Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Thằng Câm - Truyện ngắn Bửu Truyền


Bà Hai Mưng, một thương gia nổi tiếng của đất Phan Rang, lan tỏa cả tỉnh Ninh Thuận. Bà buôn bán hành tỏi, cà chua (dân địa phương gọi là cà ung). Hằng ngày cung ứng cho Chợ Cầu Muối - đường Nguyễn Thái Học - Sài Gòn; và đậu xanh, bắp hột cung cấp cho các chành ở Bến Lê Quang Liêm - Chợ Lớn. Hằng tháng một hai lần chở lên Đà Lạt, hay ra Đà Nẵng cho bạn hàng.Hành tỏi, cà chua chở bằng xe vận tải, thường gọi là xe "ba-lua" (poids lourd). Trọng tải khoảng 12 tấn (tones), thường 100 bao chỉ xanh là đầy một chuyến xe.
<!>
Nhân công khá đông. Những người xúc đậu bắp đổ vào bao, hoặc chất xếp cà chua, ớt, v.v... vào giỏ cần xé, đa số là đàn bà, con gái. Người khuân vác chất lên xe gọi là "ban-bù". Danh từ này không hiểu phát xuất từ đâu. Họ là những chàng thanh niên, những người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh. Vác trên vai một bao đậu xanh nặng từ 100 đến 120 kg (kí-lô - kilogramme) đi từ trong nhà bước lên tấm ván làm cầu, chất vào trong xe "khỏe re". Tư còn nhớ và mến thương các "cu-li" (coolie) này như chú Sáu Châu, Tư Ban Bù, thằng Khéo, v.v...

Trong số này, có "Thằng Câm". Gọi là "thằng" chứ Bà Hai kêu gọn lỏn là:
- Câm! Con chở ba giỏ cần xé cà chua, bốn hai bao hành và một bao tỏi giao cho chú Tư Thì đi con!

Thằng Câm được Bà Hai nuôi lớn không biết từ bao giờ, cưới vợ cho "Câm". Sáng sớm, Câm đến nhà Bà Hai làm việc, khuân vác, đi giao hàng bằng chiếc xe "ba gác", v.v... Trưa, chiều tối về nhà ăn cơm với vợ con tại khu "Mả Tây" hay còn gọi Mả Thánh, trước rạp hát Thanh Bình của bà Tổng Hợi (Hội?) (thân mẫu của ông Nguyễn Đức Phước hiện tại có người con làm Thị Trưởng tại Thành phố Fountain Valley, CA?) Căn nhà này do Bà Hai mua cho khi cưới vợ cho Câm.

Không một ai để ý, hay thắc mắc gì về "Thằng Câm"! Bảo nó đi đâu, làm gì thì nó chỉ lõ mắt nhìn rồi gật đầu. Đi đúng, làm đúng! Câm khá tuấn tú. Mặt mày sáng láng. Vóc dáng dong dỏng cao, Da trắng. Chân mày rậm. Hàm râu quai nón, cạo sạch sẽ. Mắt lộ. Môi như tô son. Miệng tuy không nói thành lời, nhưng ú ớ tươi cười tỏ ra hiểu ý lời dặn dò chỉ biểu. Ai cũng thương, mến "Câm".

Bà Hai có người con trai, mà Câm gọi bằng "Cậu Tư", tuổi ngang ngang với "Câm". Có lẽ, Câm coi Tư là "cậu ấm" con bà chủ, nên mới "tâng bốc" như vậy chăng? Cậu Tư làm thầy giáo, rồi bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức; sau đó ra làm chính trị. "Câm" thường lân la, gần gũi, phục tùng "cậu Tư" nhứt nhà, không biết vô tình hay cố ý để "khai thác" điều gì! Một điều "lý thú" là, Câm không nói được, nhưng lại biết viết vào giấy những câu hỏi, đại khái như:
- Cậu Tư ở Sài Gòn có vui không? Chào cậu Tư mới về.
- Cậu Tư muốn ăn bánh căn không? Vợ em đổ bánh căn ngon lắm! Nhứt là nước cá nục kho và làm mắm nêm trộn xoài Canh Nông.
- Vợ em cũng cũng biết nấu mì Quảng chánh gốc, đặc biệt. Vợ em gốc Quảng Nam mà! Quê Cha mẹ em ở Duy Xuyên đó cậu Tư.

Cậu Tư thật "vô tư". Cậu không hề để ý hay thắc mắc "Tại sao một thằng Câm lại biết nghe, biết viết chữ Quốc ngữ rất đẹp và một cách rất thành thạo như những học trò bậc Trung học đệ nhất cấp của Tư?!

Câm biết viết ra giấy. Cậu Tư đáp trả bằng lời nói! Câm mỉm cười hiểu ý! Cậu Tư hoan hỉ hài lòng! Thế mới "ghê"!

Vào đầu tháng 4 năm 1975

Phan Rang chiến sự nóng lên. Dân từ Đà Lạt, Nha Trang lũ lượt kéo nhau đổ về, mượn đường "quá cảnh" đi vào Nam, vào Sài Gòn! Đêm nay, gia đình Tư cũng... bị hoang mang, cuốn hút vào tình cảnh này, chuẩn bị để... "di tản".

Sáng sớm có tiếng đập vào cửa sắt dồn dập:
- Cậu Tư ! Cậu Tư! Đừng có đi đâu nhen!

Tiếng nghe quen quen. Thằng Miên, cận vệ của Tư vội vàng chạy ra nhìn qua khe cánh cửa sắt xếp, chạy vào báo:
- Chú Tư! Ai như... như "Thằng Câm"!

Cả nhà ngạc nhiên nhìn Miên như dò hỏi. Thằng Miên, mặt hơi biến sắc, nói như cà lăm:
- "Thằng Câm" mang súng AK 47, tay đeo băng đỏ, đội nón tai bèo, chân mang dép râu, nó đang đập vào cửa ầm ầm, kêu tên chú Tư!

Cả nhà trố mắt nhìn nhau trong lo âu, hốt hoảng:
- "Thằng Câm" biết... nói?!

Tiếng đập cửa càng lúc càng gấp rút, Tư kêu Miên hờm sẵn súng đi theo ra mở cửa. "Thằng Câm" lách mình vào cửa, ôm Tư vừa nói trong khẩn khoản:
- Cậu Tư đừng đi đâu! Có "Câm" bảo vệ cho Cậu.
- Câm! Câm... biết nói?!
- Dạ! "Câm" đâu có câm! Chuyện đó tính sau. Bây giờ, Cậu đừng đi đâu! Nguy hiểm lắm! Cách mạng đã từ Nha Trang vào tới Du Long; và từ Đà Lạt xuống đến Sông Pha rồi! Câm sẽ đứng ra bảo lãnh gia đình mình! "Gia đình có công cách mạng" đả nuôi dưỡng, bao che cho Câm. Cậu đừng lo! Cứ ở yên trong nhà! Con phải đi "tiếp quản" Tháp Chàm đây! Câm thoát nhanh ra cửa.

Miên kéo vội cửa đóng chặt lại. Tư đứng như trời trồng! Sững sờ! Một thoáng trôi qua! Tư lấy lại bình tĩnh ra lệnh cho Miên và mọi người khẩn cấp thu xếp một ít hành trang, gạo, nước uống chất lên chiếc xe hơi nhỏ hiệu Honda 150 thường ngày.

Cả nhà không biết chuyện gì đã xảy ra, Tất cả quýnh quíu. Đứa con gái lớn, 12 tuổi, ôm chân, níu tay Tư hỏi:
- Đi đâu vậy Ba?
- Đi xuống Cửa, Hải Chữ, tìm ghe chở cả nhà đi vào Sài Gòn.

Tư chưa kịp rời nhà, đã có tiếng đập cửa:
- Tư! Tư! Xê đây! Xê nghị viên Hội Đồng Tỉnh đây! Mở cửa! Mở cửa đi!

Thằng Miên biết rõ tiếng của Xê, nhìn Tư hỏi ý kiến. Tư gật đầu. Miên mở hé cửa. Vô cùng ngạc nhiên! Xê đeo băng đỏ, vai mang súng AK, tay cầm chiếc loa bằng pin, hấp tấp bước vào nhà:
- "Toa" đừng đi đâu nhen! "Moa" bảo lãnh cho "toa" với "kách mạng"!

Tư tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Ông là người của "Cách mạng"?

Xê gật đầu lia lịa, hất mặt kiêu hãnh:
- À! Đúng rồi! Bây giờ "toa" mới biết hả?

Tư bước tới đưa tay bắt. Xê thụt tay lại:
- "Toa" yên tâm! Mình đại diện Mặt Trận "tiếp thu", à không "tiếp quản" Phan Rang.

Tư cố giằng lòng:
- Có ông bảo lãnh là mình yên tâm rồi! Cảm ơn ông nhiều lắm! Người "huynh trưởng tốt"!
---

Tư thường xưng hô với các bạn đồng trang lứa hay nhỏ tuổi hơn mình bằng "ông" và "mình"; không bao giờ xưng hô "mày tao", dù rằng Tư vào học, làm việc tại Sài Gòn nhiều hơn, lâu hơn ở quê hương "cát phan nắng rang" này.

Còn Xê, tuy chỉ học hết bậc Trung học đệ nhất cấp Trường Tư Thục Lê Lợi và thi rớt, vẫn luôn luôn tỏ ra ta đây hay chữ, xổ tiếng Tây, kiểu "Xanh căn đít cọt bô" (Cinq quand dix corbeau) - Năm khi mười quạ/họa).

Xê và Tư cùng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Xê huynh trưởng cao cấp hơn Tư. Hai nhà ở cùng trên một con đường gần chợ Phan Rang chạy thẳng lên bờ đê sông Dinh. - Sông Dinh tên thật là sông Tô Hạp, còn gọi là sông Cái.

Có một điều ngộ ngộ là, con đường này, đường Ngô Quyền, phía bên trái (thuộc làng Đạo Long) từ Chợ Phan Rang (tục gọi là chợ Dinh, thành phố Phan Rang cũng được gọi là Dinh) chạy đến bờ đê sông Dinh, khoảng chừng 500 mét, lại đắc địa, phát tích, có chức có quyền. Đầu đường là Nhà Thuốc Tây NKT. Một họ tộc đến từ làng An Thạnh, cách phố chợ Dinh 3 km (cây số). Từ ông, cha đến con cháu đều có phẩm trật cao sang nhứt tỉnh, trước khi họ Nguyễn ở làng Tri Thủy (Bến Đò) làm Đại sứ, Tổng Thống.

Kế đến là một gia đình Giáo sư, rồi một nhà cao cửa rộng của Bà Năm Đỏ - sau được biến thành ngôi Trường Trung Học Tư Thục Lê Lợi danh tiếng, đào tạo nhiều danh tài cho Tỉnh và đất nước: hai Dân Biểu, một Nghị viên Hội Đồng Tỉnh, vài sĩ quan cao cấp QL/VNCH. Tiếp đó là nhà Bà Hai Mưng buôn bán hành tỏi nổi tiếng nhứt tỉnh, thân mẫu DB/TXB. Rồi nhà Bà Bốn Légume rất giàu, các cháu đều đỗ đạt thành tài; nổi tiếng là cô Định, chị Cả, dạy dỗ một đàn em trai 10 đứa thành danh chi mỹ!

Lần lượt đến nhà Thiếu tá Sáng, giáo sư Nghiêm, Ông bà Giáo sư Uyển, nghị viên NNC, giáo sư Quân, nghị viên PVĐen, nhà giáo Nguyễn văn Lùn, nghị viên Nguyễn Tấn, v.v...

Còn phía bên kia đường (trước thuộc làng Minh Hương) là tiệm chụp hình Photo Hoa Nam, rồi ông Tàu làm kẹo kéo, ông Tàu Sâm Bổ Lượng, Tiệm cơm Nam Sơn ngon nhứt tỉnh, đình Minh Hương, nhà thầy giáo Thọ, nhà cô giáo Dung. Không có ai làm quan trong Quân đội hay chánh quyền.

Có một câu ngạn ngữ: "Trai Ngô Quyền - Gái Hùng Vương". Ý nói Trai đường Ngô Quyền tài giỏi - Gái đường Hùng Vương hương sắc.
---
Ngoài mặt nói với Xê vậy, nhưng trong lòng Tư đánh lô-tô loạn xạ! Xê là một con cáo già, luôn tỏ ta đây hơn người. Trong sinh hoạt Phật sự, Gia Đình Phật Tử, Xê luôn luôn tỏ ra ta đây, "cống cao ngã mạn". Tư quay vào hối Miên và vợ cùng bốn con mau lên xe, đề máy de ra khỏi nhà, quay đầu chạy thẳng xuống Cửa - Hải Chữ.

Một cảnh tượng "hỗn quân hỗn quan" vô cùng rối ren mất trật tự. Súng nổ vang trời. Đạn bay xé không gian. Mạnh lính - nhiều sắc phục - lính bắn, mạnh dân - đủ trẻ già lớn bé - dân chen nhau chạy, giành giật leo trèo lên ghe, lên thuyền, lên thúng. Kẻ xô, người té. Kẻ bị thương, người ngã xuống biển. Tiếng la, tiếng gào thét, tiếng khóc, tiếng kêu réo inh ỏi!

Tư may mắn nhờ Ba của Miên, người sở tại làng biển này, mướn được một chiếc ghe, cố gắng bồng ẵm vợ con lên. Ghe mắc cạn vì nước đã xuống ròng. Miên và Tư nhảy xuống nước cố sức đẩy. Bác tài công rồ máy. Vừa có trớn ghe dọt tới, chạy luôn, bỏ Tư và Miên lổm ngổm dưới biển. Ghe chạy mất dạng giữa những làn đạn đan xen bắn theo chát chúa trong tiếng khóc kêu của vợ con Tư.

Tiếng thằng Câm ơi ới:
- Cậu Tư! Cậu Tư đâu rồi! Cậu đừng đi! Có con, con lo cho cậu!

Tư và Miên càng sợ hơn, cố sức lội qua bên kia bờ sông làng Phú Thọ. Phóng qua những hàng gai xương rồng, bàn chải, lưỡi long... cao khỏi đầu, người dân trồng làm hàng rào phân ranh giữa những đám rẩy. Nhắm thẳng hướng mũi Dinh (Cap Padaran) lấy ngọn Hải đăng làm đích để vượt qua bên kia là Cà Ná. Chạy đến chân dãy núi Trà Bang, núi cao ngất ngưởng. Không còn biết đâu là hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Đá núi và núi đá! Cây rừng và rừng cây. Đói và khát! Đắng cổ họng! Mệt lả! Rả rời! Miên vừa thở vừa nói:
- Chú Tư! Mình liệng... quăng súng đi nhen chú. Con mang hết nỗi rồi. Con sợ...!

Cây súng của Miên là carbine M2 bá xếp và dây túi đeo 4 băng đạn. Còn của Tư, rouleau ngắn nòng, báng súng mạ inox.

Mặt Miên càng lúc càng tái nhợt. Hai mắt lờ đờ! Miệng há hốc. Thở đứt quãng. Từ từ quỵ ngã xuống đất. Tư cảm thấy lảo đảo, cố sức quăng cây súng ra xa, nằm dài. Không biết bao lâu, Tư mơ hồ nghe tiếng chân người vẹt cây, đạp trên lá rừng đi lần tới. Tiếng một cô gái:
- Cha ơi! Có người chết kìa!
- Ở đâu?

Tiếng người đàn ông hỏi.

Tư cũng như Miên không còn biết việc gì đã xảy ra nữa!

Tia nắng buổi sáng rọi vào mắt, Tư choàng tĩnh. Bên cạnh, Miên còn nằm co ro, ngáy nhè nhẹ. Nhìn quanh, Tư thấy mình đang nằm trên chiếc giường tre, chiếc mền hơi cũ vắt ngang bụng, dưới mái nhà tranh lạ hoắc.

Có tiếng một cô gái:
- Cha ơi! Ông... ổng... đã tỉnh dậy rồi!
- Con mời ông ra uống trà.

Tiếng người đàn ông vọng vào!

Tư gượng bước ra qua thềm cửa. Chàng nhận biết ngay, đây là một làng của người Chàm. Trước mặt là núi Trà Bang với hình dáng ngọn chẻ đôi mà Tư đã thuộc làu câu chuyện cổ tích. Trai Việt yêu gái Chiêm.
- Đây là làng Văn Lâm hay Nho Lâm?! Tự tự hỏi.

Cô con gái trong chiếc áo dài màu xanh lá và chiếc chăn, vằng (quần không ống), chiếc khăn lụa trắng quấn đầu truyền thống, dịu dàng, xinh xắn ngượng ngùng, e thẹn, nép bên cửa:
- Mời ông ra rửa mặt.

Cô vừa nói vừa đưa tay như muốn dìu Tư tới lu nước trước nhà. Tư cố gắng bước đi từng bước, nghe toàn thân đau nhức, ê ẩm, rả rời vì gai đâm đầy người!

Những gáo nước mát làm cho Tư sản khoái, tư tĩnh trở lại. Cô gái đang đứng chờ đưa chiếc khăn lông cho chàng lau mặt. Một cử chỉ săn đón cao sang qúy phái hiện đại bất ngờ. Tư quên rằng, trong cư xử thường ngày, ngay cả chuyện tình cảm, hôn nhân người con gái Chàm bao giờ cũng chủ động. "chế độ mẫu hệ" mà! Tư nhìn không rời vào đôi mắt to đen lay láy như mắt thỏ dưới hai hàng mi cong vút của cô gái:
- Cảm ơn... cô!
- Dạ! Anh gọi... em được rồi!

Hai tay chạm vào nhau. Tiếng "Dạ" ngọt ngào! Trong khoảnh khắc duyên sanh, truyền cho nhau những cảm giác không tên dịu êm thấm đậm! Âm vang như tiếng vọng rừng thiêng! Tiếng vọng từ núi Trà Bang của chàng trai Việt bắn vỡ đôi ngọn núi Trà Bang tìm người con gái Chàm yêu dấu.

Cô gái kéo khăn che, cố giấu hai má ửng hồng trên khuôn mặt trái xoan, quay bước nhanh vô nhà bếp. Kịp cho Tư nhận ra làn da trắng mịn màng khác xa với làn da ngăm đen của các cô gái Chàm khác.
- Nhiên! Con lấy cho cha ấm nước sôi!

Người đàn ông ngoái nhìn vào trong nói.
- Dạ! Thưa cha!

Nhiên, trở ra với ấm nước bằng đất nung, một sản phẩm đồ gốm, của người Chàm (người địa phương gọi là Hời, một biến âm của chữ Hồi, đạo Hồi? - người dân thôn dã Ninh Thuận phát âm Ô thành âm Ơ - Ông nội: Ông nợi - Trái ổi: trái ởi - Thôi rồi: thơi rời, v.v...)

Sau 1975 cộng sản cưỡng bức cư trú, lùa dân từ làng Ma Tró, tên chữ dưới thời VNCH là Vĩnh Thuận, bên kia sông Mương Giang, dời về khu Nghĩa địa (Gò Mả Bà Dẫy) gần một cái bàu, giống như ao, đầm lớn trước ngôi đình Thần làng Phú Quý. Họ cải danh là Bàu Trúc. Về đây, người Chàm tiếp tục phát triển nghề đồ gốm truyền thống: làm lu, trả, trách và một số vật kỷ niệm như Tháp Chàm, các tượng Thần, v.v... Và Trụ sở Quận Ninh Phước được xây dựng trên khu mả Ông Bà Hội đồng Trương Gia Kinh.

Tư đang tư lự, không hiểu tại sao mình lại ngồi đây. Chàng nhớ không lầm, mình chở cả gia đình chạy xuống biển, mướn ghe để đưa vợ con vào Vũng Tàu kể cả chiếc hơi nhỏ mà. Ghe vượt thoát khỏi bờ cát cạn, chạy một lèo ra biển, bỏ chàng và Miên, người cháu cũng là cận vệ của chàng, dưới biển nước giữa tiếng súng loạn xạ và tiếng kêu la của vợ con Tư. Trên bờ dưới nước có người bị thương, bị chết trôi lềnh bềnh.
- Mời cậu uống trà kẻo nguội!

Tiếng mời của ông Chủ nhà khiến Tư giật mình quay lại thực tại, phản xạ... mất tự nhiên:
- Dạ! Cảm ơn Chú!

Dường như Nhiên thấy rõ cử chỉ hơi "hốt hoảng" này của Tư, nàng đang đợi nghe câu trả lời.
- Dạ! Cháu tên Tư! Còn cháu này tên Miên. Có lẽ, Ba má nó sanh nó ra thấy nó đen như Miên, nên đặt tên Miên cho nó!

Câu trả lời lủng củng, lúng túng, không ăn nhập đâu vào đâu. Nhiên cảm nhận được Tư đang "suy nghĩ" về mình mà phân tâm chăng? Nàng bưng ra một món bánh đến bên cha:
- Mời Cha, mời... ông... anh uống trà. Dạ! Có lẽ ông... anh đói bụng. Mời... ông... anh dùng thử bánh củ gừng, em mới làm sáng nay. Bánh còn nóng giòn.

Nhìn thấy Tư ngần ngừ, Cha Nhiên vừa đưa miếng trầu vào miệng nhai vừa nói:
- Bánh củ gừng một đặc sản của người Chàm chúng tôi. Mời cậu dùng thử!

Tư từ tốn đưa mắt mời Ông và mời Nhiên, quay qua đưa cho Miên một cái. Nhiên cầm lấy và mời mọi người. Bánh có hình dáng giống củ gừng, vị ngọt của đường, mùi béo của trứng gà và mùi thơm thơm của gừng. Hương thơm và hơi nóng của bánh khiến lòng Tư ấm lại.

Tư vừa thưởng thức bánh vừa nhìn ra cửa ngõ. Nhà được rào xung quanh bằng cây rất cao khỏi đầu người và dày đặc, chắc chắn. Khuôn viên nhà là một quần thể gồm bảy ngôi nhà vách đất rất mỹ thuật, thể hiện gia đình này có chức sắc, qúy tộc. Dường như Tư đã có biết qua, có những người con trai học tại Phan Rang, ở trọ nhà Bà Hai Mưng, má Tư. Sao hôm nay không thấy một người con trai, chị gái nào?! Họ đã di tản vào Sài Gòn rồi chăng? Tư muốn hỏi lại thôi. Lúc này, không nên tiết lộ thân phận. Nhưng, có lẽ, hai cha con cô gái này biết rõ về Tư qua sự nể vì, chăm sóc. Tư đã đến đây một vài lần chơi với các con trai họ, nhưng chưa lần nào gặp hai cha con này.
- Mời cha, mời hai ông anh ăn bánh tráng ướt với mắm nêm rau sống. Dạ! Rau sống chỉ có khế, dưa leo, tía tô, rau càng cua, đọt xoài non, một mớ xà lách, cải rổ ở nhà trồng!

Tiếng Nhiên thánh thót, líu lo, thân thiện. Cô đã đi mua bánh tráng ướt hồi nào, mà Tư không hay.
- Cảm ơn cô! Xin mời Chú! Mời cô!

Tư vừa nói vừa nhìn Nhiên với vẻ hiếu kỳ. Nhiên mặc áo dài, váy, dây thắt lưng ngang, khăn đội đầu, bông tai lòng thòng và cổ đeo xâu hạt cườm đen bóng. Dáng vẻ tự nhiên mà duyên dáng vô cùng. Nàng nhỏ nhẻ:
- Dạ! Mời ông anh tự nhiên!

Cha của Nhiên từ tốn:
- Con gái có phần riêng của nó. Khỏi phải lo!

Bữa ăn sáng thật ngon miệng! Vừa đói vừa hợp khẩu vị thích ăn bánh tráng ướt; Tư ăn uống coi như nhà của mình tự bao giờ!

Có tiếng xe Honda ngừng trước cửa ngõ. Dáng ai như Thằng Câm đứng lớ ngớ dòm vào. Thằng Miên nhận ra:
- Chú Tư! Thằng Câm! Dạ! Tại sao nó biết Chú ở đây ta?!

Tư chưa kịp hết thắc mắc, Nhiên đã chạy ra mở cửa ngõ, nói vọng vào:
- Cha ơi! Anh Câm đến đón anh... ông Tư nè cha!

Thằng Câm và một người nữa đã bước vô nhà, cúi đầu chào:
- Con chào Ông Cả! Chào cô Nhiên! Chào cậu Tư! Chào Miên!

Tư vừa gật đầu vừa muốn hỏi. Cha của Nhiên nhả bã cổ trầu vào ống nhổ bằng đồng thau sáng bóng, lên tiếng, giải bày:
- Chú Tư! Xin lỗi! Gia đình này với Bà Hai không xa lạ gì! Các con tôi, thằng Tấn, thằng Hoàng đều ở trọ nhà Bà Hai để đi học, trong lúc Chú đi học ở Sài Gòn.

Ngừng lại rít một hơi điếu thuốc gần tàn, miệng đã nhả bả trầu, ông tiếp:
- Hôm qua khi đi thăm rẫy trong núi Trà Bang, cha con tôi thấy hai người ngất xỉu, tôi biết ngay là chú Tư, con bà Hai Mưng. Tôi đã kêu mấy người làm rẫy gần đó, phụ dìu hai chú về đây. Một mặt, cho hai thằng cháu chạy xe Honda xuống Phan Rang báo cho người nhà chú Tư biết.

Ông ngưng nói, nhìn Tư tỏ vẻ bất nhẫn:
- Mấy đứa nhỏ về kể lại Nhà chú khóa cửa. Gọi hoài không có ai. May mà gặp thằng Câm đi về thăm chừng nhà Bà Hai. Tụi nhỏ báo cho Câm biết Chú Tư đang ở nhà tôi. Vậy đó!

Thằng Câm chạy tới ôm chầm vai Tư khóc nức nở! Hồi lâu, ngưng cảm xúc, Câm kể lể chuyện xảy ra từ khi gia đình Tư rời khỏi nhà:
- Một nhóm người mang băng đỏ, cầm đầu là ông nghị viên Xê, một người "huynh trưởng" của cậu Tư; từng được cậu Tư yểm trợ đắc cử Nghị viên; nhưng rồi năm sau lại ra tranh cử chức DB với cậu Tư đó! Ông ta thất cử, vì dân chúng biết mặt thật "gian ác" của ổng.

Ngưng một lát cho bớt cơn tức giận, Câm tiếp:
- Ông ta lấy xe La Dalat của Hội Đồng Tỉnh chở theo ba thằng "đầu trâu mặt ngựa" thừa nước đục thả câu, phá làng phá xóm, đi lùng sục khắp phố, vào nhà những viên chức. sĩ quan cao cấp mà ông ta biết. Chính bản thân ổng ra tay đập phá bảng "Văn Phòng DB-TXB", hối thúc đàn em bắt thang kéo bảng Nhà May Cát ném xuống đất, lấy chân giẫm đạp lên một cách thô bạo, hằn học chửi thề, văng tục inh ỏi! Chúng đập cửa sắt móp méo không mở được.

Câm chạy về kịp. Chúng biết con cũng là... là...

Ngập ngừng một lát, Câm cúi mặt nói trong trong ân hận, biết lỗi
- Con xin lỗi! Con cũng là một tên biệt động nằm vùng. Thấy con "thứ thiệt", chúng là... "váy máu ăn phần". Chúng kéo nhau đi ra đường Thống Nhất, đốt phá Tiệm vải Trung Huê của A Tỷ, một lính kiểng của Tiểu Khu NT.

Câm vòng tay trước ngực như em bé:
- Cậu Tư! Em chở cậu về chăm sóc, khi nào Cậu khỏe, em sẽ đưa cậu đi về Sài Gòn.

Tư cảm thấy Câm xúc động, bối rối lúc xưng em, lúc xưng con, thật lòng tha thiết và giữa tình cảnh này biết tin cậy vào ai, ngoài Câm. Tư đứng lên, chào chủ nhà, đưa mắt tìm Nhiên, như thầm ước muốn nói điều gì!

Chủ nhà hiểu ý, kêu Nhiên tiễn chân Tư ra cửa. Nhiên nhìn Tư lưu luyến, hai mắt hoen đỏ, ấp úng:
- Anh Tư! Tấm khăn thổ cẩm này anh quàng cổ cho ấm! Anh! Anh đến nơi an toàn, nhớ gởi thư cho em biết! Em lo! Đừng quên...!

Nhiên chưa nói hết câu đã chệnh choạng, dựa vào cánh cửa, nước mắt ràn rụa! Tư đâu biết, Nhiên đã qụy ngã khi bóng Tư quẹo ra cửa ngõ.

Câm chở Tư, còn người đi theo Câm không ai xa lạ là Trường, em trai của Miên, chở Miên trở lại Phan Rang. Người rời đi. Lòng Tư trĩu nặng!

Thành phố hoang vắng một cách kỳ lạ! Thỉnh thoảng xuất hiện một đám bóng ma "hung thần" của những tên đeo băng đỏ, cầm súng Ak bắn thị uy trên những chiếc xe jeep, Dodge 4x4 do Tiểu khu bỏ lại.

Đồng bào từ Đà Lạt chạy xuống, Nha Trang chạy vào. Báo hiệu mọi điều bằng chân, Cộng sản đã đến sau lưng, đồng bào bỏ nhà chạy trước. - Điều này, khi Tư đóng quân tại Phú Yên, chứng kiến đồng bào các miền quê như Sông Cầu, Đồng Xuân, La Hai, Đèo Thị, Tuy An, v.v... đều kéo về với phía lính Cộng Hòa, không ở lại với VC. Lê thê lếch thếch! Hớt hơ hớt hải! - Kẻ gồng người gánh. Kẻ đu đeo xe đò, người chen chúc trên những chuyến xe hướng về cửa biển Ninh Chữ, Hải Chữ và dọc theo Quốc lộ 1 hướng về Cà Ná, hướng về Sài Gòn...

Tình thế nguy nan, Tư quyết định bỏ nhà đi một lần nữa! Giao quyền cho Miên và thằng Câm ở lại coi chừng nhà. Đến đâu hay đến đó. Còn mất chẳng thiết nữa!

Toàn thân bị gai xương rồng đâm bắt đầu mưng mủ. Cố gắng nuốt đau thương Tư theo đoàn người di tản bằng đường bộ. Đến núi Chứa Chan thuộc tỉnh Bình Thuận bị lính chận lại, không một ai có thể đi qua được. Từ trên núi Cộng sản bắn xuống, pháo xuống. Tư băng Rừng Lá, theo đoàn người di tản, dò đường xuống biển LaGi, mũi Kê Gà. Người người hỗn loạn! Tranh nhau leo lên ghe thuyền bất chấp bị xua đuổi, xô đạp xuống biển. Tư bơi ra khỏi cồn cát, cách bờ khoảng 100 mét (?), leo lên ghe một cách chật vật khốn đốn vì bị mái chèo đập vào tay, vào đầu. Máu trộn nước mắt!

Trời thương Phật độ, cuối cùng Tư cũng đến được Vũng Tàu. Dân địa phương nấu cháo phát cho người di tản ngập tràn Bãi Trước. Tư lặn lội, lục lạo tìm gia đình. Cuối cùng đã gặp! Vợ Tư vừa khóc vừa nói:
- Vì em không có tiền trả, nên chủ ghe giữ không cho mẹ con em rời đi. Họ nói khi nào người nhà đến thanh trả tiền mướn ghe thì họ mới cho đi.

Tư ân cần dặn dò vợ con ráng đợi và hẹn với chủ ghe, ông Hai Râu, ngày mai sẽ đem tiền đến "chuộc" vợ con. Mọi chuyện êm xuôi. Nhưng, tình hình mỗi ngày mỗi "khó khăn" hơn. Tư luồn lách mọi cách. Đường từ Long Thành về Sài Gòn đã nhiễu loạn. Nhiều chốt chặn. Tư tìm đường qua Nhơn Trạch, qua phà Cát Lái, rồi qua phà Thủ Thiêm, về Cư xá Vĩnh Hội, Quận Tư, Sài Gòn. Đói khát, nguy nàn. Gia đình xơ xác! Xác xơ! Các con đều ngả bệnh, lên cơn sốt! Mua đại mấy hộp Tylenol cho các con uống đỡ.

Tư trở lại Văn phòng HNV làm việc. Hội họp liên miên. Tin tức "di tản" hết Ban Mê Thuột, đến Quảng Trị, lần lượt vào đến Phan Rang. Rồi Tông Tông từ chức, v.v... Khỏi nói ai cũng đã biết những gì xảy ra sau đó! Nước mất! Nhà tan! Nhân tâm ly tán!

Gia đình Chị Ba của Tư, gồm chồng và năm con từ Phan Rang chạy vào đến nhà Tư, muốn tìm đường trốn thoát ra nước ngoài. Năn nỉ Tư đưa giùm ra Bến Bạch Đằng ví Anh không biết đường; Tư cứ hẹn mãi cho đến trưa 30-4 mà không đưa đi. Anh Chị bị kẹt lại, mang niềm uất hận mãi mãi về sau này. Đây cũng là một sự hối hận vô cùng sâu sắc, dằn vặt, đè nặng tâm tư tình cảm của Tư đối với anh chị và các cháu. Cháu lớn vào tù Cải Tạo như Tư. Chị rồi anh buồn đau mà mất. "Cúi đầu nước mắt ngàn hàng"! Kính xin Anh Chị anh linh tha thứ cho em!

Tư cũng đã giá quá đắt!

Sau tù cải tạo, rồi tù phản động, tù vượt biên tại Thành Ông Năm, Phú Quốc, Trảng Lớn, Đồng Ban, Cây Cày A, V4ng Tàu, Xuân Sơn... hơn 13 năm. Từ Stan Hao, Cam Bốt (VC gọi là Kampuchia) Tư tự đóng ghe, đưa các con qua Leam Ngop - Thái Lan và đã được tỵ nạn tại Mỹ. Tư trở về thăm quê hương.

Gặp lại Thằng Câm. "Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ! Nhưng Câm bao năm vẫn tình còn nhớ! Mười năm không gặp, mười năm nhớ thương"! Đúng ra, đến nam 2003, Tư mới dám léo hánh về VN trong nơm nớp lo âu! Vì nghe các cháu cho biết:
- Thằng em rể, chồng cô em gái, trước kia làm tài xế của Bà Hai, lái xe chở khách từ Khánh Hội về Mỹ Tường. Một hôm, đến Đèo Ngang đuổi khách xuống hết, chở VC về đánh úp Xã Vĩnh Hải. Đốt sạch Trụ sở và giết hết viên chức xã, rồi bỏ xe trốn theo VC luôn. Nay hắn về tiếp quản Phan Rang.

Hắn nói:
- Nếu gặp Tư, sẽ chặt ra ba khúc!

Nhưng, trời bất dung gian, hắn chỉ được "kách mạng" bố thí cho một chức quèn ở một huyện xa Sông Pha. Hơn một năm sau, Hắn thổ huyết mà theo Bác!

Tư ngạc nhiên! Câm là người tìm đến thăm Tư trước nhứt. Câm già hẳn đi! Vừa thấy Tư, Câm đã chạy tới ôm chầm như ôm đào... lộn hột! Câm rối rít, nói đứt quãng:
- Gặp cậu! Mừng quá! Cậu cũng vậy! Đẹp trai như ngày nào!
- Thôi ông! Xạo và nịnh vừa thôi! Hết bạc cắt rồi!
- Em đâu cần xin tiền đô của cậu đâu! Lúc này em...

Cô em gái, vợ thằng em rễ "kách... cái mạng" chen vào:
- Anh Câm lúc này giàu lắm! Ảnh lên khu Kinh Tế Mới Tân Giang mở nông trại nuôi dê, cừu, bò, heo, gà. Còn trồng đủ thứ hoa màu!

Câm kéo vôi Tư ra sân, nói nhỏ, không muốn cho ai nghe:
- Cậu còn nhớ... nhớ cô Nhiên hông?

Tư vừa ngoái nhìn vào nhà, coi có ai để ý không, vừa bụm miệng Câm:
- Suỵt! Nói nhỏ nhỏ một chút! Nhiên nào? Mà cổ ra sao rồi?
- Cậu này thiệt tình! Cô Nhiên người Chàm ở Nho Lâm đó! Cổ nhớ cậu lắm! Cô hổng chịu lấy chồng! Cổ thường đi chợ Phan Rang, cố tìm em để hỏi thăm về cậu. Tội cổ lắm! Cổ nói cổ chờ cậu cho tới...!

Tư cảm thấy tim mình nhói mạnh. Bao năm qua, vô tình quên hẳn hình bóng người thôn nữ chân chất, đẹp từ hình dáng đến tấm lòng như một thiên thần. Nàng đã cứu mình qua cơn nguy nàn trong rừng sâu. Chiếc khăn thổ cẩm cũng không biết trôi lạc nơi đâu!

Thằng Câm bấm mạnh tay vào hông Tư:
- Cậu muốn đi thăm cổ không? Mấy năm rồi, Câm không thấy cổ đi chợ Phan Rang nữa!

Không đợi Tư trả lời, Câm nói như ra lệnh:
- Sáng mai, Cậu nói là cậu vào nhà Câm thăm chơi. Câm sẽ chở cậu đi Nho Lâm nhen. Nhớ đó!

Hôm sau mặt trời chưa lên, Câm đã đến gọi:
- Cậu Tư ơi! Mời cậu đến nhà Câm chơi. Có chuyện cần Cậu giúp!

Tư cũng đang chờ Câm. Suốt đêm, Tư trằn trọc mãi. Nôn nao mong sao trời mau sáng! Tư đội nón, mang dép đi ra ngay, không kịp nói cho ai biết mình đi đâu.

Từ Phan Rang đến Nho Lâm, khoảng dưới 20 cây số! Câm chạy Honda đời 67 cũ tương đối nhanh. Gió sớm, nắng mai mát rười rượi. Nửa giờ sau, Câm đã đến nơi muốn đến. Nhưng, cảnh vật có vẻ khác thường. Ngôi nhà hình như không giống như năm nào. Nhà lợp ngói đỏ, không còn là nhà tranh nữa! Câm rất tự nhiên dắt xe vào cửa ngõ như vào nhà mình. Một chàng trai bước ra hỏi:
- Anh muốn tìm ai?

Câm hơi ngượng:
- Đây không phải là nhà cô Nhiên sao?

Chàng thanh niên trố mắt:
- Cô Nhiên nào? Ở đây đâu có ai tên Nhiên!

Câm và Tư kinh ngạc, tim đánh thót! Không ai bảo ai, nhìn quanh. Đúng vị trí này mà! Nhà bên trái đằng sau có chuồng trâu. Nhà bên phải có tảng đá lớn ngay góc rào. Hàng rào nhà này, tất cả cũng như cũ. Chỉ khác một điều là có đổi ra mái ngói thôi mà!

Chàng thanh niên có vẻ không muốn tiếp chuyện đã quay vào nhà. Tư và Câm tiu nghỉu đi ra! Câm dắt xe đi thêm một khúc nữa, tìm người thử hỏi thăm xem sao.

Một người đàn bà, có cách ăn mặc đúng là người Chàm truyền thống, đang đội một cái lu trên đầu đi tới. Câm bạo dạn hỏi:
- Thưa cô! Cô có biết nhà cô Nhiên ở đâu không cô?

Người đàn bà đưa hai tay giữ cái lu, nói:
- Cô Nhiên hả? Mà hai anh là ai mà hỏi cô Nhiên?

Câm trả lời thay Tư:
- Tụi cháu là bạn của Tấn, Hoàng... các anh trai của Nhiên.
- Vậy hả! Cô Nhiên ở đằng... bên kia kìa.

Nhìn theo hướng tay của chị, Tư và Câm hơi ngạc nhiên, hỏi:
- Bên kia là rừng, núi, đâu thấy nhà ai đâu?!
- Các anh cứ tới đó sẽ thấy!

Tư cũng như Câm đang thắc mắc muốn hỏi thêm. Nhưng, quay lại thì người đàn bà đã đi quá xa rồi! Hai chàng trai lần hồi vừa chạy xe tới vừa dò tìm. Chỉ thấy các cổng giống như cổng chùa, cổng miếu. bảng đề: Nghĩa trang họ Trần, Nghĩa trang Huỳnh Tộc, Nghĩa trang tộc Nguyễn, v.v... Không thấy nhà ai cả.

Chiều đã xuống! Trời nhá nhem tối. Tư hối Câm trở về. Sáng mai sẽ trở lại. Nhưng, hình như có người mặc áo dài trắng đang đi phía trước. Câm rồ máy xe chạy theo! Chạy theo! Mây đen kéo về phủ kín đầu núi. Sấm nổ ầm ầm. Chớp giăng mắc! Mưa trút xuống như cầm chỉnh đổ. Không ai đem theo áo mưa. Ướt như chuột lột! Gió thổi phần phật, rít mạnh vào cây nghe như tiếng hú rợn người! Mưa tạt rát mặt. Đường mịt mù! Không còn thấy người phía trước đâu nữa! Câm quay lại vừa run vừa cố nói lớn:
- Hết thấy đường rồi! Em nghe ớn lạnh quá!

Hai hàm răng đánh vào nhau, Tư nói như rên:
- Ừ! Anh cũng thấy vậy! Tìm chỗ núp mưa đi!
- Đây không thấy nhà ai hết cậu ơi! Nguy hiểm quá!
- Câm cố nhắm chừng mà chạy đi!

Ầm! Một tiếng! Xe bật gọng như đụng vào tảng đá lớn.. Trời tối đen như mực. Quờ quạng! Không nhìn thấy gì cả., Tư lo sợ, lớn tiếng gọi:
- Câm đâu rồi? Có sao không?

Không nghe tiếng trả lời. Tư càng quýnh quáng, vừa bò vừa hỏi:
- Câm ơi! Câm đâu rồi Câm?

Bất chợt, rợn tóc gáy có tay ai bồng xốc Tư lên, chập choạng bước đi. Tư điếng hồn, ngất xỉu!

Bửu Truyền

Không có nhận xét nào: