Mỹ cấp thêm 400 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraina bất chấp cảnh báo của Nga Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 03/03/2023. AP - Susan Walsh Trọng Nghĩa Nhân chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào hôm qua, 03/03/2023 đã loan báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraina trị giá 400 triệu đô la, qua đó tái khẳng định hậu thuẫn của phương Tây đối với Kiev. Viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina rất quan trọng trong việc giúp Kiev chống lại các cuộc tấn công của quân đội Nga và thậm chí giành lại lãnh thổ, và khoản viện trợ mới của Mỹ lần này bao gồm đạn dược, đặc biệt là pháo phản lực cho hệ thống tên lửa Himars có tác dụng tàn phá dữ dội đối với quân đội và đường tiếp tế của Nga.
Thông báo chi viện cho Kiev được tổng thống Mỹ đưa ra trong bối cảnh điện Kremlin cho rằng viện trợ như vậy sẽ chỉ “kéo dài cuộc xung đột và gây ra những hậu quả đáng buồn cho người dân Ukraina”.
Theo thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington, một lần nữa, Hoa Kỳ chứng tỏ quyết tâm ủng hộ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga :
“Đây là lần thứ 33 mà Hoa Kỳ lấy vũ khí từ kho dự trữ của mình để giúp đỡ Ukraina, với trị giá lên đến 400 triệu đô la. Khoản viện trợ chủ yếu bao gồm đạn dược, thứ mà quân đội Ukraina đang rất cần trong các cuộc đấu pháo với lực lượng Nga, từ các tên lửa dành cho bệ phóng Himars, các loại đạn đại bác 155 mm và các loại đạn khác dành cho xe thiết giáp Bradley mà Mỹ đã gửi qua Ukraina.
Khi tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden dĩ nhiên đã thảo luận về vấn đề viện trợ xe tăng phương Tây cho Ukraina, và một lần nữa, ông đã cảm ơn thủ tướng Đức về quyết tâm ủng hộ Ukraina cả về chính trị, tài chính lẫn quân sự, với việc cung cấp xe tăng Leopard 2.
Quyết định viện trợ xe tăng cho Kiev không phải là đã đạt được một cách dễ dàng, và đã phải mất rất nhiều cuộc thảo luận và trao đổi. Joe Biden hoan nghênh những thay đổi lớn tại Đức, đặc biệt trong mối quan hệ về năng lượng với Nga từ một năm nay sau vụ xâm lược Ukraina.
Đối với tổng thống Mỹ, quyết định tăng viện cho Ukraina cũng là một thông điệp gửi đến công luận Mỹ và những người đang thắc mắc về mức độ và tính chất tự động của viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraina”.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ bất ngờ ghé Ukraina
Ngoài việc tăng cường viện trợ quân sự, Hoa Kỳ còn ủng hộ Ukraina trong những lĩnh vực khác. Vào hôm qua, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Merrick Garland đã bất ngờ đến Ukraina để tham dự một hội nghị về tội ác chiến tranh và công lý.
Phát biểu tại Lviv, thành phố miền tây Ukraina nơi tổ chức hội nghị, ông Garland đã “tái khẳng định quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra trong cuộc xâm lược vô cớ chống lại nước láng giềng có chủ quyền của mình”.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc thông báo mở cuộc tập trận trên thực địa lớn nhất từ 5 năm nay
Chiến đấu cơ F15K của Không quân Hàn Quốc tập trận với chiến đấu cơ F-16 của Không quân Hoa Kỳ tại Hàn Quốc ngày 04/10/2022. © Ministère de la Défense de Corée du Sud via AP
Trọng Nghĩa
Quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ vào hôm qua 03/03/2023 loan báo việc sẽ tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất trong 5 năm gần đây vào cuối tháng Ba này, Bắc Triều Tiên đã đe dọa sẽ có hành động mạnh mẽ “chưa từng có” chống lại các cuộc tập trận như vậy. Có khả năng nước này sẽ đáp trả cuộc tập trân sắp tới bằng các vụ thử tên lửa.
Trong một cuộc họp báo chung, quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ cho biết sẽ tiến hành cuộc tập trận Lá Chắn Tự Do (Liberty Shield), một cuộc tập huấn mô phỏng trên máy tính, từ ngày 13 đến 23/03 để tăng cường khả năng phòng thủ và phản ứng, đồng thời mở một cuộc tập trận chung với quy mô lớn trên thực địa, đặt tên là LaChắn Chiến Binh FTX (Warrior Shield FTX).
Theo đại tá Isaac L. Taylor, phát ngôn viên quân đội Hoa Kỳ, cuộc tập trận trên thực địa sẽ bao gồm một bài tập đổ bộ kết hợp nhiều binh chủng với quy mô ngang bằng với cuộc tập trận lớn nhất Đại Bàng Non (Foal Eagle) gần đây.
Lần gần đây nhất hai nước tiến hành cuộc tập trận Đại Bàng Non là vào năm 2018. Sau đó, các cuộc tập trận bị hủy bỏ hoặc giảm quy mô để hỗ trợ hoạt động ngoại giao với Bắc Triều Tiên (hiện đang bị đình trệ) hay vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, gần đây, hai nước đã mở rộng trở lại các cuộc tập trận quân sự chung trước mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng của Bắc Triều Tiên.
Hôm qua, lần đầu tiên Hoa Kỳ cho triển khai một oanh tạc cơ B-1B tham gia một cuộc huấn luyện chung trên không với các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc kể từ ngày 19/02 đến nay.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết việc sử dụng B-1B thể hiện quyết tâm và khả năng của Mỹ sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả hạt nhân, để bảo vệ các đồng minh.
Ukraina cần thêm vũ khí để cân bằng lực lượng với Nga
Binh sĩ Ukraina lái xe tăng tới thành phố Bakhmut. Ảnh chụp ở Tchassiv Yar, Ukraina ngày 02/03/2023. REUTERS - LISI NIESNER
Thu Hằng
Thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraina « gần như bị bao vây » sau khi quân Nga tung chiến dịch tấn công ba trục ở phía bắc thành phố. Ngày 03/03/2023, ông chủ tập đoàn bán quân sự Wagner cho biết « hiện chỉ còn một con đường » ra khỏi thành phố, nối với thị trấn Tchassiv Yar cách Bakhmut 4 km về phía tây. Bị lép vế về số quân và vũ khí, Ukraina sắp để mất thành phố chiến lược, hiện còn 4.500 người dân, vào tay Nga.
Thông báo của Mỹ viện trợ thêm 400 triệu đô la đạn dược là tin vui, nhưng quân Ukraina trực chiến muốn được các nước phương Tây cũng cấp vũ khí nhiều hơn vì đó là cách duy nhất để có thể cân bằng lực lượng với Nga.
Đặc phái viên Vincent Souriau và Julien Boileau tường trình từ Kramatorsk :
« Khi một lữ đoàn Ukraina có được xe tăng Abrams, mẫu mới nhất của Mỹ, thì dĩ nhiên đạn trái phá bay xa hơn, nhanh hơn cả vài năm ánh sáng so với loại xe tăng cổ lỗ thời Liên Xô. Nòng pháo nhẹ hơn, dễ hướng dẫn và điều khiển hơn. Không nghi ngờ gì, vũ khí phương Tây hơn hẳn về hiệu suất quân sự.
Nhưng người ta đang nói đến việc đối đầu với Nga về số lượng. Đúng, là dù quân Nga cũng gặp vấn đề về thiết bị quân sự, nhưng họ vẫn còn dự trữ đạn dược, vài tấn vũ khí thời Liên Xô. Điều mà lính Ukraina nói với chúng tôi, đó là họ bị lấn át về số lượng. Trước khi có thiết bị mới, họ chỉ mơ có được vũ khí, kể cả những chiếc xe tăng chỉ bắn xa được 4 hoặc 5 km, nhưng hiện giờ họ cũng có ít hơn rất nhiều.
Vẫn theo những quân nhân Ukraina, « nếu chúng tôi có nghìn chiếc thì chúng tôi đã có khả năng kháng cự ». Hiện giờ, họ chẳng có chất lượng, cũng như khối lượng ».
Vào lúc Nga thắng thế ở Bakhmut, ngày 04/03, bộ Quốc Phòng Nga cho biết là bộ trưởng Serguei Choigou đã đến thị sát « một trạm chỉ huy » về « phía Nam Donetsk » ở miền đông Ukraina. Còn tại miền nam Ukraina, số người chết trong vụ Nga oanh kích đêm 02/03 vào một khu chung cư ở thành phố Zaporijjia đã lên đến 7 người. Đội cứu hộ cứu được 11 người và tiếp tục tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát.
Trên mặt trận tư pháp, ngày 03/03, chưởng lý Ukraina thông báo một văn phòng của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) sắp được mở ở Kiev để xét xử các nhà lãnh đạo Nga chịu trách nhiệm gây chiến ở Ukraina. Công tố viên Karim Khan của CPI cũng đến nhiều khu vực ở miền nam Ukraina trong khuôn khổ cuộc điều tra về các vụ trẻ em Ukraina bị đưa sang Nga.
Covid-19 : WHO kêu gọi Mỹ và các nước công khai thông tin về virus corona
Ảnh tư liệu : Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo tại Genève, Thụy Sĩ ngày 14/12/2022. REUTERS - DENIS BALIBOUSE
Thu Hằng
Sau khi bộ Năng Lượng Mỹ và Cục Điều tra Liên Bang (FBI) cho rằng « rất có khả năng » nguồn gốc của Covid-19 là do một sự cố phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc), Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) kêu gọi tất cả các nước, kể cả Hoa Kỳ, chia sẻ những thông tin về nguồn gốc Covid-19.
Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ ngày 03/03/2023, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi « nếu một nước có thông tin về nguồn gốc đại dịch thì cần chia sẻ những thông tin đó với Tổ Chức Y Tế Thế Giới và cộng đồng khoa học quốc tế ». Theo ông, việc đó không nhằm « chỉ ra thủ phạm » mà « giúp hiểu thêm về cách đại dịch bắt đầu ».
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh đến khía cạnh « khoa học » và « đạo đức » của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch đối với vài triệu nạn nhân và gia đình họ và để phòng ngừa trong tương lai. Ông lấy làm tiếc rằng cuộc điều tra « không ngừng bị chính trị hóa », « một tiến trình khoa học đơn thuần lại bị biến thành một thách thức địa chính trị ».
Còn bà Maria Van Kerkhove, phụ trách về đối phó dịch Covid-19 của WHO, cho biết đã đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin của bộ Năng Lượng, cũng như các cơ quan khác. Tuy nhiên, « hiện giờ, chúng tôi (WHO) không truy cập được những báo cáo đó hoặc những dữ liệu cho phép soạn thảo những báo cáo đó ».
Trước đó, một số nguồn tin ẩn danh được truyền thông Mỹ trích dẫn cho biết là nhiều yếu tố tình báo mới có lẽ đã làm thay đổi phân tích của bộ Năng Lượng Mỹ về giả thuyết virus corona thoát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Hiện giờ, giới tình báo Mỹ còn bị chia rẽ hơn, một số cơ quan cho rằng Covid xảy ra do lây truyền tự nhiên. Giám đốc FBI cáo buộc Trung Quốc cố tình cản trở cuộc điều tra của Mỹ về nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19. Còn Bắc Kinh thì bác bỏ kịch liệt những cáo buộc trên.
Theo AFP, đại dịch Covid-19 khiến hơn 7 triệu người chết trên thế giới từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, số nạn nhân trên thực tế chắc chắn còn nhiều hơn.
TT Macron kết thúc chuyến công du trung Phi tại Kinshasa với hồ sơ bạo lực ở miền đông CHDC Congo
Tổng thống Congo Sassou-Nguesso (P) tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Brazzaville, Congo ngày 03/03/2023. AFP - LUDOVIC MARIN
Thu Hằng
Cộng Hòa Dân Chủ Congo là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 4 ngày thăm bốn nước vùng trung Phi của tổng thống Pháp. Sáng 04/03/2023, ông Emmanuel Macron gặp đồng nhiệm Félix Tshisekedi và tham gia họp báo chung. Chủ đề được chú ý là tình trạng bạo lực ở miền đông Cộng Hòa Dân Chủ Congo, nơi lực lượng nổi dậy M23 mở rộng đà tiến ở tỉnh Bắc Kivu từ cuối năm 2021.
Theo AFP, ông Emmanuel Macron bị chỉ trích thiên vị tổng thống Rwanda Paul Kagame, người bị cáo buộc ủng hộ lực lượng nổi dậy M23 ở CHDC Congo. Dù hồi tháng 12/2022, Paris đã lên án Rwanda yểm trợ cho M23, nhưng Kinshsa vẫn nghi ngờ về lập trường của Pháp, đồng thời yêu cầu Paris trừng phạt Kigali.
Đặc phái viên RFI Valérie Gas tường trình từ Kinshasa :
« Ông Emmanuel Macron đã vượt sông Congo tối thứ Sáu (03/03) từ Brazzaville đến Kinshasa. Một cú nhảy lên máy bay để ngủ ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, có thể nói là để không ngủ ở Congo. Nhưng trong đội ngũ thân cận của tổng thống Congo Sassou N’Guesso, người ta cố không nêu chính thức việc đó khi quả quyết : « Làm sao có thể ngủ ở bốn quốc gia trong 48 giờ ? ».
Đây cũng là cách để nhấn mạnh đến tốc độ di chuyển trong một vùng mà ông Emmanuel Macron chưa bao giờ đến. Tương tự với chuyến thăm Congo là chặng dừng ngắn nhất trong vòng công du, cho dù hai nguyên thủ Emmanuel Macron và Denis Sassou N’Guesso đã phát biểu chung trước báo giới. Sự kiện này không có trong chương trình ban đầu nhưng cuối cùng cũng được tổ chức ở Brazzaville và đã giúp tổng thống Congo thông báo rằng ông Emmanuel Macron sẽ trở lại Congo để tham dự thượng đỉnh ba lưu vực rừng. Hiện chưa rõ thời điểm cụ thể nhưng cuộc họp thượng đỉnh đã được công bố chính thức.
Tại Kinshasa, tổng thống Pháp sẽ kết thúc chuyến công du với nhiều sự kiện, dĩ nhiên là có cuộc hội đàm với tổng thống Felix Tshisekedi. Một hồ sơ quan trọng được đưa ra thảo luận, đó là vấn đề bạo lực do lực lượng nổi dậy M23 gây ra ở miền đông nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Người ta muốn biết lập trường của ông Emmanuel Macron về vấn đề này ».
Trung Quốc: Quốc Hội mới chuẩn bị thông qua các thay đổi đáng kể trong đội ngũ lãnh đạo đất nước
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 20/01/2023. AP - Li Xueren
Trọng Nghĩa
Gần 3.000 đại biểu đã tề tựu về Bắc Kinh vào hôm nay 04/03/2023 để chuẩn bị cho khóa họp đầu tiên của Quốc Hội Trung Quốc khóa 14, khai mạc vào ngày mai. Cuộc họp lần này được đánh giá là rất quan trọng vì sẽ thông qua điều được giới phân tích phương Tây gọi là “cuộc cải tổ nội các” lớn nhất trong một thập niên gần đây.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, nếu ở vị trí số một, chức vụ chủ tịch nước sẽ không có thay đổi, vẫn là ông Tập Cận Bình được bầu lại trong một nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, thì ở vị trí số 2, ông Lý Khắc Cường sẽ không tiếp tục làm thủ tướng vì không còn là Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng hiện nay. Người có khả năng làm tân thủ tướng Trung Quốc được cho là ông Lý Cường, nhân vật số 2 trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc.
Cũng theo SCMP, tất cả các phó thủ tướng hiện tại, những người chịu trách nhiệm về các lĩnh vực chính sách khác nhau, đều có khả năng bị thay thế.
Ngoài vấn đề nhân sự lãnh đạo quốc gia, khóa họp Quốc Hội Trung Quốc sẽ được dành cho các vấn đề kinh tế thời hâuCovid-19, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2023 có thể được đặt ở mức trên 5%.
Theo giới quan sát, diễn tiến các cuộc thảo luận có thể sẽ cho thấy các xu hướng mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhất là đối với vấn đề Ukraina.
Còn theo hãng tin Anh Reuters, ngân sách quốc phòng Trung Quốc cho năm 2023 cũng sẽ được công bố trong kỳ họp Quốc hội lần này. Theo một phát ngôn viên Quốc Hội Trung Quốc vào hôm nay, ngân sách này sẽ tăng nhưng “sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào”. Nhân vật này tuy nhiên đã không cho biết là mức tăng là bao nhiêu và liệu có cao hơn mức 7,1% vào năm ngoái hay không.
Dẫu sao thì an ninh đã được tăng cường đáng kể tại Bắc Kinh để bảo đảm an toàn cho khóa họp, và nhất là để tránh các sự cố như vụ treo biểu ngữ chống chính sách zero-Covid nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm ngoái.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình:
“Một quả đạn pháo không bao giờ rơi xuống hai lần ở cùng một nơi, nhưng "những người bảo vệ cầu" vẫn quay trở lại huyện Hải Điến, phía tây bắc Bắc Kinh, nơi có cây cầu bên trên có treo một biểu ngữ phản đối chính sách “zero-Covid” và chủ tịch Trung Quốc trước đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm ngoái.
Ngồi trên ghế xếp, mặc áo khoác xanh, đội mũ đỏ, hai cán bộ về hưunói chuyện với nhau dưới trời nắng, bên cạnh những người đang chơi đá cầu. Cả hai đều là "tình nguyện viên" đảm bảo an ninh nhân những ngày họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc.
Một phụ nữ giải thích: “Chúng tôi không lãnh thù lao, mà hoàn toàn tự nguyện làm việc này. Chúng tôi đã nghỉ hưu nên có thờigian rảnh rỗi. Chỉ cần có sức khỏe là có thể cố gắng phục vụ người khác”. Một người khác phụ họa: “Vả lại, đây không phải là công việc mệt nhọc gì, chỉ là quan sát xem có gì bất thường hay không. Nếu thấy ai đó có biểu ngữ, chúng tôi sẽ gọi cảnh sát”.
Một nhân viên an ninh, tay quấn băng tay màu đỏ nói thêm là trong thực tế, cảnh sát đã có mặt trên chiếc cầu này, cũng như trên mọi cây cầu dành cho người đi bộ bắc ngang qua các đại lộ. Ông nói: “Những người mặc áo huỳnh quang là các nhân viên được trả lương. Họ được văn phòng quản lý đường phố phái đến để canh chừng”. Một cụ già giải thích: “Năm ngoái đã xẩy ra một sự cố trên cầu, cho nên bây giờ có rất nhiều cảnh sát, đến đó để ngăn không cho bất cứ điều gì xảy ra khi có các cuộc họp”.
Cảnh sát và tình nguyện viên đã được huy động cho một cuộc họp Quốc Hội sẽ thảo luận những vấn đề quan trọng. Ba tháng sau khi kết thúc chính sách “zero-Covid”, các đại biểu và nhà báo được phép theo dõi khóa họp đã bị buộc phải sinh hoạt trong một “vòng khép kín”, bị kiểm tra Covid và phải cách ly trong khách sạn cách ly kể từ hôm qua.
Đương kim chủ tịch nước sẽ được tái tín nhiệm cho một nhiệm kỳ thứ ba, cùng với tân thủ tướng Lý Cường. Các nhà quan sát cũng sẽ chú ý đến việc ai được bầu vào Quốc Vụ Viện cũng như Chính Hiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét