(Hơn 2 năm dịch bệnh, rất thiếu vắng những sinh hoạt này!)
Lời Mời Tham Dự Buổi Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật:
Giới thiệu tác phẩm - NGUYỄN DU
Tâm Sự & bóng dáng Thúy Kiều
*Tuyển tập với ý kiến nhận định của 35 tác giả và 3254 câu thơ Lục bát nguyên tác Truyện Kiều. Sách dày 500 trang, in trên giấy màu cream, nền hoa văn. Trình bày trang nhã.
Thiếp Mời
CSTV (Cơ Sở Thi Văn) Cội Nguồn
Tạp chí Nguồn & Ban Tổ Chức
Trân Trọng Kính Mời
-Quý Văn Thi Hữu, Thân Hữu
-Quý Độc Giả, Quý Đồng Hương Yêu Văn Thơ
Vui lòng bớt chút thì giờ quý báu đến tham dự
Buổi giới thiệu tác phẩm Nguyễn Du
Tâm Sự & bóng dáng Thúy Kiều
( đây cũng là buổi họp mặt tân niên 2023 của Nguồn)
Vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, 2 tháng Tư, 2023
tại nhà Cao Nguyên
2549 South King Road #16 San jose
DT: (408) 270-0610
Sự hiện diện của Quý Vị là một khích lệ lớn lao cho Ban tổ chức và Thi Văn Cội Nguồn, trong ý hướng phát huy văn hóa và văn học nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại.
Rất mong được tiếp đón.
-Xin Liên Lạc: Song Nhị (408) 209-0292 * Diên Nghị (408) 272-6889 * Hùng Vĩnh Phước (408) 482-0733
-Ẩm thực và Tặng sách: 60 đô la. Tham dự, không mua sách 40 đô la.
-Chưa kể BTC sẽ tặng một món quà kỷ niệm, đến tất cả Quý Khách tham dự và gồm nhiều mục vui, mang lại nhiều may mắn trong năm.
Trân Trọng Kính Mời
VÀI NÉT VỀ CƠ SỞ THI VĂN CỘI NGUỒN
-CSTV Cội Nguồn hoạt động nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần đời sống Việt Nam, tôn trọng mọi giá trị tinh thần và các đặc thù văn hóa của các cộng đồng bạn.
-Khuyến khích các thế hệ Việt Nam tại Hoa Kỳ hòa nhập và tôn trọng những giá trị cao đẹp của của nền văn hóa và đời sống Mỹ quốc; đồng thời duy trì những giá trị tinh hoa của đời sống và văn hóa Việt Nam.
-Giới thiệu với cộng đồng thế giới Văn Học Nghệ Thuật, Văn Hóa và nền Văn Hiến năm nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đối kháng với mọi hình thức văn học và văn hóa phi nhân bản, phi dân tộc.
-Hoạt động cụ thể của CSTVCN được nhằm vào các lãnh vực đối tượng sau đây:
1- Ấn hành, giới thiệu các tác phẩm thơ, văn, nhạc, kịch, hội họa, điêu khắc và phim ảnh có giá trị nghệ thuật.
2- Tổ chức, bảo trợ các sinh hoạt văn hóa, xã hội có mục đích phục vụ công ích.
3- Chuyển ngữ sang Anh văn, các tác phẩm thi văn có giá trị nội dung cao.
4- Trao đổi các tác phẩm văn học, thi ca, báo chí với các tổ chức văn hóa và các thư viện, trường học tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác.
5- Tổ chức các buổi họp mặt trao đổi kinh nghiệm sáng tác.
6- Tổ chức những giải sáng tác thơ văn, nhằm phát hiện và giới thiệu những tài năng mới.
-Kể từ tháng 4- 1995, chính thức đi vào hoạt động, Cội Nguồn đã đón nhận khoảng 200 nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ các bộ môn tại Hoa Kỳ, ở trong nước và các quốc gia khác trên thế giới, hưởng ứng tham gia góp mặt trong các sinh hoạt, đóng góp thơ văn cho các tuyển tập; hoặc ủy thác tác phẩm cho Cội Nguồn xuất bản.
-Với tâm hồn thông thoáng phong phú của người văn nghệ sĩ, Cội Nguồn là một tổ chức sinh hoạt thơ văn tự do, không có bất kỳ một ràng buộc nào, với thành viên tham gia tổ chức.
-Cội Nguồn không có Điều lệ, Nội quy thành văn. Các thành viên không phải đóng nguyệt liễm, niên liễm. Tài chánh của Cội Nguồn nhờ vào sự đóng góp tự nguyện của các thành viên, sự yểm trợ của bạn đọc, thân hữu và mạnh thường quân.
Thời Tiết Kỳ Lạ! Ít Khi Nào Thấy, Trong Vòng 40 Năm Nay! Montebello ở Nam California, Hứng Cơn Lốc Xoáy! Nhiều Tòa Nhà Tốc Mái!
– Montebello dường như bị lốc xoáy sáng Thứ Tư, 22 Tháng Ba, làm nhiều tòa nhà tốc mái, xe cộ hư hại và ít nhất một người bị thương, theo đài ABC7.
Nhiều tòa nhà được di tản và nhóm tìm kiếm, cứu hộ được cử tới khu vực bị ảnh hưởng để tìm người có thể mắc kẹt dưới những đống đổ nát.
(Ảnh:Nhiều tòa nhà bị tốc mái có lẽ do lốc xoáy ở Montebello, California, hôm Thứ Tư, 22 Tháng Ba.)
Trận gió cuốn này xảy ra trong khu 1200 đường South Vail không lâu, trước 11 giờ rưỡi sáng. Ít nhất năm tòa nhà bị tốc mái, hay sập mái, giữa lúc trời vẫn mưa lác đác ở khu đó.
Công ty điện và gas được gọi tới hiện trường vì đường dây điện và ống gas bị hư hại.
Theo báo cáo, một người bị thương, nhưng nhân viên tìm kiếm, cứu hộ vẫn đang lục tìm những đống đổ nát.
Nhiều mảng kim loại lớn từ tòa nhà công ty Royal Paper Box Company bị hất văng xuống bãi đậu xe, đập bể nhiều chiếc xe.
“Tôi tưởng mưa lớn hay động đất, nhưng mặt đất không rung chuyển,” anh Anthony Jain, làm việc gần đó, cho hay. “Có nhiều tiếng ồn lắm. Sau khi vụ đó kết thúc trong vài phút, chúng tôi ra ngoài, một tòa nhà bị hư hại.”
Bão kèm sấm sét cũng được báo cáo ở khu vực đó.
Cơ Quan Khí Tượng Quốc Gia (NWS) đang điều tra hiện tượng thời tiết đó ở Montebello để xác nhận đúng là lốc xoáy hay không.
Hôm Thứ Ba, lốc xoáy quét qua khu “mobile home” ở Carpinteria, Santa Barbara County, miền Trung California, làm hư hại hơn hai chục căn nhà. Không có báo cáo nào về thương tích nghiêm trọng.
Hôm Thứ Tư, sau khi đánh giá xong khu vực đó, nhóm chuyên gia NWS xác nhận, đó là lốc xoáy với sức gió mạnh tới 75 mph!
Biến Chuyển Thời Cuộc
Nga Đã Trở Thành Chư Hầu của Trung Quốc Như Thế Nào?
(Thụy My)
-Trên báo Le Figaro, chuyên gia Alexander Gabuev coi Nga là "chư hầu mới" của Trung Quốc. Ông nhận thấy cuộc chiến tranh ở Ukraine đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây, Ðiện Cẩm Linh chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc để sống sót. Sự lệ thuộc này sẽ biến Nga thành công cụ, rất hữu ích cho cuộc cạnh tranh giữa chế độ Bắc Kinh với Hoa Thịnh Ðốn.
Tình Hữu Nghị Nhập Nhằng Giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh
Chuyến thăm Mạc Tư Khoa của ông Tập Cận Bình tiếp tục được các báo chú ý nhiều nhất. Báo Les Echos nhận thấy "Dưới khung cảnh vàng son của Ðiện Cẩm Linh, Vladimir Putin và Tập Cận Bình mừng một tình hữu nghị vẫn luôn nhập nhằng". Tờ báo dẫn lời một nhà ngoại giao Âu Châu cho rằng chuyến thăm ba ngày này "là một món quà thực sự cho Putin, bảo đảm một dạng đặc miễn ngoại giao hữu ích trong lúc này. Nhưng đó cũng là một nụ hôn thần chết". Putin hiểu rằng Nga không là gì cả trước Trung Quốc.
Báo Le Monde nói về "sự ủng hộ có tính toán của Tập Cận Bình". Cho đến nay, chừng như Trung Quốc vẫn không trực tiếp giao vũ khí cho Mạc Tư Khoa, và cũng không xuất cảng ồ ạt các loại phụ tùng, chất bán dẫn đang bị phương Tây cấm vận. Ðiện Cẩm Linh hy vọng một thỏa thuận đổi vũ khí lấy kỹ thuật nguyên tử Nga mà Bắc Kinh đang cần, nhưng liệu Trung Quốc có dám chấp nhận rủi ro bị trừng phạt? Về phía Nga, 50 tỉ mét khối khí đốt lâu nay bán cho phương Tây nay sẽ đổi hướng sang Trung Quốc. Nhưng ngoài năng lượng, ít có hợp tác trong những lãnh vực khác, và giới doanh nhân Nga vẫn thích làm việc với người Âu Châu hơn là người Hoa.
Từ vài ngày qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích chuyến công du của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích "hữu nghị, hợp tác, hòa bình". Báo Le Monde lưu ý trật tự này là quan trọng: Ukraine đứng ở cuối, sau quan hệ Nga-Trung. Hôm 16/3, báo China Daily đăng một bài viết dài ca ngợi các hoạt động của Tập Cận Bình từ mười năm qua, nhưng cả nước Nga lẫn Vladimir Putin đều không được nhắc đến.
Quá Lệ Thuộc Vào Trung Quốc, Nga Trở Thành Chư Hầu
Cũng về quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, báo Le Figaro giải thích "Nga đã trở thành chư hầu của đế quốc Trung Hoa như thế nào". Theo tờ báo, "tình hữu nghị không giới hạn" trên các tuyên bố chính thức chỉ là ngoài mặt.
Tháng 11 năm 2022, hãng xe hơi Moskvitch tưng bừng giới thiệu mẫu xe mới Moskvitch 3, được quảng cáo là một thành tựu kỹ thuật. Đây là kiểu xe "nội địa" đầu tiên ra đời từ nhà máy của tập đoàn Pháp Renault - đã bán đổ bán tháo cổ phần lại cho hãng Nga AvtoVAZ và rời nước Nga sau khi Putin khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Tuy nhiên ngay sau đó một phóng sự của kênh truyền hình Za rouliom chuyên về xe hơi tiết lộ, kiểu xe này thực ra hoàn toàn được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, rồi thêm vào vài phụ tùng để gắn nhãn "made in Russia". Bị lộ tẩy, chính quyền bèn hứa sẽ có xe hơi "100% Nga" vào năm... 2025. Thị phần xe hơi Trung Quốc từ 7% năm 2021 đã tăng lên 18% cuối 2022, và được dự báo sẽ là 60% năm nay.
Xe hơi là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh lên nền kinh tế Nga kể từ sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, khiến chuyên gia Alexander Gabuev của Viện Carnegie gọi Nga là "chư hầu mới" của Trung Quốc. Ông nhận thấy "Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây. Bị trừng phạt, bị báo chí quốc tế tố cáo, bị tẩy chay khỏi các sự kiện văn hóa quan trọng của toàn cầu, Ðiện Cẩm Linh chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc". Nhưng mối quan hệ sẽ ngày càng bất bình đẳng, theo với tốc độ mà chế độ Putin lệ thuộc vào Bắc Kinh để sống sót.
Cuộc Xâm Lăng Ukraine Biến "Đại Ca" Nga Thành Đàn Em Bắc Kinh
Đã xa rồi, cái ngày mà Liên Xô coi Trung Quốc Cộng sản non trẻ của Mao là đàn em. Tháng 12/1949, "Người cầm lái vĩ đại" đến Mạc Tư Khoa bằng xe lửa, phải chờ chực năm ngày mới được Stalin chiếu cố. Một nhà ngoại giao cấp cao từng tham dự nhiều cuộc họp thượng đỉnh có cả Vladimir Putin và Tập Cận Bình nói với báo Le Figaro, chỉ cần quan sát cử chỉ đôi bên sẽ biết ai là ông chủ, và rõ ràng là ông Tập. Nhà phân tích Timothy Ash của BlueBay xác nhận, Putin muốn có quan hệ ngang hàng, nhưng không thể.
Theo Alexander Gabuev, hiện thời Mạc Tư Khoa bán đại hạ giá tài nguyên cho Trung Quốc, mời gọi các doanh nghiệp Hoa Lục vào thị trường Nga nay đã không còn những người cạnh tranh phương Tây. Trong tương lai, Bắc Kinh hy vọng Mạc Tư Khoa sẽ hợp tác trong tất cả những vấn đề mà Trung Quốc quan tâm, theo điều kiện của Trung Quốc. Ông Gabuev cho rằng, để làm hài lòng Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Nga không có chọn lựa nào khác là phải chấp nhận các điều kiện thương mại bất lợi cho mình. "Sự lệ thuộc của Ðiện Cẩm Linh vào Trung Quốc sẽ biến Nga thành công cụ hữu ích cho chế độ Bắc Kinh, rất có lợi trong cuộc cạnh tranh với Hoa Thịnh Ðốn".
Với khả năng khuynh đảo đến 70% thu nhập của tập đoàn dầu khí Rosneft, Trung Quốc có thể áp đặt về chính trị hoặc đạt được những dự án đã thèm muốn từ lâu, như việc mở một căn cứ quân sự ở Bắc cực. Đồng nhân dân tệ đã vượt đồng Mỹ kim trong giao dịch ở thị trường chứng khoán Mạc Tư Khoa, nay chiếm 40%.
Ủng hộ Nga một cách vừa phải, Trung Quốc chừng như không muốn đi xa hơn để không bị tách rời khỏi phương Tây. Liệu Tập Cận Bình có thể xoay đi khối vuông rubic, hứa cung cấp vũ khí cho Putin hay không? Chuyên gia Vassili Kashine cho rằng việc này sẽ không công khai, vì Bắc Kinh vẫn luôn nuôi hy vọng thương lượng được với Mỹ, tránh đối đầu.
Bị Truy Nã, Putin Chính Thức Trở Thành Người Không Thể Giao Du
Về tư thế của "chủ nhà" đang tiếp đón ông Tập, xã luận của báo Le Monde nhấn mạnh "Vladimir Putin chính thức trở thành một người không thể giao du". Tờ báo nhận định lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) làm tăng thêm sự cô lập của Tổng thống Nga.
Việc đến thăm Mariupol vào ban đêm có thể là hành động thách thức Tòa án, nhưng kém phần quang minh chính đại. Mà thật ra đã từ lâu ông Putin vẫn tránh mọi tiếp xúc với đám đông, giữ khoảng cách khá xa trong các cuộc họp. Và nay ông là một tội phạm bị truy nã. Tấm áp-phích "wanted" giờ đây lơ lửng trên đầu Vladimir Putin. Đó là ý nghĩa mạnh mẽ nhất của quyết định từ Tòa án Hình sự Quốc tế.
Hiện thời khó có khả năng Putin ra đứng trước vành móng ngựa ở La Haye: Tòa án không có lực lượng cảnh sát, và Nga không giao nộp Tổng thống của mình. Ông chủ Ðiện Cẩm Linh vẫn còn khả năng ra ngoại quốc, vì tuy có đến 123 quốc gia phê chuẩn quy chế Roma (để thành lập ICC), vẫn còn khoảng 60 nước đứng ngoài, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ. Tân Ðề Ly sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới và trên nguyên tắc, ông Putin cũng được mời.
Ngược lại, tính chính trị và biểu tượng của lệnh truy nã quốc tế vô cùng lớn. Khung cảnh lộng lẫy của Ðiện Cẩm Linh không che giấu được dưới ánh mắt thế giới, đối tác của Tập Cận Bình là một người bị truy nã vì tội ác chiến tranh - dù báo chí Trung Quốc giữ im lặng về việc này. Tổng thống Nga giờ đây là một nhân vật không thể giao du, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại. Tòa án Hình sự Quốc tế đã gởi đến các nước xâm lược thông điệp được chờ đợi: Không có hòa bình mà không công lý cho Ukraine.
Tổng thống Putin Nói Với Chủ tịch Tập: Nga Muốn Doanh Nghiệp Trung Quốc Thay Thế Các Hãng Phương Tây!
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mạc Tư Khoa, 21/3/2023.)
-Mạc Tư Khoa sẵn sàng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thay thế các công ty phương Tây đã rời Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba (21/3/2023) trong cuộc hội đàm tại Ðiện Cẩm Linh.
Nói về ngày thứ nhì trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Mạc Tư Khoa, ông Putin cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đề án xây đường ống Sức mạnh Siberia 2, đường ống này sẽ vận chuyển khí đốt của Nga tới Trung Quốc.
Đường ống được lên kế hoạch này sẽ vận chuyển 50 tỉ mét khối (bcm) khí tự nhiên mỗi năm từ Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Mạc Tư Khoa đã đưa ra ý tưởng này từ nhiều năm trước, nhưng giờ đây nó trở nên cấp bách khi Nga quay sang đưa Trung Quốc thay thế Âu Châu trở thành khách hàng khí đốt lớn của Nga.
"Tôi tin rằng sự hợp tác nhiều mặt của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước", ông Putin phát biểu với ông Tập, được phát lại trên truyền hình. Ông Putin nói thêm rằng Nga là "nhà cung cấp chiến lược" về dầu, khí đốt và than đá cho Trung Quốc.
Ông Tập phát biểu rằng Trung Quốc và Nga nên hợp tác chặt chẽ thêm để thúc đẩy nhiều hơn nữa "sự hợp tác thiết thực".
"Có thể thấy thành quả ban đầu của sự hợp tác (của chúng ta) và sự hợp tác hơn nữa vẫn đang được thúc đẩy", ông Tập nói với ông Putin, theo hãng truyền hình cáp Hồng Kông.
Hãng Gazprom của Nga đã cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia theo hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỉ Mỹ kim bắt đầu thực hiện vào cuối năm 2019. Đường ống đó dài khoảng 3.000 cây số.
Xuất cảng khí đốt của Nga sang Trung Quốc vẫn chỉ là một phần nhỏ so với mức kỷ lục 177 bcm mà nước này giao cho Âu Châu trong giai đoạn 2018-2019. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022, khối lượng khí đốt chuyển đến Âu Châu đã giảm xuống, còn khoảng 62 bcm vào năm 2022.
Ông Putin nói hôm 21/3 rằng Nga sẽ cung cấp ít nhất 98 bcm khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2030.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận chi tiết về cuộc khủng hoảng Ukraine trong thời gian còn lại của ngày 21/3 sau khi ông Putin đã "làm rõ thêm" về lập trường của Mạc Tư Khoa với ông Tập trong cuộc hội đàm đầu tiên vào ngày 20/3.
Dữ Liệu của Trung Quốc Từ Chợ Vũ Hán, Đưa Ra Manh Mối Gần Như Chắc Chắn, Về Nguồn Gốc COVID
(Hình: Chợ Hoa Nam ở Vũ Hán nguồn gốc của đại dịch COVId-19 giết chết gần 7 triệu người cho đến nay.)
-Dữ liệu từ những ngày đầu của đại dịch COVID, được các nhà khoa học Trung Quốc tải lên cơ sở dữ liệu một thời gian ngắn, cung cấp thông tin về nguồn gốc của virus trong đó có gợi ý vai trò của loài lửng chó trong việc virus corona lây lan sang người, theo các nhà nghiên cứu quốc tế.
Virus này lần đầu tiên được xác định tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, nhiều người nghi ngờ có liên quan đến chợ động vật sống, trước khi lan rộng khắp thế giới và giết chết gần 7 triệu người cho đến nay.
Các nhà nghiên cứu quốc tế đã công bố một phúc trình trước khi in dựa trên cách giải thích dữ liệu của họ hôm 20/3/2023, sau khi phát giác của họ bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông vào tuần trước và sau một cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có sự tham gia của cả các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế. WHO đã kêu gọi Trung Quốc tiết lộ thêm thông tin.
Dữ liệu bao gồm các trình tự mới của virus SARS-CoV-2 và dữ liệu bộ gen bổ sung dựa trên các mẫu lấy từ chợ Hoa Nam ở Vũ Hán vào năm 2020, theo các nhà nghiên cứu quốc tế đã tiếp cận dữ liệu đó.
Các trình tự gen cho thấy loài lửng chó và các động vật khác nhạy cảm với virus corona đã có mặt ở chợ này và có thể đã bị nhiễm bệnh, cung cấp manh mối mới trong chuỗi lây truyền cuối cùng đến con người, các nhà nghiên cứu nói.
"Điều này bổ sung thêm bằng chứng xác định chợ Hoa Nam là địa điểm lây lan của Sars-CoV-2 và là tâm điểm của đại dịch COVID-19", báo cáo cho biết.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã được tải lên GISAID, cơ sở dữ liệu mầm bệnh toàn cầu, sẵn sàng để đưa vào một bài báo khoa học sẽ được xuất bản trên một tạp chí lớn.
Kể từ ngày 11 tháng 3 năm nay, không còn truy cập được vào kho dữ liệu, nơi dữ liệu được các nhà khoa học quốc tế tìm thấy, phúc trình của họ cho biết. GISAID nói trong một tuyên bố rằng dữ liệu "tạm thời không thấy được" trong khi nó đang được cập nhật trước khi xuất bản bài báo, phù hợp với thông lệ.
Phúc trình được viết bởi các tác giả bao gồm Michael Worobey của Đại học Arizona, Kristian Andersen của Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, và Florence Debarre tại Đại học Sorbonne ở Paris, Pháp. Những tác giả này đã tiếp cận được dữ liệu vừa kể.
Họ nói rằng họ không vi phạm quy tắc nào trong việc tiếp cận dữ liệu.
Hiện chưa rõ liệu việc công bố phúc trình của họ có tác động ngay lập tức đến việc dữ liệu có thể được tiếp cận trở lại hay việc xuất bản bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc hay không.
Các nhà nghiên cứu này cũng kêu gọi chia sẻ thêm thông tin.
Bà Debarre nói với Reuters: "Dữ liệu thô khác từ các mẫu môi trường ở chợ Hoa Nam tồn tại và có thể chứa thêm manh mối".
Vật Liệu Di Truyền
Không thể tiếp xúc ngay với CDC Trung Quốc để yêu cầu bình luận.
Hôm 20/3, khi được Reuters hỏi tại sao dữ liệu lần đầu tiên xuất hiện trên mạng và sau đó biến mất và liệu thông tin cuối cùng có được chia sẻ hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân yêu cầu phóng viên liên lạc với "các cơ quan hữu quan" mà không nêu rõ thêm.
Ông nói Trung Quốc "luôn ủng hộ và tham gia hợp tác khoa học toàn cầu về truy tìm nguồn gốc" và sẽ tiếp tục làm như vậy, nhưng cộng đồng khoa học quốc tế cũng cần chia sẻ "nghiên cứu của họ về virus có nguồn gốc từ các khu vực khác trên thế giới với Trung Quốc".
So sánh với thông tin bị rò rỉ vào tuần trước, phúc trình bổ sung thêm chi tiết về các loài động vật khác có mặt tại chợ, cũng như chỉ ra rằng một số mẫu môi trường dương tính với SARS-CoV-2 có nhiều vật liệu di truyền của động vật hơn là của con người mà các nhà nghiên cứu cho biết phù hợp với các động vật bị nhiễm bệnh.
Tuần trước, các viên chức của WHO nói thông tin này chưa được kết luận nhưng đã cho thấy một hướng dẫn mới trong cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID và lẽ ra phải được chia sẻ ngay lập tức.
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc trước đó đã nói rằng tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của COVID-19 vẫn còn đang được cân nhắc, bao gồm cả việc virus này xuất hiện từ một phòng thí nghiệm an ninh cao ở Vũ Hán chuyên nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm.
Trung Quốc phủ nhận sự liên hệ này. WHO cũng đã nói hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra rằng virus đến từ động vật, có khả năng là dơi.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Báo Cáo của Nhóm Chuyên Gia Khí Hậu Liên Hiệp Quốc: "Cẩm Nang Sống Sót Cho Nhân Loại"
-Hôm 20/3/2023, báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) đã được công bố, cảnh báo nhân loại phải khẩn cấp hành động để ngăn chận những thảm họa đang đe dọa sự tồn tại của hành tinh chúng ta.
Đây là bản tổng hợp kết quả 9 năm làm việc của các chuyên gia khí hậu Liên Hiệp Quốc, tiếp nối báo cáo năm 2014. Đối với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, báo cáo này giống như là một cuốn "cẩm nang sống sót cho nhân loại".
Theo báo cáo của GIEC, mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ lên đến 1,5°C ngay từ những năm 2030-2035. Dự báo này có giá trị trong toàn bộ các kịch bản về phát thải khí gây hiệu ứng lồng kính trong ngắn hạn. Các chuyên gia khí hậu của Liên Hiệp Quốc lưu ý, cho dù mức độ hâm nóng bầu khí quyển là như thế nào, nhiều nguy cơ liên quan đến khí hậu đều sẽ trầm trọng hơn là những gì được dự báo trong báo cáo năm 2014. Kết luận này dựa trên thực tế là các hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây xảy ra ngày càng nhiều, cũng như dựa trên những hiểu biết khoa học mới.
Nhà khoa học Friederike Otto, đồng tác giả của bản báo cáo, tóm tắt với AFP: "Những năm nóng nhất mà chúng ta trải qua cho đến nay sẽ là những năm mát nhất trong thời gian từ đây đến thế hệ kế tiếp".
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh nếu các nước cắt giảm lượng khí phát thải một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và lâu dài thì sẽ làm chậm lại tốc độ của hâm nóng khí hậu trong khoảng hai thập niên tới.
Publicité
Trả lời hãng tin AFP, Chủ tịch nhóm GIEC Hoesung Lee, đánh giá báo cáo này là một "thông điệp hy vọng" cho nhân loại, nhưng cho thấy là thế giới phải "cấp tốc thi hành những biện pháp đầy tham vọng hơn".
Báo cáo của nhóm GIEC sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán gay go trong những năm tới, mà trước hết là thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 vào tháng 12 tại Dubai. Tại hội nghị COP28, bản tổng kết đầu tiên về nỗ lực của mỗi nước trong khuôn khổ thỏa thuận Paris về khí hậu sẽ được công bố. Hội nghị Dubai cũng sẽ bàn về tương lai của các năng lượng hóa thạch.
Chiến tranh Ukraine: Ông chủ Wagner khẳng định kiểm soát được 70% Bakhmut
-Ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner của Nga thứ Hai 20/3/2023 cho biết đã kiểm soát được 70% thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, đồng thời khẳng định lực lượng Wagner sẽ tiếp tục tấn công để "giải phóng toàn bộ" thành phố.
Những tuyên bố nói trên là nội dung một bức thư mà Evgueni Prigojine, ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu, và đã được ê-kip báo chí của ông ta đăng tải trên mạng Telegram. Nhưng theo AFP, độ chính xác của tuyên bố nói trên chưa được các nguồn tin độc lập kiểm chứng.
Cũng trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner dự báo các lực lượng Ukraine sẽ phản công vào cuối tháng 03 đầu tháng 04 nhằm "cắt đứt các đơn vị của Wagner khỏi các lực lượng chính của quân đội Nga". Chính vì thế, Prigojine đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu đưa ra "các biện pháp" để ngăn cản điều đó xảy ra.
Trong khi đó, hôm 21/3 nhà chức trách Nga khẳng định là tối 20/3 lực lượng phòng không đã bắn hạ được nhiều drone của Ukraine gần thành phố Djankoi, ở Crimea. Theo thông cáo của Ủy ban điều tra Nga, cơ quan chuyên trách các cuộc điều tra được xem là quan trọng nhất, các mục tiêu mà drone của Ukraine muốn nhắm đến đều là các cơ sở hạ tầng dân sự.
Về phía Ukraine, Bộ Quốc phòng tối hôm qua cho biết một vụ nổ đã xảy ra ở thành phố Djankoi, phía bắc bán đảo Crimea và phá hủy các phi đạn liên lục địa của Nga. Đây là các phi đạn có tầm bắn 2.500m dành cho hạm đội của Nga ở biển Đen.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bất ngờ thăm Ukraine, gặp Tổng thống Zelensky
-Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 21/3/2023 đã bất ngờ đến Kyiv và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo Bộ Ngoại giao Nhật, chuyến đi này nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Kyiv và khẳng định sự ủng hộ của nhóm G7, mà Nhật là nước tổ chức thượng đỉnh vào tháng 05 tới đây.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles của đài RFI giải thích:
"Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Ukraine vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hiện diện ở Mạc Tư Khoa để tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Vladimir Putin.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đã khiến Nhật Bản ý thức được rằng chuyện tương tự cũng có thể xảy ra ở Á Châu. Nhật Bản cảm thấy bị Trung Quốc và Bắc Hàn đe dọa. Và nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Nhật Bản sẽ ở ngay tuyến đầu, bởi hòn đảo xa nhất ở phía nam của Okinawa chỉ nằm cách Đài Loan chưa đến 100 cây số.
Chiến tranh Ukraine đã buộc Nhật phải tăng chi tiêu quân sự thêm 60% cho 5 năm tới và Tokyo cũng phải suy nghĩ lại một cách toàn diện hơn về chính sách an ninh của Nhật, bất chấp những ràng buộc của Hiến pháp chủ hòa.
Nhật Bản cảm thấy choáng váng về cuộc chiến tranh Ukraine và đã chấp thuận tiếp nhận người dân Ukraiana cho dù Nhật vốn là một nước ít cởi mở với di dân và người tị nạn.
Ông Fumio Kishida là Thủ tướng Nhật đầu tiên đến thăm nơi đang có chiến tranh tính từ sau Đệ nhị Thế chiến".
Hồi tháng Một, khi công du Hoa Thịnh Ðốn, Thủ tướng Nhật đã phát biểu là thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima vào tháng 5/2023 sẽ phải nêu bật ý muốn của các đồng minh về việc duy trì trật tự quốc tế và Nhà nước pháp quyền để đối phó với cuộc chiến tranh của Nga xâm lược Ukraine.
Kyiv hôm 21/3 nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Nhật là một chuyến đi "lịch sử". Trước khi gặp Tổng thống Ukraine Zelensky, vào đầu giờ chiều nay, Thủ tướng Nhật đã đi tàu đến thăm thành phố Bucha, gần Kyiv, biểu tượng cho sự tàn ác của quân Nga, với cuộc thảm sát thường dân, các hố chôn tập thể bị phát giác sau khi quân Nga tháo chạy khỏi thành phố.
Theo AFP, đài truyền hình nhà nước Nhật NHK đã công bố video cho thấy Thủ tướng Kishida đã lên chuyến tàu xuất phát từ Przemyls, Ba Lan để sang Kyiv. Trước khi trở về nước vào thứ Năm 23/3, Thủ tướng Nhật sẽ trở lại Ba Lan với chuyến công du chính thức.
Nga Điều Oanh Tạc Cơ Chiến Lược Đến Gần Nhật Khi Thủ tướng Kishida Thăm Ukraine
(Hình: Máy bay Tu-95 của Nga.)
-Hai máy bay ném bom chiến lược của Nga bay bên trên Biển Nhật Bản trong hơn 7 giờ, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố cho biết hôm thứ Ba (21/3/2023) cùng lúc Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu chuyến thăm Ukraine.
Những máy bay Tupolev Tu-95MS này có khả năng mang vũ khí nguyên tử và Mạc Tư Khoa thường xuyên điều chúng bay qua các vùng biển quốc tế ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để phô trương sức mạnh.
Thời điểm diễn ra chuyến bay mới nhất dường như có chủ đích rõ ràng hơn bình thường, vì Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sắp tới Kyiv, thực hiện chuyến thăm để thể hiện tình đoàn kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong cuộc kháng chiến chống Nga.
Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK chiếu cảnh ông Kishida lên một chuyến tàu tại thị trấn Przemysl của Ba Lan gần biên giới Ukraine.
Nga cho hay hai máy bay ném bom chiến lược đã thực hiện một "chuyến bay theo kế hoạch" và có các máy bay chiến đấu hộ tống. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng hoạt động này tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và được thực hiện trên vùng biển trung lập.
Hồi tháng 2, lực lượng phòng không Bắc Mỹ đã được điều động để nghênh chặn một số máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu của Nga khi chúng bay qua không phận quốc tế gần Alaska.
Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Mạc Tư Khoa về các đảo ở Bắc Thái Bình Dương bắt đầu từ cuối Đệ nhị Thế chiến, là một đồng minh Á Châu quan trọng của Hoa Kỳ và là thành viên của G7 gồm 7 nền Dân chủ giàu mạnh. Nhật đã tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Chuyến đi của ông Kishida tới Ukraine cũng trùng thời gian với chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa.
Tập Cận Bình: Mối quan hệ "chiến lược" với Nga là một "ưu tiên" số một!
-Hôm 21/3/2023, trong ngày thứ hai của chuyến thăm Nga cấp Nhà nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định mối quan hệ "chiến lược" giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, hai "cường quốc lớn" là một "ưu tiên", qua đó, biểu thị sự đồng tình của lãnh đạo Trung Quốc với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đối mặt với phương Tây trong bối cảnh xẩy ra xung đột tại Ukraine.
Phát biểu này được ông Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Nga Mikhail Michoustine trước khi bắt đầu cuộc họp chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay. Ông Tập Cận Bình còn đánh giá rằng chuyến công du Nga lần này của ông phù hợp với "một lô-gic lịch sử", vì "cả hai nước đều là những cường quốc láng giềng lớn nhất và là những đối tác chiến lược ở mọi cấp độ".
Trước Thủ tướng Nga, ông Tập khẳng định Bắc Kinh "sẽ tiếp tục ưu tiên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga", theo như tường thuật từ các hãng thông tấn Nga được AFP dẫn lại.
Vào trưa nay, lãnh đạo hai nước Nga-Trung có cuộc hội đàm chính thức với chủ đề trọng tâm là cuộc xung đột tại Ukraine. Hôm 20/3, trong buổi trao đổi "không chính thức" đầu tiên, kéo dài bốn giờ, Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng thảo luận về sáng kiến hòa bình do Bắc Kinh đề xướng nhằm ngăn chặn cuộc xung đột.
Từ Mạc Tư Khoa, thông tín Anissa El Jabri của đài RFI điểm qua nội dung cuộc họp giữa hai nguyên thủ ngày hôm qua:
Hôm 20/3 là ngày để thấy rõ đôi chút nội dung của tình hữu nghị "vô biên" được tuyên bố ở Bắc Kinh, vài ngày trước khi cuộc chiến bắt đầu. Trong mọi trường hợp, nhiều người đã nhấn mạnh đến điều đó, kể cả ở tại Nga. Việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, sẽ được trình bày chi tiết, cũng sẽ cho thấy một mối quan hệ bất cân xứng: Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trước một nước Nga bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ, chẳng hạn như, lĩnh vực xe hơi và nhất là dầu khí, nguồn thu nhập chủ yếu tài trợ cho chiến tranh của Ðiện Cẩm Linh, được bán hạ giá cho Trung Quốc. Theo số liệu của Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (AIEA) tuần rồi, trong một năm, thu nhập từ dầu khí của Nga bị giảm đến một nửa.
Về bản kế hoạch hòa bình, Trung Quốc biết là Nga đón nhận không mấy gì hồ hởi. Cơ hội cho một giải pháp chính trị gần như bằng Không, theo như đánh giá sắc sảo từ một chuyên gia thân cận với Ðiện Cẩm Linh. Vả lại, giữa hai nước này, từ lâu nay, vốn dĩ nghi kỵ nhau, lợi ích chung là cùng thể hiện một mặt trận chống phương Tây.
Vì vậy, không có chiếc bàn bầu dục dài giữa hai nguyên thủ và trước khi bắt đầu 4 tiếng rưỡi hội đàm trực diện không chính thức, Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ cá nhân đối với sự lãnh đạo của người đồng nhiệm, khi tuyên bố rằng ông tin chắc người dân Nga sẽ bầu chọn Vladimir Putin vào năm tới. Tổng thống Nga vẫn chưa nói sẽ ra tái tranh cử, nhưng chính Chủ tịch Trung Quốc đã khai màn chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống như lời đùa trên nhật báo Kommersant của Nga.
Liên Hiệp Âu Châu Sẽ Cấp 2 Tỉ Euro Đạn Dược Cho Ukraine
-Ngày 20/3/2023, Liên Hiệp Âu Châu đã thông qua khoản trợ cấp 2 tỉ Euro để cùng mua và cấp đạn dược cho Ukraine, theo nhiều nguồn ngoại giao nói với AFP. Ngoại trưởng của 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu chấp thuận bản kế hoạch hành động gồm 3 giai đoạn để viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine khoảng một triệu đạn pháo 155 ly và tái lập kho dự trữ chiến lược của các nước thành viên, hiện sắp cạn kiệt.
Từ Brussels, thông tín viên Pierre Benazet của đài RFI cho biết cụ thể:
"Đây là bước khởi đầu cụ thể cho "nền kinh tế chiến tranh" giờ được Ủy Ban Âu Châu ủng hộ. Bước đầu tiên là đáp ứng nhu cầu quân sự khẩn cấp của Ukraine chính là cung cấp đạn dược, đặc biệt là pháo 155 ly cũng như là đạn dược cho hệ thống phòng không.
Một tỉ Euro đã được đề xuất để chi trả các nước thành viên của Liên Hiệp Âu Châu về số đạn dược loại này mà họ cung cấp cho Ukraine từ đây đến 31/5, với mức bồi hoàn khoảng 50%. Vì vậy, số đạn dược cung cấp cho Ukraine trước ngày 31/05 là hai tỉ Euro. Ngoài ra, trong 12 tháng, Liên Hiệp Âu Châu ấn định mục tiêu chuyển một triệu quả đạn pháo cho Ukraine.
Phần thứ hai là mua chung. Tổng trị giá các hợp đồng được nhóm các nước mua chung để trợ giúp Ukraine vào khoảng 1 tỉ Euro. Những hợp đồng này sẽ phải được ký trước cuối tháng Chín thông qua cơ quan quốc phòng của Liên Hiệp Âu Châu với ngành công nghiệp Âu Châu.
Vế cuối cùng là trong dài hạn khởi động nền sản xuất: Các ngành công nghiệp Âu Châu sẽ phải nhận được bảo đảm rằng sẽ có nhiều hợp đồng hơn".
Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, hôm 20/3, thông báo Hoa Thịnh Ðốn sẽ cấp thêm một khoản hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu Mỹ kim cho Ukraine, bao gồm cả số đạn dược cho dàn phóng phi đạn Himars. Trong thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: "Nga có thể đơn độc chấm dứt cuộc chiến hôm nay. Chừng nào Nga vẫn tiếp tục cuộc chiến, Hoa Kỳ chừng ấy sẽ ở bên cạnh Ukraine cho đến khi nào vẫn còn cần thiết".
Về phía Na Uy, phát ngôn viên quân đội nước này, Stine Barclay Gaasland, hôm qua, cũng cho biết tám chiếc xe tăng Leopard 2A4 đời cũ đã được giao cho Kyiv. Ngoài ra, chính quyền Oslo còn cung cấp thêm cho Kyiv bốn phương tiện vận chuyển hỗ trợ, đạn dược và phụ tùng thay thế. AFP nhắc lại, Na Uy cũng đã có ý định đổi mới số xe tăng cũ khi đặt mua 54 chiếc Leopard 2A7 thế hệ mới hiện đại hơn.
Pháp: Biểu Tình Khắp Nơi Sau Khi Luật Cải Tổ Hưu Trí Được Thông Qua
-Tại Pháp hôm 20/3/2023, dự luật cải tổ hưu trí đã được chính thức thông qua ở Quốc hội sau khi các Dân biểu Hạ viện bác 2 kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Nhưng ngay sau đó, các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra ở nhiều thành phố, cho thấy áp lực đối với Tổng thống Emmanuel Macron vẫn không giảm.
Hôm 20/3, các Dân biểu Hạ viện Pháp đã biểu quyết 2 kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Kết quả là kiến nghị của nhóm Dân biểu độc lập, được sự ủng hộ của nhóm Nghị sĩ liên minh cánh tả, đã bị bác vì chỉ thu được 278 phiếu thuận, tức còn thiếu 9 phiếu mới hội đủ đa số cần thiết là 287. Kiến nghị thứ hai của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc cũng bị bác.
Phe đối lập đã đệ trình hai kiến nghị nói trên sau khi chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne dùng đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội. Với việc hai kiến nghị bị bác, như vậy là dự luật nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64 tuổi đã chính thức được thông qua.
Ngay sau đó, tại nhiều thành phố đã nổ ra các cuộc biểu tình tự phát, đặc biệt là tại Paris, một số người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, dựng các chướng ngại vật trên đường, đốt nhiều thùng rác, xe đạp và nhiều vật dụng khác ở khu vực trung tâm thủ đô Pháp. Tổng cộng đã có 234 người bị câu lưu ở Paris, trên tổng số 287 bị bắt trên toàn quốc tối 20/3. Tình hình sẽ còn căng thẳng trong những ngày tới, vì các công đoàn đã kêu gọi một ngày đình công biểu tình mới vào thứ năm 23/3.
Để xoa dịu dư luận Pháp, trưa mai Tổng thống Emmanuel Macron sẽ ngỏ lời với người dân trên truyền hình. Cụ thể, theo thông báo của điện Elysée, vào lúc 13 giờ ngày 22/3, ông Macron sẽ trả lời phỏng vấn trực tiếp trên hai kênh truyền hình TF1 và France 2.
Publicité
Trong ngày 21/3, Tổng thống Pháp tìm cách củng cố hàng ngũ liên minh cầm quyền, tham vấn các lãnh đạo chính trị. Sau khi tiếp Thủ tướng Elisabeth Borne trong buổi sáng, ông Macron sẽ ăn trưa với Chủ tịch Hạ viện Yaël Braun-Pivet và Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher, rồi vào buổi tối sẽ họp với các Nghị sĩ của phe đa số.
Nhưng phe đối lập ở Quốc hội Pháp vẫn chưa chịu thua, sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo Hiến cho ý kiến về tính hợp hiến của dự luật cải cách hưu trí và đồng thời đề nghị Hội Đồng xem xét yêu cầu đưa dự luật ra trưng cầu dân ý.
Trung Quốc Lần Đầu Tiên Tổ Chức Thượng Đỉnh Với Trung Á, "Sân Sau" của Nga
-Lãnh đạo các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời dự hội nghị thượng đỉnh "Trung Quốc - Trung Á". Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tổ chức thượng đỉnh "Trung Quốc - Trung Á". Trung Quốc muốn tăng cường dấu ấn tại khu vực vốn được xem là sân sau của Nga.
Theo AFP, trong các bức điện mừng được gửi riêng cho từng nước vào thứ Hai và thứ Ba (20-21/3/2023), nhân dịp Nowruz - một ngày lễ truyền thống báo hiệu mùa xuân về và đánh dấu năm mới của người Ba Tư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan đến dự "thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á đầu tiên", dự kiến vào tháng 5/2023. Các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á này đều tham gia "Con đường tơ lụa mới", một dự án khổng lồ về cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và cảng biển do Trung Quốc khởi xướng.
Cả bốn nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan đều đã công bố bức điện của Bắc Kinh, trong đó Tập Cận Bình nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Á. Theo bức điện do hãng thông tấn Nhà nước Tajik Khovar của Tajikistan công bố, ông Tập Cận Bình thậm chí còn nói "nóng lòng thảo luận về một kế hoạch quy mô lớn để phát triển các quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Á". Chỉ có Turkmenistan, một quốc gia kín tiếng và cũng là nước cung cấp khí đốt chính cho Trung Quốc, vẫn chưa cho biết thông tin.
Vai trò của Nga, nước vốn coi Trung Á là sân sau của họ từ giữa thế kỷ 19, nay đang bị tranh giành. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây đều thèm muốn các đồng minh khu vực truyền thống của Nga ở Trung Á và xu hướng này ngày càng gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Trong những tháng gần đây, ngoài Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến thăm Trung Á.
Nam Hàn Tái Lập Quan Hệ Kinh Tế Bình Thường Với Nhật Bản
-Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol hôm nay, 21/3/2023 thông báo rằng ông sẽ đề nghị chính phủ khởi động một thủ tục nhằm đưa Nhật Bản trở lại vào "danh sách trắng" tạo thuận lợi cho việc trao đổi thương mại song phương.
Quyết định này được đưa ra tiếp theo cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida diễn ra trong tuần rồi, trong một thiện chí chung tái phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Phát biểu trong cuộc họp hội đồng Bộ trưởng được phát trên truyền hình, Tổng thống Yoon bày tỏ tin tưởng rằng Tokyo sẽ có đáp ứng nếu "Nam Hàn là bên trước tiên hủy bỏ các rào cản" ngăn chặn phát triển bang giao song phương.
Reuters nhắc lại, năm 2019, Nhật Bản và Nam Hàn đã lần lượt rút các quan hệ thương mại song phương ra khỏi "danh sách trắng" - danh sách các nước được hưởng quy chế trao đổi thương mại thuận lợi sau nhiều thập niên căng thẳng liên quan đến việc bồi thường cho các công dân Nam Hàn bị cưỡng bách lao động trong suốt thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 đến năm 1945.
Lên cầm quyền vào tháng 5/2022, Yoon Suk Yeol đã cam kết nối lại bang giao giữa hai nước, và đã có chuyến công du Tokyo đầu tiên của một nguyên thủ Nam Hàn trong vòng 12 năm qua trong tuần rồi. Tuy nhiên, chuyến thăm chính thức này của ông Yoon cũng đã bị phe đối lập trong nước chỉ trích gay gắt.
Theo Yonhap, trước những phản ứng mạnh mẽ này, hôm nay, trong buổi họp với Nội các, Tổng thống Yoon một lần nữa kêu gọi nên để cho "mối quan hệ Nhật – Hàn vượt lên trên quá khứ lịch sử". Theo ông, "bang giao giữa hai nước có thể và phải là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (…)".
Thái Lan Tổ Chức Bầu Cử Vào Ngày 14 Tháng 5
(Hình: Bà Paetongtarn Shinawatra, ái nữ của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đứng cùng các ủng hộ viên của đảng Pheu Thai tại Vọng Các, tháng 12/2022.)
-Hôm thứ Ba (21/3/2023), Cơ quan phụ trách bầu cử quốc gia của Thái Lan cho biết rằng đất nước này sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 14/5, một ngày sau khi Quốc hội giải tán.
Thông báo được đưa ra cùng lúc các đảng phái đẩy mạnh vận động trong cuộc chạy đua tranh cử trên toàn quốc nhằm giành được sự ủng hộ của khoảng 52 triệu cử tri hợp lệ. Cuộc đua đang định hình là cuộc đấu giữa phe bảo thủ ủng hộ quân đội do Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha đứng đầu chống lại đảng đối lập lớn nhất Pheu Thai do gia tộc của tỉ phú Shinawatra đứng đầu.
Tổng Thư ký Ủy ban bầu cử Sawaeng Boonmee nói trong một cuộc họp báo rằng việc bỏ phiếu sớm sẽ diễn ra vào ngày 7/5, còn việc đăng ký ứng cử viên, bao gồm cả ứng cử viên của các đảng cho chức Thủ tướng, sẽ diễn ra vào đầu tháng 4.
Ông cho biết ủy ban sẽ kiểm xong ít nhất 95% phiếu bầu trong vòng 60 ngày sau cuộc bầu cử.
"Chúng tôi muốn mọi người tôn trọng các quy định... để cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ", ông nói.
Các cuộc mít tinh chính trị đã diễn ra trong nhiều tháng, nhưng các đảng hiện đang tăng cường nỗ lực hơn nữa.
Đảng Pheu Thai dự kiến sẽ tổ chức các sự kiện hàng ngày trên khắp Thái Lan với sự góp mặt của con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là bà Paetongtarn. Bà đã dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận với tư cách là ứng cử viên tiềm tàng cho chức Thủ tướng.
Ông Prayuth, người đang tái tranh cử với Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất, nói với các phóng viên hôm 21/3 rằng Nội các của ông vẫn đang điều hành đất nước.
Tin Việt Nam Hôm Nay
Mỹ Ra Báo Cáo Nhân Quyền 2022, Nêu Trường Hợp 'Đột Tử' của Nhân Viên Vạn Thịnh Phát
(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại buổi công bố Phúc trình Nhân quyền 2022 tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, ngày 20/3/2023.)
-Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu trường hợp được cho là "đột tử" bất thường của bà Nguyễn Phương Hồng, Phụ tá Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong báo cáo nhân quyền 2022, công bố hôm 20/3/2023.
Bà Hồng qua đời hôm 10/10/2022 sau hai ngày bị bắt liên quan đến cuộc điều tra lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh Phát. "Đầu tiên truyền thông nhà nước loan tin về "vụ đột tử" của bà Hồng, nhưng sau đó đã xóa tất cả các bài viết về cái chết này", báo cáo viết trong mục các vụ giết người tùy tiện hoặc trái pháp luật.
(Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều uẩn khúc trong cái chết của một bị can.)
Ngoài trường hợp của bà Hồng, báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ còn ghi nhận 5 trường hợp tử vong bất thường khác khi bị công an giam giữ. Báo cáo viết: "Chính quyền hoặc các đặc vụ của họ đã thực hiện các vụ giết người tùy tiện hoặc trái pháp luật. Truyền thông nhà nước đưa tin ít nhất về vụ 6 người tử vong trong khi bị giam giữ này, nhưng nhà chức trách cho rằng những cái chết này là do tự tử hoặc do các vấn đề sức khỏe".
Báo cáo cho biết: "Có những thông tin đáng tin cậy rằng các thành viên của lực lượng an ninh đã thực hiện nhiều hành vi lạm quyền".
"Các vấn đề quan trọng về nhân quyền bao gồm các thông tin đáng tin cậy về: các vụ giết người phi pháp hoặc tùy tiện của chính phủ; tra tấn và đối xử và trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của các cơ quan chính phủ; bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị…" phúc trình cho biết.
Trong mục chính quyền dùng nhục hình, bức cung, xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị giam giữ, báo cáo ghi nhận một số trường hợp người bị giam giữ bị công an hoặc các viên chức an ninh mặc thường phục ngược đãi và tra tấn trong quá trình bắt giữ, thẩm vấn và giam giữ, điển hình là vụ ông Lê Chí Thành bị kết án hai năm tù về tội "chống người thi hành công vụ" vào ngày 14/1/2022. "Tại phiên tòa, ông nói rằng trong thời gian tạm giam trước khi xét xử, công an đã treo ngược ông và biệt giam kéo dài", báo cáo viết.
Khoảng 30 gia đình của các tù nhân chính trị kêu gọi chính quyền cho phép các tù nhân mắc bệnh được nhập viện sau khi hai người được cho là đã chết vì không được chăm sóc kịp thời, báo cáo viết.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau cái chết của ông Đỗ Công Đương vào ngày 2/8 tại một bệnh viện ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, khi đang bị giam giữ tại Trại giam số 6.
Ông Đương là một nhà báo độc lập bị bỏ tù vì tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Lợi dụng quyền tự do và dân chủ". Theo gia đình ông Đương, cán bộ trại giam không đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho một số bệnh của ông và chỉ chấp thuận yêu cầu đưa ông đến bệnh viện khi tình trạng của ông đã trở nặng và không còn khả năng điều trị. Cái chết của Đương là cái chết thứ hai trong số các tù nhân chính trị tại trại giam này kể từ năm 2019.
Báo cáo ghi nhận việc chính quyền Việt Nam kéo dài thời gian tạm giam quá lâu trước khi xét xử đối với các nhà bất đồng chính kiến, điển hình như trường hợp của nhà báo độc lập Lê Anh Hùng ở Hà Nội, bị tạm giam 4 năm trong khi thời hạn tạm giam tối đa trước khi xét xử trên danh nghĩa là 21 tháng trong các trường hợp "tội phạm đặc biệt nghiêm trọng". Ông Hùng cuối cùng bị tuyên án 5 năm tù với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" vào ngày 30/8/2022.
Báo cáo dẫn lời các nhà hoạt động cho biết: "Công an và các Công tố viên đã sử dụng thời hạn giam giữ kéo dài trước khi xét xử để trừng phạt hoặc gây áp lực buộc những người bảo vệ nhân quyền phải nhận tội".
Lấy số liệu từ báo chí, tổ chức phi chính phủ và các nhà quan sát, tính đến ngày 16/9/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền đã bắt giữ ít nhất 173 người hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, bao gồm 143 người bị kết án và 24 người đang bị giam giữ trước khi xét xử.
Theo các phương tiện truyền thông và báo cáo từ các nhóm nhân quyền, từ ngày 1/1 đến ngày 16/9, chính quyền đã bắt giữ 19 và kết án 26 người đang thực thi các quyền con người được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội.
Hầu hết các vụ bắt giữ và kết án này đều có liên quan đến việc viết blog trực tuyến, và các bị cáo bị buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm" với mục đích "chống phá" nhà nước và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ", vẫn theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về báo cáo mới nhất này của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Trong email trả lời yêu cầu bình luận của VOA vào tháng 2/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: "Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau".
"Các quyền con người và quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được khai triển trong thực tiễn", bà Hằng cho biết thêm.
Bà Hằng nói rằng Việt Nam "sẵn sàng" trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Phản ứng trước báo cáo nhân quyền của phía Mỹ năm 2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ lại một lần nữa đưa ra nhận định "sai lệch" về tình hình nhân quyền của Việt Nam, cho rằng báo cáo có một số nhận định "thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác".
Giới hoạt động nhân quyền bày tỏ sự đồng tình với báo cáo 2022 của phía Mỹ, cho VOA biết rằng "rõ ràng tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn bị vi phạm nghiêm trọng".
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hà Nội viết cho VOA hôm 20/3: "Các tiếng nói đối lập vẫn bị bóp nghẹt và không gian xã hội dân sự đang bị co lại rất lớn so với giai đoạn 2010-2018".
"Nhà nước đã mạnh tay hơn trên tất cả các khía cạnh, từ việc bắt giữ những tiếng nói ôn hòa hơn và tuyên án với mức án cao hơn đến việc giải tán các tổ chức xã hội dân sự độc lập tự phát và bắt giữ các thành viên chủ chốt của các tổ chức được thành lập chính thức bằng các điều khoản mơ hồ như "Trốn thuế" (Điều 200) hay "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" (Điều 331)", Luật sư Quân nhận định.
Báo Cáo Nhân Quyền 2022 của Mỹ Vẫn Còn Sót Nhiều!
(Hình: Cộng đồng người Việt tị nạn ở Thái Lan.)
-Một số nhà hoạt động, theo dõi nhân quyền Việt Nam đánh giá rằng Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình Việt Nam vừa được công bố hôm 20/3/2023 vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát sao tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua.
Báo Cáo Về Đàn Áp Xuyên Biên Giới Còn Thiếu Sót
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết báo cáo năm nay nhìn chung có công bố nhiều sự việc vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam như trong các lĩnh vực tự do báo chí, tự do đi lại hay bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến….
Nhưng ông cũng khá thất vọng khi bản báo cáo này nói rằng Hoa Kỳ không ghi nhận được trường hợp đàn áp xuyên biên giới nào trong năm 2022 vừa qua.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rằng trong những năm trước, các nhóm nhân quyền báo cáo rằng chính quyền Hà Nội đã gây sức ép với các nước lân cận như Cam Bốt hay Thái Lan nhằm không cho những người Việt Nam bị đàn áp được tị nạn chính trị, hay thậm chí là yêu cầu các nước này trả những người tị nạn về lại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tuyên bố những cá nhân này là những người di dân bất hợp pháp, rời khỏi đất nước vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua, Hoa Kỳ không ghi nhận trường hợp nào về việc chính quyền sách nhiễu những người lưu vong và gia đình của họ.
Ông Thắng nói:
"Riêng về phần đàn áp xuyên quốc gia thì tôi thấy rằng khá thất vọng khi bản báo cáo nói rằng không hề xảy ra trường hợp nào hết, mặc dù chúng tôi đã có gởi một số bản báo cáo.
Ví dụ như Mục sư Aga đã bị liên tục đe dọa và chúng tôi đã gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhiều người tị nạn ở bên Thái Lan cũng nhận được lệnh truy nã của công an. Họ đe dọa chính đương sự đang ở Thái Lan và thân nhân gia đình họ ở Việt Nam".
Chưa kể, theo ông Thắng, các kênh truyền thông nhà nước như An Ninh TV, An ninh thế giới, Báo Nhân dân, báo Xây dựng Đảng… đã tấn công liên tục những người bất đồng chính kiến đang ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ông Thắng khẳng định các hành vi đó đều được xem là đàn áp xuyên quốc gia.
Tất cả những sự việc vừa nêu, ông Thắng cho biết đã gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Đồng thời, năm 2022, Freedom House đã có báo cáo về những trường hợp người tị nạn ở Thái Lan hay người thân của họ ở Việt Nam bị sách nhiễu. Do đó, ông Thắng nhận định Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận không ghi nhận được báo cáo về vấn đề đàn áp xuyên quốc gia là hoàn toàn thiếu sót.
Ông Nguyễn Ân, một người tị nạn đang ở Thái Lan khẳng định trong năm 2022, chính quyền đã nhiều lần đến quấy rối gia đình ông ở Việt Nam. Công an tỉnh Nghệ An gửi thư kêu gọi đầu thú cho người thân của ông Ân cùng lời đe dọa nếu không về đầu thú thì có thể sẽ gặp tai nạn, hoặc là bị bắt đưa về Việt Nam. Do đó, ông cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề này chưa khách quan:
"Bản thân tôi thấy rằng đây là một công bố, nhận xét thiếu khách quan và chưa đúng với thực trạng đàn áp, sách nhiễu đang diễn ra tại Việt Nam đối với người nhà của những người đấu tranh và những người đang lưu vong ở một nước khác".
Một người tị nạn khác là ông Nguyễn Văn Tráng trao đổi với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua ứng dụng tin nhắn cũng xác nhận rằng gia đình của ông thường xuyên bị chính quyền quấy nhiễu, và ông vẫn lưu trữ nhiều giấy tờ kêu gọi đầu thú được ký trong năm 2022.
Báo Cáo Về Buôn Người Không Rõ Ràng
Cô Minh Trang, đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền tại Thuỵ Sĩ nói với RFA rằng ngoài thiếu sót trong báo cáo về tình trạng đàn áp xuyên biên giới, phần báo cáo về buôn người cũng chưa rõ ràng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới vào báo cáo nhân quyền của Việt Nam. Nhưng báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới lại không nêu rõ vấn nạn ở Việt Nam.
Theo cô Trang, năm qua, hiện tượng người Việt bị lừa sang Cam Bốt làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến được báo chí đưa tin rất nhiều, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại không nêu ra:
"Xảy ra hiện tượng là rất nhiều người Việt Nam bị lừa ra qua Cam Bốt lao động các tổ chức lừa đảo. Nếu muốn về là phải trả tiền chuộc, nếu không có tiền thì ở đó lao động, bị cưỡng bách, tra tấn, chích điện….
Có một số người liên lạc thành công với Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Cam Bốt để giải cứu nhưng số người bị kẹt lại vẫn rất đông. Và cái đó là thể hiện công tác của chính phủ Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoại quốc chưa làm tốt".
Ngoài ra, theo cô Trang bản báo cáo này cho thấy các quyền dân sự, chính trị của người dân tệ đi trong năm qua. Còn quyền về LGBTQ+ có vẻ là có tiến triển hơn:
"Nặng nhất vẫn là quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Bởi vì rõ ràng là càng ngày càng nhiều người lên tiếng bị bắt hơn và họ không phải là nhà hoạt động nổi tiếng gì cả mà có khi chỉ là những người rất bình thường trên mạng xã hội".
Trong năm 2022, Bộ Y tế đã nộp báo cáo cho Chính phủ về đề án luật Chuyển đổi giới tính. Lần đầu tiên nhiều đề xuất quan trọng cho quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới được đề cập, trong đó có quyền chuyển giới hợp pháp, quyền kết hôn theo giới tính mới, thay đổi hộ tịch…
Về quyền tự do lập hội, cô Trang nhận thấy rõ là không gian dân sự ở Việt Nam đang bị thu hẹp lại, thể hiện qua việc hàng loạt lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký bị bắt và kết án.
Vai Trò của Báo Cáo Nhân Quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
Nói về vai trò của báo cáo nhân quyền thường niên của Mỹ, cô Minh Trang cho rằng thường thì các quốc gia sẽ cố gắng để không bị "chỉ mặt đặt tên" trong báo cáo nhân quyền với thành tích không tốt, nên báo cáo nhân quyền thường niên có thể đóng vai trò nhưng một cơ chế khích lệ sự tiến bộ trong một vài trường hợp.
Nó cũng có thể là nguồn thông tin chính thống để các NGOs hay giới nghiên cứu sử dụng trong việc giám sát và đánh giá, để các NGOs có thể làm vận động, lên án hay kêu gọi thay đổi… khi cần thiết.
Một số nhà phân tích và hoạch định chính sách Hoa Kỳ cho rằng việc gắn các chính sách của Mỹ với vấn đề nhân quyền có thể làm hạn chế sự linh hoạt của chính phủ trong việc giải quyết một số vấn đề, và làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Nhưng cũng có một số bên ủng hộ các giá trị nhân quyền và dân chủ cho rằng, làm như vậy thì Mỹ sẽ có lợi về lâu dài.
Báo cáo này có mục đích như nguồn thông tin cho một số chính sách của Mỹ, chứ không liên quan đến việc hạn chế viện trợ hay không. Do đó, theo bà Trang, dù các báo cáo về nhân quyền của Mỹ đã được tiến hành thường niên từ từ 47 năm nay, nhưng tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có tiến triển gì.
Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Dẫn Đầu Đoàn Doanh Nghiệp Mỹ Tới Việt Nam
(Hình: Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.)
-Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đang dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác trên cương vị Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN.
Theo Cổng thông tin của Bộ Tài chánh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Đức Chi, hôm thứ Ba (21/3/2023) đã có buổi tiếp đoàn, trong đó ông Chi "đánh giá cao mối quan hệ hợp tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam" đồng thời cho rằng mối quan hệ này "đang ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực".
Bộ Tài chánh còn cho biết rằng hai bên "trao đổi, thảo luận những vấn đề cùng quan tâm" như "thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu và khả năng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào việc thực hiện các ưu tiên đó của Việt Nam trong thời gian tới".
Cổng thông tin của Bộ Tài chánh Việt Nam dẫn lời ông Osius nói rằng sự hiện diện của hơn 50 doanh nghiệp là các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong phái đoàn lần này "thể hiện niềm tin mạnh mẽ và mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam".
Tin cho hay, tại buổi làm việc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đề xuất, có kiến nghị liên quan tới chính sách, pháp luật về thuế, hợp tác công – tư, hậu cần, thị trường tài chánh, chuyển đổi số, vấn đề y tế, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, hợp tác năng lượng tái tạo, xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thương mại điện tử, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng…
Theo thông tin đăng tải trên trang web của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam kéo dài từ ngày 21 tới 23/3.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin hôm thứ Sáu tuần trước, SpaceX, Netflix và Boeing nằm trong số các công ty tham gia phái đoàn doanh nghiệp "lớn nhất từ trước đến nay" của Hoa Kỳ tới Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Chuyến đi này, theo nhận định của Reuters, là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với Việt Nam, vốn đang được xem là một trong những trung tâm sản xuất được hưởng lợi từ khuynh hướng rời khỏi Trung Quốc của các công ty toàn cầu giữa bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Thủ tướng Lại Có Yêu Cầu Quản Lý Chặt Thông Tin Báo Chí và Mạng Xã Hội
(Ảnh: Một số báo in tại Việt Nam.)
-Thủ tướng Chính phủ Việt Nam lại có chỉ thị yêu cầu Bộ Thông tin-Truyền thông quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội. Mục đích được nói để chủ động tháo gỡ, ngăn chặn những tin tức mà Hà Nội cho là tin giả, tin xấu độc, chống phá đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Yêu cầu mới nhất được nêu rõ trong Chỉ thị 07 đề ngày 21/3/2023 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký thay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Nội dung của Chỉ thị 07 nêu yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm mọi quy định của Luật Báo chí, Luật Tiếp cận Thông tin, Nghị định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước…
Chỉ thị 07 nêu rõ "Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, bảo đảm những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí phải là giòng chảy chính".
Trong diễn biến liên quan công tác cung cấp thông tin cho truyền thông, từ ngày 25/3 tới đây Tp. HCM sẽ không còn quy chế phát ngôn viên và cung cấp thông tin cho báo chí theo một quyết định được ban hành cách đây 10 năm.
Đó là Quyết định 32 ký ngày 28/3/2013 với quy định thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí hằng tháng; đồng thời cập nhật thông tin về hoạt động của cơ quan mình trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Tổ chức họp báo ít nhất ba tháng một lần để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố định kỳ mỗi tháng chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước có liên quan cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời đăng tải trên Trang tin Điện tử của Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Việt Nam liên tục bị các tổ chức theo dõi quyền tự do trên thế giới xếp vào nhóm các nước không có tự do ngôn luận thực sự. Tất cả mọi cơ quan truyền thông đều dưới sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo Trung ương, đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây được cho là tổng biên tập duy nhất cho toàn hệ thống truyền thông, báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Vụ Các Chuyến Bay Giải Cứu Trong Dịch COVID-19: Thêm Một Giám đốc Bị Bắt
(Ảnh: Công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc, về nước ở phi trường Vân Đồn, Quảng Ninh, hôm 10/2/2020.)
-Vào ngày 21/3/2023, Cơ quan Anh ninh Điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố và bắt giữ thêm một người dính líu vào vụ các chuyến bay giải cứu trong đợt dịch COVID-19.
Người bị khởi tố và bị bắt là ông Trần Tiến, sinh năm 1981, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Phi Trường. Cáo buộc đối với ông này là "đưa hối lộ" theo Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Biện pháp khởi tố và bắt giữ ông Trần Tiến như vừa nêu được tiến hành trong quá trình mở rộng điều tra vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hồi lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hãn trong khi thi hành công vụ; và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, tại Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh, thành khác tại Việt Nam.
Trong vụ án này, vào ngày 15/3 vừa qua Cơ quan An ninh Điều tra (C03) thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Đặng Minh Phương - nguyên Cán bộ Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Mã Lai Á, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Hai người bị khởi tố và bị tạm giam với cáo buộc "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ" là: Vũ Minh Thắng, sinh năm 1978, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Thuận An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần lữ hành sự kiện Thuận An - Ascend Travel & Media; Trần Thị Hà Liên, sinh năm 1979, nghề nghiệp: lao động tự do
Năm người còn lại bị khởi tố về tội "Đưa hối lộ" và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hồi đầu tháng 2/2023, phát ngôn viên Bộ Công An là Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Trong vụ án những chuyến bay giải cứu công dân về từ ngoại quốc vào đợt dịch COVID-19 vừa qua, đã có 41 người bị khởi tố, số tiền phong toả kê biên là 80 tỉ đồng.
Khám Xét Nơi ở của 4 Tiếp Viên VNA Vận Chuyển Hơn 11kg Ma Túy Từ Pháp Về Việt Nam
(Hình: Lực lượng chức năng khám xét, phát giác số lượng lớn ma túy trong hành lý do các nữ tiếp viên mang theo.)
-Công an không phát giác thêm ma túy sau khi khám xét nhà của 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.
Hiện bốn tiếp viên Nguyễn Thanh Thủy, Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân và Đặng Phương Vân chưa bị khởi tố. Công an Tp. HCM cho truyền thông hay tin trên trong ngày 21/3/2023.
Theo Công an, 4 tiếp viên khai thông qua một đồng nghiệp làm chung hãng, họ được nhờ mang lô hàng kem đánh răng nặng hàng chục kg từ Pháp về phi trường Tân Sơn Nhất với thù lao vận chuyển hơn 10 triệu đồng.
Họ không biết số hàng trên bên trong chứa ma túy. Lô hàng được chia đều cho 4 tiếp viên và được mang trót lọt qua hải quan Pháp. Tuy nhiên đến phi trường Tân Sơn Nhất, lô hàng bị phát giác.
Cụ thể, Công an cho biết, trong valy của Thủy và Quỳnh đều có 31 hộp kem đánh răng có thuốc lắc, tổng trọng lượng 2,18 kg, 12 hộp chứa ketamine (còn gọi là hàng khay) nặng khoảng 1 kg; hành lý của Ngân có 780 gram thuốc lắc; hành lý của Vân có hơn 2 kg thuốc lắc, 2 kg ketamine và cocain (tổng cộng hơn 11 kg ma túy).
Bốn tiếp viên khai nhóm có liên hệ với các đầu mối ở Pháp và Việt Nam để giao, nhận hàng xách tay về nước. Công an hiện đã triệu tập một người tại Việt Nam, được cho là người nhận số hàng từ Pháp về.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ, xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và nội quy lao động của đơn vị.
Theo Cục Hải quan Tp. HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát giác 44 vụ vi phạm về lĩnh vực hải quan, trong đó bắt giữ vi phạm về ma túy tám vụ khối lượng tang vật là gần 15 kg ma tuý các loại.
Quảng Nam: Ông Đại Biểu Dùng Gậy Golf Đánh Nữ Nhân Viên Được Thôi Chức
(Hình: Ông Nguyễn Viết Dũng tại kỳ họp lần thứ 12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam.)
-Toàn bộ đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam có mặt hôm 21/3/2023 bỏ phiếu thống nhất cho ông Nguyễn Viết Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, thôi làm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026).
Ông Dũng là người dùng gậy golf vụt nữ nhân viên phục vụ sân golf ngất xỉu hồi tháng 12 năm 2022 gây xôn xao dư luận.
Theo báo Quảng Nam, ông Nguyễn Viết Dũng trước đó đã có đơn xin thôi làm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, ông cũng xin phép vắng mặt tại cuộc họp lần này.
Ngoài ra, chi bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng do ông Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách về mặt Đảng đối với ông này.
Hôm 3/1, Công an quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng ra quyết định xử phạt hành chính ông Dũng số tiền 6,5 triệu đồng và không khởi tố vụ án hình sự vì "hành vi không cấu thành tội phạm".
Hòa Bình: Giám đốc và Hai Nhân Viên Trung Tâm Đào Tạo & Sát Hạch Lái Xe Cơ Giới Đường Bộ Huyện Lương Sơn Bị Bắt
(Ảnh: Trụ sở Cục Đăng kiểm tại Hà Nội.)
-Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Sát hạch Lái xe Cơ giới Đường bộ xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Viết Tuấn, và hai nhân viên bị bắt. Lý do để điều tra về tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình vào ngày 21/3/2023 cho biết tin bắt giữ như vừa nêu. Ngoài ông Giám đốc Nguyễn Viết Tuấn, hai nhân viên của trung tâm bị bắt là Đỗ Hồng Quân- Tổ tưởng giáo viên dạy lý thuyết, và ông Nguyễn Ngọc Khuyên- tổ trưởng giáo viên thực hành. Song song biện pháp bắt giữ, cơp viên chức năng còn thực hiện biện pháp khám xét nơi làm việc và nơi ở của cả ba người.
Kết luận điều tra ban đầu cho thấy, ông Nguyễn Viết Tuấn giao Phòng Đào tạo tuyển người có đủ điều kiện để tập huấn và ký hợp đồng làm giáo viên cho trung tâm. Tuy nhiên hầu hết số giáo viên chỉ có trên giấy, không tham gia đào tạo. Ông Tuấn chỉ đạo Tổ giáo viên Lý thuyết, Tổ giáo viên Thực hành và nhân viên Phòng Đào tạo giả mạo chữ ký, chữ viết để ghi khống vào hồ sơ.
Trong diễn tiến liên quan ngành giao thông- vận tải, vào ngày 21/3, Công an huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội cho biết lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ hình sự đối với Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29-08D Nguyễn Văn Dương và hai nhân viên nghiệp vụ của trung tâm này là Phạm Văn Thảo và Đinh Thị Lệ.
Cả ba bị kết luận đã liên kết với các cơ sở nghiệm thu xe cơ giới cải tạo nhằm lập khống hồ sơ, tài liệu, bỏ qua công đoạn kiểm tra thực tế xe cải tạo trước khi đưa vào kiểm định.
Cũng trong ngày 21/3, Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành khám xét Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 1201 tại Thành phố Lạng Sơn; tuy nhiên chưa cho truyền thông Nhà nước biết lý do khám xét.
Hòa Bình: Đề Nghị Khai Trừ Đảng Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
-Ông Nguyễn Đồng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình bị đề nghị khai trừ đảng do vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình hôm 20/3/2023 đã chủ trì hội nghị bỏ phiếu thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền khai trừ ông Nguyễn Đồng ra khỏi đảng. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.
Ông Long cho biết trong thời gian ông Đồng với trách nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy được phân công đại diện chủ đầu tư dự án xây dựng hội nghị trực tuyến Tỉnh ủy đã vi phạm pháp luật và gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 6,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Đồng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm nghiêm trọng quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Với các khuyết điểm, vi phạm của ông Nguyễn Đồng như trên gây tác hại rất lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mất uy tín cá nhân nên cần phải thi hành kỷ luật.
Trước đó, hôm 13/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ban hành, thi hành Quyết định khởi tố và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đồng về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Nguyễn Đồng (SN 1973, quê quán thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) từng giữ các chức vụ Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.
Đồng Tháp: Kiểm Tra 16 Phòng Giao Dịch của Công Ty F88
(Hình: Công an kiểm tra một trong các cơ sở của Công ty F88.)
-Mười sáu phòng giao dịch của Công ty Kinh doanh F88 tại tỉnh Đồng Tháp đã bị Công an đồng loạt kiểm tra hành chính.
Cụ thể, Công an Đồng Tháp trong ngày 21/3/2023 cho truyền thông hay, lực lượng công an đã kiểm tra các nội dung kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, việc chấp hành các quy định pháp luật khi thực hiện hợp đồng cho vay, cầm cố tài sản, ký gửi tài sản, lãi suất….
Qua kiểm tra, công an phát giác một số phòng giao dịch có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật như: hoạt động cầm đồ khi chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh, trật tự, không bảo quản tài sản cầm cố; chưa thực hiện đầy đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy….
Công an huyện Thanh Bình đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty F88 trên địa bàn huyện số tiền ba triệu đồng về hành vi lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ theo quy định.
Trước đó Công an các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, thành phố Cần Thơ và Tp. HCM đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh của công ty này.
Công ty F88 được thành lập vào năm 2013, có mạng lưới 830 chi nhánh trên toàn quốc, cung cấp không chỉ dịch vụ cho vay cầm cố mà còn phân phối bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền.
Việc kiểm tra hàng loạt chi nhánh của F88 liên quan đến các nhóm đòi nợ, khủng bố con nợ và cưỡng đoạt tài sản đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành. Riêng tại Tp. HCM, Công an Tp. HCM phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự liên tiếp triệt phá các đường dây tổ chức, núp bóng dưới hình thức các công ty để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đòi nợ thuê gây nhức nhối.
Trước đó, hàng chục người của Công ty tài chánh TNHH MTV Mirae Asset và chi nhánh Công ty luật TNHH Power Law bị Công an Tp. HCM tạm giữ để điều tra. Phương thức hoạt động của các nhóm này dưới vỏ bọc công ty kinh doanh tài chánh, văn phòng Luật sư, tuyển dụng hàng trăm nhân viên để đòi nợ theo hợp đồng đã ký với các đối tác bằng các thủ đoạn liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối, khủng bố...
VinFast Làm Việc Với Be Group Về Việc Sử Dụng Xe Điện
-Công ty Cổ phần Be Group, một nền tảng nội địa với gần 10 triệu khách hàng, và Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh & Thông minh (GSM) do tỉ phú Phạm Nhật Vượng thành lập, sẽ làm việc với Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (Prosperity Bank) về việc giúp chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.
Reuters loan tin dẫn thông cáo ngày 21/3/2023 của Be Group như vừa nêu. Cũng trong ngày 21/3, Be Group ký thỏa thuận đầu tư và hợp tác với GSM. Mục đích đưa xe hơi điện và xe gắn máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải kỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận ký kết, GSM đầu tư trực tiếp vào Be Group, và trong giai đoạn đầu, hai công ty sẽ phối hợp với Prosperity bank cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế Be Grou[ để thuê hay mua xe hơi, xe gắn máy điện VinFast.
Phía Be Group sẽ hợp tác chia sẽ nền tảng gọi xe với đối tác của GSM. Ông Phạm Nhật Vượng thành lập GSM hồi ngày 6/3 vừa qua với lĩnh vực hoạt động được cho biết là cung cấp dịch vụ cho thuê xe hơi, xe gắn máy điện và dịch vụ taxi VinFast. Kế hoạch được cho biết trong tháng tư GSM sẽ đi vào hoạt động tại thủ đô Hà Nội và vào năm 2030 sẽ bao phủ toàn Việt Nam
Vốn điều lệ của GSM được cho biết là 3.000 tỉ đồng và Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng nắm 95% cổ phần.
Be Group, đơn vị sở hửu và phát triển ứng dụng gọi xe Be, ra đời vào năm 2018 với tên gọi ban đầu là VEEP Technology. Hai dịch vụ #beBike và #beCar được khởi động tại Hà Nội và Tp. HCM từ tháng 12/2018.
Western Union cung cấp dịch vụ nhận kiều hối qua app MoMo
(Ảnh: Một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm tiền Mỹ kim, chụp ngày 26/11/2009.)
-Vào ngày 20/3/2023, Công ty chuyên chuyển tiền quốc tế Western Union và MoMo Việt Nam công bố hợp tác, theo đó người Việt từ nay có thể nhận tiền do Western Union chuyển về từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là lần đầu tiên dịch vụ nhận tiền quốc tế có mặt trên một siêu ứng dụng tại Việt Nam là MoMo.
Ông Đỗ Quang Thuận, Phó tổng Giám đốc Cấp cao phụ trách Dịch vụ Tài chánh của Momo, được truyền thông trong nước dẫn lời rằng "MoMo là fintech (tài chánh, tiền tệ+ kỹ thuật) đầu tiên trở thành đối tác chiến lược của Western Union, hỗ trợ chi trả nhận tiền quốc tế. Nhờ chi phí thấp và nhận tioe62n gần như tức thời, giờ đây người dân Việt Nam có thể thoải mái nhận tiền quốc tế từ người nha, bạn bè ở ngoại quốc gửi về qua MoMo…"
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Quốc tế Hợp tác về Người Di cư (KNOMAD), trong năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm ba nước hàng đầu tại khu vực Á Châu- Thái Bình Dương và nhóm 10 nước hàng đầu thế giới nhận nhiều kiều hối nhất. Tổng số kiều hối gửi về nước trong năm 2022 lên đến 19 tỉ Mỹ kim.
Nghiên cứu của Western Union cho thấy có trên 81% người dùng Việt Nam được hỏi ý kiến bày tỏ mong muốn các nhà chuyền tiền quốc tế đưa các dịch vụ của họ lên một siêu ứng dụng như MoMo.
Xuất Cảng Thủy Sản Sang Hoa Kỳ Giảm Trầm Trọng Trong Tháng 1/2023
(Hình: Công nhân Việt Nam.)
-Hôm thứ Hai (20/3/2023), Hiệp hội Chế biến và Xuất cảng Thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết rằng xuất cảng thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm mạnh trong tháng đầu năm 2023.
Theo Hiệp hội này, trong tháng 1/2023, Mỹ nhập cảng từ Việt Nam gần 18 ngàn tấn thủy sản, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Chế biến và Xuất cảng Thủy sản Việt Nam còn dẫn dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết rằng giá trung bình nhập cảng thủy sản vào Mỹ trong tháng 1/2023 đạt 8,44 Mỹ kim/kg, giảm 9,3% so với tháng 1/2022.
Theo VASEP, Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 5 của thị trường Mỹ, chiếm 6,7% về khối lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Thủy sản lâu nay là một trong các mặt hàng xuất cảng chủ lực, mang lại nhiều ngoại tệ cho Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất cảng Thủy sản Việt Nam, năm 2022, xuất cảng thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 2,1 tỉ Mỹ kim, tăng 5% so với năm 2021.
VASEP cuối năm 2022 cũng nhận định rằng kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát khiến cho nhu cầu tiêu thụ và nhập cảng thủy sản của các thị trường "giảm mạnh".
Hiệp hội này dự báo xuất cảng thủy sản trong quý I/2023 "sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022" và thị trường "có thể sẽ hồi phục" vào nửa cuối năm 2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét