Hôm nào cũng vậy, trời chạng vạng tối Lành mới về tới nhà, bước chân mệt nhoài, rời rã. Hôm nào cũng vậy, Thiệt lẳng lặng theo sau, giữ một khoảng cách an toàn. Chắc chắn không phải Thiệt sợ Lành phát hiện rồi. Chỉ do thói quen thôi. Thói quen từ lâu hình thành một nghĩa vụ. Thiệt thấy mình có bổn phận không được rời mắt khỏi Lành. Lành làm gì, đi đâu, Thiệt đã thuộc lòng, rành rẽ như nhìn xuống mười ngón tay mình. Lành buồn hay vui, Thiệt càng quá rõ. Còn những lúc Lành ôm gối khóc thầm, mắt Thiệt nhòe nước theo.
<!>
Thấy Lành về, thằng Đoàn và con Viên reo hò chạy ra đón, ôm hai bên chân mẹ, rồi tranh nhau lục quang gánh. Dù thau bánh còn nhiều, hai đứa vẫn vô tư hớn hở, không biết nỗi lo buổi chợ ế ẩm hôm nay sẽ không đủ tiền góp cho chủ nợ sáng mai đang làm mẹ lo thắt ruột gan. Hai đứa nhỏ: anh lên sáu, em chưa đầy bốn tuổi, còn bé quá mà!
Bây giờ thì Thiệt đứng ngoài vách lá, ngóc cổ nhìn vào qua khung cửa sổ. Cũng là thói quen thôi chứ Thiệt đã biết Lành sẽ tuần tự làm gì. Ngày nào cũng rập khuôn nhau: đặt vội nồi cơm trước khi tắm rửa sạch sẽ cho hai con; Chúng ăn xong, sẽ là lúc Lành vừa cầm tay thằng Đoàn tập viết vừa gãi lưng dỗ con Viên ngủ; Giặt thau đồ và tưới vài luống cải ở khoảnh vườn nhỏ sát chái bếp xong mới đến lúc Lành tắm gội cho mình rồi ăn cơm. Hầu như bữa tối nào của Lành cũng có tô canh khổ qua hầm mềm. Dù không nghe Lành than thở, Thiệt cũng đo được Lành mệt mỏi thế nào qua tiếng nhai rời rạc hoặc cái bẻ lưng uể oải.
Rất muốn tiếp tay cho Lành bớt nhọc nhằn mà không thể, ánh mắt sắc như dao của mẹ Phi cơ hồ khoan thấu tận tim vẫn làm Thiệt sợ hãi.
Lo con dâu lạc lòng, bà già rào đường chặn ngõ, băm bổ mắng mỏ bất cứ anh trai nào mà bà cho là muốn ngó nghiêng đến Lành. Nhiều lần Thiệt đã bị ê mặt như thế.
Muốn Lành yên phận thờ chồng nuôi con, bà già lúc tỉ tê ngọt nhạt, lúc cay độc mỉa mai như khơi dậy tự trọng của con dâu. Bà viện lý do hai cháu nội sẽ khổ một khi Lành tái giá, để che giấu nỗi sợ chính bà sẽ bị Lành bỏ rơi. Con trai đã vắn số, bà biết nương dựa tuổi già vào ai?
Chẳng rõ Lành có hiểu không, chứ Thiệt biết hết đấy. Biết Lành oan ức: chỉ Thiệt thương Lành thôi, chứ Lành gồng gánh mẹ chồng già yếu cùng hai con thơ dại đủ mệt mỏi lắm rồi, còn tâm trí nào tơ tưởng yêu đương? Mà giả dụ có đi nữa, Lành cũng không tơ tưởng Thiệt. Thiệt biết Lành chỉ yêu một mình Phi thôi.
Ngày Phi cưới Lành, Thiệt đã lịm trong men say ba ngày đêm ròng rã. Chẳng biết có phải nồng độ cồn quá cao đã bào mỏng ruột gan Thiệt không, mà xót mà đau đến thế? Lúc tỉnh dậy, Thiệt vùi mặt xuống chiếu khóc rưng rức. Khóc ngon lành, ngọt xớt như ngày thơ bé bị mẹ đánh đòn.
Thiệt chỉ biết tự trách mình nhút nhát quá thành chậm chân, bỏ mất cơ hội. Thương người ta mà giấu kín trong lòng, làm sao người ta biết? Có lúc Thiệt hờn dỗi lây cả ông nội: Ông ơi, chọn chi cái tên vận vào đời cho thằng cháu ông luôn… thua thiệt?
Thiệt thương khi Lành chưa lấy chồng, chẳng nói làm chi. Ngay cả Lành lấy Phi rồi, lần lượt sinh hai con, lòng thương ấy vẫn không sút giảm. Nhất là khi Lành thình lình góa bụa thì Thiệt càng thương dữ dội!
Giờ thì Thiệt “thấm thía” rồi, không nhút nhát nữa. Bất chấp mọi dị nghị, Thiệt xắn tay áo lao vào giúp Lành những gì có thể. Hễ rảnh là Thiệt chạy sang, khi tưới hộ luống cải vàng vọt, lúc kéo từ giếng lên đổ đầy hai chum nước sạch. Lành neo đơn, lại mới sinh con Viên, sao Thiệt có thể dửng dưng trơ mắt đứng nhìn?
Bất chấp mẹ Phi bày đủ trò ngăn chặn, Thiệt lẳng lặng giả mù giả điếc. “Ái chà, bà già đã yếu lắm, đi đứng liêu xiêu mà vẫn hung hăng nhỉ? Yên tâm đi, bà già ơi! Tui không cướp con dâu bà đâu. Chỉ là tui không đành lòng nhìn cổ vất vả một mình thôi. Làm người ai làm thế?”
Mà đâu chỉ mẹ Phi, ngay chị Thoa cũng ráo riết cấm cản. Chị muốn Thiệt cưới Hảo thôi. Dù gì cũng tiếng “trai tân”! Đã chết hết con gái đâu mà phải nhào vào chỗ góa bụa một nách hai con, cho làng xóm chê cười?
Má mất sớm, chị Thoa vừa là chị vừa như mẹ của Thiệt. Trước giờ Thiệt chẳng cãi chị chuyện gì. Chị không hiểu sao thằng em hiền như đất tự dưng cứng cổ cứng đầu, xem lời chị như nước đổ đầu vịt? Giữa hai chị em đột nhiên sừng sững mọc lên một vách chắn vô hình.
Thiệt vui sướng gì cho cam? Thấy chị Thoa rấm rứt khóc, Thiệt ngậm ngùi xót xa. Nhìn chị rầu rĩ, Thiệt xốn xang bứt rứt. Nhưng Thiệt không thể ép lòng mình hết thương Lành, càng không thể nhắm mắt cưới đại Hảo về làm vợ.
Có người độc miệng bảo Thiệt trúng bùa mê của Lành, hóa điên rồi. Thiệt mặc kệ! Ai yêu thật lòng chẳng điên ít nhiều? Tỉnh táo quá sao gọi là yêu được?
Cho đến cuối cùng, Thiệt vẫn chưa nói một lời yêu thương nào, ngay cả đứng gần Lành cũng không. Luôn luôn Thiệt giữ một khoảng cách đủ cho mẹ Phi không hậm hực chửi chó mắng mèo. Đâu cần nói ra, cứ nhìn việc Thiệt làm là Lành phải hiểu. Hiểu mà vẫn dửng dưng nghĩa là Lành không chút tình ý gì với Thiệt rồi. Kiểu như Thiệt đang dửng dưng với Hảo.
Nghĩ cuộc đời thật éo le, như trò chơi đuổi bắt không có điểm dừng. Biết Thiệt trước sau thầm lặng thương Lành mà Hảo vẫn đeo đuổi, kiên trì chờ đợi chút hy vọng mong manh. Hảo táo bạo nên hay chủ động đón đường, sáp lại rất gần và nắm tay Thiệt. Có lần Hảo còn giả bộ trượt chân té nhào để ôm Thiệt nữa chứ, copy từ một lớp cải lương chiếu trên Tivi. Thì đã nói rồi, khi yêu người ta hay “điên” lắm!
Những lúc nghe chị Thoa nửa thật nửa đùa cáp đôi với Thiệt, mặt Hảo đỏ lên mà mắt thì long lanh sáng rỡ, như vui thích lắm.
“Người đâu khờ quá đi! Là chị Thoa giỡn thôi… Đừng có ham!...”
Thiệt cười thầm, như cũng vui thích vì phát hiện Hảo… khờ!
Đã có lần, Thiệt nghĩ: “Hay là cứ cưới Hảo cho chị Thoa vui… Mình cũng trọng tuổi rồi”. Mới nghĩ thôi đã chênh chao, ngao ngán.
Ở quê Thiệt, trai gái cưới vợ lấy chồng khá sớm, như Phi kém tuổi Thiệt mà lên chức bố từ lâu. Giá Phi còn sống, không chừng con cái đã lóc nhóc đầy nhà, chứ chẳng đùa!
Đâu phải Hảo có nhiều khuyết điểm đáng chê, chỉ là Thiệt không yêu thôi.“Cưới người không yêu làm chi cho khổ cả hai?” Thiệt vẫn tặc lưỡi nghĩ thế, để mãi xem Hảo như một đứa em trong nhà, lớn xác mà đôi khi khờ lắm.
Khờ nên có một lần nghe Thiệt hỏi cách hầm món khổ qua, Hảo tưởng Thiệt khoái khẩu món này. Thế là vài ngày Hảo lại hầm một tô đem cho Thiệt. Trái khổ qua nào cũng nhồi ứ thịt bằm cá nạo, núc ních tròn căng. Không có mẹ nấu cho ăn từ bé nên hai chị em Thiệt có biết ăn khổ qua đâu, chỉ buột miệng hỏi thôi mà làm Hảo ngộ nhận.
Tô khổ qua của Hảo, Thiệt đem cho anh em thằng Đoàn, lúc Lành còn ngoài chợ, chưa về.
Thiệt dặn:
-Hai đứa nhớ chừa cho mẹ nữa, nghe. Đừng ăn sạch láng đó!
Dặn vậy chứ Thiệt thừa biết đứa trẻ nào cũng giống Thiệt, chỉ chuộng đồ ngọt thôi.
Lành thắc mắc quá, đã hỏi:
-Sao anh Thiệt hầm khổ qua cho mẹ con em hoài vậy?
Thiệt gãi đầu, ấp úng mãi mới tìm ra câu trả lời:
-Tại thấy Lành thích, tối nào cũng ăn cơm với khổ qua hầm…
-Em cũng đâu có thích?
Nhìn Thiệt ngây mặt ra, Lành cười:
-Chỉ mình anh Phi thích thôi, ăn hoài không ngán. Nên giờ mỗi ngày cúng cơm cho ảnh, em lại hầm khổ qua. Thắp nhang cho ảnh xong, em phải ráng ăn, chứ không lẽ đem đổ bỏ, uổng tiền…
Câu giải thích thật thà của Lành như gai nhọn nhoi nhói lòng Thiệt. “Sao ông có phước vậy, ông Phi? Gần bốn năm vợ vẫn cúng cơm, không bỏ ông đói bữa nào!...”
Hôm sau, Thiệt đón đường Hảo, bảo:
-Từ giờ Hảo đừng mất công hầm khổ qua đem cho tui nữa, nghe! Tui ngán tới cổ rồi…
Hảo im lặng nhưng mắt nhìn Thiệt rất lạ. Vừa nghi ngờ, vừa buồn bã lại vừa như hàm chứa một trách móc âm thầm, khó nói ra.
Thiệt chạnh lòng, thấy tội nghiệp Hảo quá, nên thấp giọng:
-Tại tui không ăn được, Hảo vất vả làm chi?
Mắt Hảo lại long lanh, sáng rỡ:
-Bộ anh Thiệt có bệnh gì, phải kiêng khổ qua hả?
Thiệt lúng túng gãi đầu, rồi gật đại:
-Ờ… ờ…
Thôi thì cứ để Hảo nghĩ bác sĩ bắt Thiệt kiêng ăn đi!
Ủa, mà bệnh gì phải kiêng khổ qua vậy ta?
♣ ♣ ♣
Tối nay, Thiệt phát hiện có một đàn ông lạ rình mò nhà Lành. Mắt gã láo liên, gian giảo lắm. Trời ạ, nhà Lành trống trước trống sau, có gì mà trộm?
Gã không nhìn thấy Thiệt chứ Thiệt thấy gã rõ ràng lắm. Hai đứa trẻ vừa lên giường là gã xuất hiện, lấp ló ngoài vách sau, nhìn vào quan sát. Bóng đèn nhỏ vàng vọt treo giữa nhà chỉ đủ hắt chút ánh sáng yếu ớt, còn ngoài sân vườn tối om.
Lành đang một mình ngoài ấy. Đã quen tay quen việc nên dù là một đêm không trăng thì bóng tối chẳng gây khó khăn cho Lành.
Lúc này Lành vừa giặt xong thau quần áo, bắt đầu tắm gội. Bên lu nước gần bụi chuối nổi rõ trong màn đêm tấm lưng trần trắng trẻo sóng sánh ướt.
Thiệt vừa lo lắng cho Lành vừa thắc mắc không hiểu gã đàn ông kia âm mưu gì? Trộm tiền? Bắt cóc hai đứa trẻ? Hoặc lăm le…? Thiệt rùng mình, không dám tưởng tượng thêm.
Không biết làm sao để bảo vệ ba mẹ con Lành, Thiệt đau khổ, tự trách mình vô dụng quá! Qua khung cửa sổ, Thiệt nhìn vào bàn thờ. Phi vẫn toe toét cười cạnh di ảnh bà mẹ mắt gườm gườm sát khí. Giận thay cho Lành, Thiệt hậm hực: “Sao lúc này không ra tay bảo vệ con dâu đi, bà già? Ngày trước bà vẫn canh chừng tui kỹ lưỡng tới sợi tóc móng chân mà?…”
Chợt, Thiệt nghe bên tai một tiếng động rất nhẹ. Vừa giống tiếng bàn chân khẽ khàng đặt xuống nền đất mịn, vừa giống hơi thở phả ra từ một lồng ngực háo hức, nôn nao…
Thiệt giật mình, nhận ra từ bao giờ gã đàn ông kia đang đứng rất gần Thiệt, hai mắt gã xoáy vào lu nước nơi bụi chuối. Hơi thở gã dồn dập theo trái tim đang loạn nhịp. Thiệt biết gã sắp tiến về chỗ Lành tắm.
Đúng là vậy!
Hoảng hốt, Thiệt cuống quýt giơ cả hai tay túm chặt lưng áo gã, cố hết sức giữ lại. Nhưng vô ích! Vô ích cả từ tiếng Thiệt hét rất to. Lúc này phải có thêm người xuất hiện họa may mới ngăn được gã.
Nhưng không một ai, ngoài hai đứa bé đang ngủ trong nhà. Ngoài kia, Lành vẫn vô tư thong thả xối từng gáo nước lên bờ vai trần, không hay biết nguy cơ sắp ập đến từ sau.
Dễ dàng bứt khỏi bàn tay nắm níu của Thiệt, gã đàn ông thận trọng bước từng bước đi rón rén. Không can đảm chứng kiến thảm cảnh sắp xảy ra, Thiệt nhắm cả hai mắt lại, run lẩy bẩy, chờ đợi một tiếng rú xé lòng. Đúng là vậy!
Nhưng tiếng rú hoảng loạn và quái gở kia nhất định không phải âm thanh trong trẻo của Lành! Thiệt mở bừng mắt nhìn rõ trong bóng đêm, gã đàn ông đang cuống cuồng cắm đầu chạy thục mạng, dẫm đạp phũ phàng lên mấy luống cải non.
Chỉ trong thoáng chốc gã biến mất tăm, kịp bỏ rơi rớt lại mấy tiếng ú ớ như đang mê sảng: “Ma!… Ma!...”
Bị bất ngờ, Lành chẳng hiểu gì, hoảng hốt quăng gáo, chạy thật nhanh vào nhà, chốt vội cánh cửa.
Từ chái bếp nối với cây ổi mọc gần bụi chuối là sợi dây phơi mớ quần áo Lành vừa giặt. Trong đêm đen nổi rõ cái áo mưa có dính mũ chùm đầu, màu trắng toát, đang lả lướt uốn éo theo gió. Hai tay áo dang rộng, y hệt một vòng ôm đón đợi, gọi mời…
Hiểu ra, Thiệt phì cười. “Thần hồn nát thần tính” nên gã đàn ông có lá gan thỏ đế kia chẳng kịp phân biệt thực và ảo. Gã không đếm xỉa gì đến Thiệt, chỉ sợ… một cái áo mưa treo đong đưa giữa trời!
Bên trong nhà Lành đèn đã tắt, rất im ắng. Bây giờ thì Thiệt có thể yên tâm quay về nhà được rồi.
Thiệt ngạc nhiên thấy Hảo đang ngồi cùng chị Thoa. Mặt Hảo xanh xao, buồn rười rượi.
Chị Thoa thở dài, hỏi Hảo:
-Em vất vả mỗi ngày chi vậy Hảo? Chị đã nói rồi, thằng Thiệt từ nhỏ không biết ăn khổ qua.
-Không đâu chị. Anh Thiệt thích món này lắm. Tại ảnh bệnh, bác sĩ bắt kiêng thôi.
Chị Thoa sửng sốt:
-Ủa! Nó bệnh gì, sao chị không biết?
-Tính ảnh vậy đó, cái gì cũng im im giữ kín trong lòng... Chẳng chịu nói ra…
Rồi ngước lên bàn thờ, Hảo cười, rất dịu dàng:
-Ngày mai em lại hầm khổ qua đem sang cho anh, nghe? Giờ anh đâu còn phải kiêng theo lời dặn của bác sĩ nữa, há?
“Người đâu khờ quá đi! Ngày mai tui ở bên nhà Lành, không về đây... Đừng có ham!” Thiệt lẩm bẩm nho nhỏ, như sợ Hảo nghe được, lại buồn.
Ahihi… Thiệt mới khờ đó! Thiệt cứ hét thật to xem! To cỡ nào thì Hảo, thì Lành, hay bất cứ ai, cũng chẳng thể nghe đâu.
VietVanMoi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét