước chuyên chế “toàn trị”. Thực tế cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN là “cơ quan quyền lực cao nhất” chỉ còn trên danh nghĩa.

Ông Võ Văn Thưởng, năm nay 53 tuổi, có lẽ cũng chỉ là một trong các phương án trong tính toán người kế vị Tổng Bí thư, nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc không bị “rớt đài”. Ông Thưởng đáp ứng được các tiêu chuẩn Chủ tịch nước theo Quy định 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020, sau khi nó đã được chỉnh sửa cho hợp với thực tế bảo đảm duy trì chế độ. Ý định nhất thể hoá hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước cho đến nay vẫn không thể được thực hiện. Bởi vậy, việc đề xuất ai ở vị trị này phải nằm trong sự tính toán của Đảng và cá nhân ông Tổng Bí thư, trong đó cân bằng cơ cấu vùng miền trong “tứ trụ” là ưu tiên, nhưng vẫn bảo đảm quyền lực tối cao đồng thời nhận được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo. Ngoài những tiêu chuẩn về tuổi, thâm niên ít nhất trong 1 khoá trong Bộ chính trị, từng là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi… đã được thoả mãn về mặt hình thức, ông Thưởng không có “dấu ấn” thành tích trong quá trình đi lên, nhưng xuất phát điểm chính trị chuyên nghiệp từ hoạt động Đoàn - Đảng cũng là “lợi thế” sàng lọc cán bộ lãnh đạo của nhiệm kỳ này. Như vậy, ông ấy được cử giữ chức tân Chủ tịch nước là phương án nhân sự “tối ưu” để bảo đảm các yếu tố đồng thuận trong tầm kiểm soát với sự tính toán người kế vị Tổng Bí thư Đảng cho nhiệm kỳ tới. Nói như các nhà bình luận am hiểu, rằng còn hơn hai năm của nhiệm kỳ 13 ông Thưởng, cũng như những ứng viên tiềm năng khác, còn có thời gian để thử thách!


(Ảnh: Ông Võ Văn Thưởng nhậm chức Chủ tịch nước vào ngày 2/3/2023.)

Ngoài ra, khả năng kế vị của ông Thưởng là không cao trước quyền lực “vô đối” của ông Tổng Bí thư đương nhiệm sau khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng “kỹ trị” buộc phải từ nhiệm giữa kỳ. Mặc dù do điều kiện tuổi tác và sức khoẻ, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ khó tiếp tục kéo dài sang nhiệm kỳ thứ 4, nhưng ai kế nhiệm ông Trọng cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Trước hết là vấn đề “minh vương”, ngoài về phẩm chất cá nhân thì việc kế thừa niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và trải nghiệm chính trị để giữ quyền lực bền bỉ và kiên định đường lối chính sách này cũng vô cùng khó khăn, trong đó mấu chốt là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế để bảo đảm tính chính danh của Đảng CS và chế độ. Vấn đề kế vị luôn là thách đố lớn nhất cho chế độ tập quyền! “Chiếc nhẫn” quyền lực Tổng Bí thư Đảng sẽ được trao cho ai sẽ không đơn giản nhưng lại là lô- gíc hợp lý cho các suy đoán, và điều đó có ý nghĩa quan trọng với chính trường Việt Nam hiện nay.

(Ảnh: Ông Võ Văn Thưởng (thứ hai từ trái hàng đầu), một trong những ủy viên Bộ Chính trị mới hồi tháng 1/2016.)

Thực tế cải cách thể chế đã chỉ ra nguy cơ lớn nhất là sự tha hoá quyền lực. Khi sở hữu “chiếc nhẫn” quyền lực, trong trường hợp bất khả kháng, thì việc trao lại cho “ai đó” là điều khó khăn sao cho vẫn giữ được “vương quốc” theo ý của chủ nhân. “Chúa tể của chiếc nhẫn” (“The Lord of the Rings”) là một truyền thuyết cách đây hơn 2000 năm, kể rằng có chàng chăn cừu Gyges sau một trận động đất “tình cờ” có được chiếc nhẫn “tàng hình” với khả năng siêu nhiên cám dỗ người sở hữu nó bằng sức mạnh. Anh ta đã trở nên xấu xa, đã sát hại nhà vua và thâu tóm vương quốc. Nhưng lời nguyền tha hoá quyền lực khiến anh ta cuối cùng phải nhận kết cục bi thảm. Câu chuyện này đến nay vẫn còn truyền cảm hứng cho các triết gia khám phá xây dựng thể chế, mặc dù họ “lên tiếng” còn khác biệt về niềm tin trong những bối cảnh lịch sử xã hội đặc thù nhưng đều nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn, trong thiết kế “Khế ước xã hội” triết gia Thomas Hobbes lập luận rằng trạng thái tự nhiên là bạo lực và ích kỷ. Công lý, do đó, được áp đặt bởi thẩm quyền. Ngược lại, John Locke khẳng định rằng mọi người đương nhiên có nghĩa vụ phải hành động chính đáng và họ đồng ý tham gia vào xã hội dân sự để bảo đảm các quyền tự nhiên của họ trong khi Jean-Jacques Rousseau cho rằng mục đích của Khế ước xã hội là tạo ra một Chính phủ đại diện cho toàn dân và thực thi ý chí chung.

Trong lễ nhậm chức ông tân Chủ tịch đã nói lại quan điểm không mới là “lấy dân làm gốc”, tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả và thiếu cơ chế bảo đảm các quyền cơ bản của công dân được hiến định trong hành động, thì những lời phát biểu này, suy cho cùng, cũng chỉ là thủ tục phải có. Ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước là sự kiện không gây bất ngờ và việc kế vị Tổng Bí thư quyền lực “vô đối” vẫn bỏ ngỏ.


Người Dân Hy Vọng Gì Khi Ông Võ Văn Thưởng Chính Thức Làm Chủ Tịch Nước?


(Hình: Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ Chủ tịch nước sáng ngày 2/3/2023.)
Trong khi một số người cho rằng việc ông Võ Văn Thưởng được bầu làm Chủ tịch nước là hợp lý thì nhiều người nói không có hy vọng vào việc đổi mới và phát triển của đất nước mà ông ta có thể mang lại ở cương vị mới này.

Trong phiên họp bất thường vào sáng ngày 2/3/2023, Quốc hội Việt Nam đã bầu ông Thưởng cho vị trí nguyên thủ quốc gia với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối (487/488). Trước đó một ngày, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu ứng viên duy nhất cho chức vụ Chủ tịch nước mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại từ hồi tháng 1.

Lợi Thế Sức Trẻ và Dày Dạn Trong Công Tác Đoàn

Ông Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970 (53 tuổi), là người trẻ nhất trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay.

Ba người còn lại trong tứ trụ gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm nay 79 tuổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 65 tuổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính 64 tuổi.
Nhà báo Nguyễn Phạm Mười từ Hà Nội cho rằng từ khi được đưa lên giữ chức Thường trực Ban Bí thư trong Đại hội Đảng lần thứ 13 năm 2021, ông Võ Văn Thưởng đã được dự doán vào sẽ bước chân vào tứ trụ.

Nhà báo kỳ cựu này nói trong tin nhắn gửi tới Ðài Á Châu Tự Do (RFA):
“Ông Thưởng lên là hợp lý, khi Đảng họ muốn có một nhân vật trẻ, để nhân dân thấy là họ không phải toàn muốn đưa các nhân vật quá già cỗi.

Ông ta lên từ phe thanh niên. Vì Đảng lâu nay vẫn nhấn mạnh đoàn viên là đội dự bị của Đảng, thì việc đưa người làm công tác thanh niên lên là hợp lý.

Ông Thưởng cũng là nhân vật được tiếng là sạch sẽ, không dính dàng gì đến tham nhũng hay phe phái, là những vấn đề lâu nay rất nặng nề trong hệ thống chính trị Việt Nam”.
Tuy sinh ra ở Hải Dương, nhưng ông Thưởng có nguyên quán ở Vĩnh Long và trưởng thành từ các công tác sinh viên và đoàn ở Tp. HCM, nên việc ông thay ông Nguyễn Xuân Phúc- cũng là người miền Nam mới bị loại ra, cũng là sự hợp lý trong việc phân chia quyền lực theo vùng miền, ông Nguyễn Phạm Mười bổ sung.

Chủ tịch Nước Không Có Thực Quyền

Trong Hiến pháp Việt Nam, Chủ tịch nước là người đứng đầu quốc gia trong cả đối nội và đối ngoại, và là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam đây chỉ là chức vụ mang tính lễ nghi và không có thực quyền. Do vậy, ông Thưởng khó có thể để lại dấu ấn của mình trong tiến trình phát triển của đất nước ở cương vị này.

Từ Sài Gòn, nhà quan sát thời cuộc Quang Hữu Minh nói với RFA:
“Ở Việt Nam muốn đổi mới gì trừ chức vụ Tổng Bí thư ra thì kể cả Thủ tướng cũng không có ảnh hưởng”.

Cùng có nhận định trên, một Luật sư muốn ẩn danh vì lý do an ninh ở Tp. HCM nói thêm rằng “Nền chính trị độc đảng không thể thay đổi vì một cá nhân lãnh đạo đảng nào, nên không thể trông mong gì ở ông Thưởng hoặc bất kỳ ai” và “lãnh đạo Cộng sản ai cũng như nhau, họ chỉ hành động vì địa vị cầm quyền của đảng của họ và của chính cái ghế của mình, không ai vì dân vì nước cả”.

Tính Cách Không Nổi Bật

Cựu giáo chức Trần Thị Thảo ở Hà Nội đã quan sát ông Thưởng từ thời Bí thư Trung ương Đoàn đến vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, bà cho rằng do tính cách không có gì nổi bật của ông Thưởng nên không mang lại hy vọng gì cho người dân. Bà nói với RFA qua tin nhắn:
“Người yêu thì bảo ông ta hiền, mẫn cán. Ngược lại, tôi thấy ông Thưởng dễ bảo (tính cách này hợp với việc thực hiện các lệnh đảng ban ra), chắc chắn không có đột phá hay đổi mới gì ở ông ấy”, bà Thảo cho biết.

Nhà báo Nguyễn Phạm Mười cũng có nhận định tương tự về sự mờ nhạt của ông Thưởng.
“Nhiều người nói ông Thưởng là nhân vật vô thưởng vô phạt, chả bao giờ có bài phát biểu nào công khai trước công chúng và cũng chả gây được ấn tượng gì đối với nhân dân.

Hy vọng là lâu nay ông ta ẩn mình, để lấy ghế, và sắp tới sẽ xuất hiện, thể hiện bản lĩnh gì đó, chứ đừng có như thời gian vừa qua... quá nhạt nhẽo”.

Bảo Thủ hay Cách Tân?
Trong suốt quá trình làm việc của mình, ông Thưởng gắn với công tác sinh viên, Đoàn, Đảng và công tác tuyên giáo. Ông có bằng cử nhân triết học, thạc sĩ khoa học xã hội, và lý luận chính trị cao cấp.

Trong bài phát biểu sau lễ tuyên thệ, ông Thưởng nhấn mạnh Việt Nam phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin cùng tư tưởng Hồ Chí Minh, và cho đây là nguyên tắc sống còn.

Nhà văn quân đội Nguyễn Nguyên Bình nói:
“Tôi không hi vọng gì việc ông Võ Văn Thưởng ra làm Chủ tịch nước. Tôi thường nghe ông ta nói nhiều về việc ‘chống thế lực thù địch’ mà không bàn luận được gì về quốc kế dân sinh. Vậy thì làm sao để đất nước phát triển dưới triều đại ông ấy?!

Một giảng viên kỳ cựu của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nói trong điều kiện ẩn danh:
“Theo tôi, đảng đang lo sợ đánh mất vai trò lãnh đạo độc tôn, đồng nghĩa với sợ mất chế độ nên bố trí những nhân vật bảo thủ xuất thân từ công an, Đoàn Thanh niên hay Tuyên giáo nắm giữ các vị trí chủ chốt”.

Là người từng nhiều năm làm cán bộ Đoàn và hoạt động phong trào sinh viên, giảng viên này cho rằng những tổ chức này chỉ “ăn tục nói phét” như đánh giá của xã hội, và do vậy, ông không hy vọng gì nhiều.

Tệ hơn, việc đảng bố trí những nhân vật bảo thủ để duy trì độc quyền lãnh đạo sẽ càng làm cho sự gắn kết chặt chẽ giữa ban lãnh đạo ở Hà Nội hiện nay với nhà cầm quyền Bắc Kinh và khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, giảng viên này nói.

Điều đó càng nguy hiểm hơn cho độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu của Ban Dân vận Trung ương, bày tỏ sự thiếu tin tưởng không chỉ vào ông Thưởng mà cả ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

Ông nói với RFA từ Hà Nội như sau:
“Nhân cách của giới lãnh đạo ngày càng suy đồi nghiêm trọng nên tôi không thể tin được rằng họ có thể làm được điều gì tử tế cho dân tộc hiện nay.

Họ sẽ ngồi vào những ghế ấy và làm tầm phào như mấy chục năm vừa qua thôi. Đây là vấn đề đau khổ cho đất nước, đau khổ cho dân tộc, đau khổ cho giới trẻ”.

Nhà báo Quang Hữu Minh cho rằng việc ông Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước sẽ giúp cho ông ta tiến cao hơn nữa. Từng là Bí thư tỉnh uỷ (tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian 2011-2014), ông Thưởng sẽ là một ứng cử viên nặng ký để thay ông Nguyễn Phú Trọng cho chức Tổng Bí thư Đảng trong nhiệm kỳ tới, khi Đảng tổ chức đại hội vào năm 2026.


Liệu Ông Võ Văn Thưởng Sẽ Trở Thành Tổng Bí Thư Đảng Trong Tương Lai?
(Đức Tâm)

-Ngày 2/3/2023, Quốc hội Việt Nam đã chính thức bầu ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước, trên cơ sở giới thiệu của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, sau phiên họp bất thường ngày 1/3. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng, cho đến nay, là làm công tác Đảng. Một khi trở thành Chủ tịch nước, ông sẽ phải tập trung vào các vấn đề ở cấp độ Nhà nước và các vấn đề trong chính sách đối ngoại.

Ngày 23/02/2023, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc Ðại Lợi, trả lời các câu hỏi của báo chí về chủ đề này. Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) xin giới thiệu.

1/Ông Võ Văn Thưởng đã có những đóng góp gì cho chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam?

Toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng là công tác trong tổ chức đảng Cộng sản Việt Nam. Ông tập trung vào công tác tuyên huấn và đào tạo đảng viên về tư tưởng, văn hóa, đạo đức, giáo lý ở cấp độ địa phương và cao hơn. Cùng với sự thăng tiến trong Đảng, ông ngày càng gánh vác trọng trách trong lĩnh vực xây dựng Đảng và đặc biệt là về nhân sự.

Từ khi đảm nhiệm chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Thưởng có vai trò quan trọng trong chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Ông tập trung vào việc phòng ngừa cá nhân chủ nghĩa, chấm dứt vận động hành lang trong việc bổ nhiệm và khuyến khích các cán bộ đã phạm sai lầm thì nên tự nguyện từ chức. Ngoài ra, ông cũng kín đáo tham dự nhiều vào các quyết định hợp lý hóa bộ máy của Đảng, luân chuyển cán bộ và phát động các phong trào thi đua.

Ông Thưởng tương đối “non nớt” trong lĩnh vực đối ngoại. Kinh nghiệm của ông cho đến nay, đó là công du ngoại quốc với các lãnh đạo cao cấp trong Đảng và “giao lưu” với các viên chức của các đảng Cộng sản anh em khác cũng như của các đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ví dụ, trong năm 2022, ông đã gặp gỡ lãnh đạo các chính đảng Cam Bốt, Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Mễ Tây Cơ, Mozambic, Tân Gia Ba và Nam Hàn. Một việc quan trọng là ông đã tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Bắc Kinh để gặp Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi năm 2022.

2/ Liệu sẽ có những thay đổi chính trị đáng kể hay không khi ông Thưởng trở thành Chủ tịch nước?

Với tư cách là Chủ tịch nước, ông Thưởng có lẽ sẽ không đề xướng các thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quả thực là có một sự đồng thuận rất cao trong số các lãnh đạo chủ chốt về phương hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hơn nữa, chính sách đối ngoại là kết quả của quyết định tập thể và đồng thuận trong Bộ Chính Trị. Vả lại, ông Thưởng cũng không thông thạo các vấn đề thế giới như người tiền nhiệm; ông sẽ trải qua một giai đoạn “học nghề” nhanh chóng và sẽ là người tương đối không có kinh nghiệm khi gặp gỡ các đồng cấp ngoại quốc.

3/ Việc ông Thưởng trở thành Chủ tịch nước sẽ tác động ra sao đến khả năng ông sẽ trở thành lãnh đạo Đảng vào năm 2026?

Nếu thực hiện tốt chức vụ Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng sẽ có nhiều lợi thế đảm nhiệm chức Tổng Bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng. Sự nghiệp chính trị không tỳ vết của ông trong Đảng cũng như ông còn tương đối trẻ, là những lợi thế. Hơn nữa, quá trình công tác của ông “có một không hai” với các kinh nghiệm ở cả ba miền của Việt Nam. Gia đình ông ở miền Nam tập kết ra Bắc sau Hội nghị Geneve năm 1954. Ông Thưởng sinh ra ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam. Tiểu sử chính thức ghi quê ông ở Vĩnh Long. Ông học đại học tại Sài Gòn và phần lớn quá trình công tác của ông là ở miền Nam. Trong thời gian từ 2011 đến 2014, ông là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Tổng Giám Đốc Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ USAID Sắp Đến Việt Nam


(Hình: Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), bà Samantha Power.)
- Vào tuần tới, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power sẽ đến thăm Việt Nam.

Thông cáo báo chí của USAID vào ngày 1/3/2023 thông báo như vừa nêu và cho biết mục đích của chuyến thăm của bà Samantha Power đến Việt Nam nhằm củng cố mối quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ. Năm nay, hai phía kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Theo USAID, mối quan hệ này được đánh dấu qua nhiều năm gắn kết và hợp tác sâu rộng, dựa trên nền tảng cùng nhau khắc phục những vấn đề do chiến tranh để lại.

Trong chuyến thăm sắp đến, bà Samantha Power sẽ có các hoạt động gặp gỡ sinh viên trong nước, gặp đại diện cộng đồng người khuyết tật, nông dân, các doanh nghiệp, các tổ chức địa phương cũng như một số viên chức chính phủ Hà Nội để thảo luận về những ưu tiên chung trong mối quan hệ giữa hai phía.
Những ưu tiên được nêu ra gồm vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề đầu tư vào giáo dục đại học, và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung.


Phi Luật Tân Đang Hướng Đến Mở Rộng Hợp Tác An Ninh, Quốc Phòng Với Việt Nam và Tân Gia Ba


(Hình: Ngoại trưởng Phi Luật Tân, ông Enrique Manalo.)

- Phi Luật Tân đang khai triển làm việc cùng các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Tân Gia Ba, về phương cách mở rộng hợp tác an ninh và quốc phòng.

Vào ngày 1/3/2023, Ngoại trưởng Enrique Manalo thông báo như vừa nêu tại một cuộc điều trần trước Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện nước này. Biện pháp của Manila được đưa ra vào khi căng thẳng tại Biển Đông, mà nước này gọi là biển Tây Phi Luật Tân, vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo Ngoại trưởng Enrique Manalo chiến lược hợp tác đa phương trong lĩnh vực an ninh như thế được chứng minh khi Manila đã cùng Nhật Bản đàm phán tăng cường hợp tác quốc phòng. Điều này được tuyên bố trong chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đến Xứ Phù Tang.
Hiện Phi Luật Tân đang tiếp cận với Úc Ðại Lợi không chỉ để xây dựng quan hệ hợp tác quân sự, mà còn cả về kinh tế và những lĩnh vực khác nhằm tăng cường an ninh.

Đối với khối Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), Phi Luật Tân đang tiếp cận Tân Gia Ba và nhắm đến Việt Nam.

Hiện Phi Luật Tân đang thực thi Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) giữa Manila và Hoa Thịnh Ðốn. Mục tiêu để gia tăng khả năng chung trước những mối nguy an ninh mà cả hai phía cùng chia sẻ.
Tại phiên điều trần, Thượng Nghị sĩ Risa Hontiveros nêu ra hoạt động khiêu khích của Trung Quốc tại biển Tây Phi Luật Tân. Theo bà này, Bắc Kinh xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Phi Luật Tân tại đó.

Bà bày tỏ lòng tri ân đối với các nước công khai yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Đó là các quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Ðại Lợi, Gia Nã Ðại và Đức.


HoSE Tiếp Tục Đưa Cổ Phiếu ITA của Bà Đặng Thị Hoàng Yến Vào Diện Cảnh Báo


(Hình: Thông báo của HoSE tiếp tục đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo.)

- Cổ phiếu ITA tiếp tục bị cảnh báo trên HoSE do công ty liên tục vi phạm qui định về công bố thông tin trong sáu tháng kể từ ngày bị đưa vào diện cảnh báo (9/2022).

Bà Trần Anh Đào - Phó tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE) ký thông báo về việc giải quyết vi phạm đối với cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA-HOSE do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị) trong ngày 1/3 và được truyền thông loan trong ngày 2/3/2023.

Theo đó, 938 triệu cổ phiếu ITA tiếp tục bị cảnh báo trên HOSE do ITA chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo đồng thời tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin trong sáu tháng kể từ ngày bị cảnh báo.

Trước đó, HoSE đã thông báo đưa ITA của Tân Tạo vào diện cảnh báo kể từ ngày 6/9/2022 vì vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trong một năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Đến ngày 8/12/2022, Tân Tạo đã có văn bản gửi HoSE về việc khắc phục những nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào cảnh cáo, đồng thời đề nghị HoSE xem xét đưa công ty ra khỏi diện này theo quy định.

Gần đây, Tân Tạo tiếp tục bị nhắc nhở vì chậm công bố thông tin thoái vốn Công ty cổ phần Đầu tư-Phát triển Đô thị Tân Tạo và việc thoái vốn toàn bộ số tiền đã góp vào Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) gần 1.753 tỉ đồng.

Hiện trên thị trường, cổ phiếu ITA đã bị HOSE cắt margin trong quý 1/2023 và đang được giao dịch quanh mốc 4.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thông tin công bố đến cuối năm 2022, bà Đặng Thị Hoàng Yến sở hữu 5,79% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư - Công nghiệp Tân Tạo, tương đương 54,39 triệu cổ phiếu ITA.


Điện Biên: Cựu Giám Đốc Sở Giáo Dục-Đào Tạo Lãnh Án 5 Năm Tù


(Hình: Ông Nguyễn Văn Kiên, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, cùng đồng phạm tại toà.)

- Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên bị tuyên án 5 năm tù liên quan sai phạm trong qui định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Toà án nhân nhân tỉnh Điện Biên đã tuyên án trong ngày 2/3/2023, sau gần 2 ngày xét xử. Theo đó, ông Nguyễn Văn Kiên, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cùng ông Đinh Văn Hữu - Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên - đều bị tuyên 5 năm tù mỗi người.

Sáu bị can còn lại trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra trên địa bàn vào các năm 2019-2020 lần lượt nhận các mức án từ 30 tháng tù đến hai năm tù giam. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.

Toà buộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên và các bị cáo phải nộp lại số tiền 7,5 tỉ đồng cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên để nộp Ngân sách Nhà nước.

Theo cáo trạng, từ năm 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường Trung học Phổ thông.
Ông Đinh Văn Hữu đã “bắt tay” với ông Kiên để được trúng hai gói thầu trên. Sau khi trúng thầu, ông Hữu đã “lại quả” cho ông Kiên tổng số tiền 600 triệu đồng.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định ông Đinh Văn Hữu là người khởi xướng; Nguyễn Văn Kiên là người thực hiện hành vi phạm tội với vai trò tích cực; các bị can còn lại thực hành và giúp sức.

Liên quan đến sai phạm trong các gói thầu mua sắm thiết bị dạy học, ngày 2/3 Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giám đốc kinh doanh công ty Hồng Hà; Nguyễn Xuân Thiện - nhân viên kinh doanh công ty P&T và Nguyễn Xuân Hiếu, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành họp kiểm điểm bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Trần Trung Dũng – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Nguyễn Xuân Trường – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; bà Nguyễn Thị Hải Lý – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.


Hà Nội, Cần Thơ: Bắt Giám Đốc và Đăng Kiểm Viên Các Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Cơ Giới


(Hình: Công an Hà Nội khám xét một trung tâm đăng kiểm vi phạm.)

- Ông Châu Ngọc Ý, Giám đốc của ba Trung tâm đăng kiểm xe ở Cần Thơ vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Cùng lúc Công an Hà Nội cũng tạm giữ 3 lãnh đạo và 6 nhân viên của trung tâm đăng kiểm huyện Sóc Sơn.
Cùng bị bắt với ông Ý còn có ông Nguyễn Sĩ Hùng -Giám đốc doanh nghiệp tư nhân sữa chữa xe hơi Phú Hưng-Bến Tre. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 2/3/2023.

Công an Cần Thơ cho biết Phòng cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát giác dấu hiệu sai phạm liên quan đến công tác kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 6502D, 6504D và 6506D thuộc Công ty kỹ thuật Cát Tương An Khánh (đều do ông Ý làm Giám đốc) nên đã báo cáo Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ tiến hành điều tra.
Vào ngày 17/2, Công an Cần Thơ đã ra quyết định khám xét khẩn cấp các trung tâm trên và thu giữ nhiều tài liệu liên quan sai phạm trong công tác đăng kiểm xe cơ giới.

Quá trình điều tra, ông Châu Ngọc Ý thừa nhận đã cấu kết với ông Hùng nhận tiền của các chủ phương tiện để lập khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới các loại, ký khống biên bản nghiệm thu cải tạo, mua các Giấy chứng nhận kết quả kiểm định cần trục cẩu để hợp thức hoá hồ sơ cho các phương tiện không đủ điều kiện hồ sơ cải tạo theo quy định.

Cụ thể ông Ý đã nhận số tiền từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/1 hồ sơ để làm hồ sơ hợp thức hóa cho các phương tiện trên. Tổng số tiền ông Ý đã là trên 2 tỉ đồng.

Cũng trong ngày 2/3, Công an huyện Sóc Sơn Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định tạm giữ và lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của 9 người thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-12D QL3 huyện Sóc Sơn để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ.

Chín người bị bắt gồm Giám đốc Trung tâm, Giám đốc Kỹ thuật, Phó Giám đốc Kỹ thuật cùng 6 đăng kiểm viên.
Công an huyện Sóc Sơn xác định, các đăng kiểm viên và lãnh đạo của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-12D đã nhận tiền của các chủ phương tiện đến kiểm định để bỏ qua các lỗi vi phạm của phương tiện và cấp giấy đăng kiểm. Tại cơ quan điều tra, 9 người này đều thừa nhận hành vi nhận hối lộ.

Theo Cục Đăng kiểm việt Nam, tính đến ngày 1/3, cả nước có 59 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động (51 đơn vị bị dừng do phục vụ điều tra và tám đơn vị dừng do không đủ điều kiện hoạt động). Đến nay đã có hơn 300 người bị khởi tố với các cáo buộc “hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.


Adb Duyệt Khoản Vay Cho Dự Án Điện Gió Xuyên Biên Giới Lào-Việt Nam


(Hình: Nhà máy điện gió được xây dựng tại Lào và bán điện sang Việt Nam sẽ là nhà máy điện gió xuyên biên giới đầu tiên ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 1/3/2023, Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện gió Monsoon vừa ký gói tài trợ dự án không truy đòi trị giá 682,55 triệu Mỹ kim, để xây dựng một nhà máy điện gió 600 MW ở khu vực phía Nam Lào và xuất cảng bán điện cho nước láng giềng Việt Nam. Đây là nhà máy điện gió lớn nhất Đông Nam Á và đầu tiên ở Lào, cũng là nhà máy điện gió xuyên biên giới đầu tiên ở Á Châu.

Theo thông cáo báo chí của ADB, nhà máy điện gió cùng với đường dây truyền tải 500 kV chuyên dụng sẽ được xây dựng tại tỉnh Sê Kông và tỉnh Attapeu và sẽ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hợp đồng mua bán điện 25 năm.
Giao dịch tài chánh lớn này liên quan đến các quỹ phát triển và thương mại. ADB đóng vai trò chủ trì thu xếp chính và bảo lãnh duy nhất đã thu xếp. Ngân hàng đồng tài trợ cho dự án cùng với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á Châu (AIIB), Cơ quan Tập đoàn Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập cảng Thái Lan (Thai EXIM), Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC), Tập đoàn Thế chấp Hong Kong Ltd (HKMC), Kasikornbank và Ngân hàng Thương mại Siam.

Gói tài trợ bao gồm khoản vay A trị giá 100 triệu Mỹ kim từ nguồn vốn thông thường của ADB, khoản vay B hợp vốn trị giá 150 triệu Mỹ kim, khoản tài trợ ưu đãi trị giá 60 triệu Mỹ kim, khoản vay song song trị giá 382,55 triệu Mỹ kim và khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu Mỹ kim.

Theo Giám đốc bộ phận hoạt động khu vực tư nhân của ADB, bà Suzanne Gaboury, “Các nền kinh tế đang phát triển ở Á Châu và Thái Bình Dương phải đối mặt với sự thiếu hụt trong các khoản đầu tư khí hậu cần thiết để dọn đường cho tăng trưởng xanh”.

Vì vậy, “Việc hợp tác phát triển và tài trợ thương mại cho dự án này thu hẹp khoảng cách này bằng cách huy động vốn tư nhân để phát triển các nguồn tài nguyên gió được chuyển thành sản xuất điện sạch có thể thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội trong khu vực”.

Cung cấp điện xuyên biên giới là một trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Lào, và việc khai thác các nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác có thể mang lại sự đa dạng hóa năng lượng cho quốc gia này.

Dự án cũng sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 748.867 tấn carbon dioxide mỗi năm.


Việt Nam Đề Nghị Samsung Đầu Tư, Phát Triển Kỹ Thuật Bán Dẫn


(Hình: Nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên.)

- Ngày 2/3/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vừa đề nghị Samsung đầu tư và phát triển kỹ thuật bán dẫn tại Việt Nam và cam kết “bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư ngoại quốc”, bao gồm Samsung.

Đề nghị được ông Vương Đình Huệ đưa ra với Tổng Giám đốc phụ trách tài chánh Công ty Samsung Electronics, Park Hark Kyu, trong buổi tiếp ông tại Hà Nội hôm thứ Ba (28/2).
Chúc mừng thành công kinh doanh của Samsung tại Việt Nam, ông Huệ nói chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xem xét các đề xuất của Samsung qua các thời kỳ.

Ông đề nghị tập đoàn Nam Hàn tiếp tục đầu tư và phát triển kỹ thuật bán dẫn và tiếp tục rót vốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam và khẳng định chính phủ Việt Nam luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc Park cho biết kim ngạch xuất cảng của các doanh nghiệp Nam Hàn đạt khoảng 65 tỉ Mỹ kim vào năm 2022 và vốn đầu tư lũy kế của họ tại Việt Nam lên tới 20 tỉ Mỹ kim.

Samsung mới đây khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trị giá 220 triệu Mỹ kim tại Việt Nam và có mục tiêu phát triển nó thành một trung tâm phát triển toàn cầu, vẫn theo lời ông Park.

Giữa bối cảnh đại dịch bùng phát và cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra, nhu cầu về chất bán dẫn sản xuất đang tăng lên mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ ban hành Đạo luật về Khoa học và CHIPS vào tháng 8/2022 và chính phủ Biden rót hàng tỉ Mỹ kim vào ngành công nghiệp này và sử dụng tất cả các lựa chọn khả dĩ ở khu vực Á Châu để hợp tác thực hiện kế hoạch cải thiện chuỗi sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.



Vào trung tuần tháng 1, Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái cũng đề nghị Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA) của Mỹ khuyến khích các công ty thành viên tăng cường đầu tư vào Việt Nam khi ông tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SIA, John Neuffer, tại Hà Nội trong chuyến công tác của ông Neuffer đến Đông Nam Á để khảo sát về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Người Dân Dễ Bị Tổn Thương Được Lệnh Rời Khỏi Thành Phố Kupiansk

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 2/3/2023, chính quyền vùng Kharkiv của Ukraine thông báo đã ra lệnh cho những người dễ bị tổn thương phải cấp tốc di tản ra khỏi thành phố Kupiansk ở mặt trận miền Đông-Bắc đang có nguy cơ lọt vào tay quân Nga.

Theo lời Thống đốc vùng Kharkiv, Oleg Synegoubov, nhiều thành phố, trong đó có Kupiansk, đã bị quân Nga pháo kích dồn dập.

Nằm cách thành phố Kharkiv khoảng 100 cây số, Kupiansk, thành phố có gần 30.000 dân trước chiến tranh, đã bị quân Nga chiếm ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh xâm lược. Sau một cuộc phản công chớp nhoáng, quân Ukraine đã giành lại được thành phố này vào tháng 9 năm 2022. Nhưng quân Nga, được bổ sung lực lượng hàng trăm ngàn quân dự bị, đã mở lại cuộc tấn công vào Kupiansk, khiến nhiều người dân tại đây lo sợ.

Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner, Evgueni Prigojine, hôm nay khẳng định trên mạng Telegram là thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, thành phố mà giao tranh diễn ra ác liệt nhất, nay “coi như bị quân Nga bao vây hoàn toàn”, chỉ còn một con đường duy nhất để thoát ra.

Về sự yểm trợ quân sự của phương Tây, theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, Hoa Kỳ hôm nay sẽ thông báo một khoản viện trợ mới cho Kyiv, chủ yếu là đạn dành cho các hệ thống vũ khí mà quân Ukraine đã có, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.

Cũng ông Kirby hôm 2/3 cho biết Hoa Thịnh Ðốn hiện chưa thấy có dấu hiệu là Trung Quốc đã ra quyết định về việc cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng Mỹ vẫn không loại trừ khả năng này.


Vladimir Putin Tố Cáo Những “Kẻ Phá Hoại” Người Ukraine Xả Súng Vào Thường Dân Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 2/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc những kẻ theo “chủ nghĩa tân phát xít Ukraine” xâm nhập vào khu vực Bryansk ở phía nam nước Nga giáp với biên giới Ukraine và nổ súng vào thường dân. Nguyên thủ Nga gọi đó là một “hành động khủng bố”.

Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Julian Colling của Đài RFI cho biết cụ thể:
“Nguyên thủ Nga hôm qua đã mô tả vụ thâm nhập vào khu vực biên giới Bryansk của những kẻ phá hoại dường như là người Ukraine là một “hành động khủng bố”. Trên truyền hình, Vladimir Putin cũng cáo buộc “tân phát xít”, xin trích, đã “bắn vào thường dân”. Đã có hai trường hợp tử vong và một đứa trẻ 11 tuổi bị thương, theo truyền thông nhà nước, dẫn lại tuyên bố của cơ quan đầy quyền lực FSB mà lực lượng biên phòng Nga trực thuộc.

Điều này có thể báo trước sự gia tăng căng thẳng, bởi đây là lần đầu tiên một cuộc nổ sung giữa nhóm người diễn ra ngay trên lãnh thổ Liên Bang Nga. Và những kênh Telegram ủng hộ chiến tranh đã kêu gọi Nga trả đũa mạnh mẽ, thậm chí, một Nghị sĩ thân Ðiện Cẩm Linh kêu gọi, xin trích “trừ khử” Volodymyr Zelensky.

Về phần mình, Kyiv phủ nhận có dính líu đến sự việc sôi động này và cho rằng Nga đang đánh lạc hướng. Theo một video được quay tại chỗ, sự việc này dường như có sự tham gia của một nhân vật hoạt động cực hữu nổi tiếng người Nga, thù địch với chế độ Putin và đã sống ở Ukraine trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, vào tối 2/3, đã có thêm một chiếc drone bị rơi ở Kolomna chỉ cách Mạc Tư Khoa 70 cây số. Tuần này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các hoạt động và các vụ nổ drone của Ukraine trên bầu trời Nga. Điều này khiến một số nhà bình luận lo ngại về việc Nga tăng cường các cuộc oanh kích nhắm vào những địa điểm nhạy cảm của Ukraine, điều mà phe cứng rắn của chế độ Putin đã đòi hỏi. Hoặc đưa ra những quyết định mạnh mẽ trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày hôm nay”.

Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm 3/3 đã nói với các phóng viên rằng Nga sẽ đưa ra kết luận cụ thể sau khi cuộc điều tra kết thúc và sẽ tìm ra biện pháp để ngăn chặn các cuộc xâm nhập từ phía Ukraine, đồng thời tránh cho những sự việc như ở Bryansk tái diễn trong tương lai.


G20: Ngoại Trưởng Mỹ Đề Nghị Đồng Nhiệm Nga “Chấm Dứt Chiến Tranh”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 2/3/2023, tại Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho báo chí biết ông đã yêu cầu đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov chấm dứt chiến tranh tại Ukraine, trong một cuộc gặp riêng ngắn ngủi bên lề Hội nghị các Ngoại trưởng của nhóm G20.

Hội nghị G20 đã kết thúc hôm 2/3 mà không đưa ra được thông cáo chung do những bất đồng về cuộc xung đột Ukraine. Thông tín viên Sébastien Farcis của Đài RFI tại Tân Ðề Ly cho biết thêm thông tin:

Cuộc gặp kéo dài có 10 phút bên lề một trong những phiên họp của G20. Thông điệp chính mà Ngoại trưởng Mỹ gửi tới đồng nhiệm Nga rất rõ ràng.
Ông Anthony Blinken cho biết: “Hãy chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược. Hãy can dự vào một tiến trình ngoại giao rõ ràng có thể đi tới một nền hòa bình công bằng và bền vững. Tổng thống Zelensky đã trình bày một kế hoạch hòa bình 10 điểm và ngoại giao Mỹ sẵn sàng hỗ trợ để chấm dứt chiến tranh trên những cơ sở đó”.

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng đã đề nghị ông Serguei Lavrov xem lại việc mới đây Nga đình chỉ Hiệp ước New Start về giải trừ vũ khí nguyên tử.
Ông Blinken nói tiếp: “Tôi đã nói với Ngoại trưởng Nga rằng, bất kể điều gì xảy ra trên thế giới hay trong quan hệ của chúng ta, Hoa Kỳ sẽ vẫn luôn sẵn sàng thảo luận và hành động vì mục đích kiểm soát các vũ khí chiến lược. Gống như Hoa Kỳ và Liên Xô đã làm trong lúc cao trào của Chiến tranh lạnh”.

Bộ Ngoại Giao Nga xác nhận cuộc gặp diễn ra theo đề nghị của Mỹ nhưng theo Mạc Tư Khoa, không có một thảo luận có ý nghĩa nào.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Âu Châu ông Josep Borrell hôm 3/3 cho biết có ghi nhận “một chút cải thiện” trong phản ứng ngoại giao của Nga tại cuộc họp của G20 ở Ấn Độ. Đó là khi các nước phương Tây lên án cuộc xâm lược của Nga thì Ngoại trưởng Serguei Lavrov không rời bỏ cuộc họp giữa chừng như năm 2022 trong hội nghị ở Nam Dương.


Tổng Thống Mỹ Tiếp Thủ Tướng Đức Nhằm Thể Hiện Sự Đoàn Kết Giữa Hai Đồng Minh

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 3/3/2023, Thủ tướng Olaf Scholz đến thăm Hoa Thịnh Ðốn và được Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tại Tòa Bạch Ốc. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ lần thứ hai của Thủ tướng Đức, sau chuyến đi vào tháng 2/2022 vài ngày trước khi Tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.

Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ, Đức nhằm tỏ cho Nga và Trung Quốc thấy là hai đồng minh phương Tây vẫn đoàn kết với nhau, sau khi đã vượt qua bất đồng về vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI tường trình:
“Cuộc gặp này trước hết là nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa hai nước. Trước khi đi đến đồng thuận, Hoa Kỳ và Đức đã không hoàn toàn đồng nhất quan điểm về vấn đề Ukraine.

Trong chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn vào tháng 2/2022, vài ngày trước khi nổ ra chiến tranh Ukraine, Thủ tướng Đức thậm chí đã không nói đến tên của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, mà Hoa Kỳ muốn Bá Linh từ bỏ và cuối cùng thì đường ống này cũng đã không đi vào hoạt động.

Từ đó cho đến nay, lập trường của hai bên đã tương đồng với nhau hơn rất nhiều. Tuy vậy, đã phải mất nhiều tuần thương lượng, Bá Linh mới chấp nhận giao các xe tăng cho Ukraine, với điều kiện Hoa Thịnh Ðốn phải cam kết cũng làm như vậy cho dù Ngũ Giác Đài rất ngần ngại.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Đức sẽ cố gắng tỏ cho thấy là tất cả những chuyện đó đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz sẽ phải đề cập đến khả năng ban hành các trừng phạt đối với Bắc Kinh nếu Trung Quốc cấp vũ khí cho Nga.

Là quốc gia có khối lượng trao đổi mậu dịch rất lớn với Trung Quốc, Đức lo ngại về khả năng trừng phạt Bắc Kinh, cũng như lo ngại về tác động của luật chống lạm phát của Mỹ. Ngành công nghiệp xe hơi Đức không muốn bị loại khỏi danh sách các đối tượng được hưởng các trợ cấp của Hoa Kỳ cho việc mua xe hơi điện. Từ nhiều tuần qua, chính quyền Mỹ xem xét các yêu cầu của Âu Châu, nhưng chưa thông báo quyết định nào”.

Trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Scholz với Tổng thống Biden, hôm nay, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitri Peskov cảnh cáo là việc các nước phương Tây cấp thêm vũ khí cho Kyiv chỉ làm “kéo dài” cuộc xung đột ở Ukraine”.


Tổng Thống Macron Hối Hả Công Du Trung Phi Với Hy Vọng Thay Đổi Hình Ảnh Nước Pháp

- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rời Gabon và hôm 3/3/2023 tới Angola, chặng thứ hai trong chuyến công du Trung Phi của ông.

Trong ngày, ông sẽ tới Cộng hòa Congo và cuối ngày sẽ sang Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây thực sự là chuyến công du gấp rút của nguyên thủ quốc gia Pháp nhằm thúc đẩy quan hệ với khu vực Trung Phi. Từ Luanda, thủ đô của Angola, đặc phái viên Valérie Gas tường trình:

Emmanuel Macron muốn chuyến công du này đạt được nhiều kết quả. Ông hối hả thăm 4 nước trong 3 ngày. Tại mỗi nước, ông sẽ đề cập đến một chủ đề khác nhau với mong muốn phát triển quan hệ đối tác. Ở Gabon ông đã thảo luận về rừng, ở Angola là vấn đề nông nghiệp để giúp đất nước này sử dụng tiềm năng của mình vốn là “vựa lúa mì của Trung Phi”. Ở Congo, những chủ đề về kinh doanh và vấn đề ký ức thời thực dân sẽ là trọng tâm. Cuối cùng là thảo luận về văn hóa ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Một cố vấn của Emmanuel Macron tóm tắt ý định của Tổng thống như sau: “Biến Pháp trở thành đối tác quan trọng”. “Làm bất cứ điều gì ngoại trừ một chuyến thăm kiểu xưa để duy trì quan hệ thông đồng với giới lãnh đạo, hoặc bảo đảm lợi ích kinh tế”, theo điện Elysée.

Đây là cách để đáp lại những lời chỉ trích về chuyến công du Gabon, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống tại đây sẽ diễn ra trong vài tháng nữa và một số người nghi ngờ Emmanuel Macron đến để ủng hộ Ali Bongo, được che đậy bởi việc ông dự hội nghị thượng đỉnh One Forest.

Thay đổi cách thức trong quan hệ với các nước Phi Châu, đây là mục đích chính của chuyến đi này mà đoàn tùy tùng của Emmanuel Macron luôn nhắc đến là không hề dễ đạt được.


Quad Lo Ngại Về Việc Quân Sự Hóa Các Vùng Biển Xung Quanh Trung Quốc

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 3/3/2023, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc Ðại Lợi, các nước nằm trong Bộ Tứ (QUAD) đã bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa các vùng biển xung quanh Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn.

Theo hãng tin AFP, bên lề cuộc họp nhóm G20 ở Tân Ðề Ly, các Ngoại trưởng các thành viên nhóm QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn và Úc) đã có một cuộc họp riêng. Trong tuyên bố chung do nước chủ nhà Ấn Độ công bố sau cuộc họp, nhóm QUAD nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế” ở vùng biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Tuy không nêu tên Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ, Ấn, Nhật, Úc bày tỏ quan ngại trước “việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, việc sử dụng một cách nguy hiểm các lực lượng hải cảnh và dân quân biển, cũng như những nỗ lực nhằm cản trở các hoạt động của những nước khác khai thác tài nguyên trên biển”.
QUAD (Đối thoại An ninh Bốn bên) là một liên minh chiến lược không chính thức được khởi xướng từ năm 2007, sau đó đến năm 2017 được khởi động trở lại trước ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh thì vẫn xem QUAD là một công cụ của Hoa Thịnh Ðốn để chống Trung Quốc.

Nhưng phát biểu tại Tân Ðề Ly hôm 3/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho rằng Trung Quốc không có lý do gì để e ngại QUAD, vì đây không phải là một tổ chức hợp tác về quân sự.


Khan Hiếm Lương Thực: Lãnh Đạo Bắc Hàn Yêu Cầu Gia Tăng Sản Xuất Nông Nghiệp

- Theo hãng tin chính thức KCNA của Bắc Hàn hôm 2/3/2023, trong một cuộc họp quan trọng của đảng Lao Động Triều Tiên, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã yêu cầu các cấp chính quyền là “bằng mọi giá” phải đạt được các chỉ tiêu về sản xuất ngũ cốc.
Yêu cầu của ông Kim Jong Un được đưa ra vào lúc có nhiều báo cáo cho thấy tình trạng khan hiếm lương thực đang ngày càng trầm trọng tại quốc gia bị cô lập này. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Celio Fioretti của Đài RFI tường trình:

Phải làm như trước đây. Để giải quyết khủng hoảng lương thực, lãnh đạo Bắc Hàn muốn quay trở lại chính sách kế hoạch hóa nông nghiệp. Kể từ nạn đói thập niên 1990, ngành nông nghiệp Bắc Hàn được phần nào tự do về sản xuất. Cuộc họp toàn thể của Trung ương Đảng đánh dấu việc Nhà nước tăng cường trở lại kiểm soát lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ cuộc “cách mạng nông thôn” được phác họa vào năm 2021, ông Kim Jong Un muốn thúc đẩy nông dân Bắc Hàn làm việc nhiều hơn để cải thiện năng suất lao động. Nhưng các nhà quan sát không tin vào các biện pháp đó. Sự kiểm soát của Nhà nước được tăng cường, nhưng những chi tiết về các phương tiện thực hiện vẫn chưa rõ ràng.
Những hậu quả của việc quay trở lại với kế hoạch hóa nông nghiệp chưa biết sẽ như thế nào, nhưng các chuyên gia nhắc lại rằng chính là nhờ từ bỏ kế hoạch hóa mà Bắc Hàn đã có thể thoát được nạn đói. Họ nhấn mạnh đến việc thiếu các biện pháp để khuyến khích nông dân sản xuất nhiều hơn.

Trong bối cảnh mà Hoa Kỳ vừa ban hành các trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, cuộc sống của người dân Bắc Hàn trong những tháng tới sẽ còn khó khăn hơn.


Cam Bốt: Lãnh Đạo Phe Đối Lập Kem Sokha Bị Kết Án 27 Năm Tù Vì Tội Phản Quốc

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 3/3/2023, một tòa án Cam Bốt đã kết án thủ lĩnh phe đối lập Kem Sokha 27 năm tù vì tội phản quốc.

Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng ông Sokha bị kết án hoàn toàn vì mục đích chính trị, khi cuộc tổng tuyển cử Cam Bốt sẽ diễn ra vào tháng 7/2023. Từ Nam Vang, thông tín viên Juliette Buchez của Đài RFI tường trình:

Ngay sau khi có tuyên án, Kem Sokha đã rời Tòa án theo một lối khác, cách xa khu vực các nhà báo và một số ít người ủng hộ ông tập trung trước Tòa sáng nay. Chính trị gia 69 tuổi vừa mới bị tuyên án: 27 năm tù và bị cấm vĩnh viễn tham gia hoạt động chính trị hay đi bầu cử.

Hiện đang bị quản thúc tại gia, Kem Sokha sẽ phải giữ im lặng. Tòa cũng cấm ông không được giao tiếp với bất kỳ ai ngoại trừ gia đình thân cận. Như vậy là kết thúc phiên tòa khởi động vào tháng 1/2020, hơn 2 năm sau khi ông bị bắt và sau hơn 60 phiên xét xử.

Vụ xét xử Kem Sokha đã trở thành chủ đề chất vấn từ phía các tổ chức ngoại quốc. Phiên tòa cũng chịu sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền tố cáo bản án được tuyên với động cơ chính trị.
Kể từ cuối năm 2017 và sự giải thể của đảng đối lập chính do Kem Sokha đồng sáng lập, các thủ tục pháp lý chỉ trích chính phủ Cam Bốt đã tăng lên gấp bội. Có nhiều người ủng hộ Kem Sokha có mặt trước Tòa án, cùng với một số tổ chức phi chính phủ về nhân quyền đã lo ngại về thông điệp mà bản án này gửi đi.

Bản án được tuyên chỉ 4 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, tại một quốc gia mà phe đối lập chính trị vẫn bị trấn áp mạnh mẽ. Tại đây, Thủ tướng Hun Sen sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ mới, 38 năm sau khi ông lên cầm quyền.


Gia Nã Ðại Cho Phép Các Doanh Nghiệp Được Bán Cocain

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 2/3/2023, Sunshine Earth Labs, một hãng kỹ thuật sinh học, thông báo đã được chính phủ Gia Nã Ðại cấp giấy phép để sản xuất và bán cocain và một số loại ma túy khác.

Quyết định cấp phép có liên quan đến thay đổi căn bản quan điểm của chính phủ Gia Nã Ðại về vấn nạn sử dụng ma túy, để đối phó với vấn nạn sử dụng ma túy quá liều khiến hàng ngàn người chết.

Theo thông tấn xã AFP, chính phủ Gia Nã Ðại chủ trương phi hình sự hóa việc tàng trữ một lượng nhỏ cocain, heroin và một số loại ma túy khác. Tháng 1/2023 vừa qua, theo hướng trên, Ottawa đồng ý một số điều chỉnh luật hình sự áp dụng trong tỉnh British Columbia trong khuôn khổ một dự án thí điểm trong 3 năm. Mục đích là để chống lại tình trạng kỳ thị người sử dụng ma túy khiến một số người không được giúp khi cần.
Những nhà hoạt động ủng hộ biện pháp trên còn đề nghị những người nghiện nặng phải được cung cấp ma túy ổn định. Các biện pháp này nhằm đối phó với nguy cơ gia tăng người nghiện bị sốc thuốc vì mua ma túy bất hợp pháp ngoài đường.

Trong một thông cáo, Sunshine Earth Labs, cho biết đã nhận được giấy phép của Y Tế Gia Nã Ðại để “cất giữ, sản xuất, bán và phân phối một cách hợp pháp lá cây coca và cocain”, cũng như các lại morphine, ectasy hay heroin.
Một giấy pháp tương tự cũng đã được cấp hồi tháng Hai cho công ty Adastra Labs, hiện chỉ sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ cần sa.

Tỉnh British Columbia của Gia Nã Ðại đã học tập cách làm của tiểu bang Oregon của Mỹ, đã phi hình sự hóa các loại ma túy rắn từ tháng 11/2020. British Columbia cũng là tỉnh đã ghi nhận 10 ngàn người nghiện chết vì sốc thuốc từ năm 2016.

Không có nhận xét nào: