Vào năm 1940 quân Nhật đã tràn vào Đông Dương và ngự trị Saigòn, nên hằng ngày máy bay Đồng Minh liên tục oanh tạc, nhiều khu phố sụp đổ tan tành. Thương vong không ít. Nhiều người đem gia đình tản cư về quê. Gia đình tôi cũng ở trong trường hợp đó, chỉ có ông ngoại và dì Út tôi ở lại giữ nhà. Lúc đầu ở ngay quận Đức Hòa, nhưng vào tháng 11 năm 1945 quân Pháp đánh chiếm Hốc Môn, Củ Chi và kiểm soát quốc lộ 1 (đường đi Tây Ninh), bọn Việt Minh ở Đức Hòa ra lịnh sơ tán vào vùng sâu. Dân chúng gồng gánh chay vào khu Gò Sao, Rạch Nhum có gia đình chạy tuốt vào mật khu Rừng Thơm phải bị chết chốc vì máy bay Pháp oanh tạc, gia đinh tôi ngừng lại xóm Trại Bí xã Hiệp Hòa.
<!>
Vào đầu năm 1946 bọn Việt Minh rất tàn bạo dã man họ giết đạo Cao Đài, giết các ông hội đồng, cả người trong ban hội tề xã, đốt nhà và cướp tài sản! Lúc đó thật kinh hoàng, cha tôi trước là công chức sở Công chánh nên ông sợ lắm, một đêm ông bỏ nhà lẫn qua đường Hốc Môn vào Saigon. Thời gian sau, nửa đêm khuya má tôi dẫn chúng tôi lẫn trốn qua Củ Chi, theo quốc lộ 1 về Phú Nhuận ở nhà Ông ngoại tôi. Bây giờ tôi bắt đầu đi học lại, đã 10 tuổi rồi mà mới được học lớp tư chung lớp với mấy bạn ở 7 tuổi. May quá trong xóm gần nhà có anh bạn tên Ân cùng hoàn cảnh hồi cư như tôi, lớn đầu mà học trễ! Trường chúng tôi học rất xa, vùng Phú Nhuận chỉ có một trường Sơ Học, gồm có 3 lớp (lúc đó gọi là lớp năm, lớp tư và lớp ba dạy nhiều tiếng Pháp), gọi là trường Tổng, tọa lạc khu Tổng Tham Mưu (Gò Vấp). Hai chúng tôi rất siêng học, vì cậu Mười tôi cứ hăm he rằng: hai đứa bây phải gắng lên lớp luôn, nếu rớt người ta đuổi học vì lớn tuổi, phải chịu dốt đó!
Qua lớp tiểu học, tôi và Ân thi đậu vào trường Petrus ký, lúc đó hai đứa đã 15 tuổi rồi nhưng chúng tôi rất siêng học nên thi đậu trung học đệ nhất cấp rất dễ. Đến lúc học đệ nhị để chuẩn bị thi Tú tài 1, các thầy giáo ai cũng bảo Tú Tài 1 khó đậu lắm, tỷ lệ đậu chỉ mười phần trăm. Chúng tôi thật lo, đã qua 20 tuổi nếu rớt là phải đi quân dịch. Ngặt một nỗi, lúc đó khu phố tôi có một gia đình rất giàu về ở, họ có cả xe hơi, có máy hát, hát rùm trời!... nhất là từ buổi trưa đến tối, đủ loại tuồng nào là Lan và Điệp, Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh Khố Chuối… gây xáo trộn cho sinh hoạt của cả xóm!
Một buổi tan trường về Ân hỏi tôi: hơn tháng nay bạn có học bài được không? Tôi nói: - trời ơi chỉ nghe cải lương nhức đầu lắm!
Ân đáp: - Có một chỗ yên tịnh lắm. Mình vào chùa Kim Sơn học bài.
Tôi nói đùa: vào chùa tu hả ông?
- Không phải tu hành gì cả, chùa nầy sư nữ trụ trì là Dì Hai của tôi không sao đâu hai đứa mình cứ ngồi bên hông chùa học bài, yên lắm, vả lại cảnh chùa đẹp, ông thấy là ưng ý, chắc ông sẽ viết được những bài thơ hay!
Hôm sau đi học về lối 2 giờ trưa hai đứa chúng tôi vào chùa Kim Sơn, cũng gần nhà, chỉ qua con lộ Thái Lập Thành (bây giờ là Phan Xích Long) là tới. Trước khi vào chùa phải qua một nghĩa trang khá rộng. Chúng tôi đi men theo con đường mòn lên khu đồi thấp là sân chùa. Ôi một cảnh thật đẹp ít có tại vùng Phú Nhuận. Một dãy hàng dương rì rào theo gió cạnh con rạch nhiều bông lục bình tím, bên phải là một ao sen có nhiều cá, trên bờ ao vài bụi chuối, có cây buồng chuối có trên 2 trăm nải dài thòng xuống đất thật bắt mắt. Giữa sân một gò mối to đụn trên ngọn có bụi dâm bụt bông vàng đỏ rung rinh theo gió!
Ân chợt nói nhỏ với tôi rằng: dưới gò mối đó có hai con rắn hổ đất to và dài, có lẽ nó tu rồi nên nó hiền lắm, thỉnh thoảng bò vào chánh điện nghe kinh !Tôi nghe xong phát sợ hỏi lại: -bạn có lần nào thấy không?. Ân đáp: thấy nhiều lần, vì chùa nầy là chùa dì Hai tôi nên tôi hay lui tới!
Chuyện đó coi như qua đi. Thường ngày cứ độ hai giờ trưa hai chúng tôi vào ngồi học ở hiên chùa thật bình yên. Có một hôm đang ngồi học Ân vụt đứng dậy chạy băng qua nghĩa trang, tôi chồm lên nhìn theo thấy Ân đang quảy một gánh vỏ dừa vào sân chùa, đi sau là một ni cô trẻ,
Cô lấy chiếc khăn trên vai lau mồ hôi trên mặt, mặt cô ửng hồng, đôi mắt thật tinh anh. Cô nhìn tôi chấp tay khe khẻ nói: mô Phật chào huynh. Tôi nhìn cô không đáp lại, chỉ dạ một tiếng. Ân đổ hai thúng vỏ dừa xuống sân. Cô vội lấy chiếc đòn gánh trải mấy vỏ dừa ra phơi, bèn nhìn Ân cười, chấp tay nói khẻ: mô Phật, xin cám ơn Huynh, Ân không nói lời nào chỉ gật đầu !
Sau khi Cô khuất trong chùa thì Ân nói với tôi rằng: Ni cô nầy tội nghiệp lắm, cô pháp danh là Diệu Hạnh, cha mẹ Cô ở cùng quê với má tôi quận Cần Đước, tỉnh Tân An. Vào năm 1947 Tây đi bố vào xã, ba Cô trước là thầy giáo tiểu học tức nhiên là giỏi tiếng Pháp. Tây hỏi Ông trả lời với ý tốt cho dân, nói Tây đừng đốt nhà vì ở đây dân hiền lắm. Thế là cả xóm không bị đốt nhà! Nhưng rủi ở xóm ngoài, ba tên du kích Việt Minh đang núp dưới ao rau muống bị Tây bắn chết, thế là Việt Minh bảo thầy giáo chỉ điểm cho Tây, nên tối chúng đến nhà cắt cổ cả cha mẹ Cô. Trời ơi lúc đó Cô mới có 6 tuổi thật bơ vơ! Má tôi nghe tin xuống Cần Đước dẫn cô về cho đi học chung trường với Kim Anh em gái tôi. Cô thông minh học giỏi lắm và đậu tiểu học, má tôi cho cổ cùng học với Kim Anh tại Tư Thục Tân Thịnh được đến lớp đệ ngũ, lúc dó cô trổ mã đẹp lắm, một hôm má tôi dẫn cô và Kim Anh đi chùa nầy cô gặp Sư cô Diệu Đức là dì tôi họp ý trùng nghiệp thế nào không biết, cổ xin nghỉ học vào chùa phát nguyện đi tu. Vì là chùa của dì nên tôi thường hay lui tới, thấy cô cực khổ mà tôi tội nghiệp và thương lắm! Thật hai ngả Đạo đời trong cõi trần gian nầy ngõ nào cũng khổ cũng cực! Nói đến đó tôi thấy Ân nhìn xuống mắt vương lệ ngậm ngùi!
Chúng tôi tiếp tục đến chùa nầy bọc bài một thời gian dài rất thuận tiện và kỳ thú: nếu trời vừa đổ mưa ni cô Diệu Hạnh ra bảo: hai Huynh vào trong kẻo ướt lạnh, thường lúc đó Ân bảo nhỏ với tôi: không sao vào đi chắc dì Hai tôi bảo cô ra kêu đó. Còn điều kỳ thú nữa là thỉnh thoảng vào buổi trưa 2 con rắn hổ từ gò mối chui ra lửng thửng bò vào chánh điện, thường có một con rùa thật to từ đám chuối bò ra ăn những bông sứ (hoa đại) rụng, từ từ lại gần chúng tôi rất thân thiện. Trên cành dương có những con chim cu gù gáy liên tục bất chợt tôi nhớ cảnh quê nhà tôi vào buổi trưa quá! Thỉnh thoảng chiếc xuồng ba lá lướt qua, các chị hay các bà chấp tay hướng vào chùa xá xá biểu lộ sự tôn kính !
Một buổi trưa trước khi vào chùa để ôn bài, Ân dẫn tôi theo đường Võ Di Nguy vào tiệm giày Minh Quang anh lấy đôi dép có quai sau, anh nói là mua cho Diệu Hạnh vì anh thấy mấy ngày nay dép của Diệu Hạnh đứt quai nên cô đi chân không thật tội nghiệp.
Nghe như vậy tôi nghĩ Ân thương Diệu Hạnh biết là chừng nào! Một tình yêu vô cùng thánh thiện!
Lần lữa chúng tôi qua hai kỳ thi Tú Tài 1 và 2, cả hai đậu được hạng bình thứ chúng tôi nghĩ chắc nhờ Cô Diệu Hạnh cầu nguyện cho chúng tôi!
Sau thời trung học có kết quả, chúng tôi nộp đơn thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh kết quả Ân rủi không trúng tuyển, tôi nghĩ Ân sẽ học ở Đại Học Khoa Học Ban Toán, nào ngờ Ân thi vào trường Võ Bị Đà Lạt. Trước ngày Ân đi nhập học, Ân rủ tôi vào Chùa Kim Sơn lễ Phật, thật sự Ân đến để giả từ Diệu Hạnh, ở sân chùa tôi đứng cách xa bên hồ cá. Tôi thấy Diệu Hạnh khóc nhiều lắm!
Rồi hai chúng tôi xa nhau, xa ngôi chùa nhiều kỷ niệm, Ân xa một ni sư nhưng hình bóng Diệu Hạnh mãi trong lòng chàng! Lúc ra trường chiến tranh càng lúc càng ác liệt, Ân ở miền Cao nguyên còn tôi ở một quận gần biên giới Viêt Miên. Thật xa cách có nhớ về nhau đôi lúc, nhưng nhiệm vụ tất bật của đời trai thời chinh chiến nên mọi sự đều gác lại!
Có một lần cha tôi chết tôi được về phép để lo tang, gặp Kim Anh, em gái Ân, đến chia buồn. Kim Anh hỏi tôi có biết chuyện tình của Ân và ni sư Diêu Hạnh không. Tôi đáp: có biết nhưng chắc không rõ như cô trong gia đình đâu!
Tiếp đó Kim Anh nói: -“lúc anh Ân mới đậu Tú Tài 2, cả nhà vui lắm, trong bữa cơm chiều Ân nói với má tôi rằng anh nhờ má tôi nói với dì Hai Ni sư trụ trì chùa Kim Sơn cho Diệu Hạnh hoàn tục để anh cưới Diệu Hạnh làm vợ! Má tôi nghe như vậy bà kêu trời và phản đối, Bà nói: ”Ân ơi đời là bể khổ trầm luân, Diệu Hạnh thoát tục, thoát cõi mê lầm về bến giác cớ chi con kéo người ta về tục lụy khổ đau. Má thương con chiều con mọi thứ nhưng việc nầy má không bao giờ chấp nhận. Ân ơi “tu là cõi phúc tình là dây oan“ mà con ! Con đậu tú tài mai mốt lên đại học thiếu gì nữ sinh đẹp để con thương, cớ chi làm bận rộn cảnh chùa, làm xáo trộn đời một ni cô”. Anh Ân nghe vậy không cãi lại má, thật bản tánh anh hiền lắm, cả ngày sau anh chỉ ngủ trong buồng và im lặng. Sau đó anh bỏ trường Đại học Khoa học vào trường Võ Bị Đà Lạt. Nay thì anh sống cuộc đời sương gió khói lửa, canh cánh trong lòng một mối tình câm lặng. Ôi như cảnh trong truyện Hồn Bướm Mơ Tiên!.” Kim Anh lúc đó là một góa phụ chồng cô là sĩ quan sư đoàn 5 bị Việt cộng phục kích chết ở Lộc Ninh!
Đến sau ngày 30 thán tư 1975 tôi và Ân bị lưu đày nơi đất Bắc miền thượng du, đến năm 1979, bị trung Cộng đánh họ đưa các trại trên đó về miền trung du nhất là trại Tân Lập Vĩnh Phú, ở đây mấy năm sau, hai phân trại K2 và K3 phải ra Bến Ngọc gánh lá cọ về sửa nhà tình cờ gặp Ân chúng tôi mừng lắm, tôi hỏi Ân có biết tin về Diệu Hạnh không, Ân đáp: - Có, lần nào Kim Anh gởi quà Cô cũng cho tôi vài món chay như tương hột đậu phộng rang và một lá thơ ngắn mấy dòng, nguyện Đức Phật Gia hộ cho tôi và dặn rằng khi được thả về nhớ thăm chùa Kim Sơn!
Tôi đáp: tức là vào thăm cô phải không?
Ân nhìn tôi im lặng chỉ nở một nụ cười thật héo hắt!
Đến năm 1984 trại Vĩnh Phú thả nhiều đợt tù cải tạo, tôi và Ân được thả vào tháng bảy âm lịch, về đến nhà vào sáng rằm tháng bảy, mới 11 giờ trưa Ân sang nhà tôi rủ vào thăm chùa Kim Sơn, tôi bàn với Ân : - hôm nay là lễ Vu Lan Phật tử đông lắm cô Diệu Hạnh bận, sao tiếp chuyện với mình được, rồi chúng tôi hẹn nhau 7 giờ chiều sẽ đến.
Chiều hôm đó mưa lâm râm, đến chỗ nghĩa trang thì mịt mù, hai chúng tôi lần qua nghĩa trang xa xa bên trong có bóng một ni sư trẻ, chợt nghe có tiếng nói: “hai huynh về rồi hả? Ân nói nhỏ với tôi: hình như tiếng của Diêu Hạnh. Hai chúng tôi không trả lời. Ở phía trong nghĩa trang nói tiếp: Hai Huynh vào lễ Phật đi.
Chúng tôi đi mau đến sân chùa và vào ngay chánh điện, lúc đó chi có khoảng 15 người kể cả các ni sư. Chúng tôi ngồi sau cùng. Chừng 15 phút hết lễ, Ân và tôi liền gặp ni cô ngưng hầu chuông Ân hỏi: - sao không thấy cô Diệu Hạnh? Ni cô trả lời vội: Diệu Hạnh viên tịch gần một năm rồi!
Nghe như vậy xương sống tôi ớn lạnh, còn gương mặt Ân tái ngắt. Chúng tôi đi lần ra sau chánh điện thấy ảnh của cô Diêu Hạnh trên bàn vong nghi ngút khói hương. Lần đâu tiên tôi thấy Ân khóc thiệt! Ni cô trẻ vẫn đi sau lưng chúng tôi và nói: Diệu Hạnh được chôn cất trong nghĩa trang chùa mà hai huynh mới đi ngang qua…
Ngày 30 tháng 12 năm 2022
Hàn Thiên Lương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét