Có câu: “Sau mỗi thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Kỳ thực, đối với cuộc đời của người đàn ông, nếu may mắn gặp được người thầy giỏi, bạn tốt, cộng thêm nỗ lực của bản thân thì con đường dẫn tới thành công sẽ bớt đi nhiều gập ghềnh trắc trở. Bên cạnh đó, nếu một người đàn ông lấy được một người vợ hiền đức, thấu hiểu đạo lý, biết nhìn xa trông rộng thì đó cũng là một nguồn động viên vô cùng lớn, và đôi khi điều đó còn là nhân tố quyết định thành công của người đàn ông.
<!>
Dưới đây là một số mẩu chuyện được viết trong cuốn Liệt Nữ truyện của Lưu Hướng về việc nhờ lấy được vợ hiền mà tên tuổi của người đàn ông đã vang danh sử sách.
1 - Nhờ Phàn Cơ khuyên can Sở Trang Vương đạt được nghiệp xưng bá thiên hạ :
Phàn Cơ là Phu Nhân của Sở Trang Vương. Sau khi lên ngôi, Sở Trang Vương thích săn bắn. Phàn Cơ nhiều lần can gián không được, bèn quyết không ăn thịt cầm thú. Từ đấy, Vương sửa đổi, chuyên việc chính sự hơn.
Một lần thấy Sở Trang Vương thường vì việc triều đình mà bỏ bê ăn uống. Phàn Cơ tự đến điện hỏi: “Vì sao Đại Vương bỏ bê ăn uống? Chẳng nhẽ không đói, không mệt ạ?”. Sở Vương nói: “Cùng người hiền nói chuyện thì không biết đói, không biết mệt”. Phàn Cơ nói: “Người hiền mà Đại Vương nói là ai vậy?”. Sở Vương lại đáp: “Là Ngu Khâu Tử”. Phàn Cơ nghe xong bịt miệng mà cười. Sở Vương hỏi: “Vì sao lại cười?”.
Phàn Cơ bèn đáp: “Ngu Khâu Tử hiền thì có hiền, nhưng trung thì chưa chắc”. Sở Vương hỏi: “Sao lại vậy?”.
Phàn Cơ bèn đáp: “Thiếp hầu hạ Quân Vương ngót cũng 11 năm, đã từng sai người đến khắp các nước Trịnh, nước Vệ, cũng là để kiếm hiền nữ hầu hạ Quân Vương. Nay người hiền hơn thiếp có hai người, ngang thiếp có bảy người. Chẳng nhẽ thiếp không muốn được Quân Vương sủng ái một mình thiếp sao! Thiếp thường nghe nói: “Đường thượng kiêm nữ, sở dĩ quan nhân năng dã” (Sảnh lớn nhiều người nữ, có thể quan sát được ai là người hiền). Thiếp không thể lấy chuyện tư át chuyện công, luôn muốn để cho Quân Vương trong đám đông Phi Tần này biết được ai là người hiền đức.
Ngu Khâu Tử làm Tể Tướng đã hơn 10 năm, tiến cử không phải đệ tử thì cũng là anh em trong gia tộc. Thiếp chưa từng nghe nói tiến cử người hiền tài, cũng chưa từng thấy truất phế kẻ bất tài. Có lẽ đây là che dấu Quân Vương ngăn chặn đường tiến của người hiền tài. Biết nhân tài mà không tiến cử là bất trung; không biết ai hiền mà tiến cử là bất minh. Cho nên, sau khi nghe Quân Vương nói, thiếp thấy buồn cười. Không phải là chuyện bình thường sao!”. Sở Vương nghe xong rất vui.
Ngày hôm sau, Sở Vương nói lại lời của Cơ với Khâu Ngu Tử. Khâu Ngu Tử hốt hoảng mà không đáp lại được. Sau khi về nhà, Khâu Ngu Tử liền tiến cử Tôn Thúc Ngao. Và Sở Trang Vương cho làm Lệnh Doãn (tức là chức Tể Tướng). Sau ba năm nước Sở dưới sự quản lý của Tôn Thúc Ngao, Sở Trang Vương trở thành bá chủ thiên hạ.
Sách sử Sở có viết: “Trang Vương xưng bá, ấy là có công của Phàn Cơ”.
2 - Tề Tương Ngự thê khuyên chồng tu đức, từ phu xe được thăng lên làm quan :
Tề Tương Ngự thê là vợ người phu xe cho Tể Tướng nước Tề tên là Yến Tử. Yến Tử là tướng quốc của nước Tề, làm quan qua hai đời vua, được hậu nhân nhìn nhận là một người tài đức vẹn toàn, thông minh cơ trí, tạo nên sự hưng thịnh của nước Tề thời Xuân Thu.
Một lần, Yến Tử ngồi xe ra ngoài. Vợ người phu xe nhìn qua khe cửa thấy chồng đánh xe cho Tể Tướng, ngồi ở dưới chiếc ô lớn, quất roi vào bốn con ngựa, diễu võ dương oai, vô cùng tự đắc.
Khi người chồng về nhà, người vợ nói rằng: “Chàng thân ở nơi thấp hèn thực ra là vô cùng thích hợp”.
Người chồng hỏi: “Tại sao lại nói vậy?”.
Người vợ đáp: “Yến Tử thân không cao quá ba thước nhưng lại làm Tể Tướng của nước Tề, dương danh Chư hầu. Hôm nay, thiếp từ khe cửa quan sát khí sắc, chí hướng của ông ấy thì thấy ông ấy vô cùng khiêm tốn, nhưng có thể thấy những điều ông ấy nghĩ vô cùng sâu xa. Hiện nay, chàng thân cao tám thước, chẳng qua chỉ là người hầu cho ông ấy mà thôi, nhưng chàng dương dương tự đắc, vô cùng thỏa mãn. Do đó, thiếp không muốn ở cùng chàng nữa”.
Người chồng tạ tội nói: “Ta sẽ thay đổi. Nàng thấy thế nào?”.
Người vợ nói: “Nếu lòng có được trí tuệ của Yến Tử, lại thêm thân cao tám thước và nếu như có thể tự mình làm việc nhân nghĩa, hầu hạ minh chủ thì nhất định sẽ dương danh thiên hạ. Huống hồ thiếp nghe nói thà rằng lấy việc giữ vững nhân nghĩa làm vinh dự, cho dù thân ở nơi nghèo hèn cũng không do sự kiêu ngạo, giả dối mà tham cầu sự tôn quý”.
Vì vậy, người chồng tự trách mình, cố gắng học đạo, biểu hiện vô cùng khiêm tốn, thường xuyên cảm thấy mình làm như vậy là chưa đủ. Yến Tử cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi tại sao lại thay đổi như vậy. Người phu xe bèn kể lại cho Yến Tử nghe. Yến tử thấy người phu xe có thể tiếp thu lời khuyên mà sửa lỗi, cho rằng là người hiền tài bèn tiến cử với Cảnh Công để cho làm quan, khen ngợi vợ người phu xe, gia phong cho vợ người phu xe là Mệnh phụ.
3 - Tề Khương dùng điều thiện bồi dưỡng giúp Tấn Văn Công xưng bá thiên hạ :
Tề Khương là Tôn Nữ của Tề Hoàn Công, là phu nhân của Tấn Văn Công. Tấn Văn Công là Công Tử đương thời, tên gọi Trùng Nhĩ. Vì muốn bảo toàn tính mạng, ông đã cùng với Cữu Phạm bỏ trốn sang nước Địch. Sau này khi đến nước Tề, Tề Hoàn Công đã gả Tôn Nữ cho Trùng Nhĩ, đối xử vô cùng trọng hậu, còn ban cho hai mươi cỗ xe ngựa. Trùng Nhĩ có được cuộc sống như vậy bèn quyết tâm ở lại nước Tề. Trùng Nhĩ nói: “Đời người chẳng qua là ham muốn an nhàn mà thôi, ai còn có thể nghĩ đến việc khác”. Tử Phạm (tức Cữu Phạm, là cậu của Trùng Nhĩ) biết Trùng Nhĩ muốn ở lại nước Tề, muốn Trùng Nhĩ lên đường nhưng lại sợ Trùng Nhĩ không nghe nên cùng với tùy tùng bàn bạc chuyện rời đi ở vườn dâu.
Khi đó, người tiểu thiếp nuôi tằm của Trùng Nhĩ ở đó. Người tiểu thiếp đem chuyện này báo cho Tề Khương. Tề Khương lập tức giết chết người tiểu thiếp rồi nói với Trùng Nhĩ rằng: “Những người tùy tùng của chàng bàn việc để chàng rời nước Tề. Thiếp đã diệt trừ người biết việc này. Chàng nhất định phải nghe theo lời của họ, không thể chần chừ do dự, nếu chần chừ do dự sẽ không giữ được tính mạng của mình. Từ khi chàng rời khỏi nước Tấn thì nước Tấn không có ngày nào được bình yên. Xem ra trời không muốn diệt nước Tấn, mà người có được nước Tấn chẳng phải chàng thì là ai, chàng phải cố gắng lên! Ông trời đang dõi theo chàng, nếu chàng chần chừ do dự thì nhất định sẽ có sơ suất”.
Trùng Nhĩ nói: “Ta sẽ không nghe lời họ mà rời xa nước Tề. Ta đã hạ quyết tâm ở lại nước Tề”.
Tề Khương nói: “Không thể như vậy! Chu thi có câu: “Tân tân chinh phu, mỗi hoài mị cập” (Hàng ngày có rất nhiều người đang cố gắng mà còn sợ không đạt được mục đích). Cho dù hàng ngày viễn chinh còn e là khó đạt được mục đích, huống hồ ham muốn an nhàn. Sao có thể thực hiện lý tưởng! Người mà không theo đuổi lý tưởng, sao có thể đạt được lý tưởng! Họa hoạn sẽ không kéo dài, chàng nhất định sẽ có được nước Tấn”.
Trùng Nhĩ không nghe. Thế là, Tề Khương âm thầm bàn bạc với Cửu Phạm, chuốc rượu cho Trùng Nhĩ thật say rồi vực lên xe, âm thầm đi khỏi nước Tề.
Sau khi đi qua các nước Tào, Tống, Trịnh, Sở, cuối cùng Trùng Nhĩ đã về đến nước Tần. Tần Mục Công xuất binh giúp Trùng Nhĩ trở về nước Tấn. Người nước Tấn giết chết Hoài Công rồi lập Trùng Nhĩ. Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn Công. Sau khi trở về nước, Tấn Văn Công nghênh đón Tề Khương đến nước Tấn và lập thành Phu Nhân. Thế rồi, Văn Công xưng bá thiên hạ, trở thành minh chủ của các nước Chư Hầu.
Bậc quân tử nói rằng, Tề Khương thuần khiết mà không khinh nhờn, có thể lấy điều thiện để bồi dưỡng người quân tử. Mệnh phụ biết được thế nào là điều thiện. Phàn Cơ giỏi nhìn người và dẫn hướng cho chồng. Cho nên mới nói, để trở thành người hiền tài có rất nhiều con đường, không chỉ dựa vào sự chỉ bảo của người thầy và bạn bè mà nhờ vào sự bồi dưỡng của vợ cũng có không ít.
Nghèo nhưng không hèn, giỏi nhưng không kiêu ngạo. Cao mà luôn khiêm nhường, thấp mà luôn biết vươn lên. Dù ở thân phận nào, cao hay thấp, chỉ cần giữ thái độ khiêm tốn, lắng nghe khuyên can, giữ vững nhân nghĩa, tận tâm tận sức làm việc thì con đường công lao sự nghiệp cũng sẽ mở ra những cơ hội tốt. Nhờ sự khéo léo động viên, nghiêm nghị cương quyết của vợ mà người chồng của họ đã đạt được thành tựu.
San San ( Tác giả )
Thân mến
TQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét