Cảo Thơm Lần Giở - Bói Kiều
Đoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Kiều là một truyện thơ lục bát, thể thơ đặc biệt chỉ Việt Nam mới có. Điều đặc biệt hơn, thi phẩm này đã được người Việt dùng trong một cách vô cùng lạ thường là… coi bói, với cái tên Bói Kiều. Truyện Kiều có 3254 câu thơ, tuy không dài nhưng hàm chứa rất nhiều tâm trạng, rất nhiều cảnh huống. Khi đọc Kiều, ta có cảm tưởng truyện nói thay
Muốn ngỏ ý kín đáo với người mình yêu, chàng trai có thể mượn câu Kiều:
Tiện đây xin một đôi điều
Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?
Muốn dặn dò khi từ biệt, chàng trai nhắn nhủ bóng bẩy người yêu bằng thơ Kiều:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đànhgười ta ngâm Kiều:
Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa!
Nhớ mẹ, lữ khách mượn Kiều bày tỏ tấc lòng:
Tiếc người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Và khi tỏ ý hối hận, người đã làm sai cũng có thể dùng thơ Kiều:
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,
Cứ tìm những nẻo đoạn trường mà đi!
Bản thân tôi, thường lầm bầm câu Kiều mỗi khi cần bỏ qua cho người khác nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức:
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng là người nhỏ nhen.
Truyện Kiều được xuất bản rất nhiều lần tại Việt Nam
Khi dùng Truyện Kiều trong việc coi bói, người tự coi có thể tìm thấy một ý nào đó trong câu thơ để liên hệ với hoàn cảnh của mình, còn “thầy” thì phải vận dụng tài đoán để tìm ra những ý thích hợp để tán. Xin được dẫn một giai thoại, không biết có thực hay chỉ đặt ra để mua vui:
Có một người học trò nọ, khi đi học rất ghét hai môn sử ký và địa lý. Rồi đến lúc thi mới cố sức học nhồi nhét nhưng không tài nào ngốn nổi chương trình. Cuối cùng, anh dùng một cách đặt biệt là đem Truyện Kiều ra bói, với ý định tìm chủ đề để học tủ. Anh học trò bói được hai câu thơ, đoạn Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Chân trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Nhưng đoán mãi, đoán mãi vẫn không biết “Tiên” Thúy Kiều muốn chỉ vào chương nào trong sách. Cuối cùng, anh phải nhờ bạn bè cả lớp nghĩ dùm. Mọi người xúm vào bàn cãi rôm rả.
Cuối cùng, có người đoán rằng: Phải chịu cảnh bơ vơ ở giữa trời và biển thì chỉ có một người, đó là… Hoàng đế nước Pháp Napoléon Bonaparte lúc bị giam ở đảo Sainte Hélène. Còn biển có cái góc thì chắc hẳn đó là biển… Địa Trung Hải, vì vùng biển ấy có các nước vây chung quanh nên có nhiều góc cạnh.
Thế là anh học trò chỉ chuyên học hai chương: chương về Napoléon (môn Sử Ký) và chương về Địa Trung Hải (môn Địa Lý). Lạ lùng thay! Anh trúng tủ và thi đỗ.
***
Giai thoại khác.
Một phụ nữ gặp cảnh sinh khó. Chuyển dạ từ đêm trước, qua suốt một ngày trời, rồi đến đêm sau vẫn chưa sinh được. Vào thời ấy, y học đành chịu thua, thường dẫn đến cảnh “mất cả mẹ lẫn con”. Trong tình thế tuyệt vọng, cả nhà không biết làm sao, chỉ còn cách đem Truyện Kiều ra bói. Và, bói được hai câu than vãn của nàng Kiều:
Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Đọc hai câu lên, tất cả người trong nhà đều hoảng hốt rụng rời, e sợ việc không hay sẽ xảy tới. May thay, một người hàng xóm bỗng dưng ghé thăm. Khi thấy mọi người mặt mày tái xanh tái mét liền hỏi nguyên cớ làm sao. Nghe xong câu chuyện, anh này lại ra dáng vui mừng, kêu to: Hỏng quá, hỏng quá, các ông các bà đoán sai bét hết rồi! Bói được câu này thì chị nhà sắp sinh không những một cháu mà tới hai cháu trai nữa cơ.
Mọi người đang ngơ ngác không hiểu, anh liền giải thích: Ôi Kim lang!” Đó là hiệu lệnh gọi đứa thứ nhất ra – mà “lang” là con trai, phải không nào? “Hỡi Kim lang!” – là gọi đứa thứ hai ra đấy!
Mọi người xúm lại hỏi thêm: Thế câu “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” thì ông giảng thế nào?
Người hàng xóm nói giọng chắc nịch: Chữ “phụ” ở đây không có nghĩa “phụ bạc” tức là bỏ chồng. Nhưng chữ “phụ” này lại có nghĩa “giúp cho”, như khi ta nói “để tôi phụ cho một tay.” Do vậy, câu này có nghĩa là: “Kỳ này thiếp giúp chàng bằng cách đẻ cho chàng hai đứa con trai để nối dõi tông đường”.
Người sản phụ tuy quá mệt nhọc vì cơn chịu đựng dai dẳng nhưng vẫn tỉnh táo. Lắng nghe anh hàng xóm nói có lý, cô bỗng dưng phấn chấn hẳn lên. Và một sức mạnh bỗng từ đâu đến giúp cô trở dạ và sinh được… hai đứa con trai.
Tưởng cũng nên nhắc thêm về chữ Phụ. “Phụ” là chữ Hán Việt có nhiều nghĩa. Phụ có nghĩa “giúp đỡ” như trong các chữ Phụ Trợ, Phụ Tá | Phụ có nghĩa “đàn bà” như Phụ Nữ, Thiếu Phụ | Phụ có nghĩa “người cha” như Phụ Thân, Phụ Mẫu | Và Phụ còn có nghĩa “trở mặt” như Phụ Bạc, Phụ Ước, Phụ Rẫy. Như thế, cùng một chữ Phụ nhưng có thể đoán ra nhiều ý khác nhau.
***
Có người coi Bói Kiều là một thú vui, một cách thưởng thức Truyện Kiều, vì mỗi lần “bói” là mỗi lần biết thêm những ý mới trong các câu thơ. Nhưng cũng có không ít người tin vào mầu nhiệm lạ kỳ của sách như đó là nơi giao cảm giữa cõi người và cõi tiên. Dù bói chơi hoặc bói thật, đa số đều theo cách thức như sau:
Người bói hai tay cầm quyển Kiều lên ngang mặt, rồi khấn: Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều – Xin bói cho con một quẻ về gia sự (hoặc về nhân duyên, về thi cử v.v.)
Xong, đặt sách xuống và khấn tiếp: Con xin giở tay mặt, bắt tay trái. Rồi lấy tay mặt giở sách và tay trái chỉ vào bất kỳ một câu nào đó. Có nơi còn theo cách “nam tả nữ hữu”: Nam chọn câu ở trang bên trái, nữ chọn trang phải. Cũng có thể xin cả một đoạn từ một câu nào đó trở lên hoặc trở xuống trong một trang. Như những giai thoại ở trên, do văn Truyện Kiều cô đọng, dù chữ Nôm hay chữ Hán Việt đều có nhiều nghĩa khác nhau, bất cứ câu thơ nào cũng có thể “diễn nghĩa” ra thành những điềm tiên tri hay lời giáo huấn.
***
Trong tác phẩm Lều Chõng của nhà văn Ngô Tất Tố có kể câu chuyện về Bói Kiều. Xin được tóm tắt và trích dẫn ở đây:
Cô Ngọc vốn đính hôn với Đằng Long. Nhưng khi Đằng Long đỗ tiến sĩ thì lại quay ra lấy cô Thúy. Trong đám rước ông nghè, bà nghè vinh quy bái tổ, cô Ngọc đang đứng xem bỗng té ngất xỉu. Sau khi được đưa về nhà, cô Ngọc bị gia đình bắt phải tịnh dưỡng.
(Bắt đầu trích)
Vốn là người tháo vát trong công việc, cô Ngọc cảm thấy rất buồn chán. Nỗi cay đắng vì lỡ mất mối lương duyên tuyệt đẹp càng khiến cô Ngọc bồn chồn, bất an. Nhiều lúc cô Ngọc muốn nhắm mắt cố ngủ, cho khỏi nghĩ vẩn nghĩ vơ. Song ngủ mãi cũng chán con mắt, không thể nào mà chợp đi được. Rồi thì những mối tư tưởng luẩn quẩn ở đâu nó lại kéo đến như mớ bòng bong, gỡ không ra, dứt không bứt.
Cô rất thèm người nói chuyện. Nhưng đương mùa chợ búa cày cấy, chị em chúng bạn ai có việc nấy, không ai được thưa thì giờ để đến trò chuyện với cô. Thành ra ban ngày cũng như ban đêm, ngủ đi thì thôi, hễ bừng mắt ra, cô lại thấy mình một mình vò võ. Vì thế, cô Ngọc phải mượn cuốn Kim Vân Kiều làm bạn giải buồn. Quyển sách như cũng biết ỡm ờ trêu ngươi. Mỗi khi cô mở nó ra, nếu không đụng phải đoạn Kim Trọng gặp Thúy Kiều, thì lại trúng vào chỗ Thúy Kiều cất lẻn sang nhà Kim Trọng.
Tuy rằng cô đã hết sức trấn tĩnh, nhưng mà coi đến những câu: Sóng tình hồ đã xiêu xiêu – Xem trong âu yếm có nhiều lả lơi. Hay là: Tóc tơ căn vặn tấm lòng – Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. Thì trong bụng cô bổi hổi, bồi hồi, hình như có vật nong nóng bốc lên ở ngực và cổ.
Tức thì cô liệng quyển chuyện xuống giường và nằm vắt tay lên trán để đưa tư tưởng đến chỗ mơ màng xa xăm. Sáng nay lúc cô băng mình trở dậy, bỗng chốc hai mắt nháy rối, vuốt mãi nó cũng không thuần. Rồi khi cô ăn cơm xong, vào buồng, lại một con nhện thình lình sa thẳng xuống chỗ trước mặt. Cô toan vồ lấy để xem nó là nhện vàng hay nhện trắng, nhưng con vật ấy nhanh quá, cô vớ chưa kịp, nó đã đánh đu sợi tơ của nó và bò lên gần xà nhà mất rồi. Điềm gì mà lạ thế này. Lành hay gở? Câu hỏi quanh quẩn đi lại ở trong óc.
Nó bắt cô phải phân vân hồi hộp, đứng ngồi không yên. Lật đầu giường lấy cuốn Truyện Kiều, cô hé mở ra để xem đằng nào là đầu, đằng nào là cuối. Rồi hai bàn tay chắp lại một cách cung kính, cô đưa cuốn sách lên tận ngang mặt, đặt nghiêng “bụng sách” vào thẳng sống mũi và khấn lầm rầm:
Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, tên tôi là Hoàng Thị Ngọc, ở làng Vân Trình, thành tâm xin cô một quẻ. Vừa dứt tiếng quẻ, cô liền ngừng lại và chỉ mấp máy hai môi, không biết là nói những gì. Dứt hồi thì thầm, cô bấm một ngón tay cái vào giữa cuốn sách rồi giở ra xem.
Ngón tay cái của cô trúng vào chỗ này:
Bó thân về với triều đình – Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?
Áo xiêm đùm bọc lấy nhau – Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi.
Đọc đi đọc lại mấy lần, cô vẫn không hiểu nàng Kiều bảo mình cái gì! Hay là mình không thành tâm, cho nên cô Kiều không ứng? Thì lại bói lại quẻ nữa xem sao?
Một lần nữa, cuốn sách bị cô đưa lên ngang trán và làm đúng những công việc vừa rồi. Rồi cô nhìn theo chỗ ngón tay đã bấm. Nó là cái gì?
Vội vàng sắm sửa lễ công – Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao.
Bày hàng cổ xúy xôn xao – Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
(Hết trích)
Một bức tranh minh họa cho Truyện Kiều
Thế, cô Ngọc có kiếm được tấm chồng như ý không? Cô Ngọc cuối cùng cũng lấy được một anh học trò khác. Tên Vân Hạc, thông minh, hay chữ. Nhưng do vì trước kia đã có hôn ước nhưng không thành, cô dâu tuy vẫn còn trinh nhưng hơi bị… cũ, nên đám cưới của cô Ngọc với Vân Hạc có phần khá vội vã. Nhìn lại, rất giống đám cưới của Thúy Kiều và Thúc Sinh. Đó là lúc Thúc Sinh được lệnh quan cho phép đưa Thúy Kiều về làm vợ. Do vì Kiều vốn từ lầu xanh được chuộc ra nên đám rước tuy vẫn đủ nghi thức nhưng chỉ qua quýt, làm nhanh cho xong. Đúng hệt câu: Vội vàng sắm sửa lễ công – Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao | Bày hàng cổ súy xôn xao – Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
Sau khi cưới cô Ngọc, chàng trai Vân Hạc lều chõng đi thi Tú Tài. Thi lần đầu, Vân Hạc đậu ngay thủ khoa. Thế nhưng cuối cùng chàng lại bị đánh rớt. Đó là bởi quan chủ khảo cho rằng Vân Hạc tỏ ra quá tài giỏi khi tuổi còn quá trẻ, nên cần bị đánh rớt để tránh mắc tánh kiêu ngạo.
Tưởng cũng nên nhắc tới một câu nói của cổ nhân: Trong đời người (đàn ông) có ba điều đại bất hạnh: Thiếu niên thành công – Trung niên mất vợ – Lão niên mất con. Khi còn trẻ, dù thất bại, người thanh niên vẫn còn sức lực và thời gian để làm lại tốt hơn. Nhưng nếu thành công sớm sẽ sinh ra kiêu ngạo, để rồi bị thất bại lúc tuổi già, tới lúc đó, thì đã hết… xí quách, không đủ sức hồi phục được nữa nên… tiêu luôn… Có biết như thế, ta mới hiểu tại sao chuyện vô lý ấy có thể xảy ra trong quan trường thời xưa.
Xin được trở lại với Vân Hạc. Sau vài lần thi trượt, Vân Hạc cũng đỗ hai cuộc thi Hương và thi Hội. Nhưng tới cuộc thi cuối cùng là thi Đình thì chàng mắc tội phạm húy. Vân Hạc bị phạt tội, không những thế, còn bị cách chức thủ khoa của hai cuộc thi trước. Gặp lại người chồng thất thểu trở về, cô Ngọc vô cùng thất vọng. Cô tính thốt lời mỉa mai cho hả cơn tức – vì đã bỏ bao nhiêu công sức, tiền của để chồng “dài lưng, tốn vải, ăn no”, rồi học, rồi đi thi, mà rồi áo rơm vẫn hoàn rơm áo.
Nhưng cô bất chợt nhớ đến câu Kiều bói được ngày nào. Cô Ngọc liền đọc cho Vân Hạc nghe: Bó thân về với triều đình – Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu? | Áo xiêm đùm bọc lấy nhau – Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi!
Đây là câu Từ Hải đã nói với Kiều khi được triều đình dụ hàng. Đối với họ Từ, làm quan mà phải vào luồn ra cúi thì thà sống đời thường dân cho… khỏe! Hóa ra, “Tiên” Thúy Kiều đã tiên đoán rất đúng về cô Ngọc và Vân Hạc. Còn an ủi rằng đừng mong cầu vinh hoa phú quý làm chi, hãy nên an vui với nếp nhà thanh bạch, biết đủ l
Bài này viết xong chừng tuần lễ, tôi rủ Uyên Thao đi uống cà phê. Những ai không biết Uyên Thao sẽ khó hình dung người đàn ông gầy gò ấy đã từng ở tù 30 năm, từng bị cùm hai chân suốt hai năm biệt giam, từng phải đi bới rác mà sống. Nhưng
Uyên Thao cũng chính là người sáng lập nhật báo Sóng Thần lừng lẫy một thời Sài Gòn, lại cũng sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương tại Mỹ. Cuộc đời của ông, ba chìm bảy nổi chính vì chẳng chịu “vào luồn ra cúi”. Tôi nói với Uyên Thao về Bói Kiều. Tiện có cuốn Kiều trong tủ sách, tôi nói bói thử coi. Uyên Thao cười cười, bấm ngón tay vào sách, mở ra. Đó là hai câu sau:
Đã đành túc trái tiền oan,
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi.
Thật sửng sốt, không còn gì đúng hơn! Đọc tới đây, bạn nghĩ có nên tin vào Bói Kiều hay không? Nhưng chắc hẳn bạn cũng như tôi, đều đồng ý rằng Bói Kiều là một cách đọc thơ hết sức độc đáo. Và bây giờ, mời bạn. Hãy mở Truyện Kiều ra bói thử xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét