Phim Bộ Ly Kỳ, Lôi Cuốn Nhất, Ai Cũng Đang Để Mắt Theo Dõi! và Chờ Đợi Kết Quả! - Hôm nay, Thứ Ba, sẽ chưa bắt Ông Trump, vì đại bồi thẩm còn phỏng vấn nhân chứng cuối cùng! - Biện lý quận Manhattan: đe dọa biểu tình từ MAGA không làm ai sợ, sẽ giữ an toàn cho tòa án. - Mạng xã hội Weibo tại Trung Quốc sôi sục hơn Mỹ! bênh vực Trump, kêu gọi dân Mỹ biểu tình cứu Trump. - Tỷ phú Elon Musk: Nếu bị truy tố, Trump sẽ tái đắc cử trong một chiến thắng áp đảo. - Alvin Bragg (Biện lý quận Manhattan, nơi điều tra Trump và dự kiến sắp truy tố Trump) đã tìm cách trấn an nhân viên của mình trong một thông điệp nội bộ hôm thứ Bảy rằng, sự đe dọa chống lại họ sẽ không được dung thứ.
Thông điệp trấn an của ông đưa ra sau khi Trump viết trên mạng rằng Trump sẽ bị bắt vào Thứ Ba và Trump tổng động viên MAGA, kêu gọi biểu tình để giành lại đất nước.
“Hãy biết rằng sự an toàn của các bạn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi không dung thứ cho những nỗ lực đe dọa văn phòng của chúng tôi hoặc đe dọa luật pháp ở New York,” Bragg viết trong một thư nội bộ gửi nhân viên văn phòng mà NBC News có được từ một quan chức cấp cao tại văn phòng Biện Lý Manhattan. Bức thư, được báo cáo đầu tiên bởi Politico, không đề cập đến tên Trump và chỉ đề cập đến "một cuộc điều tra đang diễn ra của văn phòng này."
Nhiều người Hoa từ Trung Quốc đang sôi sục bênh vực Trump, khi tin Trump sắp bị bắt lan truyền. Trump đã tìm thấy nhiều người ủng hộ nhiệt tình trên mạng xã hội Trung Quốc, khi tuyên bố của ông rằng ông sắp bị bắt lan truyền trên Internet. Hôm Thứ Bảy, tin tức về một bản cáo trạng có thể có của Trump đã tăng vọt lên đầu bảng xếp hạng trên nền tảng Weibo giống như Twitter vào lúc 11:30 tối, giờ Bắc Kinh. Hashtag "Trump nói rằng ông ấy sẽ sớm bị bắt" là chủ đề được đọc nhiều thứ 5 trên Weibo vào tối thứ Bảy, với hơn 59 triệu lượt xem!
Đó là khoảnh khắc sau khi Trump viết vào thứ Bảy trên Truth Social rằng ông sẽ bị bắt ở New York vào tuần tới. Tuyên bố của Trump về một vụ bắt giữ có thể xảy ra không dựa trên bất kỳ dữ kiện nào do văn phòng Biện lý Quận Manhattan công bố. Susan Necheles, luật sư bào chữa chính của cựu tổng thống, cho biết hôm thứ Bảy, không có thông tin nào từ văn phòng Biện Lý Manhattan rằng Trump sẽ bị "bắt giữ" như Trump tuyên bố, nhưng thận trọng không tranh luận trực tiếp với bài đăng Truth Social của Trump.
Trên mạng Weibo, bùng lên một làn sóng ủng hộ Trump. Nhiều người viết trên Weibo ca ngợi Trump, kêu gọi ông đừng bỏ cuộc và hãy chống lại bất kỳ cáo trạng hình sự nào bằng tất cả sức lực của mình. Một người viết: "Donald Trump, đừng lùi bước. Nước Mỹ đủ lớn để chia thành hai! Hãy làm những gì ngài cần làm, MAGA!"
Nhiều người bình luận trên Weibo kêu gọi "những người ủng hộ bảo thủ" của Trump hãy "tập hợp xung quanh nhà vua, lãnh đạo của họ". Những người khác gọi Trump là "đồng chí" của họ - một thuật ngữ thường được dùng để chỉ các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình - và khuyến khích Trump "hãy dũng cảm tiến lên".
Cũng có số ít chống Trump trên Weibo, một mạng cho phép người dân TQ chống lại bất cứ ai, chỉ đừng cấm chống các lãnh đạo TQ! Và một số người bình luận trên Weibo chỉ nghĩ rằng, toàn bộ ý tưởng về việc Trump bị truy tố là thú vị, ví Trump bị bắt sẽ giống như các sự kiện trên một chương trình truyền hình thực tế.
Các quan chức New York đang chuẩn bị an ninh cho trường hợp Trump có thể bị truy tố trong những ngày tới và sẽ xuất hiện tại phòng xử án ở Manhattan, trong một cuộc điều tra về số tiền bịt miệng, trả cho các phụ nữ dan díu tình dục với Trump, theo lời 4 quan chức an ninh cho biết. Không có thông báo công khai về bất kỳ khung thời gian nào cho công việc bí mật của đại bồi thẩm đoàn, bao gồm cả cuộc bỏ phiếu về việc có truy tố cựu tổng thống hay không.
Các quan chức nói chuyện với Associated Press với điều kiện giấu tên, cho biết, an ninh đang chuẩn bị trong trường hợp có một lệnh truy tố Trump. Họ mô tả các cuộc trò chuyện là sơ bộ và đang xem xét vấn đề an ninh, lập kế hoạch và tính thực tế của việc một cựu tổng thống có thể phải hầu tòa! Còng tay tại tòa! Chưa bao giờ có trong lịch sử~
Theo báo Business Insider, đại bồi thẩm đoàn sẽ còn phỏng vấn một nhân chứng cuối cùng vào chiều hôm nay, Thứ Ba, rồi mới bỏ phiếu xem có nên truy tố Trump hay không. Nghĩa là, theo thời biểu này, nếu đêm nay, Thứ Ba đại bồi thẩm bỏ phiếu quyết định kêu gọi truy tố Trump, thì Trump sẽ có thể bị Biện Lý ra lệnh bắt sau ngày Thứ Ba, 21/3/2023, chứ không phải bị bắt vào ngày hôm nay. Và nếu cuộc phỏng vấn nhân chứng cuối cùng trở ngại, hay kéo dài thì sẽ thành phim bộ ly kỳ, hấp dẫn thêm….nhiều tập!
Tin Quốc Tế Đó Đây
Putin Thăm Crimea Nhân Kỷ Niệm Ngày Sáp Nhập Bán Đảo Từ Ukraine
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin giữa đến thăm Sevastopol, Crimea, ngày 18/3/2023.)
-Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Crimea ngày thứ Bảy (18/3/2023) trong chuyến thăm không báo trước để kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo này từ Ukraine. Ông Putin được chào đón bởi Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm, Mikhail Razvozhayev, và được đưa đến thăm một trung tâm trẻ em và trường nghệ thuật mới trong điều mà viên chức này nói là một chuyến thăm bất ngờ.
Truyền thông nhà nước không phát sóng ngay tức thì bất cứ bình luận nào từ ông Putin, một ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế cho biết họ đã ban hành lệnh bắt giữ ông và cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh là trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.
Ông Putin vẫn chưa bình luận công khai về bước đi này. Phát ngôn viên của ông đã gọi lệnh bắt giữ là "vô hiệu" và nói rằng Nga thấy chính những vấn đề mà ICC nêu ra là "đáng phẫn nộ và không thể chấp nhận được".
Nga chiếm Crimea vào năm 2014, tám năm trước khi phát động cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine. Ukraine nói họ sẽ chiến đấu để đánh đuổi Nga ra khỏi Crimea và tất cả các lãnh thổ khác mà Nga đã chiếm đóng trong cuộc chiến kéo dài một năm.
Mỹ Tái Tục Các Chuyến Bay Không Người Lái Trên Biển Đen Sau Khi Nga Nghênh Cản
(Hình: Ngũ Giác Đài cho biết bức ảnh này được chụp từ video được công bố vào ngày 16/3/2023, cho thấy một chiếc chiến đấu cơ Su-27 của Nga tiếp cận phía sau máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ và rải nhiên liệu khi nó bay qua Biển Đen.)
-Mỹ đã tái tục các chuyến bay không người lái do thám bên trên khu vực Biển Đen sau khi một máy bay chiến đấu của Nga nghênh cản hôm thứ Ba (14/3/2023), khiến máy bay không người lái do thám của Mỹ rơi xuống biển, hai viên chức Mỹ cho biết ngày thứ Sáu.
Một chiếc RQ-4 Global Hawk đã thực hiện một phi vụ tới khu vực này vào ngày thứ Sáu (17/3), các viên chức cho biết, với một người nói thêm rằng đây là chuyến bay không người lái đầu tiên như vậy kể từ sự việc hôm thứ Ba. Các viên chức Ngũ Giác Đài đã nhiều lần nhấn mạnh trong tuần này rằng sự việc sẽ không ngăn cản Hoa Thịnh Ðốn thực hiện các phi vụ như vậy.
Tuy nhiên, vụ triệt hạ máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ ngày thứ Ba là sự việc trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Thịnh Ðốn và Mạc Tư Khoa khi cả hai nước công khai quy trách lẫn nhau.
Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng hai máy bay chiến đấu Su-24 của họ đã hành động liều lĩnh xung quanh máy bay không người lái của Mỹ, thay vào đó, Nga nói máy bay không người lái "lạng lách mạnh" dẫn đến tai nạn.
Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài công bố một đoạn video ngày thứ Năm (16/3) cho thấy một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga áp sát máy bay không người lái và rải nhiên liệu gần nó, điều mà các viên chức Mỹ cho là một nỗ lực rõ ràng nhằm làm hỏng máy bay Mỹ khi nó đang bay.
Nó cũng cho thấy đường truyền video bị mất sau một vụ áp sát khác của phía Nga, mà Ngũ Giác Đài nói là do một máy bay chiến đấu của Nga va chạm với máy bay không người lái.
Đoạn video kết thúc với hình ảnh cánh quạt của máy bay không người lái bị hư hỏng mà Ngũ Giác Đài cho rằng nguyên nhân là do va chạm, khiến máy bay không thể hoạt động được và lao xuống vùng nước sâu.
Sự việc trên vùng biển quốc tế là lời nhắc nhở về nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga về Ukraine, nước mà Mạc Tư Khoa đã xâm lược hơn một năm trước và được các đồng minh phương Tây hỗ trợ về tình báo và vũ khí.
Đức, Nhật Cam Kết Siết Chặt Trừng Phạt Nga và Hậu Thuẫn Ukraine
-Đức, Nhật siết chặt hợp tác an ninh, quốc phòng. Ưu tiên là củng cố mặt trận trừng phạt Nga, hậu thuẫn Ukraine. Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz lần đầu tiên có cuộc họp tham vấn cấp chính phủ về an ninh kinh tế với Nhật. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Đức đến Nhật từ 16 năm nay.
Theo đài Nhật NHK, trong cuộc hội kiến ngày 18/3/2023, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã thỏa thuận "duy trì các trừng phạt nghiêm ngặt với Nga, và hậu thuẫn Ukraine". Hai bên khẳng định cần chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine sớm nhất có thể. Trước các thách thức to lớn hiện nay, chính quyền Đức đang xét lại hoàn toàn chính sách hạn chế hợp tác về an ninh với Nhật.
Thông tín viên Pascal Thibaut của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Bá Linh cho biết cụ thể:
"Nhật Bản từ lâu vốn đã bị Đức xa lánh. Ở Á Châu, Bá Linh chỉ để mắt đến Trung Quốc. Giờ đây Đức muốn xem xét lại lập trường này. Điểm đến đầu tiên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới khu vực là Nhật Bản. Đi cùng với Olaf Scholz có sáu Bộ trưởng và một phái đoàn kinh tế lớn, sẽ tham dự các tham vấn cấp chính phủ đầu tiên giữa hai nước.
Cuộc chiến ở Ukraine đang để lại những hậu quả.Cả hai quốc gia đều có chung một láng giềng Nga gây lo ngại. Hai quốc gia bại trận trong Đệ nhị Thế chiến, từ lâu đã có chủ trương kiềm chế sức mạnh quân sự, nhưng giờ đây muốn tăng cường nỗ lực và phát triển hợp tác an ninh song phương.
Hai quốc gia xuất cảng và cách tân này, vốn không có tài nguyên về năng lượng, phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi cung ứng là thiết yếu để nền kinh tế của họ có thể vận hành tốt. Tokyo và Bá Linh muốn phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như khai thác tài nguyên, pin điện hay bán dẫn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảm thấy quan hệ song phương với Nhật Bản đã chuyển sang "một cấp độ mới".Hai tháng nữa, ông Scholz sẽ lại tới Nhật để tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5".
Tăng cường hợp tác vì an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương là một nội dung căn bản khác. Theo NHK, hai lãnh đạo chính phủ Nhật-Đức tái khẳng định nguyên tắc thúc đẩy một khu vực "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở". Thách thức lớn nhất, không được trực tiếp gọi tên, chính là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức liên tiếp 7 năm nay. Chính phủ Nhật dường như đang đặt hy vọng vào việc Đức sẽ có thái độ kiên quyết hơn với Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trả lời đài Đức Deutsche Welle (DW) trước chuyến công du của Thủ tướng Đức, ông Toshimitsu Shigemura, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận định: Thủ tướng Nhật muốn "trực tiếp hiểu rõ chính sách của Đức với Trung Quốc", "Nhật Bản lo ngại sâu sắc về việc Đức và một số nước khác vẫn muốn cố gắng hợp tác với Trung Quốc, bất chấp những vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… cụ thể như việc Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa các đảo san hô trên khắp Biển Đông, đàn áp toàn diện giới bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, đe dọa Đài Loan và yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng đối với một số nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Ấn Độ".
Nam Hàn: Bắc Hàn Lại Phóng Phi Đạn-Đạn Đạo Tầm Ngắn
(Hình: Bắc Hàn diễn tập phóng phi đạn liên lục địa chiến lược.)
-Theo Nam Hàn và Nhật Bản, Bắc Hàn đã phóng một phi đạn-đạn đạo tầm ngắn về phía biển ngoài khơi duyên hải phía Đông của Bán đảo Triều Tiên hôm Chủ Nhật (19/3/2023).
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ thử vũ khí từ quốc gia vũ trang nguyên tử này.
Theo một tuyên bố của quân đội Nam Hàn, phi đạn được phóng từ địa điểm Dongchang-ri trên bờ biển phía Tây vào khoảng 11:05 sáng, bay khoảng 800 cây số trước khi bắn trúng mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết phi đạn đã bay cao tới 50 cây số.
Hán Thành đã lên án các vụ phóng phi đạn-đạn đạo gần đây của Bắc Hàn là "sự vi phạm rõ ràng" Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ngay sau vụ phóng, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết, Mỹ đã khai triển máy bay ném bom chiến lược B-1B tham gia một cuộc tập trận chung trên không, mà Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn cho biết đang tổ chức để tăng cường khả năng phòng thủ mở rộng.
Các vụ phóng cũng đã dẫn đến sự chỉ trích từ Tokyo và Hoa Thịnh Ðốn.
"Hành vi của Bắc Hàn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, và không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshiro Ino phát biểu tại một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ thông qua Tòa Ðại sứ Bắc Hàn tại Bắc Kinh.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết rằng vụ phóng hôm Chủ Nhật không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho nhân viên Hoa Kỳ hoặc các đồng minh. Tuy nhiên, các vụ phóng phi đạn gần đây cho thấy tác động gây bất ổn của chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và phi đạn-đạn đạo bất hợp pháp của Bình Nhưỡng, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.
G7: 'Đáng Tiếc' Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Không Hành Động Về Vụ Thử Phi Đạn của Bắc Hàn
+(Ảnh: Các nhà ngoại giao G7 trong một cuộc họp.)
-Hôm Chủ Nhật (19/3/2023), các Ngoại trưởng của Nhóm G7 cho biết rằng họ lấy làm tiếc về việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không có hành động gì đối với các vụ thử phi đạn của Bắc Hàn.
Trong một tuyên bố, họ ghi nhận "sự cản trở" của một số thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù họ không nêu tên nhưng Trung Quốc và Nga đã ngăn chặn các nỗ lực gần đây nhằm nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp trả Bắc Hàn.
Nhóm G7 lên án vụ phóng phi đạn-đạn đạo liên lục địa ngày 16/3 của Bắc Hàn là "phá hoại hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế".
Trong một diễn biến mới nhất, Bắc Hàn đã phóng một phi đạn-đạn đạo tầm ngắn về phía biển ngoài khơi duyên hải phía Đông của Bán đảo Triều Tiên hôm Chủ Nhật, theo Nam Hàn và Nhật Bản.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ thử vũ khí từ quốc gia vũ trang nguyên tử này.
Theo một tuyên bố của quân đội Nam Hàn, phi đạn được phóng từ địa điểm Dongchang-ri trên bờ biển phía Tây vào khoảng 11:05 sáng, bay khoảng 800 cây số trước khi bắn trúng mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết phi đạn đã bay cao tới 50 cây số.
Hán Thành đã lên án các vụ phóng phi đạn-đạn đạo gần đây của Bắc Hàn là "sự vi phạm rõ ràng" Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Bắc Hàn Tuyên Bố Gần 800.000 Người Đăng Ký Nhập Ngũ Chống Mỹ
-Bắc Hàn tuyên bố khoảng 800.000 công dân của họ đã tình nguyện gia nhập hoặc tái gia nhập quân đội quốc gia để chiến đấu chống lại Mỹ, tờ báo nhà nước của Bắc Hàn đưa tin ngày thứ Bảy (18/3/2023).
Khoảng 800.000 học sinh sinh viên và công nhân, chỉ riêng trong ngày thứ Sáu, trên cả nước đã bày tỏ mong muốn nhập ngũ hoặc tái nhập ngũ để chống lại Mỹ, Rodong Sinmun đưa tin.
"Việc thanh niên hăng hái nhập ngũ là minh chứng cho ý chí không gì lay chuyển được của thế hệ trẻ quyết quét sạch không thương tiếc bọn cuồng chiến đang nỗ lực đến cùng xóa bỏ đất nước xã hội chủ nghĩa quý báu của chúng ta, đạt được sự nghiệp vĩ đại thống nhất đất nước bằng mọi giá và là biểu hiện rõ ràng của lòng yêu nước nồng nàn của họ", tờ Rodong Sinmun của Bắc Hàn viết.
Tuyên bố của Bắc Hàn được đưa ra sau khi Bắc Hàn ngày thứ Năm phóng phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 để đáp trả các cuộc tập trận quân sự đang diễn ra giữa Mỹ và Nam Hàn.
Bắc Hàn đã bắn ICBM ra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản ngày thứ Năm, vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Nam Hàn bay tới Tokyo để tham dự hội nghị thượng đỉnh thảo luận về các cách đối phó với nước Bắc Hàn sở hữu vũ khí nguyên tử.
Các phi đạn-đạn đạo của Bắc Hàn bị cấm theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và vụ phóng đã bị chính phủ ở Hán Thành, Hoa Thịnh Ðốn và Tokyo lên án.
Các lực lượng của Nam Hàn và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày, được đặt tên là "Lá chắn Tự do 23", vào ngày thứ Hai, được tổ chức với quy mô lớn chưa từng thấy kể từ năm 2017 nhằm chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Úc Ðại Lợi: Không Hề Cam Kết Giúp Mỹ Bảo Vệ Đài Loan Khi Ký Thỏa Thuận Tàu Ngầm AUKUS
-Úc Ðại Lợi đã "tuyệt đối" không hứa hỗ trợ Hoa Kỳ trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào đối với Đài Loan để đổi lấy thỏa thuận mua tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử của Mỹ. Khi bị chất vấn vào hôm 19/3/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi Richard Marles đã khẳng định như trên.
Hôm 13/3, Úc Ðại Lợi, Anh và Mỹ đã công bố dự án AUKUS kéo dài nhiều thập kỷ, theo đó Canberra sẽ mua các tàu ngầm quân sự lớp Virginia của Hoa Kỳ, trong khi Anh và Úc Ðại Lợi sẽ hợp tác sản xuất và vận hành một lớp tàu ngầm mới mang tên SSN-AUKUS. Chính phủ Úc Ðại Lợi cho biết thỏa thuận trị giá 368 tỉ Úc kim (246 tỉ Mỹ kim) là điều cần thiết trước đà tăng cường quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Trên đài truyền hình Úc Ðại Lợi ABC, khi được hỏi liệu Úc Ðại Lợi có cam kết giúp đỡ Mỹ trong cuộc xung đột ở Đài Loan để đổi lấy quyền tiếp cận các tàu ngầm hay không, ông Marles xác định: "Tất nhiên là không", một lời phủ nhận được ông nhấn mạnh thêm sau đó là "tuyệt đối không" khi đề cập đến khả năng có đi có lại đối với Úc Ðại Lợi từ thỏa thuận AUKUS.
Bắc Kinh coi Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và chưa bao giờ từ bỏ khả năng dùng vũ lực để chiếm lại hòn đảo. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc xâm chiếm.
Theo thỏa thuận AUKUS, được các đồng minh Á Châu hoan nghênh, nhưng bị Bắc Kinh gọi là hành động phổ biến vũ khí nguyên tử. Mỹ sẽ bán cho Úc Ðại Lợi 3 tàu ngầm do tập đoàn General Dynamics chế tạo vào đầu những năm 2030, với khả năng bán thêm 2 chiếc nữa.
Trước mắt, Úc Ðại Lợi sẽ dành 6 tỉ Úc kim (4 tỉ Mỹ kim) trong 4 năm tới để mở rộng căn cứ tàu ngầm và xưởng đóng tàu ngầm, đồng thời đào tạo công nhân lành nghề. Úc Ðại Lợi cũng chuẩn bị cung cấp 3 tỉ Úc kim để mở rộng năng lực đóng tàu của Hoa Kỳ và Anh, phần lớn để tăng tốc độ sản xuất tàu ngầm lớp Virginia của Hoa Kỳ mà Úc Ðại Lợi sắp mua.
Bộ trưởng Thương mại Úc Ðại Lợi, Don Farrell, vào hôm nay 19/3 cho biết ông tin tưởng chuyến thăm Trung Quốc dự kiến diễn ra tới đây để gặp người đồng cấp Vương Văn Đào (Wang Wentao) sẽ diễn ra, bất chấp vấn đề AUKUS.
Thượng Nghị sĩ Warren Kêu Gọi Điều Tra Thất Bại của SVB và Signature Bank
(Hình: Bà Elizabeth Warren tại một phiên điều trần.)
-Hôm Chủ Nhật (19/3/2023), tờ Wall Street Journal đưa tin cho hay Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren, người đang thúc đẩy thắt chặt hơn các quy định ngân hàng, đã kêu gọi điều tra các thất bại của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Bà Warren đã gửi một lá thư tới tổng thanh tra của Bộ Tài chánh, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang và Cục Dự trữ Liên bang hôm Chủ Nhật, thúc giục các cơ quan này kiểm tra việc quản lý và giám sát các ngân hàng trước khi chúng sụp đổ trong tháng này.
Bà cho biết rằng kết quả sơ bộ từ cuộc điều tra sẽ được cung cấp trong vòng 30 ngày, tờ báo đưa tin.
"Các Giám đốc điều hành của ngân hàng, những người chấp nhận rủi ro không cần thiết hoặc không phòng ngừa trước các mối đe dọa hoàn toàn có thể lường trước được, phải chịu trách nhiệm về những thất bại này. Nhưng sự quản lý yếu kém này đã được phép xảy ra do hàng loạt thất bại của các nhà Lập pháp và cơ quan quản lý", bản tin dẫn lời bà Warren nói.
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Sáu nói rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng sau sự sụp đổ gần đây của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã lắng dịu.
Ông Biden cho biết như vậy với các phóng viên khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng đã lắng dịu chưa.
Các cổ phiếu tài chánh đã mất hàng tỉ Mỹ kim giá trị kể từ vụ sụp đổ vào tuần trước.
Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc Thông Báo Thỏa Thuận Ngũ Cốc Biển Đen Được Triển Hạn
-Thứ Bảy (18/3/2023), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nước trung gian trong việc ký kết thỏa thuận Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen giữa Nga và Ukraine, thông báo thỏa thuận đã được gia hạn. Liên Hiệp Quốc cũng ra thông cáo về việc này.
Thỏa thuận Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen đã được Nga và Ukraine ký kết vào tháng 7/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, qua trung gian của Liên Hiệp Quốc và chính quyền Ankara của Tổng thống Recep Tayip Erdogan, cho phép hàng triệu tấn tấn lương thực, ngũ cốc của Ukraine được xuất cảng ra thế giới qua ngả Biển Đen trong những tháng qua.
Đây là lần thứ hai thỏa thuận được gia hạn. Lần đầu là vào tháng 11/2022, theo đó thỏa thuận hết hạn vào ngày 18/3. Nhưng lần này, thỏa thuận được triển hạn đến khi nào? Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche của RFI giải thích:
"Liên Hiệp Quốc đã rất nhanh chóng hoan ngênh việc triển hạn thỏa thuận và cảm ơn những nỗ lực trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, cũng như Ankara, Liên Hiệp Quốc thận trọng không nói trong thông cáo là thỏa thuận được kéo dài thêm bao nhiêu lâu. Thỏa thuận có phải được triển hạn 120 ngày như Bộ trưởng Cơ Sở Hạ Tầng của Ukraine đã nói ngay sau đó? Hay là chỉ được kéo dài thêm 60 ngày như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đã nói trong quá trình thương lượng vừa qua?
Các cuộc đàm phán có thể đã kết thúc. Nhưng cuộc đọ sức vẫn tiếp diễn. Việc Nga từ chối xem xét gia hạn 120 ngày như dự kiến trong văn bản ban đầu, xuất phát từ việc Mạc Tư Khoa không hài lòng về một điểm cụ thể trong thỏa thuận liên quan đến xuất cảng phân bón của Nga. Mạc Tư Khoa cho rằng việc xuất cảng phân bón của Nga vẫn đang bị chặn.
Dẫu sao thì đến sáng 19/3, thỏa thuận Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen (tên tiếng Anh là Black Sea Grain) sáng nay vẫn còn tồn tại. Và đây có lẽ mới là điều quan trọng nhất".
Dấu Hiệu Hé Mở Dân chủ Tại Kazakhstan: Ứng Viên Độc Lập Có Thể Lọt Vào Quốc hội Mới
-Một số dấu hiệu mở cửa dân chủ dè dặt tại Kazakhstan, nước Cộng hòa Liên Xô cũ, từng trải qua nhiều thập niên độc tài kể từ khi độc lập. Hôm 19/3/2023, gần 12 triệu cử tri quốc gia lớn nhất vùng Trung Á được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội và các hội đồng địa phương. Theo AFP, một số ứng viên độc lập có thể đắc cử Dân biểu.
Ngày 19/3 được chọn làm ngày bầu cử Quốc hội mới của Kazakhstan ắt hẳn biểu tượng cho sự sang trang. Cách đây đúng 3 năm, vào ngày 19/3/2019, nhà độc tài Noursoultan Nazarbaiev từ chức sau 30 năm cầm quyền. Sau nhiều cuộc biểu tình chống giá cả đắt đỏ bị đàn áp dữ dội đầu năm 2022, với ít nhất 230 người chết (theo số liệu của chính quyền), Tổng thống kế nhiệm Kassym Jomart Tokaiev, 69 tuổi, đã tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế-chính trị.
Cuộc trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp, được hơn 75% cử tri thông qua hồi tháng 6/2022, đã chính thức khép lại kỷ nguyên độc tài của Nazarbaiev, giao thêm nhiều quyền hạn cho Quốc hội Kazakhstan. Theo AFP, trong cuộc bầu cử trước đó, chỉ có 3 đảng có đại diện trong Quốc hội, và tất cả đều ủng hộ Tổng thống. Với nhiều thay đổi pháp lý năm 2022, bầu cử Quốc hội lần này mở cửa cho việc cạnh tranh đảng phái, đặc biệt với việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký của các đảng chính trị, hay việc các ứng viên độc lập có quyền ra tranh cử, lần đầu tiên kể từ năm 2004.
Việc thay đổi thể thức bầu cử và quyết tâm thay đổi thể chế về mặt chính thức của chính quyền Kassym Jomart Tokaiev mang lại một số hy vọng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra dè dặt. Trả lời AFP, nhà chính trị học Dimach Aljanov nhận định: "Hệ thống bầu cử đã thay đổi và để lại ấn tượng là cử tri có khả năng chọn lựa, nhưng trên thực tế, Tổng thống và bộ máy cầm quyền vẫn kiểm soát quá trình kiểm phiếu".
Nhà bình luận chính trị Andrei Tchebotarev, ở Almaty, Kazakhstan, dự báo sẽ có 4-5 đảng có đại diện ở Quốc hội, đảng Amanat của Tổng thống vẫn chiếm đa số. Và việc cho phép có nhiều đảng phái hơn trong Quốc hội sẽ "có lợi hơn cho chính quyền" vì cũng sẽ khiến cho "kết quả bầu cử" có thể được chấp nhận dễ dàng hơn trong nước, cũng như với quốc tế.
Chống Cải Cách Hưu Trí: Biểu Tình Tiếp Diễn ở Nhiều Nơi, Xô Xát Với Cảnh Sát ở Paris
-Phong trào phản đối việc chính quyền của Tổng thống Macron cho thông qua Dự luật cải cách hưu trí mà không cần Quốc hội biểu quyết vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trên đất Pháp, với nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo động. Tại thủ đô Paris, hàng ngàn người vào hôm 18/3/2023 đã tập hợp tại quảng trường Place D'Italie để bày tỏ thái độ giận dữ và nhiều vụ bạo động đã nổ ra.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, vào hôm 18/3, đã có 169 người biểu tình bạo động bị câu lưu trên toàn quốc, trong đó có 122 người ở Paris. Sau những sự việc trong hai đêm thứ Năm và thứ Sáu liên tiếp tại quảng trường Concorde, gần trụ sở Quốc hội và phủ Tổng thống Pháp, chính quyền đã tăng cường kiểm soát ban hành lệnh cấm tụ tập tại khu vực trung tâm này.
Trong tình hình đó, theo nguồn tin cảnh sát, đã có hơn 4.000 người đã tập hợp về quảng trường Place d'Italie, ở phía Nam thủ đô, để tham gia cuộc biểu tình. Vào buổi tối thứ Bảy, nhiều vụ bạo động đã nổ ra khi một số người biểu tình đốt thùng rác nhựa, đập phá các biển quảng cáo bằng kính hay các trạm xe buýt, lập rào cản trên đường phố. Cảnh sát đã phải dùng vòi rồng và hơi cay để can thiệp.
Theo ghi nhận của phóng viên Amélie Beaucour và Boris Vichith có mặt trong đoàn biểu tình tại Place d'Italie, nỗi tức giận của người xuống đường đã gia tăng gấp bội sau khi chính quyền dùng Điều 49.3, áp đặt Dự luật cải cách hưu trí mà không cần Quốc hội biểu quyết. Phong trào phản đối được cho là sẽ còn tiếp diễn.
"Trong số hàng ngàn người biểu tình tụ tập ở Place d'Italie, có cô Stéphanie, người đã tham gia phong trào phản đối từ đầu tháng Một. Nhưng tâm trạng của cô hôm nay khác hẳn với ngày đầu tiên: "Lúc đầu, phong trào là nhằm cảnh báo chính phủ rằng chúng tôi không muốn có luật đó. Giờ đây, chính phủ đã dùng đến Điều 49.3, nên chúng tôi thực sự phẫn nộ và lại càng kiên quyết hơn, không chấp nhận bó tay".
Còn theo anh Yves, vì chính phủ đã cho thấy rằng họ không đếm xỉa đến những yêu cầu của đường phố, cho nên cuộc đấu tranh phải đi xa hơn nữa. Anh cho biết nguyên văn như sau: "Theo tôi, điều quan trọng là phải nhân rộng mọi hình thức đấu tranh trên khắp đất nước, để phong trào bùng lên mọi nơi vì nỗi tức giận của người dân rất lớn. Người ta đã phải chịu đựng bất công từ quá nhiều năm nay và giờ đây, người dân mọi nơi đều cảm thấy ngán ngẩm và tức tối. Do đó sự tức tối đó phải được thể hiện dưới mọi hình thức. Tôi tin rằng tình hình sẽ sớm trở thành không thể kiểm soát được".
Mục tiêu của những người biểu tình vào cuối tuần này là gây áp lực để các Dân biểu bỏ phiếu tán đồng các kiến nghị bất tín nhiệm, động thái duy nhất cuối cùng nhằm bác bỏ việc Dự luật được thông qua. Nếu các kiến nghị lại không được chấp thuận, những người biểu tình sẽ lại xuống đường cùng với nỗi tức giận của họ".
Ngày 20/3, Quốc hội Pháp sẽ xem xét các kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ sau khi Thủ tướng Elisabeth Borne sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp, cho phép thông qua một văn bản luật mà không cần Quốc hội bỏ phiếu.
Theo một cuộc thăm dò dư luận của hãng Ifop được tuần báo JDD công bố vào hôm nay, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Macron đã giảm vào tháng 3, xuống còn 28%, mức thấp nhất kể từ khi kết thúc cuộc khủng hoảng "Áo Vàng" hồi năm 2019.
Chống Cải Tổ Hưu Trí Pháp: Vì Sao "Kiến Nghị Bất Tín Nhiệm" của Liot Thu Hút Nhiều Nghị sĩ?
-Căng thẳng chính trị dâng cao tại Pháp trước thềm cuộc bỏ phiếu kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ ngày 20/3/2023. Hai kiến nghị được đệ trình sau khi chính phủ sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để áp đặt luật cải tổ hưu trí không qua bỏ phiếu tại Quốc hội. Việc dùng điều 49.3, trong bối cảnh Dự luật bị đông đảo dân chúng phản ứng dữ dội, bị nhiều chính trị gia đối lập lên án là "phản dân chủ".
Theo giới quan sát, trong số hai kiến nghị bất tín nhiệm, kiến nghị của nhóm Dân biểu thiểu số cánh trung Liot có khả năng nhận được nhiều ủng hộ hơn cả, cho dù gần như không có khả năng hội đủ đa số quá bán tại Hạ viện. Nhóm Dân biểu Liot, nhóm Nghị sĩ nhỏ nhất trong số 10 nhóm chính trị trong Hạ viện, gần như rất ít được công chúng biết đến.
Liot là tên gọi tắt của nhóm "Libertés, Indépendants, Outre-mer et Territoires" (Tự do, Độc lập, Hải ngoại và các vùng Lãnh thổ ngoài chính quốc). Nhóm do Nghị sĩ cánh trung Bertrand Pancher đứng đầu thuộc về các đảng phái đối lập tại Quốc hội, nhưng không phải đối lập triệt để, mà sẵn sàng có các hợp tác với liên đảng cầm quyền trong một số hồ sơ lớn.
Việc chính phủ quyết định sử dụng điều 49.3 để áp đặt luật cải tổ hưu trí, mà không qua bỏ phiếu, ngay lập tức đã khiến nhóm Dân biểu thiểu số Liot quyết định đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Theo AFP, việc kiến nghị bất tín nhiệm được một nhóm Dân biểu không có mầu sắc chính trị rõ ràng như Liot đưa ra cho phép tập hợp đông đảo sự ủng hộ của các Dân biểu thuộc các đảng phái đối lập, từ cực tả đến cực hữu.
Theo AFP, sự có mặt của Dân biểu kỳ cựu cánh trung hữu Charles de Courson, nhóm Liot, trong hàng ngũ những người chủ trương bất tín nhiệm chính phủ, cho thấy kiến nghị này có khả năng thu hút sự ủng hộ của nhiều Dân biểu cánh hữu. Dân biểu Charles de Courson, có 7 nhiệm kỳ Nghị sĩ, vốn là người ủng hộ việc nâng tuổi hưu trí lên 65, cũng đồng thời là người có quan điểm nghiêm khắc về chi tiêu công.
Dân biểu Charles de Courson là một tín đồ Công giáo, người ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu, tuy có quan điểm "bảo vệ các giá trị truyền thống", nhưng cũng là người kiên định tranh đấu bảo vệ các quyền tự do. Ngay từ đầu tháng 2/2023, Nghị sĩ Charles de Courson đã chỉ trích Dự luật cải tổ hưu trí của chính phủ là "không có tính hợp thức dân chủ" (pas de légitimité démocratique).
Lãnh đạo nhóm Liot, Nghị sĩ Bertrand Pancher, đặc biệt kêu gọi các Nghị sĩ đối lập cánh hữu Những Người Cộng hòa (LR) bỏ phiếu cho kiến nghị bất tín nhiệm. Theo giới quan sát, kiến nghị do Liot chủ trì cùng với liên đảng Nupes, cần có được thêm sự ủng hộ của khoảng một nửa trong số 61 Dân biểu đảng LR, mới có đủ đa số quá bán (287). Đây là điều gần như bất khả trong hiện tại.
Tin Việt Nam Hôm Nay
Khởi Tố Anh Trai Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
(Hình: Những người vừa bị công an bắt tạm giam: Nguyễn Anh Dũng, Trần Quốc Công, Cao Việt Bách, Nguyễn Thị Quyên.)
-Anh trai bà Chủ tịch AIC đang bỏ trốn - Nguyễn thị Thanh Nhàn - ông Nguyễn Anh Dũng, vào ngày 17/3/2023 bị khởi tố.
Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an cho truyền thông nhà nước biết quyết định vừa nêu. Ngoài anh trai bà Nhàn là ông Nguyễn Anh Dũng, Bộ Công an còn khởi tố 5 Giám đốc doanh nghiệp khác nữa theo cáo buộc "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị có liên quan.
Đó là các ông, bà: Tạ Hải Anh, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Kỹ thuật cao; Cao Việt Bách, Giám đốc Công ty cổ phần BVA; Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng; Trần Quốc Công, Giám đốc Công ty cổ phần Uy tín Toàn cầu; và Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty thẩm định giá Cimeico.
Vào ngày 18/8/2022, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính, đương kim Thủ tướng, là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.
Chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị khởi tố trong một vụ án khác hồi tháng tư/2022. Bà này trốn truy nã và bị phát giác đang ẩn mình ở Âu Châu. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Do Thái (IAI) hồi năm 2018. Và trong những ngày sắp đến, một viên chức cấp cao Việt Nam dự kiến sẽ đến Tel Aviv để thương thảo những hợp đồng quân sự mới giữa Hà Nội và IAI.
Trong vụ án bị khởi tố hồi 18/8, điều tra ban đầu cho thấy Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tổng mức kinh phí hơn 238 tỉ đồng. Dự án do Sở Y tế Tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Viên chức Sở Y tế được giao nhiệm vụ trong dự án này thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá đưa ra chứng thư thẩm định với giá cao hơn giá thị trường và móc ngoặc với nhà thầu và AIC cũng như các công ty có quan hệ với AIC. Mục đích để AIC và Công ty Mopha trúng toàn bộ các gói thầu trị giá 232 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước là 73 tỉ đồng.
Đương kim Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh từ năm 2011 đến năm 2015. Nguồn tin của IntelligenceOnline cho biết mối quan hệ thân thiết giữa ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh lúc bấy giờ và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn dẫn đến việc nhiều hợp đồng cho AIC được ký kết với tỉnh Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) và đang trốn truy nã, vào ngày 4/1/2023 bị Tòa Hà Nội tuyên án tổng cộng 30 năm tù trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Cụ thể, bà Nhàn bị Hội đồng Xét xử tuyên 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nhàn là 30 năm tù.
Facebooker Tại Cai Lậy, Tiền Giang Bị Bắt Với Cáo Buộc Theo Chính Phủ Đào Minh Quân
(Hình: Công an đọc lệnh bắt bà Phan Thị Thanh Nhã.)
-Bà Phan Thị Thanh Nhã, sinh năm 1984, ngụ tại ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, vào ngày 17/3/2023 bị Công an Tiền Giang bắt với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền".
Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết như vừa nêu. Cụ thể, theo cơ quan này thì từ cuối năm 2018 bà Nhã dùng tài khoản Facebook cá nhân theo dõi nhiều bài viết của người khác bị cho có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra bà Phan thị Thanh Nhã được nói đã tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời (CPQGVNLT), trụ sở tại California do ông Đào Minh Quân làm Tổng thống.
Cơ quan CSĐT cho biết thêm, sau khi tham gia tổ chức CPQGVNLT, bà Nhã đăng và chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân 25 bài viết và video clip. Nội dung của những bài viết và video clip này bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và kêu gọi người khác cùng tham gia tổ chức CPQGVNLT.
Vào tháng tư năm 2022, bà Nhã bị Công an thị xã cai Lậy xử phạt hành chính về việc bị cho thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Liên quan việc bắt giữ những người tại Việt Nam bị cho tham gia tổ chức CPQGVNLT của ông Đào Minh Quân, vào ngày 14/3, Tòa án tỉnh Bình Định tuyên án ông Huỳnh Tài và cha Huỳnh Tiến sáu năm tù và hai năm tù với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ông Huỳnh Tiến sinh năm 1952 và con trai Huỳnh Tài sinh năm 1968; cả hai ngụ tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Cáo trạng cho rằng, từ đầu năm 2019, người con trai Huỳnh Tài tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Lâm Thời do ông Đào Minh Quân ở California làm Tổng thống. Người cha là Huỳnh Tiến sau đó cũng tham gia.
Cáo trạng cho biết ông Huỳnh Tài đã gửi email tham gia trưng cầu dân ý bầu lãnh đạo của tổ chức Chính phủ Quốc gia Lâm thời. Ngoài việc kêu gọi người cha cùng tham gia tổ chức, ông Huỳnh Tài còn kêu gọi được một số người khác nữa.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 19 người với cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vì tham gia tổ chức của ông Đào Minh Quân.
Đài Á Châu Tự Do đã nhiều lần tìm cách liên hệ với tổ chức này để lấy ý kiến phản hồi nhưng đều không được.
Duy nhất một lần vào năm 2017, bà Lisa Phạm, người bị phía Việt Nam cáo buộc có liên quan thuộc tổ chức này, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng bà không có bất cứ liên quan gì đến những người bị bắt giữ và các cáo buộc xúi giục khủng bố ở Việt Nam.
Ba Quản Lý Cấp Cao của VinFast Nghỉ Việc
(Hình: Người xem xe điện VF-8 của VinFast tại một showroom ở Santa Monica, Mỹ, hôm 13/9/2022.)
-Hãng xe điện VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng hôm 17/3/2023 ra thông báo cho biết ba lãnh đạo cấp cao phụ trách bán hàng, marketing và phục vụ khách hàng vừa nghỉ việc.
Reuters dẫn thông báo của VinFast cho biết, Gareth Dunsmore - Phó Giám đốc phụ trách bán hàng và marketing toàn cầu của hãng đã nghỉ việc vì "lý do cá nhân và hãng tôn trọng quyết định này".
Hai lãnh đạo khác ở thị trường Mỹ là Gregh Tebbutt - trưởng ban marketing, và Craig Westbrook - Trưởng ban phục vụ khách hàng. Cả hai người đều nghỉ vì "những thay đổi trong mô hình quản lý và các yêu cầu kinh doanh cụ thể" - thông báo của VinFast viết.
Thông tin về ba quản lý cấp cao VinFast nghỉ việc xuất hiện vào khi VinFast đang trong giai đoạn bắt đầu thâm nhập thị trường Bắc Mỹ với việc xuất cảng 999 xe điện đầu tiên sang Mỹ từ tháng 11 năm 2022 nhưng đã bị trì hoãn cho đến tận cuối tháng 2 vừa qua mới giao 45 xe điện đầu tiên.
VinFast hiện đang đối mặt với những thách thức không nhỏ tại thị trường Mỹ khi hãng xe điện nổi tiếng đã có mặt nhiều năm ở Mỹ là Tesla liên tục cắt giảm giá xe của mình trong thời gian qua. Trong khi đó, các hãng xe điện mới khác ở Mỹ như Lucid, Rivian và Nikola cũng đang phải đối mặt với tình trạng đơn hàng thấp, lãi suất cao và sự cạnh tranh khốc liệt.
Hồi tháng Hai vừa qua, VinFast tuyên bố hợp nhất hoạt động của hãng tại Gia Nã Ðại và Mỹ đồng thời cắt giảm khoảng 80 người, trong đó có phụ trách tài chánh thị trường Mỹ là Rodney Haynes.
Hồi tháng sáu năm 2022, VinFast cũng chấm dứt hợp đồng với một phụ trách bán hàng toàn cầu khác là Emmanuel Brett. Ba lãnh đạo cấp cao khác của hãng cũng rời đi trong thời gian này.
Huy Chieu, một cựu Kỹ sư tại General Motor và gia nhập VinFast vào tháng 11/2021, phụ trách mảng phát triển sản phẩm xe điện, cũng xin nghỉ việc vào tháng 12 năm 2022 trước khi các xe điện đầu tiên của hãng đến Mỹ.
Tp. HCM Bãi Bỏ Quy Chế Phát Ngôn Viên và Cung Cấp Thông Tin Cho Báo Chí
-Từ ngày 25/3/2023 tới đây, Tp. HCM sẽ không còn quy chế phát ngôn viên và cung cấp thông tin cho báo chí theo một quyết định được ban hành cách đây 10 năm. Đó là Quyết định 32 ban hành ngày 28/2/2013.
Truyền thông nhà nước loan tin ngày 17/3, dẫn quyết định do Ủy ban Nhân dân Tp. HCM ký ngày 15/3 về việc bãi bỏ như vừa nêu.
Tin không cho biết lý do bãi bỏ và sẽ có thay thế nào cho quyết định bãi bỏ đối với quy chế phát ngôn viên và cung cấp thông tin cho báo chí như vừa nêu hay không.
Quyết định 32 ngày 28/3/2013 quy định thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí hằng tháng; đồng thời cập nhật thông tin về hoạt động của cơ quan mình trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Tổ chức họp báo ít nhất ba tháng một lần để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố định kỳ mỗi tháng chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước có liên quan cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời đăng tải trên Trang tin Điện tử của Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Việt Nam liên tục bị các tổ chức theo dõi quyền tự do trên thế giới xếp vào nhóm các nước không có tự do ngôn luận thực sự. Tất cả mọi cơ quan truyền thông đều dưới sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo Trung ương, đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây được cho là tổng biên tập duy nhất cho toàn hệ thống truyền thông, báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Ủy Ban Kiểm Tra Quân ủy Trung Ương Đề Nghị Tước Danh Hiệu Quân Nhân 14 Người Vì Vi Phạm Nghiêm Trọng
-Vào chiều ngày 16/3/2023, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 16 quân nhân, trong đó có 14 người phải tước danh hiệu quân nhân vì vi phạm nghiêm trọng. Hai trường hợp phải khai trừ đảng và giáng chức.
Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trị của Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.
Danh tính của những người bị đề nghị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, khai trừ đảng và giáng chức không được nêu rõ.
Vào ngày 4/3/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra kết luận về những sai phạm của Ban thường vụ Đảng uỷ Học viện Quân y liên quan đến vụ bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Những cá nhân thuộc Học viện Quân y bị xác định có sai phạm bao gồm: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị, Vật tư và lãnh đạo.
Cùng ngày 4/3/2022, sáu sĩ quan cấp cao thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật vì những sai phạm liên quan đến đất đai và buôn lậu, bao gồm: ông Nguyễn Thế Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, nguyên Cục phó Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Đại tá Hồ Tú Điền, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng; Đại tá Phạm Văn Sáng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng; Đại tá Nguyễn Văn Phương, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh; Đại tá Phạm Chánh Kính, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng; Đại tá Huỳnh Văn Đông, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ đội biên phòng tỉnh và Đại tá Bùi Minh Trí, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng.
Vào tháng 10 năm 2021, một loạt tướng, tá chỉ huy Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam bị kỷ luật và bị đề nghị kỷ luật do những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chánh, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng/chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Trong đó có Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư đảng ủy, nguyên Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng Dầu, Cục Hậu Cần; Thiếu tá Lưu Thế Đức, Phó đoàn trưởng Đoàn Trinh sát Số 2.
Thanh Hóa Kỷ Luật Tổ Chức Đảng và Cá Nhân Vi Phạm Trong Vụ Việt Á
(Hình: Nhân viên Việt Á làm việc trong phòng thí nghiệm ở Bình Dương năm 2020.)
Vào ngày 17/3/2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết 3 tổ chức đảng và chín lãnh đạo tại nhiều phòng, ban trong tỉnh bị kỷ luật vì liên quan đến vụ test kit COVID-19 của Công ty Việt Á.
Ba tổ chức đảng bị kỷ luật khiển trách được nêu rõ gồm Đảng ủy Sở Y tế tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Đảng ủy Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghi Sơn nhiệm kỳ 2020-2025; và Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Số cá nhân là lãnh đạo các phòng ban bị kỷ luật khiển trách gồm các ông, bà: Lê Ngọc Sơn, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Đỗ Văn Quang, Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chánh, Sở Y tế (nguyên Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022); Mai Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế; Mai Thị Lan, Chi ủy viên, Trưởng khoa Dược-Vật tư Y tế, CDC tỉnh. Ông Trần Lê Mơ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn; Hoàng Thị Hiền, Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ Khối hành chính, Trưởng phòng Tài chánh-Kế toán Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn; Nguyễn Đức Thuận, Phó Bí thư Chi bộ Khối khám bệnh, Trưởng khoa Dược, vật tư y tế, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn.
Ông Trịnh Xuân Hiệp, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bỉm Sơn; Phạm Thị Huyền, đảng viên, Kế toán trưởng Trung tâm Y tế thị xã Bỉm Sơn.
Bộ Công an Việt Nam vào đầu tháng hai vừa qua cho biết, trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 104 bị can, phong tỏa, kê biên số tài sản, tiền lên tới khoảng 1.700 tỉ đồng.
Vụ án tại Công ty Việt Á bắt đầu vào tháng 12/2021 khi Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) cùng 4 cấp dưới; cựu Giám đốc CDC Hải Dương và kế toán trưởng đơn vị này. Các lãnh đạo của Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và đút lót cho các đối tác khoảng 800 tỉ đồng.
Trong số những người bị bắt và khởi tố có cả những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ bao gồm: cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Kỹ thuật Phạm Công Tạc, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người bị miễn nhiệm chức vụ, trong bài phát biểu từ giã nói rằng bản thân ông và gia đình không làm gì sai trong vụ án Việt Á.
Vụ Tiếp Viên Vietnam Airlines Mang Ma Túy: Báo Nhà Nước Đưa Tin Sớm Làm Nhóm Đối Tượng Chính Bỏ Trốn
(Hình: Tang vật mà Hải quan thu được từ hành lý của các tiếp viên Vietnam Airlines.)
-Vào chiều ngày 17/3/2023, Hải quan Tp. HCM tiến hành cuộc họp báo thông tin về vụ bốn tiếp viên Vietnam Airlines mang hơn 10 kilogram ma túy, thuốc lắc từ Pháp về Việt Nam.
Trong cuộc họp báo trực tiếp vào chiều ngày 17/3/2023, ông Bùi Lê Hùng - Chi cục trưởng Chi cục hải quan Tân Sơn Nhất cho biết, trong khi các cơ quan chức năng đang phối hợp để mở rộng điều tra bắt nhóm đối tượng chính "đáng tiếc có một tờ báo đăng thông tin đó lên, từ đó nhóm đối tượng đó biết nên không xuất hiện nữa".
Ông Hùng cho biết thông tin vừa nêu không cần thông tin lên mặt báo, đề nghị báo Nhà nước rút kinh nghiệm hỏi trước các cơ quan chức năng trước khi đăng tải.
Trong cuộc họp báo, các lãnh đạo hải quan cũng nêu danh tính 4 tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines dính líu trong vụ mang theo valy có hơn 10 kg ma túy, ketamin... trong đó có tiếp viên trưởng Nguyễn Thanh Thủy, 37 tuổi, trong chuyến bay VN10 từ Pháp về Sài Gòn hôm 16/3.
Cụ thể, chuyến bay từ phi trường Charles de Gaulle ở Paris về Tân Sơn Nhất. Nhóm tiếp viên, sau khi bị phát giác mang chất cấm về nước, khai rằng khi ở Pháp họ được một người nhờ xách tay số hàng về nước với tiền trả công là 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Hải quan Tp. HCM, từ chối cho biết dấu hiệu nghi ngờ khi soi chiếu các hành lý của tiếp viên để đưa đi soi chiếu thêm, từ đó phát giác số ma túy mang lậu về Việt Nam.
Lãnh đạo đoàn tiếp viên Vietnam Airlines dù cho biết đang hợp tác với cơ quan chức năng trong sự việc vừa nêu, nhưng cho rằng những tiếp viên bị bắt do còn trẻ, mới làm việc một năm nên khi được bạn bè nhờ thì giúp mang hộ.
Cán Bộ Công An và Một Quản Lý của VNPT Bán Thông Tin Cá Nhân Khách Hàng Thu Lời Hàng Tỉ đồng
(Hình: Các bị cáo tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 15/3/2023.)
-Một cán Bộ Công an và một quản lý Trung tâm An ninh mạng thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 15/3/2023 kết án tù vì đánh cắp thông tin cá nhân khách hàng để bán thu lời hàng tỉ đồng.
Truyền thông nhà nước đưa tin cho biết, bị cáo Bùi Việt Anh (SN 1987, là Phó trưởng Trung tâm An ninh mạng, ban khai thác mạng Tổng công ty hạ tầng mạng thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) bị tuyên án 30 tháng tù về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy điện toán, mạng viễn thông".
Bị cáo Trần Mạnh Quân (nguyên cán bộ Cảnh sát hình sự-Công an quận Long Biên) lĩnh tổng mức án 6 năm tù về các tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy điện toán, mạng viễn thông và "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Phiên tòa cũng tuyên án 5 người khác với cùng tội danh "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy điện toán, mạng viễn thông". Trong số này, một người lĩnh án 20 tháng tù treo, những người còn lại lĩnh án 12 tháng, 15 tháng và 18 tháng tù.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Mạnh Quân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giả 142 công văn lấy danh nghĩa Cơ quan Cảnh sát điều tra để gửi các nhà mạng, thu thập dữ liệu của 1.007 số điện thoại, sau đó bán lại cho Bùi Việt Anh, hưởng lợi bất chính số tiền 254 triệu đồng.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Bùi Việt Anh đã lợi dụng quyền quản trị mạng máy điện toán, mạng viễn thông được cấp để lấy cắp thông tin liên quan đến số điện thoại như: Định vị điện thoại; lịch sử cuộc gọi đi, đến... trên mạng. Bùi Việt Anh đã mua thêm thông tin liên quan đến số điện thoại của các nhà mạng khác từ các bị cáo còn lại với số lượng là 450 thông tin, hưởng lợi bất chính hơn 2,7 tỉ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét